Lama Tsongkhapa: LAMRIM NHỎ – CHƯƠNG 1

LUẬN VỀ TRÌNH TỰ ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ
Độ Dài Trung Bình, Chương 1. Phần 6

Tác giả: Lama Tsongkhapa
Hồng Như Việt dịch, 09/2020

MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh

6 – PHÁ KHÁI NIỆM SAI LẦM VỀ PHÁP THIỀN

Hai [lý do phải thuần dưỡng bằng hai cách]. Đại thừa Trang Nghiêm Kinh Luận nói rằng: “Trước hết, nhờ học [văn] mà tác ý đúng, nhờ tác ý đúng mà sinh trí giác chứng cảnh giới chân thật.”

Nói như vậy có nghĩa là nhờ chiêm nghiệm ý nghĩa của những gì đã học mà tư tuệ sinh. Nhờ tư tuệ sinh nên tác ý đúng. Nhờ tác ý đúng nên phát khởi tu tuệ trực chứng chân nghĩa của thực tại.

Hiện Quán Trang Nghiêm Luận cũng nói rằng:

Nhánh gia hành đạo, / cùng với kiến đạo
Và tu tập đạo, ở những nơi ấy
Đều phải thường xuyên / tư duy quán chiếu,
Suy lường, quyết đoán, đó là tu đạo.

Theo đó, thường xuyên tư duy, suy lường và quyết đoán là điều phải làm trong tu tập đạo của thánh giả Đại thừa.

Tập Học Luận cũng nói như sau:

Thế thì đối với thân thể, tài sản và công đức, cứ hãy thuận theo lẽ mà liên tục cho ra, giữ gìn, làm sạch hay làm tăng đủ cách, phải tu thiền như vậy.

Theo đó thì thân thể, tài sản và thiện căn, mỗi thứ đều phải tu thiền bằng bốn hoạt động: cho ra, giữ gìn, làm sạch, và làm tăng. Khế kinh nói rằng tu thiền như vậy bao gồm hai thể loại: dưỡng thiền quán bằng tuệ phân biệt, và dưỡng thiền chỉ bằng cách nhiếp tâm không suy xét.

Vậy thì thế nào là thiền quán, thế nào là thiền chỉ?

Tín tâm nơi đạo sư, lợi ích lớn lao khó gặp của thân người ung sung sung mãn, cái chết và vô thường, nghiệp và quả, hiểm họa luân hồi, tâm bồ đề, những pháp như vậy cần tu bằng thiền quán. Để tu mỗi pháp tu ấy, tâm phải thật mạnh và phải đủ khả năng chế ngự ý tưởng trong một thời gian dài, là vì nếu không như vậy, khi bị ngược hướng, ví dụ lỡ sinh tâm bất kính đạo sư vân vân, sẽ không thể ngừng lại. Sức mạnh này của Tâm chỉ có thể phát sinh nhờ thường xuyên vận dụng trí phân biệt để thiền quán.

Lấy ví dụ như lòng tham: nếu cứ mãi chú tâm đến nét đáng yêu của thứ mình ưa thích, lòng tham sẽ nổi lên mãnh liệt. Sân cũng vậy, nếu cứ mãi nhớ đến khía cạnh đáng ghét của kẻ thù, hận thù sẽ bùng lên dữ dội. Vì thế khi tu thiền, bất luận đặc tính của đối cảnh hiện ra có rõ hay không, lực nắm của tâm luôn phải mạnh và bền. Vì vậy cần thiền quán.

Còn những người tâm chưa thể an trú, muốn có được khả năng đặt tâm ở bất cứ đề mục nào tùy ý, thế nên tu chỉ để đạt Xa-ma-ta. Tu chỉ như vậy mà cứ quán thì sẽ không trú được tâm. Trong trường hợp này, phải nên tu thiền chỉ.

Cách tu này, ai không hiểu có thể nói rằng, “là học giả thì phải thiền quán, là chân tu khổ hạnh (ku-sa-li, sādhus)  thì phải thiền chỉ.” Điều này không đúng. Cả hai bên đều cần phải tu từng món một. Học giả cũng cần tâm tịnh chỉ Xa-ma-ta, chân tu khổ hạnh cũng cần tín tâm nơi thiện tri thức vân vân.

Nếu nghĩ rằng “quán xét bằng trí phân biệt là lĩnh vực của văn và tư [học và tư duy], không thuộc lĩnh vực của tu,” nghĩ như vậy là không đúng lý.

Nếu nghĩ rằng, “tất cả mọi khái niệm đều là chấp hình tướng, làm cản trở giác ngộ bồ đề,” lầm nghĩ như vậy là vì không thấy được sự khác biệt giữa “tác ý không đúng, khái niệm chấp thật có,” và “tác ý đúng, khái niệm về chân thực tại”

Nếu cho rằng “trước hết phải đạt định để có thể đặt tâm ở bất cứ đề mục nào tùy ý, chưa có định mà quán nhiều sẽ tạo trở ngại khiến không thể đạt định,” quan niệm ấy, giáo pháp này không chấp nhận.

Ví dụ như vàng hay bạc. Thợ kim hoàn khéo tay sẽ phải nhiều lần dùng lửa nung, dùng nước rửa, sạch hết cặn bẩn rồi vàng bạc sẽ nhu nhuyễn dễ dùng. Khi ấy có thể tùy ý làm thành đủ loại trang sức, như bông tai chẳng hạn.

Tương tự như vậy, trước tiên phải vận dụng trí phân biệt để thường xuyên quán về nỗi tai hại của các phiền não chính, phiền não phụ, ác hạnh, ác nghiệp ác báo và hiểm họa luân hồi, theo như thứ tự được dạy. Tu thiền như vậy sẽ khiến tâm mỏi mòn khốn khổ, chán ngán sinh tử tột cùng. Như dùng lửa nung vàng, tâm quay lưng với nẻo tối, cấu nhiễm tịnh sạch.

Rồi lại dùng trí phân biệt thường xuyên nhớ nghĩ đến thiện đức của đạo sư, lợi ích lớn của thân người ung dung sung mãn, thiện đức của Tam bảo, thiện nghiệp thiện báo, lợi ích tâm bồ đề, theo như thứ tự được dạy. Thiền như vậy, tâm sẽ được tưới tẩm, thấm nhuần sáng trong. Như dùng nước lọc vàng, tâm hướng về nẻo sáng, đầy niềm vui, làm cho thiện pháp thấm nhuần trong tâm.

Tâm chuyển được như vậy rồi, muốn tu pháp nào, thiền chỉ hay thiền quán, chỉ cần chú tâm vào, thành tựu không khó. Vì vậy mà nói thiền quán chính là phương tiện thù thắng nhất để thành tựu chánh định vô niệm.

Thánh Vô Trước cũng nói như sau:

Ví dụ như thợ kim hoàn, hay thợ học nghề khéo tay, khi muốn làm sạch hết cặn bẩn trong miếng vàng, miếng bạc, sẽ phải nhiều phen nung bằng lửa, rửa bằng nước, biết rằng làm vậy vàng sẽ nhu nhuyễn dễ dùng, có thể chế biến thành nhiều món trang sức. Rồi người rành tay nghề—thợ chánh hay thợ học nghề—sẽ dùng dụng cụ cần thiết để muốn thứ trang sức nào thì làm ra thứ ấy.

Hành giả một khi đã quay lưng với cặn bẩn như lòng tham, tâm sẽ chán sinh tử, sẽ không còn chạy theo cảm giác bất an do phiền não tác động. Vì tâm hướng đến niềm vui nẻo thiện nên hỉ lạc hiện tiền.

Hành giả ấy, với bất cứ pháp tu nào, bất kể là thiền chỉ hay thiền quán, tâm đều triệt để thâm nhập, triệt để an trú, không dao cũng không động. Cứ thế, có thể dùng tâm ấy để thành tựu viên mãn mọi mục tiêu mong cầu.

Thêm vào đó, chướng ngại chính làm cản trở không cho tâm bám vững nơi đề mục có hai, một là chìm đắm và hai là quấy động (hôn trầm và trạo cử).

Nếu có thể, bằng cái tâm vừa mạnh vừa bền, thấy được các loại thiện đức như là thiện đức của Tam Bảo vân vân, thì đoạn lìa tâm chìm đắm là điều rất dễ thực hiện. Vì, như nhiều nguồn gốc đáng tin cậy có nói, thuốc chữa lỗi chìm đắm là nhìn vào thiện đức để nâng tâm lên.

Nếu có thể, bằng cái tâm vừa mạnh vừa bền, thấy được nỗi tai hại của vô thường và khổ vân vân, thì đoạn lìa tâm quấy động là điều rất dễ thực hiện. Vì tâm quấy động là một loại tán tâm, thuộc phạm vi của tham chấp, nhiều nguồn gốc đáng tin cậy khen tâm chán ngán sinh tử chính là thuốc hay chữa được lỗi này.

[hết phần 6. Phá khái niệm sai lầm về pháp thiền – bài sau: 7 – Thân Người]
MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh
image_pdfimage_print