Để Sống Xứng Đáng Hơn
Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopskin. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.
MỤC LỤC
1. Nhớ Cái Chết 2. Vượt Thoát Nỗi Sợ 3. Chuẩn Bị Cho Cái Chết 4. Dẹp Bỏ Chướng Ngại Cản Trở Cái Chết Thuận Tiện 5. Tạo Điều Kiện Thuận Lợi Cho Lúc Chết 6. Thiền Cận Tử 7. Cấu Trúc Nội Tại 8. Tâm Chân Như Cửa Tử 9. Đối Mặt Cõi Trung Hữu 10. Tái Sinh Vào Cõi Lành 11. Chánh Văn 12. PHỤ LỤC: Đại Cương Và Tóm Lược Lời Khuyên
CHƯƠNG 10. TÁI SINH VÀO CÕI LÀNH
Dù sống trong đời may mắn đến đâu
Đến khi lìa đời vẫn phải bỏ hết
Một mình ra đi không vợ không con
Không áo không quần không bè không bạn
Như trong sa mạc đầu hàng kẻ thù
Đến cả tên gọi còn không giữ được
Thử hỏi còn gì đáng để bận tâm.
—LỜI PHẬT
BÀI KỆ SỐ 17 [SINH VÀO CÕI LÀNH]
- Sinh làm người tu mật / cõi “thọ dụng không gian;”
Hay xuất gia, tại gia / đầy đủ giới định tuệ;
Nguyện xong hai giai đoạn / khởi hiện và viên thành,
Chóng đạt ba thân Phật / Pháp, Báo và Hóa thân.
Chúng sinh cõi trung hữu nối vào với kiếp tái sinh bằng lực níu và đẩy. Hữu tình sinh từ trứng hay sinh từ thai đều thấy cảnh cha mẹ giao hợp, hay một ấn tượng về điều này, rồi khởi tâm luyến ái cha hay mẹ khác giới, chống đối cha hay mẹ cùng giới. Khi sắp sửa ôm lấy đối tượng mong muốn, đột nhiên chỉ còn thấy bộ phận sinh dục, nên nổi sân. Cứ như vậy, lực níu và đẩy mang đến cái chết cuối của chúng sinh trong cõi trung hữu.
Nói cho chính xác thì đây là kết thúc của phần lớn chúng sinh trong cõi trung hữu, là vì đời nay có việc thụ thai nhân tạo, khác với những gì kinh sách nói, đặc biệt là về việc cha mẹ đời sau phải ăn nằm với nhau trong trạng thái nhục dục kích thích. Đời nay, tinh trùng có thể được cất trong ống nghiệm rồi cho vào thai mẹ, không cần bất cứ kích thích nhục dục nào. Phương pháp thụ thai nhân tạo tuy ngược với kinh sách, nhưng ngày nay đã thành hiện thực, phải chấp nhận. Là đệ tử thuộc truyền thống đến từ Cựu Học Viện Na-lan-đà thời Ấn độ cổ, chúng ta phải chấp nhận những gì đến từ lý trí và quán xét. Xét trên phương diện này thì cách giải thích phổ thông chỉ đúng được một phần.
Ngay như trong kinh Phật cũng có chuyện cặp vợ chồng cùng xuất gia thành tăng ni. Một ngày kia, người đàn ông vì bị ký ức quấy động, đã rượt theo vợ cũ của mình, khi chạm vào người bà ta, ông xuất tinh lên áo vợ cũ. Sau đó, đến phiên người vợ cũ bị ký ức quấy nhiễu, lấy tinh dịch cho vào âm đạo. Từ đó, một đứa bé ra đời. Đến như kinh Phật thời kỳ đầu cũng đã mâu thuẫn với quan điểm cho rằng sự thụ thai chỉ có thể đến từ sự giao hợp giữa nam và nữ.
Tương tự như vậy, thường nói dòng dõi của đức Phật Thích ca bắt nguồn từ một người tên là Dương-Hữu [Sun-Friend], là vì tinh dịch của cha người ấy ở trên chiếc lá, nhờ hơi ấm mặt trời huân dưỡng mà thành hai đứa bé. Hai câu chuyện này trước đây nghe như chuyện cổ tích, ngày nay đã được khoa học biến thành hiện thực. Mặc dù nói chung việc thọ thai đòi hỏi một số điều kiện nhất định, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Tương tự như vậy, điểm kết thúc cõi trung hữu không nhất thiết phải là luyến ái cha mẹ khác giới và phẫn nộ khi cuối cùng chỉ thấy được bộ phận sinh dục.
Chúng sinh khi chết trong cõi trung hữu sẽ phải đi qua tám giai đoạn cận tử theo chiều xuôi:
- ảo ảnh; 2. khói; 3. đom đóm; 4. lửa nến; 5. trời tâm màu trắng rực rỡ; 6. trời tâm màu đỏ rực rỡ; 7. trời tâm màu đen rực rỡ; 8. chân như.
Đến khi thụ thai, chúng sinh ấy tiếp tục trải qua 7 giai đoạn còn lại theo chiều ngược:
- trời tâm màu đen rực rỡ; 6. trời tâm màu đỏ- cam rực rỡ; 5. trời tâm màu trắng rực rỡ; 4. lửa ngọn đèn; 3. đom đóm; 2. khói; 1. ảo ảnh.
Có nhiều cách giải thích khác nhau về cách thần thức nhập thai mẹ. Kinh sách có nơi nói rằng thần thức đi vào từ miệng hoặc từ đỉnh đầu của cha, đi qua cơ thể xuống dương vật rồi vào tử cung của mẹ. Lại có nơi nói rằng thần thức trực tiếp vào tử cung qua âm đạo. Người có đức hạnh sẽ thấy giống như bước vào một ngôi nhà dễ chịu, nghe âm thanh dễ nghe. Người thiếu đức hạnh sẽ thấy giống như đi vào cảnh nước đọng rừng sâu giữa những âm thanh ầm ỹ thét gào.
Khí và tâm rất vi tế của chúng sinh ấy nhập vào chất liệu vật lý đến từ cha mẹ (trứng và tinh). Vào thời điểm này, bào thai chỉ lớn hơn hạt cải một chút. Bên trong bào thai, khí mạch trung đạo hình thành, hai mạch khí bên phải và bên trái quấn quanh mạch trung đạo ba lần. Rồi khí-đi-lên và khí-đi-xuống chuyển động theo hướng đi riêng, và ba đường khí mạch nối dài thêm. Thân thể tuần tự phát triển, rồi cuối cùng ra khỏi bụng mẹ.
Nhờ liên tục duy trì pháp tu như đã giải thích trong các bài kệ trước của đức Panchen Lama đời thứ nhất, quý vị có thể tái sinh vào một tấm thân chở sự sống rất đặc biệt. Với thân này, quý vị sẽ đủ khả năng hoàn tất đường tu mật còn lại dẫn đến chánh đẳng giác. Quý vị có thể sinh vào những nơi chốn khác thường, chỗ trú của những vị tu theo mật pháp được gọi là “thọ-dụng-không-gian,” hay sinh vào những chốn khác, bình thường hơn, nơi mà giáo pháp, đạo sư và sự tự do tu tập đều có thể dễ dàng tìm được. Với cảnh tái sinh thuận tiện như vậy, quý vị thọ giới, đắc ba môn giới định tuệ, lấy đó làm gốc rễ của mọi thành tựu. Dựa trên nền tảng này, quý vị nỗ lực thành tựu hai giai đoạn của Mật tông tối thượng du già, đó là
- pháp bổn tôn du già phối hợp với pháp quán tánh không và tám tướng cận tử, và
- pháp đạo sư du già với pháp quán về tánh không, thu nhiếp khí về lại đường khí mạch trung đạo, hội nhập những tầng tâm thức vi tế hơn.
Qua hai giai đoạn này, quý vị sẽ thành tựu những bước còn lại dẫn đến quả vị Phật, là quả vị hết thảy vì chúng sinh. Bài kệ cuối bài thơ này của đức Panchen Lama là ước nguyện có được một kiếp tái sinh như vậy. Hãy nhớ kỹ đừng quên, rằng mục tiêu tối hậu của Phật pháp là để phụng sự chúng sinh. Muốn phụng sự chúng sinh một cách hữu hiệu nhất, phải đạt thân và tâm thanh tịnh. Có như vậy mới có thể vận dụng muôn vàn phương tiện phổ độ cùng khắp chúng sinh.
Khi tu, đừng để đường tu thành một thứ gì nằm ở bên ngoài mà hãy đưa tâm của chính mình hòa vào với đường tu. Bằng không, dù cố gắng tu, chỉ được một lúc là sẽ cảm thấy mệt, thậm chí thấy phiền. Bài pháp Nguyện Vượt Thoát Hiểm Họa Cõi Trung Hữu, Đại Hùng Giải Thoát Nỗi Sợ này của đức Panchen Lama đời thứ nhất, quý vị đừng chỉ đọc suông mà phải hành trì, mỗi ngày đều đặn thiền quán cho ý nghĩa thấm vào trong tim. Đó là lời khuyên của tôi.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
17.1. Khi tái sinh, nhắm vào cõi tái sinh với thân và cảnh đủ khả năng hoàn tất đường tu còn lại.
17.2. Mục tiêu đạt chánh đẳng giác là để phụng sự chúng sinh.
MỤC LỤC
1. Nhớ Cái Chết 2. Vượt Thoát Nỗi Sợ 3. Chuẩn Bị Cho Cái Chết 4. Dẹp Bỏ Chướng Ngại Cản Trở Cái Chết Thuận Tiện 5. Tạo Điều Kiện Thuận Lợi Cho Lúc Chết 6. Thiền Cận Tử 7. Cấu Trúc Nội Tại 8. Tâm Chân Như Cửa Tử 9. Đối Mặt Cõi Trung Hữu 10. Tái Sinh Vào Cõi Lành 11. Chánh Văn 12. PHỤ LỤC: Đại Cương Và Tóm Lược Lời Khuyên