Để Sống Xứng Đáng Hơn
Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopskin. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.
MỤC LỤC
1. Nhớ Cái Chết 2. Vượt Thoát Nỗi Sợ 3. Chuẩn Bị Cho Cái Chết 4. Dẹp Bỏ Chướng Ngại Cản Trở Cái Chết Thuận Tiện 5. Tạo Điều Kiện Thuận Lợi Cho Lúc Chết 6. Thiền Cận Tử 7. Cấu Trúc Nội Tại 8. Tâm Chân Như Cửa Tử 9. Đối Mặt Cõi Trung Hữu 10. Tái Sinh Vào Cõi Lành 11. Chánh Văn 12. PHỤ LỤC: Đại Cương Và Tóm Lược Lời Khuyên
CHƯƠNG 6. THIỀN CẬN TỬ
Đời sống này tan biến rất nhanh
Như cầm que viết trên mặt nước.
—Lời Phật
BÀI KỆ SỐ 8 [TỨ ĐẠI TAN, NGOẠI TƯỚNG HIỆN: NGUYỆN KHỞI THIỆN TÂM]
- Rồi đất nước lửa gió / rã tan theo trình tự:
Thể lực dần mất hết, / miệng mũi khô và nhăn,
Thân nhiệt dần rút lại, / hơi thở gấp khò khè,
Nguyện khi ấy phát khởi / tâm thiện đầy uy năng.
Bảy bài kệ đầu được trình bày thuận theo hai hệ giáo pháp hiển thừa và mật thừa. Bảy bài kệ sau tương ứng với pháp môn đặc biệt, tưởng tượng thân mình ngay lúc này và ngay nơi đây mang sắc tướng của đức Phật đại bi đại trí. Bài kệ thứ 8 trở đi được trình bày theo mật thừa, đặc biệt là theo Mật tông tối thượng du già.
Mô tả quá trình vào cửa tử qua trình tự tan nhập của thân tâm, và của tứ đại là giáo pháp đặc thù chỉ có trong Mật tông tối thượng du già. Khi vào thai mẹ, quá trình hình thành đi từ vi tế đến thô lậu, còn khi chết, quá trình tan nhập đi từ thô lậu đến vi tế. Thành phần tan nhập là tứ đại: đất (chất cứng), nước (chất lỏng), lửa (nhiệt), gió (khí, lực chuyển động).
Dù có sống hết tuổi thọ hay không, quá trình vào cửa tử vẫn bao gồm nhiều giai đoạn. Khi chết bất đắc kỳ tử, quý vị đi qua các giai đoạn này rất nhanh, ít có cơ hội nhận biết. Nếu chết chậm hơn sẽ có thể nhận diện và sử dụng những giai đoạn này. Tướng chết như là hơi thở đổi hướng trong lỗ mũi, hay hiện trong giấc mơ, trên sắc diện v.v…, có thể xuất hiện nhiều năm trước khi chết, nhưng với người bình thường thì tướng chết thường hiện khoảng một hoặc hai năm trước. Tướng chết này bao gồm việc cảm thấy chán ghét môi trường xung quanh, nhà cửa, bạn bè vân vân, lòng thôi thúc muốn rời đi nơi khác. Hoặc là ngược lại, quyến luyến nhiều hơn trước. Có thể biến tánh, từ khó thành dễ, hoặc ngược lại. Nhiệt tình nhiều hơn, hay ít đi. Thần sắc có thể thay đổi, hành vi cũng có thể thay đổi. Cách ăn nói có thể trở nên thô bạo hơn trước, chửi thề các thứ, hoặc có thể nhắc tới nhắc lui về cái chết.
Khi quá trình vào cửa tử thật sự bắt đầu, quý vị trải qua tám giai đoạn. Bốn giai đoạn đầu ứng với quá trình tan nhập của tứ đại. Bốn giai đoạn sau ứng với quá trình tan nhập của tâm thức về lại tầng tâm thức sâu thẳm vi tế nhất, gọi là tâm bản giác chân như [dịch sát chữ là bản giác quang minh]. Hãy nhớ, tám giai đoạn này là bản đồ của các tầng tâm thức vi tế, vẫn luôn có mặt trong đời sống hàng ngày nhưng bình thường không ai thấy. Tám giai đoạn này xảy ra theo thứ tự xuôi vào những lúc như sau: chết, ngủ, chấm dứt một giấc mơ, hắt hơi, bất tỉnh, hay trong cơn cực khoái; và theo thứ tự ngược vào những lúc như sau: chấm dứt quá trình vào cửa tử, bắt đầu một giấc mơ, hắt hơi, bất tỉnh và chấm dứt cơn cực khoái.
Tám giai đoạn này có thể nhận diện được qua tướng hiện tương ứng, dù đây không phải là điều có thể thấy được bằng mắt.
Chiều xuôi
1. ảo ảnh; 2. khói; 3. đom đóm; 4. lửa nến; 5. trời tâm màu trắng rực rỡ; 6. trời tâm màu đỏ-cam rực rỡ; 7. trời tâm màu đen rực rỡ; 8. chân như.
Chiều ngược
8. chân như; 7. trời tâm màu đen rực rỡ; 6. trời tâm màu đỏ-cam rực rỡ; ; 5. trời tâm màu trắng rực rỡ; 4. lửa nến; 3. đom đóm; 2. khói; 1. ảo ảnh.
BỐN GIAI ĐOẠN ĐẦU THEO TRÌNH TỰ XUÔI: TỨ ĐẠI TAN
Nói chung, các thành phần tan từ thô lậu vào vi tế. Khi khả năng làm nền chở tâm thức của thành phần trước tan, thành phần sau sẽ hiện rõ. Quá trình này bao gồm tám giai đoạn, bốn giai đoạn đầu như sau:
Giai đoạn 1.
Đất tan, hòa vào nước. Chất cứng trong cơ thể, ví dụ như xương, mất khả năng làm nền chở tâm thức, khả năng này tan vào, hay nói cách khác, chuyển về cho chất lỏng trong cơ thể như là máu và đờm. Bây giờ khả năng làm nền chở tâm thức của nước trở nên rõ ràng hơn. Thân thể quý vị ốm đi một cách đáng kể, tứ chi rã rời. Thể lực kém đi vì sinh khí và thần khí giảm làm cho thể lực hao mòn. [Quý vị mất thị giác], mắt càng lúc càng tối, càng mờ, không còn khả năng mở hay nhắm. Quý vị có thể có cảm giác bị lún đất hay lún bùn, có thể kêu cứu người khác, “Kéo tôi lên với!” hoặc cố gắng vùng vẫy trồi lên. Quan trọng là đừng chống đối, phải bình tĩnh giữ vững thiện tâm. Cảnh thấy trong tâm khi ấy nhìn giống như ảo ảnh [thấy nước trong sa mạc].
Giai đoạn 2.
Nước tan, hòa vào lửa. Lửa là hơi ấm duy trì cơ thể. Khả năng làm nền chở tâm thức của lửa càng lúc càng rõ hơn. Quý vị không còn cảm giác sung sướng hay khổ đau, thậm chí cảm giác trung tính đến từ giác quan và ý thức cũng không còn. Miệng, lưỡi và cổ đều khô vì nước miếng cạn, răng đóng bợn. Các loại chất lỏng khác như nước tiểu, máu, huyết thanh, mồ hôi, đều cạn khô. Quý vị mất thính giác, không còn nghe được âm thanh, tiếng ù thường có trong tai cũng biến mất. Cảnh thấy trong tâm khi ấy nhìn giống như cụm khói, hay là khói mỏng phủ kín phòng, hay là luồn khói cuồn cuộn bốc lên từ ống khói.
Giai đoạn 3.
Lửa tan, hòa vào gió. Gió là luồng khí, là năng lực, điều khiển các chức năng cơ thể như hô hấp, ợ, nhổ, nói, nuốt, co duỗi khớp xương, co duỗi bắp thịt, ngậm miệng hả miệng, nhắm mắt mở mắt, tiêu hóa, tiêu tiểu, kinh nguyệt, xuất tinh. Thân nhiệt giảm dần, dẫn đến việc không còn khả năng tiêu hóa thức ăn. Nếu lúc sống không tạo phước thì vào thời điểm này thân nhiệt sẽ từ đỉnh đầu tan xuống, tụ ở nơi tim, phần trên cơ thể sẽ lạnh trước. Còn nếu khi sống chủ yếu làm nhiều công đức, thân nhiệt sẽ từ dưới chân rút lên, tụ ở nơi tim, phần dưới cơ thể sẽ lạnh trước. Quý vị mất khứu giác, không còn ngửi được mùi, mất khả năng quan tâm đến việc làm và ý muốn của người xung quanh, thậm chí tên của họ cũng không còn khả năng nhớ. Quý vị sẽ thấy khó thở, hơi thở ra càng lúc càng dài, hơi thở vào càng lúc càng ngắn, cổ họng phát tiếng lạch cạch hổn hển. Cảnh thấy trong tâm khi ấy nhìn giống như đom đóm, có khi ở giữa khói mờ, hoặc giống như tia lửa tóe từ bụi than dưới đáy nồi kim loại.
Giai đoạn 4.
Gió thô lậu tan, hòa vào thức. Lưỡi trở nên dày và ngắn, gốc lưỡi chuyển sang màu tím xanh. Quý vị mất xúc giác, đứt hơi thở đường mũi [gió thô lậu], nhưng khí vẫn còn [gió vi tế]. Nói vậy, ngưng hô hấp đường mũi không có nghĩa là đã chết. Cảnh hiện trong tâm khi ấy giống như ngọn đèn bơ, hay nến, (hoặc giống như ánh sáng nhấp nháy phía bên trên lửa đèn bơ hay nến). Lúc đầu, lửa đèn nhấp nháy như sắp cạn bơ, cạn sáp. Rồi gió làm nền chở ý thức tan, khi ấy ngọn lửa đứng yên.
Nói chung, thân người bao gồm bốn thành phần đất nước lửa gió, nhưng vì có sự khác biệt giữa các hệ khí mạch và các luồng khí bên trong, nên mỗi người đều có kinh nghiệm khác nhau về tướng hiện cận tử trong quá trình tan nhập. Đó là lý do vì sao có những khác biệt nhỏ khi giải thích về quá trình này trong mật pháp Phật dạy, ví dụ như trong mật kinh Guhyasamaja (là hệ thống đang được giải thích ở đây), Chakrasamvara, hay Kalachakra, cũng như trong một số mật điển thuộc hệ Cựu Dịch trong Phật giáo Tây Tạng, được gọi là dòng Nyingma. Những khác biệt nhỏ này chủ yếu đến từ sự khác biệt giữa hệ khí mạch trong cơ thể, cùng với luồng khí và giọt tủy trong các khí mạch ấy. Vì mỗi cá nhân đều có những yếu tố nội tại riêng biệt, nên pháp du già cũng có chút khác biệt để đáp ứng. Ngay như khi các yếu tố nội tại đều giống nhau, tướng hiện cận tử cũng sẽ khác, là vì hành giả chú tâm vào những điểm khác nhau trên cơ thể.
Trong suốt quá trình này, quý vị cần phải có thiện tâm không ngăn ngại. Và đây là nguyện ước được nói trong bài kệ này của đức Panchen Lama. Phàm phu như chúng ta ai ai cũng đều phải chịu sự chi phối của sanh và tử, trôi lăn biết bao nhiêu là đời kiếp, nhất định là đã tích lũy cả một hành trang nghiệp chủng khổng lồ, đủ cả thiện lẫn ác, chờ lúc trổ quả. Mỗi một lúc vì vô minh mà phát xuất hành động là đều góp phần nối dài thêm sinh tử. Một việc làm mạnh mẽ có khả năng đẩy ta vào không chỉ một đời, mà rất nhiều đời kiếp tái sinh trong luân hồi. Đến khi gần chết, một trong vô vàn chủng nghiệp thiện ác sẵn có này sẽ được thúc đẩy chín mùi, làm nền tảng hình thành cả một kiếp tái sinh tiếp theo sau. Nhiều nghiệp khác sẽ hỗ trợ trong việc định hình phẩm lượng của đời sống, ví dụ như tài sản, thọ dụng, trí thông minh vân vân. Vì lý do này, ở ngay trước thềm cửa tử, ý nghĩ và tâm trạng của người sắp chết là điều vô cùng quan trọng.
Dù quý vị có trọn đời tu tập giữ thiện tâm, nhưng khi gần chết chỉ cần nổi lên một niệm bất thiện cũng đủ làm chín muồi chủng nghiệp bất thiện mà ai cũng sẵn có, thậm chí chỉ cần cảm thấy khó chịu bực bội khi có người đặt đồ hơi mạnh tay, tạo tiếng ồn. Vì vậy mà nói đây, điều này sẽ kích hoạt chủng tử thiện sẵn có, nhờ đó vào được kiếp tái sinh tốt lành. Vì vậy quý vị khi gần chết phải thận trọng tối đa, phát khởi càng nhiều càng tốt bất cứ loại thiện tâm nào có thể khởi được. Quan trọng nhất là người xung quanh phải hiểu rằng tâm người chết đang ở trong trạng thái rất cheo leo, phải thận trọng, đừng quấy nhiễu: đừng lớn tiếng, khóc lóc, ồn ào mạnh tay. Thay vào đó, hãy giúp tạo bầu không khí an lạc yên bình.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
8.1. Học về trình tự tứ đại tan rã cùng với tướng hiện bên ngoài và bên trong tương ứng để không kinh ngạc khi quá trình vào cửa tử bắt đầu.
8.2. Đặc biệt thận trong thời gian cận tử để nuôi dưỡng và đánh thức thiện chủng bằng thiện niệm.
8.3. Tướng chết có thể xuất hiện trong vòng 1 hoặc 2 năm trước, nhắc nhở đã đến lúc phải chuẩn bị. Nhưng tốt hơn quý vị nên chuẩn bị sẵn sàng trước đó.
BÀI KỆ SỐ 9 [NỘI TƯỚNG HIỆN, NGUYỆN CHỨNG CHÂN THỰC TẠI]
- Rồi vọng cảnh hiện ra / thật đáng sợ hãi hùng,
Nhất là cảnh “ảo ảnh”, / “khói dâng” và “đom đóm …”,
Mất đi chỗ cưỡi của / 80 tự-tánh-niệm,
Nguyện cho tôi khi ấy / chứng được pháp bất tử.
Khi tứ đại tan rã, nhiều cảnh sẽ hiện ra trong tâm. Có khi trước cả khi mắt và tai ngừng hoạt động, cảnh vật và âm thanh khác thường đã xuất hiện. Trong mọi trường hợp, mọi cảnh hiện ra đều là đối cảnh của ý. Ví dụ người bệnh suy nhược có thể thấy cảnh lửa cháy khủng khiếp làm cho họ khiếp sợ kinh hoàng. Người khác có thể thấy cảnh dễ chịu tuyệt vời, tâm thần thoải mái yên vui. Khác biệt như vậy là do lực đẩy của nghiệp thiện hay ác đã gieo trong đời này và các đời quá khứ. Sự khác biệt này báo trước hướng tái sanh của người sắp chết, cũng giống như ánh sáng bầu trời trước khi mặt trời mọc có thể báo trước thời tiết trong ngày.
Khi tứ đại từng bước tan rã, tướng hiện cận tử lần lượt từng cảnh hiện ra. Đất tan vào nước làm hiện cảnh giống như ảo ảnh trong sa mạc. Nước tan vào lửa làm hiện cảnh giống như khói bốc lên từ ống khói, hay như khói mỏng ở trong phòng. Lửa tan vào gió làm hiện cảnh giống như đom đóm, hay như tia lửa toé từ đáy nồi rang ngũ cốc (sự tan rã của gió sẽ được trình bày ở chương sau.)
Tám tướng cận tử, bốn như vừa nói trên—ảo ảnh, khói, đom đóm, lửa nến—và bốn sẽ nói ở phần sau, sẽ tuần tự hiện ra trong tâm người chết chậm, nhưng sẽ không hiện đầy đủ cho người chết bất đắc kỳ tử, ví dụ như chết vì tai nạn hay vì bị vũ khí sát hại.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
9.1. Chứng biết rằng muôn vàn cảnh hiện bên thềm cửa tử, có khi thật dữ dội hãi hùng, đều là do nghiệp cảm mà thành. Đừng phân tâm.
9.2. Tìm hiểu về ba cảnh đầu tiên trong tám cảnh hiện: ảo ảnh giống như thấy nước trong sa mạc; cụm khói từ ống khói phun ra hay khói mỏng kín phòng; đom đóm hay tia lửa tóe từ bụi than dưới đáy nồi.
BÀI KỆ SỐ 10 [CẢNH THÔ TAN, NGUYỆN GIỮ CHẶT CHÁNH NIỆM CHÁNH TRI]
- Đến khi thành phần gió / bắt đầu tan vào thức
Hơi thở bên ngoài đứt, / đối cảnh thô lậu tan,
Và cảnh ngọn đèn bơ / đã bắt đầu xuất hiện,
Nguyện chánh niệm, chánh tri / bấy giờ khởi mạnh mẽ.
Tâm thức được định nghĩa là mang tánh sáng và tánh biết. Sáng, vì bản chất vốn thanh tịnh sáng trong, và cũng vì sáng chiếu như ngọn đèn xua tan bóng tối cho cảnh vật hiển lộ rõ ràng. Biết, vì dù không biết tường tận, tâm vẫn có khả năng tiếp nhận đối cảnh.
Tâm thức được cấu tạo bằng đơn vị thời gian chứ không phải bằng tế bào, nguyên tử hay phân tử. Nói vậy, tâm và vật bản chất vốn khác nhau nên nhân tố chính của tâm khác với nhân tố chính của vật [gọi là nhân tố chính, vì là nhân tố xác định chất liệu hình thành của quả]. Nhân quả phải tương đồng, vì vậy nhân tố chính của thành phần vật lý cũng phải thuộc thành phần vật lý. Ví dụ đất sét là nhân tố chính của bình đất. Nói vậy, nhân tố chính của tâm phải là điều gì mang tánh sáng và tánh biết—là thời điểm tâm đi trước. Vì lý do này, mỗi thời điểm tâm thức bắt buộc phải có một thời điểm đi trước làm nhân tố chính. Điều này cho thấy dòng tâm thức vốn không có điểm đầu tiên. Đây là luận cứ được dùng để xác định dòng sinh tử vốn không có điểm khởi thủy. Ngoài ra, chỉ cần một người chính xác nhớ về đời trước là đủ, không cần mọi người phải nhớ. Chưa từng có ai trực tiếp chứng biết đời trước và đời sau không có, trong khi đó có nhiều trường hợp nhớ rõ đời trước đã được xác thực.
Mặc dù thân thể tăng hay giảm tùy thuộc theo nhân duyên, nhưng thân có sinh lực, khi sinh lực cạn, thân sẽ mau chóng thối rữa, biến thành tử thi. Bất kể đẹp trai đẹp gái cỡ nào cũng đều thành xác chết. Phân tích thử xem sinh lực giúp cho thân không thối rửa đó là gì, quý vị sẽ thấy đó chính là tâm thức. Máu thịt nếu đi liền với tâm sẽ không bị thối rữa. Chính dòng tâm này là điều sẽ đi tiếp qua đời sau.
Vì bản chất khác nhau nên nhân tố chính của tâm và nhân tố chính của vật khác nhau, nhưng điều này không có nghĩa là tâm và vật không chi phối lẫn nhau. Thực tế là thành phần tâm thức và thành phần vật lý vẫn luôn ảnh hưởng lẫn nhau qua nhiều hình thức. Vật có thể làm trợ duyên cho tâm, ví dụ như thành phần vật lý vi tế bên trong tròng mắt (nhãn căn) làm trợ duyên cho nhãn thức, hay màu sắc hình tướng nào đó ở bên ngoài (nhãn trần) làm trợ duyên cho nhãn thức, hay khi chính thân thể của quý vị làm nền chở tâm thức.
Tương tự như vậy, tâm định hình cho vật: do tâm thúc đẩy mà phát xuất việc làm, còn gọi là nghiệp, từ đó hình thành cấu trúc môi trường xung quanh. Do lực đẩy của nghiệp của nhiều người hợp lại, thế giới hệ này phát sinh. Thêm vào đó, theo hệ Mật tông tối thượng du già, tâm cưỡi trên khí, mặc dù ở dạng vi tế nhất, khí vẫn thuộc thành phần vật lý, không do phân tử hợp thành. Mối tương quan này mật thiết đến nỗi tâm và khí trở thành một khối bất khả phân. Bậc giác ngộ có thể lấy khí vi tế làm nhân tố chính để khởi hiện loại thân không có thành phần vật lý, ví dụ như Báo Thân của Phật [còn gọi là Thọ Dụng Thân] ở trong cõi Tịnh độ.
Nếu xét về nhân tố và duyên tố vào thời điểm thụ thai, có thể thấy rằng trứng mẹ và tinh cha là nhân tố chính hình thành thân của thai nhi, đồng thời cũng là duyên tố hỗ trợ cho sự hình thành của tâm. Tâm của thai nhi vào thời điểm cuối cùng ở đời trước là nhân tố chính sinh ra tâm của thời điểm đầu tiên khi vào thai mẹ, đồng thời cũng là duyên tố hỗ trợ cho sự hình thành của thân. Thân vật lý ở mức độ thô lậu—kể cả thân của bào thai—là nền tảng vật lý chuyên chở tâm thức, tương tự như vậy, khí mà tâm cưỡi lên, giống như ngồi trên lưng ngựa, cũng là nền tảng vật lý chuyên chở tâm. Tâm có thể tách lìa thân vật lý thô lậu, ví dụ như khi đi từ đời trước qua đời sau, nhưng không bao giờ có thể tách lìa khí ở mức độ vi tế nhất.
Theo tôi nghĩ, khí vi tế này, còn gọi là sinh khí, là năng lượng, vốn phi vật thể, không thuộc về tứ đại đất nước lửa gió. Khí vi tế này là một mặt của sự chuyển động của tâm vi tế. Có thể nói rằng khí và tâm tương ứng vốn chỉ là một. Tâm khí vi tế này mặc dù không dễ gì dùng máy móc khoa học hiện đại để quan sát phân tích, tuy vậy, có khi là vẫn có thể làm được, dùng phương pháp khoa học để tìm sự hiện diện của tâm khí vi tế trong trường hợp đã xác định chết lâm sàng nhưng tâm chưa lìa khỏi thân, khi mà thân thể chưa bắt đầu thối rữa. Một vài khoa học gia có mang máy móc đến bệnh viện của chúng tôi, nhưng khi họ có mặt thì không ai chết cả, đến khi có được một hành giả tu chứng lìa trần thì máy móc lại không sẵn ở đó.
Khí là năng lượng chở tâm. Mỗi tầng tâm thức, từ thô lậu đến vi tế, đều cưỡi trên một loại khí tương ứng. Khi khí suy giảm rồi tan, tầng tâm vi tế hơn sẽ hiển lộ. Đến đầu giai đoạn cận tử thứ tư, các loại khí chở rất nhiều loại niệm tưởng bắt đầu tan, trong tâm sẽ hiện ra cảnh ngọn lửa đèn bơ hay đèn cầy, trước tiên nhấp nháy, rồi sau đứng yên. Hơi thở bên ngoài đứt. Người đời thường xem đây là lúc chết, nhưng thật ra chưa phải. Ở thời điểm này, tướng hiện thô lậu phân chia đối tượng và chủ thể thành hai thực thể tách biệt đã tan, mắt không thấy hình sắc, tai không nghe âm thanh, mũi không ngửi được mùi, lưỡi không nếm được vị, thân không cảm được vật chạm. Tánh sáng và biết của tâm trần trụi hiện ra.
Nếu có khả năng giữ được chánh niệm trong thời gian cận tử, nhận diện được tướng hiện của từng giai đoạn, và chánh niệm đủ mạnh để tiếp tục nắm giữ bất cứ tâm thiện nào có thể nắm, công phu của quý vị khi ấy sẽ vô cùng mãnh liệt. Ít nhất là đời sau nhất định sẽ được sinh vào cõi lành.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
10.1. Dù tâm và vật đến từ nhân tố chính khác nhau, nhưng tác động lẫn nhau qua nhiều cách.
10.2. Sau ba nội tướng ảo ảnh, khói và đom đóm, sẽ đến nội tướng thứ tư, giống ngọn lửa đèn bơ hay đèn cầy, ban đầu lập lòe, sau đó đứng yên.
10.3. Ở thời điểm này, mặc dù hơi thở bên ngoài qua lỗ mũi đã đứt, ý thức cũng không còn tiếp nhận ngoại cảnh, tuy vậy chưa phải là đã chết. Nên tránh đừng chạm đến thân thể người lìa đời trước khi chấm dứt quá trình vào cửa tử.
10.4. Nếu giữ được chánh niệm và chánh tri [còn gọi là chánh niệm và tỉnh giác] giúp cho mình nhận biết quá trình vào cửa tử đang đến giai đoạn nội tại nào, điều này có thể thúc đẩy chứng ngộ mãnh liệt, dẫn đến kiếp tái sinh tốt lành.
MỤC LỤC
1. Nhớ Cái Chết 2. Vượt Thoát Nỗi Sợ 3. Chuẩn Bị Cho Cái Chết 4. Dẹp Bỏ Chướng Ngại Cản Trở Cái Chết Thuận Tiện 5. Tạo Điều Kiện Thuận Lợi Cho Lúc Chết 6. Thiền Cận Tử 7. Cấu Trúc Nội Tại 8. Tâm Chân Như Cửa Tử 9. Đối Mặt Cõi Trung Hữu 10. Tái Sinh Vào Cõi Lành 11. Chánh Văn 12. PHỤ LỤC: Đại Cương Và Tóm Lược Lời Khuyên