Chương Chín: HẠNH TUỆ
Ghi chú người dịch: Xin lưu ý chữ “không thật có” ở đây có nghĩa là “không hiện hữu có tự tánh dị biệt.” Trung Quán không hề phủ nhận sự vật thật có qua duyên sinh và giả danh.
IX-1. Đức Mâu Ni thuyết:
mọi hạnh tu này,
mục đích là để
hướng về hạnh tuệ.
Vậy muốn diệt khổ
thì phải phát tuệ.
IX-2. Tướng là tục đế.
Tánh là chân đế.
Hai chân lý này
gọi là nhị đế.
Chân đế không là
đối tượng của tâm,
vì tâm ứng với
cảnh hiện tục đế.
IX-3. Cho nên thế gian
có hai loại người:
một là hành giả,
hai là phàm phu.
Tri kiến hành giả
phá bỏ hết thảy
tri kiến phàm phu.
IX-4. Tri kiến hành giả
cũng có thấp cao,
bậc trên phá bỏ
tri kiến bậc dưới.
Dựa vào tỉ dụ
hai bên đều nhận.
Muốn đạt kết quả
thì không quán chiếu.
IX-5. Đối với sự vật,
phàm phu tiếp cảnh
luôn thấy thật có,
chẳng phải hư vọng.
Điểm này hành giả
khác với phàm phu.
IX-6. Mặc dù thấy sắc,
nhưng đây chỉ là
cái thấy qui ước,
chẳng phải chân thật.
Cũng là hư vọng
như [thân] bất tịnh
mà người thế gian
đều thấy là tịnh.
IX-7. Để giúp người đời
dễ dàng hội nhập,
nên Phật nói rằng
sự vật thật có.
Thật ra chân đế
vốn không phải là
sát na sinh diệt.
Hỏi: “vậy chẳng lẽ
sát na sinh diệt
lại là tục đế ?”
IX-8. Điều này không sai:
sát na sinh diệt
là cảnh tục đế
của bậc hành giả ;
đối với thế gian
lại là chân đế.
Bằng không hành giả
thấy thân bất tịnh,
sẽ bị tri kiến
thế gian phá bỏ.
IX-9. Công đức đến từ
đức Phật hư huyễn,
so với công đức
từ Phật thật có,
đều là như nhau.
Hỏi: “nếu chúng sinh
chỉ là hư huyễn,
vậy khi chết rồi
làm sao tái sinh ?”
IX-10. Duyên còn hội tụ
thì cảnh huyễn còn,
cho dù kéo dài
bao lâu chăng nữa,
cũng đâu vì vậy
mà thành thật có.
IX-11. Giết kẻ hư huyễn
sinh từ huyền thuật
thì không tạo nghiệp,
vì nào có tâm.
Thế nhưng chúng sinh
vốn mang tâm huyễn,
cho nên phước nghiệp
vẫn sẽ phát sinh.
IX-12. Bùa chú không thể
tạo ra tâm huyễn.
Từ vạn nhân duyên
sinh vạn cảnh huyễn.
IX-13. Chưa từng có chuyện
chỉ từ một nhân
mà sinh nhiều cảnh.
Hỏi: “nếu chúng sinh,
nhìn từ chân đế,
vẫn trú niết bàn,
nhưng trong tục đế
lại trú sinh tử,
IX-14. nói vậy vô lẽ
Phật cũng luân hồi ?
Vậy hạnh bồ tát
tu để làm chi !”
Thật ra nhân duyên
nếu chưa đoạn lìa
thì chẳng thể nào
đoạn lìa huyễn ảo.
IX-15. Còn nếu nhân duyên
hết thảy đoạn lìa
thì cho dù là
cảnh huyễn tục đế
cũng chẳng phát sinh.
Hỏi: “nếu tâm huyễn
vốn không thật có,
vậy biết lấy gì
để tiếp cảnh đây ?”
IX-16. Chính các anh nói
cảnh là hư huyễn,
vậy bảo tiếp cảnh
là tiếp cảnh gì ?
Nếu như nói rằng:
“cảnh thì lại khác,
là vì cảnh hiện
cũng chỉ là tâm.”
IX-17. Nói vậy vô lẽ
tâm cũng là cảnh ?
Vậy dùng cái gì
để thấy gì đây ?
Chính đức Thế tôn
đã dạy điều này:
tâm chẳng tự thấy[1].
IX-18. Cũng như lưỡi dao,
chẳng thể tự cắt,
tâm cũng tương tự,
chẳng thể tự thấy.
Hay lại nói rằng:
“tâm như ngọn lửa
tự soi sáng mình.”
IX-19. Nhưng mà ngọn lửa
có bao giờ tối
để mà sáng soi ?
Hay lại nói rằng:
“vật gì vốn xanh,
tự nó đã xanh
chẳng cần gì khác,
chẳng phải giống như
là khối pha lê.
IX-20. Nhận thức cũng vậy
có thứ tùy thuộc,
có thứ lại không.”
Nhưng nếu vốn xanh,
vô lẽ một mình
tự trở thành xanh.
IX-21. Khi anh nói rằng
“lửa tự soi sáng,”
lửa này do tâm
thấy biết nói ra.
Nhưng khi nói rằng
“tâm tự soi sáng,”
thì biết lấy gì
thấy biết như vậy ?
IX-22. Đã không có gì
có thể thấy biết,
lại còn tranh cãi
xem tâm có tự
soi sáng hay không,
thật là vô nghĩa,
như xem dung mạo
đứa con của người
phụ nữ không con.
IX-23. Hỏi: “nếu tâm này
không thể tự biết,
làm sao có thể
nhớ tâm đã qua ?”
Thì cũng giống như
nọc độc chuột nước,
nhờ mối tương quan
với việc đã qua
mà nay nhớ lại.
IX-24. Hay anh nói rằng:
“tâm này có khi
có thể thấy được
[tâm của người khác]
lẽ nào không thể
tự thấy chính mình ?”
Mắt bôi thuốc thần,
tuy thấy bình báu
nhưng lại chẳng thể
thấy được thuốc bôi.
IX-25. Tâm vẫn thấy, nghe,
điều này đã hẳn,
không ai chối cãi.
Ở đây nói đến
vọng niệm chấp vào
tự tánh của tâm,
là gốc rễ của
vạn nỗi khổ đau,
đây mới là điều
cần phải phá bỏ.
IX-26. Các anh cho rằng:
“cảnh huyễn là tâm
và cũng chẳng thể
nói là không khác.”
Tâm nếu thật có
sao có thể khác ?
Nếu nói không khác,
thì không thật có.
IX-27. Cảnh hiện dù huyễn
vẫn có thể thấy.
Tâm cũng như vậy.
Các anh cho rằng:
“luân hồi phải dựa
trên điều thật có,
bằng không rỗng rang
như là hư không.”
IX-28. Đã không thật có,
làm sao có thể
dựa vào điều có
để thành thật có ?
Nói như các anh
thì tâm trở thành
hoàn toàn đơn độc,
chẳng có đối cảnh.
IX-29. Nếu như tâm này
đã không đối cảnh,
vậy thì ai ai
cũng đã là Phật,
cần gì phải nói
đến thuyết duy tâm !
IX-30. Hỏi: “cho dù biết
sự vật hư huyễn,
làm sao có thể
dứt bỏ nhiễm tâm ?
Thuật sĩ tạo ra
mỹ nhân tuyệt sắc,
biết là không thật
mà vẫn luyến thương.”
IX-31. Đó chỉ là vì
thuật sĩ chưa đoạn
tập khí phiền não
đối với sắc trần.
Thấy mỹ nhân ảo
mà lực huân tập
đối với tánh không
hãy còn quá yếu.
IX-32. Tuy vậy, chỉ cần
quen với tánh không,
từ từ dứt bỏ
thói quen chấp sắc.
Rồi khi quen với
“nhất thiết pháp không”
thì cả điều này
cũng sẽ từ bỏ.
IX-33. Nói “không” là vì
quán chiếu truy lùng,
thấy chẳng có gì
hiện ra trong tâm.
Chứ tánh “không” này
đâu thể tự mình
hiện ở trong tâm
như là thật có.
IX-34. Cả sắc và không
đều vắng trong tâm,
cũng chẳng hề có
trường hợp nào khác,
cho nên yên lắng
vào trong tịch tịnh.
IX-35. Như ngọc như ý,
như cây như nguyện,
toại tâm ý người
dù chẳng tác ý.
Phật trong quá khứ
nhờ phát đại nguyện,
nay hiện sắc thân
trước chúng đệ tử.
IX-36. Như kẻ dựng nên
đền kim sí điểu,
Người chết đã lâu
thế nhưng đền thần
vẫn đủ khả năng
chữa lành tà độc.
IX-37. Bồ tát cũng vậy,
nương hạnh bồ tát
dựng nên thân Phật,
rồi nhập niết bàn.
Nhập diệt đã lâu,
thế nhưng cũng vẫn
toàn thành nguyện ước
cho khắp chúng sinh.
IX-38. Hỏi: “nếu như Phật
vốn không tác ý,
làm sao cúng Phật
lại được công đức ?”
Là vì Phật dạy
cúng xá lợi Phật,
so với cúng Phật,
công đức bằng nhau.
IX-39. Kinh Phật nói rõ,
cho dù huyễn, thật,
kết quả như nhau,
cũng như công đức
cúng Phật thật có.
IX-40. Hỏi: “chứng diệu đế
là đủ giải thoát,
Cần gì phải chứng
tri kiến tánh không ?”
Vì kinh Phật nói
không có lối này
thì chẳng thể nào
đạt chánh đẳng giác.
IX-41. “Nhưng kinh đại thừa
chưa được minh xác.”
Thế kinh các anh,
minh xác cách nào ?
“Vì cả hai bên
đều nhận là đúng.”
Vậy thì đâu phải
minh xác từ đầu.
IX-42. Các anh nhờ đâu
khởi tín tiểu thừa,
tôi cũng y vậy
khởi tín đại thừa.
Nếu như chỉ cần
hai bên chấp nhận,
nói vậy vô lẽ
cả kinh Vệ đà
cũng được minh xác ?
IX-43. Hay là nói rằng:
“kinh điển đại thừa
không thể chấp nhận
vì gây nghi vấn.”
Nhưng mà ngoại đạo
nghi vấn kinh Phật,
ngay chính các anh
cùng nhiều người khác
cũng còn nghi vấn,
chẳng lẽ vất đi ?
IX-44. Tỷ kheo chân chính
là gốc chánh pháp,
nhưng muốn chân chính
thật khó muôn vàn.
Tâm còn đối cảnh
thì chẳng thể nào
đến bờ bên kia.
IX-45. Các anh cho rằng
“hễ phiền não đoạn
tức thì giải thoát.”
Thế nhưng cho dù
đoạn dứt phiền não,
nghiệp báo vẫn còn.
IX-46. Nói: “chỉ tạm thôi.
vì ái đã đoạn
nên chẳng thọ sinh.”
Ái dục phiền não
đúng thật đã đoạn,
thế nhưng ái dục
loại không phiền não
vẫn chưa thể đoạn
vì còn vô minh.
IX-47. Ái sinh từ thọ,
mà thọ vẫn còn.
Niệm vẫn sinh khởi.
Tâm vẫn chấp niệm.
IX-48. Tâm chưa chứng không
thì dù có đoạn
cũng chỉ tạm thời,
vẫn sẽ tái khởi,
tương tự như người
nhập định phi tưởng.
Vì vậy nhất định
phải quán tánh không.
IX-49. Kinh điển kiết tập
đều được nhìn nhận
chính là lời Phật,
vậy sao không nhận
giáo lý Đại thừa,
so với kinh điển
không hề mâu thuẫn.
IX-50. Vì một không thuận
mà bỏ tất cả,
đã vậy, sao chẳng
vì một thuận mà
nhận hết tất cả
đều là lời Phật ?
IX-51. Diệu pháp này đây
cả đức Ca Diếp
cũng chưa thể lường
mức độ thâm sâu.
Đâu thể chỉ vì
chính mình không hiểu
mà từ bỏ hết.
IX-52. Hết thảy ái, sân,
đều đã tự tại,
nhưng vẫn nán lại
trú ở luân hồi,
vì thương hữu tình
khổ trong vô minh:
đây chính là quả
tánh không mang đến.
IX-53. Sai lầm biết bao
nếu thấy tánh không
có gì không đúng.
Vậy hãy quét sạch
hết thảy hoài nghi
để mà quán không.
IX-54. Bóng tối trùng điệp
của phiền não chướng
cùng với trí chướng,
đều nhờ tánh không
mà quét sạch cả.
Ai người mong cầu
chóng thành chánh quả,
làm sao có thể
bỏ mất tánh không !
IX-55. Điều tạo khổ đau
mới là đáng sợ,
trong khi tánh không
là điều diệt khổ,
sao lại khiến ta
hoảng hốt âu lo ?
IX-56. Nếu “ngã” thật có,
thì sợ cũng đúng.
Thế nhưng “ngã” này
vốn chẳng hề có,
vậy nào có gì
để ai âu lo ?
IX-57. Răng, tóc hay móng
chẳng phải là ngã.
Ngã có phải đâu
là xương hay máu,
hay là đờm, giãi,
huyết trắng, mủ xanh.
IX-58. Ngã chẳng phải là
mỡ hay mồ hôi,
chẳng phải phổi, gan,
chẳng là nội tạng,
cũng chẳng phải là
phân hay nước tiểu.
IX-59. Thịt hay là da,
đâu phải là ngã.
Thân nhiệt, hơi thở,
cũng đâu phải ngã.
Lỗ trong thân thể
cũng không là ngã.
Sáu thức cũng vậy,
có phải ngã đâu.
IX-60. Nếu như nhĩ thức
vốn dĩ thường còn,
lẽ ra lúc nào
cũng tiếp âm thanh.
Đối cảnh không có,
nhận biết gì đây ?
Làm sao có thể
gọi đó là thức ?
IX-61. Nếu không cần tâm
cũng vẫn nhận biết,
vô lẽ khúc gỗ
cũng biết hay sao ?
Đối cảnh không có
thì thức cũng không.
IX-62. Các anh nói rằng
“thức này thấy sắc,”
vậy sao lúc ấy
chẳng còn nghe thanh ?
Hay là nói rằng:
“đã hết âm thanh ?”
Không có âm thanh
làm gì có thức.
IX-63. Vốn là nhĩ thức,
làm sao có thể
biến thành nhãn thức ?
Cho dù nói rằng:
“một người có thể
vừa cha, vừa con.”
Nhưng nói như vậy
chỉ là lập danh,
không phải tự tánh.
IX-64. Tương tự như vậy,
“khổ,” “trung tánh,” “lạc”
vốn không là cha,
cũng không là con.
Chưa hề tìm ra
có nhãn thức nào
lại thấy âm thanh.
IX-65. Các anh nói rằng:
“giống như diễn viên
sắm nhiều vai tuồng.”
Nếu vậy đâu thể
gọi là thường còn.
Trước sau bất nhất
mà gọi đồng nhất,
việc này đúng thật
chưa từng thấy qua !
IX-66. Các anh nói rằng:
“chỉ là tướng huyễn.”
Vậy xin giải thích
tánh thì ra sao ?
“Chỉ thuần là biết.”
Nói vậy vô lẽ
hết thảy chúng sinh
đều chỉ là một ?
IX-67. Sự vật có tâm
hay không có tâm,
lẽ nào giống nhau
vì đều hiện hữu.
Nếu tướng của tâm
hết thảy không thật,
thử hỏi còn gì
làm nền tảng chung ?
IX-68. Đã là vô tri
thì không phải ngã,
chỉ là món vật
giống như chiếc bình.
Nếu như cho rằng:
“phối hợp với thức
thì sẽ nhận biết,”
vậy thì đâu còn
là vật vô tri.
IX-69. Hơn nữa, nếu như
ngã vốn bất động,
vậy biết lấy gì
phối hợp với thức ?
Ngã mà như vậy,
thì cả hư không
ù lì vô tri
cũng gọi là ngã.
IX-70. Các anh cho rằng:
“ngã nếu không có,
thì chẳng có gì
nối nghiệp với quả.
Nếu không có ai
là người gieo nghiệp,
vậy biết lấy ai
làm người chịu quả ?”
IX-71. Cả anh và tôi
đều chấp nhận rằng
chủ thể của việc
gieo nghiệp, chịu quả
vốn không đồng nhất,
và cũng chấp nhận
ngã không tạo tác,
vậy còn tranh biện
ở chỗ nào đây ?
IX-72. “Nhân đồng với quả”
là điều không có
phải là cùng chung
một dòng tâm thức
mới có thể nói
đến việc gieo nhân
thì phải gặt quả.
IX-73. Tâm của quá khứ,
hay của tương lai,
đều không phải ngã,
vì đã không còn,
hay là chưa đến.
Nếu cho rằng ngã
là tâm hiện tại,
vậy khi tâm này
tan vào quá khứ,
ngã cũng tan theo.
IX-74. Cũng như thân chuối,
xẻ hết thân ra
chẳng tìm thấy lõi.
Tương tự như vậy,
quán chiếu tận cùng
vẫn không làm sao
tìm thấy được ngã.
IX-75. Hỏi: “nếu chúng sinh
đều chỉ là không,
vậy tâm từ bi
còn phát với ai ?”
Là vì chúng sinh
vô minh chấp ngã,
nên cần phát nguyện
cứu vớt khắp cả.
IX-76. Hỏi: “nếu chúng sinh
đều chỉ là không,
vậy ai là người
thành tựu Phật quả ?”
Đúng là như vậy.
Việc này chỉ do
vô minh thấy có !
Nhưng để diệt khổ,
thì Phật quả mà
vô minh thấy có,
chẳng thể quét đi.
IX-77. Khổ đau đến từ
tự tín chấp ngã,
lại được tăng bồi
bởi niệm vô minh.
Cho dù nghĩ rằng
chẳng thể nào khác,
nhưng quán vô ngã
vẫn là cao hơn.
IX-78. Điều gọi là “thân,”
chẳng phải chân, cẳng,
chẳng phải đùi, hông,
chẳng phải lưng, bụng,
cũng chẳng phải là
lồng ngực, cánh tay.
IX-79. Thân chẳng phải là
xương sườn, bàn tay,
chẳng phải là nách,
chẳng phải là vai,
chẳng là nội tạng,
ruột gan, đầu, cổ,
vậy thật ra thân
trú ở nơi nào ?
IX-80. Nếu thân trú ở
khắp mọi bộ phận,
mỗi bộ phận ứng
với một phần thân,
còn chính thân kia
trú ở chỗ nào ?
IX-81. Nếu nói rằng: “thân
đơn nhất, trọn vẹn,
nằm ở bàn tay,
ở từng bộ phận,”
vậy thì vô lẽ
bao nhiêu bộ phận
là bấy nhiêu thân ?
IX-82. Không ở bên trong,
chẳng ở bên ngoài,
làm sao đồng nhất
với từng bộ phận ?
cũng chẳng thể khác
với các bộ phận,
hỏi thân như vậy
làm sao thật có ?
IX-83. Thân chẳng hề có.
Chỉ vì vọng tâm
nhìn vào bàn tay
cùng các bộ phận
mà lại khởi niệm
thấy rằng có thân.
Cũng như nhìn đá
khéo chất thành đống
giả làm bù nhìn,
tưởng có người ta.
IX-84. Hội đủ nhân duyên
thì gã bù nhìn
thấy thành người ta.
Hội đủ bộ phận
thì từ nơi đó
hiện ra thân người.
IX-85. Tương tự như vậy,
bàn tay chỉ là
tổ hợp các ngón
chứ nào tự có;
ngón tay cũng vậy,
do đốt hợp thành;
cả đốt tay cũng
gồm nhiều bộ phận.
IX-86. Mỗi bộ phận này
gồm nhiều phân tử.
Phân tử bao gồm
thành phần phương hướng.
Mỗi thành phần này
chẳng đâu tìm thấy
mẩu bất khả phân,
giống như không gian,
cho nên phân tử
cũng không tự tánh.
IX-87. Sắc thể, vì thế,
đều như huyễn mộng.
Đã thấy vậy rồi
luyến ái ai đây ?
Thân đã không có
thì còn nói gì
đến là thân nữ
hay là thân nam ?
IX-88. Khổ, nếu thật có,
tại sao lại chẳng
choáng hết niềm vui ?
Vui, nếu thật có,
tại sao món ngon
lại chẳng mang vui
cho người thoi thóp ?
IX-89. Nếu như nói rằng:
“cảm thọ tuy có
nhưng bị che khuất
bởi điều mạnh hơn.”
Đã không cảm được,
làm sao có thể
gọi là cảm thọ ?
IX-90. Hay là nói rằng:
“vi tế vẫn còn,
nhưng khổ thô lậu
đã bị lấn át:
tuy thấy là vui
nhưng trong vi tế
vẫn đang là khổ.”
IX-91. Đã nói: “vì có
yếu tố đối nghịch
mà khổ không hiện,”
đó chẳng phải là
nói rằng cảm thọ
vốn chỉ do tâm
lập danh mà có ?
IX-92. Vì lý lẽ này
mà gọi thiền quán
là pháp đối trị.
Định sinh từ quán,
đây là thức ăn
nuôi dưỡng hành giả.
IX-93. Giữa căn với trần,
nếu có khoảng cách,
làm sao tiếp xúc ?
Nếu không khoảng cách
thì đã là một,
biết lấy cái gì
tiếp xúc gì đây ?
IX-94. Phân tử không gian
vì không khối lượng
nên chẳng thể nào
nhập vào trong nhau.
Đã không thể nhập
thì không thể hòa.
Đã không thể hòa,
chẳng thể tiếp xúc.
IX-95. Có ai lại nói
vật vô thành phần
mà lại có thể
tiếp xúc với nhau.
Ở đâu thấy được
sự tiếp xúc này,
xin hãy vui lòng
chỉ cho tôi thấy !
IX-96. Chẳng thể nói rằng
tâm phi vật thể
mà lại có thể
chạm vào cái tâm.
Ngay cả tổ hợp
cũng không thể có
như là trước đây
đã từng nói rõ.
IX-97. Xúc này từ đầu
vốn đã không có,
vậy thì thọ này
từ đâu sinh ra ?
Thử hỏi có gì
để dày vò ai ?
Việc gì ta phải
lao đao như vậy !
IX-98. Vốn chẳng có ai
là người cảm thọ.
Chính cảm thọ này
cũng không tự có.
Đã thấy vậy rồi
thì ái và thủ,
cách gì lại chẳng
quay đầu rút lui.
IX-99. Điều thấy trước mắt,
nắm ở trong tay,
hết thảy đều như
là cơn mộng huyễn.
Nếu thọ và tâm
đến cùng một lúc,
thì tâm đã chẳng
tiếp được thọ này.
IX-100. Nếu cái này trước,
cái kia đến sau,
vậy chỉ còn là
kinh nghiệm nhớ lại.
Thọ cũng chẳng thể
tự tiếp chính mình;
cũng chẳng gì khác
có thể tiếp thọ.
IX-101. Chủ thể cảm thọ
vốn không thật có,
nên thọ này cũng
không có tự tánh.
Vậy thì cảm thọ
làm sao có thể
gây tổn hại cho
khối vô ngã này ?
IX-102. Tâm không trú ở
bên trong các căn;
cũng không trú ở
sắc trần bên ngoài;
tâm cũng không hề
trú ở chính giữa:
không trong, không ngoài,
không nơi nào khác.
IX-103. Không ở nơi thân,
cũng không tách lìa.
Không là đồng nhất,
cũng không dị biệt.
Tâm dù mảy may
cũng không thật có:
chúng sinh vốn dĩ
nằm ngoài cảnh khổ.
IX-104. Nếu như tâm thức
đi trước sắc trần,
vậy thì lấy gì
để sinh ra thức ?
Nếu thức và trần
đồng loạt với nhau,
vậy thì lấy gì
để sinh ra thức ?
IX-105. Nếu thức sau trần,
thì cũng vậy thôi,
chẳng biết lấy gì
để sinh ra thức.
Cho nên vạn pháp
từ đâu sinh ra,
là điều vượt ngoài
khả năng nhận biết.
IX-106. Hỏi: “nói vậy thì
còn gì tục đế ?
Tục đế đã không,
nhị đế làm sao ?
Hơn nữa tục đế
nếu đến từ tâm,
làm sao có thể
đạt được niết bàn !”
IX-107. Thật ra chỉ là
vọng cảnh nơi người
nào có phải là
tục đế tâm ta ?
niệm còn nối niệm,
tục đế còn hiện,
bằng không tục đế
đương nhiên không còn.
IX-108. Chủ thể, đối tượng
tùy thuộc lẫn nhau
nên vẫn có thể
dựa lẽ qui ước
để nói đến sự
quán chiếu, tầm tư.
IX-109. Hỏi: “vậy phải lấy
sự tầm tư này
để mà quán chiếu,
rồi lại quán chiếu
sự quán chiếu này,
cứ làm như vậy
có bao giờ xong.”
IX-110. Nếu biết đúng cách
quán chiếu sự vật,
thì có còn gì
để mà quán chiếu.
Đối tượng đã vắng,
nên chủ thể tan,
đó mới chính là
niết bàn chân thật.
IX-111. Ai người nói rằng
hai bên đều thật,
sẽ khó bảo vệ
cho luận kiến này.
Nếu dùng tâm thức
xác định sự vật,
vậy biết lấy gì
xác định tâm thức ?
IX-112. Nếu dùng đối cảnh
xác định tâm thức,
vậy biết lấy gì
xác định đối cảnh ?
Nếu nói hai bên
tùy thuộc lẫn nhau,
thì sao còn gọi
là có tự tánh ?
IX-113. Nếu không có con
đâu thể có cha,
vậy đứa con này
từ đâu mà có ?
Làm gì có cha,
nếu không có con,
nên cả hai bên
không thể thật có.
IX-114. Hay là nói rằng:
“cây đến từ hạt,
chỉ cần nhìn cây
là biết có hạt.
Thức đến từ cảnh,
sao lại không thể
nhìn vào nơi thức
biết cảnh thật có ?”
IX-115. Việc này không thể.
Nếu muốn nhìn cây
để biết có hạt,
phải do tâm thức,
khác với cây này,
suy ra như vậy.
Nay biết lấy gì
nhìn thức tiếp cảnh
để suy ra rằng
thức này thật có ?
IX-116. Lẽ thường cho thấy
sự việc trong đời
đều là có nhân.
Hoa sen nhiều cánh
đều sinh ra từ
nhiều nhân phối hợp.
IX-117. Hỏi: “vậy nhân này
từ đâu mà có ?”
Từ nhân đi trước.
Lại hỏi: “nhân này
sao sinh quả kia ?”
Là vì tùy thuộc
vào nhân đi trước.
IX-118. Tin rằng Thượng đế
sinh ra hữu tình,
vậy xin nói rõ
Thượng đế là gì ?
Nếu nói chỉ là
thành phần thiên nhiên,
thì thôi, cần gì
phí công tranh cãi !
IX-119. Tuy nhiên, đất cùng
các thành phần khác
vốn không đơn nhất,
sinh diệt, ù lì,
chẳng phải thần thánh,
vật dẫm dưới chân,
dơ bẩn bất tịnh,
sao lại có thể
cho là Thượng đế ?
IX-120. Không gian vô năng
chẳng phải Thượng đế.
Ngã cũng không phải,
điều này đã rõ.
Nói rằng: “Thượng đế
ngoài tầm thấy, biết ?”
Vậy bảo rằng “có”
là dựa vào đâu ?
IX-121. Thượng đế thật ra
muốn tạo những gì ?
Hay là Thượng đế
tạo sinh ra ngã
và các thành phần ?
Các anh chẳng nói
ngã và các đại
cũng là thường còn
giống như Thượng đế ?
Tâm thức là từ
đối cảnh sinh ra.
IX-122. Kể từ vô thủy
sướng khổ đều do
nơi nghiệp mà có.
Thử hỏi Thượng đế
sinh được những gì ?
Nhân không khởi thủy,
thì quả chẳng thể
có điểm bắt đầu.
IX-123. Thượng đế nếu không
tùy thuộc gì cả,
tại sao vạn vật
chẳng đồng loạt sinh ?
Không một thứ gì
Thượng đế không tạo,
vậy còn gì để
Thượng đế tùy vào ?
IX-124. Nếu nói Thượng Đế
tùy thuộc thứ khác,
vậy thì vạn vật
sinh từ nhân duyên,
đâu phải Thượng đế.
Hội đủ nhân duyên
thì Thượng đế tạo,
không đủ thì thôi,
không thể tạo sinh.
IX-125. Nếu nói: “Thượng đế
không khởi ý muốn
nhưng vẫn tạo sinh,”
vậy là tùy thuộc
vào quyền năng khác.
Còn nếu nói rằng:
“do muốn mà tạo,”
vậy chịu chi phối
của lòng ham muốn,
thử hỏi Thượng đế
vạn năng chỗ nào ?
IX-126. Riêng về tri kiến
phân tử thường còn [Mimamsaka theory]
đã được phá bỏ
ở phần trước đây.
Số Luận thì nói [Samkyas]
vạn vật sinh từ
vật thể nguyên thủy
IX-127. Cái được gọi là
“vui,” “khổ,” “trung tánh”[2]
ở thế quân bình,
thì được gọi là
vật thể nguyên thủy;
khi mất quân bình,
thì sinh vạn vật.
IX-128. Đã là đơn nhất
mà lại có ba,
là điều không có.
Cho nên ba tánh
không thể hiện hữu,
mỗi tánh lại phải
bao gồm cả ba.
IX-129. Ba tánh đã không,
vậy thì âm thanh
hãy còn rất xa !
Những vật vô tri
như là mảnh vải,
chẳng thể là nơi
chứa được niềm “vui.”
IX-130. Nếu như nói rằng:
“những vật như vải
mang tánh của nhân.”
Trước đây đã chẳng
quán “vật” rồi sao ?
Các anh cho rằng:
“sự vật là do
“vui” và đại loại
làm nhân mà có.”
Vải có bao giờ
từ vui sinh ra !
IX-131. Đúng ra phải nói:
“vui” đến từ “vải.”
Vải đã không có,
thì “vui” cũng không.
“Vui” và đại loại
mà gọi thường còn,
đây thật là điều
chưa từng thấy qua !
IX-132. Nếu “vui” thường còn,
tại sao lại chẳng
liên tục thấy “vui” ?
Hay là nói rằng
““vui” có khi về
dưới dạng vi tế.”
Làm sao có thể
vừa tế, vừa thô ?
IX-133. Hay là nói rằng:
“hết thô lại tế.”
Vậy thô và tế,
không phải thường còn,
đã vậy sao chẳng
nói thẳng mọi sự
đều là vô thường ?
IX-134. Các anh còn nói:
““thô” chính là “vui.””
Rõ ràng khẳng định
“vui” cũng vô thường.
Nếu như nói rằng:
“đã không hiện hữu,
thì không khởi hiện,
vì chưa từng có.”
IX-135. Dù đã phủ định
“việc chưa từng có
chẳng thể phát sinh,”
nay các anh lại
khẳng định điều này.
Nói quả và nhân
đồng loạt hiện hành,
không lẽ ăn cơm
cũng là ăn phân ?
IX-136. Đã vậy cần gì
phí tiền mua vải,
mua nắm hạt gòn
chẳng tốt hơn sao ?
Nói: “vì kẻ phàm
u mê chẳng thấy,
phải do bậc trí
dạy lại điều này.”
IX-137. Nhưng mà trí này
kẻ phàm cũng có,
sao họ không thấy ?
Nếu như nói rằng:
“cái thấy kẻ phàm
không thể tin nhận.”
Nói vậy, đối cảnh
mà kẻ phàm thấy
cũng là hư vọng.
IX-138. Hỏi: “nếu nhận thức
đã không giá trị,
vậy thì đối cảnh
chẳng phải đều là
hư vọng hết sao ?
Vậy quán tánh không
thật là vô lý !”
IX-139. Nhưng mà thật ra
nếu như đã thấy
đối cảnh là không,
thì biết tánh không
của đối cảnh kia
chẳng thể chấp vào.
Đối cảnh hư vọng,
bất kể loại nào,
tánh không của nó
cũng là hư vọng.
IX-140. Như trong giấc mộng
thấy con mình chết,
ý tưởng “đã chết”
thay thế vào cho
ý tưởng “còn sống,”
mặc dù cả hai
đều là hư vọng.
IX-141. Vì vậy sau khi
quán chiếu tận tường,
biết chẳng có gì
là không có nhân, [vô nhân sinh]
cũng không có gì
cùng ở trong nhân,
dù là riêng lẽ [tự sinh]
hay là tổ hợp, [cộng sinh]
IX-142. cũng không có gì
sinh từ nơi khác. [tha sinh]
Không từng ở lại
cũng chẳng từng đi,
vọng tâm nhìn vào
cho rằng thật có.
sự vật như vậy
xét cho rốt ráo
khác gì ảo ảnh ?
IX-143. Cảnh tượng hư ảo
thuật sĩ tạo ra
Hay là cảnh ảo
do nhân duyên tạo
biết sinh từ đâu ?
biết diệt về đâu ?
đây là điều nên
quán chiếu tận tường.
IX-144. Đủ duyên thì sinh,
bằng không chẳng có.
Không chút tự tánh,
như ảnh trong gương.
Làm sao có thể
thật có cho được.
IX-145. Nếu đã thật có,
đâu cần đến nhân ?
Nhưng cần gì nhân
nếu không thật có ?
IX-146. Cho dù hội tụ
cả vạn ức nhân,
cũng không biến đổi
được vật không có.
Đã không hiện hữu
thì biết lấy gì
trở thành hiện hữu ?
Trở thành gì đây ?
IX-147. Nếu đã là “không,”
lấy gì thành “có” ?
Thành “có” như vậy
là từ bao giờ ?
Nếu “có” không đến
thì “không” chẳng đi.
IX-148. “không” này không đi
“có” làm sao đến ?
Vật “có hiện hữu”
thì chẳng thể nào
thành “không hiện hữu,”
bằng không hai tánh
chẳng lẽ hiện hành.
IX-149. Vì vậy mà nói
vạn pháp vô sinh,
và cũng nói là
vạn pháp vô diệt.
Hết thảy hữu tình
không hề sinh ra,
cũng không mất đi.
IX-150. Chúng sinh hữu tình
tựa như giấc mơ,
quán chiếu truy tìm
chỉ như thân chuối.
Nói cho rốt ráo,
luân hồi, niết bàn,
chẳng thể phân biệt.
IX-151. Sự vật như vậy
vốn đã là không,
thì đâu có gì
để mà được, mất ?
Có ai ở đó
hưởng vinh, chịu nhục,
cũng nào có ai
khen ngợi, chê bai.
IX-152. Sướng khổ này đây,
từ đâu mà đến ?
Có gì để phải
mừng rỡ, đớn đau ?
Xét cho rốt ráo
thì nào có ai
là người tham luyến ?
tham luyến gì đây ?
IX-153. Quán chiếu đời sống
của chúng hữu tình,
thấy đâu có ai
là người đã mất ?
cũng chẳng có gì
sẽ đến, đã qua,
nào có ai là
thân nhân, bằng hữu ?
IX-154. Mong người như tôi
có thể hiểu rằng
hết thảy mọi sự
như là hư không.
Nhưng người thế gian
lại thích tìm cầu
hạnh phúc an lạc
bằng sự níu, đẩy.
IX-155. Khi thì hoảng loạn
lúc lại mừng vui,
khốn khổ bức bách,
đấu đá, cạnh tranh,
đâm chém lẫn nhau,
chửi rủa, thóa mạ,
sống trong tội ác
ngụp lặn đắm chìm.
IX-156. Thỉnh thoảng có khi
trồi lên cõi thiện,
buông thả mình trong
khoái lạc an vui,
để rồi chết đi,
đọa rơi cõi dữ,
chịu khổ cùng cực
đăng đẳng triền miên.
IX-157. Cõi thế gian này
biết bao vực thẳm !
Nơi này chẳng thể
tìm thấy tánh như.
Luôn là mâu thuẫn,
luôn là từ khước,
tánh như vạn pháp
có thế bao giờ.
IX-158. Ở đây biển khổ
rộng không bến bờ,
không có lời nào
nói cho hết được.
Ở đây sức yếu,
mạng sống phù du,
IX-159. đổ dồn tâm sức
băn khoăn gìn giữ
mạng sống, sức khỏe,
cho khỏi đói, mệt.
Phí hết thời gian,
để mà ngủ nghỉ,
để mà phiền muộn,
để mà giao du
với kẻ ấu trĩ.
IX-160. Đời sống vô nghĩa
thấm thoát trôi qua.
Trí tuệ phải đâu
dễ dàng có được !
Thử hỏi cách gì
tìm ra phương cách
để đoạn tán tâm ?
IX-161. Đã vậy còn thêm
biết bao tà ma
sẵn sàng đẩy ta
sa vào địa ngục ;
còn bao đường đi
dối láo hư ngụy ;
còn tâm hoài nghi
rất khó dẹp bỏ.
IX-162. Thân người tự tại
khó lòng tìm lại ;
bổn sư xuất thế
lại càng khó hơn ;
càng hiếm biết bao
đoạn dòng phiền não.
Than ôi, cứ thế
chịu khổ đau hoài.
IX-163. Đớn đau cùng cực,
ngụp lặn dòng đời,
biển khổ mù khơi,
trầm luân đuối ngạt.
Vậy mà khổ mình
lại không tự thấy.
Ôi chúng hữu tình,
thật đáng thương thay !
IX-164. Cũng như có người
tắm rồi lại tắm,
để rồi liên tục
lửa nóng xông vào,
cứ vậy mà chịu
đớn đau khốn khổ,
nhưng lại tưởng là
khoái lạc an vui.
IX-165. Có người lại sống
như thể sẽ không
bao giờ già, chết,
để rồi, trước tiên,
mất đi mạng sống,
tiếp theo rơi đọa
ác đạo hãi hùng.
IX-166. Bao giờ tôi mới
có thể dập tắt
ngọn lửa khổ đau
thiêu bỏng chốn này
bằng trận mưa to
của niềm hỉ lạc,
dào dạt xuống từ
biển mây công đức ?
IX-167. Kho tàng công đức
tôi đã tích lũy
với trọn lòng thành,
tâm không niệm khởi,
bao giờ tôi mới
vén được tánh không
cho khắp những ai
vì chấp niệm khởi
mà khổ trầm luân
trong biển luân hồi.
/ HẾT CHƯƠNG 9 /
Ghi chú chương 9:
[1] Trích Luận giải của ngài Kunzang Pelden: “Điểm then chốt ở đây là nếu đã cho rằng tâm có tự tánh dị biệt và đơn nhất, vậy tâm này vốn không thể phân hai để có thể vừa là đối tượng vừa là chủ thể nhìn thấy đối tượng ấy.” Điều nói ở đây không ứng với cái tâm duyên sinh giả danh.
[2] sattva, rajas, và tamas. Là ba tánh theo thuyết Số Luận.