- Tam Bảo là gì?
- Làm sao Qui Y?
- Qui y rồi làm gì?
Xin lưu ý Sổ Tay Học Trò là do học trò thực hiện, dựa theo sức hiểu ở thời điểm ấy, không phải chính xác nội dung lời Thầy giảng.
Xin nghe nội dung bài giảng ở đây: < nghe giảng Tạng – Anh – Việt >
SỔ TAY HỌC TRÒ – QUI Y PHẬT PHÁP TĂNG (3)
QUI Y RỒI LÀM GÌ?
Bài giảng 5 của thầy Geshe Thubten Dawa,
ngày 15 tháng 03 năm 2008
tại Tashi Choling Institute, Sydney Australia
Như đã xem qua, chúng ta nhờ vào hai nhân tố: 1/ sợ khổ đau và 2/ tin Tam bảo, nhờ đó có được tâm qui y.
Một khi qui y rồi chúng ta phải làm gì?
Công phu qui y là nền tảng của mọi pháp tu, nên mọi pháp hành đều bắt đầu bằng qui y. Vì là công phu căn bản nên đi đâu cũng gặp, dễ khiến chúng ta sinh tâm ỷ y, nghĩ rằng mình đã biết đã hiểu. Thật ra qui y là nương dựa những gì, qui y rồi phải làm gì, những điều này nếu không bỏ công tìm hiểu sẽ không thể biết rõ. Nếu không biết rõ thì tâm qui y sẽ không thuần tịnh.
Qui y những gì
Qui y là nương dựa vào Phật Pháp và Tăng.
Phật là bậc chỉ đường, là nơi qui y căn bản.
Pháp là điều đưa chúng ta đạt mục tiêu, là nơi qui y thật sự.
Tăng là thiện tri thức, là bạn đồng hành, giúp chúng ta tiến trên đường giác ngộ.
Qui y rồi phải làm gì: Phải tu theo Pháp
Một khi qui y rồi, phải hành trì Phật Pháp. Công phu hành trì bao gồm hai mặt:
- bỏ hết những gì cần phải bỏ,
- làm hết những gì cần phải làm.
Điều cần bỏ
Khổ đau là điều không ai muốn, vì vậy khổ là điều cần từ bỏ, và cả nguyên nhân tạo khổ cũng cần phải bỏ hết. Nói cách khác, khổ đế và tập đế là điều cần tận diệt.
Điều cần làm
Vì khổ đau là điều phải diệt, cho nên diệt khổ chính là điều phải làm. Diệt khổ bằng cách nào? Bằng con đường diệt khổ. Vậy diệt đế vào đạo đế là điều cần thực hiện.
Đây chính là Tứ Đế. Khổ và tập là hai điều cần từ bỏ, Diệt và đạo là hai điều cần thực hiện. Vậy qui y rồi thì phải tu tập hành trì Tứ đế cho thật tận tường.
Tu Tứ Đế
Vì nhận diện được khổ [khổ đế], nên không muốn khổ. Không muốn khổ thì phải biết vì sao mà có khổ [tập đế]. Có hai nguyên nhân tạo ra quả khổ, đó là nghiệp và phiền não. Nghiệp có thiện nghiệp và ác nghiệp. Phiền não có nhiều loại, quan trọng nhất là vô minh, còn gọi là si. Vì si nên phát sinh tham và sân. Rồi từ tham sân si này mà phát sinh đủ loại sắc thái phiền não khác.
Nghiệp và phiền não như vậy có thể bỏ được hay không? Khẳng định là được
Bằng cách nào? Bằng đạo đế.
Vậy đạo đế là gì?
Đạo đế có thể nói là tâm thật thuần tịnh, thấy rõ cảnh giới cứu cánh và cảnh giới qui ước (chân đế và tục đế), là tâm thấy được chân tánh của thực tại, thấy tất cả chính xác đúng như sự thật. Tâm này hoàn toàn trong và sáng [tịnh, chiếu], siêu thoát mọi phiền não nhiễm tâm. Người tu khi vào tới kiến đạo thì có thể bắt đầu trực tiếp thấy được chân tánh của tâm,. Rồi khi từ kiến đạo mà bước qua tu tập đạo sẽ có khả năng lần lượt diệt bỏ những điều cần bỏ. Từ địa bồ tát thứ nhất ở tu tập đạo thì bắt đầu diệt bỏ từng phần phiền não chướng [chướng ngại đến từ phiền não],đến địa bồ tát thứ 7 thì tận diệt. Từ địa bồ tát thứ 8 là bắt đầu diệt bỏ từng phần trí chướng [chướng ngại ngăn che trí toàn giác, còn gọi là sở tri chướng], đến hết địa bồ tát thứ 10 thì tận diệt cả loại trí chướng vi tế nhất, thoát mọi chướng ngại, hiển lộ tâm Phật.
Có thể nói Phật giáo là tôn giáo duy nhất lấy tứ đế làm nền tảng.
Không có pháp tu nào trong Phật giáo mà không thuộc về tứ đế. Đạo đế là tâm thấy tánh không, thấy được chính xác đúng như sự thật. Vì vậy cần phải luyện tâm. Cho dù đã vào kiến đạo, bắt đầu có được cái thấy đúng như sự thật rồi, cũng vẫn phải tiếp tục luyện tâm cho đến khi thành tựu quả vị Phật.
Nói thêm về qui y Phật trong Đại thừa
Khi mới qui y, chúng ta lấy tâm qui y làm nhân tố tu hành, mang tâm hướng Phật, thỉnh Phật, nương dựa nơi Phật, là bậc có khả năng che chở. Tin tưởng Phật thì dễ có được tín tâm nơi lời Phật dạy, kiên trì tu theo lời hướng dẫn của Phật. Đến khi thành tựu thì tâm quí vị đồng với tâm của Phật, vì vậy qui y cũng là qui y nơi thành quả mà chúng ta sau này sẽ tự mình đạt đến.
Nói thêm về qui y Pháp trong Đại thừa
Trước tiên, đức Phật dạy về tứ đế. Nói đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là sự tận diệt của khổ, và đây là con đường diệt khổ [khổ, tập, diệt, đạo]. Khổ và tập là hai điều cần bỏ, và diệt và đạo là hai điều cần theo. Toàn bộ Phật Pháp được xây dựng trên nền tảng của Tứ Đế, tất cả mọi tông phái trong Phật giáo đều chấp nhận Tứ Đế.
Sau đó, đức Phật ở Drepung [heap of rice] đã truyền mật pháp Kalachakra. Đồng thời, đức Phật cũng giảng về tánh không bát nhã. Trước đó Phật đã dạy về vô ngã, nhưng chỉ nói đến nhân vô ngã [vô ngã của bản thân con người], chưa nói đến pháp vô ngã [vô ngã của thế giới hiện tượng]. Phải đến khi thuyết về không bát nhã thì Phật mới giảng trọn vẹn ý nghĩa của vô ngã. Nếu chưa thấy được chân tánh của thực tại thì chưa thể đạt giác ngộ. Vì vậy chứng tánh không bát nhã, là điều không thể thiếu.
Tuần tự đường tu
[nhắc lại năm chứng đạo: 1. tích lũy đạo, 2. gia hành đạo, 3. kiến đạo, 4. tu tập đạo, 5. vô học đạo.]
1. Tích lũy đạo [path of accumulation]:
Khởi phát tâm bồ đề là khởi bước vào đường tu đại thừa, nhập tích lũy đạo. Đây là chứng đạo đầu tiên. Gọi là “tích lũy”, vì muốn chứng không bát nhã, người tu cần lượng công đức và trí tuệ nhiều vô lượng, vì vậy trong tích lũy đạo người tu cần tích tụ vô lượng công đức nhờ phát tâm bồ đề và hành bồ tát hạnh. Tất cả đều là hướng về chứng ngộ không bát nhã.
2. Gia hành đạo [path of preparation]:
Trong khi tích lũy công đức trí tuệ nhờ phát tâm bồ đề và hành bồ tát hạnh, người tu song tu chỉ quán về tánh không. Đến thời điểm thành tựu được chỉ quán hợp nhất, thì bước qua chứng đạo thứ nhì, đó là gia hành đạo. Trong giai đoạn này, người tu coi như đã được nối liền vơi kiến đạo.
Gia hành đạo có bốn lớp: nhiệt [heat], nhẫn [patience], pic [chót điểm], diệu pháp [excellent Dharma]. Vào đến mức thứ 4 thì hành giả đã gần sát với kiến đạo. Trong một thời tọa thiền, tâm hành giả chuyển từ gia hành đạo vào kiến đạo.
3. Kiến đạo [path of seeing]:
Vào kiến đạo người tu nhập địa bồ tát thứ nhất. Ở thời gian đầu người tu vẫn chưa phá được tâm chấp hiện hữu có tự tánh. Đến giai đoạn được gọi là ‘không còn chướng ngại” [no more obstacle], người tu bước qua “đạo giải thoát” [path of liberation], phá bỏ được tâm chấp tự tánh, nhập tu tập đạo.
4. Tu tập đạo [path of meditation]:
Khi vào tu tập đạo người tu vẫn còn ở địa bồ tát thứ nhất. Đến giai đoạn được gọi là “không còn chướng ngại”, người tu bước qua “đạo giải thoát” và nhập địa bồ tát thứ hai. Rồi địa thứ hai cũng vậy, đến giai đoạn ‘không còn chướng ngại”, bước qua “đạo giải thoát” và nhập địa bồ tát thứ ba, cứ như vậy cho đến địa bồ tát thứ 7. Trong giai đoạn từ địa 1 đến địa 7, người tu lần lượt phá bỏ loại chướng ngại được gọi là phiền não chướng, là loại chướng ngại ngăn cản giải thoát luân hồi. Đến địa thứ 7, phiền não chướng đoạn diệt, người tu nhập địa bồ tát thứ 8.
Từ địa 8 cho đến địa 10, người tu lần lượt phá bỏ trí chướng. Trí chướng này bao gồm chín loại nhiễm tâm, ba loại bị phá bỏ ở địa thứ 8, ba loại bị phá bỏ ở địa thứ 9, ba loại bị phá bỏ ở địa thứ 10. Trong chín loại này, ba loại đầu thô lậu nhất, nên gọi là đại đại, đại trung, và đại tiểu. Tiếp theo ba loại được phá bỏ ở địa thứ 9 được gọi là trung đại, trung trung, và trung tiểu. Cuối cùng còn ba loại vi tế nhất, được phá bỏ ở địa thứ 10, tiểu đại, tiểu trung, tiểu tiểu. Cho đến khi loại nhiễm tâm vi tế nhất trong các loại vi tế bị phá bỏ, thì Pháp thân hiển lộ, đó chính là Trí Pháp Thân [Dharma-jnana-kaya]. Đến giai đoạn “không còn chướng ngại” của địa bồ tát thứ mười thì người tu đi thẳng vào Phật quả.
Như vậy có thể nói rằng tính từ giai đoạn “không còn chướng ngại” ở kiến đạo, địa bồ tát thứ nhất, cho đến giai đoạn “không còn chướng ngại” ở địa bồ tát thứ mười, con đường đó là Pháp: từ kiến đạo trở đi, người tu bắt đầu có được diệt đế và đạo đế, đây chính là Pháp, là điều giúp chúng ta thật sự bỏ hết những gì cần bỏ [diệt], làm hết những điều cần làm [đạo].
Nói thêm về qui y Tăng trong Đại thừa
Tăng là những bậc từ kiến đạo trở lên.
Nếu là đường tu nguyên thủy, thì Tăng là những bậc đang đi từ kiến đạo cho đến quả A La Hán.
Nếu là đường tu đại thừa, thì Tăng là những bậc đang đi từ kiến đạo cho đến quả vị Phật.
Tóm Tắt Qui Y Phật Pháp Tăng
Phật đã nhờ Pháp mà thành Phật.
Tăng đang nhờ pháp mà thành Thánh Tăng
Người tu như chúng ta, cho dù chưa vào được kiến đạo, chưa có chứng ngộ, nhưng tu theo Phật pháp, sám hối tội chướng, kèm theo đủ bốn năng lực sám hối, như vậy sẽ không sinh ác đạo, cũng vẫn có thể nương dựa nơi pháp, để bắt đầu hành trình thoát khổ.
Kinh Phật có nói đối với nỗi khổ của chúng sinh, Phật không thể dùng tay xoa đầu chúng sinh để giúp chúng sinh thoát khổ, cũng không thể chuyển trí giác của Phật vào cho chúng sinh, chỉ có thể chỉ đường dẫn lối cho chúng sinh.
Người có bịnh mà nhờ Phật xoa đầu nên hết bịnh, sắp chết mà nhờ Phật xoa đầu nên thoát chết, Phật nói đó không phải nhờ nơi Phật xoa đầu, mà chỉ là nhờ nghiệp, nhờ tín tâm.
Hết bài giảng thứ 5