SỔ TAY QUI Y

Xin lưu ý Sổ Tay Học Trò là do học trò thực hiện, dựa theo sức hiểu ở thời điểm ấy, không phải chính xác nội dung lời Thầy giảng.
Xin nghe nội dung bài giảng ở đây: < nghe giảng Tạng – Anh – Việt >


 

SỔ TAY HỌC TRÒ – QUI Y PHẬT PHÁP TĂNG (2)
LÀM SAO QUI Y?

Bài giảng 3 phần sau &4 của thầy Geshe Thubten Dawa,
ngày 8 tháng 03 năm 2008
tại Tashi Choling Institute, Sydney Australia

Trong Sổ Tay Qui Y 1,  chúng ta đã biết Phật Pháp và Tăng là gì, có những phẩm chất đặc biệt như thế nào, để hiểu rõ nơi chốn mình về qui y là nơi nào. Tuy đếm ra thì Phật có 8 phẩm chất, Pháp và Tăng cũng vậy, nhưng đây chỉ là trình bày cho dễ hiểu. Thật ra phẩm chất của Phật Pháp Tăng nhiều vô hạn, không thể đếm kể.

Biết Phật Pháp Tăng đặc biệt như vậy, muốn qui y thì phải làm sao? Làm cách nào để có được tâm qui y Tam Bảo?

Nhân tố phát khởi tâm qui y:

Muốn khởi tâm qui y, chúng ta cần hội tụ đầy đủ nhân tố. Nhân đủ thì quả sẽ phát sinh.

Vậy nhân nào sinh tâm qui y? Nhân này có hai:

– sợ khổ sinh tử, đặc biệt là khổ đau ba cõi ác đạo: địa ngục, ngạ quỹ và súc sinh;
– tin tưởng Tam bảo có khả năng giúp ta thoát khổ.

Một khi có đủ hai nhân này, tâm qui y sẽ phát sinh.

Không sợ khổ sinh tử thì chẳng lý do gì để qui y.
Sợ khổ nhưng không tin nơi Tam bảo thì không có nhu cầu muốn qui y.

Vậy khi thọ Tam qui chúng ta phải ý thức rõ là mình qui y những gì, vì lý do gì mà qui y. Trong tâm khởi chí nguyện mạnh mẽ, rằng từ nay cho đến khi chết sẽ luôn về nương dựa nơi Tam bảo. Qui y rồi hãy nên tận sức giữ gìn, đừng bao giờ để mất tâm qui y.

Ba mức độ qui y

Ba mức độ này ứng với ba loại tâm nguyện của Phật tử khi qui y

  1. Vì sợ bản thân phải chịu khổ ba cõi ác đạo mà qui y, đây là tâm qui y của bậc sơ căn [tu vì cầu thoát khổ ác đạo].
  2. Vì sợ bản thân phải chịu khổ sáu cõi sinh tử mà qui y, đây là tâm qui y của bậc trung căn [tu vì cầu thoát khổ sinh tử luân hồi].
  3. Vì biết chán sợ cảnh khổ sinh tử luân hồi, vì mong chính mình và chúng sinh không một ai phải chịu khổ sinh tử luân hồi mà qui y, đây là tâm qui y của bậc thượng căn [tu vì cầu chính mình cùng chúng sinh thoát khổ sinh tử luân hồi].

Vì vậy mà nói rằng Phật Pháp Tăng là nơi chốn nương dựa của những ai mong cầu giải thoát.

Phật Pháp Tăng trong cảnh Tục Đế

Phật: chốn qui y căn bản,

Phật là bậc đã thành tựu được cả hai mục tiêu tự lợi lợi tha và cũng là bậc đã xả bỏ mọi chướng ngại, viên mãn mọi tánh đức. Phật như vậy có bốn thân: hai pháp thân và hai sắc thân.

Sắc thân [Rupakaya] là thân có sắc tướng, còn được gọi là đức Phật qui ước quí hiếm [thân Phật trong Tục Đế, cảnh giới huyễn hiện]. Sắc thân có hai loại:

– Thọ dụng thân, còn gọi là Báo thân
– Biến hóa thân, còn gọi là hóa thân, hay ứng hóa thân.

Pháp thân [Dharmakaya]: là Phật cứu cánh quí hiếm [thân Phật trong Chân Đế, cảnh giới cứu cánh]. Pháp thân cũng có hai loại

– Tự tánh thân [svabhavakaya].
– Trí pháp thân [jnana-dharma-kaya]

Pháp:

là diệt đế và đạo đế, chân lý giải thoát trong tâm của bậc giác ngộ,

Bồ tát khi bước vào giai đoạn gọi là “không còn chướng ngại”, chướng ngại nhiễm tâm sạch hết, lúc đó trực chứng tánh không, đạt được diệt đế trong kiến đạo.

Tăng:

là người mang tâm hướng về thiện hạnh thiện đức, là bậc thượng nhân hướng về thượng pháp. Tăng bảo chân thật bao gồm 8 phẩm chất – có 4 phẩm chất thành tựu và 4 phẩm chất giải thoát – đều là bậc thánh tăng [xem sổ tay 1].

Một vị thánh tăng là hiện thân của Tăng bảo. Các vị xuất gia thọ cụ túc giới [tỷ kheo, tỷ kheo ni], dù chỉ là thường tăng, chưa chứng ngộ, nhưng nếu có bốn vị hợp lại thì cũng là Tăng bảo. Cúng dường Tăng đoàn bốn vị thường tăng cũng được công đức ngang bằng với cúng dường thánh tăng.

Giá trị của Tam Bảo

– Gọi Phật bảo là nơi qui y căn bản, vì nhờ có Phật chúng ta mới biết được phương pháp và lối đi trên con đường giải thoát, cũng nhờ Phật hướng dẫn mới biết để mà về qui y Tam bảo.

– Gọi Pháp bảo là nơi qui y thật sự, vì Pháp chính là diệt đế và đạo đế trong tâm. Tâm nào có được diệt đế và đạo đế thì tâm ấy chuyển từ tâm chúng sinh thành tâm Phật.

– Gọi Tăng bảo là thiện tri thức, vì Tăng là bạn đồng hành, cùng chúng ta bước trên con đường qui y, thành tựu đạo quả. Dù đức Phật không còn tại thế, nhưng vẫn còn Tăng, tiếp tục hoằng dương Phật Pháp.

Tam bảo như vậy, có cần phải qui y cả ba?

Nếu cầu giải thoát khổ đau lục đạo luân hồi, nhất định phải nương dựa cả ba. Ví như người bệnh nan y, cần thầy thuốc giỏi định bệnh ra toa, cần thuốc hay để trị bệnh, lại cần người chăm sóc tận tụy, mới hy vọng khỏi.

Nếu chỉ để giải quyết một vài vấn đề lặt vặt, đôi ba chướng ngại nhỏ, chúng ta không cần phương tiện lớn, cũng như bệnh nhẹ không cần thầy giỏi, thuốc hay, tự chăm sóc có khi cũng khỏi. Nhưng ở đây chúng ta đang nói đến chứng bệnh sinh tử luân hồi, vấn đề vĩ đại đến từ những chướng ngại lớn lao, vì vậy nhất định Phật Pháp và Tăng phải nương dựa đầy đủ cả ba.

Một khi có được tâm qui y Tam bảo, dù là tâm qui y của bậc sơ căn, hãy dựa vào tâm đó để sám hối, thanh tịnh nghiệp đọa sinh ác đạo. Nghiệp đã thanh tịnh rồi thì cho dù có muốn cũng không thể nào đọa ác đạo.

Phật là nơi qui y căn bản, rất khéo léo phương tiện hộ trì cho chúng ta thoát mọi vấn đề. Không những vậy, Phật còn có tâm đại bi không phân biệt xa gần, bao trùm cùng khắp, vì vậy bất kể là ai, Phật đều hộ trì không phân biệt.

image_pdfimage_print