Tag Archives: bát nhã

Lama Tsongkhapa: XƯNG TÁN DUYÊN KHỞI

Tựa Đề Tạng Ngữ (Tibetan Title): རྟེན་འབྲེལ་བསྟོད་པ་བཞུགས་སོ། ། 
-Tác giả (author): Lama Tsongkhapa
-Việt ngữ: Hồng Như, bản thảo 12 tháng 5 năm 2019

Việt (Vietnamese) | Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English)

Xưng Tán Duyên Khởi

Lama Tông Khách Ba

Nam mô Guru Manjughoshaya (Kính lạy đức Văn Thù Diệu Âm)

1. Người nào thuyết pháp / từ sự chứng biết,
trí ấy, giáo ấy / không một ai hơn.
Con xin kính lễ / đức Phật tối thắng,
Bậc chứng rồi giảng / giáo pháp duyên sinh.

2. Cõi thế gian này / có bao suy thoái,
hết thảy đều từ / gốc rễ vô minh.
Đức Phật dạy rằng / bất kể là ai,
chứng được duyên sinh / là dẹp được cả.

3. Nên người có trí
đâu thể không hiểu
rằng pháp duyên sinh
chính là cốt tủy / giáo pháp Phật dạy.

4. Vậy xưng tán Phật
đâu có lối nào
mầu nhiệm hơn là
xưng tán bậc thuyết / giáo pháp duyên sinh.

5. “Việc gì đã tùy / nhân duyên sinh ra
thì việc ấy vốn / không có tự tánh.”
Có lời dạy nào / tuyệt diệu hơn là
lời dạy này đây.

6. Vì bám vào đó / mà kẻ ấu trĩ
ràng buộc biên kiến / càng thêm kiên cố;
cũng chính nơi đó / lại là cửa ngỏ
cho người có trí / xẻ lưới niệm khởi.

7. Pháp này nơi khác / chưa từng nghe qua
nên gọi Phật là / đạo sư duy nhất.
Nếu gọi ngoại đạo / [là bậc đạo sư] /
thì khác gì gọi / cáo là sư tử,
chỉ giống như lời / tâng bốc mà thôi.

8. Tuyệt thay đạo sư! Tuyệt thay chỗ nương!
Tuyệt thay luận sư! Tuyệt thay cứu độ!
Đối trước bậc Thầy / khéo thuyết duyên khởi,
con xin đảnh lễ.

9. Để giúp chữa bệnh / nên đấng Lợi Sinh
dạy cho hữu tình
lý luận vô song
xác định tánh không, / trái tim chánh pháp.

10. Lối duyên khởi này
nếu thấy mâu thuẫn / không thể xác minh
thì pháp của Phật
làm sao có thể / thông đạt cho được?

11. Với Phật, bao giờ
chứng được tánh không / qua nghĩa duyên khởi
sẽ thấy tuy rằng / không có tự tánh
vẫn tạo tác dụng, / không hề mâu thuẫn.

12. Phật dạy nếu như / thấy điều ngược lại,
ở trong tánh không / không có tác dụng
có tác dụng lại / không có tánh không,
sẽ phải rơi vào / vực sâu hung hiểm.

13. Vì lý do này / giáo pháp Phật dạy
hết mực đề cao / chứng ngộ duyên khởi;
không phải hoàn toàn / là không hiện hữu,
mà cũng không phải / là có tự tánh.

14. Sự tự-có như / hoa đốm giữa trời,
vì vậy không gì / là không tùy thuộc.
Nếu sự vật nhờ / chính mình mà có
thì không thể nào / tùy thuộc nhân duyên.

15. Nên Phật dạy rằng “vì không có gì
không từ duyên khởi
nên trừ phi là / không có tự tánh
bằng không chẳng có / pháp nào tồn tại.”

16. Phật dạy: “Tự tánh / không hề biến chuyển,
nên nếu các pháp / có chút tự tánh
thì quả niết bàn / không thể nào có,
niệm khởi cũng không / cách nào tịch diệt.”

17. Vì vậy nhiều lần / trước hàng trí giả
đức Phật nói bằng / tiếng sư tử hống,
rằng “sự vật vốn / tách lìa tự tánh”
Lời này đố ai / đủ sức phản biện.

18. Tự tánh mảy may / cũng không hề có,
mọi sự đều là / “tùy vào cái này
mà cái kia sinh.” / Có cần phải nói
rằng hai điều này / không hề mâu thuẫn?

19. “Vì hiện khởi nên
không vướng biên kiến.”
Chính vì đức Phật / khéo thuyết như vậy
nên gọi Ngài là / luận sư vô song.

20. “Hết thảy mọi sự / chân tánh vốn không”;
“từ điều này mà / quả kia sinh ra”:
hai khẳng định này hỗ trợ lẫn nhau
không hề mâu thuẫn.

21. Nhiệm mầu nào hơn?
kỳ diệu nào hơn?
Tán dương như vậy / mới là tán dương,
bằng không chẳng xứng.

22. Những ai vì bởi / mê muội khống chế
bất thuận với Phật / thì trước âm thanh
của không-tự-tánh / chẳng thể nào kham,
việc này không lạ.

23. Nhưng nếu tin nhận / kho tàng trân quí
của lời Phật dạy / về thuyết duyên khởi,
mà không kham nổi / tiếng gầm tánh không
mới thật lạ kỳ.

24. Lý duyên khởi là / cánh cửa vô thượng,
lối ngỏ dẫn vào / sự không-tự-tánh.
Nếu kẻ phàm phu / dựa danh duyên khởi
mà chấp tự tánh / thì phàm phu ấy

25. lạc mất lối ngỏ
mà chư thánh giả / đã từng khéo qua.
Đâu là phương tiện / đưa họ về lại
với con đường lành / khiến cho Phật vui?

26. “Tự tánh, không giả, / và không tùy thuộc”
cùng với “duyên sinh, / tùy thuộc, giả hợp”,
Làm sao có thể / qui về một chỗ
mà không mâu thuẫn?

27. Vì thế điều gì / từ duyên sinh ra,
mặc dù bản lai / vốn lìa tự tánh,
nhưng mà tướng hiện / lại giống như có,
nên Phật nói rằng / mọi sự hư huyễn.

28. Vì lý do này / nên con hiểu được
dù ai chống đối / với lời Phật dạy
vẫn không làm sao / xét đúng luận lý
mà tìm ra được / chút sơ hở nào.

29. Tại sao như vậy? / Vì lời giảng này
khiến cho sự vật—dù là thấy được /
hay không thể thấy— khả năng khẳng định /
hay là phủ định đều lìa rất xa.

30. Chính nhờ con đường / duyên khởi này đây,
thấy được lời Phật / thật không đâu sánh.
Vì lẽ này mà / khởi niềm xác quyết
Pháp nào của Phật / cũng đều đúng cả.

31. Phật chứng như nghĩa / rồi khéo nói ra,
những ai dụng công / theo gót chân Ngài,
bao nhiêu suy thoái / hết thảy đều xa,
bao gốc lỗi lầm / đều hồi đầu cả.

32. Còn người quay lưng / với lời Phật dạy
thì dù lao lực / trong thời gian dài
lỗi vẫn tăng thêm—như thể gọi mời—
là vì nương vào / tri kiến chấp ngã.

33. Tuyệt vời lắm thay! / Khi người có trí
hiểu sự khác biệt / giữa hai điều này
khi ấy đáy lòng / không thể nào không
sâu xa kính Phật.

34. Hãy khoan nói đến / vô lượng giáo pháp,
chỉ cần ý nghĩa / một nhánh nhỏ thôi,
dù chỉ đại khái / có được lòng tin,
cũng vẫn đạt được / niềm vui thù thắng.

35. Than ôi! con vì / tâm trí mê muội,
khối thiện đức ấy / qui y đã lâu,
thế nhưng cho dù / chỉ một mẩu nhỏ
cũng chưa hề có.

36. Tuy vậy, trước khi / sinh mạng một dòng
chảy cạn hết vào / miệng của Thần chết,
tín tâm nơi Phật / con được chút ít,
thiết nghĩ đó cũng / là điều đại hạnh.

37. Bậc thuyết duyên khởi / trong khắp giảng sư;
Trí chứng duyên khởi / trong khắp các trí;
Chỉ có Phật như / đế vương tôn thắng / trong cõi thế gian
mới khéo biết được, / người khác chẳng thể.

38. Bất kể là Phật / dạy cho pháp gì,
đều phát xuất từ / giáo lý duyên sinh
và đều hướng đến / mục tiêu niết bàn
Phật không hạnh nào / không khiến tịnh an.

39. Ôi! Giáo pháp Phật
rơi vào tai ai
đều khiến bình an,
hỏi ai lại chẳng / thiết tha giữ gìn.

40. Pháp này tận diệt / hết thảy đối địch;
làm tan biến hết / mâu thuẫn trước sau;
giúp cho toàn thành / cả hai lợi ích;
nhờ diệu pháp này / hoan hỉ càng tăng.

41. Chính vì vậy mà
Phật vô số kiếp / cho rồi lại cho:
khi thì cho thân / lúc lại cho mạng,
cho cả thân nhân, / thọ dụng tài sản.

42. Thấy được thiện đức / của giáo pháp này,/
con thật như là / con cá mắc câu,
từ nơi tim Phật / bị cuốn phăng vào.
Chẳng thể chính tai / nghe lời Phật dạy / thật là bất hạnh.

43. Nỗi thương tâm này / ray rức mãnh liệt,
níu mãi không buông / tâm trí của con.
Cũng tựa như là / trái tim người mẹ
giữ mãi không rời / đứa con thân yêu.

44. Mỗi khi con nhớ / đến lời Phật dạy,
là ý nghĩ này / lại hiện trong con:
“Bổn sư đứng giữa / vùng hào quang sáng,
tướng hảo chánh phụ / rực rỡ rạng ngời,

45. đã dùng Phạm Âm / mà thuyết như vậy.”
Ảnh Phật khi ấy / hiện ra trong con,
xoa dịu trái tim / rát bỏng mòn mỏi,
như trăng thanh mát / dịu cõi nóng khô.

46. Đối với giáo pháp / kỳ diệu này đây
phàm phu kém trí
thấy rối mịt mờ
như là cỏ bện.

47. Nhìn thấy cảnh này / con đã lắm lần
theo bậc trí giả
cố gắng nỗ lực
tìm rồi lại tìm / ý thật của Phật.

48. Khi ấy con học
rất nhiều kinh luận / tông môn trong ngoài,
tâm triền miên khổ
vì lưới hoài nghi.

49-51. Cỗ xe vô thượng / mà Phật để lại,
hai đầu có-không / đều lìa bỏ hết,
được đức Long-thọ—người Phật thọ ký—
giảng đúng như thật.
Vườn hoa kun-da / của luận Long thọ
ngời ánh nguyệt quang / của luận Nguyệt Xứng
trắng sáng rạng soi / tỏ tường khắp cả,
trí tuệ vô cấu / một khối tròn đầy,
du hành vô ngại / giữa trời giáo thuyết,
xóa tan tăm tối / trái tim chấp thủ,
ngàn sao tà thuyết / đều phải lu mờ.
Nhờ ơn đạo sư / thấy được điều này,
tâm con khi ấy / mới thật bình yên.

52. Trong mọi thiện hạnh / mà Phật đã làm, /
thuyết pháp là nhất. Pháp thuyết cũng vậy, /
là pháp này đây.  Vì vậy kẻ trí /
nên từ chỗ này mà nhớ đến Phật.

53. Theo gót đấng bổn sư / tôi xuất gia thanh tịnh
tu học lời Phật dạy / không để cho kém cỏi
Tỷ kheo này cố gắng / tu tập hạnh du già
để tỏ lòng tôn kính / với bậc Đại Chân Thật.

54. Gặp được giáo pháp này / của bậc Thầy vô thượng
hết thảy đều nhờ vào / lòng từ của Ân sư
Vậy công đức nơi đây / tôi nguyện xin hồi hướng
cho chúng sinh luôn được / bậc chân sư giữ gìn.

55. Pháp của đấng Lợi Sinh / nguyện cùng tận sinh tử
không bao giờ khuynh động / bởi ngọn gió tà niệm;
nguyện luôn đầy ắp người / chứng cảnh giới lời Phật
nhờ đó tâm xác quyết / tin tưởng đấng đạo sư.

56. Nguyện trì pháp Mâu ni,
sáng soi lý duyên khởi,
mọi đời kiếp về sau / xả bỏ cả thân mạng
không bao giờ xao lãng / dù chỉ thoáng chốc thôi.
 
57. “Bậc dẫn đường tối thượng / bỏ công khó vô lượng
mới đạt được pháp này
nay dùng cách nào đây / để hoằng dương chánh pháp?”/)
nguyện tôi ngày lẫn đêm / luôn quán xét điều này.

58. Khi nỗ lực như vậy / với đại nguyện trong sáng
Nguyện Phạm Thiên, Đế Thích, / cùng chư vị hộ thế
và hộ pháp như là / đức Mahakala
luôn nâng đỡ cho tôi / không bao giờ lơi nghỉ

Bài pháp tên “Tinh Túy Trí Khéo Thuyết” này do bậc Tỷ kheo Đa văn Losang Dragpa trước tác.
Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ từ Tạng ngữ (Kopan Monastery Prayer Book), tham khảo với các bản dịch Anh ngữ của Thupten Jinpa Kilty Galvin,  12 tháng 5 năm 2019

Việt (Vietnamese) | Tạng (Tibetan) | Tạng-Việt-Anh (Tibetan-Vietnamese-English

image_pdfimage_print