Milarepa Trăm Ngàn Bài Ca: 1: CÂU CHUYỆN THUNG LŨNG HỒNG THẠCH NGỌC

– Extract from The Hundred Thousand Songs of Milarepa, first story: “The Tale of Red Rock Jewel Valley”
Tác Giả – Author: Milarepa
– Việt ngữ: Hồng Như Việt dịch – Vietnamese only
Điều kiện – Prerequisites: Mọi người đều có thể đọc – Everyone can read

 

Đệ tử đảnh lễ hết thảy chư tôn sư

Có một lần đấng đại hành giả Milarepa về trú tại Ưng Điện nơi Thung Lũng [Hồng Thạch] Ngọc, miên mật thâm nhập chánh định Đại Thủ Ấn. Gặp lúc đói lòng, ngài định nấu chút món ăn, nhưng nhìn lại mới thấy trong động trống trơn không còn gì, không nước, không củi, đừng nói gì đến muối, dầu hay bột. “Xem ra ta đã quá bê bối rồi!” ngài tự nhủ, “phải ra ngoài nhặt ít củi thôi.”

Ngài ra khỏi động. Nhưng vừa mới nhặt được vài nhánh củi khô thì trời bỗng nhiên nổi cơn bão lớn, gió thổi bay cả củi, rách cả y. Ráng níu y lại thì củi bị gió cuốn. Ráng ghì củi lại thì y theo gió bay. Đức Milarepa tự nghĩ, “mặc dù ta hành trì theo Phật pháp và sống nơi hoang tịch đã lâu, thế nhưng ngã chấp vẫn chưa diệt! Ngã chấp không diệt thì tu để làm gì? Gió muốn thổi bay củi cứ thổi, muốn cuốn rách y cứ cuốn!” Nghĩ vậy, ngài không giữ lại nữa. Nhưng vì quá yếu do thiếu ăn nên khi gió lại nổi lên thì ngài không còn đủ sức cầm cự, ngã xuống bất tỉnh.

Đến khi hồi tỉnh, cơn bão đã qua. Cao cao trên đầu nhánh cây hãy còn vạt y rách phất phơ trong gió nhẹ. Thật phù du vô nghĩa làm sao, sự việc trong cõi thế gian này, lòng ngài sâu thẳm ngập tràn nỗi chán ngán sinh tử. Ngài ngồi xuống một tảng đá, thêm một lần nữa, thâu thần nhập định.

Chẳng mấy chốc, một cụm mây trắng nổi lên từ thung lũng Dro Wo xa về hướng Đông. “Dưới áng mây kia là ngôi chùa của Ân Sư, đức Marpa đại dịch giả,” Milarepa thốt lên lời cảm khái, “ngay lúc này đây, sư phụ và sư mẫu hẳn đang truyền quán đảnh và khai thị hành trì cho chư huynh đệ. Đúng là Ân sư đang ở nơi ấy. Nếu bây giờ có thể đến ngay, chắc chắn sẽ được gặp.” Nỗi niềm mong ngóng thiết tha vô bờ dấy lên trong tim đức Milarepa. Hai mắt tràn lệ, ngài cất lời hát lên bài ca “Tưởng Nhớ Ân Sư”:

Khi con nhớ đến Thầy,
đức Marpa từ phụ,
lòng vơi hẳn khổ đau.
Con là kẻ hành khất,
nay kính dâng Ân sư
bài ca thiết tha này.

Trên đầu Thung Lũng Ngọc,
xa xa về hướng Đông,
phiêu diêu cụm mây trắng,
bên dưới, như voi chồm,
có một tòa núi lớn;
cạnh bên, như hổ phóng
thêm chóp núi hiện ra.

Nơi thung lũng Dro-wo,
trong chùa, nơi chánh điện,
có pháp tòa bằng đá.
Vị nào ngự bên trên?
Có phải đó chính là
Marpa đại dịch giả?
Nếu đúng là Ân sư,
lòng con mừng vô hạn.
Dù tôn kính còn thiếu,
con vẫn muốn thấy Thầy.
Dù tín tâm còn yếu,
con vẫn muốn gặp Thầy.
Càng thiền định càng thấy
thiết tha mong ngóng Thầy.

Sư mẫu Dag-mê-ma
có đang ở cạnh bên?
Ơn sư mẫu với con
sâu nặng hơn mẹ hiền.
Nếu bà đang ở đó,
lòng con mừng biết bao.
Dù đường xa vạn dặm,
con vẫn muốn thấy bà.
Dù cheo leo hiểm trở,
con vẫn muốn gặp bà.
Càng thiền quán càng thấy
tâm tưởng nhớ đến Thầy.
Càng thiền định càng thấy
tâm tưởng nhớ Ân sư.

Lòng vui sướng biết bao
nếu được về cùng ngồi.
Thầy có khi đang truyền
đại pháp Hê-vai-ra.
Dù tâm con ngu độn,
con vẫn muốn được học.
Dù tâm đầy vô minh,
con vẫn mong được tụng.
Càng thiền quán càng thấy
tâm tưởng nhớ đến Thầy.
Càng thiền định càng thấy
tâm tưởng nhớ Ân sư.

Giờ này có khi Thầy
đang truyền tứ quán đảnh
của dòng tu nhĩ truyền.
Nếu được về cùng ngồi,
lòng con mừng biết bao.
Dù công đức không đủ,
con vẫn muốn thọ pháp.
Dù nghèo không phẩm cúng,
con vẫn thiết tha mong.
Càng thiền quán càng thấy
tâm tưởng nhớ đến Thầy.
Càng thiền định càng thấy
tâm tưởng nhớ Ân sư.

Giờ này có khi Thầy
đang khai thị hành trì
sáu pháp Naropa.
Nếu được về cùng ngồi,
lòng con mừng biết bao.
Dù tinh tấn còn thiếu,
con vẫn cần được học.
Dù kiên trì không đủ,
con vẫn muốn được tu.
Càng thiền quán càng thấy
tâm tưởng nhớ đến Thầy.
Càng thiền định càng thấy
tâm tưởng nhớ Ân sư.

Huynh đệ từ Weu, Tsang
có thể đang ở đó.
Nếu đúng là như vậy,
lòng con mừng biết bao.
Dù thành tựu thua kém,
con vẫn muốn so tài.
Dù nhờ lòng sâu thẳm
tin tưởng và tôn kính,
con chưa từng xa Thầy,
nhưng bây giờ con đây
mỏi mòn mong gặp mặt.
Nỗi thiết tha ngóng đợi
khiến con như hấp hối.
Nỗi khốn khổ lớn lao
khiến cơ hồ tắt thở.
Nguyện Ân sư tôn quí
xoa dịu cơn đau này.

Đức Milarepa chưa kịp dứt tiếng thì đức tôn quí Jetsun Marpa đã hiện ra trên cụm mây ngũ sắc tựa dãi áo năm màu, diện mục uy nghi, hào quang rực sáng, cưỡi lưng sư tử yên cương lộng lẫy, đến gần đức Milarepa.

“Này Đại Thuật Sĩ, con trai ta ơi,” ngài hỏi, “vì đâu con lại sâu xa xúc động mà gọi ta với lời ca tuyệt vọng như thế? Vì sao vất vả đến thế? Chẳng phải con đã có được niềm tin vững chắc nơi Thầy và nơi Phật hay sao? Hay là ngoại cảnh đã khiến con động niệm ? Hay là tám ngọn gió chướng đã thổi vào trong hang động của con? Phải chăng nỗi lo âu ngóng đợi đã làm con hao mòn nghị lực? Chẳng phải con đã nguyện không ngừng phụng sự đạo sư và Tam Bảo hay sao? Chẳng phải con đã hồi hướng tất cả về cho chúng sinh sáu cõi hay sao? Chẳng phải chính con đã đạt được chứng địa, nơi có thể thanh tịnh nghiệp chướng, tích lũy công đức hay sao? Bất kể vì lý do nào, con phải vững tin rằng Thầy và con không bao giờ phân lìa. Vậy con cứ hãy vì đạo pháp và vì chúng sinh mà tiếp tục tọa thiền.”

Lòng tràn cảm hứng trước linh kiến tươi vui này, đức Milarepa cất tiếng hồi âm:

Diện kiến đức Ân sư,
nghe được tiếng lời Thầy,
con là kẻ hành khất
nghe khí cuộn trong tim.
Nhớ giáo pháp Thầy dạy,
lòng tôn kính dâng đầy.
Lực gia trì của Thầy
từ hòa rót trong con,
Tiêu tan mọi niệm khởi.

Bài ca con thiết tha
“Tưởng Nhớ Đấng Đạo Sư”
hẳn đã đến tai Thầy,
đấng Ân sư tôn quí,
Nhưng sao tâm con vẫn
Còn tăm tối thế này?
Nguyện tôn sư thương xót
che chở dùm cho con!

Lòng tôn kính bất khuất
là phẩm cúng quí nhất
dành dâng hiến Ân sư;
để làm vui lòng Thầy,
hay nhất là nhẫn nại
kiên trì trong pháp hành;
một mình trong hang động
là cách cao quí nhất
phụng sự đà kì ni;
hiến thân cho Diệu Pháp
là việc làm tốt nhất
để phụng sự Phật Pháp;
vậy, trọn đời tu thiền,
gánh vác khổ chúng sinh.
Biết quí bệnh và chết,
đây là lực gia trì
nhờ đó tịnh ác nghiệp.
Khước từ thực phẩm cấm
sẽ giúp ta đạt được
thành tựu và giác ngộ.
Để đền ơn từ phụ
con xin luôn miên mật
hết thiền rồi lại thiền.

Lạy bổn sư của con
nguyện xin Thầy giữ gìn
Cho kẻ hành khất này
vững trú nơi thanh tịnh.

Lòng đầy sảng khoái, đức Milarepa sửa y áo và ôm nhúm củi quay về hang động. Về đến nơi, ngài giật mình thấy trong hang có năm con quỉ Ấn, mắt to bằng cái chén. Một con ngồi trên giường thuyết pháp, hai con ngồi nghe pháp, một con đang nấu nướng để cúng dường thực phẩm, và một con nữa đang mở sách đọc.

Định thần lại, đức Milarepa tự nghĩ, “đây chắc là do chư hộ thần sở tại biến hiện mà có, họ bất mãn với ta chăng? Mặc dù ta ở đây đã lâu, nhưng chưa từng thí thực hay ngợi khen gì họ cả.” Nghĩ vậy ngài cất tiếng hát bài “Xưng Tán Ca dành cho chư Hộ Thần tại Thung Lũng Hồng Thạch Ngọc”

Nơi lan nhã này,
lều của tôi đây,
là nơi khiến cho
chư Phật hoan hỉ,
là nơi trú của
chư thành tựu giả,
và cũng là nơi
tôi ở một mình.

Trên đầu thung lũng
Hồng Thạch Ngọc này,
Mây trắng dịu bay,
Bên dưới sông Tsang
êm đềm cuộn chảy,
ở giữa đất trời
chim soải cánh bay

Ong mật vo ve
trong lòng nhụy hoa
say trong hương ngọt;
chim muông sà lượn
trên những nhánh cây,
rót đầy không gian
bài ca thánh thót.

Ở trong thung lũng
Hồng Thạch Ngọc này,
chim sẻ tập bay,
khỉ vượn chuyền, nhảy,
thú rừng rượt đuổi,
còn tôi ngồi tu
hai tâm bồ đề
vui cùng pháp định.

Hết thảy quỉ ma,
loài không phải người,
đều là bạn của
Milarepa.
Xin mời uống nước
cam lồ từ bi
thỏa thuê rồi hãy
quay về trú xứ.

Nhưng mấy con quỉ Ấn không biến mất mà lại trợn mắt nhìn đức Milarepa. Hai con tiến tới, một con nhăn mặt cắn môi dưới, con kia nghiến răng rùng rợn. Con thứ ba đến phía sau lưng, nở rộ tràng cười tinh quái rồi hét lớn, chúng làm đủ bộ dạng và hành động quái gỡ, chỉ muốn làm cho đức Milarepa phải kinh sợ.

Đức Milarepa biết rõ ý đồ của bọn chúng nên ngài bắt đầu tác pháp Phật Hung Nộ đầy oai lực. Chúng vẫn không đi. Ngài lại thuyết về tâm đại bi cho chúng nghe; chúng vẫn ở lì.

Rốt lại, đức Milarepa bảo rằng: “nhờ ơn đức Marpa mà ta đã chứng biết vạn pháp đều do tâm, ngay chính tâm này cũng là không. Vậy những thứ kia liệu có ích gì. Lại từ cảnh giới bên ngoài mà tìm cách dẹp tà ma quấy nhiễu, chẳng phải đã quá ngu xuẩn hay sao!

Nói vậy rồi, ngài hiên ngang cất tiếng hát bài “Chứng Đạo Ca”:

Bổn sư Từ phụ
hàng phục Tứ ma,
đệ tử kính lễ
Marpa dịch giả.

Ta, như ngươi thấy
là người có tên,
là con trai của
Darsen Gharmo,
vua sư tử tuyết.
Nằm trong lòng thai,
dưỡng ba khí đạo.
Đương tuổi ấu thời,
ta ngủ trong nôi.
Đương tuổi thiếu thời,
ta nhìn bậu cửa.
Đương tuổi trưởng thành,
trú ở núi cao.
Cho dù núi tuyết
bão tố kinh hoàng,
ta vẫn không sợ.
Cho dù vực thẳm
cheo leo hiểm trở,
ta vẫn không lo.

Ta, như ngươi thấy,
là người có tên,
là con trai của
chim kim sí điểu
vua của loài chim.
Nằm trong lòng trứng,
dưỡng đủ lông cánh.
Đương tuổi ấu thời,
ta ngủ trong nôi;
đương tuổi thiếu thời,
ta nhìn bậu cửa;
đương tuổi trưởng thành,
lượn giữa trời cao.
Cho dù bầu trời
bao la cao rộng,
ta vẫn không sợ.
Cho dù đường bay
dốc đứng nhỏ hẹp,
ta vẫn không lo.

Ta, như ngươi thấy,
là người có tên,
là con trai của
Nya Chen Yor Mo,
vua của loài cá.
Từ trong lòng thai,
tròn đôi mắt vàng.
Đương tuổi ấu thời,
ta ngủ trong nôi.
Đương tuổi thiếu thời,
ta siêng tập bơi.
Đương tuổi trưởng thành,
vẫy vùng biển rộng.
Cho dù phong ba
sóng gầm điện chớp,
ta vẫn không sợ.
Cho dù lưỡi câu
kín giăng mọi nẻo,
ta vẫn không lo.

Ta, như ngươi thấy,
là người có tên,
là con trai của
tổ sư truyền thừa
dòng tu Kagyu.
Từ trong lòng thai,
ta dưỡng tín tâm.
Đương tuổi ấu thời,
bước vào cửa Pháp.
Đương tuổi thiếu thời,
học tập pháp Phật.
Đương tuổi trưởng thành,
một mình trong hang.
Cho dù tà ma,
quỉ dữ trăm vạn,
ta vẫn không sợ.

Móng sư tử tuyết
đâu thể cóng lạnh,
bằng không sao gọi
là sư tử vương,
Đầy đủ tất cả
ba lực tuyệt hảo!

Cánh kim sí điểu
đâu thể nào rơi!
Bằng không chẳng phải
là điều phi lý?

Khối thép tinh luyện
đâu thể dùng đá
để mà đập vỡ,
bằng không phí công
luyện sắt làm gì!

Ta là Mila,
không sợ tà ma
chẳng sợ ác quỉ.
Nếu như ma quỹ
có thể khiến cho
Mila hoảng sợ,
vậy thì chứng đắc
giác ngộ làm gì?

Này ma này quỉ
thù hận Diệu Pháp,
hôm nay ta xin
hoan hỉ đón mời.
Hãy ở lại đây,
đừng vội ra về,
cùng ta thảo luận
cùng mở cuộc chơi.
Muốn đi cũng hãy,
nán lại đêm nay.
Hãy cùng nhau lấy
pháp trắng pháp đen
mang ra chọi thử
xem phe nào thắng.
Trước khi đến đây
chúng bây đã nguyện
phá ta cho được,
thật là nhục nhã
nếu việc chưa thành
đã vội tháo lui.

Đức Milarepa vươn dậy đầy tự tín, xông thẳng vào đám ma quỉ trong hang. Kinh hãi, chúng co rúm lại, mắt trợn tuyệt vọng, thân run lẩy bẩy. Rồi cuộn lại với nhau như dòng nước xoáy, chúng nhập lại làm một rồi biến mất.

“Đây là Quỉ Vương, Vinayaka Kẻ Gây Ác Chướng, đến tìm cơ hội để gieo tai họa, “ đức Milarepa tự nghĩ. “Cơn bão cũng vậy, nhất định là do hắn tạo nên. Nhờ lòng từ ái của Ân sư mà tà ma không ám hại được ta.”
Sau việc này, đức Milarepa tu tập tiến bộ vượt bực.

Đây là câu chuyện quỉ Vương Vinayaka tấn công; câu chuyện này có ba tầng ý nghĩa khác nhau, và vì vậy mà câu chuyện này có tên gọi là “Sáu Cách Tưởng Nhớ Ân Sư,” cũng gọi là “Câu Chuyện Thung Lũng Hồng Thạch Ngọc”, hay là “Câu Chuyện Milarepa Nhặt Củi.”

hồng như chuyển việt ngữ, 2013

image_pdfimage_print