LUẬN VỀ TRÌNH TỰ ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ
Độ Dài Trung Bình, Chương 1. Phần 7
Tác giả: Lama Tsongkhapa
Hồng Như Việt dịch, 09/2020
MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh
7 – THÂN NGƯỜI UNG DUNG SUNG MÃN
Phần thứ hai [nương đạo sư rồi phải nên luyện tâm theo trình tự như thế nào] có hai điểm: đối với nền tảng của sự ung dung ấy, một là khuyên nên nắm lấy tinh túy, hai là chỉ cách nắm lấy tinh túy.
Thứ nhất [Khuyên nên nắm tinh túy của nền tảng của sự ung dung] có 3 điểm: 1. thế nào là ung dung sung mãn; 2. nhớ hai điều này có giá trị lớn lao; 3. nhớ hai điều này rất khó gặp.
Thứ nhất [thế nào là ung dung sung mãn], có hai điểm: 1. ung dung và 2. sung mãn.
Một [thế nào là ung dung]: [Bát Nhã Bát Thiên Cú] Lược Kệ nói như sau:
Nhờ luật mà thoát được / nhiều cảnh giới súc sanh
Thoát tám cảnh không rảnh, / luôn ược sự ung dung
Theo đó, ung dung có nghĩa là không vướng tám cảnh không rảnh.
Nói về tám cảnh không rảnh, có bốn cảnh đầu là: [1] sanh vào chốn biên địa nơi không có tứ chúng đến; [2] sanh làm người khuyết tật, thiểu năng, câm ngọng, tứ chi và giác quan không đầy đủ vân vân; [3] chấp thủ tà kiến, cho rằng không có đời trước kiếp sau, không có nhân quả, không có Tam Bảo; [4] sanh vào nơi không có Phật xuất thế, không có lời Phật [dạy]. Đó là bốn cảnh không rảnh ở trong loài người. Bốn cảnh tiếp theo là: [5-7] sanh vào ba cõi ác đạo và [8] sanh vào cõi trời trường thọ. Đó là bốn cảnh không rảnh ở trong các loài không phải người.
Nói về cõi trời trường thọ, luận giải Bảo Hành Vương Chính Luận (Vyakta-padā-suhŗl-leka-țīkā) giải thích rằng chư thiên cõi ấy có hai loại, phi tưởng và vô sắc.
Chư thiên loại phi tưởng sống trong cõi tứ thiền, ở một nơi gọi là Đại Quả, cách biệt với phần còn lại cũng giống như như chốn già lam cách biệt với phố thị. Chư thiên loại vô sắc là hàng phàm phu trong cõi vô sắc giới. Trong Luận Về Tám Cảnh Không Rảnh có nói rằng chư thiên cõi dục giới luôn mải mê xao lãng trong dục lạc, và còn được gọi là chư thiên cõi trời trường thọ.
Hai [thế nào là sung mãn] có 2 điểm. Trước là năm sự sung mãn đến từ chính mình: [1] làm người; [2] sanh nơi Trung địa; [3] giác quan đầy đủ; [4] không vướng trọng nghiệp; [5] tin nơi nền tảng. Ở đây, “sanh nơi Trung địa” là sanh vào nơi có tứ chúng đến. “Đầy đủ giác quan” là không bị thiểu năng câm ngọng, đầy đủ các bộ phận thân thể chánh phụ, mắt, tai vân vân. “Không vướng trọng nghiệp” là không tự mình phạm hay bảo người khác phạm vào năm nghiệp vô gián. “Tin nơi nền tảng” là tin vào giới, vì đây nền tảng sanh ra mọi thiện pháp thế gian và xuất thế. Phải hiểu “giới” nói ở đây có nghĩa là tam tạng kinh. Đó là năm điều hội tụ trong tâm của chính mình và tạo duyên đắc pháp, vì vậy gọi là “sự sung mãn đến từ chính mình.”
Lại có năm sự sung mãn đến từ người khác, đó là: [1] có Phật xuất thế; [2] Phật thuyết Diệu Pháp;[3] Phật pháp tồn tại; [4] có người tu theo; [5] có những trái tim vị tha từ ái. Ở đây, “có Phật xuất thế” có nghĩa là sau ba thời kỳ vô số tích lũy tư lương, Phật thị hiện thành tựu quả Chánh đẳng Chánh giác. “Phật thuyết Diệu Pháp” là đức Phật hay đệ tử thanh văn của Phật thuyết Pháp. “Phật pháp tồn tại” là pháp đắc được nhờ trực chứng diệu pháp thắng nghĩa, từ khi Phật thành đạo thuyết pháp cho đến khi Phật nhập diệt niết bàn, pháp ấy không bị hư tổn. “Có người tu theo” là có người thấy rằng chính nhờ chứng ngộ Phật Pháp nên người phàm phu có khả năng trực chứng diệu Pháp, vì ngộ điều này nên tu theo Phật pháp. “có những trái tim vị tha từ ái ” là có người cúng dường và có thí chủ hiến cúng pháp y các thứ. Năm điều này nằm ở trong tâm của người khác và tạo duyên đắc pháp, vì vậy gọi là “sự sung mãn đến từ người khác”
Thứ hai, [nhớ nghĩ đến giá trị lớn lao của ung dung sung mãn, nhớ rằng đã sanh vào cõi lành đừng sống như súc sanh] Vì nguồn an lạc bền lâu, nếu không thể tu được chút chánh pháp nào, đến tận khi chết cũng vẫn chỉ biết lo tìm vui lánh khổ, nỗ lực này đến cả loài súc sanh cũng có, vậy có khác gì sanh vào cõi lành mà sống như loài súc sanh.
Muốn tu đường tu Đại thừa, thì cần phải có một nền tảng như vừa giải thích trên đây. Thư cho Đệ Tử [Śiṣyalekha] nói rằng:
“Nền tảng của Phật đạo / đường dẫn dắt chúng sinh
Tâm lực vĩ đại này / chỉ loài người mới có.
Dù là trời, hay rồng, / A tu la, minh trì,
Khẩn na la hay rắn, / đều không thể có được.
Có một số chư thiên trong cõi dục giới nhờ trước đây đã từng tu với thân người được sự huân tập sâu xa nên có thể ở trong cõi ấy mà lần đầu kiến đế, còn ở trong hai cõi sắc giới và vô sắc giới mà đạt thánh đạo lần đầu là điều không thể có.
Dù vậy, như đã nói, đa số chư thiên cõi dục giới thường được xem là vướng cảnh không rảnh, vì vậy đây không phải là nền tảng tốt nhất để lần đầu kiến đạo.
Thêm nữa, chúng sinh cõi Bắc Câu Lư Châu không có nền tảng thích hợp để thọ giới, vì vậy thân của chúng sinh ba đại bộ châu còn lại được khen ngợi, trong đó châu Diêm phù đề được ngợi khen hơn cả.
”Đã là như vậy, thân người tốt lành đến thế, nay có được rồi vì sao lại để cho biến thành không hoa không trái, hoàn toàn vô nghĩa, thử hỏi còn sự tự phản bội nào, nỗi ngu xuẩn nào lớn hơn thế không? Biết bao lối đường hung hiểm của những chốn không rảnh cõi ác đạo đã phải triền miên trôi lăn, nay một lần được thoát, lại bỏ cho biến thành vô nghĩa, nếu lại phải rơi vào cõi dữ, thì có khác gì bị bùa chú làm cho mê muội, mất trí.” Cần thường xuyên quán chiếu suy nghĩ như vậy
Nhập Bồ Đề Hạnh Luận nói như sau
IV.23. Nay được lơi nghỉ
lại không tu thiện,
có nỗi ngu nào / bằng nỗi ngu này ?
chẳng thể đối xử / với mình tệ hơn
Và
IV.26. Thân người quí hiếm / khó đạt biết bao,
nay đã đạt rồi. / Đã biết như vậy
mà vẫn còn kéo / mình vào địa ngục.
IV.27. Khác gì bùa chú / khiến cho mất trí.
tôi thật chẳng hiểu / trong tôi thế nào
Nói vậy, thử nghĩ mà xem, thân người không chỉ có ý nghĩa lớn lao đối với mục tiêu cứu cánh, ngay cả mục tiêu trước mắt thân người cũng cho ta khả năng dễ dàng thành tựu hạnh thí, giới, nhẫn vân vân, là nhân mang đến quả sanh thiện đạo với thân thể, tài sản, tùy thuộc, tất cả đều hoàn hảo.
Nếu không vận dụng thân người đầy ý nghĩa lớn lao này, ngày đêm nỗ lực để tích lũy nhân đạt hai mục tiêu lớn lao kia thì có khác gì đến đảo châu ngọc lại trở về tay không.
Thứ ba [Ví dụ cho sự khó gặp của thân người ung dung sung mãn], Căn Bản Giáo Truyền (Āgama vastu) [phần đầu của Căn Bản Giới Luật Vinaya-vastu ] nói rằng: “Từ các cõi ác đạo và thiện đạo, số lượng chúng sinh chết đi sinh vào ác đạo nhiều như bụi trên toàn mặt đất, mà sinh vào thiện đạo chỉ như bụi mỏng trên đầu móng tay.” Vì vậy thân người ung dung sung mãn dù ở thiện đạo hay ác đạo cũng đều rất khó gặp.
Nếu tự hỏi vì sao lại khó tìm đến thế, Bốn Trăm Thi Tụng nói rằng
Người ta hầu hết
Đều bám chặt vào / những nẻo bất thiện
Vì thế hầu hết / chúng sinh phàm phu
Chắc chắn đọa rơi / vào cõi ác đạo.
Theo đó, có rất nhiều chúng sinh loài người hay các loài khác, phần lớn chỉ bám vào mười điều bất thiện, vì vậy nên phải đọa sinh ác đạo.Hơn nữa, nếu cứ mỗi niệm nổi sân với bồ tát là phải chịu một đại kiếp trong địa ngục vô gián, vậy thì ác nghiệp tích lũy từ biết bao đời kiếp đến giờ chưa trổ quả, chưa hóa giải bằng thuốc đối trị, vẫn còn nằm trong dòng tâm thức này, nhất định sẽ khiến ta rơi vào ác đạo hàng nhiều lần đại kiếp.
Nếu bao nhiêu nhân đoạ sinh ác đạo tích lũy trước kia bây giờ thanh tịnh hết, lại đóng chặt cửa không gieo thêm nhân mới, vậy sinh thiện đạo không phải chuyện hiếm hoi gì. Nhưng trên thực tế làm được như vậy rất hiếm. Nhưng nếu không làm như vậy, để đọa sinh vào ác đạo rồi chẳng những việc thiện không thể làm được chút gì, mà việc bất thiện lại phải liên tục tạo tác, thật là “muôn vạn thời kỳ đến chữ thiện đạo cũng chẳng hề nghe,” như Nhập Bồ Đề Hạnh Luận đã nói.
Đức Potawa kể rằng
“Ở xứ Pen có thành Ma’i Chakar đã nhiều năm bị kẻ thù chiếm đóng, dân trong thành từ lâu phải sống cảnh tôi mọi. Bấy giờ có một cụ già thường vẫn luôn đau lòng vì việc này. Một hôm nghe tin đã lấy lại được thành, dù không còn sức bước đi, cụ vẫn chống giáo lê ra xem, nói rằng: ‘mong sao không chỉ là mơ’ Phải nên có cái tâm mừng vui tương tự khi thấy mình có được thân người ung dung sung mãn, nao nức hành trì chánh pháp. “
Theo đó, phải tu thiền cho đến khi có được cái tâm tương tự.
Muốn khởi tâm nguyện đủ mọi phẩm tánh để nắm lấy tinh túy của thân người ung dung, ta cần bốn sự nhớ nghĩ sau đây: (1) nhớ mình cần phải tu, vì lẽ chúng sinh bất kể là ai cũng đều muốn vui, không một ai muốn khổ, mà muốn được vui quét khổ thì chỉ có một cách, đó là phải dựa vào chánh pháp; (2) biết mình đủ sức tu, vì ngoại duyên là bậc thiện tri thức và nội duyên là thân người ung dung sung mãn đều đã có; (3) nhớ mình phải tu ngay trong đời này, vì nếu đời này không tu, vô lượng kiếp về sau sẽ khó lòng gặp lại [cảnh thuận duyên này.], (4) nhớ mình phải tu ngay bây giờ, vì không thể biết bao giờ mình sẽ chết.
Trong bốn điểm này, điểm thứ ba giúp diệt thói biếng lười không chịu tu, nghĩ rằng “đời sau sẽ tu” và điểm thứ tư giúp diệt thói biếng lười không chịu dấn thân, nghĩ rằng: “vẫn biết phải tu ngay trong đời này, thế nhưng ngày tháng năm về trước đã không tu, vậy cứ hãy đợi về sau hẳn tu cũng không muộn.” Bốn điểm nói trên có thể quy nạp thành ba, gom điểm ba và bốn lại làm một, “cần phải gấp mà tu.”
Vậy ở đây có thể quán chung với chủ đề nhớ chết, tuy vậy, vì đây là chủ đề lớn rộng nên sẽ được nói riêng ở bên dưới.
Quán xét càng nhiều phương diện, tâm lại càng thuần, vì vậy hãy nên quán theo như lời hướng dẫn bên trên. Nếu bấy nhiêu quán không nổi, hãy gom lại thành 3 điểm như sau: 1. Thân người ung dung sung mãn nói đây, thật ra là gì; 2. Xét về mục tiêu tạm thời và mục tiêu cứu cánh, thân người ung dung sung mãn có ý nghĩa lớn lao ra sao; 3. Xét về mặt nhân và quả, thân người ung dung sung mãn khó gặp như thế nào.
Quán từng điểm một như đã được giải thích bên trên, theo đó mà thiền.
Thân người ung dung sung mãn khó đạt vì nhân khó đạt:
Nói chung, chỉ đơn giản sinh vào thiện đạo thôi đã cần phải có một thiện đức thanh tịnh, ví dụ như giữ giới. Huống chi thân người với đầy đủ mọi sự ung dung sung mãn, muốn đạt được phải tích lũy rất nhiều thiện căn: phải giữ giới hạnh thanh tịnh để có được thân người, rồi phải hỗ trợ thân ấy bằng hạnh ba la mật như là hạnh thí vân vân, rồi phải kết nối thân ấy với tâm nguyện vô cấu. Nhân tố nhiều như vậy rõ ràng là không mấy ai có được. Xét theo đó có thể suy ra kết quả tương ứng—là thân người với mọi tính chất tổng quát và đặc thù—cũng hiếm hoi khó đạt đến mức nào.
Thân người ung dung sung mãn khó đạt vì quả khó đạt:
Quán về các loại chúng sinh khác với mình, hiện đang sống trong cõi ác đạo, đối với họ, để có thể sinh được vào thiện đạo là điều gần như không thể. Còn chúng sinh giống như mình hiện đang sống trong cõi thiện đạo, muốn có được đầy đủ mọi sự ung dung tự tại cũng là điều hiếm hoi vô cùng.
Geshe Dölpa nhấn mạnh rằng mọi pháp tu khác thành tựu được là nhờ pháp quán này, vì vậy phải nỗ lực cho đúng mức.
Hai, [Phương pháp rút lấy tinh túy] có hai phần. Một là khởi niềm tin xác quyết nơi nội dung trình bày về đường tu nói chung, hai là phải làm gì để từ đó rút lấy tinh túy.
[hết phần 7. Thân người ung dung sung mãn]MỤC LỤC
1 – Lý Do Viết Luận & Nói Về Tác Giả
2 – Nói Về Tác Phẩm
3 – Giảng & Nghe Pháp
4 – Cách Nương Đạo Sư
5 – Cách Tu Thiền
6 – Phá Khái Niệm Sai Lầm Về Pháp Thiền
7 – Thân Người Ung Dung Sung Mãn
8 – Ba Loại Căn Cơ Chúng Sinh