Đức Đalai Lama: LỜI KHUYÊN VỀ CÁI CHẾT

Để Sống Xứng Đáng Hơn

Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopskin. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.

MỤC LỤC

PHỤ LỤC: ĐẠI CƯƠNG VÀ TÓM
LƯỢC LỜI KHUYÊN

Dưới đây là đại cương bài pháp và tóm lược lời khuyên cho từng bài kệ.
Nguyện Vượt Thoát Hiểm Họa Cõi Trung Hữu, Đại Hùng Giải Thoát Nỗi Sợ
Panchen Lama đời thứ nhất Losang Chokyi Gyeltsen tác luận

BÀI KỆ 1: KHỞI TÂM QUY Y VÀ LÒNG VỊ THA, NGUYỆN THOÁT MỌI SỢ HÃI ĐỜI NÀY, CÕI TRUNG HỮU, VÀ KIẾP SAU

  1. Tôi cùng khắp chúng sinh / như không gian vô tận
    Từ nay cho đến ngày / đạt vô thượng bồ đề
    Nguyện quay về quy y / Phật Pháp Tăng ba thời,
    Thoát sợ hãi đời này, / trung hữu, và đời sau.

1.1. Khi tu, phải tu vì tâm nguyện muốn làm lợi cho tất cả chúng hữu tình, đưa tất cả thoát khổ đau, đạt quả toàn hảo. Phải luôn điều chỉnh tâm nguyện động cơ, hướng về cái tâm muốn làm lợi cho người, hay ít ra, không gây hại cho ai.

1.2. Phật là bậc Thầy dẫn đạo, không thể tặng cho ta quả giác ngộ. Bản thân ta phải hàng ngày tu Giới, Định và Tuệ.

BÀI KỆ 2: QUÁN THÂN NGƯỜI ĐẦY Ý NGHĨA KHÓ ĐẠT, NGUYỆN TẬN DỤNG TINH TÚY THÂN NGƯỜI NÀY

  1. Thân người quý giá này / thật khó tìm, dễ mất
    Cho ta quyền chọn lựa / giữa được-mất, sướng-khổ.
    Nguyện không để phân tâm / với chuyện đời tào tạp
    Tận dụng mọi tinh túy / của thân người quý giá.

2.1. Cần chứng biết giá trị của thân người mà mình đang có đây, vì thân người này là kết quả của vô vàn nhân lành đã tích lũy trong quá khứ. Hãy ý thức rằng mình may mắn ra sao khi có chánh pháp sẵn đó cho mình hành trì.

2.2. Thân người quý giá này có thể dùng để tạo lợi ích lớn, cũng có thể dùng để gây hại lớn, tự nó rất mong manh chóng qua, vậy ngay bây giờ phải tận dụng thân người này để dùng vào việc xứng đáng.

2.3. An vui thể xác chỉ là sự quân bình nhất thời của các thành phần trong cơ thể, không phải là thứ quân bình sâu xa. Phải hiểu việc nhất thời chỉ là nhất thời mà thôi.

2.4. Tâm thuần sẽ mang lại sự bình an, thoải mái, vui vẻ. Tâm không an thuần thì dù ngoại cảnh có toàn hảo đến đâu, ta vẫn sẽ bị nỗi lo âu phiền muộn bủa vây. Hãy ý thức rằng cội rễ của niềm an vui hạnh phúc chính là tâm an thuần. Tâm này cũng sẽ mang lợi ích lớn đến cho người xung quanh.

BÀI KỆ 3: NGUYỆN NHỚ VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT ĐỂ ĐOẠN TÂM LUYẾN CHẤP LUÂN HỒI 

  1. Chết là điều chắc chắn / chỉ không rõ khi nào.
    Có hợp là có tan, / tích lũy rồi thất tán,
    Hết lên rồi lại xuống, / cuối của sinh, là tử,
    Nguyện tôi thấy được mình / đã không còn thời gian.

3.1. Chứng được mình có thể chết bất cứ lúc nào thì sẽ dễ tận dụng thời gian mình đang có hơn.

3.2. Để tránh sự giải đãi trong công phu hành trì, phải thận trọng đừng để rơi vào ảo tưởng thấy sự vật thường còn.

3.3. Ngộ rằng cảnh sống hiện tại dù tốt đẹp ra sao rồi cũng sẽ có lúc chấm dứt, vì bản chất của nó vốn là như vậy.

3.4. Đừng nghĩ sau này hãy còn thời gian.

3.5. Hãy thẳng thắn trước cái chết của mình. Khéo léo khuyên người khác nên thẳng thắng trước cái chết của họ. Đừng dùng lời khen lừa dối nhau khi cái chết đã đến cạnh bên. Sự thẳng thắn sẽ mang đến nguồn dũng lực và an vui.

BÀI KỆ 4: NGUYỆN KHI CHẾT KHÔNG GẶP NỖI KHỔ KHÓ KHAM

  1. Giữa thành trì vọng kiến / nhìn lầm tâm và cảnh,
    Đến khi thân hư huyễn / do tứ đại hợp thành
    Sắp sửa lìa khỏi tâm, / nguyện nhân của cái chết
    Gây khổ lớn khó kham, / đều thoát được tất cả.

4.1. Hãy tu ngay bây giờ để khi chết có được năng lực huân tập của thiện pháp trong tâm.

4.2. Hãy thấy tấm thân này là cả một thành trì vọng kiến. Tưởng đâu cứ tắm là sạch, tưởng đâu là nguồn gốc của niềm vui, sẽ còn đó mãi, luôn nằm trong quyền kiểm soát của mình, nhưng thật ra không từng là như vậy. Thân này do tứ đại đất nước lửa gió hợp thành, là chỗ chứa khổ đau, luôn tự mình thay đổi biến chuyển trong từng sát na.

4.3. Người và vật nhìn vào thấy giống như là tự có. Vọng cảnh này, vô minh lầm cho là thật, từ đó phát sinh phiền não tham, sân, si. Vì tham sân si mà mọi hoạt động của thân khẩu và ý đều bị ô nhiễm, và vì vậy mà sinh tử luân hồi xoay vòng bất tận. Quý vị phải hiểu rằng mình đang sống trong thành trì của vọng kiến.

BÀI KỆ 5: NGUYỆN KHI CHẾT DIỆT ĐƯỢC VỌNG CẢNH 

  1. Quá nuông chiều thân này / nên gặp lúc hữu sự,
    Khi kẻ thù khủng khiếp / là thần chết hiện ra,
    Lại lấy tham sân si / tự giết chết chính mình:
    Vọng cảnh bất thiện này, / nguyện thoát được tất cả.

5.1. Hiểu rằng cái thân mà ta luôn gìn giữ bằng mọi giá này, sẽ có ngày bỏ ta mà đi.

5.2. Tránh không luyến tham nơi cảnh mà mình sắp phải lìa xa.

5.3. Tránh không ghét hận vì mình đang sắp phải lìa xa.

5.4. Tránh càng xa càng tốt tham, sân và si, để khi chết giữ được thiện pháp

5.5. Ý thức rằng cầu chết an lành bằng cách uống thuốc hay tiêm thuốc, làm vậy có thể tự tước mất của mình cơ hội thể hiện thiện pháp cực kỳ quan trọng.

BÀI KỆ 6: NGUYỆN KHI CHẾT NHỚ LỜI DẠY VỀ PHÁP HÀNH 

  1. Khi mạng sống đã cạn / không còn gì để làm
    Y sĩ đã hết cách / pháp lễ đã vô phương
    Thân nhân cùng bằng hữu / đã cạn nguồn hy vọng
    Nguyện khi ấy nhớ được / lời dạy về pháp hành.

6.1. Nên biết rằng sẽ có lúc mọi hy vọng kéo dài mạng sống đều không còn. Bác sĩ, pháp sư, bằng hữu, thân nhân, bất kể là ai cũng không thể giữ mạng cho ta. Khi ấy, chỉ có thể trông cậy vào chính mình để làm những gì cần phải làm.

6.2. Khi chết, hãy nhớ lại lời dạy đúng với trình độ căn cơ hành trì của chính mình và hãy áp dụng.

6.3. Hãy tập cho thật quen với pháp hành của mình. Quyết tâm giữ chặt hướng đi này trong mọi hoàn cảnh, bất kể khó khăn đến đâu. Làm nhiều việc thiện để phước đức dồi dào, đủ để chi phối hướng đi của sinh tử. Biết khổ đau xuất phát từ ngã ái để tập khởi tâm vị tha. Thường xuyên khởi tâm nguyện duy trì pháp hành trong suốt mọi đời kiếp tái sinh về sau.

6.4. Khi người khác đang ở trước thềm sinh tử, hãy thận trọng đừng quấy động tâm họ, đừng khiến họ nổi luyến chấp, hay bực bội, oán hận. Đừng thương tiếc, đừng níu kéo, đừng khóc lóc trước mặt họ. Hãy tạo điều kiện thuận tiện để giúp họ ra đi, bằng cách nhắc cho họ nhớ đến pháp hành thâm sâu.

6.5. Nếu được, hãy nhờ người khác làm điều tương tự cho mình. Sắp xếp sẵn một người ở cạnh bên, thỉnh thoảng thủ thỉ nhắc nhở bên tai để giúp quý vị khởi cái tâm mà quý vị muốn khởi.

BÀI KỆ 7: NGUYỆN KHI CHẾT CÓ ĐƯỢC NIỀM TỰ TÍN AN VUI 

  1. Của bủn xỉn dành dụm / phải bỏ lại phía sau,
    Bạn thân thiết thương yêu / phải lìa xa vĩnh viễn,
    Cảnh tượng đầy hung hiểm / phải bước tới một mình
    Nguyện khi ấy tâm tôi / hoan hỉ đầy tự tín.

7.1. Để tránh sự khủng hoảng trước cái chết, mình theo tôn giáo nào thì hãy đưa tâm mình về với chỗ nương của tôn giáo ấy, mở lòng vị tha hướng về tất cả: nhớ rằng cần phải tận dụng tinh túy của kiếp sống hiện tại với đủ mọi ung dung và sung mãn cần thiết cho việc tu, đồng thời thường xuyên nhớ nghĩ đến vô thường.

  1. 2. Dựa trên nền tảng ấy để vững vàng nhớ đến pháp hành khi đối diện với cái chết, dù cảnh tượng hiện ra dữ dằn đến mức nào, cũng chỉ là để thúc đẩy mình thêm bình tĩnh, thiền quán với niềm an vui tự tín.

BÀI KỆ 8: ĐẾN KHI NGOẠI TƯỚNG CỦA QUÁ TRÌNH TAN-RÃ-TỨ-ĐẠI HIỆN RA, NGUYỆN KHỞI TÂM THIỆN ĐẦY UY LỰC 

  1. Rồi đất nước lửa gió / rã tan theo trình tự
    Thể lực dần mất hết, / miệng mũi khô và nhăn,
    Thân nhiệt dần rút lại, / hơi thở gấp khò khè,
    Nguyện khi ấy phát khởi / tâm thiện đầy uy năng.

8.1. Học về trình tự tứ đại tan rã cùng với tướng hiện bên ngoài và bên trong tương ứng để không kinh ngạc khi quá trình vào cửa tử bắt đầu.

8.2. Đặc biệt thận trong thời gian cận tử để nuôi dưỡng và đánh thức thiện chủng bằng thiện niệm.

8.3. Tướng chết có thể xuất hiện trong vòng 1 hoặc 2 năm trước, nhắc nhở đã đến lúc phải chuẩn bị. Nhưng tốt hơn quý vị nên chuẩn bị sẵn sàng trước đó.

BÀI KỆ 9: ĐẾN KHI NỘI TƯỚNG HIỆN RA, NGUYỆN ĐỦ KHẢ NĂNG DUY TRÌ CHỨNG NGỘ VỀ CHÂN THỰC TẠI

9. Rồi vọng cảnh hiện ra / thật đáng sợ hãi hùng,
Nhất là cảnh “ảo ảnh”, / “khói dâng” và “đom đóm …”,
Mất đi chỗ cưỡi của / 80 tự-tánh-niệm,
Nguyện cho tôi khi ấy / chứng được pháp bất tử.

9.1. Chứng biết rằng muôn vàn cảnh hiện bên thềm cửa tử, có khi thật dữ dội hãi hùng, đều là do nghiệp cảm mà thành. Đừng phân tâm.

9.2. Tìm hiểu về ba cảnh đầu tiên trong tám cảnh hiện: ảo ảnh giống như thấy nước trong sa mạc; cụm khói từ ống khói phun ra hay khói mỏng kín phòng; đom đóm hay tia lửa tóe từ bụi than dưới đáy nồi.

BÀI KỆ 10: ĐẾN KHI CẢNH THÔ TAN RÃ, NGUYỆN KHỞI CHÁNH NIỆM MẠNH MẼ NƠI VIỆC THIỆN ĐÃ LÀM 

  1. Đến khi thành phần gió / bắt đầu tan vào thức
    Hơi thở bên ngoài đứt, / đối cảnh thô lậu tan,
    Và cảnh ngọn đèn bơ / đã bắt đầu xuất hiện,
    Nguyện chánh niệm, chánh tri / bấy giờ khởi mạnh mẽ.

10.1. Dù tâm và vật đến từ nhân tố chính khác nhau, nhưng tác động lẫn nhau qua nhiều cách.

10.2. Sau ba nội tướng ảo ảnh, khói và đom đóm, sẽ đến nội tướng thứ tư, giống ngọn lửa đèn bơ hay đèn cầy, ban đầu lập lòe, sau đó đứng yên.

10.3. Ở thời điểm này, mặc dù hơi thở bên ngoài qua lỗ mũi đã đứt, ý thức cũng không còn tiếp nhận ngoại cảnh, tuy vậy chưa phải là đã chết. Nên tránh đừng chạm đến thân thể người lìa đời trước khi chấm dứt quá trình vào cửa tử.

10.4. Nếu giữ được chánh niệm và chánh tri [còn gọi là chánh niệm và tỉnh giác] giúp cho mình nhận biết quá trình vào cửa tử đang đến giai đoạn nội tại nào, điều này có thể thúc đẩy chứng ngộ mãnh liệt, dẫn đến kiếp tái sinh tốt lành

BÀI KỆ 11: ĐẾN KHI TAM KHÔNG ĐẦU HIỆN RA, NGUYỆN NHẬN DIỆN CHỨNG NGỘ VỀ CHÂN TÁNH CỦA TÂM 

  1. Khi “hiện,” “tăng,” “cận thành tựu” / tuần tự tan vào nhau,
    Hiện ra ba kinh nghiệm / nguyệt, nhật, rồi tối đen,
    Nguyện nhờ pháp du già / biết niết bàn sinh tử
    Hết thảy đều là không, / tự chứng chân tánh mình.

11.1. Để ý xem thái độ và tư duy của mình sẽ tùy theo chuyển động của khí mà tiếp đối cảnh với lực mạnh hay yếu khác nhau như thế nào.

11.2. Hãy học để biết rằng sau bốn nội tướng ảo ảnh, khói, đom đóm và lửa đèn (bơ hay nến, trước lập lòe sau đứng yên] là đến ba tâm vi tế hơn xuất hiện: rực rỡ trắng-hiện, rực rỡ đỏ-cam-tăng-hiện, và rực rỡ đen-cận-thành-tựu.

11.3. Hãy nhớ rằng quý vị đang tìm cách vận dụng các loại tâm vi tế này để chứng tánh không.

11.4. Tánh không không có nghĩa là sự vật không hiện hữu, mà là tuy có hiện hữu nhưng không tự tánh. Điều này đúng cho mọi sự, kể cả loài hữu tình hay vật thể vô tình.

11.5. Hãy học cách làm sao quán chiếu sự vật: chú ý xét xem sự vật có phải là đồng nhất với một trong những thành phần cấu tạo, hay là tổng hợp của mọi thành phần cấu tạo hợp lại, hay là một thứ gì hoàn toàn khác.

11.6. Nhân và quả, chủ thể và hành động, tốt và xấu, tất cả điều chỉ đơn thuần hiện ra trong cảnh quy ước [của tục đế], và đều do nhân duyên phối hợp mà thành.

11.7. Sự không hiện hữu độc lập này chính là tánh không không tự tánh, là chân tánh của vạn pháp [chân đế]. Đây là đối cảnh mà tuệ giác chứng biết, nhờ đó hủy diệt vô minh, gốc rễ của tham, sân và si. 

11.8. Nhờ tu pháp du già này nên chứng biết chân tánh của chính mình và của vạn pháp.

BÀI KỆ 12: VÀO THỜI ĐIỂM CỦA TÁNH KHÔNG THỨ TƯ, NGUYỆN  TÂM CHÂN NHƯ MẸ VÀ TÂM CHÂN NHƯ CON GẶP NHAU

  1. Khi “cận-thành-tựu” tan / vào cảnh giới “thuần không”
    Mọi niệm khởi đều dứt / bước vào trong kinh nghiệm
    Không một chút ô nhiễm / trong trẻo như trời thu,
    Nguyện khi ấy chân như / mẹ và con gặp mặt.

12.1. Giai đoạn cuối của quá trình vào cửa tử là khi tâm bản giác chân như hiển lộ. Tâm này vốn vô thủy vô chung.

12.2. Bao giờ đạt quả vị Phật, quý vị sẽ có thể an trú trong tâm bản giác chân như này, không còn phải đi qua quá trình đảo ngược về những trạng thái thô lậu của tâm. Bấy giờ sẽ thôi không còn tích nghiệp.

12.3. Người phàm phu không từng tu tập, khi chết trạng thái tâm vắng bặt mọi tướng hiện thô lậu cũng vẫn đến, nhưng người có trình độ tu cao sẽ vận dụng tâm này để chứng chân thực tại, nhờ vào năng lực huân tập có được do thiền quán về tánh không.

12.4. Tâm chân như hiển lộ tự nhiên ở cuối quá trình vào cửa tử được gọi là chân-như-mẹ, và tâm-chân-như hiển lộ qua công phu tu tập được gọi là chân-như-con.

12.5. Chân-như-mẹ của cái chết hiển lộ do nghiệp. Dùng tâm này chuyển thành cái tâm chứng biết tánh không—chân-như-con—sự chuyển hóa này được gọi là “chân như mẹ và con gặp nhau.”

BÀI KỆ 13: TRONG GIAI ĐOẠN BỐN KHÔNG, NGUYỆN NHẬP ĐỊNH TRÍ GIÁC LẠC KHÔNG HỢP NHẤT

  1. Trong cõi Tuệ hợp nhất / của lạc-không bản lai
    Ở giai đoạn bốn không, / khi ngọn lửa Tu-mô
    Uy lực như điện chớp / làm giọt trăng trắng chảy,
    Nguyện nhất tâm bất loạn / trong chánh định thâm sâu.

13.1. Khi chết, tâm chân-như-mẹ hiển lộ do nghiệp, hành giả hàng tối thượng thừa sẽ có thể chuyển tâm này vào đạo quả.

13.2. Hành giả ở các trình độ thấp hơn, ngày ngày đều tu pháp bổn tôn du già của Mật tông tối thượng du già, giữ ba chánh niệm để mà quán tám tướng cận tử, nhận diện tướng nào đang hiện, tướng nào đi trước, tướng nào theo sau. Quán tám tướng này chung với quán tánh không. Mỗi tướng có ba phần, ngoại trừ tướng đầu và cuối chỉ có hai.

1- Ảo ảnh hiện ra. Khói sắp hiện.
2- Khói hiện ra. Ảo ảnh vừa qua. Đom đóm sắp hiện.
3- Đom đóm hiện ra. Khói vừa qua. Lửa nến sắp hiện.
4- Lửa nến hiện ra. Đom đóm vừa qua. Rực rỡ trắng-hiện sắp xuất hiện.
5- Trắng-hiện rực rỡ hiện ra. Lửa nến vừa qua. Rực rỡ đỏ-tăng-trưởng sắp xuất hiện.
6- Rực rỡ đỏ-tăng-trưởng hiện ra. Rực rỡ trắng hiện vừa qua. Rực rỡ tối-đen sắp xuất hiện.
7- Rực rỡ tối-đen hiện ra. Rực rỡ đỏ-tăng-trưởng vừa qua. Bản giác chân như sắp xuất hiện.
8- Bản giác chân như hiện ra. Rực rỡ tối đen vừa qua.

13.3. Đặc biệt khi tu pháp bổn tôn du già của Mật tông tối thượng du già, phải phối hợp bất cứ mức độ hiểu biết nào của mình về tánh không theo với tuần tự hiện ra của tám tướng cận tử. Rồi vận dụng tâm chân như chứng tánh không—hay cái tâm bắt chước tâm ấy—lấy đó làm nền tảng hiện ra sắc tướng đấng bổn tôn toàn hảo, từ hòa.

13.4. Bậc hành giả hạng cao đã có được tâm bồ đề và trí tuệ [tánh không] vững chắc có thể vận dụng phương tiện hợp phối để nhiếp tâm và hiển lộ bản giác chân như, dùng cái tâm vi tế sâu thẳm nhất này để chứng tánh không một cách mãnh liệt nhất.

BÀI KỆ 14: NGUYỆN ĐẠT THÂN HUYỄN THAY VÌ VÀO THÂN TRUNG HỮU

  1. Khi xuất định chân-như / thay vì vào trung hữu
    Nguyện nhập định như huyễn: / lấy tâm khí vi tế
    Của chân như cửa tử / hiện thành báo ứng thân
    Đầy đủ mọi tướng hảo / chánh phụ của Phật đà.

14.1. Hành giả chứng ngộ cao có khả năng lấy tâm chân như cửa tử và khí mà tâm này cưỡi trên làm nhân tố chính để hóa hiện tâm và thân thanh tịnh tương ứng.

14.2. Để có thể từ tâm chân như hóa hiện thành thân thanh tịnh bằng khí, điều cần phải làm là trước đó tập luyện tưởng tượng chính mình có được tâm và thân đầy vị tha ấy. Những gì làm trong sự tưởng tượng bắt chước rồi sẽ dẫn đến thành tựu thật sự.

14.3. Muốn thành tựu được sự chuyển hóa tối hậu này, phải dứt được sự đảo ngược của tâm bản giác chân như về lại những trạng thái tâm thô lậu. Làm được như vậy là đạt được quả bất tử.

BÀI KỆ 15: VỌNG CẢNH CÕI TRUNG HỮU, NGUYỆN THẤY ĐÓ LÀ THỊ HIỆN CỦA THANH TỊNH

  1. Nếu như vì nghiệp cũ, / trung hữu vẫn hiện ra
    Nguyện lập tức quán và / chứng sự không tự tánh
    Của sinh lão bệnh tử / cùng với cõi trung hữu
    Nhờ đó mà vọng cảnh / hết thảy đều tịnh sạch.

15.1. Nhận diện những dấu hiện cho thấy mình đã vào tới cõi trung hữu, đây là điều rất quan trọng.

15.2. Thấy mọi cảnh hiện và kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu đều do nghiệp tốt nghiệp xấu của chính mình mà có.

15.3. Thay vì chấp nhận cảnh hiện này, hãy tưởng tượng mình hóa hiện thành thân huyễn, tưởng tượng mọi chúng sinh quanh mình đều là tướng hiện của từ bi và trí tuệ toàn hảo, và mọi cảnh vật quanh mình đều là cõi Phật nhiệm mầu.

15.4. Tránh đừng sinh tâm thích đẹp ghét xấu.

15.5. Ý thức rằng cảnh hiện muôn vạn và khổ đau cõi chết, trung hữu và tái sinh, đều không có tự tánh, không tự có một cách độc lập.

BÀI KỆ 16: NGUYỆN VÃNG SANH TỊNH ĐỘ NHỜ  NĂNG LỰC DU GIÀ CHUYỂN HÓA CẢNH BÊN NGOÀI, BÊN TRONG, VÀ KÍN MẬT

  1. Khi hiện bốn âm thanh / của tứ đại đảo chiều,
    Ba cảnh dữ hãi hùng, / và các cảnh bất định…,
    Nguyện trước tướng hiện này / nương vào pháp du già
    Chuyển ngoại, nội và mật, / để tịnh độ vãng sinh.

16.1. Chuẩn bị tinh thần khi vào cõi trung hữu sẽ gặp nhiều cảnh hiện bất thường, kỳ diệu hay hãi hùng đều có. Hiểu rằng bất kể cảnh hiện thế nào, đều có thể dùng pháp hành để chuyển hóa.

16.2. Hãy bình tĩnh. Tưởng tượng cảnh tượng đẹp ví dụ như cung điện đẹp tuyệt vời giữa phong cảnh an bình. Thấy mọi người đều mang bản tính của từ bi và trí tuệ. Thấy ý thức của chính mình là tâm hỉ lạc chứng tánh không.

16.3. Làm như vậy sẽ giúp tái sanh vào cõi thuận tiện để tiếp tục tiến xa hơn trên đường tu giác ngộ.

BÀI KỆ 17: NGUYỆN TÁI SINH VÀO NƠI XỨNG ĐÁNG

  1. Sinh làm người tu mật / cõi “thọ dụng không gian;”
    Hay xuất gia, tại gia / đầy đủ giới định tuệ;
    Nguyện xong hai giai đoạn / khởi hiện và viên thành,
    Chóng đạt ba thân Phật / Pháp, Báo và Hóa thân.

17.1. Khi tái sinh, nhắm vào cõi tái sinh với thân và cảnh đủ khả năng hoàn tất đường tu còn lại.

17.2. Mục tiêu đạt chánh đẳng giác là để phụng sự chúng sinh.

[HẾT]

MỤC LỤC

image_pdfimage_print