Lược Dẫn & Cuốn 1 | Cuốn 2 | Cuốn 3 | Cuốn 4 | Cuốn 5 | Cuốn 6 | Cuốn 7 | Phẩm Phổ Hiền | Kinh Pháp Hoa Toát Yếu |
[9]
KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp)
Phần CHÍNH VĂN
Tỷ kheo Thích Trí Quang dịch
SAO LỤC 2: TOÁT YẾU PHÁP HOA
Lời dẫn
Phẩm 1: Mở đầu
Phẩm 2: Phương tiện
Phẩm 3: Ví dụ
Phẩm 4: Tin Hiểu
Phẩm 5: Cây cỏ
Phẩm 6: Thọ ký
Phẩm 7: Tương quan xa xưa
Phẩm 8: Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký
Phẩm 9: Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất
Phẩm 10: Người diễn giảng Pháp Hoa
Phẩm 11: Bảo tháp xuất hiện
Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
Phẩm 13: Kính giữ Pháp Hoa
Phẩm 14: Sống yên vui 804
Phẩm 15: Từ đất xuất hiện
Phẩm 16: Sự sống lâu của đức Thế Tôn. 817
Phẩm 17: Phân tích thành quả
Phẩm 18: Thành quả tùy hỷ
Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa
Phẩm 20: Bồ tát Thường Bất Khinh
Phẩm 21: Sức Thần Của Đức Thế Tôn
Phẩm 22: Giao Phó Trọng Trách
Phẩm 23: Việc Cũ Của Bồ Tát Dược Vương
Phẩm 24: Bồ tát Diệu Âm
Phẩm 25: Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện
Phẩm 26: Tổng trì minh chú
Phẩm 27: Việc cũ của Diệu Trang Nghiêm Vương
Phẩm 28: Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền
Lời dẫn
Tiểu phẩm này đáng lẽ gọi là lược dịch, nhưng có mấy chỗ không là như vậy nên phải để chữ toát yếu. Lược dịch và toát yếu ở đây là lấy ý chính, ý quan trọng, và sự thể chủ yếu. Do vậy, ở đây chỉ toát lược văn mà thôi.
Tiểu phẩm này nên đọc trước khi đọc tụng chính văn hoặc đọc trước hay sau khi đọc lược giải. Nhất thiết không có cái việc tụng tiểu phẩm này thay cho chính văn. Tụng sau khi tụng chính văn thì được.
Phật đản 2542 (1998)
Trí Quang
_________
TOÁT YẾU PHÁP HOA
Phẩm 1: Mở đầu
Kinh này tôi nghe đức Thế Tôn tuyên thuyết trong thì gian ngài ở trong đỉnh Linh sơn, thuộc thành Vương xá. Cùng hiện diện là một đại hội có chúng đại tỷ kheo gồm nhiều vị La hán, nhiều vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất, nhiều vị tỷ kheo ni; có chúng đại bồ tát gồm rất nhiều vị. Ngoài ra, 8 bộ phi nhân loại và 4 chúng nhân loại cũng qui tụ đông đủ.
Đại hội các chúng như vậy đảnh lễ và ngồi quanh đức Thế Tôn. Ngài tuyên thuyết kinh Nghĩa Vô Lượng, rồi nhập định Vị trí của nghĩa vô lượng, và từ tướng bạch hào phóng ra ánh sáng, chiếu qua nhiều thế giới hệ ở chính đông, làm cho cả đại hội thấy sự huy hoàng của các thế giới hệ ấy, thấy hết các chủng loại chúng sinh làm gì và được gì hay bị gì, thấy chư vị Thế Tôn và nghe Pháp của các ngài nói, thấy chư vị bồ tát đủ cách đi theo đường đi của bồ tát.
Bấy giờ đức Di Lạc hỏi đức Văn Thù, tại sao đức Thế Tôn biểu hiện như vậy, và kết thúc rằng đức Thế Tôn muốn nói cái Pháp mà ngài chứng ngộ khi mới ngồi nơi bồ đề tràng, hay muốn thọ ký làm Phật cho đệ tử của ngài? Đức Văn Thù nói, đó là điềm đức Thế Tôn sẽ nói cái Pháp vĩ đaị. Vì như tôi biết, đức Nhật Nguyệt Đăng Minh Thế Tôn cuối cùng, trong nhiều vị kế tiếp nhau và cùng danh hiệu, đã từng làm như vậy. Nên đức Thế Tôn hiện nay phóng hào quang lớn là đế hỗ trợ cho sự phát lộ thật tướng—Ngài sẽ tuyên thuyết Pháp Hoa, giải trừ hoài nghi cho mọi người cầu tuệ giác Thanh văn, tuệ giác Duyên giác, tuệ giác Phật đà.
_____
Phẩm 2: Phương tiện
Khi ấy đức Thế Tôn thung dung xuất định, nói với đại hội qua tôn giả Xá Lợi Phất, rằng từ chư vị Như Lai, Như Lai đã thực hành trọn vẹn các pháp của tuệ giác vô thượng, nên tuệ giác ấy của Như Lai thì Thanh văn Duyên giác Bồ tát đều không thể thấu triệt. Do tuệ giác ấy mà Như Lai thành tựu sự hiếm có bậc nhất, đó là tùy nghi thuyết pháp, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mọi sự vướng mắc. Như Lai tùy nghi thuyết được như vậy là vì tuệ giác của Như Lai (tức Phật tri kiến: sự thấy biết của Phật) thì đủ mọi phẩm chất: 4 tâm vô hạn, 4 trí thông suốt, 10 đại năng lực, 18 sự đặc biệt, 4 sự không sợ, 4 thiền, 4 định, 8 sự giải thoát, 3 pháp tam muội… Do vậy, chỉ có Như Lai, và chư vị Như Lai, mới cùng tận và tuyên thuyết về thật tướng: biểu hiện như vậy, đặc tính như vậy, bản thể như vậy, năng lực như vậy, động tác như vậy, nhân tố như vậy, duyên tố như vậy, kết quả như vậy, hình thành như vậy, toàn bộ như vậy. Nên nguyên tắc của Như Lai là sau cùng phải nói thật, rằng niết bàn mà Như Lai làm cho Thanh văn Duyên giác đạt được, niết bàn ấy chỉ do Như Lai tùy nghi thuyết ra ba cỗ xe, làm cho chư vị trước đây đã thoát khỏi sự vướng mắc vào sinh tử khốn khổ, và nay đây sẽ thoát khỏi sự vướng mắc vào niết bàn giả thiết.
*
Lời này của đức Thế Tôn làm cho các vị La hán rơi cả vào sự hoài nghi. Chính tôn giả Xá Lợi Phất cũng hoài nghi tuệ giác của mình: đã cứu cánh hay phải tu hành nữa? Tôn giả thỉnh cầu đức Thế Tôn giải thích cho về lời ngài đã dạy. Sau ba lần thỉnh cầu, đức Thế Tôn mới chấp thuận thì có nhiều vị tăng thượng mạn, vẫn tự cho niết bàn của mình là đã hoàn toàn, nên lạy đức Thế Tôn mà rời khỏi đại hội. Đức Thế Tôn không ngăn cản. Ngài nói những hạt lép đã tự loại. Đại hội nay toàn là hạt chắc. Chư vị hãy khéo nghe. Như Lai, và chư vị Như Lai, chỉ vì lý do duy nhất và trọng đại mà xuất thế, ấy là khai mở và chỉ thị sự thấy biết của Phật cho chúng sinh tỉnh ngộ và nhập vào—có nghĩa chỉ đem cỗ xe Phật đà mà hóa độ.
Thế nhưng Như Lai xuất hiện vào thời kỳ dữ dội, đầy cả 5 thứ vẩn đục, chư vị và chúng sinh lại vốn ham dục lạc nên bị khốn khổ tác loạn. Như Lai nếu chỉ nói, và nói liền, về cỗ xe Phật đà, thì không nhờ vậy mà chư vị và chúng sinh được hóa độ. Do đó, y như chư vị Như Lai đã khuyến cáo khi Như Lai mới hoàn thành tuệ giác vô thượng, Như Lai quan sát trình độ và đạo hạnh của chư vị và chúng sinh mà tùy nghi thuyết ra cỗ xe Thanh văn và cỗ xe Duyên giác, phương tiện tuyên ngôn chư vị chứng được niết bàn, và nhờ vậy mà chư vị được hóa độ. Rồi có vô số con Phật là các vị Bồ tát, trong số đó có chính chư vị nhưng ngày nay đã có thể chuyển biến, biết tìm đến Như Lai, vì quyết chí tìm cầu và lắng nghe về tuệ giác của Như Lai. Thế nên ngày nay Như Lai hoan hỷ hết sức, tuyên thuyết Pháp Hoa mà nói thẳng về cỗ xe Phật đà, công bố chư vị—Thanh văn La hán—sẽ được làm Phật cả.
Như vậy là, sự thật, Như Lai chỉ hóa độ chư vị và chúng sinh bằng cỗ xe Phật đà, vì 9 thể loại kinh pháp Như Lai nói trước đây đều lấy cỗ xe Phật đà làm căn bản; vì Như Lai vốn lập chí nguyện làm cho ai cũng như Như Lai; vì mục đích Như Lai xuất thế là để công bố sự thấy biết của Phật đà; vì Như Lai tự đi bằng cỗ xe Phật đà thì cũng đem cỗ xe ấy mà chở chư vị và chúng sinh; vì cỗ xe Thanh văn và cỗ xe Duyên giác chỉ là Như Lai thiện dụng danh từ mà giả thiết; vì phải thể hiện nguyên lý “các pháp thường tự vắng lặng”, đi trọn đường đi của Bồ tát và trở thành Phật đà, mới thật là niết bàn; vì chư vị Như Lai trong 3 thì gian của 10 phương quốc độ đều nói chỉ cỗ xe Phật đà là thật; vì từ chư vị Như Lai quá khứ, những ai biết nói một tiếng con tôn kính Phật hay biết hiến cúng Phật bằng một cái cúi đầu, và bao sự đồng đẳng như vậy, thì do cái “giống Phật” này mà rồi ra đã thành Phật tất cả; vì chính Như Lai cũng làm như chư Phật trong ba thì gian, áp dụng phương tiện tuyên thuyết cỗ xe Thanh văn và cỗ xe Duyên giác, rồi cuối cùng, ngày nay tuyên thuyết cỗ xe Phật đà; vì tất cả Thanh văn La hán “ai nấy cũng sẽ được làm Phật cả”.
Như Lai và chư vị Như Lai tuyên thuyết cỗ xe Phật đà là vì biết giống Phật cũng phát từ các yếu tố, vì biết giống Phật ấy bản thể là thường trú. Và đó là ấn tín thật tướng của Như Lai mà, cuối cùng, ngày nay Như Lai mới công bố.
Ấy vậy, chư vị phải nhận thức sự tùy nghi thuyết pháp của Như Lai, và “hãy vui mừng lên khi tự biết chắc mình sẽ làm Phật”.
________
Phẩm 3: Ví dụ
Khi ấy tôn giả Xá Lợi Phất tức thì đứng dậy mà bạch đức Thế Tôn, ngài đã làm cho con hết hoài nghi không được thọ ký như Bồ tát, hết hối tiếc không được thành quả như Thế Tôn. Con biết ngài tùy nghi thuyết ra cỗ xe Thanh văn và cỗ xe Duyên giác là để tạo phương tiện cho ngày nay, cuối cùng, thuyết về cỗ xe Phật đà, làm cho các chúng sẽ được làm Phật cả. Và biết con thật là con Phật, biết phải đến lúc làm Phật, đủ 32 tướng, 4 chúng 8 bộ đều tôn kính, bấy giờ mới được gọi là niết bàn.
Khi mới nghe đức Thế Tôn nói sự niết bàn của Thanh văn La hán chỉ là giả thiết thì con cả sợ, nghĩ đây là ma hóa ra Phật để quấy rối chúng con. Nhưng rồi lòng con yên như biển cả khi nghe đức Thế Tôn nói chư vị Thế Tôn quá khứ và vị lai đều áp dụng phương tiện, tùy nghi mà thuyết pháp. Ngài cho biết ngài cũng dùng phương tiện giáng sinh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, và cả sự nhập niết bàn sau này, mà công bố con đường đích thực. Tiếng nói của ngài làm cho con đứng vững trong sự biết chắc mình sẽ làm Phật, chư thiên nhân loại đều tôn kính, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp tối thượng, giáo hóa chư vị bồ tát.
Đức Thế Tôn nói, Xá Lợi Phất, xưa kia Như Lai đã dạy cho tôn giả phát nguyện mong cầu tuệ giác Phật đà, vậy mà tôn giả quên hết. Ngày nay Như Lai muốn làm cho tôn giả nhớ lại cái nguyện ấy, và đường đi của cái nguyện ấy, nên tuyên thuyết Pháp Hoa, thọ ký làm Phật cho chư vị. Xá Lợi Phất, trong thì vị lai, tôn giả trải qua nhiều thời kỳ, phụng sự nhiều vị Như Lai, kính giữ chánh pháp của các ngài, đi trọn đường đi của bồ tát rồi, sẽ được thành Phật với danh hiệu Hoa Quang, đủ 10 đức hiệu: bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời. Quốc độ tên Ly cấu, đẹp, sạch, yên vui, nhân loại và chư thiên đều đông đảo. Hoa Quang Như Lai xuất thế không phải thời kỳ dữ dội, nhưng vì chí nguyện xưa nên cũng tuyên thuyết đủ cả 3 cỗ xe. Thời kỳ của Hoa Quang Như Lai tên là Đại bảo trang nghiêm, vì được trang hoàng bởi vô số bồ tát tu chứng rất cao. Hoa Quang Như Lai và người trong quốc độ của ngài sống đến nhiều thời kỳ bậc nhỏ. Ngài nhập diệt rồi, giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự cũng tồn tại nhiều thời kỳ bậc nhỏ. Hoa Quang Như Lai là hậu thân của tôn giả, Xá Lợi Phất, tôn giả hãy vui mừng lên.
Cả đại hội nghe thấy tôn giả Xá Lợi Phất được thọ ký làm Phật thì cực kỳ hoan hỷ. Thiên chúng hiến cúng đức Thế Tôn bằng hoa và nhạc, rồi thưa, xưa kia đức Thế Tôn chuyển pháp luân tứ đế, ngày nay ngài chuyển pháp luân tối thượng. Đức Thế Tôn tuyên thuyết cỗ xe Phật đà, chúng con kính xin tùy hỷ. Tôn giả Xá Lợi Phất được thọ ký thì chúng con rồi cũng chắc chắn được làm Phật. Bao nhiêu phước đức chúng con có được, chúng con hồi hướng cả về nơi tuệ giác của đức Thế Tôn và nguyện được tuệ giác ấy.
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch đức Thế Tôn, con hoàn toàn không còn hoài nghi gì nữa khi đích thân được ngài thọ ký thành tựu tuệ giác vô thượng, nhưng 1200 vị La hán đây vẫn còn hoài nghi. Lành thay đức Thế Tôn, xin ngài giải thích thêm cho chư vị ấy. Đức Thế Tôn nói, Như Lai đã chăúng mới nói chư vị sẽ được làm Phật cả hay sao. Nhưng nay Như Lai đem một sự ví dụ để nói thêm về ý nghĩa ấy.
Ví như vị đại trưởng giảcó một ngôi nhà lớn. Ngôi nhà ấy chỉ có một cửa, mà ở trong lại có nhiều con của đại trưởng giả. Ngôi nhà hư hỏng, lại có lắm chim dữ, thú dữ, bò sát dữ, quỷ quái càng dữ hơn. Đại trưởng giả mới đi ra, ngôi nhà đột nhiên lửa dậy đốt cả bốn phía. Đại trưởng giả trở lại ngoài cửa. Biết các con đang còn trong đó, ông liền trở vào. Ông nghĩ thân mình và cánh tay của ông rất mạnh, có thể dùng vạt áo hay ghế đẳng, gom các con lại ôm mà chạy ra. Nhưng cửa chỉ một cái mà lại nhỏ hẹp thì các con có sẽ rơi lại và bị đốt cháy. Nên ông nói rõ cho các con nghe mọi sự tai họa. Nhưng chúng vẫn ham chơi. Hơi lửa xáp tới, nóng rát mà chúng vẫn không biết gì. Đại trưởng giả liền nghĩ, các con ta vốn có sở thích, liền bảo, những cỗ xe dê, xe hươu, xe bò, mà các con thích, cha để cả ngoài cửa. Các con thích xe gì thì ra mà lấy gấp. Nghe nói những cỗ xe, các con ông tức thì tranh nhau chạy ra, thoát khỏi nhà lửa. Bấy giờ đại trưởng giả chỉ đồng đều cấp cho mỗi người con một cỗ xe bò, lớn, đẹp, được kéo bởi con bò trắng, đi rất êm và rất mau.
Như Lai cũng vậy. Như Lai là từ phụ. Chúng sinh toàn là con Như Lai. Ba cõi không yên, in như nhà lửa, đang bị đốt cháy bởi đủ thứ ham muốn, khổ não. Thế nhưng, dẫu có sức mạnh của thần thông, và sức mạnh của tuệ giác, mà Như Lai chưa dùng được để chỉ nói, và nói liền, về cỗ xe Phật đà. Do vậy, Như Lai phải phương tiện giả thiết 3 cỗ xe. Ai nghe pháp với Như Lai mà cầu tự niết bàn, thì đó là theo cỗ xe Thanh văn, như những người con thích xe dê mà chạy khỏi nhà lửa. Ai nghe pháp với Như Lai mà cầu tuệ giác tự nhiên, thì đó là theo cỗ xe Duyên giác, như những người con thích xe hươu mà chạy khỏi nhà lửa. Ai nghe pháp của Như Lai mà cầu sự thấy biết của Phật, và cầu như vậy là để đem lại yên vui cho chúng sinh, thì đó là theo cỗ xe Phật đà, như những người con thích xe bò mà chạy khỏi nhà lửa. Nhưng thoát khỏi nhà lửa ba cõi rồi thì Như Lai chỉ đồng đều cấp cho cỗ xe Phật đà, để cùng đi thẳng đến sự thấy biết của Phật.
Ấy vậy, Như Lai từ cỗ xe Phật đà mà thiết ra 3 cỗ xe. Nên mọi việc ngày nay là hướng cả vào sự thấy biết của Phật. Còn chân lý tứ đế đem lại giải thoát thì chỉ giải thoát hư ảo. Giải thoát ấy không phải cứu cánh, vì thoát mà chưa được tuệ giác vô thượng. Điều này là chung kết, là ấn tín của Như Lai, chư vị hãy công bố cho đời – cho những người có thể tin hiểu Pháp Hoa, nhưng không tuyên truyền bừa bãi cho những kẻ bất kính bất tín.
__________
Phẩm 4: Tin Hiểu
Bấy giờ các vị tôn giả Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Đại Ca Diếp, Mục Kiền Liên, nghe đức Thế Tôn thọ ký làm Phật cho tôn giả Xá Lợi Phất thì hoan hỷ, phấn chấn, quỳ xuống, chiêm ngưỡng mà bạch ngài, chúng con đứng đầu chư Tăng, tự cho đã được niết bàn, chỉ nghĩ về không, không sắc tướng, không ưa thích. Còn đối với các pháp của Bồ tát, như làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh, thì chúng con không thích thú gì. Ngày nay được nghe đức Thế Tôn thọ ký cho Thanh văn thì chúng con tự mừng sâu xa, vì cái lợi ích cao cả ấy chúng con không cầu mà tự được. Chúng con xin trình bạch một sự ví dụ để thưa rõ ý nghĩa như vậy.
Ví như có người tuổi nhỏ, bỏ cha trốn đi xứ khác đến 50 năm. Lớn tuổi và nghèo khốn, người ấy bôn ba để kiếm cơm áo, lần hồi đến nhằm đô thành cha ở. Người cha thì tìm con mãi mà không được, nên dừng lại ở đô thành ấy. Ông giàu sang, tư thế rất lớn. Xa con hơn 50 năm mà ông vẫn thương nhớ. Không nói với ai, nhưng ông lo nghĩ khi chết thì tài sản biết giao cho ai. Người con đến nhằm lâu đài của ông, đứng ở ngoài và một bên cửa, nhìn thấy tư thế của ông thì nghĩ đây là vua, hay ngang với vua, không phải chỗ mình kiếm ăn. Đi đến xóm nghèo, bán sức mà dễ kiếm ăn hơn. Nghĩ thế nên bỏ chạy. Người cha ngồi trên ngai sư tử, thấy thì nhận ra liền, mừng rằng tài sản của ta đã có người để giao phó rồi. Ông sai người chạy theo dẫn về. Người con sợ quá, ngất đi. Người cha thấy vậy bảo thôi. Ông biết con mình ý chí thấp hèn, sợ chính sự cao sang của mình. Lập chước phương tiện, ông kín đáo sai vài kẻ không oai phong gì, đi tìm người con, từ từ nói ông muốn thuê dọn đồ dơ bẩn, trả giá gấp đôi, và chúng tôi cùng làm với anh. Người con biết giá rồi, chịu đến dọn đồ dơ bẩn.
Người cha thấy con như vậy thì biết con mình chí khí thấp hèn, chỉ thích việc hèn. Ông liền cởi bỏ đồ sang, mặc áo rách dơ bẩn, lại lấy đất bụi làm lấm lem cả người, rồi cầm dụng cụ quét dọn đồ dơ bẩn, đến chỗ người làm thuê. Với cách ấy ông mới gần được con ông. Ông bảo anh hãy làm luôn ở đây. Ông thêm tiền thuê và cho đồ dùng. “Ta như cha anh, anh như con ta”. Người con mừng vì sự đãi ngộ ấy, nhưng vẫn tự xưng là kẻ làm thuê hèn hạ. Do vậy mà 20 năm trời vẫn chỉ được bảo quét dọn dơ bẩn. Qua thì gian này rồi lòng mới tin nhau, và người con được tự do ra vào trong lâu đài, nhưng vẫn thích ăn ở chỗ cũ. Khi người cha biết mình sắp chết mới bảo ta có lắm vàng ngọc, tràn đầy kho tàng. Và thu chi như thế nào con phải biết cho rõ. Nay thì cha với con không khác gì cả. Người con nhận lãnh và thu chi kho tàng, nhưng vẫn không có ý mong lấy cho đủ một bữa ăn, ở cũng vẫn chỗ cũ, tâm lý thấp kém vẫn chưa hết được. Phải ít lâu nữa tâm lý mới thênh thang, chí lớn đã đạt, biết khinh bỏ tâm lý cũ. Người cha biết như vậy, lại biết mình sắp chết, nên mời họ hàng thân thích, đủ cả quốc vương đại thần, tuyên bố người này là con trai của tôi, tôi thật cha nó. Trước đây nó trốn đi, nay, tại đây, tôi gặp lại nó. Ngày nay hết thảy tài sản của tôi đều là của con tôi, và trước đây nó cũng biết rõ cả. Người con bấy giờ rất mừng, nghĩ rằng kho báu không cầu mà tự đến.
Bạch đức Thế Tôn, chúng con cũng vậy. Vì ba sự đau khổ mà chúng con chịu bao nhiêu phiền lụy trong chốn sống chết. Đời này vẫn ngu vẫn lầm, chỉ ưa giáo pháp thấp nhỏ. Đức Thế Tôn bảo chúng con vận dụng tư duy tu mà quét dọn cho sạch mọi sự hý luận dơ bẩn. Chúng con nỗ lực theo huấn dụ ấy, và chỉ được sự niết bàn nội tại như cái giá làm thuê một ngày mà tự cho đã đủ. Biết chúng vốn khốn khổ vì đắm say dục lạc, ưa thích giáo pháp thấp nhỏ, nên đức Thế Tôn tạm thời gác lại mà chưa phán quyết chúng con cũng có phần nhận được sự thấy biết của Phật – măëc dầu ngài đã nói cho chúng con biết về kho tàng ấy, và chúng con vâng lời ngài mà đem nói cho chư vị Bồ tát, nhưng tự thân chúng con thì không ưa thích gì kho tàng ấy cả. Chúng con không biết mình thật con Phật. Ngày nay, qua kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn tuyên cáo chỉ có cỗ xe Phật đà là thật, Thanh văn cũng là con Phật, và cũng sẽ được làm Phật. Do vậy, chúng con nói chúng con vốn không có tâm nguyện gì, chỉ nhờ hồng ân của đức Thế Tôn phương tiện dẫn dụ mà ngày nay kho tàng thấy biết của đấng Pháp vương tự đến với chúng con. Chúng con lâu ngày nghiêm trì tịnh giới, thực tu phạn hạnh, ngày nay nhận được thành quả vĩ đại – Con Phật đáng nhận được gì thì ngày nay chúng con nhận được đủ cả.
_________
Phẩm 5: Cây cỏ
Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả Đại Ca Diếp và các vị đại đệ tử của ngài, rằng Như Lai xét biết ý nghĩa của các pháp và biết đạo hạnh của chúng sinh, biết một cách tường tận mà khai thị về sự thấy biết của Phật. Đại Ca Diếp, ví như khắp cả thế giới đại thiên này mây lớn nổi lên và dăng bủa khắp cả, đổ mưa xuống một cách đồng đều, nước mưa ướt thấm tất cả cây cối và cỏ thuốc. Cây cối thì tùy chủng loại lớn hay chủng loại nhỏ, cỏ thuốc thì tùy tính chất tốt, tính chất vừa, tính chất kém, đều hấp thụ đủ cả. Mưa là một màu sắc và mùi vị mà xứng với các mầm, nên cây cối và cỏ thuốc đều sinh ra, lớn lên, trổ hoa, ra trái và kết hạt vẫn khác nhau. Như Lai thuyết pháp cũng vậy. Pháp ấy chỉ một màu sắc và mùi vị là đạt đến sự thấy biết của Phật. Nhưng chúng sinh tùy tâm tính và thị hiếu mà hấp thụ được cả, và được ở vào những vị trí như sau.
Được ngôi vị cao cả trong nhân loại và chư thiên là cỏ thuốc kém; được quả vị Thanh văn và Duyên giác là cỏ thuốc vừa; chí cầu Phật quả và biết sẽ làm Phật là cỏ thuốc tốt. Con Phật chuyên tâm hạnh Phật, tự biết quyết định làm Phật, Bồ tát như vậy là cây nhỏ; chuyển đẩy bánh xe chánh pháp không còn thoái chuyển mà cứu độ vô số chúng sinh, Bồ tát như vậy là cây lớn. Lại nữa, Thanh văn và Duyên giác bằng cái thân tối hậu mà nghe pháp đắc đạo, là cỏ thuốc cùng được lớn lên; Bồ tát trí tuệ vững chắc, cầu cỗ xe Phật đà tối thượng, là cây nhỏ cùng được lớn lên; Bồ tát được thần thông lực, thấu triệt về Không, phóng ánh sáng nhiệm mầu mà hóa đạo chúng sinh, là cây lớn cùng được lớn lên.
Ấy vậy, Như Lai thuyết pháp như mây lớn đổ mưa một vị mà thấm khắp hoa người, làm cho kết trái hạt cả. Thế nên chư vị phải biết La hán chưa thật niết bàn; tất cả chư vị đều là đi theo đường đi Bồ tát, và sẽ làm Phật cả.
_________
Phẩm 6: Thọ ký
Nói những lời trên đây rồi, đức Thế Tôn tuyên cáo với đại hội, rằng Như Lai lấy mắt Phật mà nhìn thì đại đệ tử của Như Lai là tôn giả Đại Ca Diếp đây, vị lai phụng sự nhiều vị Như Lai, tu tập và tuyên thuyết vô số chánh pháp vĩ đại của các ngài, rồi thân cuối cùng thành đức Phật đà danh hiệu Quang Minh, đủ mười đức hiệu, quốc độ tên Quang Đức, thời kỳ tên Đại Trang Nghiêm. Ngài sống nhiều thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự đều tồn tại nhiều thời kỳ bậc nhỏ. Quốc độ của ngài đẹp, sạch, Bồ tát chúng và Thanh văn chúng đều vô lượng. Không có việc ma, vua ma và dân ma dầu có cả, nhưng toàn là hộ trì Phật pháp.
Bấy giờ các tôn giả Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề và Ca Chiên Diên đều chấn động cả người, chiêm ngưỡng đức Thế Tôn mà thưa, rằng y như những kẻ đến từ nước đói, gặp cỗ bàn của đức vua, nhưng không được vua bảo thì không dám dùng, chúng con cũng vậy. Đức Thế Tôn đã nói chúng con sẽ làm Phật cả, nhưng xin ngài thọ ký cho, như kẻ đói cần được bảo mới dám ăn. Đức Thế Tôn biết nỗi mong ước của các đại đệ tử, nên bảo, chư vị Tỷ kheo, tôn giả Tu Bồ Đề vị lai sẽ phụng sự nhiều vị Như Lai, thường hành phạn hạnh, đi trọn đường đi Bồ tát rồi, thân cuối cùng thành đức Phật đà danh hiệu Danh Tướng, đủ mười đức hiệu. Thời kỳ tên Hữu Bảo, quốc độ tên Bảo Sinh. Quốc độ ấy đẹp, sạch, dân chúng đều ở lầu ngọc, đài ngọc; Thanh văn chúng thì không thể xác định, Bồ tát chúng thì vô số. Danh Tướng Như Lai sống nhiều thời kỳ bậc nhỏ. Giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự đều tồn tại nhiều thời kỳ bậc nhỏ. Danh Tướng Như Lai thường đứng trong không gian mà thuyết pháp, hóa độ vô lượng Bồ tát và Thanh văn.
Đức Thế Tôn lại bảo chư vị Tỷ kheo, tôn giả Ca Chiên Diên trong thì vị lai, phụng sự nhiều vị Như Lai, đi trọn đường đi Bồ tát rồi, thân cuối cùng được thành Phật đà, danh hiệu Diêm Phù Na Đề Kim Quang, đủ mười đức hiệu. Quốc độ đẹp, sạch, không có bốn nẻo đường dữ mà lại có lắm chư thiên nhân loại. Thanh văn chúng và Bồ tát chúng thì vô số, trang hoàng cho quốc độ ấy. Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai sống nhiều thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự cũng tồn tại nhiều thời kỳ bậc nhỏ.
Đức Thế Tôn lại bảo đại hội, tôn giả Mục Kiền Liên trong thì vị lai phụng sự nhiều vị Như Lai, thường hành phạn hạnh và duy trì giáo pháp của các ngài, rồi thành đức Phật đà danh hiệu Đa Ma La Bạc Chiên Đàn Hương, đủ mười đức hiệu. Thời kỳ tên Hỷ Mãn. Quốc độ tên Ý Lạc, đẹp, sạch, rất nhiều chư thiên và nhân loại, Bồ tát và Thanh văn cũng vô số. Đa Ma La Bạc Chiên Đàn Hương Như Lai sống nhiều thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự cũng tồn tại nhiều thời kỳ bậc nhỏ.
Trước khi năm trăm vị đệ tử uy đức toàn vẹn của Như Lai được thọ ký làm Phật, Như Lai nói cho chư vị nghe sự tương quan xa xưa giữa Như Lai với chư vị.
________
Phẩm 7: Tương quan xa xưa
Đức Thế Tôn bảo chư vị tỷ kheo, trong thì quá khứ, cách nay vô lượng thời kỳ, có đức Phật đà danh hiệu Đại Thông Trí Thắng, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích Ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời. Quốc độ của ngài tên Hảo thành, thời kỳ của ngài tên Đại tướng. Chư vị tỷ kheo, đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nhập diệt cách nay những thời kỳ hơn cả vi trần nghiền từ nhiều quốc độ. Vậy mà sức mạnh sự thấy biết của Như Lai nhìn lại sự nhập diệt ấy thấy như thể mới xảy ra hôm nay.
Chư vị tỷ kheo, đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà sống lâu rất nhiều thời kỳ. Khi ngồi nơi bồ đề tràng, ngài phá tan quân đội ma vương rồi, nhưng trải qua không dưới 10 thời kỳ bậc nhỏ nữa các pháp của tuệ giác vô thượng mới thể hiện như ở trước mắt.
Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà khi chưa xuất gia đã có 16 vương tử. Nghe thân phụ hoàn thành tuệ giác vô thượng thì họ bỏ hết những gì họ thích, cùng nhau đi đến bồ đề tràng. Ai cũng kính lạy và tán dương đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà. Rồi cùng nhau khuyến thỉnh ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, rằng xin ngài phô bày sự thấy biết của ngài để làm cho chúng con cùng với chúng sinh cũng trở thành như ngài.
Đức Thế Tôn lại bảo, chư vị tỷ kheo, khi đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà hoàn thành tuệ giác vô thượng thì khắp các cõi Phật mười phương đều chấn động đủ hết sáu cách. Những chỗ tối tăm, và cung điện chư thiên, cũng chấn động và sáng hơn lên. Phạn vương ở các cõi Phật lần theo ánh sáng mà đi tìm, và ai cũng thấy đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà ngồi trên tòa sư tử dưới cây bồ đề, với các chúng nhân loại và không phải nhân loại bao quanh. Lại thấy 16 vương tử đang thỉnh cầu ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp. Các vị Phạn vương đảnh lễ đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, đem thiên hoa tung rải mà hiến cúng ngài và cây bồ đề của ngài, lại dâng lên ngài cung điện của họ. Rồi ai cũng thỉnh cầu ngài chuyển đẩy bánh xe chánh pháp.
Lúc bấy giờ đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nhận lời thỉnh cầu của các vị Phạn vương và 16 vị vương tử, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp 4 chân lý, bằng cách 3 lần chuyển đẩy với 12 phương thức: Đây là khổ; đây là khổ, chư vị phải biết; đây là khổ, Như Lai đã biết. Đây là khổ tập; đây là khổ tập, chư vị phải đoạn; đây là khổ tập, Như Lai đã đoạn. Đây là khổ diệt; đây là khổ diệt, chư vị phải chứng; đây là khổ diệt, Như Lai đã chứng. Đây là khổ diệt đạo; đây là khổ diệt đạo, chư vị phải tu; đây là khổ diệt đạo, Như Lai đã tu. Rồi 4 chân lý như vậy lại được nói rộng thành 12 duyên khởi. Nói rộng khổ và khổ tập như sau: vô minh sinh thì hành sinh, cho đến sinh sinh thì khổ não sinh. Nói rộng khổ diệt và khổ diệt đạo như sau: vô minh diệt thì hành diệt, cho đến sinh diệt thì khổ não diệt. Khi đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà ở giữa đại hội tuyên thuyết chánh pháp trên đây thì có hàng ức hàng triệu người, vì không tham đắm các pháp, nên tâm được giải thoát, 3 minh trí và 6 thần thông họ có đủ cả. Rồi lần thứ hai, lần thứ ba và lần thứ tư, cũng đều như vậy. Từ đó về sau, riêng chúng thanh văn cũng đã vô lượng vô biên. Như thế đó là cỗ xe Thanh văn và cỗ xe Duyên giác được thiết lập và vận dụng mà hóa độ 2 chúng sinh này. Còn sự thiết lập và vận dụng cỗ xe Phật đà như sau.
Phần 16 vương tử thì cùng đem cái tuổi đồng niên mà xuất gia, làm sa di bồ tát. Ai cũng từng phụng sự rất nhiều chư vị Như Lai, thực hành phạn hạnh một cách trong sáng mà cầu tuệ giác vô thượng. Cùng nhau, họ thưa đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, rằng vô số chư vị thanh văn như trên đã thành thục cả rồi, kính xin đức Thế Tôn nói cho về pháp của tuệ giác vô thượng. Tâm chí chúng con là nguyện được tuệ giác ấy. Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nhận lời, và qua nhiều thời kỳ rồi, ngài ở giữa đại hội mà nói kinh Pháp Hoa. Nói rồi, 16 sa di bồ tát vì tuệ giác vô thượng mà ai cũng tiếp nhận, ghi nhớ và đọc tụng một cách thông suốt, sắc sảo. Trong khi ngài nói kinh ấy thì 16 vị sa di bồ tát, và chúng bồ tát, ai cũng tin hiểu được cả. Trong chúng thanh văn cũng có vị tin hiểu. Nhưng nhiều người khác sinh ra nghi ngại.
Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà nói kinh Pháp Hoa suốt nhiều thời kỳ mà không lúc nào nghỉ. Nói rồi, ngài nhập thất mà thiền định đến hàng ngàn thời kỳ. Bấy giờ, cũng trong thì gian ấy, 16 vị sa di bồ tát đều giảng diễn phong phú về kinh Pháp Hoa. Vị nào cũng hóa độ hằng sa chúng sinh cho họ phát tâm tuệ giác vô thượng. Hàng ngàn thời kỳ qua rồi, đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà xuất định, bảo đại hội, bất cứ thanh văn, duyên giác hay bồ tát, ai tin được kinh pháp do 16 vị sa di bồ tát tuyên thuyết, thì những người ấy rồi ra ai cũng được sự thấy biết của Phật.
Chư vị tỷ kheo, 16 vị sa di bồ tát thường vui thích nói Pháp Hoa. Mười sáu số lượng hằng sa chúng sinh mà mỗi vị giáo hóa thì đời đời sinh ra ở đâu cũng chung với mỗi vị, theo mỗi vị mà nghe pháp thêm nữa. Do vậy mà 16 số lượng hằng sa chúng sinh ấy gặp được hàng ức chư vị Như Lai nữa, và việc ấy đến nay vẫn chưa chấm dứt. Chư vị tỷ kheo, nay Như Lai nói để chư vị biết, 16 vị sa di bồ tát, đệ tử của đức Đại Thông Trí Thắng Phật đà, hiện nay cùng thành tựu tuệ giác vô thượng và đang thuyết pháp giáo hóa khắp cả mười phương quốc độ. Hai vị ở chính đông là A Súc Như Lai và Tu Di Đảnh Như Lai. Hai vị ở đông nam là Sư Tử Âm Như Lai và Sư Tử Tướng Như Lai. Hai vị ở chính nam là Hư Không Trú Như Lai và Thường Diệt Như Lai. Hai vị ở tây nam là Đế Tướng Như Lai và Phạn Tướng Như Lai. Hai vị ở chính tây là A Di Đà Như Lai và Độ Nhất Thế Thế Gian Khổ Não Như Lai. Hai vị ở tây bắc là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Thần Thông Như Lai và Tu Di Tướng Như Lai. Hai vị ở chính bắc là Vân Tự Tại Như Lai và Vân Tự Tại Vương Như Lai. Một vị ở đông bắc là Hoại Nhất Thế Thế Gian Bố Úy Như Lai. Còn vị thứ 16 là ta, Thích Ca Mâu Ni Như Lai, ở quốc độ Kham Nhẫn này.
Chư vị tỷ kheo, như trên đã nói, khi chúng ta làm sa di bồ tát thì ai cũng giáo hóa hằng sa chúng sinh. Mười sáu số lượng hằng sa chúng sinh này vì tuệ giác vô thượng mà vẫn theo nghe Pháp với chúng ta. Nhưng trong mỗi số lượng ấy, cho đến ngày nay, có những người vẫn còn ở vị trí thanh văn, thì chúng ta vẫn thường giáo hóa cho bằng pháp của tuệ giác vô thượng. Những người này, mà thuộc số lượng hằng sa chúng sinh của phần Như Lai giáo hóa từ lúc Như Lai còn làm sa di bồ tát, thì chính là chư vị, và chư vị đệ tử thanh văn trong thì vị lai sau khi Như Lai nhập diệt. Chư vị đệ tử thanh văn sau khi Như Lai nhập diệt cũng có những người không nghe Pháp Hoa, không hay không biết gì về đường đi của bồ tát, và đối với thành quả của mình thì phát sinh ý tưởng nhập được niết bàn.
Chư vị tỷ kheo, bất cứ ở quốc độ nào, khi Như Lai tự biết thì giờ nhập diệt sắp đến, chư tăng lại thanh tịnh, sự tin hiểu cũng vững chắc, ai cũng thấu triệt về Không, vào sâu tư duy tu, thì bấy giờ Như Lai nói cho kinh Pháp Hoa này, minh xác rằng thế gian không có cỗ xe thanh văn và cỗ xe duyên giác đưa đến niết bàn, mà đưa đến niết bàn thì chỉ có cỗ xe Phật đà.
Chư vị tỷ kheo, nên biết Như Lai đủ mọi phương tiện, lại đi sâu vào bản tính chúng sinh, biết chí nguyện của chúng sinh ưa thích giáo pháp thấp nhỏ là vì đã đắm sâu vào trong năm thứ dục lạc; vì những người như vậy mà Như Lai nói đến niết bàn thanh văn và duyên giác, và họ nghe thì tin hiểu được. Sự thể ví như con đường hiểm ác dài đến năm trăm do tuần, nằm trong chốn hoang vắng và ghê rợn. Một đoàn nhiều người muốn vượt qua con đường ấy để đến chỗ vàng ngọc. Một vị hướng dẫn rất thông minh, lại biết rõ con đường hiểm ác này chỗ nào thông chỗ nào nghẽn. Vị ấy dẫn đoàn người vượt qua con đường này. Nhưng đoàn người nửa đường đổ nhác, muốn lui, thưa với vị hướng dẫn, rằng chúng tôi quá mệt mà lại ghê sợ, không còn đi tới được nữa. Chúng tôi muốn lui về. Vị hướng dẫn có lắm chước phương tiện, nghĩ rằng đoàn người này thật đáng thương, sao lại bỏ vàng ngọc to lớn mà muốn trở về. Nghĩ rồi, vị ấy sử dụng phương tiện lực, ngay nơi đoạn giữa của con đường hiểm ác, chỗ đã qua ba trăm do tuần, biến hóa một thành quách to lớn, và bảo họ, các người đừng sợ, đừng về. Thành quách to lớn kia các người có thể vào nghỉ, muốn ở luôn trong đó thì yên ổn thích thú, muốn đi tới để đến chỗ vàng ngọc thì cũng đi được. Đoàn người mỏi mệt, lúc đó, lòng rất vui mừng, rằng chúng ta bây giờ thoát khỏi con đường hiểm ác và được an toàn rồi. Rồi cả đoàn bước tới mà vào trong thành biến hóa, sinh ra ý tưởng đã vượt qua, ý tưởng đã an toàn. Nhưng vị hướng dẫn, khi biết đoàn người nghỉ ngơi hết mệt, tức thì diệt mất cái thành biến hóa đi, bảo đoàn người hãy nên đi tới: chỗ vàng ngọc đã gần đây. Cái thành to lớn vừa rồi chỉ do ta hóa ra cho các người dừng nghỉ mà thôi. Chư vị tỷ kheo, Như Lai cũng vậy. Như Lai làm đại đạo sư cho chư vị. Như Lai biết rõ đường dữ sống chết phiền não là con đường đầy hiểm nạn mà lại xa dài, ai cũng phải rời bỏ, phải vượt qua. Nhưng nếu chư vị chỉ nghe cỗ xe Phật đà thì sẽ không thích gặp Như Lai, không muốn thân gần, vì nghĩ rằng tuệ giác Phật đà quá dài quá xa, siêng khó lâu lắm mới được thành đạt. Như Lai biết rõ tâm lý khiếp nhược hèn kém ấy nên dùng phương tiện lực, nói ra niết bàn của thanh văn và duyên giác để cho chư vị dừng nghỉ giữa đường. Khi chư vị đã đứng ở vị trí thanh văn và duyên giác rồi, Như Lai liền nói cho chư vị biết việc làm của chư vị chưa được hoàn tất. Nhưng vị trí của chư vị đang đứng thì đã gần đến sự thấy biết của Phật. Chư vị hãy xét niết bàn mà chư vị thực hiện: niết bàn ấy chỉ là cái thành biến hóa do Như Lai phương tiện thiết lập mà thôi.
Chư vị tỷ kheo, do sự tương quan xa xưa đã nói như trên, ngày nay Như Lai tuyên thuyết Pháp Hoa, làm cho chư vị nhập vào Phật tuệ. Ngày nay Như Lai nói thật để chư vị biết: cái chư vị được không phải đã là niết bàn hoàn toàn. Để đạt cho được niết bàn hoàn toàn, chư vị cần phải nổi lên tột độ sự đại tinh tiến. Khi nào chư vị đạt được sự thấy biết của Phật nội dung gồm đủ mọi phẩm chất Phật—mà đại loại như 10 đại năng lực, lại có đủ cả 32 tướng đại trượng phu, bấy giờ mới là niết bàn hoàn toàn.
_________
Phẩm 8: Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký
Lúc ấy tôn giả Phú Lâu Na được nghe từ đức Thế Tôn sự phương tiện tùy nghi thuyết pháp, sự thọ ký cho các vị đại đệ tử, và sự tương quan xa xưa, thì tâm trí trong sáng, phấn chấn, bước tới trước đức Thế Tôn, lạy ngang chân ngài, rồi chiêm ngưỡng ngài mà nghĩ, đức Thế Tôn thật hiếm có, thích ứng với mọi thành phần, sử dụng tuệ giác và phương tiện mà thuyết pháp, kéo họ ra khỏi mọi sự vướng mắc. Thế nên chỉ có ngài mới biết ước nguyện căn bản của chúng ta.
Vào lúc ấy đức Thế Tôn bảo, chư vị tỷ kheo, đệ tử của Như Lai khéo học phương tiện, ở trong cất chứa phẩm chất bồ tát, bề ngoài hiện ra hình dáng thanh văn. Tôn giả Phú Lâu Na đây Như Lai thường ca tụng là người thuyết pháp bậc nhất, duy trì và tuyên dương chánh pháp của Như Lai và của chư Phật quá khứ vị lai. Tôn giả thấu suốt về Không mà chư Phật nói, nên thuyết pháp một cách xác tín, trong sạch. Vì mục đích tịnh hóa quốc độ mà tôn giả thường làm việc Phật làm là giáo hóa chúng sinh. Chư vị tỷ kheo, khi hoàn bị về đường đi như vậy của bồ tát, trải qua nhiều thời kỳ rồi, tôn giả sẽ ở chính nơi quốc độ này mà thành đức Phật đà, danh hiệu Pháp Minh, đủ mười đức hiệu. Pháp Minh Như Lai lấy hằng sa đại thiên thế giới mà làm một quốc độ của mình, đẹp và sạch, không có đường dữ và nữ nhân, ai cũng sinh ra bằng biến hóa. Cả quốc độ thường ăn bằng cái vui chánh pháp và cái vui thiền định. Bồ tát chúng và thanh văn chúng đều vô số lượng. Thời kỳ của Pháp Minh Như Lai tên Bảo Minh, quốc độ của ngài tên Thiện Tịnh. Ngài sống lâu nhiều thời kỳ, giáo pháp cũng tồn tại cực kỳ lâu dài.
Bấy giờ 1200 vị tâm đã tự tại cùng nghĩ, thật là thích thú nếu được đức Thế Tôn thọ ký cho như các vị đại đệ tử của ngài. Biết ý nghĩ ấy, đức Thế Tôn bảo tôn giả Đại Ca Diếp, đại đệ tử của Như Lai là tôn giả Kiều Trần Như đây sẽ phụng sự rất nhiều chư vị Như Lai, rồi thành Phật với danh hiệu Phổ Minh, đủ mười đức hiệu, quốc độ trong sạch, bồ tát dũng mãnh. Phổ Minh Như Lai sống lâu nhiều thời kỳ, giáo pháp nguyên chất tồn tại gấp đôi sống lâu, giáo pháp tương tự tồn tại gấp đôi giáo pháp nguyên chất. Đại Ca Diếp, 500 vị trong số 1200 vị La hán, đại loại như các tôn giả Tần Loa Ca Diếp, Già Da Ca Diếp, Na Đề Ca Diếp, Ca Lưu Đà Di, Ưu Đà Di, A Nâu Lâu Đà, Ly Bà Đa, Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, Châu Đà, Sa Già Đà, đều sẽ được tuệ giác vô thượng và cùng một danh hiệu Phổ Minh Như Lai. Chư vị Như Lai như vậy sẽ tuần tự thọ ký cho nhau, và mọi sự giống nhau tất cả.
Năm trăm vị La hán được đức Thế Tôn thọ ký rồi, hoan hỷ, phấn chấn, lạy ngang chân ngài, hối lỗi, tự trách, bằng cách thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, chúng con thường tự cho đã được niết bàn cuối cùng. Ngày nay mới biết ý nghĩ ấy thật như kẻ vô trí. Chúng con phải được tuệ giác vô thượng của Phật mới là niết bàn chân thật, vậy mà tự cho tuệ giác nhỏ mọn của mình đã là đầy đủ.
Bạch đức Thế Tôn, ví như có kẻ đến nhà bạn thân, say rượu nằm ngủ. Người bạn sắp đi việc công, nên đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của người ấy. Người ấy ngủ say, không hay biết gì cả. Tỉnh dậy thì lang thang đến xứ khác, làm ăn rất cực nhọc. Và kiếm được chút ít thì tự cho đã đủ. Về sau người bạn gặp lại, thấy mà phải kêu lên, sao anh đến nông nỗi này. Trước đây muốn cho anh vui thú nên tôi đã đem viên ngọc vô giá buộc vào áo trong của anh. Nay đang còn kia. Sao anh không biết, để phải kiếm sống khó nhọc. Anh thật khờ dại. Hãy đem viên ngọc ấy đổi lấy những thứ cần dùng, thì không còn thiếu thốn gì nữa.
Đức Thế Tôn cũng vậy. Khi ngài làm bồ tát, đã gieo vào chúng con chí nguyện tối thượng, chí nguyện mong cầu tuệ giác của bậc Toàn giác. Nhưng chúng con quên ngay, không hay biết gì hết. Được tuệ giác La hán là tự cho đã niết bàn, như kẻ kiếm sống cực nhọc nên chỉ được chút ít mà tự cho đã đủ. Trong khi đó chí nguyện nói trên vẫn còn y nguyên. Ngày nay đức Thế Tôn thức tỉnh chúng con, dạy rằng cái mà chư vị được chưa phải niết bàn. Bạch đức Thế Tôn, ngày nay chúng con mới biết mình thật là bồ tát, được nhận lời ghi về tuệ giác vô thượng. Do vậy mà chúng con cùng cực hoan hỷ, được sự chưa từng có.
__________
Phẩm 9: Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất
Lúc ấy các tôn giả A Nan Đà và La Hầu La đều nghĩ, nếu được đức Thế Tôn thọ ký thì thích thú biết bao. Các tôn giả đến trước đức Thế Tôn, đầu mặt lạy ngang chân ngài và cùng thưa, bạch đức Thế Tôn, trong sự thọ ký chúng con cũng đáng có phần. Chúng con được chư thiên, nhân loại và tu la, ai cũng biết đến. Nếu đức Thế Tôn thọ ký cho chúng con thì ước nguyện của chúng con đã đạt mà ước vọng của các chúng cũng thỏa. Bấy giờ 2000 vị đệ tử thanh văn của đức Thế Tôn mà sự tu học đang tiếp tục hay đã hoàn tất, cũng đều đứng dậy, đến trước đức Thế Tôn, chuyên chú mà chắp tay chiêm ngưỡng, cùng biểu lộ sự ước nguyện như ước nguyện của các tôn giả A Nan Đà và La Hầu La.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả A Nan Đà, vị lai tôn giả sẽ được thành Phật với danh hiệu Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương, đủ 10 đức hiệu. Tôn giả sẽ phụng sự hàng ức chư vị Phật đà, coi giữ kho tàng chánh pháp của các ngài, sau đó thực hiện tuệ giác vô thượng, giáo hóa bồ tát nhiều bằng hàng ức hằng sa. Quốc độ tên là Ngọn Cờ Siêu Việt thường dựng cao lên, toàn cõi trong sạch. Thời kỳ tên là Âm Thanh Tinh Túy vang dội khắp cả. Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai sống lâu hàng ức thời kỳ, giáo pháp nguyên chất tồn tại gấp đôi sống lâu, giáo pháp tương tự tồn tại gấp đôi giáo pháp nguyên chất. Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai được hằng sa Như Lai khắp cả mười phương cùng nhau ca tụng tán dương thành quả của ngài.
Bấy giờ trong đại hội có hàng ngàn vị bồ tát mới phát tâm cùng nghĩ, đến như chư vị đại bồ tát mà chúng ta cũng không nghe thấy được thọ ký như vầy, vì nguyên nhân nào mà chư vị thanh văn lại được phán quyết như vậy? Đức Thế Tôn biết ý nghĩ ấy nên bảo, chư thiện nam tử, Như Lai cùng với tôn giả A Nan Đà đã từng ở nơi đức Không Vương Như Lai đồng thời phát ra tâm chí mong cầu tuệ giác vô thượng. Nhưng tôn giả thường thích đa văn, còn Như Lai thường siêng tinh tiến, nên Như Lai thành tựu tuệ giác vô thượng mà tôn giả coi giữ kho tàng chánh pháp của Như Lai. Tôn giả ấy cũng coi giữ kho tàng chánh pháp của chư Phật vị lai. Bản nguyện của tôn giả là như vậy nên được thọ ký như trên.
Tôn giả A Nan Đà đích thân nghe lời đức Thế Tôn thọ ký cho thì tức khắc nhớ được kho tàng chánh pháp của vô lượng chư Phật quá khứ như thể hiện tại mới nghe, lại nhớ được cả bản nguyện của mình phương tiện làm thị giả để coi giữ chánh pháp của chư Phật.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả La Hầu La, trong vị lai, tôn giả sẽ được thành Phật với danh hiệu Đạp Thất Bảo Hoa Như Lai, đủ 10 đức hiệu. Tôn giả sẽ phụng sự chư Phật bằng vi trần của hàng chục thế giới và cũng làm trưởng tử của các ngài. Sự huy hoàng của quốc độ, số lượng thời kỳ sống lâu, đệ tử được giáo hóa, giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự, tất cả điều này của đức Đạp Thất Bảo Hoa Như Lai đều giống như của đức Sơn Hải Tuệ Tự Tại Thông Vương Như Lai. Tôn giả cũng sẽ làm trưởng tử của ngài. Và qua thì gian ấy rồi sẽ được tuệ giác vô thượng.
Đức Thế Tôn lại thấy 2000 vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất tâm ý của họ mềm dịu, vắng lặng, trong suốt, chuyên chú nhìn ngài, nên ngài bảo tôn giả A Nan Đà, tôn giả thấy các vị này chăng? Các vị sẽ phụng sự chư Phật nhiều bằng vi trần của hàng chục thế giới, kính trọng, coi giữ kho tàng chánh pháp của các ngài, và cuối cùng thì đồng thời thành Phật ở khắp mười phương quốc độ, với danh hiệu đồng nhất là Bảo Tướng Như Lai, đủ 10 đức hiệu. Lại cùng sống lâu một thời kỳ. Sự tráng lệ của quốc độ, chúng thanh văn và chúng bồ tát, giáo pháp nguyên chất và giáo pháp tương tự, tất cả điều này cũng đồng đẳng. Lại cũng đồng đẳng giáo hóa cứu độ mười phương chúng sinh, và rồi dần dần nhập vào niết bàn.
Bấy giờ 2000 vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất nghe đức Thế Tôn thọ ký cho như vậy, ai cũng hoan hỷ, phấn chấn, cùng thưa, bạch đức Thế Tôn, chúng con nghe được tiếng ngài thọ ký, tâm thức tràn ngập hoan hỷ, y như được rưới nước cam lộ.
__________
Phẩm 10: Người diễn giảng Pháp Hoa
Khi ấy đức Thế Tôn qua đại bồ tát Dược Vương mà nói với hàng vạn đại sĩ, rằng Dược Vương, đại sĩ hãy nhìn, đại hội này có vô lượng 8 bộ, 4 chúng, có những người cầu tuệ giác Thanh văn, cầu tuệ giác Duyên giác hay cầu tuệ giác Phật đà. Các chúng như thế này hiện ở trước Như Lai mà nghe Pháp Hoa, thì Như Lai thọ ký cho tất cả sẽ được tuệ giác vô thượng. Dược Vương, sau khi Như Lai nhập diệt, nếu có người nào nghe kinh Pháp Hoa thì Như Lai cũng thọ ký cho như vậy.
Nếu có người nào đối với kinh Pháp Hoa mà biết tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành…; hoặc đối với cuốn kinh Pháp Hoa mà thôi mà biết kính và nhìn như kính và nhìn Như Lai, hiến cúng bằng các loại hoa, vòng hoa, các hương liệu, lọng dù, tràng phan, kịch nhạc, vải lụa bao bọc…, thì Dược Vương, hãy coi những người này như đã phụng sự rất nhiều chư vị Phật đà. Người nào có thể tiếp nhận kính giữ kinh Pháp Hoa này thì hãy nên coi người ấy chính là Như Lai phái đến; thì phải nên coi người ấy là người đã được tự do chỗ họ muốn sinh, có thể sinh trong thời kỳ dữ dội mà nói rộng rãi Pháp Hoa tối thượng. Sau khi Như Lai nhập niết bàn rồi, trong thời dữ dội người nào có thể tiếp nhận kính giữ kinh Pháp Hoa này thì ai cũng nên kính như kính Phật. Thời dữ sau này ai có năng lực kính giữ kinh Pháp Hoa này, thì người ấy là sứ giả của Như Lai phái đến trong loài người này để làm công việc của Như Lai.
Khi ấy đức Thế Tôn lại bảo Dược Vương đại sĩ, bao nhiêu kinh pháp của Như Lai tuyên thuyết, kinh Pháp Hoa này rất khó tin khó hiểu. Dược Vương, Pháp Hoa là kho tàng bí yếu của chư Phật, được chư Phật giữ gìn, từ trước đến nay Như Lai chưa hề nói đến một cách minh bạch. Cho nên Dược Vương, đại sĩ nên biết, sau khi Như Lai nhập diệt, ai có năng lực sao chép ấn hành, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, tôn kính hiến cúng, giảng nói cho người…, thì người ấy được Như Lai đem pháp y mà che phủ, lại được chư vị Như Lai hiện tại ở các quốc độ khác cùng giữ gìn cho, nên người ấy có được sức mạnh của đức tin vĩ đại, sức mạnh của chí nguyện, và sức mạnh của các gốc rễ pháp lành. Nên biết người ấy cư ngụ cùng tăng xá với Như Lai, được Như Lai đưa tay xoa đầu.
Những người cầu tuệ giác Phật đà mà thấy nghe kinh Pháp Hoa, thấy nghe rồi tin tưởng, lý giải, tiếp nhận, ghi nhớ, thì biết những người ấy đã được đến gần tuệ giác vô thượng. Dược Vương, ví như có người đang khát, cần nước, nên ở chỗ cao nguyên đào đất mà tìm. Ra công liên tục, dần dần thấy đất ướt rồi thấy đất bùn, thì lòng họ biết chắc đã gần đến nước. Bồ tát cũng vậy, nếu nghe, hiểu, tư duy và tu tập được Pháp Hoa, thì nên biết chắc chắn đã đến gần tuệ giác vô thượng. Tại sao, vì tuệ giác vô thượng của hết thảy bồ tát tìm cầu đều ở trong Pháp Hoa. Pháp Hoa mở phương tiện mà chỉ thật tướng. Kho tàng Pháp Hoa sâu, chắc, kín và xa, không ai thấu được. Như Lai ngày nay vì giáo hóa tác thành cho các vị bồ tát mới mở ra, chỉ cho. Dược Vương, nếu bồ tát nghe Pháp Hoa mà kinh sợ ngờ vực thì đó là bồ tát mới phát tâm, còn thanh văn nghe Pháp Hoa mà kinh sợ ngờ vực thì đó là kẻ tăng thượng mạn.
Dược Vương, sau khi Như Lai nhập diệt, thiện nam hay thiện nữ nào muốn diễn giảng Pháp Hoa cho 4 chúng, thì phải làm sao mới nên diễn giảng? Dược Vương, thiện nam hay thiện nữ ấy phải vào nhà của Như Lai là đại từ bi, phải mặc áo của Như Lai là đức nhẫn nhục, phải ngồi chỗ của Như Lai là nguyên lý Không. Phải như vậy mới nên diễn giảng Pháp Hoa, bản kinh vua các kinh, bản kinh xác quyết cho chư vị thanh văn. Diễn giảng Pháp Hoa mà ai thóa mạ, hành hung, thì hãy nhớ Như Lai mà nhẫn. Người nào đủ hết 3 pháp nói trên thì diễn giảng hay đọc tụng Pháp Hoa đều thấy được Như Lai. Và diễn giảng Pháp Hoa mà người nghe hoan hỷ là do Như Lai hộ trì.
_________
Phẩm 11: Bảo tháp xuất hiện
Vào lúc bấy giờ, trước đức Thế Tôn, một ngôi bảo tháp bằng bảy chất liệu quí báu, cao và lớn, từ đất vọt lên, đứng trong không gian. Bảo tháp được trang hoàng bằng đủ thứ bảo vật. Từ trong bảo tháp xuất ra âm thanh rất lớn, tán dương rằng tốt lắm, thưa đức Thích Ca Thế Tôn; ngài có thể tuyên thuyết cho đại hội các chúng như thế này về kinh Pháp Hoa của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Thật đúng như vậy, thưa đức Thích Ca Thế Tôn; những điều ngài tuyên thuyết toàn là chân thật.
Bấy giờ 4 chúng đã thấy bảo tháp vĩ đại đứng trong không gian, lại nghe âm thanh xuất ra từ bảo tháp ấy, thì ai cũng được sự vui đẹp về chánh pháp, và ngạc nhiên thấy là sự chưa từng có, nên cùng đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, cung kính chắp tay mà đứng mãi với một tư thế ấy. Lúc này có vị đại sĩ danh hiệu là Đại Lạc Thuyết, bạch đức Thích Ca Thế Tôn, vì lý do nào mà ngôi bảo tháp như vầy từ đất vọt lên, và trong đó phát ra âm thanh vừa rồi? Đức Thế Tôn bảo, Đại Lạc Thuyết, trong ngôi bảo tháp này có toàn thân của một đức Phật đà. Thì quá khứ, ở phương dưới, có một quốc độ tên là Bảo Tịnh, đức Phật giáo chủ danh hiệu là Đa Bảo Phật đà. Khi còn đi trên đường đi của bồ tát, ngài phát lời nguyện trọng đại, nguyện rằng nếu được trở thành Phật đà thì sau khi nhập diệt, trong mười phương quốc độ, chỗ nào có Phật nói kinh Pháp Hoa, bảo tháp của Như Lai cũng sẽ xuất hiện trước chỗ ấy để nghe kinh ấy, và làm chứng cho kinh ấy bằng cách tán dương rằng tốt lắm. Khi thành Phật đà rồi, lúc sắp nhập diệt, đức Đa Bảo Phật đà ở giữa đại hội chư thiên nhân loại mà tuyên cáo chư vị tỷ kheo, rằng khi Như Lai nhập diệt rồi, ai muốn hiến cúng toàn thân của Như Lai thì nên chung nhau xây dựng một ngôi bảo tháp cho vĩ đại. Rồi đức Đa Bảo Phật đà vận dụng sức mạnh thần thông và sức mạnh đại nguyện, bất cứ chỗ nào trong mười phương quốc độ có Phật tuyên thuyết Pháp Hoa, bảo tháp của ngài cũng xuất hiện ở trước, và toàn thân của ngài ở trong bảo tháp tán dương rằng tốt lắm. Đại Lạc Thuyết, hôm nay đức Đa Bảo Phật đà nghe Như Lai tuyên thuyết Pháp Hoa nên bảo tháp của ngài xuất hiện mà tán dương rằng tốt lắm.
Đại Lạc Thuyết đại sĩ lúc ấy bạch đức Thế Tôn, chúng con ước muốn được nhìn thấy toàn thân của đức Đa Bảo Phật đà. Đức Thế Tôn bảo, Đại Lạc Thuyết, đức Đa Bảo Phật đà còn có lời nguyện sâu xa và trọng đại nữa, nguyện rằng khi bảo tháp của Như Lai xuất hiện trước các đức Phật để nghe Pháp Hoa, nếu đức Phật nào muốn đem toàn thân của Như Lai chỉ cho 4 chúng, thì chư Phật phân thân của đức Phật ấy đang thuyết pháp giáo hóa ở khắp mười phương quốc độ đều qui tụ lại một chỗ, bấy giờ toàn thân của Như Lai mới xuất hiện. Đại Lạc Thuyết, chư Phật phân thân của Như Lai hiện đang thuyết pháp ở mười phương quốc độ, hôm nay Như Lai cũng nên chiêu tập. Đại Lạc Thuyết đại sĩ thưa, bạch đức Thế Tôn, chúng con cũng ước muốn được nhìn thấy chư Phật phân thân của đức Thế Tôn để lễ bái, hiến cúng.
Khi ấy đức Thế Tôn phóng một đường hào quang chiếu qua hướng đông. Cả đại hội tức thì thấy được chư Phật của hằng sa quốc độ ở hướng ấy, và nghe các ngài thuyết pháp. Hướng đông như vậy thì các hướng tây nam bắc, 4 góc và trên dưới, hướng nào hào quang cũng chiếu đến, và cả đại hội cũng thấy nghe như đã thấy nghe về hướng đông. Chư Phật phân thân ở mười phương hướng đều bảo các vị bồ tát ở quốc độ của mình, rằng chư thiện nam tử, Như Lai nay nên đến quốc độ Kham nhẫn, chỗ đức Thích Ca Thế Tôn, để cùng hiến cúng ngài và hiến cúng bảo tháp của đức Đa Bảo Phật đà. Bấy giờ đức Thế Tôn biến quốc độ Kham nhẫn, và tám phương hướng của quốc độ này ngài lại 2 lần, mỗi lần biến hàng trăm triệu quốc độ của mỗi phương hướng, suốt hết tất cả quốc độ như vậy cùng trở thành một tịnh độ, với lưu ly làm đất và trang trí bằng cây ngọc. Dưới mỗi cây ngọc có một tòa sư tử cũng bằng ngọc. Che khắp trên tịnh độ này là những màn được đính kết các thứ ngọc xen nhau và bủa ra. Bảo cái được treo lên. Đốt lên hương liệu rất quí. Rải khắp mặt đất là thiên hoa.
Lúc ấy chư Phật phân thân của đức Thích Ca Thế Tôn ở mười phương hướng đều đến qui tụ, và ngài nào cũng ngồi trên tòa sư tử ngọc dưới những cây ngọc. Các ngài ngồi tràn đầy cả tịnh độ nói trên. Và ngài nào cũng phái vị đại bồ tát thị giả đến vấn an đức Thế Tôn. Các ngài cầm mà đưa hoa ngọc cho các vị ấy bưng đầy hai tay, bảo rằng Thiện nam tử, hãy đến Linh sơn, chỗ đức Thích Ca Thế Tôn, thưa với ngài đúng như lời của Như Lai, rằng đức Thế Tôn ít bịnh ít phiền, khí lực yên vui chăng, thanh văn và bồ tát yên ổn cả chăng. Hãy rải hoa ngọc này mà hiến cúng ngài, và bạch rằng đức Thế Tôn của con danh hiệu như vậy, muốn được cùng đức Thế Tôn mở cửa bảo tháp của đức Đa Bảo Phật đà.
Khi ấy đức Thích Ca Thế Tôn thấy chư Phật phân thân đã qui tụ, lại nghe chư Phật ấy muốn được cùng mở cửa bảo tháp, nên ngài đứng dậy, rời khỏi pháp tòa, đứng trong không gian. Tất cả 4 chúng, vốn đã đứng lên và chắp tay, bây giờ chăm chú mà nhìn đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền dùng ngón tay bên phải mở cửa bảo tháp, làm phát ra âm thanh lớn như cửa thành lớn được tháo khóa chốt mà mở ra. Tức thì toàn thể đại hội các chúng đều được thấy đức Đa Bảo Phật đà ngồi trong bảo tháp, trên tòa sư tử, toàn thân không rã, y như đang nhập thiền định. Cả đại hội lại được nghe lời của đức Đa Bảo Phật đà nói, rằng tốt lắm, thưa đức Thích Ca Thế Tôn, ngài đã tuyên thuyết một cách thích thú về kinh Pháp Hoa. Tôi đến đây là để nghe kinh ấy.
Bốn chúng cùng bao bộ chúng khác, nghe thấy đức Phật nhập diệt hàng ức thời kỳ rồi mà nói như vậy thì ai cũng ca tụng là sự chưa từng có. Cả khối hoa quí của chư thiên được họ đem tung rải trên đức Đa Bảo Phật đà và đức Thích Ca Thế Tôn. Còn đức Đa Bảo Phật đà thì ở trong bảo tháp để một nửa pháp tòa của mình nhường cho đức Thích Ca Thế Tôn mà nói rằng thưa ngài, mời ngài đến ngồi ở đây. Tức thì đức Thích Ca Thế Tôn vào trong bảo tháp, ngồi trên một nửa pháp tòa, cũng theo cách ngồi xếp bằng. Cả đại hội các chúng thấy hai ngài cùng ngồi xếp bằng trên pháp tòa sư tử ở trong bảo tháp, thì nghĩ rằng hai ngài ngồi cao xa quá, xin đức Thế Tôn dùng sức mạnh thần thông mà làm cho chúng con cũng được lên ở trên không gian. Tức thì đức Thích Ca Thế Tôn làm cho cả đại hội các chúng được như nguyện, rồi đem âm thanh vĩ đại mà phổ cáo toàn thể, rằng ai là người có thể ở trong quốc độ Kham nhẫn này mà giảng nói rộng rãi về kinh Pháp Hoa, thì bây giờ chính là lúc nên nói ra. Pháp Hoa là bậc nhất, giữ được Pháp Hoa là giữ được toàn thân Như Lai. Chư thiện nam thiện nữ, hãy nghĩ cho kỹ: đó là trách vụ khó khăn, các người nên phát nguyện mà đảm nhận.
_______
Phẩm 12: Đề Bà Đạt Đa
Khi ấy đức Thế Tôn bảo đại hội, quá khứ Như Lai đã cầu Pháp Hoa trong nhiều thời kỳ. Như Lai thường làm quốc vương, nguyện cầu sự thấy biết của Phật, lòng không thoái lui hay lệch khỏi mục đích ấy. Tính mạng cũng không tiếc, nên quốc vương từ bỏ ngôi vua, cần cầu chánh pháp, rằng ai nói được cho ta về đại thừa thì ta phụng sự suốt đời. Có một tiên nhân đến nói tôi biết Pháp Hoa. Quốc vương thực hành được thì tôi dạy cho. Quốc vương rất mừng, tức thì đi theo, phụng sự mọi điều vị ấy cần đến. Cả ngàn năm, vì chánh pháp mà quốc vương tinh chuyên, cung đốn hầu hạ tiên nhân, không thiếu sót điều gì. Dồn hết tâm tình vào pháp tinh túy nên cả thân tâm không nhác không mệt. Khắp vì bao loại chúng sinh mà nỗ lực cầu pháp vĩ đại, chứ không vị gì bản thân hay thú vui ngũ dục. Do đó mà được thành Phật, và nay cố đem cái pháp như vậy nói cho các người.
Đức Thế Tôn bảo chư vị tỷ kheo, quốc vương lúc ấy nay là Như Lai, còn vị tiên nhân ấy nay là Đề Bà Đạt Đa. Do người bạn tốt Đề Bà Đạt Đa mà Như Lai hoàn thành hết thảy thành quả của Phật đà. Như Lai đủ hết sức mạnh thần thông, sức mạnh tuệ giác, trở thành bậc toàn giác, hóa độ sâu rộng, toàn là do người bạn tốt Đề Bà Đạt Đa. Như Lai nay tuyên cáo với tất cả, rằng Đề Bà Đạt Đa sau này qua rất nhiều thời kỳ rồi sẽ thành Phật đà, danh hiệu Thiên Vương Như Lai, đủ mười đức hiệu. Ngài tồn tại nhiều thời kỳ bậc giữa, tuyên thuyết cho chúng sinh một cách rộng rãi về chánh pháp tinh túy, làm cho chúng sinh được tuệ giác La hán, tuệ giác Duyên giác, tuệ giác Phật đà. Ngài nhập niết bàn rồi, giáo pháp nguyên chất cũng tồn tại nhiều thời kỳ bậc giữa, xá lợi toàn thân được xây dựng tôn thờ trong ngôi tháp bằng bảy chất quí, rất cao và lớn. Chư thiên, nhân loại, ai cũng đem bông hoa và hương liệu, kịch nhạc và thi ca, mà hiến cúng bảo tháp, và sự hiến cúng này làm cho bao loại chúng sinh được tuệ giác La hán, tuệ giác Duyên giác, tuệ giác Phật đà, làm cho vô lượng chúng sinh phát đại bồ đề tâm, đến bậc không còn thoái chuyển.
Chư vị tỷ kheo, trong thì vị lai, thiện nam hay thiện nữ nào nghe được phẩm Đề Bà Đạt Đa này của kinh Pháp Hoa mà lòng trong sáng, tin kính cẩn, không ngờ vực, không lầm lẫn, thì người ấy không sa vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, mà lại sinh trong nhân loại, chư thiên, hay sinh trước chư Phật ở bất cứ phương hướng nào. Và sinh ở đâu cũng thường được nghe Pháp Hoa. Sinh trong nhân loại hay chư thiên thì hưởng thụ sự yên vui tuyệt diệu và hơn hết, còn sinh trước chư Phật thì hóa sinh bằng hoa sen.
*
Bấy giờ Trí Tích, vị bồ tát thị tùng đức Đa Bảo Phật đà, bạch với ngài hãy trở về quốc độ của mình. Đức Thích Ca Thế Tôn bảo bồ tát Trí Tích, thiện nam tử, hãy chờ một lát. Quốc độ nay có vị bồ tát tên là Văn Thù, các vị đáng gặp nhau, luận thuyết chánh pháp tinh túy rồi về. Bấy giờ bồ tát Văn Thù ngồi trên hoa sen có cả ngàn cánh, lớn như bánh xe, các vị bồ tát tùy tùng cũng vậy, và từ Diêm Hải long cung đột nhiên vọt lên, lên cao trong không gian, lướt đến Linh sơn, bước xuống hoa sen, lại chỗ đức Thích Ca Thế Tôn và đức Đa Bảo Phật đà, kính lạy hai ngài, rồi bước qua chỗ bồ tát Trí Tích, hỏi thăm nhau và ngồi một bên. Bồ tát Trí Tích hỏi, nhân giả đến long cung giáo hóa được mấy người? Bồ tát Văn Thù nói vô lượng, xin đợi một chút sẽ có chứng cứ. Nói chưa xong thì có nhiều vị bồ tát cũng ngồi hoa sen quí, từ biển vọt lên, lướt đến Linh sơn, ở trong không gian. Các vị này do bồ tát Văn Thù hóa độ, nguyên là thanh văn mà nay ai cũng thực hành nguyên lý Không của đại thừa. Bồ tát Văn Thù nói sự giáo hóa của tôi là như vậy. Bồ tát Trí Tích khen mà hỏi, ngài diễn giảng thật tướng như thế nào mà làm cho các vị này được như vậy? Bồ tát Văn Thù nói, tôi thường tuyên thuyết Pháp Hoa. Bồ tát Trí Tích nói, kinh ấy sâu xa, trong biển cả có hay không có ai thực hành được và thành Phật một cách mau chóng? Bồ tát Văn Thù nói có, Long nữ của Diêm Hải Long vương mới 8 tuổi mà trong chốc lát đủ năng lực thực hiện tuệ giác vô thượng. Bồ tát Trí Tích nói, đức Thích Ca Thế Tôn trải qua vô lượng thời kỳ, xả bỏ thân mạng vì chúng sinh, sau đó mới trở thành Phật đà. Tôi không tin Long nữ nào đó trong khoảnh khắc mà làm được như vậy. Nói bàn chưa xong, Long nữ đột nhiên xuất hiện trước mặt, kính lạy đức Thế Tôn rồi tán dương ngài, rằng đức Thế Tôn thấu triệt thật tướng của tội phước, ai cũng tôn thờ như bậc đồng tông. Ngài Văn Thù nói con chóng thành tuệ giác vô thượng, việc này chỉ có đức Thế Tôn chứng biết cho con. Lúc ấy tôn giả Xá Lợi Phất nói với Long nữ, rằng thiện nữ nói có thể thành Phật mau chóng, việc này thật khó tin. Tại sao, vì thân thể nữ nhân không phải là vật dụng chứa đựng chánh pháp, lại không được làm Phạn vương, Đế thích, Ma vương, Luân vương, Phật thân, như vậy thiện nữ làm sao thành Phật mà lại thành Phật mau chóng? Long nữ có một viên ngọc quí, giá bằng cả thế giới đại thiên. Bấy giờ Long nữ hai tay nâng viên ngọc ấy hiến lên đức Thế Tôn. Ngài nhận liền. Long nữ thưa bồ tát Trí Tích và tôn giả Xá Lợi Phất, con hiến ngọc quí, đức Thế Tôn nhận cho con, việc này mau chóng không? Rất mau chóng, 2 ngài trả lời như vậy. Long nữ thưa, đem thần lực của các ngài nhìn sự thành Phật của con, thì sự ấy còn mau hơn việc này. Tức thì toàn thể đại hội lúc ấy cùng thấy trong khoảnh khắc đột nhiên, Long nữ biến thành nam tử, đầy đủ phong cách bồ tát, lướt qua thế giới hệ Vô cấu ở hướng nam, ngồi trên đài sen quí, thành bậc Biết đúng và khắp, với cái thân đủ cả 32 tướng quí và 80 vẻ đẹp, tuyên thuyết chánh pháp tinh túy cho chúng sinh mười phương. Tại quốc độ Kham nhẫn này, cả đại hội từ xa thấy sự thành Phật và thuyết pháp của Long nữ, thì tâm thần người nào cũng rất hoan hỷ, vọng xa mà lạy. Thế giới hệ Vô cấu thì vô lượng chúng sinh nghe pháp đều lý giải, tỏ ngộ được sự không thoái chuyển, vô lượng chúng sinh nữa được thọ ký về tuệ giác vô thượng, và thế giới ấy chấn động đủ cả 6 cách. Thế giới hệ Kham nhẫn thì ba ngàn người đứng vào vị trí không thoái chuyển, ba ngàn người nữa phát triển tuệ giác vô thượng và được thọ ký về tuệ giác ấy. Bồ tát Trí Tích, tôn giả Xá Lợi Phất, và cả đại hội, đều yên lặng mà tin nhận.
__________
Phẩm 13: Kính giữ Pháp Hoa
Lúc ấy Dược Vương đại sĩ, Đại Lạc Thuyết đại sĩ, và bao nhiêu bồ tát tùy thuộc, cùng đối trước đức Thế Tôn mà phát nguyện như vầy: Kính xin đức Thế Tôn đừng lo nghĩ. Sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, chúng con nguyện kính giữ Pháp Hoa. Con người trong thời kỳ dữ dội sau này tuy khó giáo hóa, chúng con vẫn nổi dậy sức mạnh của sự ẩn nhẫn lớn lao mà kính giữ Pháp Hoa. Chúng con không tiếc tính mạng trong việc kính giữ ấy.
Trong đại hội, 500 vị La hán và 8000 vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất, đã được thọ ký, cũng đứng dậy, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, thệ nguyện sẽ ở tại các quốc độ khác mà diễn giảng Pháp Hoa.
Bấy giờ di mẫu của đức Thế Tôn là tỷ kheo ni Đại Thắng Sinh Chủ, cùng 6000 tỷ kheo ni tu học tiếp tục và tu học hoàn tất, cùng đứng dậy, chuyên chú chắp tay mà chiêm ngưỡng đức Thế Tôn. Ngài bảo, Đại Thắng Sinh Chủ, tại sao bà ưu tư mà nhìn Như Lai? Bà nghĩ Như Lai không gọi tên bà mà thọ ký chăng? Đại Thắng Sinh Chủ, trước đây Như Lai đã nói tổng quát, rằng hết thảy thanh văn đều được thọ ký. Nay bà muốn biết sự thọ ký ấy thì, vị lai, trong chánh pháp của hàng ức đức Phật, bà và 6000 vị tỷ kheo ni cùng làm những nhà diễn giảng vĩ đại, và bằng cách này mà bà hoàn thiện một cách đều đặn đường đi của bồ tát, trở thành một đức Phật đà danh hiệu Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến Như Lai, đủ 10 đức hiệu. Đại Thắng Sinh Chủ, đức Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến Như Lai sẽ cùng 6000 vị bồ tát tuần tự thọ ký cho nhau mà thành tựu tuệ giác vô thượng. Bấy giờ thân mẫu của tôn giả La Hầu La là tỷ kheo ni Trì Dự, cũng được đức Thế Tôn bảo, Trì Dự, vị lai bà sẽ ở trong chánh pháp của hàng ức đức Phật mà làm việc làm của bồ tát, bằng cách cũng làm nhà diễn giảng vĩ đại, đều đặn và hoàn tất đường đi của Phật, rồi được thành Phật tại cõi Thiện quốc, với danh hiệu Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng Như Lai, đủ mười đức hiệu, sống lâu vô lượng.
Các vị tỷ kheo ni Đại Thắng Sinh Chủ và Trì Dự, cùng những người tùy thuộc, bấy giờ ai cũng hoan hỷ cùng cực, tức thì đối trước đức Thế Tôn mà thưa, rằng bạch ngài, bậc thầy đem lại sự an ủi cho tất cả! Chúng con được ngài thọ ký cho, trong lòng ổn định hoàn toàn. Thưa rồi lại phát nguyện tuyên thuyết Pháp Hoa tại các quốc độ khác.
Khi ấy đức Thế Tôn nhìn vào rất nhiều bồ tát đại sĩ. Các vị toàn là bậc Không thoái chuyển, có thể chuyển đẩy bánh xe chánh pháp Không thoái chuyển. Khi đức Thế Tôn nhìn vào, các vị liền đứng dậy, đến trước ngài, tập trung tâm trí, chắp hai tay lại, suy nghĩ như vầy: Nếu đức Thế Tôn phán bảo chúng ta duy trì và công bố Pháp Hoa, thì chúng ta sẽ làm đúng như lời ngài. Nhưng ngài yên lặng, vậy chúng ta phải làm gì? Kính thuận tình ý của đức Thế Tôn, lại muốn viên mãn tâm nguyện của mình, nên đối trước ngài, các vị cất tiếng nói uy dũng như tiếng sư tử gầm mà phát nguyện như vầy: Bạch đức Thế Tôn, sau khi ngài nhập diệt, chúng con sẽ qua lại mười phương thế giới, đem hết năng lực mà làm cho chúng sinh, đối với kinh Pháp Hoa, biết sao chép ấn hành, tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng giải ý nghĩa, làm đúng kinh dạy, nhớ nghĩ chính xác… Chúng con làm được như vậy toàn là nhờ uy lực của đức Thế Tôn. Kính xin đức Thế Tôn ở đâu cũng chăm sóc che chở cho chúng con. Các vị lại thưa, sau này, trong thời kỳ khủng bố tàn ác, chúng con thệ nguyện tuyên thuyết Pháp Hoa. Ai thóa mạ hành hung, chúng con cũng nguyện ẩn nhẫn. Họ nói chúng con ham danh lợi nên nói thuyết ngoại đạo. Họ cũng bày ra diễn giảng Pháp Hoa, và nói chúng con lấy thuyết của họ. Kính tin Thế Tôn, chúng con không tiếc tính mạng, ẩn nhẫn mà bảo tồn Pháp Hoa của đức Thế Tôn ký thác. Là sứ giả của đức Thế Tôn, chúng con đi đến khắp nơi, nói cho những ai cần cầu Pháp Hoa. Thỉnh cầu đức Thế Tôn, đức Đa Bảo, và chư Phật phân thân, chứng biết cho thệ nguyện của chúng con.
_________
Phẩm 14: Sống yên vui
Vào lúc bấy giờ, Văn Thù đại sĩ bạch với đức Thế Tôn, rằng các vị đại sĩ này thật hiếm có. Các vị kính thuận đức Thế Tôn nên phát ra thệ nguyện cao cả, nguyện ở trong thời kỳ dữ dội sau này mà kính giữ Pháp Hoa. Nhưng, bạch đức Thế Tôn, bồ tát đại sĩ ở trong thời kỳ dữ dội sau này, làm thế nào để diễn giảng Pháp Hoa? Đức Thế Tôn dạy, muốn diễn giảng Pháp Hoa thì phải đặt mình vững chắc vào 4 cách sống yên vui.
Cách sống yên vui thứ nhất là đặt mình vững chắc vào phạm vi đi và phạm vi thân của bồ tát. Phạm vi đi của bồ tát có hai. Một là, bồ tát đi trong đường đất nhẫn nhục: ôn hòa, khéo thuận, không thô bạo, không kinh hoảng. Hai là, đối với các pháp, bồ tát chỉ nhìn thật tướng, không đi theo sự phân biệt mà cũng không đi theo sự không phân biệt. Như vậy gọi là phạm vi đi của bồ tát. Phạm vi thân của bồ tát cũng có hai. Một là, bồ tát không thân gần chính quyền hay quan chức của chính quyền. Không thân gần tu sĩ ngoại đạo. Không thân gần tác giả văn phẩm, thi phẩm và nhạc phẩm trần tục. Không thân gần những kẻ theo chủ thuyết xuôi với đời hay ngược với đời. Không thân gần những kẻ chơi những trò chơi hung hãn, những kẻ hóa trang, ảo thuật. Không thân gần những kẻ đao phủ, những kẻ làm nghề ác. Những kẻ trên đây có khi đến với bồ tát, thì bồ tát nên thuyết pháp cho họ mà không ước vọng danh lợi. Lại không thân gần tỷ kheo ni ưa thích cười giởn, hay nữ tín đồ quá ham lạc thú, và coi việc này như tìm niết bàn ngay trong hiện tại. Cũng không thân gần những vị cầu niết bàn của thanh văn. Khi họ đến với bồ tát thì bồ tát tùy nghi thuyết pháp mà không ước vọng danh lợi. Đối với người khác phái, bồ tát không vì những hình dáng phát sinh tư tưởng về dục mà thuyết pháp cho họ, cũng không thích gặp. Đến nhà người, đừng nói chuyện với người khác phái. Đừng thân gần với những người lại cái. Đừng một mình đi vào những chỗ dân cư hay đi đến nhà người; có lý do phải đi thì đi với một vị tỷ kheo khác, không có vị tỷ kheo thì phải chuyên tâm nghĩ nhớ đến Phật. Thuyết pháp cho người khác phái thì đừng ngồi chỗ khuất, đừng đùa giởn, đừng cười bày răng, đừng để hở ngực, và đến nỗi vì chánh pháp cũng không thân thiết với họ, huống chi vì gì khác. Thường ưa tỉnh tọa, ở chỗ thanh giản, tập trung mà sửa chửa tâm mình. Hai, bồ tát xét thấy các pháp toàn là Không, chỉ do sự tương quan mà có—Toàn là Không, vì thấy thật tướng các pháp: không thác loạn, không dao động, không suy thoái, không chuyển biến; vì thấy như hư không: tư duy không thấu, mô tả không đạt, không khái niệm, không danh từ; vì thấy thật là không thật: không số lượng, không giới hạn, không trở ngại, không ngăn cách. Bồ tát thường thích quán sát về thật tướng như vậy. Và như vậy gọi là chỗ đi và chỗ thân, bồ tát nhờ hai chỗ ấy mà thuyết pháp yên vui.
Cách sống yên vui thứ hai là miệng chỉ diễn giảng hay đọc tụng kinh điển, không thích nói nhược điểm của người, của kinh điển. Không khinh ngạo các vị diễn giảng khác. Không nói những sự tốt xấu giỏi dở của mọi người. Đối với thanh văn, không đem tên ra mà nói xấu hay khen tốt. Tâm lý oán ghét hiềm khích không hề nổi dậy, vì phải khéo tu cái tâm yên vui. Ai muốn nghe pháp, cũng không nghịch ý họ. Họ hỏi gì thì không trả lời bằng giáo pháp cỗ xe thấp nhỏ, chỉ đem giáo pháp cỗ xe vĩ đại mà giảng giải, làm cho họ rồi ra ai cũng đạt được tuệ giác Biết tất cả. Có ai gạn hỏi thì đáp theo nghĩa lý, yếu tố, ví dụ, diễn giảng, phân tích, dùng những cách này làm họ phát tâm, tăng dần cái lợi ích nhập vào tuệ giác Phật đà. Hãy loại bỏ sự biếng nhác, tách xa sự bực dọc, đem tâm từ bi mà thuyết chánh pháp. Ngày đêm thường thuyết chánh pháp vô thượng, đem mọi yếu tố và lắm ví dụ mà khai thị cho người, làm ai cũng vui. Đồ mặc, đồ nằm, đồ ăn, đồ uống, dược phẩm, đối với tất cả những thứ như vậy không mong ước gì. Chỉ một tâm nguyện, nguyện nhờ thuyết pháp mà mình với người cùng được thành Phật, và đó chính là lợi ích, lạc thú, là sự hiến cúng lớn lao. Như Lai nhập diệt rồi, vị tỷ kheo bồ tát diễn giảng Pháp Hoa thì lòng không còn ganh tị, tức bực, không bị quấy phá, trở ngại, không còn lo rầu, không bị thóa mạ, hành hung, khủng bố, xua đuổi, là vì đứng vững trong sự ẩn nhẫn.
Cách sống yên vui thứ ba là, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, những người kính giữ Pháp Hoa thì đừng ôm giữ tâm lý ganh ghét, dua nịnh và dối trá. Đừng khinh khi thóa mạ những người học tập tuệ giác của Phật, đừng tìm kiếm điều hay cái dở của những người ấy. Đối với 4 chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, đối với các vị cầu cỗ xe thanh văn, cỗ xe duyên giác, cỗ xe bồ tát, thì đừng quấy rối, làm cho họ thắc mắc, hối tiếc, bằng cách nói rằng các người cách xa tuệ giác của Phật, không bao giờ thực hiện được tuệ giác ấy, vì lẽ đối với tuệ giác ấy các người là những kẻ bất thường, biếng nhác. Đừng bàn chơi các pháp, cải cọ lẫn nhau. Đối với chúng sinh thì nghĩ đến đại bi, đối với Phật đà thì nghĩ là từ phụ, đối với bồ tát thì nghĩ là đại sư. Đối với bồ tát mười phương thì tôn kính sâu xa, đối với chúng sinh đủ loại thì thuyết pháp bình đẳng. Nhưng thuận với chánh pháp nên không nói nhiều cũng không nói ít, thậm chí đối với những người ưa thích chánh pháp một cách sâu xa cũng không vì họ mà nói nhiều. Văn Thù, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, các vị bồ tát có ai thành tựu cách sống yên vui thứ ba này thì lúc diễn giảng Pháp Hoa không ai quấy phá được. Người ấy còn được đồng học rất tốt, chung nhau đọc tụng Pháp Hoa. Lại được các chúng đến nghe mà nghe thì nhớ, thì tụng, thì giảng, giảng rồi tự mình sao chép hay khuyên người sao chép, và hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương đối với cuốn kinh Pháp Hoa. Con Phật như vậy diễn giảng Pháp Hoa, thường xuyên ôn hòa và hay ẩn nhẫn, từ bi giáo hóa tất cả các chúng, không hề sinh ra tâm tư biếng nhác.
Cách sống yên vui thứ tư là, sau này, trong thời kỳ cuối cùng, khi giáo pháp sắp ẩn mất, bồ tát kính giữ Pháp Hoa thì đối với những người tại gia xuất gia phải có lòng lành, đối với những người không phải bồ tát phải có lòng thương. Nên nghĩ như vầy: những người ấy mất mát rất lớn nếu không nghe không biết không hay, không hỏi không tin không hiểu gì về sự phương tiện tùy nghi thuyết pháp của đức Thế Tôn, nghĩa là không hỏi không tin không hiểu gì về Pháp Hoa. Dầu vậy, ta vẫn nguyện rằng khi được tuệ giác vô thượng rồi, tùy những người này ở vào bất cứ vị trí nào, ta cũng đem thần thông lực và trí tuệ lực mà dẫn dắt cho họ được đứng vào trong Pháp Hoa. Văn Thù, sau khi Như Lai nhập diệt, bồ tát có ai thành tựu cách sống yên vui thứ tư này thì diễn giảng Pháp Hoa không có lầm lỗi, thường được bốn chúng, và mọi thành phần khác, cùng hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương. Chư thiên ở trong không gian, vì nghe pháp nên cũng thường xuyên theo hầu. Khi vị ấy ở những nơi thôn xóm thành thị, hoặc ở những chỗ núi rừng thanh vắng, có ai đến muốn gạn hỏi, thì chư thiên ngày đêm thường vì pháp mà hộ vệ vị ấy, làm cho người nghe ai cũng hoan hỷ. Tại sao, vì Pháp Hoa là bản kinh được sự giữ gìn của thần lực chư Phật quá khứ vị lai cùng với hiện tại. Văn Thù, trong vô lượng quốc độ, kinh Pháp Hoa này đến nỗi cái tên còn khó được nghe đến, huống chi được nhìn thấy, thọ trì đọc tụng kinh ấy.
Văn Thù, ví như vị Luân vương hùng cường, muốn sử dụng uy thế làm cho các nước thần phục. Nhưng các quốc vương không tuân lịnh. Luân vương phải động binh chinh phạt. Và thấy tướng sĩ chiến đấu ai có công thì Luân vương mừng, tùy công mà thưởng bằng cách ban cho đủ thứ cần dùng và hiếm có. Chỉ viên ngọc sáng trong bối tóc thì không đem cho, vì chỉ trên đỉnh đầu của Luân vương mới nên có viên ngọc sáng ấy. Văn Thù, Như Lai cũng vậy, nhờ định lực và tuệ lực mà có quốc gia chánh pháp, ngự trị ba cõi. Nhưng chúa tể các loại ma không chịu khuất phục. Tướng sĩ hiền thánh của Như Lai phải chiến đấu với chúa tể các loại ma ấy. Và ai có công thì Như Lai hoan hỷ, ở giữa bốn chúng mà nói cho họ các kinh pháp để họ đẹp dạ, thưởng cho họ bao nhiêu là tài sản chánh pháp đại loại như thiền định, giải thoát, căn bản và năng lực thuần khiết, lại ban cho họ đô thành niết bàn, tuyên ngôn họ được niết bàn để dẫn đạo cho lòng họ hoan hỷ. Nhưng không nói cho họ kinh Pháp Hoa này. Văn Thù, vị Luân vương thấy tướng sĩ ai có công lớn mới rất mừng, và đem viên ngọc sáng, một viên ngọc khó có ai tin nổi giá trị của nó, từ lâu Luân vương để trong bối tóc, không bừa bãi cho ai mà nay đem thưởng cho. Như Lai cũng vậy, làm vị Pháp vương vĩ đại trong cả ba cõi, đem chánh pháp giáo hóa hết thảy chúng sinh, thấy tướng sĩ hiền thánh chiến đấu với ma hợp thể, ma phiền não và ma chết chóc, mà ai có công lớn diệt ba độc, vượt ba cõi, phá lưới ma, thì bấy giờ Như Lai rất hoan hỷ, và đem kinh Pháp Hoa, bản kinh có năng lực làm cho chúng sinh đạt đến tuệ giác của đấng Toàn giác, hết thảy thế gian phần nhiều oán ghét khó tin, trước đây chưa nói bao giờ mà nay nói cho. Văn Thù, Pháp Hoa là pháp thoại bậc nhất, và bí mật của chư Phật. Trong các pháp thoại, Pháp Hoa sâu xa hơn hết, nên cuối cùng Như Lai mới nói mà ban cho chư vị; như vị Luân vương hùng cường, giữ mãi viên ngọc sáng, ngày nay mới đem ban thưởng. Như Lai làm vua các pháp, có sức mạnh lớn là sức nhẫn nhục, có kho báu lớn là kho tuệ giác, vận dụng đại từ cùng với đại bi, giáo hóa thế giới một cách đúng cách. Ấy là thấy mọi người chịu bao khổ não, muốn thoát khổ não nên chiến với ma; Như Lai vì họ mà nói chánh pháp, đem phương tiện khéo nói bao khế kinh. Khi biết mọi người đắc lực cả rồi, cuối cùng nói cho kinh Pháp Hoa này; tựa như Luân vương lấy viên ngọc sáng để trong bối tóc đem ra ban thưởng.
Sau khi Như Lai nhập niết bàn rồi, những ai tìm kiếm tuệ giác Phật đà, muốn được yên vui diễn giảng Pháp Hoa thì phải thân gần bốn cách sống yên vui đã nói trên đây. Diễn giảng đọc tụng Pháp Hoa thì không lo bực, cũng không đau ốm, sắc tướng sáng tươi; không sinh không sống ở trong những chỗ nghèo nàn khốn cùng, thấp hèn xấu xí. Diễn giảng Pháp Hoa thì như sư tử chúa đi đâu chẳng sợ, trí tuệ chiếu sáng như mặt trời chiếu. Và ngay trong mộng cũng thấy toàn là những việc tốt đẹp.
_______
Phẩm 15: Từ đất xuất hiện
Lúc ấy rất nhiều bồ tát đại sĩ, đã từ các quốc độ khác đến quốc độ này, đứng dậy chắp tay đảnh lễ mà bạch đức Thế Tôn, nếu ngài cho phép chúng con, sau khi ngài nhập diệt, ở tại quốc độ Kham Nhẫn này, nổ lực mà kính giữ Pháp Hoa, thì chúng con nguyện ở tại đây mà diễn giảng kinh ấy một cách phong phú. Đức Thế Tôn bảo thôi, chư thiện nam tử. Quốc độ này tự có rất nhiều bồ tát đại sĩ, mỗi vị lại có rất nhiều tùy thuộc. Thầy trò các vị này có thể, sau khi Như Lai nhập diệt, kính giữ Pháp Hoa, công bố rộng rãi. Khi đức Thế Tôn nói như vậy thì đất của toàn thể đại thiên quốc độ Kham Nhẫn đều chấn động mà nứt ra, và từ đó có vô số bồ tát đại sĩ cùng lúc vọt lên. Các vị ấy thân toàn màu hoàng kim, đủ cả 32 tướng quí, và ánh sáng thì vô số lượng. Các vị cùng ở trong không gian phía dưới quốc độ Kham Nhẫn này, nghe tiếng đức Thế Tôn nói như trên nên từ đó dũng xuất. Các vị toàn là những bậc đạo sư, dẫn theo đại chúng tùy thuộc: Nhiều vị, mỗi vị dẫn theo rất nhiều tùy thuộc. Cho đến nhiều vị hơn, mỗi vị chỉ dẫn theo hai hay một tùy thuộc. Và nhiều vị hơn nữa, mỗi vị chỉ đến đơn độc. Thầy trò các vị bồ tát đại sĩ như thế này toán số ví dụ cũng không thể xác định.
Thầy trò các vị từ đất xuất hiện rồi, cùng đến chỗ đức Đa Bảo và đức Thích Ca mà kính lạy. Các vị lại đến chư Phật phân thân làm lễ cũng vậy, và đem những cách thức tán dương của bồ tát mà tán dương các ngài. Rồi đứng lại một phía, các vị hân hoan chiêm ngưỡng đức Đa Bảo và đức Thích Ca. Thì gian các vị mới xuất hiện cho đến tán dương xong, trải qua hết hàng chục thời kỳ bậc nhỏ. Nhưng thần lực của đức Thế Tôn làm cho cả đại hội thấy như nửa ngày mà thôi. Rồi bốn vị thượng thủ trong số các vị đạo sư là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh, An Lập Hạnh, cùng đứng trước đại chúng bồ tát ấy, chắp tay, chiêm ngưỡng đức Thích Ca mà vấn an, rằng đức Thế Tôn ít bịnh, ít phiền, sống yên vui chăng? Những người đáng được ngài hóa độ, họ có tiếp nhận sự hóa độ ấy một cách dễ dàng để ngài khỏi mệt nhọc chăng? Đức Thế Tôn bảo, đúng như vậy, chư thiện nam tử; Như Lai yên vui, ít bịnh, ít phiền, những người đáng được hóa độ cũng dễ hóa độ. Những người này mới thấy thân Như Lai và mới nghe lời Như Lai là tin tưởng tiếp nhận, nhập vào tuệ giác của Như Lai. Ngoại trừ những người trước đây tu học theo giáo pháp cỗ xe thấp nhỏ; những người như vậy ngày nay Như Lai cũng làm cho nghe được Pháp Hoa, nhập được Phật tuệ. Nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, bốn vị thượng thủ thưa ngài: Lành thay, đức Thế Tôn đại hùng, tất cả chúng con kính xin tùy hỷ.
Vào lúc bấy giờ đức Di Lạc cùng bồ tát chúng muốn biết nguyên ủy của chư vị bồ tát đại sĩ từ đất xuất hiện, nên chắp tay hướng về đức Thế Tôn mà hỏi, đại chúng bồ tát như thế này từ đâu đến đây? Đến để làm gì? Ai đã giáo hóa tác thành cho chư vị ấy? Các vị thị giả của chư Phật phân thân cũng hỏi đức Phật của mình. Chư Phật phân thân dạy, đức Di Lạc đã hỏi đức Thế Tôn rồi, các người hãy chờ một lát mà nghe ngài giải đáp. Khi ấy đức Thế Tôn khen đức Di Lạc đã hỏi một việc trọng đại như vậy. Và bảo, chư vị hãy cùng nhau tập trung tâm trí, khoác áo giáp tinh tiến, phát ý chí cứng chắc. Như Lai nay muốn phát lộ về tuệ giác và thần thông, về khí lực và uy lực của Như Lai. Như Lai an ủi như vậy là để chư vị khỏi ngờ khỏi sợ. Vì lẽ những gì xưa nay chư vị chưa nghe thì nay sẽ được nghe đến. Cái pháp bậc nhất mà Như Lai thực hiện, Như Lai sắp nói ra.
Di Lạc đại sĩ, hôm nay, giữa đại hội như vầy, Như Lai tuyên cáo để chư vị biết. Rằng đại chúng bồ tát từ đất dũng xuất đây là do Như Lai ở thế giới hệ Kham Nhẫn này thành tựu tuệ giác vô thượng rồi, giáo hóa cho các vị ấy thuần hóa tính ý, phát tâm tuệ giác. Các vị ấy ở trong không gian phía dưới thế giới hệ này. Các vị không thích ở chỗ đông đảo và nói năng nhiều lời, chỉ muốn ở nơi yên tĩnh, chuyên tâm tinh tiến mà cầu đạt cho được tuệ giác vô thượng.
Bấy giờ trong lòng đức Di Lạc và bồ tát chúng lại sinh nghi hoặc, nghĩ rằng đức Thế Tôn làm cách nào trong một thì gian ít ỏi mà giáo hóa tác thành được cho chư vị bồ tát như vầy? Nghĩ vậy nên bạch đức Thế Tôn, rằng ngài làm thái tử, thoát ly hoàng cung họ Thích, cách thành Già da không xa, ngồi nơi bồ đề tràng, thành đạt tuệ giác vô thượng, từ đó đến nay mới hơn 40 năm. Trong thì gian ngắn ngủi như vậy mà tại sao ngài có thể làm được một cách lớn lao việc làm của Phật, là giáo hóa chư vị bồ tát như vầy? Bạch đức Thế Tôn, điều này quả là cả thế gian đều khó tin. Dẫu rằng chúng con tin sự tùy nghi thuyết pháp của đức Thế Tôn, nhưng các vị bồ tát mới phát tâm, sau khi đức Thế Tôn nhập diệt mà nghe những lời này thì có thể có kẻ không tin, sinh ra cái lỗi bài bác chánh pháp. Chính vì vậy, bạch đức Thế Tôn, con xin ngài giảng giải, làm cho ai cũng không có nghi hoặc.
__________
Phẩm 16: Sự sống lâu của đức Thế Tôn
Vào lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo đại chúng bồ tát, và toàn thể đại hội, chư thiện nam tử, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai. Một lần nữa, đức Thế Tôn bảo, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai. Lại một lần nữa, đức Thế Tôn bảo, các người hãy tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai. Bấy giờ đại chúng bồ tát mà bậc thượng thủ là đức Di Lạc, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy, chúng con sẽ tin nhận lời ngài. Các vị thưa như vậy đến 3 lần rồi, vẫn nói xin ngài chỉ dạy, chúng con sẽ tin nhận lời ngài. Thấy đại chúng bồ tát thỉnh cầu đến 3 lần mà không ngưng, nên đức Thế Tôn bảo, chư vị hãy nghe cho kỹ về thần lực của Như Lai. Tất cả thế giới đều nói đời này đức Thích Ca Thế Tôn rời khỏi hoàng cung họ Thích, cách thành Già da không xa, ngồi nơi bồ đề tràng mà được tuệ giác vô thượng. Nhưng, chư thiện nam tử, Như Lai thật sự trở thành Phật đà thì đến nay đã vô lượng thời kỳ. Như Lai nay tuyên ngôn rõ ràng cho chư vị biết, nếu đem quốc độ mà nghiền làm bụi nhỏ, rồi mỗi hạt bụi giả thiết là một thời kỳ, thì Như Lai thành Phật đến nay còn hơn số thời kỳ ấy đến hàng triệu lần. Từ đó đến nay, Như Lai thường ở tại quốc độ này, và tại hàng triệu quốc độ khác, mà dắt dẫn ích lợi cho các loại chúng sinh, trong đó có các vị bồ tát dũng xuất. Chư thiện nam tử, trong thì gian ấy và trong những quốc độ ấy, Như Lai tự nói là các đức Như Lai khác, lại nói sự nhập diệt của các đức Như Lai ấy. Như vậy toàn là phương tiện mà nói. Như Lai thấy chúng sinh ưa thích giáo pháp thấp nhỏ, đức mỏng tội nặng, thì vì những người ấy mà phương tiện nói rằng Như Lai mới được tuệ giác vô thượng gần đây.
Chư thiện nam tử, Như Lai vì hóa độ chúng sinh nên nói mình qua thân mình hay nói mình qua thân khác, nói mình biểu hiện qua thân mình hay nói mình biểu hiện qua thân khác, nói mình biểu hiện qua việc mình hay nói mình biểu hiện qua việc khác, mọi cách nói đều trung thực, không dối trá. Vì lẽ Như Lai đúng như thật tướng của ba cõi mà thấy ba cõi không lui mất không hiện ra, không tồn tại không nhập diệt, không như nhau không khác nhau. Không như chúng sinh ba cõi nhìn thấy ba cõi; ba cõi như vậy Như Lai nhìn thấy thật tướng rõ ràng, không có lầm lẫn. Chỉ vì các loại chúng sinh có đủ thứ cá tính và thị hiếu, hành động và tư tưởng khác nhau, mà Như Lai thì muốn làm cho ai cũng được phát sinh gốc rễ điều thiện, nên đem bao nhiêu yếu tố, ví dụ và lời chữ mà thuyết pháp đủ cách, làm việc Phật làm mà chưa bao giờ tạm thời ngừng bỏ. Như vậy là Như Lai thành Phật đến nay đã cực kỳ lâu xa, sống lâu vô lượng thời kỳ, vĩnh viễn tồn tại mà không nhập diệt.
Chư thiện nam tử, Như Lai xưa kia đang đi đường đi của bồ tát mà sự sống lâu có được, đến nay vẫn chưa hết, thì gian còn nhiều hơn bội phần số lượng đã nói ở trên; huống chi Như Lai ngày nay đã thành Phật, và sự sống lâu của Như Lai là của một đức Phật? Như Lai nay không thật nhập diệt mà tuyên bố sẽ nhập diệt, là Như Lai dùng phương tiện ấy để giáo hóa chúng sinh. Tại sao, vì nếu Như Lai tồn tại lâu dài thì những kẻ phước đức mỏng mảnh, không lo gieo trồng gốc rễ điều lành, thấy Như Lai thường tồn tại mà không nhập diệt thì khinh thường, phóng túng mà nhàm chán, biếng nhác, chứ không có ý tưởng Như Lai khó gặp, không sinh tâm lý tôn kính, vì vậy mà Như Lai phương tiện nói rằng các đức Như Lai xuất thế rất là khó gặp. Những kẻ phước đức mỏng mảnh nghe nói như vậy thì tất nghĩ đến sự khó gặp ấy mà trong lòng luyến mộ, khao khát và ngưỡng vọng đối với Như Lai, tự nhiên gieo trồng gốc rễ điều lành, vì vậy nên Như Lai không thật nhập diệt mà tự nói nhập diệt. Chư thiện nam tử, cách thức hóa độ các đức Như Lai là như vậy, vì hóa độ chúng sinh mà nói, nên nói thế nào cũng trung thực chứ không sai lầm, dối trá. Ví như một lương y chế thuốc hay và chữa bịnh giỏi. Lương y có lắm con. Khi lương y đi vắng thì các con ông dùng lầm thuốc độc của kẻ khác. Độc phát nên sảng loạn. Khi ấy người cha trở về. Các con dùng nhằm thuốc độc hoặc mất trí hoặc không mất trí, nhưng thấy cha thì cùng chào đón và xin cứu chữa. Người cha soạn một phương thuốc với màu sắc, hương thơm và vị ngon đều tốt, đưa cho các con mà bảo, dược phẩm này rất quí, các con dùng thì không độc chất nào mà còn được nữa. Trong các con, ai không mất trí thì dùng liền và bịnh lành hết. Còn những người mất trí thì thấy cha về cũng mừng, nhưng cho thuốc lại không chịu dùng. Người cha nghĩ những đứa con này thật đáng thương, thuốc tốt mà không chịu dùng. Ta phải lập chước phương tiện mới được. Ông bảo, các con phải biết ta già rồi, giờ chết đã đến. Dược phẩm tốt này ta để lại ở đây, các con lấy dùng thì khỏi lo không lành. Chỉ dạy rồi ông lại đi vắng, bảo người nói cha các người chết rồi. Bấy giờ các con nghe nói cha chết thì lòng rất lo buồn mà tự nghĩ côi cút, không nơi nương tựa. Nghĩ mãi nên tỉnh trí. Và nhận ra được dược phẩm tốt, tức khắc lấy dùng và lành bịnh. Người cha nghe các con lành cả thì trở lại cho các con thấy. Chư thiện nam tử, có ai chỉ trích được rằng vị lương y dối trá chăng? Không, bạch đức Thế Tôn. Chư thiện nam tử, Như Lai cũng vậy. Như Lai thành Phật đến nay đã vô lượng thời kỳ, chỉ vì cứu độ chúng sinh mà phương tiện tuyên bố nhập diệt, nhưng không thể nói đúng cách rằng Như Lai nói dối.
Thần lực Như Lai là như thế ấy, vô số thời kỳ thường ở Linh sơn cùng với bao nhiêu chỗ ở khác nữa. Chúng sinh nhìn thấy thì thấy hoại kiếp, lửa dữ đốt cháy cả quốc độ này. Nhưng chính lúc ấy quốc độ Như Lai vẫn thường yên ổn, chư thiên nhân loại vẫn thường tràn đầy trong quốc độ ấy. Vườn rừng lầu đài trang trí vàng ngọc, cây ngọc sum sê những hoa và quả, mọi người thích thú du ngoạn trong đó. Chư thiên thì đánh trống của chư thiên, lại thường diễn tấu các thứ nhạc khí, và rưới hoa xuống loại như mạn đà, rải trên Như Lai và cả đại chúng. Tịnh độ Như Lai tồn tại như thế, vậy mà chúng sanh thấy lửa đốt hết, thấy bao lo sợ kinh hoàng đau đớn. Những nổi khổ ấy thấy đầy khắp cả.
Những ai tu hành, chân thành ôn nhu, thì đều thấy được thân thể Như Lai thường ở tại đây tuyên thuyết chánh pháp, vì những người này mà Như Lai nói đời sống Như Lai vô biên vô lượng; còn ai lâu lắm mới thấy Như Lai, Như Lai vì họ nói Phật khó gặp. Nói rằng nhập diệt, rằng không nhập diệt, chỉ do Như Lai phương tiện mà nói. Như Lai thường xuyên thấy biết chúng sinh ai có ai không đi theo đường chánh, rồi tùy trường hợp cần phải hóa độ cho họ thế nào, Như Lai nói pháp với những cách nói thích ứng cho họ.
________
Phẩm 17: Phân tích thành quả
Đức Thế Tôn bảo đức Di Lạc, Như Lai nói về sự bất tận như vậy của đời sống Như Lai thì có nhiều chúng sinh thực hiện tuệ giác Không sinh. Lại có nhiều bồ tát được tổng trì Nghe nhớ, có nhiều bồ tát được các tài hùng biện mà trong đó có sự Biện thuyết, có nhiều bồ tát được tổng trì Xoay chuyển vô số, có nhiều bồ tát có thể chuyển đẩy bánh xe chánh pháp Không còn thoái chuyển, có nhiều bồ tát có thể chuyển đẩy bánh xe chánh pháp Hào quang trong sáng. Lại có nhiều bồ tát chỉ tám đời nữa, chỉ hai đời nữa, chỉ một đời nữa, thì được Tuệ giác vô thượng. Lại có chúng sinh nhiều bằng bụi nhỏ phát Tâm tuệ giác vô thượng.
Khi đức Thế Tôn phân tích chư vị bồ tát được lợi ích của Pháp vĩ đại như vậy thì trong không gian mưa xuống thiên hoa, rãi trên chư Phật phân thân, trên đức Thế Tôn và đức Đa Bảo, trên tất cả bồ tát và bốn chúng. Trong không gian lại mưa xuống phấn các hương liệu, và trống chư thiên tự kêu vang lên; lại mưa xuống hàng ngàn loại vải chư thiên; và rủ xuống khắp cả chín phương hướng là những chuỗi ngọc. Bao nhiêu là lư hương, làm bằng ngọc và ở trong đốt hương liệu vô giá, tự chuyển động đến khắp nơi, hiến cúng toàn thể pháp hội lớn lao. Các bên ở trên mỗi đức Phật, các vị bồ tát cầm bảo cái có mắc phan phướn, và dùng âm thanh tuyệt diệu mà ngâm hát vô số thi ca tán dương chư Phật. Vào lúc ấy đức Di Lạc từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai bên phải, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, nói những lời chỉnh cú mà lặp lại những sự kiện trên đây, và kết thúc rằng: Tiếng nói Thế Tôn vang cả mười phương, lợi ích rộng lớn cho bao chúng sinh, làm cho tất cả có đủ những thiện căn hỗ trợ phát Tâm tuệ giác vô thượng.
Đức Thế Tôn lại bảo đức Di Lạc, người nào nghe đời sống Như Lai bất tận như vậy, thì dẫu đến nỗi chỉ phát sinh được một ý niệm tin hiểu mà thôi, công đức người ấy đã không có hạn lượng. Thiện nam hay thiện nữ nào vì cầu tuệ giác vô thượng mà trải qua nhiều thời kỳ thực hành năm pháp ba la mật, ngoại trừ bát nhã, công đức của người này đem sánh với công đức của người trước thì không thể bằng được. Thiện nam hay thiện nữ nào có công đức trước mà thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng là điều không thể có.
Lại nữa, Di Lạc, nếu ai chỉ nghe Như Lai nói về sự bất tận của đời sống Như Lai mà hiểu được ý hướng của sự nói như vậy, thì người ấy có năng lực phát khởi tuệ giác vô thượng của Như Lai. Di Lạc, thiện nam hay thiện nữ nào nghe Như Lai nói sự bất tận của đời sống Như Lai mà tin hiểu bằng tâm trí sâu xa, thì thấy pháp hội Pháp Hoa này thường còn tại Linh sơn, thấy quốc độ Kham nhẫn này là tịnh độ, và thấy được như vậy thì đại sĩ phải biết đó là sắc thái của sự tin hiểu sâu xa. Thêm nữa, sau khi Như Lai nhập diệt, ai nghe Pháp Hoa mà không phỉ báng, biết tùy hỷ, thì đại sĩ phải biết như thế cũng đã là sắc thái của sự tin hiểu sâu xa; huống chi tùy hỷ rồi còn biết kính giữ kinh ấy, thì như vậy là đỉnh đầu người này đã đội Như Lai, là đã xây dựng chùa tháp mà hiến cúng Như Lai và kiến thiết tăng xá mà hiến cúng Tỷ kheo tăng.
Chỉ kính giữ Pháp Hoa mà đã được như trên, huống chi kính giữ kinh ấy mà còn thực hành lục độ, còn xây dựng chùa tháp và tăng xá hiến cúng Phật và Tăng, còn có những thắng pháp khác, thì đại sĩ phải biết những người ấy bước mau đến bồ đề tràng, sắp ngồi dưới bồ đề thọ mà hoàn mãn vô thượng giác.
________
Phẩm 18: Thành quả tùy hỷ
Lúc ấy đức Di Lạc lại thưa, bạch đức Thế Tôn, thiện nam hay thiện nữ nào nghe kinh Pháp Hoa mà biết tùy hỷ, thì được bao nhiêu phước đức? Ngài còn lặp lại sự thưa hỏi này bằng lời chỉnh cú.
Đức Thế Tôn bảo đức Di Lạc, sau khi Như Lai nhập diệt, những người nghe kinh Pháp Hoa mà tùy hỷ, rồi đi đến những nơi có thể đến và nên đến, y như những điều mình được nghe và tùy sức mình mà nói lại cho người thân, người quen, và người có thể nghe. Những người này nghe rồi cũng tùy hỷ và đi nói chuyền lại cho những người khác. Những người khác nghe rồi cũng tùy hỷ, cũng nói chuyền. Triển chuyển cho đến lớp thứ năm mươi. Di Lạc, công đức của thiện nam hay thiện nữ lớp thứ năm mươi này, nay Như Lai nói đến, đại sĩ hãy khéo nghe.
Sáu loại chúng sinh sinh ra từ trứng, từ dạ con, từ độ ẩm thích hợp, từ sự biến hình, lại có hay không hình thể, có hay không tư tưởng, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân. Các loại chúng sinh như vậy, có người cầu phước nên họ muốn gì về vật dụng cũng cấp cho cả. Cho như vậy tám mươi năm rồi, vị thí chủ nghĩ, nay họ già yếu, sắp chết đến nơi. Ta nên đem pháp hóa của Phật mà hướng dẫn. Tức thì ông chiêu tập họ lại, quảng bá pháp hóa bằng mọi cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng. Làm cho trong một thì gian ai cũng được đạo quả của cỗ xe Thanh văn. Di Lạc, ý đại sĩ nghĩ thế nào, công đức vị thí chủ ấy nhiều không? Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều. Di Lạc, Như Lai nay nói rõ ràng cho đại sĩ biết, công đức ấy không bằng công đức của người thuộc lớp năm mươi nghe kinh Pháp Hoa mà sinh tâm tùy hỷ. Di Lạc, công đức của người này mà đã như vậy, huống chi công đức của người đầu tiên.
Di Lạc, ai đứng hay ngồi mà lắng nghe và tiếp nhận Pháp Hoa, thì đời sau sinh ra ở đâu cũng được đi bằng xe thuyền loại thượng hạng. Ai đang ngồi nghe Pháp Hoa mà nhường hay chia chỗ mời người đến sau ngồi nghe, thì đời sau sẽ ngồi chỗ của Đế Thích, Phạn Vương, Luân Vương. Ai loan báo hay giới thiệu Pháp Hoa mà mời người cùng đi nghe, thì đời sau được sinh cùng chỗ với vị bồ tát đã có các pháp tổng trì; được lợi căn, trí tuệ; được nhiều đời không câm ngọng; hơi miệng không hôi thối, lưỡi không bị bịnh; miệng cũng vậy; răng không dơ, không đen, không vàng, không thưa, không mẻ, không rụng, không lệch, không cong; môi không xệ xuống, không rút vào, không thô nhám, không ghẻ lở, không sứt hỏng, không méo vẹo, không dày,không lớn, không thâm, không đen, không có gì đáng ghét; mũi không xẹp, không hóp, không cong, không gãy; mặt thì sắc không đen, hình không hóp lại, dài ra, không lõm xuống, không gãy, không có hết thảy cái vẻ không thể ưa thích; trái lại, môi, lưỡi, răng hàm, răng, tất cả đều chỉnh, đẹp; mũi thì dài, lớn, cao, thẳng; mặt và dáng mặt thật hoàn hảo; mày cao mà dài; trán rộng, bằng phẳng, ngay ngắn; nói tóm, tướng tốt loài người, người ấy có đủ tất cả. Đời đời, người ấy sinh ra ở đâu cũng thấy Phật nghe Pháp, tin tưởng và tiếp nhận giáo huấn. Di Lạc, đại sĩ hãy quan sát điều ấy: khuyến khích cho người nghe giảng Pháp Hoa mà thành quả còn như vậy, huống chi chính mình chuyên chú mà lắng nghe, mà đọc tụng, mà phân tích nói lại cho mọi người, mà tu hành như kinh dạy.
_________
Phẩm 19: Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa
Vào lúc ấy, đức Thế Tôn bảo đại bồ tát Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà thực hành 5 pháp hạnh: tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành, thì được những phẩm chất tốt, trang sức cho sáu căn trong suốt tất cả.
Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà thực hành 5 pháp hạnh thì được 800 phẩm chất tốt của mắt. Với mắt thịt trong suốt do cha mẹ sinh ra mà thấy cả trong và ngoài đại thiên thế giới: thấy dưới đến ngục Vô gián trên đến trời Hữu đảnh, trong đó tất cả chúng sinh, hành vi của tất cả chúng sinh ấy, và những chỗ của hành vi ấy kết quả sinh đến, cũng thấy biết hết thảy.
Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà thực hành 5 pháp hạnh, thì được 1200 phẩm chất tốt của tai. Với tai thịt trong suốt ấy mà nghe hết thảy lời tiếng ở trong và ngoài đại thiên thế giới. Và phân biệt các loại lời tiếng như vậy mà không hỏng nhĩ căn.
Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà thực hành 5 pháp hạnh, thì được 800 phẩm chất tốt của mũi. Với mũi thịt trong suốt ấy mà nghe được các hơi trên dưới và trong ngoài đại thiên thế giới. Nghe hết các hơi như vậy mà tỹ căn không hỏng, và muốn phân tích nói cho người khác thì nhớ không sai.
Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà thực hành 5 pháp hạnh, thì được 1200 phẩm chất tốt của lưỡi. Tốt xấu, ngon dở, đắng chát, ở trên lưỡi của người này đều biến thành mùi thượng hạng, không có thứ gì không ngon. Nếu đem lưỡi ấy giảng nói gì thì đi vào con tim, làm cho ai cũng hoan hỷ thích thú. Người này ở phương hướng nào thì chư vị Phật đà xoay lại phương hướng ấy mà thuyết pháp, và người ấy tiếp nhận, ghi nhớ hết cả, lại xuất ra tiếng nói sâu xa và tuyệt diệu mà tuyên thuyết pháp ấy. Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà thực hành 5 pháp hạnh, thì được 800 phẩm chất tốt của thân. Người ấy được thân trong suốt như khối lưu ly. Vì thân trong suốt nên chúng sinh cả đại thiên thế giới đều hiện nơi thân ấy. Dưới đến ngục Vô gián, trên đến trời Hữu đảnh, bao nhiêu chúng sinh và những gì có trong đó, đều hiện nơi thân này. Thanh văn Duyên giác Bồ tát và Phật đà thuyết pháp, thì những hình ảnh như vậy cũng hiện nơi thân này.
Thường Tinh Tiến, thiện nam hay thiện nữ nào đối với Pháp Hoa mà thực hành 5 pháp hạnh, thì được 1200 phẩm chất tốt của ý. Với ý trong suốt như vậy thì đến nỗi chỉ nghe một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa cũng
thông suốt nghĩa lý vô biên. Thông suốt như vậy rồi lại có khả năng giảng nói một bài chỉnh cú hay một câu đủ nghĩa ấy đến một tháng, một mùa, cho đến cả năm, và những gì người này giảng nói, thì vì ý nghĩa hướng về thật tướng, nên không trái ngược với thật tướng ấy. Người này nếu phải nói đến học thuyết thế gian, lý thuyết chính trị, công nghiệp dân sinh, và những gì cùng loại, thì cũng biết nói cho hợp với Phật pháp. Cả đại thiên thế giới, sáu loài chúng sinh nghĩ gì, nghĩ để làm gì, nghĩ để bàn gì, người này biết hết. Người này nghĩ gì, tính gì, nói gì, cũng đều trung thực với pháp của Như Lai đã dạy chứ không có gì không trung thực, lại cũng trung thực với pháp đã được nói đến trong kinh của các đức Phật trước.
__________
Phẩm 20: Bồ tát Thường Bất Khinh
Khi ấy đức Thế Tôn bảo đại bồ tát Đại Thế Chí, xưa, xa xưa, cách nay rất nhiều thời kỳ, có đức Oai Âm Vương Như Lai, đủ 10 đức hiệu. Thời kỳ của ngài tên là Ly Suy, quốc độ của ngài tên là Đại Thành. Đại Thế Chí, Oai Âm Vương Như Lai sống lâu rất nhiều thời kỳ. Giáo pháp nguyên chất và tương tự cũng tồn tại rất lâu, khi kết thúc thì quốc độ Đại Thành tuần tự xuất hiện nhiều đức Phật nữa, cùng một danh hiệu Oai Âm Vương Như Lai.
Đức Oai Âm Vương Như Lai đầu tiên, sau khi nhập diệt, trong thời kỳ giáo pháp tương tự của ngài, những tỷ kheo tăng thượng mạn có thế lực cực lớn. Chính trong lúc này mà có một vị tỷ kheo bồ tát tên là Thường Bất Khinh. Đại Thế Chí, vì sao ngài lại được gọi như vậy? Vì gặp bất cứ ai, ngài cũng thi lễ mà nói tôi không dám khinh thường quý vị, vì quý vị sẽ thành Phật đà. Khi nói như vậy, có kẻ mắng nhiếc, ngài vẫn không giận dữ, vẫn nói quý vị sẽ thành Phật đà. Có kẻ lấy cây mà đánh, lấy đá mà ném, ngài chạy tránh, nhưng vẫn đứng xa mà nói lớn, rằng tôi không dám khinh thường quý vị, quý vị sẽ làm Phật đà. Trải qua bao nhiêu năm tháng, ngài thường xuyên nói như vậy, nên những kẻ Tăng thượng mạn gọi ngài là Thường Bất Khinh.
Lúc đời sống sắp kết thúc, Tỷ kheo Bồ tát Thường Bất Khinh được nghe đầy đủ về kinh Pháp Hoa mà đức Oai Âm Vương Như Lai đã tuyên thuyết. Ngài tiếp nhận và kính giữ đầy đủ. Và tức thì được sáu căn trong suốt. Do vậy, đời sống của ngài tăng lên nhiều năm nữa, ngài diễn giảng phong phú cho mọi người về kinh Pháp Hoa. Bấy giờ, những kẻ Tăng thượng mạn đã gọi ngài là Thường Bất Khinh, thấy ngài đạt được sức mạnh đại thần thông, sức mạnh đại hùng biện, sức mạnh đại yên lặng, nên nghe ngài diễn giảng ai cũng tin phục. Ngài lại giáo hóa cho họ đứng trong tuệ giác vô thượng.
Sau khi đời sống kết thúc, ngài gặp được nhiều đức Phật cùng danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai, và cũng diễn giảng Pháp Hoa. Nhân tố này làm cho ngài gặp nhiều đức Phật nữa cùng danh hiệu Vân Tự Tại Vương Như Lai, cũng kính giữ Pháp Hoa, cũng được sáu căn bình thường mà trong suốt. Ngài còn gặp nhiều đức Phật nữa, cũng diễn giảng Pháp Hoa, và trở thành Phật đà.
Đại Thế Chí, đại Bồ tát Thường Bất Khinh lúc ấy chính là bản thân Như Lai. Như Lai nếu không tiếp nhận kính giữ Pháp Hoa thì đã không thành tựu tuệ giác vô thượng một cách mau chóng. Phần những người trong bốn chúng khinh ngạo đại Bồ tát Thường Bất Khinh thì bao thời kỳ không gặp Phật không nghe Pháp không thấy Tăng, bao thời kỳ chịu khổ khốc liệt trong Vô gián. Nhưng hết tội báo ấy lại gặp được đại Bồ tát Thường Bất Khinh giáo hóa cho về tuệ giác vô thượng. Họ nay là năm trăm Bồ tát, năm trăm Tỷ kheo và Tỷ kheo ni, năm trăm ưu bà tắc và ưu bà di, toàn là những người không thoái chuyển tuệ giác vô thượng, và đang có mặt trong đại hội này.
Đại Thế Chí, đại sĩ phải biết, Pháp Hoa ích lợi vĩ đại cho chư vị đại Bồ tát, có năng lực làm cho chư vị ấy đạt đến tuệ giác vô thượng. Vì lý do này, sau khi Như Lai nhập diệt, đối với Pháp Hoa, chư vị đại Bồ tát hãy liên tục tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành…
________
Phẩm 21: Sức Thần Của Đức Thế Tôn
Lúc bấy giờ các vị đại Bồ tát đã từ đất dũng xuất, cùng đối trước đức Thế Tôn, chuyên chú mà chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan của ngài, thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, sau khi ngài nhập diệt, chúng con sẽ ở trong bao nhiêu quốc độ của chư Phật phân thân của ngài mà giảng nói rộng rãi về kinh Pháp Hoa. Chúng con làm như vậy là vì bản thân chúng con cũng muốn được cái Pháp vĩ đại ấy để hiến cúng bằng cách tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, sao chép ấn hành.
Khi ấy, trước toàn thể đại hội, và trọn trăm ngàn năm, đức Thế Tôn và chư Phật phân thân của ngài, từ nơi hết thảy lỗ lông, phóng ra vô lượng ánh sáng có màu sắc, chiếu khắp quốc độ mười phương. Làm cho chúng sinh ở các quốc độ ấy cùng nhìn quốc độ Kham nhẫn này: Thấy chư Phật phân thân, thấy đức Thế Tôn và đức Đa Bảo, thấy chúng Bồ tát và bốn chúng bao quanh đức Thế Tôn, và thấy ngài đang tuyên thuyết Pháp Hoa cho họ. Thấy như vậy nên tùy hỷ sâu xa, và cùng nhau chắp tay hướng về quốc độ này mà nói kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, và đem các loại cúng phẩm tung vào quôác độ này. Bấy giờ tất cả quốc độ mười phương đều thông suôát với nhau như một cõi Phật.
Khi ấy đức Thế Tôn bảo đại chúng Bồ tát mà trong bốn vị thượng thủ có đại Bồ tát Thượng Hạnh, rằng một chút thần lực của Như Lai mà đã bất khả tư nghị như vậy. Nhưng nếu Như Lai đem thần lực như vậy, vì sự giao phó trọng trách mà nói đến đặc tính của Pháp Hoa, thì nói nhiều thời kỳ cũng không cùng tận. Nói cốt yếu thì những gì Như Lai có đều nói trong Pháp Hoa. Do vậy mà sau khi Như Lai nhập diệt, đối với Pháp Hoa, chư vị phải một lòng thực hành năm pháp hạnh mà kính giữ kinh ấy.
Kính giữ Pháp Hoa là thấy Như Lai, thấy đức Đa Bảo, thấy chư Phật phân thân, thấy các Bồ tát đang được Như Lai giảng dạy giáo hóa trong ngày hôm nay. Cái Pháp bí yếu mà Như Lai được khi Như Lai ngồi nơi Bồ đề tràng, ai kính giữ được kinh Pháp Hoa này, sẽ không bao lâu cũng được Pháp ấy. Ví như ánh sáng hai vầng nhật nguyệt, người ấy phá tan mọi sự mờ tối. Người ấy đi khắp trong cõi đời này, diệt được mờ tối cho bao chúng sinh, giáo hóa bao người có tánh Bồ tát cùng được ngồi vào cỗ xe duy nhất.
__________
Phẩm 22: Giao Phó Trọng Trách
Vào lúc bấy giờ, từ trên pháp tòa, đức Thế Tôn đứng dậy, biểu hiện thần lực bằng cách đưa cánh tay phải xoa trên đỉnh đầu vô lượng Bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp tuệ giác vô thượng rất khó được như thế này, Như Lai trải qua vô lượng thời kỳ mới tu hành, thu thập và thực hiện được, ngày nay Như Lai đem giao phó cho quý vị; quý vị nên hết lòng truyền bá, làm cho sự ích lợi của pháp ấy tăng lên một cách rộng rãi. Ba lần như vậy, đức Thế Tôn xoa trên đỉnh đầu chư vị Bồ tát đại sĩ mà nói, cái pháp như thế này ngày nay Như Lai giao phó cho quý vị, quý vị hãy làm cho hết thảy chúng sinh cùng được nghe biết pháp ấy.
Tại sao Như Lai giao phó như vậy? Vì Như Lai đại từ bi. Như Lai có thể cho chúng sinh tuệ giác Phật đà, tuệ giác Như Lai, tuệ giác Tự nhiên. Như Lai là đại thí chủ. Quý vị cũng phải học tập phong cách ấy. Trong thì vị lai, ai tin được tuệ giác Như Lai thì quý vị nên giảng nói Pháp Hoa, với chủ ý làm cho những người này đạt được tuệ giác ấy. Ai chưa tin được tuệ giác ấy thì quý vị hãy đem những giáo pháp sâu xa khác của Như Lai mà trình bày, thuyết phục, khuyến khích, tán thưởng. Làm được như vậy là quý vị đã báo đáp được ân đức của chư Phật. Chư vị Bồ tát đại sĩ nghe đức Thế Tôn dạy như vậy thì ai cũng rất hoan hỷ. Nỗi hoan hỷ ấy tràn ngập cơ thể, nên chư vị tăng thêm tôn kính, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế Tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hành đúng như lời đức Thế Tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn đừng lo nghĩ. Ba lần như vậy, chư vị Bồ tát đại sĩ cùng lên tiếng mà thưa, bạch đức Thế Tôn, chúng con nguyện xin cùng nhau phụng hành đúng như lời đức Thế Tôn huấn dụ. Dạ, đúng như vậy, bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn đừng lo nghĩ.
Khi ấy đức Thế Tôn kính thỉnh chư Phật phân thân trở về quốc độ của các ngài; kính xin tháp Đa Bảo trở về chỗ cũ. Khi đức Thế Tôn nói như vậy thì vô lượng chư Phật phân thân, đức Đa Bảo Phật đà, cùng vô biên đại chúng Bồ tát mà trong 4 vị thượng thủ có đại Bồ tát Thượng Hạnh, 4 chúng Thanh văn mà thượng thủ là tôn giả Xá Lợi Phất, và tất cả thế giới mà trong đó bao gồm nhân loại và 8 bộ, nghe những điều đức Thế Tôn nói ai cũng đại hoan hỷ.
__________
Phẩm 23: Việc Cũ Của Bồ Tát Dược Vương
Lúc ấy Bồ tát Tú Vương Hoa thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, Bồ tát Dược Vương du hóa như thế nào trong quốc độ Kham nhẫn? Vị Bồ tát ấy có bao nhiêu khổ hạnh khó làm? Lành thay đức Thế Tôn, xin ngài nói ra một chút về khổ hạnh ấy. Chúng Bồ tát đến từ thế giới hệ khác và chúng Thanh văn ở thế giới hệ này ai nghe cũng hoan hỷ.
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Bồ tát Tú Vương Hoa, quá khứ cách nay nhiều thời kỳ, có đức Phật danh hiệu là Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, đủ 10 đức hiệu. Chúng đại Bồ tát và chúng đại Thanh văn của ngài rất đông. Ngài sống rất lâu. Đời sống của đại Bồ tát cũng đồng đẳng. Quốc độ của ngài không có nữ nhân, không có các đường dữ, không có mọi sự tai nạn. Quốc độ ấy rất đẹp và sạch.
Bấy giờ đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai tuyên thuyết Pháp Hoa cho Bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến và các chúng Bồ tát, Thanh văn. Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến là vị Bồ tát thích tập khổ hạnh. Trong giáo pháp của đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, vị Bồ tát này tinh tiến kinh hành và tư duy để cầu Phật tuệ. Trọn hàng ngàn năm như vậy, vị Bồ tát này được định tên Hiện các sắc thân, và rất hoan hỷ, nghĩ rằng, ta được định Hiện các sắc thân là nhờ sức mạnh của sự được nghe Pháp Hoa. Ta nên hiến cúng đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai và kinh ấy. Nghĩ vậy nên vị Bồ tát này tức thì nhập định Hiện các sắc thân, ở trong không gian rưới hoa hương rất quí mà hiến cúng. Hiến cúng cách ấy rồi, Bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến xuất định, nghĩ rằng, dầu ta vận dụng thần lực mà hiến cúng đức Thế Tôn của ta như vậy vẫn không bằng đem chính thân ta mà hiến cúng. Nghĩ như vậy nên vị Bồ tát này ăn uống các hương liệu, uống dầu thơm của các loại hoa, rồi đem dầu thơm mà thoa mình, đối trước đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, đem nguyện lực và thần lực mà tự đốt thân mình, ánh sáng chiếu khắp bao nhiêu thế giới hệ. Chư Phật trong những thế giới hệ ấy cùng lúc ca tụng, rằng tốt lắm thiện nam tử, như thế này mới là sự tinh tiến chân thật. Thiện nam tử, như thế này mới là sự hiến cúng bậc nhất. Trong mọi sự hiến cúng, sự này tối tôn tối thượng. Là vì đây là lấy chánh pháp mà hiến cúng Như Lai.
Sau khi hiến cúng bằng chánh pháp như vậy, và đời sống kết thúc rồi, vị Bồ tát này tái sanh trong quốc độ của đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, bằng cách bỗng nhiên hóa sinh, ngồi xếp bàèng trong cung vua Tịnh Đức, và tức thì nói với vương phụ, rằng vương phụ biết cho, trong đời trước đây con đã đi trên con đường khổ hạnh, đã thành tựu định Hiện các sắc thân, và đã làm việc tinh tiến vĩ đại, bằng cách xả bỏ cái thân yêu quí, tôn kính hiến cúng đức Thế Tôn của con, để cầu thành đạt tuệ giác vô thượng. Nói rồi, lại tâu vương phụ, rằng đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai hiện nay vẫn còn. Trước đây con hiến cúng ngài rồi được pháp tổng trì Biết hết tiếng nói của chúng sinh, lại được nghe kinh Pháp Hoa với những bài kệ đạt đến số lượng hàng ức đại số cuối cùng. Tâu vương phụ, bây giờ con lại muốn hiến cúng ngài. Rồi Bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến liền đến chỗ đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai, đầu mặt lạy ngang chân ngài, chắp tay lại mà thưa: Diện mạo Thế Tôn vô cùng kỳ diệu! Ánh sáng Thế Tôn chiếu khắp tất cả! Trong đời trước đây con mới hiến cúng và nay lại được đích thân chiêm ngưỡng!
Bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến lại thưa, bạch đức Thế Tôn, như vậy là đức Thế Tôn vẫn còn có thể ở đời thêm nữa. Đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai bảo, thiện nam tử, thì gian Niết bàn của Như Lai đã đến. Ông hãy sắp chỗ cho Như Lai. Đêm nay Như Lai sẽ nhập Niết bàn. Ngài lại huấn thị Bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến, rằng thiện nam tử, Như Lai đem giáo pháp của Như Lai mà giao phó cho ông, lại giao phó cho ông các vị Bồ tát, các đại đệ tử, và pháp tuệ giác vô thượng. Huấn thị rồi, phần sau của đêm ấy ngài nhập vào Niết bàn.
Thấy vậy, Bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến bi cảm, luyến mộ, dùng đàn hương làm giàn củi, hiến cúng mà thiêu thân ngài, thu thập xá lợi vào hàng ngàn bình ngọc, và xây hàng ngàn bảo tháp mà tôn thờ. Thế nhưng vị Bồ tát ấy lại nghĩ, ta hiến cúng xá lợi như vầy vẫn thấy chưa đủ. Ta nên đổi cách mà hiến cúng. Vị Bồ tát này bảo chư Bồ tát, chư đại đệ tử và bao chúng khác, rằng nay tôi muốn hiến cúng xá lợi của đức Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai. Nói rồi tự đốt hai cánh tay được trang sức bởi cả trăm phước, làm cho vô số người cầu tuệ giác Thanh văn và phát tâm tuệ giác vô thượng đều được ở vào trong định Hiện các sắc thân.
Bấy giờ các chúng thấy bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến không còn hai cánh tay thì lo và thương mà nói với nhau, rằng vị bồ tát này là thầy chúng ta mà nay thân không hoàn bị! Nhưng bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến ở giữa các chúng mà thệ nguyện, rằng tôi bỏ hai cánh tay thì quyết chắc sẽ được cái thân màu hoàng kim của Phật. Nếu thật như vậy thì nguyện hai cánh tay của tôi trở lại như cũ. Thệ nguyện rồi tự nhiên phục hồi cả hai cánh tay. Ấy là do phước đức và tuệ giác của vị bồ tát này cực kỳ thuần hậu mà cảm ra.
Đức Thế Tôn bảo bồ tát Tú Vương Hoa, ý ông nghĩ thế nào, bồ tát Nhất Thế Chúng Sinh Hỷ Kiến có phải ai khác, nay chính là Dược Vương đại sĩ. Thân mạng vị đại sĩ này bỏ ra mà hiến, mà cho, có đến vô lượng.
Tú Vương Hoa, Pháp Hoa có năng lực cứu vớt hết thảy chúng sinh, có năng lực đem lại lợi ích vĩ đại cho hết thảy chúng sinh, sung mãn mọi sự nguyện ước của họ, có năng lực làm cho chúng sinh thoát hết mọi sự khổ não, mọi thứ ốm đau, mở được những cách ràng buộc bởi sự sống chết. Đối với Pháp Hoa, ai được nghe, được chép, được khuyên người chép, thì công đức có được, nếu đem tuệ giác của Phật tính coi nhiều ít mới thấy vô hạn. Ai chép cuốn kinh Pháp Hoa rồi hiến cúng bằng các loại hoa, các hương liệu, bằng các thứ đèn, bằng các thứ đèn dầu thơm, thì được công đức cũng là vô hạn.
Tú Vương Hoa, ai nghe được phẩm Việc cũ của bồ tát Dược Vương này thì cũng được công đức vô hạn. Dầu là nữ nhân mà nghe và tiếp nhận ghi nhớ được phẩm Việc cũ của bồ tát Dược Vương thì thân nữ nhân đời này kết thúc rồi sau đó không còn có lại thân ấy. Như Lai nhập diệt rồi, trong năm trăm năm sau, dầu là nữ nhân mà nghe được kinh Pháp Hoa, và thực hành như kinh ấy dạy, thì người ấy mệnh chung ở quốc độ này là tức khắc hóa sinh trên tòa ngọc trong hoa sen của quốc độ Cực lạc, nơi đức A Di Đà Như Lai chủ ngự, với chư đại bồ tát bao quanh. Ở đó, người ấy được tuệ giác Không sinh nên mắt trong suốt. Với mắt ấy thấy được chư Phật nhiều như hằng sa. Bấy giờ chư Phật như vậy cũng từ xa mà ca tụng, rằng tốt lắm thiện nam tử, trong giáo pháp của đức Thích Ca Thế Tôn, ông tiếp nhận, ghi nhớ, đọc tụng, suy xét nghĩa lý và giảng nói cho người về kinh Pháp Hoa, nên phước của ông thì vô hạn lượng, trăm ngàn Phật đà đem thần lực giữ gìn cho ông, ngoại trừ Phật đà, tuệ giác và thiền định của thanh văn, duyên giác, cho đến bồ tát, không ai hơn ông, Tú Vương Hoa, vị bồ tát ấy, mà vốn là một nữ nhân, thành tựu công đức lực và tuệ giác lực đến như vậy.
Nếu ai nghe phẩm Việc cũ của bồ tát Dược Vương này mà tùy hỷ tán dương, thì người ấy hiện tại miệng thường phát ra hơi thơm hoa sen xanh, lỗ lông cả người thường toát ra hơi thơm đàn hương, và thành quả người ấy đạt được là như trên đã nói. Vì lý do này, Tú Vương Hoa, Như Lai đem phẩm Việc cũ của bồ tát Dược Vương giao phó cho ông. Như Lai nhập diệt rồi, trong năm trăm năm sau, ông hãy truyền bá rộng rãi phẩm này trong cõi Diêm phù, đừng để mất đi. Tú Vương Hoa, ông nên đem thần lực của ông mà giữ gìn Pháp Hoa. Kinh ấy là thuốc tốt cho bịnh của người Diêm phù. Ai bịnh mà được nghe kinh ấy thì bịnh hết, không già sớm, không chết yểu.
Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết phẩm Việc cũ của bồ tát Dược Vương thì có hàng vạn bồ tát được pháp tổng trì Biết hết tiếng nói của chúng sinh. Và đức Đa Bảo Phật đà ở trong bảo tháp thì khen rằng, tốt lắm Tú Vương Hoa, ông đã làm được một việc ngoài tầm nghĩ bàn: ông biết hỏi đức Thích Ca Thế Tôn về việc cũ của Dược Vương đại sĩ, ích lợi vô lượng cho hết thảy chúng sinh.
________
Phẩm 24: Bồ tát Diệu Âm
Lúc bấy giờ, từ nơi nhục kế và bạch hào, đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng, chiếu qua rất nhiều quốc độ ở hướng đông thì có một quốc độ tên là Tịnh Quang trang nghiêm, đức Phật giáo chủ danh hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, đủ 10 đức hiệu. Tại đây có vị bồ tát danh hiệu Diệu Âm, từ lâu hoàn thành đầy đủ tuệ giác rất sâu, thể hiện nhiều định mà trong đó có định Hoa sen chánh pháp. Khi ánh sáng của đức Thế Tôn chiếu đến thân thể thì ngài Diệu Âm liền thưa đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, rằng bạch đức Thế Tôn, con nên qua thế giới hệ Kham nhẫn để lễ bái thân gần và hiến cúng đức Thích Ca Thế Tôn và gặp các vị đại bồ tát. Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai bảo bồ tát Diệu Âm, thiện nam tử, ông đến Kham nhẫn thì đừng sinh ý tưởng thấp kém đối với Phật, với bồ tát và với đất nước của thế giới hệ ấy. Bồ tát Diệu Âm thưa với đức Phật của mình, bạch đức Thế Tôn, nay con đến thế giới hệ Kham nhẫn là do thần thông du hóa, do công đức trang nghiêm và tuệ giác trang nghiêm của đức Thế Tôn.
Thế rồi bồ tát Diệu Âm không đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, thân không dao động mà chỉ nhập định. Do định lực này mà tại Linh sơn, cách pháp tòa của đức Thế Tôn không xa, xuất hiện tám mươi bốn ngàn hoa sen bằng vàng ngọc rất quí. Thái tử của đức Pháp vương là ngài Văn Thù thấy những hoa sen ấy thì thưa, bạch đức Thế Tôn, vì lý do gì mà điềm lành như vầy hiện trước ra đây? Đức Thế Tôn bảo, ấy là đại bồ tát Diệu Âm muốn từ quốc độ của đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai, cùng tám mươi bốn ngàn bồ tát bao quanh, sẽ đến quốc độ Kham nhẫn này để hiến cúng thân gần và lễ bái Như Lai, lại muốn hiến cúng và nghe kinh Pháp Hoa. Ngài Văn Thù thưa, bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn dùng thần lực làm cho vị bồ tát ấy đến đây để chúng con được thấy. Đức Thế Tôn bảo ngài Văn Thù, đức Đa Bảo Phật đà sẽ làm hiện ra cho chư vị thấy sắc tướng của bồ tát Diệu Âm. Bấy giờ đức Đa Bảo Phật đà bảo bồ tát Diệu Âm, thiện nam tử, hãy đến đây; bồ tát Văn Thù muốn thấy thân ông.
Ngay lúc ấy, bồ tát Diệu Âm ẩn mất tại quốc độ của mình, cùng tám mươi ngàn bồ tát xuất phát. Bao nhiêu quốc độ mà vị bồ tát này đi qua đều chấn động sáu cách, đều mưa xuống hoa sen quí báu, đều có cả trăm ngàn nhạc khí chư thiên không đánh mà tự kêu lên. Vị bồ tát này ngồi trên đài bằng bảy chất liệu quí báu, thăng lên không gian cách mặt đất bảy cây đa la, với các vị bồ tát bao quanh mà đến Linh sơn của quôác độ Kham nhẫn. Đến rồi, bồ tát Diệu Âm bước xuống khỏi đài ngọc, lấy chuổi ngọc giá trị cả trăm cả ngàn, cầm đến chỗ đức Thích Ca Thế Tôn, đầu mặt lạy ngang chân ngài, dâng lên mà thưa, bạch đức Thế Tôn, đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai của con xin kính vấn an đức Thế Tôn, rằng ngài ít bịnh ít phiền, sinh hoạt bình thường được thư thái không? Ngài sống yên vui không? Bốn đại chủng trong cơ thể của ngài được điều hòa không? Việc đời ở đây ngài chịu nỗi không? Chúng sinh ở đây ngài hóa độ dễ dàng không? Ở đây có hay không có những kẻ lắm tham dục, sân hận, ngu si, ganh ghét, keo lẫn và ngạo mạn? Ở đây có hay không có những kẻ bất hiếu cha mẹ, bất kính tu sĩ, thấy biết sai lầm, tâm tính bất thiện, không chế ngự năm thứ giác quan? Bạch đức Thế Tôn, chúng sinh ở đây chiến thắng được ma quân thù địch không? Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai của con xin kính vấn an đức Đa Bảo Phật đà. Bạch đức Thế Tôn, con ước nguyện được thấy thân đức Đa Bảo Phật đà, xin đức Thế Tôn làm cho con được thấy. Đức Thế Tôn nói với đức Đa Bảo, bồ tát Diệu Âm muốn được yết kiến ngài. Đức Đa Bảo nói, Diệu Âm, rất tốt việc ông đến đây để được hiến cúng đức Thích Ca Thế Tôn, được nghe kinh Pháp Hoa.
Bấy giờ bồ tát Hoa Đức thưa, rằng bạch đức Thế Tôn, bồ tát Diệu Âm trồng thiện căn nào và tu công đức gì mà có thần lực như vầy? Đức Thế Tôn bảo, Hoa Đức, vị bồ tát ấy có thần lực như vầy là vì đã thân gần phụng sự vô lượng chư Phật, đã gieo trồng từ lâu bao nhiêu gốc rễ công đức ở nơi chư Phật ấy. Hoa Đức, ông chỉ thấy bồ tát Diệu Âm qua cái thân ở đây, nhưng vị bồ tát ấy biểu hiện đủ loại thân hình, ở quốc độ Kham nhẫn và mọi quốc độ khác mà giảng nói Pháp Hoa cho các loại chúng sinh. Hoặc biểu hiện các thân Phạn Vương, Đế Thích, Tự Tại, Đại Tự Tại, Thiên Đại tướng quân, Tì Sa Môn thiên vương, quốc vương, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn; hoặc biểu hiện các thân 4 chúng; hoặc biểu hiện các thân phụ nữ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn; hoặc biểu hiện các thân đồng nam, đồng nữ; hoặc biểu hiện các thân 8 bộ. Bồ tát Diệu Âm biểu hiện các thân như vậy mà giảng nói Pháp Hoa. Những chỗ địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, và những nơi tai nạn, vị bồ tát ấy cứu giúp được cả. Thậm chí vị bồ tát ấy còn biểu hiện thân hình nữ nhân ở trong hậu cung của các vua chúa mà giảng nói Pháp Hoa.
Hoa Đức, bồ tát Diệu Âm đem bao nhiêu tuệ giác mà soi sáng cho quốc độ Kham nhẫn và quốc độ mười phương. Do vậy, những ai nên dùng các thân hình thanh văn, duyên giác, bồ tát và Phật đà mới được độ thoát thì vị bồ tát ấy biểu hiện các thân hình này mà thuyết pháp. Cứ như vậy, đủ các chủng loại, vị bồ tát ấy tùy kẻ nào nên dùng thân gì để hóa độ thì biểu hiện thân ấy cho họ. Đến nỗi có kẻ nên dùng sự nhập diệt mới được độ thoát, thì vị bồ tát ấy cũng biểu hiện nhập diệt.
Bồ tát Hoa Đức thưa, bạch đức Thế Tôn, như vậy là bồ tát Diệu Âm ở trong định nào mà ở đâu cũng biểu hiện thân hình để hóa độ chúng sinh như vậy? Đức Thế Tôn dạy bồ tát Hoa Đức, định của bồ tát Diệu Âm tên là Hiện các sắc thân. Vị bồ tát ấy ở trong định này nên lợi ích được như vậy cho vô lượng chúng sinh.
Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết phẩm bồ tát Diệu Âm này ngang đây thì tám mươi bốn ngàn bồ tát cùng đi với bồ tát Diệu Âm đều thực hiện định Hiện các sắc thân, vô lượng bồ tát ở thế giới hệ Kham nhẫn cũng thực hiện định này, lại còn thực hiện các pháp tổng trì.
Bồ tát Diệu Âm hiến cúng đức Thế Tôn và bảo tháp của đức Đa Bảo rồi trở về thế giới hệ của mình. Những thế giới hệ mà vị bồ tát ấy đi qua lại chấn động sáu cách, lại mưa xuống hoa sen quí báu, lại diễn tấu trăm ngàn vạn ức chủng loại nhạc khí. Về đến thế giới hệ của mình, bồ tát Diệu Âm, với tám mươi bốn ngàn bồ tát bao quanh, đến chỗ đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Như Lai mà thưa, bạch đức Thế Tôn, con đến thế giới hệ Kham Nhẫn làm lợi ích cho chúng sinh, cũng làm cho tám mươi bốn ngàn vị bồ tát đi theo con đây được định Hiện các sắc thân.
Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết hoàn tất phẩm Bồ tát Diệu Âm đến và đi thì tám mươi bốn ngàn thiên nhân được tuệ giác Không sinh, bồ tát Hoa Đức được định Pháp Hoa.
________
Phẩm 25: Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện
Vào lúc bấy giờ, bồ tát Vô Tận Ý đứng dậy, trần vai bên phải, chắp tay hướng về đức Thế Tôn mà thưa, bạch đức Thế Tôn, Quan Âm đại sĩ vì lý do gì mà danh hiệu là Quan Thế Âm? Đức Thế Tôn dạy bồ tát Vô Tận Ý, thiện nam tử, chúng sinh nghe nói đến Quan Âm đại sĩ mà một lòng trì niệm danh hiệu của ngài, thì đau khổ không làm khổ được, lửa không đốt được, nước không trôi được, bão không hại được, hình cụ, ác quỉ, gông cùm, giặc cướp, đều không hại được. Ai có tính đa dâm, ai có tính đa sân, ai có tính đa si, mà thường xuyên trì niệm tôn kính Quan Âm đại sĩ thì thoát được những tính ấy. Nữ nhân nào cầu con trai mà lễ bái hiến cúng Quan Âm đại sĩ thì sinh được con trai vừa có phước vừa có trí; nữ nhân nào cầu con gái mà lễ bái hiến cúng Quan Âm đại sĩ thì sinh được con gái đoan chính, tuyệt sắc, có phước đời trước và mọi người mến trọng. Vô Tận Ý, Quan Âm đại sĩ có thần lực như vậy, ai tôn kính lễ bái thì được phước chứ không phải vô hiệu quả.
Vì lý do này mà mọi người nên trì niệm danh hiệu Quan Âm đại sĩ. Vô Tận Ý, ai trì niệm danh hiệu và hiến cúng liệt vị bồ tát, và ai trì niệm danh hiệu và hiến cúng Quan Âm đại sĩ, thì phước của hai người đồng đẳng, và hưởng thụ đến nhiều thời kỳ cũng vẫn không thể cùng tận.
Bồ tát Vô Tận Ý lại thưa, bạch đức Thế Tôn, Quan Âm đại sĩ du hóa thế giới hệ Kham nhẫn như thế nào? Đức Thế Tôn dạy bồ tát Vô Tận Ý, thiện nam tử, chúng sinh nào, ở thế giới nào, nên hóa độ bằng thân hình gì, thì Quan Âm đại sĩ biến thể những thân hình ấy mà hóa độ: thân hình Phật đà, Duyên giác và Thanh văn, thân hình Phạn Vương, Đế Thích, Tự Tại, Đại Tự Tại, Thiên Đại tướng quân, Tỳ sa Môn; thân hình quốc chúa, trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn; thân hình 4 chúng; thân hình phụ nữ 4 loại; thân hình đồng nam đồng nữ; thân hình 8 bộ; thân hình Chấp kim cang thân. Vô Tận Ý, Quan Âm đại sĩ hoàn hảo năng lực như vậy: dùng mọi thân hình vào mọi thế giới mà hóa độ chúng sinh. Do vậy mà chư vị nên hết lòng hiến cúng Quan Âm đại sĩ. Trong nỗi kinh hoàng, trong cơn nguy cấp, trong sự hoạn nạn, Quan Âm đại sĩ có thể cho người sự không sợ hãi, nên thế giới hệ Kham nhẫn này ai cũng tôn xưng là Người cho sự không sợ.
Bồ tát Vô Tận Ý liền thưa, bạch đức Thế Tôn, nay con xin hiến cúng Quan Âm đại sĩ. Thưa rồi, vị bồ tát này cởi ngay chuỗi ngọc đang mang nơi cổ, hiến lên Quan Âm đại sĩ mà thưa, xin đại sĩ nhận cho một cách hiến cúng theo chánh pháp này. Sau khi bồ tát Vô Tận Ý thưa lần thứ hai, và đức Thế Tôn khuyến cáo, Quan Âm đại sĩ nhận và phân chuỗi ngọc ấy, một phần hiến cúng đức Thế Tôn, một phần hiến cúng bảo tháp của đức Đa Bảo. Đức Thế Tôn nói, Vô Tận Ý, Quan Âm đại sĩ với thần lực tự tại như vậy mà du hóa thế giới hệ này.
Chúng sinh khốn đốn
vì bao đau khổ
cái nhìn tuệ giác
của Quan Thế Âm
đầy cả năng lực
cứu khổ cho đời.
Quan Âm đại sĩ
đầy thần thông lực
đầy tuệ giác lực
đầy phương tiện lực,
cho nên khắp cả
mười phương thế giới
không đâu mà không
biến thể xuất hiện.
Nhìn đúng sự thật,
nhìn thật trong suốt,
nhìn với tuệ giác
vô cùng vĩ đại,
nhìn bằng đại bi,
nhìn theo đại từ,
nên hãy thường xuyên
nguyện cầu chiêm ngưỡng.
Là thể trong suốt
sáng không tì vết,
là vầng tuệ nhật
phá tan hắc ám,
là lửa rực sáng
xua tan tai nạn,
ngài trải hào quang
khắp cả trần gian.
Bản thể đại bi
như sấm thức tỉnh,
ý thức đại từ
như mây dồn lớn,
đại sĩ mưa xuống
nước Pháp cam lộ
rưới tắt lửa dữ
của bao phiền não.
Đối chất cửa quan,
kinh hoàng chiến trận,
năng lực trì niệm
Quan Âm đại sĩ
làm cho giặc thù
lBấy giờ bồ tát Trì Địa liền đứng dậy, bước tới trước đức Thế Tôn mà thưa, bạch đức Thế Tôn, người nào được nghe phẩm nói về Quan Âm đại sĩ—về bậc diệu dụng tự tại, thần lực biến thể một cách toàn diện, thì biết công đức người ấy đã có không ít.
Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết phẩm nói về vị Toàn diện này, thì có vô số người cùng phát tâm tuệ giác vô thượng là tâm tuyệt bậc mà đồng bậc.
________
Phẩm 26: Tổng trì minh chú
Lúc ấy bồ tát Dược Vương đứng dậy, trần vai bên phải, chắp tay hướng về đức Thế Tôn mà thưa, bạch đức Thế Tôn, con xin cho người diễn giảng Pháp Hoa một bài tổng trì minh chú để hộ trì cho người ấy: A ni dê, ma ni dê, ma nê, ma ma nê, chít tê, cha ri tê, sa mê, sa mi ta, vi săn tê, mút tê, mút ta ta mê, sa mê, a vi sa mê, sa ma sa mê, sa dê, át sa dê, át si mê, săn tê, sa mi tê, đa ra ni, a lô ka ba sê, pra ti da vết sa ni, ni đi ru, a bi dăn ta ra ni vết tê, a bi dăn ta ra pa ri su đi, mút ku lê, mút ku lê, a ra đê, pa ra đê, su kăn si, a săm ma săm mê, bu đa vi lô ki tê, đam ma pa ri si tê, sam ga nia gô sa ni, ba da ba da vi sô đa ni, man trê, man tra sa da tê, ru tê, ru ta kao sa li dê, át sa dê, át sa da va na ta dê, va lô đa, a ma ni da na ta dê, soa ha.
Bồ tát Dũng Thí cũng thưa, bạch đức Thế Tôn, con cũng xin hộ trì cho người đọc tụng, hơn nữa nhận giữ Pháp Hoa, mà nói một bài tổng trì minh chú: Ji va lê, ma ha ji va lê, út kê, mấc kê, a đê, a đa va ti, nờ ri ti dê, nờ ri ti da va ti, ít ti ni, vít ti ni, chít ti ni, nờ ri ti da ni, nờ ri ti da va ti, soa ha.
Bấy giờ Tỳ sa Môn Thiên vương, người hộ vệ thế gian, cũng thưa, bạch đức Thế Tôn, con cũng vì thương tưởng chúng sinh và hộ trì người diễn giảng Pháp Hoa mà xin nói một bài tổng trì minh chú: Át tê, nát tê, va nát tê, a na đê, na đi, ku ma đi, soa ha.
Trì Quốc Thiên vương cũng hiện diện trong đại hội. Vị thiên vương ấy bước tới chỗ đức Thế Tôn, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế Tôn, con cũng xin đem một bài tổng trì minh chú mà hộ trì cho người kính giữ Pháp Hoa: A ga nê, ga nê, gao ri, găn đa ri, chăn đa li, ma tăn ghi, pút ka si, sam ku lê, vờ ru sa li, si si, soa ha.
Bấy giờ có mười la sát nữ hợp cùng mẹ của năm trăm quỉ tử, và con với thuộc hạ của họ, đến chỗ đức Thế Tôn, đồng thanh thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, chúng con cũng nguyện hộ trì cho người đọc tụng, hơn nữa nhận giữ Pháp Hoa, loại trừ suy biến và bịnh hoạn cho người này bằng một bài tổng trì minh chú: I ti mê, i ti mê, i ti mê, i ti mê, i ti mê; ni mê, ni mê, ni mê, ni mê, ni mê; ru hê, ru hê, ru hê, ru hê, ru hê; sờ tu hê, sờ tu hê, sờ tu hê, sờ tu hê, sờ tu hê, soa ha.
Khi phẩm Tổng trì minh chú như thế này được tuyên thuyết thì có sáu mươi tám ngàn người thực hiện tuệ giác Không sinh.
_________
Phẩm 27: Việc cũ của Diệu Trang Nghiêm Vương
Khi ấy đức Thế Tôn bảo cả đại hội, xưa, cách nay rất nhiều thời kỳ, có đức Phật danh hiệu Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, quốc độ tên Quang Minh trang nghiêm, thời kỳ tên Hỷ kiến. Trong giáo pháp của ngài có quốc vương tên Diệu Trang Nghiêm, vương hậu tên Tịnh Đức. Có 2 vương tử, thứ nhất tên Tịnh Tạng, thứ hai tên Tịnh Nhãn. Cả hai đều có đại thần lực, đại phước đức và đại tuệ giác, từ lâu đi theo đường đi của bồ tát, các định của bồ tát cũng đã thực hiện.
Thời ấy, đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai muốn dắt dẫn Diệu Trang Nghiêm vương và thương tưởng chúng sinh, nên cũng đã tuyên thuyết Pháp Hoa. Sự thể như vầy. Hai vương tử đến chỗ mẹ, chắp tay mời mẹ đi đến chỗ đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, rằng ngài đang tuyên thuyết Pháp Hoa, chúng ta nên đến lắng nghe và tiếp nhận. Vương hậu nói, vương phụ các con tin chịu kiến thức ngoài chánh pháp, các con nên lo nghĩ cho cha mà biểu hiện thần biến để người cùng đi. Hai vương tử vâng lời, vọt lên không gian với độ cao 7 cây đa la, biểu hiện các dạng thần biến. Diệu Trang Nghiêm vương nhìn thấy, lòng rất hoan hỷ, hướng lên hỏi bổn sư của các con là ai. Hai vương tử thưa, đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai là bổn sư của chúng con, đang tuyên thuyết phong phú về kinh Pháp Hoa. Diệu Trang Nghiêm vương bảo, cha muốn yết kiến ngài. Chúng ta nên cùng đi.
Hai vương tử hạ xuống, trở lại thưa mẹ, chúng con đã làm việc Phật làm cho cha chúng con. Nay thì vương phụ đã có sự tin hiểu đủ khả năng phát tâm vô thượng bồ đề. Xin mẹ chấp thuận cho chúng con được xuất gia tu tập nơi đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai, bởi vì Phật thì khó gặp và cơ hội thuận tiện cũng khó có. Vương hậu chấp thuận liền. Và hai vương tử xin cha mẹ đi liền đến chỗ Phật.
Bấy giờ hoàng cung Diệu Trang Nghiêm vương có rất nhiều người có khả năng tiếp nhận Pháp Hoa. Bồ tát Tịnh Nhãn thì thấu suốt từ lâu đối với định Hoa sen chánh pháp. Bồ tát Tịnh Tạng cũng thấu suốt từ lâu đối với định Thoát ly đường dữ. Vương hậu Tịnh Đức thì thấu suốt kho tàng bí mật của Phật qua định Qui tụ của Phật. Diệu Trang Nghiêm vương cùng với quần thần, vương hậu cùng với thế nữ, hai vương tử cùng với hàng ngàn người, cùng lúc đi đến chỗ Phật, đem đầu mặt lạy ngang chân ngài. Bấy giờ đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai thuyết pháp, làm cho Diệu Trang Nghiêm vương rất hoan hỷ, đẹp dạ. Ngài lại nói với bốn chúng, các người thấy Diệu Trang Nghiêm vương đang chắp tay đứng trước Như Lai đây không? Trong giáo pháp của Như Lai, vị hoàng đế này sẽ làm tỷ kheo, tinh tiến mà tu tập và hỗ trợ các pháp tuệ giác vô thượng của Như Lai, và rồi sẽ thành Phật đà với danh hiệu Sa La Thọ vương, quốc độ tên Đại quang, thời kỳ tên Đại cao vương. Ngài có vô lượng bồ tát và vô lượng thanh văn. Quốc độ của ngài là tịnh độ. Thành quả của Diệu Trang Nghiêm vương sẽ có đến như vậy.
Diệu Trang Nghiêm vương tức thì giao quốc chính cho vương đệ, rồi cùng vương hậu, hai vương tử, và những người tùy thuộc, đều xuất gia. Trải qua rất nhiều năm, ông thường xuyên nỗ lực tu hành Pháp Hoa, và được định Mọi sự trang sức đầy phẩm chất trong suốt. Ông thưa Phật, hai con của con đã đem thần biến mà di chuyển tâm trí của con ra khỏi sai lầm, đứng vững trong giáo pháp của Phật. Họ là bạn tốt của con, khơi dậy gốc rễ điều lành đời trước cho con. Đức Phật Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai bảo, đúng như ông nói. Thiện nam hay thiện nữ nào biết gieo trồng gốc rễ điều lành thì đời đời được gặp bạn tốt, và bạn tốt ấy làm được việc Phật làm là làm cho nhập vào tuệ giác vô thượng. Đại vương, nên ý thức bạn tốt là yếu tố lớn lao. Hai vương tử của ông đã phụng sự rất nhiều chư Phật, tiếp nhận kính giữ Pháp Hoa, thương chúng sinh thấy biết sai lầm mà làm cho họ đứng trong thấy biết chính xác.
Diệu Trang Nghiêm vương thưa, bạch đức Thế Tôn, ngài thật hiếm có. Đỉnh đầu của ngài nổi lên gò thịt mà từ đó ánh sáng rực rỡ chiếu tỏa. Mắt ngài thì dài và rộng với màu sắc xanh biếc. Lông trắng giữa hai hàng lông mày thì trắng ngời như trăng sáng với màu sắc bạch mã não. Răng thì trắng, đều, khít, và thường xuyên lóng lánh. Môi thì đỏ và đẹp như trái tần bà… Đồng đẳng như vậy, ông tán dương những sự đặc thù của đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai rồi, nhất tâm, chắp tay mà thưa thêm nữa, rằng bạch đức Thế Tôn, từ ngày hôm nay con không đi theo tâm ý của mình nữa, không sinh ra nữa bao nhiêu tư tưởng tội ác. Trình bạch như vậy rồi, ông đảnh lễ Phật mà lui ra.
Đức Thế Tôn bảo đại hội, Diệu Trang Nghiêm vương nay là bồ tát Hoa Đức. Vương hậu Tịnh Đức nay là bồ tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng. Còn hai vương tử thì chính là bồ tát Dược Vương và bồ tát Dược Thượng. Hai vị này hoàn thành những công đức lớn lao, ngoài tầm nghĩ bàn. Ai nhận thức danh hiệu của hai vị này thì cả thế giới chư thiên và nhân loại đều nên lễ kính.
Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết phẩm Việc cũ của Diệu Trang Nghiêm vương thì tám mươi bốn ngàn người tách xa bụi bặm, tách rời dơ bẩn, được sự trong sáng của con mắt nhìn các Pháp.
________
Phẩm 28: Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền
Bấy giờ, bằng thần lực rất tự tại và danh tiếng đầy uy đức của mình, đại bồ tát Phổ Hiền, với sự tháp tùng của rất nhiều các vị đại bồ tát, từ hướng đông mà đến đại hội này. Những thế giới hệ mà ngài đi qua đều chấn động sáu cách, mưa xuống hoa sen quí báu, và tấu lên vạn ức chủng loại nhạc khí. Khi đến Linh sơn, ngài đem đầu mặt lạy ngang chân đức Thế Tôn, và theo chiều bên phải, ngài đi quanh đức Thế Tôn bảy vòng, rồi thưa, bạch đức Thế Tôn, từ cõi Phật của đức Bảo Uy Đức Thượng Vương Như Lai, con xa nghe tại thế giới hệ Kham nhẫn này đức Thế Tôn tuyên thuyết Pháp Hoa, nên cùng rất nhiều các vị đại bồ tát, con đến đây để lắng nghe và tiếp nhận.
Kính xin đức Thế Tôn dạy cho con được biết, sau khi ngài nhập diệt thì thiện nam thiện nữ trong thời kỳ ấy làm sao để có được Pháp Hoa? Đức Thế Tôn dạy đại bồ tát Phổ Hiền, thiện nam thiện nữ nào có bốn yếu tố sau đây thì sau khi Như Lai nhập diệt vẫn có được Pháp Hoa: một là được chư Phật giữ gìn, hai là gieo trồng gốc rễ công đức, ba là đã ở vào nhóm người cố định theo chánh pháp, bốn là phát nguyện cứu độ chúng sinh. Thiện nam hay thiện nữ nào có bốn yếu tố như vậy thì Như Lai nhập diệt rồi cũng vẫn chắc chắn có được Pháp Hoa.
Đại bồ tát Phổ Hiền thưa, bạch đức Thế Tôn, năm trăm năm sau, trong thời kỳ dữ dội vẩn đục ấy có ai tiếp nhận kính giữ Pháp Hoa, thì con sẽ hộ trì bằng cách trừ khử suy biến tai họa cho những người này được yên vui. Con làm cho không một kẻ nào dò xét tìm kiếm mà được cơ hội thuận tiện để quấy phá những người này. Ma vương, con trai ma vương, con gái ma vương, dân ma vương, kẻ bị ma vương phụ nhập, quỷ ăn thịt người, quỷ bạo ác, quỷ ăn tinh chất, quỷ điên cuồng, quỷ thây chết, quỷ xú uế, kẻ dùng chú tạo ra quỷ thây chết, và những kẻ cùng loại, tất cả những kẻ quấy phá nhân loại trên đây không ai có được cơ hội thuận tiện. Những người này hoặc đi hoặc đứng mà đọc tụng Pháp Hoa, thì lúc ấy con cỡi voi chúa sắc trắng có sáu ngà, cùng các đại bồ tát đến tại chỗ mà tự biểu hiện thân mình để hiến cúng, hộ trì và an ủi tâm chí cho những người này, lại để hiến cúng kinh Pháp Hoa. Những người này ngồi mà tư duy ý nghĩa Pháp Hoa, thì lúc ấy con cũng cỡi voi chúa sắc trắng mà biểu hiện trước mắt, để nếu những người này có quên mất một câu hay một bài chỉnh cú nào của kinh Pháp Hoa, thì con sẽ chỉ dạy và cùng đọc tụng cho những người này thông suốt như cũ.
Những người đọc tụng kính giữ Pháp Hoa này được thấy thân con thì vô cùng hoan hỷ, càng thêm tinh tiến. Và nhờ thấy thân con mà tức thì được định, lại được các tổng trì tên là tổng trì Xoay chuyển, tổng trì Xoay chuyển vô số, tổng trì Nghệ thuật thuyết pháp, được các tổng trì mà đại loại là như vậy.
Bạch đức Thế Tôn, năm trăm năm sau, trong thời kỳ dữ dội vẩn đục, đối với Pháp Hoa mà tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, bốn chúng ấy có ai tìm kiếm cho được, ai tiếp nhận ghi nhớ, ai đọc xét văn nghĩa, ai tụng được thuộc lòng, ai sao chép ấn hành, rồi muốn tu tập về kinh ấy, thì trong ba tuần bảy ngày hãy nhất tâm mà tinh tiến. Trọn vẹn ba tuần bảy ngày rồi, con cỡi voi trắng sáu ngà, có vô lượng bồ tát bao quanh, đem cái thân hết thảy chúng sinh ai cũng thích nhìn mà biểu hiện trước mắt và thuyết pháp cho những người này, với đủ cách trình bày, thuyết phục, khuyến khích và tán thưởng. Con lại cho những người này một bài tổng trì minh chú. Được bài tổng trì minh chú ấy thì không có một kẻ không phải loài người nào mà quấy phá được, cũng không bị mê hoặc rối loạn vì người khác phái. Con cũng đích thân hộ trì cho những người này một cách thường trực. Kính xin đức Thế Tôn cho phép con tuyên thuyết bài tổng trì minh chú ấy: A đăn đê, đăn đa pa ti, đăn đa va ta ni, đăn đa ku sa lê, đăn đa su đa ri, su đa ri, su đa ra pa ti, bu đa pát da nê, sa va đa ra ni, a va ta ni, sa va ba sờ da va ta nê, su a va ta nê, sam ga pa rít sa ni, sam ga nia ga ta ni, a sam gê, sam ga pa ga tê, tra đoa sam ga tu li da, sa va săm ga săm ma ti răn tê, sa va đa ma su pa rít si tê, sa va sát toa ru ta kao sa li da nu ga tê, sim ha vít ri đi tê, a nu va tê, va ta ni, va ta li, soa ha.
Bạch đức Thế Tôn, vị bồ tát nào nghe được tổng trì minh chú ấy thì nên biết đó là do thần lực Phổ Hiền. Pháp Hoa mà lưu hành được tại đại lục Diêm phù, và có ai tiếp nhận kính giữ, thì nên nghĩ toàn là do thần lực Phổ Hiền. Có ai tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nhớ nghĩ chính xác, lý giải nghĩa ý, làm đúng kinh dạy… thì nên biết người ấy đi theo đường đi Phổ Hiền, và được chư Phật đưa tay xoa đầu. Đối với Pháp Hoa, ai chỉ sao chép ấn hành thì mạng chung là sinh lên tầng trời Đao lợi. Còn đối với Pháp Hoa mà ai tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, lý giải nghĩa ý… thì mạng chung là được ngàn đức Phật trao tay cho, làm cho không còn sợ hãi, không sa vào đường dữ, và tức khắc sinh lên tầng trời Đâu suất, chỗ đức Di Lạc, vị đại sĩ có ba mươi hai tướng đại trượng phu, có chúng đại bồ tát bao quanh. Có những lợi ích như vậy, nên người có trí hãy kính cẩn mà đích thân sao chép ấn hành, khuyên người sao chép ấn hành, kính cẩn mà tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nhớ nghĩ chính xác, làm đúng kinh dạy… Bạch đức Thế Tôn, chính con đem thần lực của con mà giữ gìn Pháp Hoa, làm cho kinh này, sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, vẫn được lưu hành rộng rãi tại đại lục Diêm phù, không bị tuyệt tích.
Khi ấy đức Thế Tôn tán dương, rằng tốt lắm Phổ Hiền, tốt lắm việc đại sĩ giữ gìn Pháp Hoa mà ích lợi yên vui rất nhiều cho bao nhiêu chúng sinh. Đại sĩ đã hoàn thành công đức ngoài tầm nghĩ bàn và từ bi vĩ đại sâu xa, vậy mà bây giờ đại sĩ vẫn phát tâm nguyện đem thần lực Phổ Hiền giữ gìn Pháp Hoa!
Phổ Hiền, đối với Pháp Hoa, người nào tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, nhớ nghĩ chính xác, làm đúng kinh dạy, sao chép ấn hành… thì đại sĩ nên biết người ấy thấy ta, Thích Ca Như Lai, và như từ miệng ta mà nghe kinh Pháp Hoa này; nên biết người ấy hiến cúng ta, Thích Ca Như Lai; nên biết người ấy được ta, Thích Ca Như Lai, khen rằng tốt lắm; nên biết người ấy được ta, Thích Ca Như Lai, đưa tay xoa đầu; nên biết người ấy được ta, Thích Ca Như Lai, đem pháp y che phủ… Người ấy không còn ham thích lạc thú thế tục; không ưa thích kinh sách văn bút của ngoại đạo, cũng không thích thân gần bản thân của họ; không thích thân gần những kẻ hành nghề tội ác như kẻ thợ thịt, kẻ chăn nuôi heo dê gà chó, kẻ thợ săn, kẻ buôn bán nữ sắc… Người ấy tâm ý chân chất ngay thẳng, có sự nhớ nghĩ chân chính, có sức mạnh phước đức, không bị ba thứ độc tố quấy phá, cũng không bị quấy phá bởi sự ganh ghét, bởi sự kiêu ngạo vì bản ngã, bởi sự kiêu ngạo vì tự thị điều ác đã làm, bởi sự kiêu ngạo vì chưa được mà tự cho đã được. Người ấy ít ham muốn, biết vừa đủ, có năng lực tu hành theo đường đi Phổ Hiền.
Phổ Hiền, Như Lai nhập diệt rồi, năm trăm năm sau, ai thấy người đọc tụng kính giữ Pháp Hoa, thì nên nghĩ người ấy không bao lâu sẽ đi đến bồ đề tràng, chiến thắng các đạo ma quân, thu hoạch tuệ giác vô thượng, chuyển đẩy bánh xe chánh pháp, đánh trống chánh pháp, thổi loa chánh pháp, mưa nước chánh pháp, ngồi trên pháp tòa sư tử ở giữa đại hội các chúng mà các chúng chư thiên và nhân loại bao gồm trong đó.
Phổ Hiền, thời kỳ sau này, ai đọc tụng kính giữ Pháp Hoa thì người ấy hết còn tham lam vướng mắc vào đồ mặc, đồ nằm, đồ ăn, đồ uống, và những vật giúp cho đời sống. Người ấy ước nguyện gì cũng không vô hiệu quả, ngay trong đời này mà đã nhận được kết quả của phước đức. Ai khinh chê người ấy, nói người ấy khùng, làm việc vô ích, rốt cuộc không được gì đâu, khinh chê như vậy thì kết quả tai hại là đời đời không mắt. Ai hiến cúng ca tụng người ấy thì ngay trong đời này đã được kết quả hiện thực. Ngược lại, thấy người kính giữ Pháp Hoa mà chỉ trích lỗi lầm của người ấy, thì thật hay không thật gì, người chỉ trích cũng bị phung hủi ngay trong đời này. Ai chê cười người ấy thì đời đời răng và răng hàm vừa thưa vừa thiếu, môi xấu, mũi xẹp, tay cong, chân quẹo, mắt lé, thân thể hôi thối, ghẻ mụt, máu mủ, bụng thủng, hơi hụt, bị những bịnh nặng và dữ như vậy. Thế nên, Phổ Hiền, thấy người kính giữ Pháp Hoa thì nên đứng dậy mà đón từ xa, nên kính như kính Phật.
Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết phẩm Sự khuyến khích của đại bồ tát Phổ Hiền thì có các bồ tát đồng đẳng với hằng sa được tổng trì Xoay chuyển vô số, các bồ tát đồng đẳng với số bụi của đại thiên thế giới được trọn đường đi Phổ Hiền.
Khi đức Thế Tôn tuyên thuyết hoàn tất kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì chư vị bồ tát mà đứng đầu là đại bồ tát Phổ Hiền, chư vị thanh văn mà đứng đầu là tôn giả Xá Lợi Phất, cùng với các chúng nhân loại và loài khác, toàn thể đại hội đều cực kỳ hoan hỷ, tiếp nhận ghi nhớ lời đức Thế Tôn dạy, đảnh lễ ngài mà cáo thoái.
HẾT KINH PHÁP HOA
Bản điện tử, chép từ bản đánh máy tại Thư Viện Hoa Sen. Có sửa ít lỗi đánh máy.
Lược Dẫn & Cuốn 1 | Cuốn 2 | Cuốn 3 | Cuốn 4 | Cuốn 5 | Cuốn 6 | Cuốn 7 | Phẩm Phổ Hiền | Kinh Pháp Hoa Toát Yếu |