Chánh Văn và Giảng về 21 đức Tara theo dòng truyền thừa của đức A-ti-sa – [Commentaries on the 21 Taras’ Praises according the Atisa’s Lineage]
Reference for English Readers:
|
Tài Liệu Tham Khảo
- Sách này dựa trên các tài liệu tiếng Anh sau đây: Geshe Thubten Dawa, Luận Giải về bài Tán Dương 21 Tara, Fedor Stracke chuyển Anh ngữ <Ven. Geshe Thubten Dawa’s commentary>, thêm trích đoạn từ hai tài liệu: Khensur Rinpoche Lama Lhundrup, A Commentary on Praises to the Twenty-One Taras, (Amitabha Buddhist Centre, Singapore in 05/2005), và Lama Zopa Rinpoche, Instructions on Tara Meditation, (Tushita Retreat Centre, March 1986).
- Hình đức Tara được chụp từ thangka riêng của Thầy Geshe Dawa.
Chọn Trang:
21 trang ứng với 21 đức Tara.
– Trang 1: bao gồm phần Dẫn Nhập và Giải Thích Tóm Lược
– Trang 22: bao gồm chánh văn và luận giải của phần Lợi Ích.
Dẫn Nhập
Lama Zopa Rinpoche
Bài tán dương này phổ biến cho cả bốn tông phái Phật giáo Tây Tạng. Không chỉ có chư đại hành giả, đại du già, hay đại thành tựu giả, ngay cả người thường, ai nương vào đức Tara là đều được sự linh ứng thần tốc, thành tựu mọi phúc lạc mong cầu. Đức Tara là hiện thân của thiện hạnh Phật đà, làm lợi chúng sinh bằng cách ban cho mọi nguồn hạnh phúc nhất thời và vĩnh cữu, kể cả nguồn hạnh phúc tuyệt bậc của quả vị Phật. Quí vị phải thành Phật mới có khả năng độ chúng sinh thoát khổ và nguyên nhân tạo khổ, đưa chúng sinh vào địa vị chánh đẳng giác.
Quán tưởng đức Tara và tụng bài tán dương này cũng sẽ giúp quí vị dễ dàng thành tựu tâm đại bi của Phật. Tôn sư của Thầy từng dạy rằng màu xanh lá của thân nhiệm mầu của đức Tara là trạng thái thanh tịnh của phong đại của đức Phật Bất Không Thành Tựu. Trong năm bộ Thiền Phật, đức Bất Không Thành Tựu hiệu thân cho sự thành tựu, vì vậy đức Tara ban thành tựu vô cùng chóng vánh. Nhờ đức Tara mà Ngài Lama Atisa tạo được lợi ích lớn lao cho Phật Pháp và chúng sinh. Vậy quan trọng là phải có lòng tin tuyệt đối khi tụng bài xưng tán này. Không kể đến những thành tựu thế gian như đạt thân trời, thân người trong các kiếp tái sinh về sau, ngay cả vãng sinh vào tịnh độ, thành tựu cao nhất về tâm tôn kính đạo sư, thành tựu mọi nền tảng của mật pháp—tâm buông xả, tâm bồ đề và tri kiến tánh không—cùng hai giai đoạn Mật tông tối thượng du già, tất cả đều có thể đạt được nhờ thỉnh nguyện đức Tara.
Nếu đã thọ đại pháp quán đảnh Cittamani Tara (thuộc hệ Mật tông tối thượng du già), quí vị có thể tự khởi hiện thành đức Tara. Nếu chưa, hãy quán tưởng đức Tara phía trước mặt, giữa một khu vườn đẹp như tịnh độ Tara hay tịnh độ A Di Đà. Giữa hồ nước hiện ra đóa sen 21 cánh. Đức Tara thượng thủ ngồi giữa nhụy sen, xung quanh là hai mươi mốt đức Tara ngồi theo tuần tự chiều bên trái, bắt đầu từ đức Tara thứ nhất là đức Thần Tốc Uy Hùng. Theo mỗi câu kệ, hãy tưởng tượng từng luồng cam lồ ào ạt đổ xuống, tịnh sạch cho quí vị, hay cho thân nhân bằng hữu… bất kể là ai, vướng tật bệnh, kiện cáo hay bất cứ vấn đề khó khăn nào. Khi đọc đến hai chữ “Kính lạy,” hãy quán tưởng đức Tara ấy tách ra một bản sao, tan vào quí vị. Khởi niềm tin tưởng mạnh mẽ, rằng mình đã nhận được tất cả mọi đức tánh của đức Tara ấy nên bây giờ đủ khả năng tận diệt chướng ngại, đạt mọi thành tựu, từ kiếp hiện tiền cho đến tận quả vị Phật. Điểm này vô cùng trọng yếu. Khi gặp bất kỳ vấn đề nào, quí vị hãy ngừng ở đức Tara có khả năng tương ứng để tụng minh chú của Ngài. Đó là phương pháp trì chú để tự lợi và lợi tha. Xét cho cùng, không có vấn đề nào bài pháp này không có khả năng hàng phục. […] Hãy tưởng tượng đặt đỉnh đầu mình nơi bàn chân đưa ra của đức Tara, hai tay níu lấy chân Ngài mà đọc tụng bài tán dương này, từ đáy lòng sâu thẳm cất lời thỉnh cầu đức Tara.
༄༅། །ཨོཾ་རྗེ་བཙུན་མ་འཕགས་མ་སྒྲོལ་མ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ།།
OM JE TSÜN MA PHAG MA DRÖL MA LA CHAG TSHÄL LO
OM! Homage to the Venerable Arya Tara!
嗡尊者聖救度母我頂禮
OM – Tôn Đức Thánh Độ Mẫu Tara, con xin kính lễ
GIẢI THÍCH TÓM LƯỢC
Geshe Dawa
OM JE TSÜN MA PHAG MA DRÖL MA LA CHHAG TSHÄL LO
OM: đối tượng đảnh lễ là Phạn tự OM (ཨོཾ), phối hợp ba mẫu tự A, U và Ma, ứng với thân kim cang, khẩu kim cang, và ý kim cang của Phật.
Tiếng Phạn lấy mẫu tự A (ཨ) làm gốc, trên A thêm naro, thành O (ཨོ), trên naro thêm Ma, hình cái chấm, thành OM (ཨོཾ).
Vì OM hợp nhất ba mẫu tự nên cũng là sự hợp nhất của thân kim cang, khẩu kim cang và ý kim cang của Phật. Đây chính là đức Tara, nơi ta hướng về đảnh lễ.
JE: nguyên nghĩa là bậc thượng nhân tôn quí. Tara còn được gọi là Phật Mẫu, vì hành trạng giác ngộ và thị hiện thần biến của Ngài đã độ thoát vô số chúng sinh vào quả vị Phật.
TSUN-MA: ứng với bậc thanh tịnh trong pháp hành. Pháp hành nói ở đây là pháp hành của bồ tát sáu hạnh ba la mật và trang nghiêm tam tụ giới [thêm footnote]. Bậc thông tuệ đa văn thì gọi là học giả, bậc pháp hành thanh tịnh thì gọi là Tsun-pa, Tsun-ma.
PHAG-MA: nghĩa là thánh giả. Đức Tara siêu thoát hai cực đoan chấp luân hồi và chấp niết bàn. Nói chung, vị nào đạt quả giải thoát sinh tử, thoát chấp luân hồi thì gọi là thánh giả. Nhưng vì đức Tara từ trong đại định pháp Diệt vẫn không ngừng lợi ích chúng sinh nên ngài đồng thời thoát cả sự chấp nơi niết bàn.
DROLMA: là Tạng ngữ của Tara Phạn ngữ. Drolma nghĩa là đấng độ sinh. Có tên như vậy là vì ngài phổ độ vô lượng chúng sinh thoát cảnh khổ đau.
CHAGTSAL-LO: đảnh lễ với ba cửa thân khẩu và ý.
Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel
Chủ yếu câu đầu này nói rằng, “con xin đảnh lễ Mẹ của chư Phật Thế Tôn; là Thân Khẩu và Ý nhiệm mầu của mọi đấng Phật đà.” Nhớ đức Tara đồng bậc với mọi đấng Phật đà, nhớ thiện hạnh lợi sinh của Ngài nhanh hơn, chóng vánh hơn bất kỳ đức Phật nào khác, nhớ như vậy và đảnh lễ Ngài, bậc hội đủ mọi thiện đức nói trên.
Vì nhớ thiện đức của Thân Khẩu và Ý nhiệm mầu và thiện hạnh của tâm đại bi đại dũng toàn hảo của Ngài, chúng con chí thành quay về nương dựa trọn vẹn nơi đức Tara. Bao giờ có thể giữ được tâm mình với ý nghĩ này trong mọi lúc thì thật sự quá tuyệt vời.
- 21 Đức Tara: Chánh văn và luận giải
- Xưng Tán Gốc Tích:
1. Đức Thần Tốc Uy Hùng Độ Mẫu - Xưng Tán Báo Thân Từ Hòa:
2. Đức Đại Tịnh Độ Mẫu,
3. Đức Hoàng Kim Độ Mẫu,
4. Đức Trang Nghiêm Thắng Đảnh Độ Mẫu,
5. Đức Thuyết Hum Tự Độ Mẫu,
6. Đức Chiến Thắng Tam Giới Độ Mẫu,
7. Đức Phá Huyền Thuật Độ Mẫu - Xưng Tán Báo Thân Oai Nộ:
8. Đức Tiêu Ma Thù Độ Mẫu,
9. Đức Tam Bảo Hộ Úy Độ Mẫu,
10. Đức Hàng Ma Tam Giới Vương Độ Mẫu,
11. Đức Tiêu Bần Độ Mẫu,
12. Đức Thí Kiết Tường Độ Mẫu,
13. Đức Như Lửa Bừng Độ Mẫu,
14. Đức Nhíu Mày Oai Nộ Độ Mẫu - Xưng Tán Pháp Thân:
15. Đức Đại Tịnh Độ Mẫu - Xưng Tán Công Hạnh:
16. Đức HUM Linh Tự Độ Sinh Độ Mẫu,
17. Đức Chấn Động Tam Giới Độ Mẫu,
18. Đức Tiêu Độc Bệnh Độ Mẫu,
19. Đức Tiêu Tranh Chấp Ác Mộng Độ Mẫu,
20. Đức Tiêu Tật Dịch Độ Mẫu,
21. Đức Viên Thành Thiện Hạnh Độ Mẫu
- Xưng Tán Gốc Tích:
XƯNG TÁN GỐC TÍCH
1. NYURMA PALMO
– Swift Heroic Tara
– THẦN TỐC UY HÙNG ĐỘ MẪU
Minh Chú: OM TARE TUTTARE TURE WASHAM KURU SVAHA
༡ ༽ ཕྱག་འཚལ་སྒྲོལ་མ་མྱུར་མ་དཔའ་མོ།།
[1] CHHAG TSHÄL DRÖL MA NYUR MA PA MO
Homage! Tara, swift, heroic!
Kính lạy Tara, thần tốc uy hùng,
སྤྱན་ནི་སྐད་ཅིག་གློག་དང་འདྲ་མ།།
CHÄN NI KÉ CHIG LOG DANG DRA MA
Eyes like lightning instantaneous!
tia mắt chớp nhoáng như là tia chớp.
འཇིག་རྟེན་གསུམ་མགོན་ཆུ་སྐྱེས་ཞལ་གྱི།།
JIG TEN SUM GÖN CHHU KYE ZHÄL GYI
Sprung from op’ning stamens of the
Đấng Hộ Tam Giới trên mặt lệ rơi,
གེ་སར་བྱེ་བ་ལས་ནི་བྱུང་མ།།
GE SAR JE WA LÉ NI JUNG MA
Lord of three world’s tear-born lotus!
trổ thành đóa sen sinh ra Phật bà.
Lama Zopa Rinpoche
Đức Thần Tốc Uy Hùng màu đỏ. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bảo bình đỏ ban cho năng lực làm chủ.
Geshe Dawa
Ngài ngồi tòa sen thứ nhất trên đài mặt trăng. Sắc đỏ, một mặt, hai tay. Tay phải kết ấn thí thành tựu, cầm bình cam lồ làm cô đọng năng lực. Tay trái kết ấn Tam Qui, cầm một đóa ưu đàm nở rộ.
Thân Ngài trang nghiêm nhiều phẩm trang điểm như vương miện, đẹp ngời thượng y hạ y, đầy đủ mọi tướng hảo chánh phụ của một đấng báo thân. Ngài ngồi chân phải duỗi ra chân trái co lại, giữa một vùng hào quang tỏa rạng, với chủng tự OM nơi đầu, AH nơi cổ, và HUM nơi tim.
Ấn thí nguyện nơi bàn tay phải của Ngài hàm ý ban mọi thành tựu thế gian và xuất thế. Ấn Tam Qui nơi bàn tay trái hàm ý chở che hộ trì cho chúng sinh thoát trăm nỗi hiểm họa kinh hãi cõi luân hồi.
Vì tánh đức của chư giác giả ngang bằng như nhau, nên đức Tara không khác gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng là chốn qui y của chúng sinh, cùng là hiện thân của Phật Pháp và Tăng.
Cứu Độ, vì Ngài độ chúng sinh thoát khổ sinh tử.
Thần Tốc, vì thiện hạnh giác ngộ của Ngài đặc biệt chóng vánh.
Uy Hùng, vì Ngài hàng phục toàn bộ Tứ Ma [ma phiền não, ma chết, ma ngũ ấm và Thiên ma]
Mắt tuệ phi phàm của Ngài chỉ trong một tia mắt chớp nhoáng có thể nhìn xuyên suốt cõi sinh tử. Chúng ta nhìn bằng mắt phàm, mỗi lúc chỉ có thể thấy được một ít, muốn thấy nhiều hơn phải nhìn quanh. Nhưng mắt tuệ phi phàm của đức Tara có thể nhìn thấu suốt toàn bộ cõi sinh tử chỉ trong một tia nhìn chớp nhoáng.
Ngài sinh ra từ lòng nhụy sen bát ngát, trổ từ giọt nước mắt của đức Quan Thế Âm, đấng Hộ Trì Tam Giới [1].
Đức Quan Thế Âm, sau khi độ thoát hàng trăm triệu chúng sinh, nhìn lại xem sót lại nhiều ít, chẳng ngờ thấy ra chúng sinh trong luân hồi hãy còn nhiều vô số kể. Ngài đau lòng bật khóc, nước mắt rơi xuống mặt đất, giọt đầu tiên trổ thành đóa sen, từ đó hiện ra đức Tara. Đức Tara thưa với đức Quan Thế Âm: “Xin đừng bận tâm, từ nay tôi sẽ giúp Ngài độ chúng sinh thoát khổ cho đến khi luân hồi diệt tận.”
Câu kệ này tán dương đức Tara qua câu chuyện gốc tích của Ngài.
Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel
Nay các bạn đã biết gốc tích của đức Tara. Theo truyền thuyết, đức Tara sinh ra từ giọt lệ của đức quan Thế Âm. Khi đóa sen nở ra, đức Tara cất tiếng nói rằng “Tôi sẽ giúp độ thoát tất cả chúng sinh.” Đức Tara nói, “chỉ cần nhớ đến tên ta, tụng minh chú và nhớ nghĩ đến ta là tịnh được ác chướng, thoát mọi sợ hãi và khổ đau, sớm vượt sinh tử luân hồi.”
Nhờ nương đức Tara, thọ mạng cũng sẽ tăng. Nếu muốn trường thọ thì phải nương theo đức Tara. Có nhiều bậc đại đạo sư trong quá khứ lúc đầu đời thọ mạng ngắn ngủi, nhờ nương đức Tara, tu pháp Tara, có được linh kiến đức Tara, nhờ đó sống rất lâu. Có nhiều trường hợp các bậc thánh giả kéo dài thọ mạng nhờ tu đức Tara.
Như đã nói, các đại đạo sư xứ Ấn trong quá khứ đã nương vào đức Tara. Chư đạo sư đầu tiên ở Tây tạng, chư đại đạo sư dòng Kadampa, tất cả cũng đều nương vào đức Tara. Sơ Tổ Lama Tsongkhapa cùng chư tổ dòng truyền thừa của Ngài cho đến tận ngày nay cũng đều nương vào đức Tara làm đấng Bổn tôn.
Ngài Dromtönpa, đại đạo sư dòng Kadampa, từ trong linh kiến đã gặp đức Tara nói với Ngài rằng, “Ta sẽ đích thân nâng đỡ và trợ giúp cho tất cả đệ tử dòng Kadampa.” Chúng ta là đệ tử của Lama Tsongkhapa, cũng thuộc về dòng truyền thừa Kadampa này, vậy chúng ta chính là đối tượng mà đức Tara đã phát nguyện hộ trì. Nếu hết lòng tin tưởng nương dựa vào đức Tara, chắc chắn sẽ linh ứng. Đây là lời giải thích ngắn gọn về gốc tích của đức Tara.
[1] Tam thế giới: thế giới loài rồng; thế giới loài người; thế giới loài trời —Khensur Rinpoche Lama Lhundrup Rinsel.
___ || Trang sau >>>