Để Sống Xứng Đáng Hơn
Chủ giảng: Đức Đalai Lama XIV
Việt dịch: Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Anh ngữ của Dr Jeffrey Hopskin. Bản dịch tạm, chưa hiệu đính. 08/2020. Xin đừng ấn tống.
MỤC LỤC
1. Nhớ Cái Chết 2. Vượt Thoát Nỗi Sợ 3. Chuẩn Bị Cho Cái Chết 4. Dẹp Bỏ Chướng Ngại Cản Trở Cái Chết Thuận Tiện 5. Tạo Điều Kiện Thuận Lợi Cho Lúc Chết 6. Thiền Cận Tử 7. Cấu Trúc Nội Tại 8. Tâm Chân Như Cửa Tử 9. Đối Mặt Cõi Trung Hữu 10. Tái Sinh Vào Cõi Lành 11. Chánh Văn 12. PHỤ LỤC: Đại Cương Và Tóm Lược Lời Khuyên
CHƯƠNG 7. CẤU TRÚC NỘI TẠI
Ngày mà ta không còn
Nhất định rồi sẽ đến.
—Thư Shura gửi cho Kanika
BÀI KỆ SỐ 11 [GIAI ĐOẠN BA KHÔNG ĐẦU TIÊN HIỆN: NGUYỆN TỰ CHỨNG CHÂN TÁNH MÌNH]
- Khi “hiện,” “tăng,” “cận thành tựu” / tuần tự tan vào nhau
Hiện ra ba kinh nghiệm / nguyệt, nhật, rồi tối đen,
Nguyện nhờ pháp du già / biết niết bàn sinh tử
Hết thảy đều là không, / tự chứng chân tánh mình.
Để có được tầm nhìn tổng quát về bốn giai đoạn cuối trong quá trình vào cửa tử, cần hiểu về các tầng tâm thức, cũng như hệ thống khí mạch, khí, và giọt tủy bên trong cơ thể, đều là những thành phần vật lý và tâm lý quan trọng trong mật pháp.
CÁC TẦNG TÂM THỨC
Mật tông tối thượng du già phân loại tâm thức thành nhiều tầng: thô lậu, vi tế và rất vi tế. Tâm thức thô lậu bao gồm năm nhận thức giác quan: nhãn thức biết sắc dạng [thị giác]; nhĩ thức biết âm thanh [thính giác], tỉ thức biết mùi hương [khứu giác] thiệt thức biết vị nếm [vị giác]; thân thức biết xúc chạm [xúc giác]. Đó là những loại tâm thức riêng biệt trong những phạm trù hoạt động tương ứng—sắc, thanh, hương, vị, và xúc.
Vi tế hơn một chút, nhưng vẫn thuộc lãnh vực thô lậu, là loại tâm thức dùng để tư duy suy nghĩ. Loại này có thể phân thành ba nhóm, cưỡi trên ba loại khí—mạnh, trung và yếu. Nhóm tâm thức đầu cưỡi trên loại khí với lực chuyển đến đối cảnh rất mạnh, bao gồm 33 loại nhận thức như là sợ hãi, tham chấp, đói, khát, từ bi, tiếp nhận, ganh ghen. Nhóm tâm thức thứ hai cưỡi trên loại khí với lực chuyển trung bình, bao gồm 40 nhận thức như là vui, kinh ngạc, rộng lượng, muốn hôn, anh hùng, thiếu nhẹ nhàng, và cong quẹo. Nhóm thứ ba tương ứng với loại khí với lực chuyển yếu, bao gồm bảy nhận thức: quên, lầm (như ảo ảnh lầm thấy nước trong sa mạc), rối loạn tâm lý, trầm cảm, biếng lười, nghi hoặc, nửa thương nửa ghét. (Mỗi nhóm tâm thức này đều bao gồm nhiều tầng thô tế khác nhau.)
Ba nhóm này tuy vẫn thuộc tầng tâm thức thô lậu, nhưng vi tế hơn năm nhận thức giác quan. Có thể nói chúng là phóng ảnh của những tầng tâm thức càng sâu càng ít khái niệm đối đãi hơn. Chúng là dấu ấn của ba tầng tâm vi tế sẽ hiện ra khi mọi tầng tâm thức thô lậu ngưng hoạt động, và hiện ra như vậy, hoặc là nhờ chủ động như khi vào sâu trong định, hoặc một cách tự nhiên, như khi chết, hay khi ngủ.
Khi khí chở 80 niệm tan rã thì niệm cưỡi trên khí ấy cũng tan theo, làm cho lần lượt hiện ra ba tầng tâm vi tế theo thứ tự như sau: tâm màu trắng hiện rực rỡ, tâm màu đỏ-cam rực rỡ, và tâm màu đen rực rỡ. (xem ba giai đoạn từ 5 đến 7.) Nhờ vậy, cuối cùng tầng vi tế nhất của tâm hiện ra, đây là tâm chân như [còn gọi là tâm quang minh]. Nếu vận dụng được tâm này để tu, uy lực sẽ tối đa. (Xem giai đoạn 8.)
Trước khi thảo luận chi tiết về bốn giai đoạn cuối, cần giải thích về những biến chuyển đưa đến bốn giai đoạn này. Trong sinh lý học thuộc hệ Mật tông tối thượng du già, những biến chuyển này xảy ra trong hệ khí mạch vật lý, cùng với khí và giọt tủy có trong các đường khí mạch này.
CẤU TẠO CỦA KHÍ MẠCH TRONG CƠ THỂ
Trong người có ít nhất là 72 ngàn kênh mạch: động mạch, tĩnh mạch, ống dẫn, dây thần kinh, những kênh mạch có hình tướng, không hình tướng, bắt đầu hình thành ở nơi sẽ trở thành trái tim sau khi thụ thai. Ba đường khí mạch quan trọng nhất chạy từ điểm giữa lông mày, vòng lên đỉnh đầu rồi dọc xuống theo phía trước xương sống đến cuối cột sống, nối dài đến cuối bộ phận sinh dục. Mô tả như vậy chỉ là để quán tưởng về ba đường khí mạch ở giữa, bên phải và bên trái khi tu thiền, không hoàn toàn giống thực tế. Tuy vậy, tưởng tượng theo cách này vẫn có thể làm hiển lộ các tầng tâm thức vi tế. Đôi khi mô tả như vậy chỉ là để hướng dẫn chỗ cần nhiếp tâm khi hành thiền.
Trên ba khí mạch này có bảy luân xa, với số nhánh nhiều ít khác nhau:
- Luân xa đại lạc nằm trong đỉnh đầu, có 32 nhánh. Gọi là luân xa đại lạc vì ở giữa luân xa này có giọt tủy vật thể trắng, nền tảng của hỉ lạc.
- Luân xa thọ dụng, nằm giữa yết hầu, có 16 nhánh. Gọi là luân xa thọ dụng vì đây là nơi cảm nhận được vị nếm.
- Luân xa pháp nằm ở tim, có 8 nhánh. Gọi là luân xa pháp vì đây là chỗ của khí và tâm vi tế nhất, vốn là nguồn gốc của vạn pháp.
- Luân xa hóa hiện nằm ở đám rối thân tạng, có 64 nhánh. Gọi là luân xa hóa hiện vì ở đó có nội hỏa, đốt lên bằng pháp du già, làm phương tiện phát khởi đại lạc.
- Luân xa giữ lạc nằm ở cuối cột sống, có 32 nhánh. Gọi là luân xa giữ lạc vì tầng tâm thức hỷ lạc sâu thẳm nhất được duy trì từ cuối cột sống.
- Luân xa trung ngọc (đầu cơ quan sinh dục) có mười sáu nhánh.
- Ngoài ra còn có một luân xa ở giữa lông mày, có 16 nhánh.
Nơi tim, các khí mạch bên phải và bên trái buộc thắt quanh mạch trung đạo ba lần (mỗi khí mạch đều tự buộc thành gút), rồi tiếp tục đi xuống. Như vậy ở tim có tất cả sáu chỗ nghẽn, làm khí không thể lưu thông trong mạch trung đạo. Sáu nút thắt này rất chặt, vì vậy chú tâm quán nơi tim khi tu thiền rất nguy hiểm. Nếu không đúng cách có thể khiến rối loạn hệ thống thần kinh.
Ở 7 chỗ trọng yếu này—giữa lông mày, đỉnh đầu, cổ, tim, đám rối thân tạng, cuối cột sống và bộ phận sinh dục—ở mỗi chỗ, hai đường khí mạch bên phải và bên trái buộc quanh khí mạch trung đạo một lần (mỗi khí mạch đều tự buộc thành một gút), làm thành hai chỗ nghẽn. Khí mạch bên phải và bên trái ứ khí căng phồng, làm tắt nghẽn đường khí trung đạo. Những chỗ nghẽn này được gọi là “nút thắt.” Xin nhắc lại một lần nữa, điều quan trọng quý vị cần phải nhớ, đó là hình ảnh và lời mô tả về cấu trúc hệ khí mạch và luân xa đều là để thực hành, không nhất thiết đúng với tướng dạng và vị trí thật sự. Trong thực tế, những điều này có thể rất khác, tùy theo thể tạng của từng người.
CẤU TẠO CỦA KHÍ TRONG CƠ THỂ
Tâm tiếp xúc được với đối cảnh là nhờ sự chuyển động của khí. Tâm cưỡi trên khí, như người cưỡi ngựa. Theo Mật tông tối thượng du già, cấu trúc hệ thống tâm lý vật lý của con người gồm có 5 khí chính và 5 khí phụ.
- Khí chứa sự sống. Vị trí chính của khí này nằm ở bộ khí mạch nơi tim. Chức năng chính là duy trì sự sống. Khí này cũng tạo ra năm khí phụ, chủ đạo hoạt động của giác quan và sự chú tâm.
- Khí bài tiết xuống. Vị trí chính của khí này nằm ở bộ khí mạch nơi bụng dưới, chuyển động trong tử cung hay túi tinh, trong bàng quang tiết niệu, trong đùi, vân vân. Khí này làm ngắt và khởi động tiểu tiện, đại tiện và kinh nguyệt.
- Khí lửa trú. Vị trí chính của khí này nằm ở bộ khí mạch nơi đám rối thân tạng, là chỗ tạo nội nhiệt bằng pháp du già. Khí này giúp tiêu hóa, tách phần đã lọc và chưa lọc, vân vân.
- Khí đi lên. Vị trí chính của khí này nằm ở bộ khí mạch nơi cổ. Hoạt động trong phạm vi cổ và miệng, là khí giúp nói, nếm, nuốt, ợ, khạc nhổ vân vân.
- Khí cùng khắp. Vị trí chính của khí này nằm ở các khớp xương, làm cơ thể chuyển động, co duỗi tứ chi, mở đóng miệng và mí mắt.
Quý vị thấy đó, khí điều khiển các chức năng vật lý và tâm lý. Muốn khỏe thì khí phải thông; khí nghẽn sẽ gây vấn đề.
Với người thường, khí không lưu thông trong đường khí trung đạo, trừ khi chết. Tuy vậy, với phương pháp du già thâm sâu, hành giả có thể chủ động làm hiển lộ các tầng tâm thức vi tế. Trong bốn giai đoạn cận tử cuối, khí chở tâm đi vào và tan nơi hai khí mạch bên phải và bên trái. Rồi từ đó đi vào và tan nơi khí mạch trung đạo. Hai khí mạch bên phải và bên trái xẹp xuống, các nút thắt nới lỏng, đường khí trung đạo không còn bị thắt nghẽn, khí lưu thông tự do, và sự chuyển động này làm cho tâm vi tế nhất hiện ra, là cái tâm mà hành giả Mật tông tối thượng du già tìm cầu để sử dụng trên đường tu. Khí chở tâm đại lạc ngưng tiếp ngoại cảnh, cuồn cuộn thu về. Tâm này đặc biệt năng lực rất lớn trong việc chứng chân thực tại.
Hơn hai mươi năm về trước, có một sư bà tuổi đã ngoài 80, trú dưới mái hiên của một ngôi nhà làng bên. Người ta thường đến xin bà bói toán. Bà có đến xin diện kiến, và tôi đã được gặp. Bà mang tặng tôi một quyển sách về pháp hành dòng Nyingma, tựa đề “Đột Phá và Nhảy Vượt.” Chúng tôi cùng ngồi trò chuyện. Bà kể rằng khi còn trẻ ở Tây tạng, bà đã từng kết hôn, nhưng hôn phu qua đời. Sau đó bà rũ việc đời, bỏ tài sản, đi hành hương. Cuối cùng đến Drikung, gặp một vị Lama tuổi ngoài tám mươi, ở trên núi phía sau tu viện. Lama có khoảng mười hai đệ tử. Bà kể rằng vào hai dịp khác nhau, bà đã thấy các sư khoát áo choàng làm cánh, bay từ đỉnh đồi này sang đỉnh đồi kia. Bà đã thực sự nhìn thấy điều này.
Nếu thật là như vậy thì đây không phải phép lạ mà là do pháp tu du già luyện khí. Các sư sống ở vùng hẻo lánh với một vị Lama già, tâm chư vị rõ ràng là đã cách li buông xả, nút thắt khí mạch chắc đã được nới lỏng. Tôi nghĩ chư vị có lẽ đã chứng được tánh không, cũng đã phát được tâm vị tha đại từ đại bi. Bất kể học thức có cao hay không, chư vị chắc là đã nắm được tinh túy tánh không.
GIỌT TỦY TRONG CƠ THỂ
Ở giữa các luân xa có giọt tủy, trên trắng dưới đỏ, sức khỏe thể chất và tinh thần đều phụ thuộc vào đây. Ở luân xa trên đỉnh, phần trắng nhiều hơn, còn ở luân xa nơi đám rối thân tạng, phần đỏ nhiều hơn. Những giọt này bắt nguồn từ giọt cơ bản nhất ở nơi tim, kích thước bằng hạt mù tạt lớn, hoặc hạt đậu nhỏ, và cũng giống như những giọt khác, cũng là trên trắng dưới đỏ. Vì giọt tủy nơi tim sẽ tồn tại cho đến khi chết nên được gọi là “giọt bất hoại.” Có khí-chứa-sự-sống rất vi tế nằm trong giọt này. Khi chết, tất cả mọi khí cuối cùng sẽ tan hết vào đây, khi ấy chân như cửa tử sẽ ló dạng.
Như vậy tạm đủ thông tin về các tầng tâm thức, khí, và giọt tủy, bây giờ chúng ta hãy trở lại xem tiếp về trình tự tan rã của các tầng tâm thức trong quá trình vào cửa tử.
TRÌNH TỰ BỐN GIAI ĐOẠN CUỐI CỦA CÁI CHẾT
Bốn giai đoạn cận tử cuối bắt đầu với ba tầng tâm vi tế, và kết thúc với tầng tâm vi tế nhất. Khi các tầng tâm thức thô lậu ngừng, ba tầng tâm vi tế sẽ hiện. Đi qua ba tầng vi tế này, tâm của quý vị sẽ càng lúc càng siêu việt đối đãi nhị nguyên, vì càng lúc càng ít khái niệm phân biệt giữa chủ thể và đối tượng.
Giai đoạn 5.
Khi 80 niệm của tầng tâm thô lậu tan, tầng tâm vi tế đầu tiên ló dạng, cảnh màu trắng rực rỡ tự hiện ra. Là sự rộng mở sáng sủa, như bầu trời mùa thu tràn ngập ánh sáng trắng. Không có gì khác hiện ra trong tâm này. Phật giáo thường dùng hình ảnh bầu trời mùa thu để làm ví dụ, vì mùa thu xứ Ấn, nơi Phật pháp bắt nguồn, sau cơn mưa mùa hạ, bầu trời còn lại trong vắt không mây không bụi. Cũng giống như vậy, trong không gian đơn thuần vắng mọi ngăn ngại, niệm thô lậu đều đã tan, còn lại là sự bao la rộng mở. Trạng thái tâm vi tế này được gọi là “hiện,” vì hiện cảnh ánh trăng nhưng bên ngoài không có ánh sáng nào như vậy chiếu cả. Cũng gọi là “không,” vì siêu việt 80 niệm và khí chở 80 niệm này.
Về mặt vật lý, đây là những gì xảy ra trong giai đoạn năm, mặc dù nằm ở bên ngoài kinh nghiệm của người chết: (1) Khí trong các khí mạch bên phải và bên trái ở phần trên tim đi vào khí mạch trung đạo qua điểm mở trên đỉnh đầu. (2) Do đó, làm lỏng nút thắt trên đỉnh đầu. (3) Và điều này làm cho giọt trắng như nước ở trên đỉnh đầu chảy xuống; chảy đến phía trên sáu nút thắt nơi tim thì cảnh màu trắng rực rỡ hiện ra.
Giai đoạn 6.
Khi tâm-trắng-hiện và khí chở tâm này tan vào tâm-đỏ-cam-tăng-hiện, cảnh màu đỏ-cam rực rỡ tự hiện ra. Cảnh rộng mở này càng sáng hơn nữa, như bầu trời mùa thu không bụi không mây, ngập tràn ánh sáng đỏ-cam. Không có gì khác hiện ra trong tâm này. Gọi trạng thái này là “tăng-hiện” vì là giống như ánh mặt trời rực rỡ hiện ra, nhưng không có ánh sáng nào như vậy chiếu từ bên ngoài. Cũng gọi trạng thái này là “rất không,” vì siêu việt tâm-trắng-hiện cùng khí chở tâm ấy.
Về mặt vật lý: (1) khí ở hai khí mạch bên phải và bên trái phần dưới tim đi vào đường khí mạch trung đạo qua cửa mở ở cuối cột sống hoặc ở bộ phận sinh dục. (2) Do đó, làm lỏng các nút thắt luân xa ở bộ phận sinh dục và ở rốn. (3) Và điều này làm cho giọt đỏ (hình dạng như một vạch đứng nhỏ), nằm ở giữa luân xa rốn, đi lên; lên đến phía dưới nút thắt nơi tim thì cảnh-đỏ-cam-tăng-hiện hiện ra.
Giai đoạn 7.
Khi tâm-đỏ-cam-tăng-hiện và khí chở tâm này tan vào tâm-cận-thành-tựu, cảnh màu đen rực rỡ tự hiện ra. Cảnh hiện bây giờ giống như bầu trời mùa thu không bụi, không mây, tràn ngập bóng đêm sau khi trời trở tối. Không có gì khác xuất hiện trong tâm này. Vào phần đầu của tâm-cận-thành-tựu này, nhận thức vẫn còn, nhưng ở phần sau sẽ mất nhận thức, rơi vào bóng tối dày dặc như khi bất tỉnh. Gọi giai đoạn này là “cận-thành-tựu,” vì ở đây tâm chân như sắp ló dạng. Cũng gọi là “đại không,” vì siêu việt tâm-đỏ-cam-tăng-hiện cùng khí chở tâm này.
Về mặt vật lý: (1) bên trong khí mạch trung đạo, khí ở phía trên và phía dưới về quy tụ nơi tim, nới lỏng sáu nút thắt của khí mạch bên phải và bên trái. (2) Tại thời điểm này, giọt trắng từ đỉnh đầu tiếp tục đi xuống, và giọt đỏ từ dưới rốn tiếp tục đi lên, cả hai cùng vào giữa giọt-bất-hoại ở tim. (3) Khi hai giọt này gặp nhau, cảnh mầu đen rực rỡ hiện ra.
Giai đoạn 8.
Tâm trở nên vi tế hơn cả thời gian mất ý thức trong phần sau của giai đoạn tâm-đen-cận-thành-tựu; lực chuyển của khí yếu dần, và khí vi tế hiện ra. Tại thời điểm này, trạng thái vô thức dạt tan, tâm chân như hiển lộ, là tâm vi tế nhất trong tất cả mọi tâm. Tâm này vốn vô niệm, phi đối đãi. Ở giao điểm này, hết thảy mọi hoạt động của niệm đều đã đoạn dứt, và ba “nhân duyên gây ô nhiễm,” là cảnh hiện trắng, đỏ và đen, còn gọi là mặt trăng, mặt trời, và tối đen, làm che chướng mầu sắc tự nhiên của bầu trời, hết thảy đều tan biến. Cảnh rộng mở sáng trong hiện ra. Như bầu trời mùa thu lúc tinh mơ trước khi mặt trời mọc, không vướng bất kỳ gợn bẩn nào, không có gì khác xuất hiện. Tầng tâm thức sâu nhất này được gọi là “bản giác chân như” và “toàn-là-không,” vì đây là trạng thái siêu việt toàn bộ 80 niệm và 3 tâm vi tế.
Về mặt vật lý: (1) Giọt trắng và giọt đỏ tan vào giọt-bất-hoại nơi tim: giọt trắng tan vào phần trắng phía trên giọt-bất-hoại, giọt đỏ tan vào phần đỏ phía dưới giọt-bất-hoại. (2) Do đó, khí bên trong khí mạch trung đạo tan vào khí-chứa-sức-sống. (3) Điều này khiến cho khí vi tế nhất và tâm chân như hiển lộ.
Đối với hầu hết mọi người, thời điểm chết là lúc tâm vi tế nhất xuất hiện. Tâm vi tế nhất này thường ở lại trong cơ thể 3 ngày, trừ khi bị bệnh tật tàn phá có khi không tới được một ngày. Cho hành giả bậc cao, đây là cơ hội quý giá để thực hành. Vị nào thấy được tâm chân như có thể trú trong cảnh giới này lâu hơn. Tùy công phu tu trước đó, chư vị thậm chí có thể vận dụng tâm chân như để chứng tánh không của vạn pháp, luân hồi cũng như niết bàn.
CHỨNG TÁNH KHÔNG
Muốn sống và chết một cách thực tế, không sợ hãi, thì bắt buộc phải hiểu về tánh không Phật dạy. Tánh không không có nghĩa là không hiện hữu. Quý vị có thể nghĩ rằng tánh không là không có gì cả, nhưng không phải. Nói sự vật vốn không, là sự vật không có cái gì? Không biết đối tượng phủ định là gì sẽ không thể hiểu được sự vắng mặt của đối tượng ấy, và như vậy không thể hiểu được tánh không.
Hãy thử nhìn như thế này: đức Phật thường nói rằng vì mọi sự đều do nhiều yếu tố phối hợp mà thành, nên đều là tương đối, nói cách khác, đều tùy thuộc vào nhiều nhân tố, duyên tố, cùng các thành phần cấu tạo mà có. Lấy ví dụ thân thể của quý vị, không phải tự một mình mà có được, phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố bên ngoài, như là trứng mẹ và tinh cha, cũng như thức ăn và nước uống. Đồng thời cũng tùy thuộc vào các thành phần cấu tạo như là chân, tay, đầu, mình vân vân.
Thân này nhìn thấy giống như là tự một mình hiện hữu riêng biệt. Hãy thử xét xem, thân này là đồng nhất hay dị biệt với chân, tay, đầu, mình? Là một với từng bộ phận riêng lẻ? Hay là một với tổng thể các thành phần? Hay là thứ gì hoàn toàn khác? Nếu như thân này có sao thấy vậy, lẽ ra càng xét sẽ càng thấy rõ. Nhưng thực tế là càng nhìn càng mù mịt, không thể tìm thấy. Mọi sự vật khác cũng vậy. Chính sự không thể tìm thấy qua phân tích đại loại cho thấy thân này không hiện hữu độc lập, trái với những gì mình thấy.
Dù vậy, điều này không có nghĩa là chúng sinh và vật thể không có gì hiện hữu cả. Mọi sự tuy có hiện hữu, nhưng không hiện hữu một cách độc lập cố định như mình thấy. Nếu khéo quán chiếu và thiền quán, sẽ hiểu được sự đồng điệu giữa tướng hiện và tánh không. Bằng không sẽ thấy tánh không và tướng hiện đối nghịch mâu thuẫn với nhau.
Tất cả mọi sự vật—nhân và quả, chủ thể và hành động, tốt và xấu—đều có trên phương diện quy ước, hay nói cách khác, đều tùy duyên mà có. Vì sự vật tùy vào các yếu tố bên ngoài mà có, nên không độc lập tự có. Sự không tự có này được gọi là tánh không, là không có tự tánh, và đây là chân tánh của sự vật. Chứng điều này thì đó là trí tuệ tánh không.
Nguyên nhân căn bản của khổ đau là vô minh. Vô minh là vọng niệm lầm tưởng các loài hữu tình và vật vô tình vốn có tự tánh. Mọi tâm hư vọng đều bắt nguồn từ mê lầm này. Mục tiêu chính của đường tu là để đối trị và dẹp bỏ vô minh bằng trí tuệ, là tâm thức sáng suốt, lấy chân thực tại làm nền tảng, chứng biết tất cả mọi loài hữu tình và vô tình đều không có tự tánh. Đây chính là trí tuệ tánh không.
Một trong những bài pháp ấn tượng và hữu ích nhất của đức Panchen Lama đời thứ nhất là bài Tranh Luận Với Vô Minh, tương tự như chương 8 của Nhập Bồ Đề Hạnh Luận của đức Shantideva, với tâm ngã ái và tâm vị tha tranh luận với nhau. Tranh Luận Với Vô Minh của đức Panchen Lama đời thứ nhất là cuộc tranh luận sôi nổi giữa vô minh chấp có tự tánh và trí tuệ chứng duyên sinh và tánh không. Khi đọc sách này tôi nhận ra rằng tri kiến Trung quán của mình vẫn chưa phải là chính xác nhất.
Nhờ lời giải thích của Ngài, tôi dần nhận ra rằng phủ nhận hiện hữu có tự tánh rồi chấp nhận hiện hữu qua khái niệm lập danh [giả danh] của người [nhân] và vật [pháp] là điều rất khó. Điều này được đức Tsongkhapa xác nhận trong Đại Luận Về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ, phẩm Tuệ Quán với bài kệ sau đây:
Nếu đã thấy rằng / không có tự tánh
Sẽ khó chấp nhận / duyên sinh nhân quả
Nhưng thật tuyệt vời / nương được giáo pháp
Nói rằng Trung Quán / chính là như vậy
Trước đây tôi không từng nhìn lại xem các loài hữu tình và vật thể vô tình hiện ra trong tâm mình như thế nào. Tôi đã để yên không động đến cảnh hiện, cho rằng sự không có tự tánh là một thứ gì nằm ngoài phạm vi của cảnh hiện quy ước [tục đế]. Tuy vậy, nhờ suy nghĩ về ý nghĩa bài pháp của đức Panchen Lama đời thứ nhất, tôi có được sự hiểu mới. Để giải thích điều này, tốt nhất là kể lại cách tôi tiếp cận với lời dạy của đức Gungtang Könchok Tenpay Drönmay, bậc đại học giả kiêm hành giả Tây tạng sống vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Ngài nói như sau:
Quán xét sự vật / để tìm tự tánh
Tìm không thấy nên / xác định sự vật / vốn không tự tánh
Dù không tự tánh / cũng không phải là / sự vật không có
Cuối cùng thấy được / sự vật còn lại / chỉ là giả danh.
Bài kệ này có vẻ như muốn nói rằng ngoài việc phủ nhận tự tánh gán đặt lên sự vật, tướng hiện của sự vật tự nó không bị phủ nhận. Thật vậy, sự vật tự nó không bị phủ nhận, nhưng bài kệ này có vẻ như còn muốn nói rằng nghiệp cảnh hiện ra vẫn được để yên không động đến, là vì chúng hiện ra trước mắt ta như thể được hình thành từ những đặc tính riêng, rồi thêm vào đó mới phủ nhận hiện hữu có tự tánh. Tuy vậy, đây là góc nhìn của Trung quán Y tự khởi, tông phái dưới trong hai tông phái Trung Quán.
Tông phái này nói rằng trong cảnh giới chân thật [của chân đế] nếu sự vật thật có thì phải là có tự tánh, và nếu vậy thì phải hiện ra trước trí tuệ chứng chân đế. Nhưng sự vật vốn không hiện ra trước trí tuệ chứng chân đế, nên sự vật không thật hiện hữu trong chân đế. Đó là tri kiến của Trung Quán Y Tự Khởi. Tôi cảm thấy rằng, theo góc nhìn này, với lý lẽ phân tích như vậy thì xác nhận duyên sinh nhân quả không phải là việc khó, khác với lời của đức Tsongkhapa khi nói về góc nhìn của hệ Trung Quán trích dẫn phía trên.
Sách Tranh Luận Với Vô Minh của đức Panchen Lama đời thứ nhất chỉ ra rõ ràng, rằng khi sự vật như là sắc trần hiện ra, ngay từ đầu ta đã thấy chúng giống như được hình thành từ những đặc tính riêng và, vì vậy, phủ nhận tướng hiện thì bản thân của sự vật tự nó cũng không còn đất đứng. Đó là lý do vì sao đức Tsongkhapa nói rằng phủ nhận hiện hữu có tự tánh thì sẽ rất khó chấp nhận duyên sinh nhân quả. Nhờ trợ duyên của Tranh Luận Với Vô Minh của đức Panchen Lama đời thứ nhất, tôi hiểu được rằng những gì đức Tsongkhapa nói đều đúng là như vậy. Sách này thật vô cùng hữu ích.
Thấy được mình không hiện hữu có tự tánh nhờ vận dụng luận lý cái tôi không phải một, không phải nhiều, không đơn lẻ, không tổng hợp, làm vậy sẽ khiến vô minh giảm được chút ít, nhưng không thể triệt bỏ. Vì sao? Vì cái tôi quy ước có tự tánh vẫn hiện ra trong tâm. “Cái tôi” này hiện thì tự tánh cần bác bỏ cũng hiện theo. Vì vậy điều cần làm là khi nhìn vào hợp thể thân tâm và thấy có cái tôi hiện ra thì phải ý thức rằng cái tôi ấy vốn không thật có. Như lời đức Panchen Lama đời thứ nhất nói,
Nhìn vào khối thân tâm / thấy cái tôi hiện ra
Hãy đơn thuần bác bỏ / biết rằng không thật có
Lấy sự không có này / làm đề mục chú tâm
Cho cảnh hiện sáng trong / không để bị yếu mờ.
Nói như vậy có nghĩa là nếu thiền quán theo cách này sẽ diệt được khái niệm chấp tự tánh. Điều này đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Ở đây trong quá trình vào cửa tử, quý vị tìm cách lấy chân tánh của sự vật, là tánh không không có tự tánh, làm đối cảnh của tâm vi tế nhiều uy lực hơn, nhất tâm bất loạn nơi ấy. Nhờ tu pháp du già này, quý vị sẽ chứng được chân tánh của chính mình. Giữa hai tánh, quy ước và chân thật, ở đây quý vị nhìn vào tánh chân thật, là tánh không không tự tánh.
TÓM LƯỢC LỜI KHUYÊN
11.1. Hãy để ý xem cách hành xử và tư duy của mình sẽ tùy vào chuyển động của khí mà tiếp đối cảnh với lực mạnh hay yếu khác nhau như thế nào.
11.2. Hãy học để biết rằng sau bốn nội tướng ảo ảnh, khói, đom đóm và lửa đèn (bơ hay nến, trước lập lòe sau đứng yên] là đến ba tâm vi tế hơn xuất hiện: rực rỡ trắng-hiện, rực rỡ đỏ-cam-tăng-hiện, và rực rỡ đen-cận-thành-tựu.
11.3. Hãy nhớ rằng quý vị đang tìm cách vận dụng các loại tâm vi tế này để chứng tánh không.
11.4. Tánh không không có nghĩa là sự vật không hiện hữu, mà là tuy có hiện hữu nhưng không tự tánh. Điều này đúng cho mọi sự, kể cả loài hữu tình hay vật thể vô tình.
11.5. Hãy học cách làm sao quán chiếu sự vật: chú ý xét xem sự vật có phải là đồng nhất với một trong những thành phần cấu tạo, hay là tổng hợp của mọi thành phần cấu tạo hợp lại, hay là một thứ gì hoàn toàn khác.
11.6. Nhân và quả, chủ thể và hành động, tốt và xấu, tất cả điều chỉ đơn thuần hiện ra trong cảnh quy ước [của tục đế], và đều do nhân duyên phối hợp mà thành.
11.7. Sự không hiện hữu độc lập này chính là tánh không không tự tánh, là chân tánh của vạn pháp [chân đế]. Đây là đối cảnh mà tuệ giác chứng biết, nhờ đó hủy diệt vô minh, gốc rễ của tham, sân và si.
11.8. Nhờ tu pháp du già này nên chứng biết chân tánh của chính mình và của vạn pháp.
MỤC LỤC
1. Nhớ Cái Chết 2. Vượt Thoát Nỗi Sợ 3. Chuẩn Bị Cho Cái Chết 4. Dẹp Bỏ Chướng Ngại Cản Trở Cái Chết Thuận Tiện 5. Tạo Điều Kiện Thuận Lợi Cho Lúc Chết 6. Thiền Cận Tử 7. Cấu Trúc Nội Tại 8. Tâm Chân Như Cửa Tử 9. Đối Mặt Cõi Trung Hữu 10. Tái Sinh Vào Cõi Lành 11. Chánh Văn 12. PHỤ LỤC: Đại Cương Và Tóm Lược Lời Khuyên