Tag Archives: kinh

KINH CHÁNH PHÁP SANGHATA – Hồng Như chuyển ngữ

Kinh Phật thuyết
Đệ tử Hồng Như chuyển Việt ngữ

Tựa đề tiếng Phạn:   Arya Sanghatasutra dharmma-paryaya
Tựa đề tiếng Tạng:     ༄༅།།འཕགས་པ་ཟུང་གི་མདོའི་ཆོས་ཀྱི་རྣམ་གྲངས༎
Tựa đề tiếng Anh:    The Noble Mahayana Sanghatasutra Dharma-Paryaya
Tựa đề tiếng Việt: Kinh Chánh Pháp Sanghata (đọc là xăng-ga-ta)

Kính lạy chư Phật chư bồ tát khắp cả mười phương cùng tận không gian.

Tôi nghe như vầy: Một thời đức Thế tôn ở thành Vương Xá, đỉnh Linh Thứu, cùng với ba mươi hai ngàn vị đại tỉ kheo, toàn là bậc đại A la hán, trong đó có,
tôn giả A Nhã Kiều Trần Như ,
tôn giả Đại Mục Kiền Liên ,
tôn giả Xá Lợi Phất ,
tôn giả Đại Ca Diếp ,
tôn giả La Hầu La ,
tôn giả Bạt Câu La ,
tôn giả Hiền Hộ ,
tôn giả Hiền Kiết Tường ,
tôn giả Chiên Đàn Kiết Tường ,
tôn giả Dăng-gu-lá ,
tôn giả Tu Bồ Đề ,
tôn giả Li Bà Da ,
tôn giả Nan Đà Quân ,
tôn giả A Nan ;
cùng với sáu mươi hai ngàn vị đại bồ tát, trong đó có,
đại bồ tát Từ Thị ,

đại bồ tát Phổ Dũng ,
đại bồ tát Đồng Tử Kiết Tường ,
đại bồ tát Đồng Tử Trụ ,
đại bồ tát Đồng Tử Hiển ,
đại bồ tát A-nu-ná ,
đại bồ tát Văn Thù ,
đại bồ tát Phổ Hiền ,
đại bồ tát Thiện Kiến ,
đại bồ tát Dược Quân ,
đại bồ tát Kim Cang Quân ;
cùng với mười hai ngàn thiên tử, trong đó có,

thiên tử Ạt-du-ná ,
thiên tử Hiền ,
thiên tử Thiện hiền ,
thiên tử Pháp ấn ,
thiên tử Chiên đàn tạng ,
thiên tử Hương trụ ,
thiên tử Chiên đàn hương ;
cùng với tám ngàn thiên nữ, trong đó có,
thiên nữ Mờ-đăm ghi-ní ,
thiên nữ Pà-sa da-va-tí ,
thiên nữ Mà-ha ma-xăm-pa dút-tá ,

thiên nữ Kiết tường mục,
thiên nữ Pà-da pa-ti-va si-ní ,
thiên nữ Bà-li-ní ,
thiên nữ Đại Thế Chủ,
thiên nữ Xu-ba hu-dút-tá ;
cùng với tám ngàn long vương, trong đó có,
long vương à-pa-la-lá ,
long vương Ưu bát la ,
long vương Tì-min-ghi-lá
long vương Kum-pa sa-rá ,
long vương Kum-ba siết-sá ,
long vương Dũng đức,

long vương Diệu Hỷ ,
long vương Xù-sa-khá ,
long vương Gà-va siết-sá .
tất cả đều đến đỉnh Linh Thứu, thành Vương Xá, hội tụ quanh đức Thế tôn. Đến nơi, họ đem đỉnh đầu lạy ngang chân đức Thế tôn, đi quanh đức Thế tôn ba vòng theo chiều bên phải rồi lui về chỗ ngồi. Đức Thế tôn bấy giờ vẫn im lặng.
Lúc ấy, đại bồ tát Phổ Dũng từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quì xuống chấm đất, hai tay chắp lại, hướng về đức Phật cung kính thưa, “Thưa Thế tôn, vô số chư thiên, thiên tử và thiên nữ, vô số bồ tát, thanh văn, cùng các long vương, đều đã về tụ hội, mong được nghe pháp. Vậy kính xin Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri hãy chỉ đường cho chúng con vào với chánh pháp, để lời giảng vừa thoáng qua tai, chúng sinh nhiều tuổi liền thoát nghiệp chướng, chúng sinh ít tuổi liền tinh tấn tu thiện pháp, đạt tâm vô thượng, thiện nghiệp không thoái chuyển và sẽ không bao giờ còn thoái chuyển.”

Nghe xong, đức Thế tôn đáp, “Lành thay, Phổ Dũng, lời ông hỏi thật tốt lắm. Ông hãy nghe kỹ, nhớ kỹ, Như lai sẽ nói cho.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng đáp, “Con xin theo lời Như lai” rồi lui về chỗ ngồi trước mặt đức Thế tôn.

Bấy giờ đức Thế tôn dạy, “Phổ Dũng, có chánh pháp tên Sanghata, lưu hành trên cõi địa cầu. Ai được nghe chánh pháp này, đến năm nghiệp vô gián cũng đều tiêu diệt, không còn thoái chuyển trước vô thượng bồ đề. Này Phổ Dũng, ý ông nghĩ thế nào ? Nếu ông nghĩ rằng công đức của người nghe kinh Sanghata cũng nhiều như công đức của một đấng Như lai, thì ông nên biết, nghĩ như vậy là không đúng với sự thật.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, phải nghĩ thế nào mới đúng với sự thật?”

Đức Thế tôn dạy, “Phổ Dũng, sông Hằng có bao nhiêu cát, ngần ấy đại bồ tát và Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri có được bao nhiêu công đức, so với công đức của người nghe Chánh Pháp Sanghata thật không sai khác. Phổ Dũng, những ai đã nghe Chánh Pháp Sanghata, sẽ không thoái chuyển, sẽ thấy Như lai, sẽ không bao giờ lìa xa Như lai cho đến khi đạt vô thượng bồ đề, thiện nghiệp không bị ma vương phá hoại. Phổ Dũng, tất cả những ai nghe được Chánh Pháp Sanghata này, đối với lý sinh diệt sẽ đều biết rõ.

Bấy giờ tất cả bồ tát có mặt trong Pháp hội cùng đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quì xuống sát đất, thưa rằng, “Thưa Thế tôn, công đức của một đấng Như lai nhiều bao nhiêu?”

Đức Thế tôn trả lời, “Này các thiện nam tử, các ông hãy lắng nghe, Như lai sẽ nói cho các ông biết lượng công đức của một đấng Phật đà. Lấy ví dụ đại dương có bao nhiêu giọt nước, cõi thế gian có bao nhiêu hạt bụi, sông Hằng có bao nhiêu hạt cát, công đức của ngần ấy bồ tát thập địa vẫn không thể sánh với công đức của một đấng Như lai. Và công đức của người nghe Chánh Pháp Sanghata lại còn nhiều hơn gấp bội, không thể dùng toán số đếm biết được. Phổ Dũng, vào thời mạt pháp, người nào nghe pháp này mà sinh lòng hoan hỉ khát khao Phật Pháp thì công đức vô lượng vô biên.”

Khi ấy, đại bồ tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, ai là người khát khao Phật Pháp?”

Đức Thế tôn dạy, “Đại Bồ Tát Phổ Dũng, người khát khao Phật Pháp có hai loại. Một là người khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sinh; hai là người đúng như pháp nghe được, bình đẳng nói lại cho tất cả chúng sinh cùng nghe.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng thưa, “Thưa Thế tôn, thế nào là người đúng như pháp nghe được, bình đẳng nói lại cho tất cả chúng sinh cùng nghe?”

Đức Phật dạy, “Phổ Dũng, cũng có hai loại, một là người nghe Pháp rồi mang tâm mình hồi hướng giác ngộ bồ đề, vì tâm hồi hướng giác ngộ bồ đề nên sẽ vì lợi ích của chúng sinh mà khát khao Phật Pháp. Phổ Dũng, hai là người bước vào Đại thừa, bao giờ cũng khát khao Phật Pháp.”

Lúc ấy, hàng triệu thiên tử, rồng, người và thiên nữ cùng đứng dậy, chắp tay hướng về đức Thế tôn cung kính thưa, “Thưa Thế tôn, chúng con cũng hết lòng khát khao Phật Pháp. Xin Thế tôn cho chúng con và chúng sinh cùng được như nguyện.”

Bấy giờ, đức Thế tôn mỉm miệng cười.

Đại Bồ tát Phổ Dũng đứng dậy, chắp tay cúi đầu hướng về đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì, mà đức Thế tôn mỉm cười?”

Đức Thế tôn nói với đại bồ tát Phổ Dũng, “Phổ Dũng, ông nên biết chúng sinh đến dự đại hội này, tất cả rồi sẽ đạt vô thượng Tam Miệu Tam Bồ Đề, sẽ thành tựu viên mãn diệu dụng Như lai.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì, mà tất cả chúng sinh đến đây rồi sẽ đạt vô thượng Tam Miệu Tam Bồ Đề?”

Đức Phật bảo, “Lành thay, Phổ Dũng, ông hỏi Như lai như vậy là tốt lắm. Ông hãy lắng nghe, Như lai sẽ nói về ý nghĩa hồi hướng bồ đề.

“Phổ Dũng, vào một thời quá khứ cách bây giờ vô số thời kỳ, có một đức Phật xuất thế với đầy đủ các hiệu: Bảo Kiết Tường , Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật: Thế tôn.

“Phổ Dũng, lúc bấy giờ Như lai đang là người trẻ tuổi thuộc giai cấp bà la môn, còn chúng sinh ngày nay được Như lai dẫn dắt vào Phật trí, khi ấy hãy còn là những con thú hoang. Lúc bấy giờ Như lai phát nguyện như sau, “nguyện mọi thú hoang đang bị dày vò khổ não được siêu thoát về cõi Phật; nguyện tôi sẽ là người dẫn dắt họ đến với trí Phật.” Những con thú hoang kia nghe xong, nảy một niệm hoan hỉ, mong mình được như vậy. Phổ Dũng, nhờ gốc rễ điều lành [thiện căn] ấy mà ngày nay chúng sinh tụ họp ở đây rồi sẽ đạt giác ngộ vô thượng Tam Miệu Tam Bồ Đề.”

Nghe đức Thế tôn nói về điều lành ấy xong, đại bồ tát Phổ Dũng cung kính hỏi, “Thưa Thế tôn, chúng sinh ấy thọ đươc bao lâu?”

Đức Phật dạy, “Chúng sinh ấy có thể thọ đến tám mươi ngàn kiếp.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng lại hỏi, “Thưa đức Thế tôn, một kiếp dài bao lâu?”

Đức Phật dạy, “Thiện nam tử, ông hãy nghe Như lai nói đây. Ví dụ có người xây một thành lớn, chu vi rộng mười hai do tuần, cao ba do tuần, bên trong chứa toàn hạt mè. Cứ mỗi một ngàn năm lấy một hạt mè vất đi. Cứ như vậy, đến khi nào hạt mè cạn hết, nền móng trong thành cũng hư hoại cả, bấy giờ vẫn chưa xong một kiếp.

“Lại nữa, Phổ Dũng, ví dụ có một ngọn núi sâu năm mươi do tuần và cao mười hai do tuần. Có người xây nhà bên sườn núi, cứ một trăm năm cầm vải lụa mỏng lau núi đá một lần, đến khi núi đá mòn hết, một kiếp vẫn chưa xong. Phổ Dũng, một kiếp dài đến như vậy đó.”

Lúc ấy, đại bồ tát Phổ Dũng đứng lên nói, “Thưa Thế tôn, chỉ một niệm hồi hướng bồ đề mà thọ đến tám mươi kiếp an vui, huống chi hết lòng tôn kính phụng sự diệu pháp của Như lai.”

Đức Phật dạy, “Thiện nam tử, ông hãy nghe cho rõ, chỉ cần nghe được Chánh Pháp Sanghata, có thể thọ tám mươi bốn ngàn kiếp, huống chi nghe rồi ghi chép, đọc tụng. Phổ Dũng, làm được như vậy, công đức gặt hái đồ sộ vô cùng.

“Phổ Dũng, nếu có ai đối với chánh pháp này có được tín tâm trong sáng, hết lòng đảnh lễ, sẽ nhớ được chín mươi chín kiếp về trước của mình. Người ấy sẽ làm vua Chuyển pháp luân trong sáu mươi kiếp. Ngay trong đời sống hiện tại luôn được mọi người thương mến kính trọng. Phổ Dũng, người ấy sẽ không chết vì đao gươm, không chết vì thuốc độc, không bị tà phép ám hại. Đến lúc mạng chung sẽ được chín mươi chín triệu Phật đà đích thân tiếp dẫn và, Phổ Dũng, các đấng Thế tôn Phật đà sẽ nói với người ấy rằng ‘nhờ ông nghe được Chánh Pháp Sanghata mà có được công đức này.’ Và chín mươi chín triệu đức Phật Thế tôn sẽ thọ ký nơi chốn người ấy thành Phật.

“Phổ Dũng, huống chi là nghe Chánh Pháp Sanghata từ đầu chí cuối, kỹ lưỡng trọn vẹn. Chư Phật sẽ an ủi cho người ấy, rằng ‘con đừng sợ hãi.’

Nghe vậy Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, con cũng sẽ nghe Chánh Pháp Sanghata, vậy sẽ được bao nhiêu công đức?”

Đức Phật trả lời, “Phổ Dũng, bằng công đức của hằng sa Phật đà, Như lai.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng thưa, “Thưa Thế tôn, con nghe chánh pháp này, tâm không thấy đủ.”

Đức Phật dạy, “Phổ Dũng, tốt lắm. Đối với chánh pháp tâm không thấy đủ là rất tốt. Chính Như lai đây đối với chánh pháp cũng không thấy đủ, huống chi người thường.

“Phổ Dũng, thiện nam thiện nữ nào đối với pháp Đại thừa mà có lòng tin tưởng trong sáng, một ngàn kiếp sẽ không sinh lầm đường; năm ngàn kiếp không sinh về cõi súc sinh; mười hai ngàn kiếp không nảy niệm ác; mười tám ngàn kiếp không sinh về miền biên giã; hai mươi ngàn kiếp làm vị đại thí chủ; hai mươi lăm ngàn kiếp sinh về cõi trời; ba mươi lăm ngàn kiếp nghiêm giữ phạm hạnh; bốn mươi ngàn kiếp ly gia xuất thế; năm mươi ngàn kiếp thọ trì chánh pháp; sáu mươi lăm ngàn kiếp an trụ chánh định về cái chết. Phổ Dũng, những người như vậy ác nghiệp nhỏ không dấy lên, ma chướng không còn cơ hội tác hại, sẽ không sinh từ thai mẹ. Phổ Dũng, nếu có người nào nghe Chánh Pháp Sanghata này, bất kể là sinh ra ở đâu, trong chín mươi lăm lần vô lượng kiếp không sinh vào ác đạo; tám mươi ngàn kiếp những gì đã học đều không quên; một ngàn kiếp từ bỏ nghiệp sát; chín mươi chín ngàn kiếp từ bỏ nghiệp nói lời không thật; mười ba ngàn kiếp từ bỏ nghiệp nói lời chia rẽ.

“Phổ Dũng, chúng sinh nghe được chánh pháp này, thật khó mà gặp được.”

Lúc ấy Đại Bồ Tát Phổ Dũng đứng dậy, vắt vạt áo lên vai, gối bên phải quì xuống sát đất, chắp tay hướng về đức Phật cung kính hỏi, “Kính đức Thế tôn, nếu có ai khinh rẻ từ bỏ chánh pháp này, sẽ tạo bao nhiêu nghiệp dữ?”

Đức Phật dạy, “Phổ Dũng, rất nhiều.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng lại hỏi, “Thưa đức Thế tôn, rất nhiều, là bao nhiêu?”

Đức Phật dạy, “Phổ Dũng, thôi ông đừng hỏi. Đừng hỏi Như lai người khinh rẻ từ bỏ chánh pháp này tạo bao nhiêu nghiệp dữ. Phổ Dũng, so với nghiệp dữ tạo ra bởi hành động phỉ báng các bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri nhiều bằng số cát của mười hai sông Hằng, phỉ báng Chánh Pháp Sanghata này nghiệp chướng sâu nặng hơn rất nhiều. Phổ Dũng, nếu có ai đối với chánh pháp này mà sinh tâm phỉ báng, đó chính là phỉ báng Đại Thừa, nên tội chướng nhiều hơn gấp bội. Phổ Dũng, những người như vậy tự tay thiêu cháy chính mình. Họ tự mình thiêu cháy chính mình.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, phải chăng không thể giúp họ giải thoát?”

Đức Thế tôn đáp, “Phổ Dũng, đúng như ông nói, không thể giúp họ giải thoát.

“Phổ Dũng, ví dụ có người đầu bị chặt đứt, nếu lấy các loại mật, đường, bơ, mạch nha hay dược phẩm làm thuốc xoa dán, ông nghĩ thế nào? Người ấy có khả năng đứng dậy được nữa hay không?”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng thưa, “Không, thưa Thế tôn. Không thể nào đứng dậy được nữa.”

Đức Phật dạy, “Phổ Dũng, lại ví có người cầm vũ khí sắc bén chém vào người khác. Tuy chém một nhát không giết được nhau nhưng cũng đã bị thương. Lúc ấy nếu được thuốc chữa, vết thương còn có thể lành. Chừng đó, khi sống lại, nhớ nỗi đau đớn của vết thương lúc trước, có thể nghĩ rằng ‘nay tôi đã hiểu, tôi sẽ không bao giờ còn làm việc ác, tạo ác nghiệp.’ Nhờ suy nghĩ như vậy, Phổ Dũng, người ấy có thể vì nhớ khổ đau mà từ bỏ việc ác. Bấy giờ có thể thấy chánh pháp. Rồi nhờ thấy chánh pháp mà thành tựu được tất cả thiện pháp.

“Phổ Dũng, sự thể là như vậy. Ví như bậc cha mẹ thấy con mình chết trong đớn đau khổ não nhưng vẫn không có khả năng che chở, tương tự như vậy, Phổ Dũng, người phàm phu không có khả năng cứu mình, cứu người. Như bậc cha mẹ hy vọng mất hết, chúng sinh phàm phu cũng vậy, hy vọng mất hết, đến khi chết chẳng còn nơi nương tựa.

“Phổ Dũng, có hai loại người đến khi chết hy vọng mất hết. Một là người tự mình làm việc ác hay khiến người khác làm; hai là người từ bỏ khinh rẻ chánh pháp. Hai loại người này đến lúc mạng chung, không còn chút hy vọng.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, từ bỏ khinh rẻ chánh pháp thì phải đọa cõi nào? Phải sinh về đâu?”

Đức Phật dạy, “Phổ Dũng, khinh rẻ chánh pháp thì phải tái sinh triền miên không giới hạn, vô lượng kiếp về sau trầm luân trong luân hồi. Phổ Dũng, từ bỏ chánh pháp thì chịu đớn đau một kiếp trong địa ngục Hào khiếu; một kiếp trong địa ngục Đại hào khiếu; một kiếp trong địa ngục Chúng hợp; một kiếp trong địa ngục Viêm nhiệt; một kiếp trong địa ngục Đại nhiệt; một kiếp trong địa ngục Hắc thằng; một kiếp trong địa ngục A tỳ, một kiếp trong địa ngục Đẳng hoạt; và Phổ Dũng, họ phải chịu khổ đau trong tám đại địa ngục như vậy cho đến tám kiếp.”

Lúc ấy, đại bồ tát Phổ Dũng nói rằng, “Thưa Thế tôn, thật quá đau khổ. Thưa Thiện thệ, thật quá đau khổ. Con không đành lòng nghe.”

Bấy giờ, đức Thế tôn nói bài kệ:

“Như lai kể cảnh tượng
Chúng sinh trong địa ngục
Khổ đau như thế nào,
Ông không đành lòng nghe.

“Nếu làm những điều lành
Sẽ được quả an lạc,
Còn làm những điều dữ
Sẽ gặp quả khổ đau.

“Không biết tạo nhân vui
Thì sinh trong cõi đời
Bị dày vò nỗi chết,
Ràng buộc trong đớn đau.

“Ai nhớ Phật tối thắng,
Cấy trồng được nhân vui;
Tin tưởng nơi Đại thừa,
Sẽ không sa ác đạo.

“Phổ Dũng, ông nên biết,
Nghiệp cũ không mất đi.
Việc lành dù bé nhỏ,
Quả tốt vẫn vô lường.

“Nơi ruộng phước của Phật,
Là ruộng phước tối thượng.
Dù chỉ gieo một hạt,
Thu hoạch cũng lớn lao.
Hái được bao hoa trái,
Do trồng vài hạt mầm.
Ai hoan hỉ chánh pháp,
Sẽ luôn được yên vui,
Sẽ lìa bỏ việc ác,
Làm hết những điều lành.
Dù cúng dường Phật pháp
Vỏn vẹn một mảy lông,
Đến tám mươi ngàn kiếp
Tài sản luôn dồi dào,
Dù sinh ra ở đâu
Cũng siêng năng bố thí.
Do cúng dường Phật Bảo,
Thiện nghiệp nhiều vô tận.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng nghe xong bài kệ, cung kính hỏi đức Phật Thế tôn, “Thưa Thế tôn, nên nghe chánh pháp Phật dạy như thế nào? Nghe chánh pháp này rồi, làm sao nắm giữ gốc rễ điều lành?”

Đức Phật bảo, “Phổ Dũng, công đức của người nghe Chánh Pháp Sanghata này phải biết là nhiều bằng công đức của người đã từng cúng dường phụng sự chư Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri nhiều như số cát của mười hai sông Hằng.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng thưa, “Thưa Thế tôn, làm cách nào cho thiện căn viên mãn?”

Đức Phật dạy, “Phổ Dũng, ông nên biết thiện căn vốn bình đẳng với Như lai.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, thế nào là thiện căn bình đẳng với Như lai?”

Đức Phật dạy, “Đạo Sư thuyết chánh pháp, bình đẳng với Như lai.” Đại Bồ Tát Phổ Dũng lại thưa, “Thưa đức Thế tôn, như thế nào là Đạo sư thuyết chánh pháp?”

Đức Phật dạy, “Bất cứ một ai đọc tụng Chánh Pháp Sanghata này, gọi là Đạo sư thuyết chánh pháp.”

Bồ tát Phổ Dũng nói, “Dù chỉ nghe Chánh Pháp Sanghata công đức cũng đã nhiều vô kể, huống chi ghi chép đọc tụng. Công đức như vậy, nhiều bao nhiêu?”

Đức Thế tôn nói, “Phổ Dũng, ông hãy nghe đây. Ví như mỗi phương đều có các bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri nhiều bằng số cát của mười hai sông Hằng, ngồi thuyết giảng chánh pháp trong thời gian dài mười hai kiếp, dù giải thích không ngưng nghỉ về công đức của người ghi chép kinh Sanghata, cũng vẫn không thể dùng lời mà nói cho cùng tận. Cho dù các bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri nhiều bằng số cát có trong bốn mươi tám sông Hằng, cũng không thể diễn tả hết được công đức của người ghi chép chánh pháp này, huống chi công đức của người ghi chép rồi suy nghĩ nghĩa lý, đọc tụng, học thuộc lòng. Người ấy sẽ là kho tàng chánh pháp.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, vậy lượng công đức của người đọc kinh này ra sao?”

Bấy giờ đức Thế tôn nói bài kệ:

“Nếu có người đọc tụng
Chánh Pháp Sanghata
Dù chỉ được bốn câu,
Thì dù chư Như lai
Nhiều như số cát của
Tám bốn ngàn sông Hằng,
Diễn tả không ngừng nghỉ,
Cũng không thể nói hết
Công đức của người ấy.
Chánh pháp chư Phật dạy
Thật khó mà gặp được,
Rộng vô lượng vô biên.”

Bấy giờ có tám mươi bốn trăm ngàn triệu loài trời chắp tay đảnh lễ, hướng về nơi kinh Chánh Pháp Sanghata đang được tuyên thuyết, đồng thanh tán dương, “Thưa Thế tôn, cho dù vì lý do gì, đức Thế tôn truyền lại cho thế gian này kho tàng chánh pháp siêu việt như vậy, thật là một điều lành.”

Khi ấy có mười tám trăm ngàn triệu người tu theo đạo khổ hạnh lõa thể kéo đến chỗ đức Thế tôn đang đứng, nói rằng, “Này Cù Đàm Khổ Hạnh, ông hãy là người chiến thắng!”

Đức Thế tôn đáp, “Như lai luôn là người chiến thắng. Các ông ngoại đạo lõa thể, làm sao chiến thắng được ai?”

Họ đều nói, “Chúc cho ông chiến thắng, này Cù Đàm Khổ Hạnh, chúc cho ông chiến thắng.”

Đức Thế tôn đáp:

“Như lai không thấy
Trong số các ông
Có ai là bậc
Chiến thắng chân thật.
Với cái thấy điên đảo
Lấy gì mà chiến thắng?
Này những người lõa thể,
Hãy lắng nghe cho kỹ,
Như lai sẽ nói lời
Lợi ích cho các ông.
Trí của một đứa trẻ
Không có gì an lạc,
Lấy gì mà chiến thắng?
Các ông nên biết rằng
Như lai dùng Phật nhãn
Thuyết giảng pháp thậm thâm,
Bình đẳng với tất cả.
Ai cần được nghe pháp,
Như lai sẽ nói cho.”
Đoàn người tu đạo lõa thể nghe xong nổi giận, sinh lòng bất tín đối với đức Thế tôn. Vừa lúc ấy, Thiên Vương Đế thích giáng sấm sét xuống, mười tám triệu người khổ hạnh lõa thể đồng loạt kinh hãi, tuyệt vọng đớn đau. Họ khóc than, nước mắt chảy thành dòng. Đức Thế tôn tàng ẩn thân hình. Đoàn người tu đạo lõa thể nước mắt đầm đìa. Tìm quanh không thấy đức Thế tôn, họ thốt lên lời kệ:

“Bây giờ không còn ai
Che chở cho chúng con.
Không cả cha lẫn mẹ,
Như lạc cõi hoang vu.
Không một căn nhà trống,
Biết về đâu trú thân?
Dòng nước nay đã cạn,
Cá biết lội nơi đâu?
Cây xanh giờ không có,
Chim biết đậu chốn nào?
Không có ai che chở
Đau khổ thật vô biên
Không còn thấy Như lai
Khổ đau dài vô tận.”
Lúc ấy, mười tám triệu người khổ hạnh lõa thể đứng lên, cả hai chân quì chấm mặt đất, cất tiếng hát rằng:
“Như lai, bậc từ bi,
Là đấng cao quí nhất
Trong toàn cõi con người.
Xin Như lai độ giúp,
Làm nơi chốn chở che
Cho những người tuyệt vọng “
Khi ấy đức Thế tôn mỉm miệng cười, nói với đại bồ tát Phổ Dũng, “Phổ Dũng, ông hãy thay Như lai mà nói chánh pháp cho các vị khổ hạnh lõa thể này.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng đáp, “Thưa Thế tôn, như ngọn Hắc Sơn nghiền đá của mình để xoay đỉnh về đảnh lễ núi Tu Di, vua của các núi. Con cũng vậy thôi, làm sao có thể nói pháp, khi Như lai đang đứng ở đây, ngay trong Pháp hội này?”

Đức Thế tôn dạy, “Thôi, ông đừng nói, thiện nam tử. Phương tiện thiện xảo của Như lai có rất nhiều, vậy Phổ Dũng, ông hãy du hành mười phương thế giới, thử tìm xem nơi nào đang hiện các đấng Như lai, nơi nào đang dựng pháp đàn. Còn Như lai sẽ ở đây nói chánh pháp cho các vị khổ hạnh lõa thể ngoại đạo này.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, con phải đi bằng thần lực nào? bằng thần lực của mình hay của Như lai?”

Đức Phật bảo, “Khi đi, ông hãy dùng thần lực của chính mình. Khi về, hãy nương nhờ thần lực của Như lai.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng nghe xong đứng dậy, đi quanh đức Thế tôn ba vòng theo chiều bên phải, rồi thân hình biến mất ngay nơi ấy.

Đức Thế tôn lúc bấy giờ nói với đoàn người khổ hạnh lõa thể như sau, “Các ông nên biết sinh là khổ. Chính sự sinh ra đã là khổ não. Vì có sinh nên có sợ. Vì sinh mà sợ bệnh. Vì bệnh mà sợ già. Vì già mà sợ chết.”

“Thưa Thế tôn, Thế tôn nói ‘vì sinh mà phát sinh lòng sợ sinh’, là nghĩa gì?”

“Vì sinh làm người nên có lắm nỗi sợ. Vua sợ nỗi vua. Cướp lo nỗi cướp. Sợ lửa, sợ thuốc độc, sợ nước, sợ gió, sợ lốc xoáy, sợ nghiệp đã làm.”

Đức Thế tôn cứ như vậy thuyết giảng phong phú về pháp sinh. Vào lúc bấy giờ, đoàn người khổ hạnh lõa thể ngoại đạo trong tâm cực kỳ kinh hoảng, nói rằng, “Từ nay về sau, chúng con sẽ thôi không khao khát được sinh ra nữa.”

Khi đức Thế tôn giải thích về Chánh Pháp Sanghata, cả đoàn mười tám triệu người khổ hạnh lõa thể đều phát tâm vô thượng bồ đề. Trong thành phần Tăng chúng của Phật, có mười tám ngàn bồ tát thập địa dùng thần thông hóa hiện thân ngựa, voi, báo, kim sí điểu, núi Tu Di, chữ vạn, cũng có vị hóa hiện thân cây. Các vị đều ngồi kiết già trên tòa sen.

Chín ngàn triệu bồ tát ngồi lại phía bên phải của đức Thế tôn, Chín ngàn triệu vị ngồi lại phía bên trái. Trong suốt khoảng thời gian đó, Phật nhập chánh định, thuyết pháp bằng phương tiện thiện xảo. Đến ngày thứ bảy, đức Thế tôn duỗi cánh tay, biết đại bồ tát Phổ Dũng đang trở về từ cõi Phật Liên Hoa Thượng. Khi đi, đại bồ tát Phổ Dũng dùng thần lực của chính mình, hết bảy ngày mới đến được cõi Phật Liên Hoa Thượng. Khi đức Thế tôn duỗi cánh tay, Bồ tát Phổ Dũng đã về bên cạnh đức Thế tôn. Sau khi đi quanh đức Thế tôn ba vòng theo chiều bên phải, Bồ tát Phổ Dũng nghe tâm tràn đầy tin tưởng, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà thưa, “Thưa Thế tôn, con đã viếng tất cả thế giới hệ của mười phương. Bằng một thành thần lực của mình, con đã gặp chín mươi chín ngàn triệu cõi Phật. Bằng hai thành thần lực của mình, con đã thấy được một ngàn triệu đấng Thế tôn. Cứ như vậy cho đến ngày thứ bảy, tới được cõi Phật Liên Hoa Thượng, trên đường đi con cũng thấy hàng trăm ngàn triệu cõi Như lai bất động.

“Thưa Thế tôn, vào lúc ấy chư Phật Thế tôn dùng thần lực hoá hiện, vì chúng sinh mà nói chánh pháp trong chín mươi hai ngàn triệu cõi Phật. Con thấy được tám mươi ngàn triệu cõi Phật, tám mươi ngàn triệu Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri xuất hiện trong cõi thế. Sau khi đảnh lễ từng vị xong, con lại đi tiếp.

“Thưa Thế tôn, ngay ngày hôm ấy, con đi qua ba mươi chín ngàn triệu cõi Phật, và trong ba mươi chín ngàn triệu cõi Phật này, có ba mươi chín ngàn triệu bồ tát sinh ra, và trong cùng một ngày, thành tựu vô thượng bồ đề. Con đi quanh các đấng Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri ấy ba vòng theo chiều bên phải, rồi dùng thần thông làm thân mình biến mất.

“Thưa Thế tôn, con cũng thấy chư Phật Thế tôn, trong sáu mươi triệu cõi Phật. Con quì đảnh lễ từng cõi Phật, từng vị Phật Thế tôn, rồi đi tiếp.

“Thưa Thế tôn, con lại thấy tám triệu cõi Phật, Như lai nhập diệt niết bàn để giáo hóa chúng sinh. Con đảnh lễ chư vị rồi đi tiếp.

“Lại nữa, thưa Thế tôn, có chín mươi lăm triệu cõi Phật, chánh pháp đều mất cả. Con cực kỳ xao xuyến, bậc khóc xót thương. Ở đó, con lại thấy các loài trời, rồng , dạ xoa , la sát , cùng nhiều loại chúng sinh khác trong cõi Dục giới khóc than khắt khoải. Thưa Thế tôn, con lại thấy trong các cõi Phật ấy sông ngòi đại dương, núi Tu Di cùng cỏ cây đất đai đều cháy rụi không sót lại chút gì. Con quì đảnh lễ, nghe lòng tuyệt vọng, rồi đi tiếp.

“Thưa Thế tôn, con lên đến tận cõi Phật Liên Hoa Thượng, thấy có năm trăm ngàn triệu tòa sen được dựng lên. Ở phía Nam, có một trăm ngàn triệu tòa sen. Ở phía Bắc, có một trăm ngàn triệu tòa sen. Ở phía Đông có một trăm ngàn triệu tòa sen. Ở phía Tây có một trăm ngàn triệu tòa sen. Ở không gian phía trên có một trăm ngàn triệu tòa sen. Thưa Thế tôn, tất cả toà sen được dựng bằng bảy loại châu báu, trên mỗi toà sen là một đấng Như lai đang thuyết pháp. Con kinh ngạc, hướng về tất cả các đấng Như lai ấy, hỏi: ‘Không biết đây là cõi Phật nào?’

“Các đấng Như lai dạy rằng ‘Thiện nam tử, đây là cõi Phật Liên Hoa Thượng.’

“Thưa Thế tôn, con đi quanh theo chiều bên phải của tất cả các vị Như lai ấy, và hỏi hồng danh của đấng Như lai hóa chủ cõi Phật này. Chư Như lai đáp, ‘hóa chủ cõi Phật này là đức Liên Hoa Tạng Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri.”

“Lúc ấy con lại hỏi, ‘Con thấy có hàng trăm ngàn triệu đấng Như lai, nhưng lại không biết đấng hóa chủ Liên Hoa Tạng Như lai Ứng cúng Chánh biến tri là vị nào. Xin chỉ giúp cho con, đấng hóa chủ nơi đây là vị nào?’ Như lai đáp, ‘Thiện nam tử, Như lai sẽ chỉ cho ông thấy đâu là Liên Hoa Tạng Như lai Ứng cúng Chánh biến tri.’

“Nói vừa xong, tất cả chư Như lai đều biến đi, hiện tướng bồ tát. Chỉ còn lại một đấng Như lai. Con đến đảnh lễ, đặt đỉnh đầu ngang chân Như lai. Khi con vừa đến, một tòa sen hiện lên, con bước lên toà sen ấy. Thưa Thế tôn, lúc ấy bỗng dưng có rất nhiều tòa sen hiện lên, nhưng không ai ngồi trên đó cả. Con mới hỏi đức Liên Hoa Tạng Như lai, ‘Kính thưa Như lai, vì sao tòa sen lại trống không, không ai ngồi?’ Đức Liên Hoa Tạng Như lai đáp, ‘Chưa trồng gốc rễ điều lành thì không đủ thần lực lên ngồi các tòa sen ấy.’

“Con lại hỏi, ‘Kính thưa Thế tôn, muốn ngồi tòa sen ấy phải trồng gốc rễ điều lành nào?’

“Đức Liên Hoa Tạng Như lai đáp, ‘Ông hãy nghe đây, Thiện nam tử. Chúng sinh nào được nghe Chánh Pháp Sanghata sẽ nhờ gốc rễ điều lành này mà lên ngồi tòa sen kia, huống chi người ghi chép, đọc tụng. Phổ Dũng, vì ông đã từng nghe qua Chánh Pháp Sanghata nên bây giờ có thể lên ngồi tòa sen ấy. Bằng không, chẳng làm sao đến được cõi Phật này.’

“Đức Thế tôn nói xong, con lại hỏi, ‘Thưa Thế tôn, công đức của người nghe Chánh Pháp Sanghata này được bao nhiêu?’

“Đức Liên Hoa Tạng Như lai mỉm miệng cười. Con lại hỏi, ‘Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì, mà Như lai mỉm miệng cười?’ “Đức Thế tôn nói, ‘Này Thiện nam tử, này đại bồ tát Phổ Dũng, bậc thần thông trí tuệ vượt bực, ông hãy nghe cho kỹ. Ví dụ có người là vua Chuyển pháp luân, thống lãnh bốn lục địa. Phổ Dũng, nếu vua Chuyển pháp luân ấy lấy hạt mè trồng đầy bốn lục địa, ông nghĩ thế nào, sẽ thu hoạch được bao nhiêu?’

“Con thưa rằng, ‘Nhiều, thưa Thế tôn, nhiều lắm, thưa Thiện thệ.’

“Đức Thế tôn bảo, ‘Phổ Dũng, ví dụ được bao nhiêu hạt mè, gom thành một đống, lại có người ngồi lượm từng hạt mà đếm, xếp sang một bên. Ông nghĩ thế nào, có đếm hết được không?’

“Con thưa, ‘Thưa Thế tôn, không thể được. Thưa Thiện thệ, không cách gì có thể đếm hết được.’

‘Phổ Dũng, tương tự như vậy, trừ phi là Như lai, không ai có thể đếm biết công đức của Chánh Pháp Sanghata này. Phổ Dũng, cho dù các bậc Như lai nhiều bằng số lượng mè thu hoạch được, tất cả cùng nói về công đức của người nghe Chánh Pháp Sanghata, công đức ấy vẫn không thể nói cùng, cũng không thể dùng ví dụ diễn tả, huống chi là công đức của người biên chép, đọc tụng, hay nhờ người biên chép.’

“Con lại hỏi, ‘biên chép Chánh Pháp Sanghata sẽ được phước gì?’

“Đức Thế tôn nói, ‘Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Nếu có ai mang hết cây cỏ có trong một triệu thế giới, cắt thành từng khúc dài bằng bề rộng một ngón tay, và, Phổ Dũng, hãy nghe thêm hai ví dụ này, nếu tất cả đất, đá, núi, tất cả vi trần có trong một triệu thế giới hệ, cứ mỗi một vi trần biến thành một vị vua Chuyển pháp luân, thống lãnh bốn lục địa. Công đức của ngần ấy vua Chuyển pháp luân, có thể dùng toán số đếm biết được không?’

“Con thưa, ‘Ngoài Như lai, không ai có thể đếm biết được.’

‘Phổ Dũng, công đức của người ghi chép Kinh Chánh Pháp Sanghata cũng vậy. Ngần ấy vua Chuyển pháp luân được bao nhiêu công đức, vẫn không thể sánh nổi với công đức của người ghi chép chánh pháp này, dù chỉ một chữ. Tuy công đức của vua Chuyển pháp luân rất đồ sộ, vẫn không thể sánh bằng. Phổ Dũng, bậc đại bồ tát cũng vậy, trụ thế hộ trì và hành trì chánh pháp Đại Thừa, công đức không thể nghĩ bàn, dù là vua Chuyển pháp luân cũng không thể sánh bằng. Tương tự như vậy, không gì có thể ví bằng công đức của người ghi chép kinh Chánh Pháp Sanghata. Phổ Dũng, kinh Sanghata này vén mở cả kho tàng công đức, hàng phục phiền não, tỏa rạng ngọn đèn chánh pháp, chiến thắng ma vương, làm sáng ngời cõi thanh tịnh bồ tát, mang lại thành tựu viên mãn các Pháp.’

“Nghe đức Như lai nói xong, con hỏi, ‘Thưa Thế tôn, ở cõi thế gian này, phạm hạnh là điều khó giữ. Nếu có ai tự hỏi vì sao lại như vậy, thưa Thế tôn, là vì đường tu của Như lai khó gặp, nên phạm hạnh cũng khó gặp. Siêng tu phạm hạnh thì thấy Như lai; ngày cũng như đêm, Như lai luôn ở trước mặt. Bao giờ trực tiếp thấy được Như lai, ngày đêm chiêm bái, thì thấy được cõi Phật. Thấy cõi Phật thì thấy được kho tàng chánh pháp. Đến lúc chết, sợ hãi cũng không sinh. Do đó không lo, không buồn, không bị tham dục ràng buộc.’

“Con nói xong, đức Thế tôn dạy rằng, ‘Phổ Dũng, Như lai xuất hiện cõi thế là việc hiếm hoi khó gặp.’

“Con nói, ‘Thưa Thế tôn, rất hiếm hoi. Thưa Thiện thệ, rất khó gặp.’

“Đức Thế tôn nói, ‘Phổ Dũng, Chánh Pháp Sanghata cũng vậy, cũng rất khó gặp. Chánh Pháp Sanghata này đi vào lỗ tai ai, người ấy sẽ nhớ chuyện tám mươi kiếp về trước. Sáu mươi ngàn kiếp sẽ làm vua Chuyển pháp luân, tám ngàn kiếp thành bậc Đế thích, hai mươi ngàn kiếp giàu có như chư thiên cõi trời thanh tịnh, ba mươi tám ngàn kiếp sinh làm đại bà la môn, chín mươi chín ngàn kiếp không tái sinh cõi dữ, một trăm kiếp không sinh làm quỉ đói, hai mươi tám ngàn kiếp không sinh cõi súc sinh, mười ba ngàn kiếp không sinh cõi a tu la, không chết vì vũ khí, hai mươi lăm ngàn kiếp trí tuệ không bị khuất lấp, bảy ngàn kiếp sáng dạ thông minh, chín ngàn kiếp dung mạo uy nghi dễ mến, giống như tướng tốt của sắc thân Như lai, hai mươi lăm ngàn kiếp không mang thân nữ, mười sáu ngàn kiếp không mang thân tật bệnh, ba mươi lăm ngàn kiếp được nhãn thông, mười chín ngàn kiếp không sinh vào loài rồng, sáu mươi ngàn kiếp không bị sân hận tác động, bảy ngàn kiếp không sinh vào gia đình nghèo khó, tám mươi ngàn kiếp sinh trên hai lục địa. Đến khi phước báu cạn, cũng được những điều như sau: mười hai ngàn kiếp không sinh làm người mù, mười ba ngàn kiếp không sinh vào ba cõi ác đạo, mười một ngàn kiếp làm vị hiền giả dạy pháp nhẫn.

‘Đến lúc lâm chung, khi thần thức cuối cùng ngưng lìa, vẫn không vướng vọng tâm điên đảo, không bị sân hận tác động. Phương Đông sẽ thấy chư Phật Thế tôn nhiều như số cát của mười hai sông Hằng; phương Nam sẽ thấy chư Phật Thế tôn nhiều như số cát của hai mươi triệu sông Hằng; phương Tây sẽ thấy chư Phật Thế tôn nhiều như số cát của hai mươi lăm sông Hằng; Phương Bắc sẽ trực tiếp thấy chư Phật Thế tôn nhiều như số cát của tám mươi sông Hằng; không gian phía trên sẽ trực tiếp thấy được chư Phật Thế tôn nhiều như số cát của chín mươi triệu sông Hằng; không gian phía dưới sẽ trực tiếp thấy chư Phật Thế tôn nhiều như số cát của tám triệu sông Hằng, tất cả đều trực tiếp hiện ra trước mắt người ấy, nói với người ấy như sau, ‘Thiện nam tử, vì ông đã từng nghe qua Chánh Pháp Sanghata nên đời sau sẽ được nhiều an lạc hạnh phúc, vì vậy ông đừng sợ hãi.’ Nói như vậy rồi, chư Như lai lại an ủi người ấy, ‘Thiện nam tử, ông có thấy các bậc Như lai nhiều như cát của hàng trăm tỷ triệu con sông Hằng không?’

‘Người ấy đáp, ‘Thưa Thế tôn con có thấy. Thưa Thiện thệ, con có thấy.’

‘Như lai nói, ‘Thiện nam tử, các bậc Như lai này đến để gặp ông.’

‘Người ấy hỏi, ‘Con nhờ công đức gì mà được Như lai đến gặp ở đây?’

‘Như lai đáp, ‘Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Nhờ ông có được thân người, tai lại tình cờ nghe được Chánh Pháp Sanghata, nên tạo được công đức lớn như vậy.’

‘Người ấy nói, ‘Thưa Thế tôn, chỉ tình cờ nghe qua mà được công đức nhiều như vậy, nói gì người nghe được hết từ đầu chí cuối.’

‘Như lai nói, ‘Ông đừng nói, ông đừng nói. Thiện nam tử, Như lai sẽ nói cho ông nghe về công đức của một bài kệ bốn câu. Thiện nam tử, so với công đức của các bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri nhiều như số cát của mười ba sông Hằng, công đức của một bài kệ bốn câu nhiều hơn rất nhiều. So với công đức của người cúng dường các bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri nhiều bằng số cát có trong mười ba sông Hằng thì công đức của người nghe chỉ một bài kệ bốn câu của Chánh Pháp Sanghata này nhiều hơn rất nhiều, huống chi nghe được trọn vẹn từ đầu chí cuối. Thiện nam tử, ông hãy nghe về công đức của người nghe Chánh Pháp Sanghata từ đầu chí cuối. Ví dụ một thiên hà bao gồm hàng tỷ thế giới hệ phủ toàn hạt mè, và số lượng của vua Chuyển pháp luân nhiều bằng số mè ấy, rồi có người nhiều tiền lắm của, cúng dường rộng rãi tất cả những vị vua Chuyển pháp luân kia, công đức ấy vẫn không sánh bằng công đức cúng dường một vị Tu đà hoàn.

Nếu tất cả chúng sinh trong toàn cõi thiên hà bao gồm hàng tỷ thế giới hệ đều trở thành bậc Tu đà hoàn, công đức cúng dường ngần ấy Tu đà hoàn vẫn không sánh bằng công đức cúng dường một vị Tư đà hàm. Nếu tất cả chúng sinh trong toàn cõi thiên hà bao gồm hàng tỷ thế giới hệ đều trở thành bậc Tư đà hàm, công đức cúng dường ngần ấy Tư đà hàm vẫn không sánh bằng công đức cúng dường một vị A na hàm. Nếu tất cả chúng sinh trong toàn cõi thiên hà bao gồm hàng tỷ thế giới hệ đều trở thành bậc A na hàm, công đức cúng dường ngần ấy A na hàm vẫn không sánh bằng công đức cúng dường một vị A la hán. Nếu tất cả chúng sinh trong toàn cõi thiên hà bao gồm hàng tỷ thế giới hệ đều trở thành bậc A la hán, công đức cúng dường ngần ấy A la hán vẫn không sánh bằng công đức cúng dường một vị Bích Chi Phật. Nếu tất cả chúng sinh trong toàn cõi thiên hà bao gồm hàng tỷ thế giới hệ đều trở thành bậc Bích Chi Phật, công đức cúng dường ngần ấy Bích Chi Phật vẫn không sánh bằng công đức cúng dường một vị bồ tát. Nếu tất cả chúng sinh trong toàn cõi thiên hà bao gồm hàng tỷ thế giới hệ đều trở thành bậc bồ tát, công đức cúng dường ngần ấy bồ tát vẫn không sánh bằng công đức của người phát khởi tín tâm trong sáng nơi một Như lai, không thể sánh bằng công đức của người phát khởi tín tâm trong sáng nơi hàng tỷ thế hệ đầy cả Như lai, và không thể sánh bằng người nghe Chánh Pháp Sanghata này. Chừng đó, Phổ Dũng, có cần phải giải thích về công đức của người biên chép, đọc tụng thuộc lòng, suy xét nghĩa lý của chánh pháp này hay không? Có cần phải giải thích về công đức của người đối trước kinh này mà lễ bái với lòng tin tưởng trong sáng hay không?”

‘Phổ Dũng, ông nghĩ thế nào? Có người tự hỏi kẻ phàm phu ấu trĩ có thể nghe chánh pháp này được chăng, dù có được nghe, cũng không thể tin nhận.

‘Phổ Dũng, ông hãy nghe đây, kẻ phàm phu ấu trĩ muốn chạm đáy đại dương, liệu có khả năng làm được việc này hay không?’

“Con đáp, ‘Thưa Thế tôn, không thể.’

“Đức Thế tôn lại hỏi, ‘Có kẻ muốn đưa tay múc cạn đại dương, liệu có khả năng làm được việc này hay không?’

“Con đáp, ‘Thưa Thế tôn, không thể được. Thưa Thiện thệ, không thể được.’

“Như lai nói, ‘Phổ Dũng, chúng sinh không có khả năng vớt cạn đại dương, người mang tâm nguyện nhỏ bé cũng vậy, không có khả năng tiếp nhận chánh pháp này. Phổ Dũng, chưa gặp đủ chư Như lai nhiều như số cát có trong tám mươi sông Hằng thì chưa thể ghi chép Chánh Pháp Sanghata. Chưa gặp đủ chư Như lai nhiều như số cát có trong chín mươi sông Hằng thì chưa thể nghe Chánh Pháp Sanghata. Chưa gặp đủ trăm ngàn triệu triệu Như lai thì dù gặp được chánh pháp này cũng không thể tín nhận. Phổ Dũng, người nào gặp đủ hằng hà sa số Như lai, khi nghe chánh pháp này sẽ có được lòng tin trong sáng. Người ấy sẽ vô cùng hoan hỉ, sẽ có được cái nhìn đúng với sự thật, sẽ tin nhận Chánh Pháp Sanghata này mà không sinh lòng khinh rẻ.

‘Phổ Dũng, ông hãy nghe đây, người nào ghi chép chỉ một bài kệ bốn câu của Chánh Pháp Sanghata, sau khi đi qua chín mươi lăm ngàn triệu thế giới hệ thì cõi Phật của người ấy sẽ giống như cõi Tịnh Độ A Di Đà. Phổ Dũng, thọ mạng của chúng sinh ấy sẽ dài tám mươi bốn ngàn kiếp.

‘Phổ Dũng, ông hãy nghe đây, nếu có ai vướng nghiệp ngũ nghịch, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mà lòng mừng theo, khi nghe được bài kệ bốn câu của Chánh Pháp Sanghata này, tội chướng tiêu tan cả.

‘Phổ Dũng, ông hãy nghe, Như lai sẽ nói thêm về diệu dụng của chánh pháp này. Ví dụ có người phá hủy tháp Phật, phá Tăng hòa hợp, quấy nhiễu chánh định của bồ tát, hoại chánh trí Như lai, giết cha giết mẹ. Nghiệp gây ra rồi lại hối hận, buồn bã nghĩ rằng, “Thân này đã hỏng, đời sau cũng hỏng theo. Thật vô tích sự.” Nghĩ rồi tâm sinh sầu thảm, đau đớn vô bờ. Phổ Dũng, người ấy bị người khác hất hủi khinh rẻ. Đối với chuyện thế gian cũng như xuất thế đều trở nên vô dụng. Như thanh củi đã cháy thành tro, người ấy kiếp kiếp cũng đều như vậy. Như rường cột của căn nhà huy hoàng tráng lệ, lửa cháy rồi trông thật thê lương. Người ấy cũng vậy, trông thật thảm thương, ở đâu, chỗ nào cũng bị đánh đập chê trách; khổ sở đói khát bức bách, một miếng cũng không có mà ăn. Càng chịu khổ lớn, càng bị hành hạ đói khát, lại càng nhớ nghiệp phá hủy tháp Phật và năm nghiệp ngũ nghịch đã làm. Khi nhớ lại việc làm xưa, người ấy nghĩ rằng, ‘rồi ta sẽ về đâu? Ai sẽ là người che chở cho ta?’ Càng nghĩ càng tuyệt vọng, ‘Đã không còn nơi nương dựa, thôi lên núi cao nhảy xuống vực cho xong.’ Người ấy nói,

‘Nghiệp dữ đã tạo,
Nay như tro tàn,
Muôn đời lửa cháy.
Kiếp này không vẹn,
Kiếp sau không tròn,
Trong thân không an,
Ngoài thân không ổn.
Vì tâm mê lầm,
Nên tạo nghiệp ác.
Nghiệp ác phạm rồi,
Sẽ đọa ác đạo,
Sinh đâu cũng vậy,
Cũng khổ như nhau’

Người ấy nghĩ rồi
Khóc than vật vã,
Tiếng khóc kinh động
Đến cả chư thiên:

‘Bóng tối trước mặt,
Hy vọng không còn,
Thôi ta đành phải
Đọa vào ác đạo.’

Chư thiên lên tiếng bảo:

‘Tâm trạng khổ đau
Ngươi giữ làm gì?
Hãy vất hết xuống,
Thong thả mà đi’

Người ấy trả lời:

‘Tôi giết cha giết mẹ
Nghiệp ngũ nghịch vướng rồi
Không còn nơi nương dựa
Khổ đau làm sao tránh?
Thôi tìm đỉnh núi cao
Ném thân mình xuống vực.’

Chư Thiên liền khuyên,

‘Ngươi thật quá điên rồ,
Chớ làm điều dại dột!
Đã tạo nhiều ác nghiệp,
Đừng tự buộc thêm vào.
Ai tự hại chính mình
Sẽ lạc sâu địa ngục,
Ở đó phải khóc gào,
Phải rơi nhào xuống đất.
Cố gắng kiểu như vậy,
Chẳng thể thành Phật đà,
Chẳng thể thành Bồ tát,
Chẳng thể thành Thanh văn.
Phải tìm hướng đi khác,
Mà gắng sức vượt lên.
Ở trên ngọn núi kia,
Có một vị thánh nhân,
Ngươi ráng lên tìm gặp.’

Người kia lên đỉnh núi,
Gặp được đại thánh nhân,
Bỗng sinh lòng kính ngưỡng,
Liền quì xuống đê đầu:

‘Con nay khổ đã nhiều,
Lắm sợ hãi đau thương,
Xin thánh nhân che chở,
Cho con về nương dựa,
Cho con được nghe Pháp,
Dù chỉ chốc lát thôi.
Cho con được sám hối,
Những tội lỗi đã làm.
Xin thánh nhân hãy nói,
Với con một lời thôi.’

Vị thánh nhân an ủi,

‘Ông nay khóc đã nhiều,
Chịu bao nhiêu khổ não,
Đói khát và tuyệt vọng,
Trong ba cõi luân hồi.
Vậy ông hãy vào đây,
Ăn uống rồi ngơi nghỉ.
Bao giờ thân bình an,
Bấy giờ hẳn nghe Pháp.’

Bao nhiêu món ăn ngon
Người ấy ăn hết cả.
Ăn xong rửa sạch tay,
Đi nhiễu quanh thánh hiền.
Rồi xếp chân tĩnh tọa.

‘Con giết mẹ giết cha,
Hủy chùa tháp của Phật,
Phá hoại hòa hợp Tăng,
Ngăn bồ tát thành đạo.’

Nghe xong những lời ấy,
Vị thánh nhân nói rằng:

‘Ông tạo nên nghiệp dữ,
Làm lắm việc tày trời.
Bây giờ phải sám hối,
Những việc ác đã làm
Hay đã bảo người làm.’

Nghe thánh nhân nói vậy,
Tim người ấy rụng rời,
Tâm kinh hoàng tuyệt vọng:

‘Ai che chở cho con?
Việc ác kia đã làm,
Khổ đau ắt phải chịu!’

Người ấy cả hai chân
Quì xuống chấm mặt đất.

‘Những tội ác sâu nặng,
Đã làm hay bảo làm,
Con xin sám hối cả.
Nguyện đừng thành quả dữ,
Nguyện đừng chịu khổ đau.
Bây giờ con ở đây,
Xin thánh nhân che chở,
Xin cho con nương dựa,
Xin giúp con sám hối,
Cho tội chướng tiêu tan.’

‘Lúc bấy giờ vị thánh nhân cất lời trấn an, ‘Ta sẽ làm nơi nương dựa. Ta sẽ nâng đỡ ông. Ta sẽ là người bạn che chở cho ông. Ông chớ nên lo sợ, hãy lắng nghe cho kỹ. Phật có một chánh pháp tên gọi Sanghata, ông đã từng nghe qua bao giờ chưa?’
‘Người ấy thưa, ‘Con chưa từng được nghe qua.’

‘Thánh nhân nói, ‘Thật là tội nghiệp. Nếu không trú ở lòng từ bi, có ai mang chánh pháp ra nói cho người bị lửa đốt bao giờ. Thiện nam tử, ông hãy nghe câu chuyện này. Ở một thời xa xưa, vô lượng kiếp về trước, có một vị Pháp Vương tên gọi Vô Cấu Nguyệt . Lúc bấy giờ vua Vô Cấu Nguyệt sinh được người con trai, liền mời các vị bà la môn rành xem tướng đến hỏi rằng, ‘Các ông xem tướng đứa bé này ra sao.’ Tất cả đều nói, ‘Thật chẳng lành. Đứa bé mới ra đời này, thật chẳng lành.’ Vua hỏi, ‘Đứa bé lớn lên sẽ ra sao?’ Tất cả đều nói, ‘Đứa bé này khi bảy tuổi sẽ làm hại tánh mạng của cha mẹ mình.’ Bấy giờ vua nói, ‘Dù đứa bé có sẽ hại mạng ta, nhưng nó vẫn là con ta, ta sẽ không hại nó. Huống chi thân người trong cõi thế gian này thật vô cùng quí hiếm, ta nhất định sẽ không giết hại bất cứ một ai.’

‘Đứa bé lớn thật nhanh, qua một tháng đã lớn bằng trẻ hai tuổi. Thấy đứa bé lớn nhanh, vua biết đều là do nghiệp báo của mình, nên sớm trao ngôi báu lại cho đứa trẻ, dặn dò kỹ lưỡng, ‘Giang sơn này ta giao lại cho con. Con hãy là một vị vua tốt, hãy dùng chánh pháp mà trị dân, chuyện gì trái với chánh pháp, đừng bao giờ làm.’ Truyền ngôi xong, vua rũ bỏ mọi quyền hành của người trị nước.

‘Hàng triệu quan đại thần kéo về cạnh vua Vô Cấu Nguyệt, thưa rằng ‘Đại vương, vì lý do gì mà ngài dứt bỏ giang sơn, thôi không trị nước?’

‘Vua đáp, ‘Cho dù từ nhiều lần vô lượng kiếp ta luôn được làm vua với đầy đủ giang sơn, tài sản, quyền hành, nhưng vẫn không thấy mãn nguyện.’

‘Chẳng bao lâu sau, đứa con trai cướp đi mạng sống của cha mẹ, vướng nghiệp vô gián.

‘Ông có biết, ta còn nhớ khi vị vua trẻ giết cha mẹ mình rồi, cũng cảm thấy hối hận, cũng khóc than vật vã. Ta thấy vậy phát tâm đại bi, đến nói chánh pháp cho người ấy nghe. Người ấy nghe xong, nghiệp vô gián tiêu diệt nhanh chóng, không còn dấu vết.

‘Vị thánh nhân nói tiếp, ‘Chánh Pháp Sanghata là chúa tể của mọi kinh, chư đại khổ hạnh nghe được rồi sẽ nắm được cội nguồn chánh pháp vô thượng, xóa mọi nghiệp chướng, tiêu diệt mọi phiền não thác loạn.

‘Đường dẫn đến giải thoát
Ta sẽ nói ở đây,
Ông hãy nghe cho kỹ.

Một bài kệ bốn câu
Nếu được giảng liên tục,
Sẽ diệt mọi nghiệp chướng,
Đạt quả Tu đà hoàn,
Giải thoát mọi ác nghiệp.’

Khi lời này nói ra,
Chúng sinh bị ràng buộc
Trong địa ngục kinh hoàng
Đều được giải thoát cả.
Người ấy nghe xong rồi
Từ chỗ ngồi đứng dậy,
Hai bàn tay chắp lại,
Đảnh lễ dưới chân Thầy:

‘Lành thay, ôi lành thay!
Lành thay, thiện tri thức,
Lành thay, đấng đạo sư,
Vạch lối đi vi diệu,
Chánh Pháp Sanghata,
Chiến thắng mọi nghiệp dữ.
Lành thay, cho những ai
Được nghe chánh pháp này!’

‘Vào lúc bấy giờ, ở khoảng không phía trên, mười hai ngàn thiên tử cùng chắp tay, tiến đến trước mặt thánh nhân, quì xuống đảnh lễ, nói rằng, ‘Thượng nhân, thượng nhân biết được bao nhiêu kiếp về trước?’ Đồng thời, có bốn triệu long vương và mười tám ngàn la sát vương cũng đến. Tất cả chắp tay hướng về thánh nhân, cung kính cúi đầu đảnh lễ, nói như sau, ‘Thượng nhân, thượng nhân biết được bao nhiêu kiếp về trước?’ Vị thánh nhân đáp, ‘Hàng trăm ngàn triệu thời kỳ vô số.’
‘Tất cả cùng hỏi, ‘Nhờ thiện nghiệp nào mà ác nghiệp có thể tức thì tẩy sạch?’

‘Thánh nhân đáp, ‘Nhờ nghe Chánh Pháp Sanghata. Trong số chúng sinh đến đây ngày hôm nay, tất cả những ai có lòng tin tưởng khi nghe chánh pháp này, sẽ được thọ ký vô thượng bồ đề. Người nào vướng năm nghiệp vô gián, chỉ cần nghe nói đến chánh pháp tên Sanghata, nghiệp chướng tức thì tiêu diệt. Hàng trăm triệu thời kỳ vô số vô lượng kiếp, cửa vào ác nghiệp sẽ khép kín, ba mươi hai cánh cửa dẫn vào các tầng trời sẽ mở ra. Gốc rễ điều lành của người chỉ nghe một bài kệ bốn câu đã đồ sộ như vậy, huống chi mang lòng tin tưởng tôn kính, cúng dường chánh pháp ấy bằng hoa, vòng hoa, hương đốt, hương xoa, hương bột, y phục, màn trướng, tràng phan, hay người dùng nhạc cụ tấu nhạc cúng dường, phát sinh một niệm hoan hỉ, tán dương ‘lành thay, lành thay’.'”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng kể lại với đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, còn những người khi nghe tuyên thuyết Chánh Pháp Sanghata mà đảnh lễ bằng cách chắp tay cung kính, họ được công đức gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Bất cứ một ai vướng nghiệp vô gián, tự mình làm, bảo người làm, hay thấy người làm mà lòng mừng theo, khi nghe bài kệ bốn câu của Chánh Pháp Sanghata mà biết đảnh lễ bằng cách chắp tay cung kính, Phổ Dũng, ông nên biết tội chướng vô gián của người ấy đều tiêu diệt cả, huống gì nghe được trọn vẹn Chánh Pháp Sanghata, công đức lại nhiều hơn gấp bội. Thiện nam tử, Như lai sẽ giải thích ý nghĩa này cho ông. Ví dụ cung điện long vương trong hồ Vô Nhiệt Não , nơi đó mặt trời không soi sáng, lại có năm con sông lớn, nước chảy xiết vô cùng vô tận. Có người muốn đếm từng giọt nước trong năm con sông lớn kia, Phổ Dũng, ông nghĩ thế nào, có đếm hết được không?”

Phổ Dũng thưa, “Không thể, thưa Thế tôn.”

Đức Thế tôn nói, “Phổ Dũng, gốc rễ điều lành của Chánh Pháp Sanghata này cũng vậy, dù có đếm hàng trăm hàng ngàn kiếp cũng không thể nào đếm hết. Phổ Dũng, nếu ông thắc mắc vì sao lại như vậy, Như lai hỏi ông, người tuyên thuyết Chánh Pháp Sanghata trong một phút giây, có nhọc công hay không?”

Phổ Dũng đáp, “Dạ có, thưa Như lai.”

Đức Thế tôn nói, “Phổ Dũng, người nào có khả năng tuyên thuyết Chánh Pháp Sanghata phải nhọc công còn hơn vậy nữa. Ví như đếm nước trong năm con sông lớn chảy từ hồ Vô Nhiệt Não, không thể nào cùng.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng thưa, “Thưa Thế tôn, năm con sông lớn ấy tên gọi là gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Đó là sông Hằng, sông Si-ta , sông Vách-xu , sông Da-mu-na và sông Chăn-dra ba-ga . Năm con sông lớn này đổ ra đại dương. Mỗi con sông đều có năm trăm nhánh sông đổ vào. Phổ Dũng, năm trăm nhánh sông này từ trời chảy về, mỗi nhánh sông lại có hàng ngàn nhánh sông nhỏ, nhờ vào đó mọi loài chúng sinh đều được lợi ích.”

Phổ Dũng thưa, “Hàng ngàn nhánh sông nhỏ đó là gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Xun-đa-ri có hàng ngàn nhánh sông, Săn-kha có hàng ngàn nhánh sông, Va-han-ti có hàng ngàn nhánh sông, Chít-ra xê-na có hàng ngàn nhánh sông, Đạt-ma vơ-ta có hàng ngàn nhánh sông. Những con sông lớn này đều có hàng ngàn nhánh sông, làm thành suối mưa lên cõi địa cầu. Phổ Dũng, suối mưa rơi xuống tạo hoa màu, cây trái, vụ mùa. Khi rớt trên cõi địa cầu thì thành nước. Nhờ nước mà đồng ruộng vườn tược đều được thỏa thuê xanh tốt. Phổ Dũng, ví như toàn thể thế giới có một vị luân vương nắm giữ thiên hạ, làm cho ai cũng được hạnh phúc. Chánh Pháp Sanghata cũng vậy, được tuyên thuyết trong thế giới hệ này là để chúng sinh cùng được lợi ích hạnh phúc. Chư thiên cõi trời Tam Thập Tam sống rất thọ, nhưng loài người thì không được như vậy. Nếu ông hỏi cõi trời Tam Thập Tam là cõi trời nào, ông phải biết đó là cõi của thiên vương Đế thích .

Phổ Dũng, có những người khẩu nghiệp thanh tịnh, công đức nhiều không thể ví dụ được. Lại có những người khẩu nghiệp nặng nề, sinh vào địa ngục và súc sinh. Chúng sinh đau khổ trong ba cõi địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh không có nơi nương dựa, hy vọng đứt đoạn, ấy là vì ảnh hưởng của thầy bạn không tốt. Còn kẻ khẩu nghiệp thanh tịnh, công đức không thể ví dụ, ấy là nhờ ảnh hưởng của thầy bạn tốt. Thầy bạn tốt là thiện tri thức, gặp thiện tri thức là gặp Như lai. Gặp Như lai thì ác nghiệp tiêu diệt cả. Vua mà làm lợi ích cho chúng sinh, chúng sinh mừng vui không thể ví dụ.

“Phổ Dũng, Chánh Pháp Sanghata cũng vậy, mang đầy đủ chức năng của đấng Như lai trong thế giới này. Ai không được nghe Chánh Pháp Sanghata thì không thể thành tựu vô thượng bồ đề, không thể chuyển pháp luân, không thể đánh trống đại pháp, không thể ngồi tòa Sư tử chánh pháp, không thể nhập cõi niết bàn, không thể phóng vô lượng ánh sáng. Phổ Dũng, không nghe Chánh Pháp Sanghata này thì không có khả năng ngồi trong trái tim của giác ngộ.”

Phổ Dũng hỏi, “Thưa Thế tôn, con có điều thắc mắc, thưa Thiện thệ, con có thể hỏi được chăng?”

Đức Thế tôn đáp, “Phổ Dũng, ông có thắc mắc gì, Như lai sẽ vì ông mà giải đáp.”

Phổ Dũng nói, “Thưa Thế tôn, đức Liên Hoa Tạng Như lai có nói về vị thánh nhân giúp nhiều chúng sinh diệt nghiệp vô gián, rồi đặt từng người vào thánh vị Tu đà hoàn. Vậy vị thánh nhân đó là ai?”

Đức Thế tôn đáp,

“Phổ Dũng đại bồ tát,
Lời nói của Như lai
Rất thâm sâu vi diệu,
Ông hãy nghe cho kỹ.

Chính kinh Sanghata
Là Pháp sư giảng pháp,
Hóa hiện làm thánh nhân,
Hóa hiện thân Phật đà,
Nhiều như cát sông Hằng,
Sắc tướng thật phong phú.
Thân Phật nói pháp Phật,
Vén mở cả kho tàng
Tinh túy của chánh pháp.

Nếu có chúng sinh nào
Khao khát gặp đức Phật,
Thấy được Sanghata
Là thấy được Như lai.
Sanghata ở đâu,
Như lai ngay nơi ấy.”

Đức Phật lại nói, “Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Trong quá khứ, chín mươi chín thời kỳ vô số về trước, có mười hai triệu Phật đà cùng tên là Rát-nô ta-ma . Như lai lúc ấy đang là vị đại thí chủ, chí tâm cúng dường mười hai triệu Phật đà tên Chăn-dra , mang đồ ăn thức uống, hương thơm, hương xoa, vòng hoa, tất cả những gì có thể làm vui lòng Phật, Như lai đều cúng dường đủ cả. Bấy giờ Như lai được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề.
“Phổ Dũng, Như lai còn nhớ trong kiếp quá khứ có mười tám triệu Phật đà tên gọi Rát-na va-ba-sa , Như lai lúc bấy giờ cũng đang là vị đại thí chủ, đã cúng dường mười tám triệu Như lai tên gọi Tạng Quân với đầy đủ vòng hoa, hương xoa, vậttrang trí và trang sức, cứ điều gì thích hợp với vị Phật nào, Như lai đều cúng dường đủ cả. Bấy giờ Như lai được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề.

“Phổ Dũng, Như lai còn nhớ hai mươi triệu đức Phật cùng mang tên Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri Sy-khí Sâm-ba-va . Phổ Dũng, Như lai cũng nhớ hai mươi triệu đức Phật cùng mang tên Ca Diếp , lúc bấy giờ Như lai cũng đang là một vị đại thí chủ, cúng dường chư Phật với hương liệu, vòng hoa, hương xoa, hết lòng tôn kính phụng sự. Bấy giờ Như lai được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề.

“Phổ Dũng, lại có mười sáu triệu đức Phật cùng tên là Vô Cấu Quang , lúc ấy Như lai đang là một đại trưởng giả, tiền của rất nhiều. Như lai mang hết tài sản cúng dường chư Phật, và được thọ ký tương lai sẽ thành bậc chánh giác. Tuy nhiên thời gian vẫn chưa chín mùi.

“Phổ Dũng, ông hãy nghe đây. Lại có chín mươi lăm triệu đức Phật sinh ra trong thế giới, cùng tên là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri Thích Ca Mâu Ni . Lúc ấy Như lai đang là vị quốc vương, mang cúng dường hương thơm, vòng hoa, hương xoa, y phục, trang sức, hương đốt, tràng phan, và được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Như lai hãy còn nhớ rất rõ.

“Phổ Dũng, lại có chín mươi triệu đức Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri cùng tên là Câu Lưu Tôn . Lúc ấy Như lai đang là một thanh niên thuộc giai cấp bà la môn, nhiều tiền lắm của, mang hết của cải ra cúng dường chư Như lai, với hương thơm, vòng hoa, hương xoa, y phục, trang sức và đích thân phụng sự cho từng vị Như lai, bấy giờ được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Như lai còn nhớ. Nhưng thời gian vẫn chưa chín mùi.

“Phổ Dũng, lại có mười tám triệu Phật đà, cùng tên là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri Ca Na Ca Mâu Ni . Lúc ấy Như lai đang là vị đại thí chủ, cúng dường tất cả các bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri ấy, và được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Nhưng thời gian vẫn chưa chín mùi.

“Phổ Dũng, lại có mười ba triệu Phật đà, cùng tên là Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri Minh Kiết Tường . Lúc ấy Như lai cúng dường chư Phật ấy với y phục, trang sức, hương thơm, vòng hoa, hương xoa, chăn mền và trang trí. Cần phụng sự cúng dường ra sao, Như lai đều chu toàn đầy đủ. Các đức Như lai ấy giải thích rộng rãi về ý nghĩa của chánh pháp cho các đệ tử, và Như lai lúc ấy được thọ ký trong tương lai sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Nhưng thời gian vẫn chưa chín mùi.

“Phổ Dũng, lại có hai mươi lăm triệu Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri cùng tên là Diệu Hoa . Lúc ấy Như lai đang là người xuất gia, cung kính cúng dường tất cả các đấng Như lai ấy, làm những việc tôn giả A Nan ngày nay làm cho Như lai, không sai khác. Lúc ấy Như lai cũng được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Nhưng Như lai còn nhớ, thời gian lúc ấy vẫn chưa chín mùi.

“Phổ Dũng, lại có mười hai triệu Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri cùng tên là Tì Bà Thi . Như lai lúc bấy giờ cúng dường các bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri ấy với y phục, trang sức, hương thơm, vòng hoa, hương xoa. Các đấng Như lai ấy cần gì, Như lai đều chu toàn đầy đủ. Vào lúc ấy, Như lai đang là người xuất gia, và ngay lúc ấy Như lai còn nhớ đã được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Khi đức Phật Tì Bà Thi cuối cùng nói về Chánh Pháp Sanghata này, Như lai nghe qua đã hiểu. Ngay lúc ấy, trên trời mưa xuống bảy loại châu báu quí giá, cõi thế gian không còn kẻ bần cùng, và cũng ngay lúc ấy, Như lai lại được thọ ký sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Từ đấy về sau, trải qua một thời gian dài Như lai không còn nhận sự thọ ký.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng hỏi, “Thưa Như lai, thời gian ấy là gì? Duyên ấy là gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Phổ Dũng, ông hãy nghe đây. Một thời kỳ vô số sau ngày hôm ấy, có đấng Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri Nhiên Đăng xuất hiện trên cõi thế gian, lúc ấy, Như lai đang là một thanh niên thuộc giai cấp bà la môn tên là Mây-kha . Khi Như lai Nhiên Đăng nhập thế, Như lai đang tu phạm hạnh dưới dạng bà la môn. Khi gặp Như lai Nhiên Đăng, thanh niên ấy rải bảy nhánh hoa ưu đàm cúng dường, hồi hướng vô thượng bồ đề. Bấy giờ Như lai Nhiên Đăng thọ ký cho thanh niên ấy sẽ thành đấng Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri tên Thích ca mâu ni.

“Phổ Dũng, khi ấy, Như lai ngồi trong không gian, cao bằng mười hai cây đa la, đạt vô sinh pháp nhẫn. Như lai nhớ rõ như mới hôm qua, Như lai thấy rất rõ tất cả những gốc rễ điều lành mà Như lai đã cấy trồng từ khi xuất gia tu phạm hạnh trải qua vô số kiếp, và đạt được những đức tính toàn hảo. Phổ Dũng, ngay từ thời gian ấy Như lai đối với vô số lần trăm ngàn triệu tỉ chúng sinh, đã phát nguyện dẫn dắt từng người vào với chánh pháp, huống chi bây giờ Như lai đã thành tựu vô thượng bồ đề, sẽ vì chúng sinh mà tạo lợi ích lớn lao. Phổ Dũng, Như lai sẽ dạy cho chúng sinh Phật Pháp vi diệu thậm thâm. Chúng sinh có nhu cầu gì, Như lai sẽ dạy Phật Pháp phù hợp với nhu cầu ấy. Ở cõi trời, Như lai dùng thân trời để dạy Phật Pháp. Ở cõi rồng, Như lai dùng thân rồng để dạy Phật Pháp. Ở cõi dạ xoa, Như lai dùng thân dạ xoa để dạy Phật Pháp. Ở cõi quỉ đói, Như lai dùng thân quỉ đói để dạy Phật Pháp. Ở cõi người, Như lai dùng thân người để dạy Phật Pháp. Chúng sinh nào cần Phật dạy dỗ, Như lai liền hiện thân Phật để dạy dỗ. Chúng sinh nào cần bồ tát dạy dỗ, Như lai liền hiện thân bồ tát để dạy dỗ. Bất cứ chúng sinh cần gì, Phật hóa hiện thân ấy để dạy Phật Pháp. Phổ Dũng, Như lai dùng đủ loại sắc tướng để dẫn dắt chúng sinh.

“Phổ Dũng, vì sao Như lai lại dùng nhiều sắc tướng như vậy? Là vì để chúng sinh tích lũy nhiều loại thiện căn. Chúng sinh sẽ tu hạnh thí, tạo công đức, quên cả nghỉ ngơi để tự cứu mình, sẽ hành thiền, sẽ không quên sinh tử, thiện nghiệp nào có thể làm được, họ đều làm đủ. Nhờ nghe chánh pháp, họ sẽ nhớ lại gốc rễ điều lành đã làm trong quá khứ. Làm như vậy là để nhắm vào lợi lạc lâu dài trong cõi trời và người.

“Phổ Dũng, chúng sinh ấy khi được nghe Chánh Pháp Sanghata, mọi đức tính, mọi lợi lạc, mọi thiện căn sẽ tức thì trở nên không giới hạn.

“Lúc bấy giờ, chúng sinh ấy sẽ nói với nhau như sau, ‘với những việc đã làm, đã thu thập, nhất định phải có một pháp hiển lộ thành tựu chánh đẳng giác, và quả lành là tâm nguyện lợi lạc chúng sinh sẽ thành thục viên mãn.’

“Chúng sinh tin tưởng trong sáng nơi Phật Pháp, sẽ nói, ‘Có một Pháp hoàn toàn phù hợp với thực tướng của sự vật’, từ đó mà phát sinh quả lành là đại lạc vô thượng của chánh pháp. Còn chúng sinh nào mê muội, điên rồ, nói rằng các pháp không có, và cũng không có gì siêu việt các pháp, từ đó mà phát sinh quả dữ là đọa vào ác đạo, đời đời kiếp kiếp đâm đầu vào cõi dữ. Tám kiếp chịu khổ đau địa ngục. Mười hai kiếp chịu khổ đau quỉ đói. Mười sáu kiếp sinh cõi a tu la. Chín ngàn kiếp sinh làm ác quỉ yêu tinh. Quả dữ cạn rồi lại sinh vào loài người, nhưng mười bốn ngàn kiếp sinh ra không lưỡi. Mười sáu ngàn kiếp chết trong thai mẹ. Mười hai ngàn kiếp sinh làm hòn thịt. Mười một ngàn kiếp sinh làm người mù, chịu mọi khổ đau, khiến cha mẹ nghĩ rằng: ‘Thật phí công sinh dưỡng, sinh ra đứa con này chẳng để làm gì, mang nặng chín tháng chỉ hoài công’. Phải chịu nóng lạnh, đói khát, khổ đau bức bách. Dù có được một đứa con mà bậc cha mẹ vẫn cảm thấy tuyệt vọng, không chút niềm vui.

“Phổ Dũng, chúng sinh nào từ bỏ chánh pháp, phải chịu luân hồi trong cõi địa ngục và súc sinh. Đến lúc mạng chung phải chịu đớn đau cơn hấp hối. Phổ Dũng, người nào nói rằng, “các pháp có thật, và có người siêu việt các pháp’, nhờ thiện căn đó mà sinh vào phương Bắc cõi Câu Lâu Thượng . Hai mươi lăm ngàn kiếp sinh vào cõi trời Tam Thập Tam , khi quả báo ấy cạn thì lại sinh vào phương Bắc cõi Câu Lâu Thượng , sẽ không sinh từ thai mẹ, sẽ thấy một trăm ngàn thế giới, đều là cõi Cực Lạc , sẽ thấy tất cả các cõi Phật, an trú nơi ấy, tại nơi ấy thành tựu vô thượng bồ đề.

“Phổ Dũng, diệu dụng của kinh Chánh Pháp Sanghata là vậy. Chúng sinh nào tin tưởng sâu xa kinh này sẽ không bao giờ chết trong sự sợ hãi, sẽ đầy đủ đức hạnh.

Phổ Dũng, có người tự hỏi, ‘Như lai ngày đêm giải thoát vô lượng chúng sinh, vậy mà số lượng chúng sinh trong cõi luân hồi vẫn không giảm. Có nhiều người giác ngộ, hoặc sinh vào cõi trời, hoặc được nguồn an lạc, vậy tại sao chúng sinh luân hồi vẫn không giảm bớt?’

Lại có những người tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể, có ý nghĩ như sau, ‘chúng ta phải đến chất vấn Cồ Đàm về điều này.’ Tám mươi bốn ngàn bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang cùng hàng trăm người khổ hạnh lõa thể cùng kéo đến thành Vương Xá. Lúc bấy giờ, đức Thế tôn mỉm miệng cười.

Thấy vậy, đại bồ tát Di Lạc từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, thưa rằng, “Thưa Thế tôn, vì lý do gì mà Thế tôn mỉm miệng cười? Không phải vô cớ mà đấng Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri lại mỉm cười như vậy.”

Đức Thế tôn nói, “Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Ngày hôm nay, có một đoàn người rất đông sẽ tiến đến thành Vương Xá này.”

Bồ tát Di Lạc hỏi, “Thưa Thế tôn, ai sẽ đến đây? trời, rồng, dạ xoa, loài người hay loài không phải người [phi nhân]?”

Đức Thế tôn đáp, “Di Lạc, tất cả trời, rồng, dạ xoa, loài người và loài không phải người đều sẽ đến đây ngày hôm nay. Cả tám mươi bốn ngàn bà la môn cũng sẽ đến; chín mươi ngàn triệu tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể cũng sẽ đến đây chất vấn Như lai. Như lai sẽ nói pháp cho họ nghe, khiến tan biến mọi hý luận, nghi hoặc. Các vị bà la môn sẽ phát tâm vô thượng bồ đề, chín ngàn triệu tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể sẽ đạt quả Tu đà hoàn. Mười tám ngàn triệu long vương sẽ đến, nghe Như lai thuyết pháp. Nghe xong họ sẽ phát tâm vô thượng bồ đề. Sáu mươi ngàn triệu thiên tử cõi trời thanh tịnh sẽ đến. Ba mươi ngàn triệu Thiên ma cùng tùy tùng sẽ đến. Mười hai ngàn triệu a tu la vương sẽ đến. Các vị đại vương, tất cả có năm trăm, cùng tùy tùng cũng sẽ đến nghe pháp. Tất cả sau khi nghe Như lai thuyết pháp, đều sẽ phát tâm vô thượng bồ đề.”

Nghe vậy, đại bồ tát Di Lạc mang đỉnh đầu lạy ngang chân đức Thế tôn, theo hướng bên phải của đức Thế tôn đi quanh ba vòng, rồi thân hình biến mất ngay nơi ấy.

Đại Bồ Tát Phổ Dũng lúc ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, thưa rằng, “Thưa Thế tôn, năm trăm vị đại vương sẽ đến đây, đại danh của họ là gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Phổ Dũng ông hãy nghe đây. Trong số các vị đại vương ấy có,
đại vương Hoan Hỷ ,
đại vương Diệu Hỷ ,
đại vương Tối Thượng hỷ ,
đại vương Nhân Tiên ,
đại vương Tịnh Quân ,
đại vương Phạm Ân ,
đại vương Thiện Kiến ,
đại vương Thắng Quân ,
đại vương Hỷ Quân ,
đại vương Tần-bà-sa-la ,
đại vương Ba-tư-nặc ,
đại vương Tăng Trưởng ,
các vị đại vương nói trên cùng nhiều vị khác, tất cả năm trăm vị, mỗi vị dẫn theo một trăm ngàn triệu tùy tùng. Tất cả đều hướng tới vô thượng bồ đề, ngoại trừ đại vương Tăng Trưởng .”

Ba mươi ngàn triệu bồ tát đang đến từ phương Đông. Năm mươi ngàn triệu bồ tát đang đến từ phương Nam. Sáu mươi ngàn triệu bồ tát đang đến từ phương Tây. Tám mươi ngàn triệu bồ tát đang đến từ phương Bắc. Chín mươi ngàn triệu bồ tát đang đến từ không gian phía dưới. Một trăm ngàn triệu bồ tát đang đến từ không gian phía trên, các vị bồ tát này đều an trú thập địa, từ mười phương tiến về thành Vương Xá, đỉnh Linh Thứu, để hội diện cùng đức Thế tôn. Tất cả các vị bồ tát này đều mang tâm hướng về vô thượng bồ đề.

Lúc ấy, Phật bảo đại bồ tát Phổ Dũng, “Phổ Dũng, ông hãy đến mười phương thế giới, báo với tất cả các vị bồ tát rằng, ‘Hôm nay, tại thành Vương Xá, Như lai sẽ tuyên thuyết chánh pháp, mời tất cả những ai trú trong mười phương thế giới hãy hoan hỉ tùy thuận, chắp tay đảnh lễ.’ Ông hãy khéo đi nhanh, rồi về đây nghe Pháp.”

Nghe xong, đại bồ tát Phổ Dũng từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Thế tôn, đi quanh đức Thế tôn ba vòng theo chiều bên phải rồi vận dụng thần thông làm cho thân hình biến mất ngay nơi ấy.

Đại Bồ Tát Phổ Dũng theo lời đức Thế tôn, đi đến mười phương thế giới báo tin cho các vị bồ tát, “Hôm nay Như lai sẽ nói chánh pháp nơi thành Vương Xá. Xin quí bồ tát hãy tùy thuận hoan hỉ, cất lời tán thán “lành thay”, nhờ vào đó ngày hôm nay chư vị sẽ được lợi ích, thành tựu đại lạc.”

Đại Bồ Tát Phổ Dũng đi như vậy khắp cả mười phương thế giới, cung thỉnh vấn an mọi đấng Phật đà, báo tin cho chư bồ tát, chỉ trong thời gian một búng tay đã trở về lại thành Vương Xá, cạnh đức Thế tôn.

Tất cả bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể đều về tụ họp. Các loài trời, rồng, loài người và loài không phải người, cùng năm trăm vị đại vương và tùy tùng. Ba mươi ba ngàn triệu ma vương ác hiểm cũng tụ họp cùng tùy tùng.

Lúc bấy giờ thành Vương Xá chấn động, trên trời mưa xuống bụi trầm hương thơm ngát, lại mưa xuống những đóa hoa trời, kết thành cung điện nguy nga trên chóp đỉnh đức Thế tôn. Cũng vào lúc ấy, thiên vương Đế thích thả sấm sét xuống trước mặt Như lai. Bốn ngọn gió lớn nổi lên từ bốn hướng, quét sạch bụi uế trong thành. Mười phương thế giới mưa xuống những hạt nước thơm trong, rồi lại mưa xuống hoa ưu đàm, hoa sen , hoa sen vàng , hoa sen trắng , kết thành chiếc lọng hoa rực rỡ trên đầu chư vị trong Pháp hội, lại kết thành tám mươi bốn ngàn lầu thành bất động ngay trên đỉnh đầu đức Như lai. Nơi tám mươi bốn ngàn lầu thành kết bằng hoa quí ấy có tám mươi bốn ngàn pháp đàn kết bằng bảy loại ngọc báu. Trên mỗi pháp đàn có một đấng Như lai đang tuyên giảng chánh pháp. Khi ấy tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách.

Đại Bồ Tát Phổ Dũng thấy vậy chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn hỏi, “Thưa Thế tôn, vì lý do gì mà thành Vương Xá hôm nay lại có điềm lành hy hữu như vậy?”

Đức Thế tôn nói, “Ví dụ có lần vua xoa đầu một người tâm trí bất định, kiêu mạn, ích kỷ, xem vật gì cũng là của mình, lại rất nghèo. Người ấy đến trước cung vua, nhất định đòi vào cung. Quan quân bắt lại, đánh đập thê thảm. Ngay lúc ấy, vua nghe có người khăng khăng đòi xông vào cấm điện, nghĩ rằng ‘người này muốn giết ta.’ Nghĩ vậy vua nổi giận, nói với quần thần, ‘hãy mang hắn lên vách núi giết quách đi. Giết luôn tất cả những gì thuộc về hắn, cha mẹ, con cái, tôi tớ giúp việc.’ Theo lịnh vua, cả gia tộc người kia bị giết cả. Thân nhân rơi vào cảnh ngộ cực kỳ bi thảm. Phổ Dũng, tương tự như vậy, Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri vừa tuyên thuyết chánh pháp cho chúng sinh. Kẻ phàm phu ấu trĩ cũng như kẻ kiêu ngạo điên rồ kia, thấy được sắc tướng bên ngoài, hình dạng, màu sắc, giới phái, dung mạo lại cho rằng đây chính là thân Phật. Người như vậy nghe càng nhiều Phật Pháp thì lại càng kiêu mạn, ham nói lời vô nghĩa. Dần dà chỉ còn biết có mình, ích kỷ thiển cận, tự mình không nghe chánh pháp, lại càng không thể thuyết chánh pháp. Nếu có ai nói kinh, dù chỉ một bài kệ bốn câu, họ cũng chẳng chuyên chú nghe, chẳng cố gắng hiểu, cho rằng ‘ta thừa biết rồi.’ Vì sao? Vì kiêu mạn, thấy mình học rộng nên quay lại chiêm ngưỡng trí tuệ của chính mình. Những người giao du với kẻ phàm phu ấu trĩ như vậy sẽ không sống thuận theo chánh pháp, sẽ không nghe được lời thuận với chánh pháp, vì biết nhiều nên trở nên ngạo mạn. Lại hay viết thi kệ, kinh điển, tự viết lời giới thiệu. Họ mang bất hạnh lớn đến cho người khác và cho chính mình. Họ cũng ăn đồ cúng dường của khách thập phương, ăn rồi không tiêu hóa nổi. Đến lúc gần chết, chịu nỗi sợ hãi lớn lao. Người xung quanh mới hỏi, ‘ông đã dùng trí tuệ tinh xảo, dẫn dắt rất nhiều người, nay sao lại không thể an định cho chính mình?’ Người ấy nói, ‘Này các đạo hữu, nay tôi không thể an định cho chính mình.” Khi ấy mọi người mới kinh hoàng khóc than đủ cách. Vì hành động của một người mà thân nhân quyến thuộc vô tội bị họa lây. Tương tự như vậy, những người kia khi gần chết cất tiếng khóc than, thấy mình bị trói buộc vào cõi địa ngục, vào thai súc sinh, tất cả chỉ vì lầm lẫn noi theo bạn đạo không tốt.

“Vì vậy, Như lai nói với các ông, hỡi các vị bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, các ông đừng khinh mạn. Chim non chưa mọc cánh, chưa thể vượt trời rộng bay đến cõi Trời. Các ông cũng vậy, không thể đạt niết bàn. Thần lực ấy, các ông chưa có. Vì sao? Vì xét về nghiệp quả, nghiệp của các ông so với nghiệp sinh vào kiếp chim chẳng khác, thân xác chẳng bao lâu sẽ rã tan trong cái chết. Đến khi gần chết, vị giác mất cả, chỉ còn nỗi sợ hãi lớn lao, nghĩ rằng “Vì sao ta lại bám giữ xác thân này, đã không vui được nỗi vui của trời và của người, lại không thể trú ở niết bàn, bám giữ thân này vô ích như vậy, rồi tương lai sẽ tái sinh cõi nào? Đâu sẽ là nơi cho ta nương tựa? Rồi ta sẽ sinh vào đâu, sẽ diệt về đâu?”

Đức Thế tôn lại nói với những người tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể và bà la môn, “Các ông đối với cõi Diêm phù đủ bảy loại ngọc báu này đừng bao giờ tuyệt vọng. Đừng tự loại mình ra khỏi kho tàng chánh pháp. Có gì nghi hoặc, các ông hãy hỏi Như lai, Như lai sẽ toàn thành mọi ước nguyện cho các ông.”

Lúc bấy giờ, các vị bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang và khổ hạnh lõa thể đứng lên từ chỗ ngồi, lấy tay áo che vai, chắp tay hỏi đức Thế tôn, “Đức Thế tôn ngày đêm lúc nào cũng giải thoát chúng sinh ra khỏi luân hồi không lơi nghỉ, vậy tại sao số lượng của chúng sinh trong luân hồi vẫn không tăng không giảm? Thưa Thế tôn, vì nhân duyên gì mà chúng sinh vẫn triền miên sinh diệt không hề giảm?”

Lúc ấy, đức Thế tôn nói với đại bồ tát Dược Quân, “Dược Quân, người ngoại đạo mặc áo giáp tinh tấn, nêu lên vấn đề hệ trọng, có khả năng xua tan phiền não, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp. Đúng thật như vậy, Dược Quân, sau này chúng sinh nhiều tuổi hay ít tuổi sẽ hiểu cảnh sinh diệt luân hồi. Dược Quân, cũng có chúng sinh nhiều tuổi, giống như người ít tuổi, mê muội chẳng biết gì.

“Dược Quân, ví như có người gội đầu, mặc áo mới, bước ra đường. Ai thấy cũng khen đẹp. Lại có người cũng gội đầu, giặt áo cũ. Đầu tuy gội, nhưng áo đã cũ không đẹp. Dược Quân, người nhiều tuổi cũng như áo cũ, không thể làm đẹp cõi Diêm phù. Còn người ít tuổi thì lại hiện tướng sinh diệt.”

Lúc ấy các bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang và khổ hạnh lõa thể đứng dậy hỏi đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, trong chúng tôi, ai là người nhiều tuổi, ai là người ít tuổi?”

Đức Thế tôn đáp, “Nhiều tuổi là chúng sinh triền miên trong cảnh khổ đau luân hồi ác đạo mà không thấy đủ, vậy các ông đều là người nhiều tuổi.”

Khi ấy tất cả bà la môn cùng các long vương thưa với đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, chúng tôi không còn ham thích phiền não khổ đau trong luân hồi.”

Những người tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang và khổ hạnh lõa thể lại nói, “Trong số những người ít tuổi, không có ai lại có khả năng trực nhận chân tướng của thực tại.”

Đại Bồ Tát Dược Quân lúc bấy giờ thưa cùng đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, hãy xem họ kìa. Sao tinh tấn lại khó đến như vậy.”

Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, ông hãy lắng nghe. Bây giờ Như lai sẽ thu nhiếp toàn bộ thế giới.”

Lúc ấy, chín mươi bốn ngàn triệu người mới sinh đứng trước mặt Như lai, không thưa, không chào, cũng không hỏi đáp gì với Như lai, chỉ đứng yên lặng như vậy. Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi Như lai, ‘Kính thưa Như lai, vì lý do gì họ đến trước Như lai lại không thưa không nói, không chào, không hỏi?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, những ai nói rằng ‘người ít tuổi không thể trực nhận chân tướng của thực tại” thì nên gặp những người ít tuổi này.

Những người ấy nói, “Thưa Thế tôn, chúng con là người ít tuổi. Thưa Thiện thệ, chúng con là người ít tuổi.”

Đức Thế tôn nói, “Các ông hãy trực nhận thế giới này rồi dùng thân của các ông để thị hiện phạm vi của thế giới.”

Lúc ấy, chín mươi bốn ngàn triệu người ít tuổi không rời thân mình, trụ giữa không gian, an trú thập địa. Đại Bồ Tát Dược Quân cất lời tán thán, “Thưa Thế tôn, những người này tinh tấn vượt bực, khéo đạt pháp diệt, khéo vượt sinh tử luân hồi. Thưa Thế tôn, họ mới sinh ra hôm nay, cũng ngay trong ngày hôm nay họ được giải thoát, bước vào thập địa.”

Khi ấy, các bà la môn, tu sĩ ngoại đạo, khất sĩ lang thang, khổ hạnh lõa thể, các vị long vương, ma vương cùng tùy thuộc, lúc đầu toan đến phá rối, bây giờ đều cất tiếng nói với đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, chúng con đến trước mặt Như lai, nghe được chánh pháp này, sinh lòng tin tưởng trong sáng nơi Phật, Pháp. Nguyện an lạc như Như lai an lạc, nguyện thành bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, trong thế giới này.”

Đức Thế tôn nói, “Tốt lắm, tốt lắm! bất luận các ông đến gặp Như lai như thế nào, nghe được Chánh Pháp Sanghata này rồi phát tâm vô thượng bồ đề, nhờ gốc rễ điều lành ấy, các ông sẽ mau chóng thành tựu chánh đẳng chánh giác.”

Đức Thế tôn nói xong, tất cả người ngoại đạo tức khắc đạt vô sinh pháp nhẫn, chứng quả thập địa bồ tát. Rồi cùng thăng lên không gian cao bằng bảy cây đa la, dùng thần lực hóa hiện lầu thành bằng bảy loại ngọc quí, cúng dường Như lai, thị hiện phong phú, thi triển thần thông. Họ lại hiện ở khoảng không phía trên đức Thế tôn, rãi hoa quí lên mình Như lai, chiêm bái Như lai, quán thân mình là thân Phật.

Bấy giờ, hàng trăm ngàn triệu tỷ thiên tử đang đứng trên tầng không đồng loạt mang hoa báu rãi trên mình Như lai, đọc bài kệ này,

“Sa môn Cồ Đàm
Là bậc tối thắng,
Là đại phước điền,
Là đại cứu độ,
Thành tựu Tam Muội,
Trí biết cùng khắp,
Tròn đầy viên mãn.
Đối với chúng sinh
Trầm luân luân hồi,
Ngài luôn vận dụng
Phương tiện thiện xảo,
Lần lượt cứu độ
Tất cả mọi loài,
Không sót một ai.
Dù chỉ một lời
Cũng đủ giải thoát
Biết bao hữu tình”

Bấy giờ đại bồ tát Dược Quân từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn thưa rằng, “Thưa Thế tôn, vì lý do gì mà những vị thiên tử này lại hát bài kệ, thị hiện thần thông, dùng lời phong phú thiết tha tán dương công hạnh của Như lai như vậy?”
Đức Phật bảo, “Thiện nam tử, ông hãy nghe đây. Không phải họ tán dương Như lai mà tán dương chính bản thân họ. Rồi họ sẽ đặt thân mình làm tòa Pháp, sẽ đặt thân mình làm tòa Pháp vô thượng, sẽ từ thân mình phóng ra ánh sáng chánh pháp, sẽ được tất cả Như lai giữ gìn cho họ thành tựu vô thượng bồ đề, rồi chuyển pháp luân, giảng giải sâu rộng về chánh pháp thâm diệu.”

Lúc ấy đại bồ tát Dược Quân thưa với đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, mỗi ngày đêm, có biết bao nhiêu chúng sinh được giải thoát, sao đến nay luân hồi vẫn chưa cạn?”

Đức Thế tôn đáp, “Tốt lắm, Dược Quân, ông hỏi Như lai như vậy là tốt lắm. Ông hãy nghe đây. Ví như có một phú ông, tiền rừng bạc biển. Người ấy có nhiều tiền, nhiều hạt, nhiều kho bồ, nhiều gia nô, tá điền. Lại có rất nhiều tài sản, ruộng vườn, lúa mạch, lúa mì, lúa gạo, hạt mè, hạt đậu cả trăm giống loại đều dồi dào đầy đủ. Mùa Xuân gieo hạt, sang Thu hạt chín gặt về chất vào kho. Hạt về tới kho, giống nào cất riêng giống nấy, ăn dần cho đến mùa xuân năm sau lại mang hạt ra cấy. Dược Quân, chúng sinh cũng vậy, trong quá khứ tạo được thiện nghiệp, luôn tìm phước điền để tạo thiện căn. Nhờ được thiện căn mà tinh tấn hành trì chánh pháp, khiến thiện pháp tăng thêm. Nhờ thiện pháp tăng mà thân tâm được hỉ lạc, tri túc, và nhờ đó mà trải qua hàng ngàn triệu kiếp thiện căn vẫn không bị phí uổng.

“Dược Quân, bồ tát mới phát tâm cũng vậy, nhờ phát tâm bồ đề dũng mãnh mà thiện căn không hư hoại, nắm giữ các pháp trong dạng tinh túy nhất.” Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, bồ tát mới phát tâm, trong mơ thường thấy gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, bồ tát mới phát tâm trong mơ thường thấy cảnh dữ. Vì sao? Vì bồ tát mới phát tâm đang giải nghiệp cũ. Dược Quân, gieo ác nghiệp rồi không thể tránh khổ đau. Nhưng bồ tát thấy cảnh dữ trong mơ thì tâm không khiếp sợ.

Đại Bồ Tát Dược Quân lại hỏi, “Thưa Thế tôn, bồ tát mới phát tâm, trong mơ thường thấy cảnh dữ gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, bồ tát mới phát tâm, một là mơ thấy lửa cháy, khi ấy phải nghĩ rằng, “lửa này đốt tan tham dục.” Dược Quân, hai là mơ thấy nước xoáy, bồ tát mới phát tâm cũng không sợ hãi. Vì sao? Dược Quân, vì như vậy là có thể ném bỏ mọi ràng buộc đến từ vô minh, thanh tịnh ác nghiệp. Dược Quân, ba là mơ thấy cảnh tượng cực kỳ dữ dằn.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Là cảnh gì, thưa Thế tôn?”

Đức Thế tôn đáp, “Thấy đầu mình bị chém. Dược Quân, lúc ấy bồ tát mới phát tâm cũng không sợ hãi. Vì sao? Vì lúc ấy nghĩ rằng, “Tham, sân, si ta chặt lìa. Luân hồi sáu cõi, ta chiến thắng cả.” Bồ tát mới phát tâm sẽ không bao giờ vào cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, a tu la, rồng, trời, mà chỉ sinh vào cõi Phật thanh tịnh. Dược Quân, trong tương lai, ở một thời về sau, nếu có ai có được niệm bồ đề, phải nên thấy người ấy mang đại nguyện. Dược Quân, mặc dù người ấy sẽ bị trách móc, khinh rẻ. Dược Quân, khi ấy bồ tát đã phát tâm bồ đề không được sinh tâm buồn nản, chán chường.

“Dược Quân, Pháp Như lai dạy nhiều vô kể. Cả trăm ngàn lần vô số kiếp Như lai siêng tu phạm hạnh. Dược Quân, việc khó làm Như lai đều làm cả, không vì tiền tài thế lực, không vì mưu cầu hạnh phúc thế gian, cũng không vì thần thông. Dược Quân, việc khó làm Như lai gánh hết, chỉ để hiểu được chân tướng của thực tại. Trước khi được nghe Chánh Pháp Sanghata, Như lai không được quả vô thượng bồ đề. Ngay lúc được nghe Chánh Pháp Sanghata, Như lai đạt vô thượng bồ đề.

Vậy ông phải biết Chánh Pháp Sanghata là pháp cực kỳ sâu xa vi diệu. Dược Quân, cho dù cả trăm ngàn lần vô số kiếp cũng hiếm mà được nghe Chánh Pháp Sanghata. Dược Quân, Như lai xuất thế là điều cực kỳ hiếm hoi. Người thọ trì Chánh Pháp Sanghata cũng cực kỳ hiếm hoi. Tất cả những ai được nghe chánh pháp này sẽ thành tựu vô thượng bồ đề. Dược Quân, người ấy trong một trăm ngàn kiếp sẽ vượt thoát luân hồi, sẽ sinh vào cõi Phật thanh tịnh, sẽ đủ khả năng biết rõ các pháp Diệt và Đạo, biết rõ cội nguồn của chánh pháp, biết rõ thiện xứ, biết rõ và trực chứng thiện xứ, biết rõ thiện xứ và pháp diệt của thiện xứ. Dược Quân, ông có biết nói “diệt” là nghĩa gì?

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, ‘diệt’ chính là pháp xứ.”

Đức Thế tôn lại hỏi, “‘Pháp xứ’ là gì?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, pháp xứ là ‘tinh tấn’, ‘trì giới’, và ‘giới hạnh đầy đủ.’ Như vậy gọi là Pháp tạng, các pháp từ kho tàng chánh pháp này mà khởi sinh.”

Đức Thế tôn nói, “Hay lắm, Dược Quân. Ông trước Như lai đáp được nghĩa này, thật là hay lắm.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, vì lý do gì các đấng Như lai xuất hiện cõi thế?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, người nào biết về kho tàng trí tuệ thì sẽ biết tướng hiện của Như lai. Biết được tướng hiện của Như lai thì biết tướng hiện của Như lai là nơi an lạc thắng diệu. Rồi khi Như lai xuất hiện cõi thế, người ấy sẽ thông đạt các pháp, nhờ khéo léo phương tiện mà biết rõ mọi việc thế gian và xuất thế gian, lại biết rõ về trí tuệ thế gian và trí tuệ xuất thế gian.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, được trí tuệ rồi, làm sao chứng niết bàn?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, biết chân tướng của Pháp thì biết được niết bàn. Dược Quân, tương tự như vậy, biết được chánh pháp trong dạng tinh túy nhất thì chứng ngộ đầu tiên khởi sinh. Giữ gìn chánh pháp trong tâm đúng như được nghe thì thu nhiếp được chánh pháp. Dược Quân, giống như một thương gia, đi xa làm giàu, thu góp vàng bạc của người và của mình được ngàn nén vàng. Trước khi lên đường, cha mẹ dặn dò, ‘Con yêu quí, mang vàng bạc của mình và của người, nhiều những ngàn nén, phải thận trọng đừng để thất thoát uổng phí đi. Kiếm được nhiều lợi, phải giữ vàng cho cẩn thận. Đó là sẽ món lợi lớn cho chúng ta, cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc.’ Người con đáp, ‘con sẽ cẩn thận.’ Rồi mang vàng lên đường.

“Thương gia mang vàng lên đường, chưa đầy tháng, số vàng đã phần mất phần phung phí, một nén cũng không còn. Người ấy buồn rầu lo nghĩ, trái tim đau nhức bởi mũi tên sầu muộn. Quá lo lắng xấu hổ, người ấy không tìm về lại nhà. Cha mẹ ở nhà nghe tin, trái tim đau nhức tuyệt vọng. Họ khóc vật vã, xé áo xé quần, nói rằng, ‘Thằng con bất hiếu! Vì nó mà cả nhà bị vạ lây! Đã không làm được gì cho cha mẹ, lại còn biến tất cả thành kẻ tôi đòi.’ Cha mẹ người ấy vì quá sầu khổ tuyệt vọng nên qua đời. Người con cũng vì quá sầu khổ tuyệt vọng mà qua đời. Dược Quân, tương tự như vậy, mặc dù Như lai đã có lời giải thích, nhưng đám người kia không tin lời Như lai, đến nỗi tự mình tách lìa chính mình ra khỏi ngọc báu chánh pháp, tuyệt vọng mà tìm cái chết, khi lìa đời trái tim đau nhức bởi mũi tên sầu muộn. Cũng như cha mẹ người kia, vì ham vàng mà khóc than vật vã, tâm thần xáo trộn tột bực, chỉ vì vàng bạc của mình và của người. Tương tự như vậy, Dược Quân, ai không tin lời Như lai, tâm bất an, chịu đủ loại phiền não khi gần kề cái chết. Quá khứ làm được điều lành, đạt được cõi tái sinh tốt đẹp nhưng không biết tiếp tục tích lũy thiện nghiệp, để nghiệp báo cạn hết, tâm chìm trong phiền não. Bấy giờ thấy cảnh kinh hoàng cõi địa ngục, thai súc sinh và thế giới Diêm Vương, lại nghĩ, ‘ai che chở cho tôi? để tôi khỏi thấy cảnh địa ngục, súc sinh, quỉ đói, cõi Diêm Vương, để tôi khỏi đớn đau nơi đó.’ Người con lâm bịnh, thần trí mê sảng, trôi dần vào cõi chết. Cha mẹ nói:

“Con yêu của cha mẹ,
Dù đau đớn tật bịnh
Là điều kinh hãi nhất
Nhưng con ơi đừng sợ
Con không thể nào chết.
Kẻ chết mới sợ bịnh
Con yêu hãy vững tin
Cho dù là tật bịnh
Hay sợ hãi tật bịnh
Rồi con sẽ thoát cả.
“Người9 con đáp, ‘thần thức mê mờ, thân thể nhức nhối, tứ chi đớn đau. Con thấy con đang chết. Mắt không thấy, tai không nghe, thân không cảm, tứ chi thúc đau như khúc gỗ vô tri. Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ nói cho con nghe, cái chết vẫn chưa đến đi mẹ!’
“Người mẹ đáp, ‘Đừng nói vậy, con yêu. Con đừng làm mẹ sợ. Con chỉ sốt nóng mê sảng đó thôi.’

“Người con nói, ‘Con không cảm thấy thân con đang sốt, bịnh, hay đau. Chỉ thấy cái chết bủa vây bức bách. Ai cứu con đây? Ai sẽ là người che chở cho con?’

“Cha mẹ bảo rằng, ‘Con trai yêu ơi, con khổ như vậy chắc là vì thần linh đang giận dữ. Hay là đến cúng tế để xin họ che chở cho con?’

“Người con nói, ‘Xin cha mẹ giúp cho con được yên ổn. Cha mẹ hãy đi nhanh, đến đền thờ cầu khẩn nhanh nhanh.’

“Cha mẹ người ấy đến đền thờ, cúng hương bái thần linh. Cúng hương rồi, người giữ đền nói, ‘Thần linh đang nổi giận với các người. Các người phải cúng tế đúng phép thì mới được yên. Cần phải giết một người để tế máu, con của các người sẽ khỏi bịnh.’ Khi ấy, cha mẹ người kia bàn với nhau, ‘Phải làm sao bây giờ? Chúng ta quá nghèo. Nếu thần linh không vui, con mình sẽ chết uổng, còn nếu khiến được thần linh vui, con mình sẽ được chở che. Thôi thì dù nghèo cũng nên kiếm cho ra một nạn nhân tế thần.’ Bàn xong họ chạy vội về nhà, có được chút gì họ bán đi cả, vét hết tiền bạc, lại đi vay thêm của người, hẹn mười ngày không trả được sẽ đến đợ thân trả nợ. Gom đủ vàng, họ liền mua một nạn nhân. Mua xong, nạn nhân ấy vẫn không biết mình sẽ thành vật tế thần. Cha mẹ người kia như cuồng như dại, không về nhà mà đi thẳng đến đền thờ, nói với người giữ đền, ‘Xin hãy chuẩn bị việc tế thần cho nhanh.’ Rồi tự tay giết nạn nhân kia, cướp đi mạng sống của người ấy. Người giữ đền đốt mỡ lên làm đồ cúng, bắt đầu lễ tế thần. Lúc ấy thần linh giáng xuống, nói rằng, ‘Ta sẽ thâu nhận con trai các người.’ Cha mẹ người ấy vui mừng nhảy nhót, nói với nhau, ‘Vậy là con mình tai qua nạn khỏi, dù chúng ta có phải sống kiếp tôi đòi cũng cam tâm.’ Nói xong bái tạ thần linh, quay trở về nhà. Tới nhà thấy ra con mình đã chết. Cha mẹ đau lòng quá độ, chết ngay tại chỗ. Dược Quân, cần phải thấy giao du với người bất thiện tai hại đến như vậy.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, xin cho con hỏi một điều.”

Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, ông cứ hỏi.”

Đại Bồ Tát Dược Quân nói, “Thưa Thế tôn, những người kia chết rồi sinh về đâu?”

Đức Phật nói, “Thôi, Dược Quân, ông đừng hỏi việc ấy.”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Xin đức Thế tôn mở lòng từ bi nói cho chúng con được biết.”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, người mẹ sinh vào địa ngục Khóc than [Hào khiếu]. Người cha sinh vào địa ngục Núi đè [Chúng hợp]. Người con sinh vào địa ngục Nóng [Viêm nhiệt]. Người giữ ngôi đền sinh vào địa ngục A tỳ.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, còn nạn nhân vô tội kia, sinh vào cõi nào?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông nên biết rằng người vô tội kia được sinh vào cõi trời Tam Thập Tam .”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, nhờ nhân gì mà được sinh vào cõi trời Tam Thập Tam?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân ông hãy nghe đây. Lúc chết, lúc bị cướp đi mạng sống, người ấy nảy một niệm tin tưởng trong sáng nơi Như lai, nói mấy chữ sau đây, “Nam mô Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri.” Chỉ một lần thôi. Nhờ thiện căn này mà được sinh vào cõi trời ấy, sống an lạc sáu mươi kiếp. Biết được việc trong tám mươi kiếp về trước. Sinh ra ở đâu cũng không gặp phiền não. Sinh ra là phiền não tan đi. Chúng sinh ấy không thể làm cho phiền não tận diệt.”

Nghe xong, đại bồ tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, phải thế nào mới có thể làm cho phiền não tận diệt?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, cần phải tinh tấn vượt bực.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, phải tinh tấn vượt bực như thế nào?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông hãy nghe đây: tinh tấn là tướng hiện của quả. Cái gọi là ‘quả Tu đà hoàn’, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là ‘quả Tư đà hàm’, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là ‘quả A na hàm’, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là ‘quả A la hán’, và sự tịch diệt của bậc A La Hán, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là ‘quả Độc Giác” và trí tuệ của bậc Độc Giác, là chỗ của hạnh tinh tấn. Cái gọi là ‘quả bồ tát” và đại giác ngộ, là chỗ của hạnh tinh tấn. Dược Quân, tất cả những điều nói trên đều được gọi là ‘chỗ của hạnh tinh tấn.’

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, Tu đà hoàn và quả Tu đà hoàn có tướng hiện như thế nào?”

Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, ví như có người trồng cây, vừa trồng xuống, cây đã đâm chồi chỉa nhánh sum suê. Nội một ngày rễ sâu một do tuần. Lại cũng có người trồng cây, khi trồng gặp gió lớn, cây chẳng lên được chồi xanh nào. Người ấy bứng cây đi. Người kia thấy vậy lên tiếng, ‘Vì sao ông đào đất của tôi?’ Trong lúc cả hai đang dằn co với nhau, nhà vua đi ngang, thấy có trận cãi vã liền bảo quần thần, ‘gọi hai người ấy đến đây cho ta.’

“Quần thần vâng lời, chạy nhanh đến nói, ‘Đại Vương truyền gọi hai ông.’

“Nghe vậy, một người hoảng hốt sợ sệt, còn một người vẫn điềm tĩnh an nhiên. Cả hai đến trước mặt vua. Vua hỏi, ‘Vì cớ gì hai ngươi dằn co cãi vã với nhau?’

“Một trong hai người đứng lên thưa, ‘Thưa Đại Vương, tôi không có ruộng vườn, chỉ mượn được mảnh đất này trồng cây. Trồng một ngày, cây đơm hoa kết trái, nửa sống nửa chín. Ngay ngày đó, người kia cũng đến trồng cây, nhưng trong khi trồng gặp gió lớn, cây không thể đâm chồi. Thưa Đại Vương, rễ cây của người ấy không sâu đủ một do tuần, vì vậy người ấy không vui đến kiếm chuyện sinh sự với tôi, nói rằng tất cả đều là lỗi của tôi. Xin Đại Vương xét cho, tôi hoàn toàn không có lỗi.’

“Khi ấy nhà vua triệu tập ba mươi triệu quần thần, phán rằng, ‘Các ông nói đi.’

“Quần thần thưa, ‘Tâu Đại Vương, nói điều gì?’

“Vua đáp, ‘Các ông có bao giờ từng nghe có ai trồng cây mà trong một ngày mọc lên đủ cành đủ lá, hoa trái sum suê, nửa sống nửa chín? Các ông nói thử xem có thể có chuyện như vậy được hay không?’

“Quần thần đứng dậy, tâu rằng, ‘Tâu Đại Vương, chuyện này là phép lạ, chúng tôi không thể biết chắc được. Phải hỏi người kia kỹ hơn.’

“Nhà vua quay lại hỏi người kia, ‘Lời ngươi nói lúc nãy có thật không?’

“Người ấy đáp, ‘Tâu Đại Vương, toàn là sự thật.’

“Vua nói, ‘Ta chưa từng nghe qua chuyện lạ như vậy. Ngươi nói rằng ‘cây trồng một ngày, đơm hoa kết trái’, thật là chuyện khó tin.’

Người ấy chắp tay đáp, ‘Nếu Đại Vương không tin, xin cứ hãy đến đó đích thân trồng thử.’

“Vua bèn ra lệnh nhốt hai người kia vào ngục, tự mình dẫn ba mươi triệu quần thần ra mảnh đất nọ, lấy cây trồng thử. Cây không nảy mầm, không ra lá, chẳng đơm hoa, không kết trái. Vua nổi giận truyền lịnh, ‘Mang rìu lại đây.’ Quần thần đưa rìu lại, vua hạ lịnh đốn ngã gốc cây sum suê hoa trái người kia trồng. Thân cây ngã xuống, mười hai cây khác mọc lên. Vua lại bảo chặt. Mười hai cây ngã xuống, hai mươi bốn cây khác lại mọc, với đầy đủ gốc rễ hoa trái, chồi xanh mơn mởn, lấp lánh bảy thứ châu ngọc quí giá. Trên cây xuất hiện hai mươi bốn con chim mào vàng cánh ngọc, âm thanh trong suốt. Vua thấy vậy lại càng tức tối, tự tay đưa rìu bổ xuống gốc cây. Rìu phập vào thân cây, nước cam lồ tuôn ra. Bấy giờ nhà vua cảm thấy bất an, truyền lịnh, ‘Thả hai người kia ra khỏi ngục’, quần thần dạ rang, tức tốc chạy về ngục dẫn hai người đến gặp vua.

“Vua bấy giờ lên tiếng hỏi, ‘Ngươi trồng thứ cây gì, mà cứ đốn xuống thì lại mọc lên nhiều gấp bội, thành những hai mươi bốn cây, trong khi cây của ta chẳng ra mầm trổ lá, chẳng kết trái đơm hoa?’

“Người kia thưa rằng, ‘Vì công đức người trồng không giống nhau.’

“Quần thần nghe xong, quì cả hai chân, nói với người kia, ‘Ông mới xứng là vua trị nước. Vua trước không xứng đáng.’ Người kia bấy giờ nói,

‘Phước báu đế vương
Tôi chẳng mong cầu
Cũng không mong cầu
Tiền tài, của cải.
Chỉ tin nơi Phật.
Nguyện trở thành bậc
Tôn quí nhất trong
Các loài hai chân.
Nguyện đến được nơi
Như lai trú ở
Thanh tịnh niết bàn.
Nguyện đem chánh pháp
Thuyết cho các ông
Cùng đến niết bàn.’
“Người ấy xếp chân
Theo thế hoa sen,
Và thú nhận rằng:
‘Trong thời quá khứ,
Tôi phạm ác nghiệp,
Nên nay bị nhốt
Vào ngục của vua.
Bây giờ tại đây,
Phát tâm bồ đề
Nguyện tan nghiệp cũ’
“Lúc ấy hai mươi bốn triệu con chim mỏ ngọc kim cương xướng lên âm thanh trong vắt. Lại có ba mươi hai ngàn tòa lầu hiện ra, mỗi tòa rộng hai mươi lăm do tuần, với hai mươi lăm triệu con chim mỏ vàng mào vàng, mặt vàng, cất tiếng người nói rằng,
‘Đại Vương chặt cây, gây quả ác. Hai mươi bốn cây trong số một trăm triệu cây, mọc sừng sững trước mặt Đại Vương. Vì việc làm bất thiện này mà Đại Vương sẽ gặp quả bất thiện. Đại Vương có biết người trồng cây ấy là ai chăng?’

“Vua rằng,

‘Tôi thật không biết.
Xin nói tôi nghe
Người trồng cây ấy
Đích thật là ai?’

“Chim đáp,

‘Người ấy sẽ là
Ngọn đèn thế giới,
Xuất hiện cõi trần,
Làm người dẫn dắt
Toàn thể chúng sinh
Ra khỏi ràng buộc
Sinh tử luân hồi.’

“Vua hỏi,

‘Vậy còn người kia
Trồng cây không mọc,
Đã làm những gì
Trong thời quá khứ?
Xin chim giải thích
Tôi nghe được chăng?

“Chim đáp,

‘Đề Bà Đạt Ma
Là tên người ấy.
Không chút căn lành,
Lấy gì cây mọc?’

“Ngay lúc ấy, ba mươi triệu quần thần nghe chánh pháp này đồng loạt chứng quả thập địa, được trí huệ trong suốt, còn nhà vua an trụ thập địa rồi thành tựu thiện pháp.”
Bồ tát Dược Quân nghe đức Thế tôn kể xong, hỏi rằng, “Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà ba mươi triệu quần thần đạt được trí tuệ trong suốt, an trụ thập địa?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông hãy nghe Như lai giải thích đây.”

Bấy giờ đức Thế tôn mỉm miệng cười, từ miệng phóng ra tám mươi bốn ngàn tia sáng lớn, đủ cả trăm vạn sắc màu xen lẫn, xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, pha lê, bạc, chiếu sáng rực rỡ thế giới vô lượng vô biên, rồi về lại cạnh đức Thế tôn, vòng quanh ba vòng theo chiều bên phải rồi tan biến vào đỉnh đầu của Phật.

Lúc ấy đại bồ tát Dược Quân từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt một vạt áo lên vai, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn mà nói, “Thưa Thế tôn, vì lý do gì Thế tôn mỉm cười? Không phải vô cớ mà bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri lại mỉm cười.” Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, ông có thấy vô số người từ bốn phương đang về đây tụ họp không?” Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa không, con không thấy.” Đức Thế tôn nói, “Vậy ông nhìn lại cho kỹ, nhiều vô cùng tận.”

Bấy giờ đại bồ tát Dược Quân quan sát kỹ lưỡng, thấy phương Đông có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Phương Nam có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Phương Tây có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Phương Bắc có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Không gian phía dưới có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng. Không gian phía trên có một gốc đại thụ tỏa rộng đến bảy ngàn do tuần. Trên đó có hai mươi lăm ngàn triệu thân người tụ tập, không nói năng, không thưa hỏi, không trò truyện, không ăn, không đứng, không đi, chỉ ngồi chờ im lặng.

Đại Bồ Tát Dược Quân mới thưa đức Thế tôn, “Thưa Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, xin cho con hỏi một điều.”

Đức Thế tôn đáp, “Ông có điều gì thắc mắc cứ hỏi, Như lai sẽ vì ông mà trả lời tất cả.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, vì sao vô số thân người như vậy từ bốn phương kéo đến và ngồi lại đây? Vì sao ở giữa không gian phía trên và phía dưới lại có năm mươi ngàn triệu người kéo đến, và ngồi lại? Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà có việc như vậy?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông hãy tự mình đến thăm các đấng Như lai trong mười phương thế giới, hỏi xem những thân người này đến từ cõi nào.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, con dùng thần lực nào để đi? Thần lực của Như lai, hay thần lực của chính mình?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông hãy đi bằng thần lực của chính mình.”

Đại Bồ Tát Dược Quân nghe xong, theo hướng bên phải của đức Thế tôn đi quanh ba vòng, rồi thân hình biến mất ngay nơi ấy. Sau khi đi qua hơn chín mươi sáu triệu thế giới, đại bồ tát Dược Quân đến thế giới tên gọi Nguyệt Đăng . Vị Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri của cõi ấy tên là Nguyệt Thượng Cảnh Giới . Như lai Nguyệt Thượng Cảnh Giới đang thuyết pháp cho tám mươi ngàn triệu đại bồ tát.

Khi ấy đại bồ tát Dược Quân tới cõi Nguyệt Đăng, đến bên Phật, mang đỉnh đầu lạy ngang chân đức Thế tôn Nguyệt Thượng Cảnh Giới, bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, rồi đứng dậy chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, nói rằng, “Thưa Thế tôn con từ cõi Phật của đức Thế tôn Thích ca mâu ni Như lai, tại cõi Ta bà, đã vượt chín mươi sáu ngàn triệu thế giới để đến đây. Không nơi nào con thấy được nhiều thân người như con đã thấy ở cõi ấy. Thưa đức Thế tôn, vì nguyên do gì trong Pháp hội của đức Thế tôn Thích ca mâu ni Như lai tại cõi Ta bà lại có nhiều thân người từ mười phương về tụ họp đông đảo như vậy? Con chưa từng thấy số lượng thân người nhiều như số lượng thân người đang trú ở cõi Ta bà.”

Đức Thế tôn Nguyệt Thượng Cảnh Giới đáp, “Dược Quân, ngay chính nơi ấy, họ thường lang thang và ở lại.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, vì sao lại như vậy?” Đức Thế tôn đáp, “Họ từ cây gỗ vô tri sinh ra.” Đại Bồ Tát Dược Quân nói, “Con chưa từng nghe nói có chúng sinh nào lại từ cây gỗ vô tri sinh ra.” Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông chưa từng nghe nói thật sao?” Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, con chưa từng nghe qua, chưa từng được thấy.” Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông muốn thấy không? Như lai sẽ chỉ cho ông thấy.” Dược Quân thưa, “Thưa Thế tôn, con rất muốn. Thưa Thiện thệ, con rất muốn.”

Bấy giờ Đức Thế tôn Nguyệt Thượng Cảnh Giới Như lai duỗi cánh tay. Từ cánh tay Phật sinh ra một trăm ngàn triệu thân người. Mỗi thân người duỗi ra một trăm cánh tay, rãi các loại hương hoa hương xoa cúng dường Như lai. Khi ấy đức Thế tôn Nguyệt Thượng Cảnh Giới Như lai hỏi đại bồ tát Dược Quân, “Ông bây giờ thấy được chưa, Dược Quân? có thấy thân người đang rãi hương hoa hương xoa cúng dường Như lai?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, con có thấy, thưa Thiện thệ, con có thấy.”

Đức Thế tôn dạy, “Thế đó, thân người vô tri hiện ra. Thế đó, con người vô tri ra đời.”

Một trăm triệu thân người, mỗi thân duỗi ra một trăm cánh tay, và đều rơi đọa. Đại Bồ Tát Dược Quân nói, “Thưa Thế tôn, vì sao lại như vậy? Thưa Thiện thệ, vì sao trăm cánh tay mà trong khoảnh khắt có thể rơi đọa như vậy? Thưa Thế tôn, cúng dường với hàng trăm cánh tay mà vẫn chưa giải thoát, vậy người chỉ có hai tay giải thoát được còn hiếm đến mức nào!”

Đức Thế tôn đáp, “Ông nói đúng lắm, Dược Quân. Tương tự như vậy, thân người vô tri sinh, vô tri diệt. Dược Quân, ông nên biết xác thân này là vật vô tri, như mộng như huyễn.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, thân người ấy có phải cũng có kẻ ít tuổi, có kẻ nhiều tuổi?” Đức Thế tôn đáp, “Đúng vậy, Dược Quân, có kẻ ít tuổi, có kẻ nhiều tuổi.” Đại Bồ Tát Dược Quân lại hỏi, “Thưa Thế tôn, vậy ai là kẻ ít tuổi? ai là kẻ nhiều tuổi?” Đức Thế tôn đáp, “Những kẻ ông vừa thấy rơi đọa đó, là kẻ nhiều tuổi, còn những người do cây sinh ra là kẻ ít tuổi.” Đại Bồ Tát Dược Quân nói, “Xin Thế tôn cho con được gặp những người ít tuổi.”

Bấy giờ Đức Thế tôn Nguyệt Thượng Cảnh Giới đưa bàn tay phải ra; từ mười phương, một trăm ngàn triệu thân người tụ họp lại. Từ không gian phía trên và phía dưới, năm mươi triệu thân người tụ họp lại. Tất cả đều không quì đảnh lễ đức Thế tôn cũng không thưa gởi, chỉ đứng im lặng.

Khi ấy đại bồ tát Dược Quân nói, “Thưa Thế tôn, vì sao những người này không nói năng mà chỉ đứng im lặng?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông không biết sao? Cõi này vô tri không nói, cũng không hiểu chánh pháp. Vì sao? Dược Quân, có những người ít tuổi trong Pháp hội này không biết sinh, không hiểu diệt. Dù có thấy khổ não lớn lao của già, bệnh, sầu muộn, khóc than, yêu phải xa, ghét phải gần, chết và chết không đúng kỳ, họ vẫn không xúc động, không chán ngán. Vậy họ lấy gì để hiểu? Dược Quân, họ là những người cần được giáo hóa luôn luôn.”

Nghe xong đại bồ tát Dược Quân nói, “Thưa Thế tôn, vậy những kẻ ít tuổi không biết chánh pháp ấy, họ đến từ đâu? đi về đâu? sẽ tái sinh về cõi nào?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông hãy nghe đây. Thân người họ có không phải là sản phẩm của thợ vàng, thợ hàn, thợ mộc, cũng không phải do thợ thủ công nắn đất mà thành. Thân ấy cũng không vì sợ vua mà hiện ra. Thân ấy do nghiệp mà thành, từ phối hợp nam nữ sinh ra. Kiếp này sang kiếp khác họ được dạy nhiều tiểu xảo, gặp lắm nỗi đau bén nhọn triền miên, toàn là kết quả của ác nghiệp đã làm trong quá khứ. Dược Quân, ở cõi này, những kẻ ít tuổi chưa tỉnh thức sẽ phải chịu nhiều khổ đau như vậy. Vì lý do ấy họ không nói năng trò chuyện. Họ không nói lời nào cả. Dược Quân, những người ít tuổi này không biết điều lành, không biết sinh, không biết diệt, nên sẽ không đạt được thân người. Dược Quân, những người như vậy được gọi là “người ít tuổi.”

Đại Bồ Tát Dược Quân lại hỏi, “Thưa Thế tôn, vậy người ít tuổi sinh ra như thế nào? chết đi ra sao?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, giống như người cầm củi đưa vào trong lửa, củi sẽ bắt lửa cháy sáng. Thân thể con người cũng tương tự như vậy, đầu tiên sinh vào thân người. Sau khi sinh, thì có cảm xúc.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Ở đây ai là người có sự sinh toàn hảo? Ai là người đã đạt Đại niết bàn?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, đúng như ông hỏi, Phật đà có sự sinh toàn hảo, Như lai đã đạt Đại Niết bàn. Ví như có người bị vua nhốt vào hầm tối. Vào hầm rồi nhìn đâu cũng chỉ thấy bóng tối thăm thẳm. Lại có người khi xưa đã từng chịu nhiều khổ não, nay thấy người này bị đưa vào chỗ tối, nghĩ rằng, ‘Người này chưa từng trải qua cảnh tối tăm như vậy, chắc chắn không thể thích nghi, e chết mất thôi.’ Nghĩ vậy mới đốt một ngọn lửa nhỏ phía sau nhà để khích lệ an ủi người đang bị nhốt. Không ngờ ngọn lửa tình cờ bốc lớn, lan rộng, cả tòa nhà bốc cháy, thiêu chết người. Nhà vua nghe tin có người chết, trong lòng xốn xang nghĩ rằng, ‘Từ nay ta sẽ thôi không nhốt người vào hầm tối.’ Rồi nói với người trong vương quốc, ‘Các người đừng sợ hãi, rồi các người sẽ được bình an. Từ nay về sau sẽ không còn ai đánh đập nhốt các người vào hầm tối. Ta sẽ không hại mạng sống của các người. Không cần phải sợ hãi nữa.’

“Dược Quân, tương tự như vậy, Như lai là người đốt tan mọi phiền não, chữa lành mọi bịnh khổ. Như người kia nhà cháy thân cũng cháy, vì bình an phúc lạc của chúng sinh mà giải thoát tất cả ra khỏi vòng tù tội, Như lai cũng vậy, xả bỏ mọi ô nhiễm tham sân si, xuất hiện trong cõi thế như ngọn đèn soi sáng chúng sinh, giải thoát tất cả ra khỏi địa ngục, ra khỏi thân súc sinh, quỉ đói [ngạ quỉ], a tu la. Chúng sinh ít tuổi hay nhiều tuổi, Như lai đều giải thoát cả.”

Khi ấy trên không rãi xuống âm thanh hát lời kệ,

“Ruộng phước tuyệt hảo
Ruộng phước tối thắng
Đã khéo bày mở,
Hạt giống gieo vào
Không bị mất đi.

Ruộng phước Phật đà,
Cõi Phật thanh tịnh,
Khai mở chánh pháp
Của đấng Đại Hùng.

Đạo sư vận dụng
Kho tàng trí tuệ,
Độ dẫn chúng sinh
Vào cõi niết bàn.

Xuất hiện cõi thế,
An lạc cõi trần,
Thanh tịnh cõi Phật,
Những người nhiều tuổi
Cùng người ít tuổi
Trong toàn ba cõi
Đều được cứu thoát
Ra khỏi luân hồi.

Phật đóng tất cả
Cửa vào địa ngục,
Cửa vào súc sinh,
Cửa vào ngạ quỉ,
Nhờ đó thế gian
Cùng cõi xuất thế
Đều được thanh tịnh.”

Lúc ấy đức Như lai Nguyệt Thượng Cảnh Giới mỉm miệng cười, nói rằng,

“Lành thay, thấy được bậc tối thắng.
Lành thay, thấy được đấng Phật đà.
Lành thay phước điền diệu pháp.
Lành thay Tăng già hòa hợp.
Lành thay Chánh Pháp Sanghata được tuyên thuyết, là nơi tận diệt của ác pháp. Ai nghe được pháp này sẽ thành tựu đường tu tối thượng.”

Khi ấy đại bồ tát Dược Quân chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, thưa rằng, “Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà đức Thế tôn mỉm miệng cười?” Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, Thiện nam tử, ông có thấy những người ít tuổi kia không?” Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, con có thấy. Thưa Thiện thệ, con có thấy.” Đức Thế tôn nói, ” Dược Quân, ngày hôm nay tất cả những người ấy sẽ thành tựu thập địa bồ tát.”

Khi ấy đại bồ tát Dược Quân bay lên không trung, cao tám mươi ngàn do tuần, lại có tám mươi ngàn triệu thiên tử mưa xuống những đóa hoa rực rỡ cúng dường đức Thế tôn. Thấy đại bồ tát Dược Quân, những người ít tuổi chắp tay đảnh lễ. Khi ấy đại bồ tát Dược Quân đứng trong không trung, vận dụng âm thanh lớn rót vào tam thiên đại thiên thế giới. Chúng sinh trong ba mươi hai địa ngục lớn đều nghe, chúng sinh ba mươi hai tầng trời đều nghe, tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách. Tám mươi bốn ngàn long vương tận đáy đại dương cũng nghe rung chuyển, ba mươi ngàn triệu la sát lũ lượt kéo về, hai mươi lăm ngàn triệu quỉ đói, dạ xoa, la sát từ vương quốc Adakavati kéo về trước mặt đức Thế tôn Nguyệt Thượng Cảnh Giới, tụ họp đông đảo. Khi ấy đức Thế tôn nói pháp cho những người ít tuổi, và một trăm triệu bồ tát từ các thế giới mười phương cùng dùng thần lực kéo đến dự hội.

Khi ấy đại bồ tát Dược Quân chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, nói rằng, “Thưa Thế tôn, rất nhiều đại bồ tát đều đến tụ họp đông đảo, thưa Như lai, các loài trời, thần, rồng, cũng đều đến tụ họp đông đảo. Lại có rất nhiều dạ xoa, la sát, quỉ đói, đến từ thế giới Adakavati, cùng về tụ họp đông đảo, mong được nghe Pháp.”

Khi ấy đức Thế tôn nói với Bồ tát Dược Quân, ‘Thiện nam tử, ông hãy về lại đây.”

Đại Bồ Tát Dược Quân dùng thần lực trở xuống từ tầng không, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn thưa rằng, “Tập hợp chánh pháp’, thưa Thế tôn, con được nghe nói về ‘tập hợp chánh pháp’. Vậy xin Thế tôn cho con hỏi ‘tập hợp chánh pháp’ nghĩa là gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Thiện nam tử, khi nào có người tu phạm hạnh thì gọi là ‘tập hợp chánh pháp.’ Vì gắng tu phạm hạnh, nên tránh điều bất thiện. Ông có thấy, Thiện nam tử, những người ít tuổi kia, việc gì không thích hợp với phạm hạnh, họ đều không làm. Họ sẽ nắm được năng lực Tổng Trì, sẽ thu nhiếp được vạn pháp.”

Đại Bồ Tát Dược Quân lại hỏi, “Thưa Thế tôn, nhờ đâu mà đông đảo chúng sinh về tụ hội nơi đây để nghe nói về ‘tập hợp chánh pháp’?”

Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, có rất nhiều chúng sinh không biết rằng sinh chính là khổ, lão chính là khổ, bịnh chính là khổ, rằng sầu đau là khổ, khóc than là khổ, thương mà phải xa là khổ, ghét mà phải gần là khổ, rồi sau biết bao nhiêu khổ đau như vậy, cái chết đến cướp đi thân thể và tánh mạng. Dược Quân, tất cả những điều ấy đều gọi là ‘khổ’, nhưng có rất nhiều chúng sinh đối với ý nghĩa khổ đau này lại không nghe, không biết.”

Người ít tuổi trong Pháp hội nghe đức Phật dạy, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, hỏi rằng, “Thưa Thế tôn, phải chăng chúng con cũng sẽ chết?”

Đức Thế tôn nói, “Đúng vậy, Thiện nam tử, tất cả chúng sinh đều sẽ chết.”

Họ lại hỏi, “Thưa Thế tôn, cái chết đến như thế nào?”

Đức Thế tôn đáp, “Thiện nam tử, ngay lúc chết, đến sát na cuối cùng của tâm thức, có ba luồng khí mang tên gọi ‘khiến thức tận diệt’, ‘khiến thức xao động’ và ‘khiến thức tán loạn’. Thiện nam tử, vào lúc mạng chung, ba loại khí này sẽ khiến thần thức cuối cùng xáo trộn, chao động và tán loạn.”

Họ lại hỏi, “Thưa Thế tôn, vào lúc mệnh chung, có ba loại khí khiến thân thể hư hoại, ba loại khí ấy là gì?” Đức Thế tôn nói, “khiến cho thân thể hư hoại có ba thứ, gọi là ‘vũ khí’, ‘hấp dẫn’ và ‘thương tổn.” Họ lại hỏi, ‘Thưa Thế tôn, cái gọi là ‘thân thể’, thật ra là gì?” Đức Thế tôn nói, “Thân còn được gọi là ‘bốc sáng’, là ‘lửa cháy’, là ‘đờm dãi’, là ‘phun ợ’, là ‘viếng nghĩa trang’, là ‘ngu muội’, là ‘gánh nặng’, là ‘khổ vì sinh’, là ‘động vì sinh’, là ‘khổ não vì sinh lực’, là ‘mang lại cái chết và lìa người thân thương’. Những sự như vậy đều là tên gọi của ‘thân’. Họ lại hỏi, “Thế nào là sống ? thế nào là chết?” Đức Thế tôn đáp, “Này những người sống lâu, các ông nên biết, ‘thức’ chết, còn ‘nghiệp’ trường tồn. Cái gọi là ‘thân’, gắn liền với hàng triệu gân mạch, tám mươi bốn ngàn lỗ chân lông, mười hai ngàn chi và hơn ba trăm sáu mươi đốt xương. Lại có tám mươi bốn ngàn loại ký sinh trùng sống bên trong thân thể. Tất cả đều sẽ chết; đều đoạn diệt. Khi con người chết đi thì các loài trùng đều không còn hy vọng. Vì chúng kích động quay lại nhai nuốt lẫn nhau, nên khí trong thân thể bị xáo trộn. Vì vậy mà chúng phải chịu khổ não lớn lao, hoặc khổ vì con trai, hoặc khổ vì con gái, hoặc khổ vì chồng, vì vợ, tất cả các sinh vật này đều bị mũi tên phiền muộn đâm thủng, nhai nuốt lẫn nhau cho đến khi chết hết, chỉ còn lại hai con. Lại tranh đấu với nhau cho đến bảy ngày. Sau bảy ngày, một con chết, một con thoát.

Này người sống lâu, nếu các ông tự hỏi cái gì gọi là ‘pháp’? Các ông nghĩ sao? Cũng giống như các loài trùng kia đấu tranh nhai nuốt lẫn nhau cho đến chết, chúng sinh phàm phu mê muội cũng vậy, luôn tranh chấp, chém giết nhau, chẳng biết sợ sinh, sợ già, sợ bịnh, sợ chết. Cũng như hai con trùng kia đánh giết lẫn nhau, chúng sinh phàm phu mê muội cũng vậy, đánh giết lẫn nhau. Đến khi mạng chung, có thiện tri thức đến hỏi, ‘Này đạo hữu, ông đặt lòng tin của mình ở đâu? Có biết sinh là khổ nạn? Có biết lão là khổ nạn? Có biết bịnh là khổ nạn? Có biết tử là khổ nạn?’

Người phàm phu đáp, ‘Tôi đã thấy và biết sinh lão bịnh tử là khổ.’ Thiện tri thức lại hỏi, ‘Vậy tại sao không từng cấy trồng gốc rễ điều lành? Sao không từng cấy trồng thiện căn, tập hợp chánh pháp, để đến với hạnh phúc của cả hai thế giới? Đạo hữu, cho chúng tôi hỏi thêm lần nữa, sao không tích tụ công đức để vượt thoát sinh tử? Sao không tìm hiểu đâu là nơi mình cần hướng tâm về? Sao không nghe tiếng trống đại pháp dóng lên trên toàn cõi thế? Sao không thấy việc cấy trồng hạt lành nơi ruộng phước Như lai, dâng các món hương thơm, vòng hoa, vòng đèn? Sao không thấy việc cúng dường ẩm thực cho Như lai, cho bốn chúng thanh tịnh, tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắt, ưu bà di đang dốc lòng tu học Phật pháp?’

Cứ như vậy họ nói lời lợi ích cho người sắp chết. ‘Này vua, sao không làm được việc thiện nhỏ nhoi nào? Này người, sinh vào cõi Diêm phù này, sao chỉ làm toàn việc bất thiện?’

“Lúc ấy, vị Đại Pháp Vương nói lời kệ, khích lệ người sắp chết,

‘Gặp Như lai xuất thế,
Nghe trống pháp quảng đại,
Nhận kho tàng diệu pháp,
Mở niết bàn an lạc,
Gặp được thiện duyên này,
Sao vẫn chưa tinh tấn?’

“Người ấy đáp rằng:

‘Tâm tôi vốn mê muội,
Lại không gặp bạn hiền,
Nên chứa mầm ô nhiễm.
Tâm vướng đầy tham ái,
Tạo lắm nghiệp chẳng lành:
Giết hại nhiều chúng sinh;
Phá chúng Tăng hòa hợp;
Dùng tâm lý chấp ngã,
Đập phá tháp cùng chùa;
Thường nói lời phỉ báng
Làm phiền lòng mẹ cha.
Nay những nghiệp đã tạo,
Tôi thấy rõ tất cả.
Tôi thấy tôi sinh vào
Cõi địa ngục Hào khiếu,
Vào địa ngục Chúng hợp,
Chịu đau đớn không cùng.
Rồi vào ngục Đại nhiệt,
Lại chìm cõi Vô gián,
Gào thét cõi Đại liên,
Sợ hãi cõi Hắc thằng,
Hàng trăm lần chưa hết.
Chúng sinh cõi địa ngục
Bị lôi xuống không ngừng,
Nên cứ hoài sợ hãi.
Rơi trăm ngàn do tuần,
Sâu thẳm trong nỗi sợ,
Như tuột vào lòng phễu
Không tìm được lối ra.
Hàng ngàn đao gươm bén,
Trong cõi ngục đao binh .
Trăm ngàn lần vô số
Rừng gươm và núi đao
Cắt thân hình đứt đoạn,
Vì nghiệp cảm mà thành.
Lại có cơn bão lớn
Xốc tung thân thể lên,
Xốn xang không kể xiết.
Chúng sinh nào cũng thấy
Thân tôi đầy đớn đau.
Cướp tài sản người khác
Giữ hết làm của mình,
Lại chẳng từng cho ai.
Giữ con trai con gái,
Giữ cha mẹ anh em,
Giữ thân nhân bằng hữu,
Giữ gia đinh, nô tỳ,
Giữ ngựa bò, gia súc.
Tôi lạc lối lầm đường,
Sa đọa cảnh giàu sang.
Mang bạc vàng châu báu,
Gấm vóc cùng ngọc ngà,
Xây lầu thành nguy nga,
Người ra vào tấp nập.
Nhạc du dương không dứt,
Tham đắm cùng âm thanh.
Thân mình tẩm nước thơm,
Chẳng từng nghe thỏa mãn.
Ôi thân thể tham lam,
Vì thân mà lầm lạc,
Chẳng còn nơi nương tựa,
Bây giờ và tương lai,
Khi bão lớn nổi lên,
Thân xốc tung từng mảnh.
Lưỡi quen nếm vị ngọt,
Trên đầu quen kết hoa,
Mắt mê mờ sắc đẹp,
Không thể nương dựa vào.
Mắt này đã nhiều lần,
Là nhân tạo nghiệp dữ.
Cũng như các nghiệp dữ
Vì tai mà sinh ra.
Cánh tay mang vòng quí,
Nhẫn đeo đầy ngón tay,
Cổ lấp lánh trai ngọc,
Trang sức nặng hai chân,
Vòng vàng quanh mắt cá
Toàn thân phủ ngọc ngà.
Đầy chuỗi vàng vòng bạc
Hưởng vô tận giàu sang.
Tâm khoái lạc đam mê,
Quen cảm giác êm dịu,
Tham đắm cùng lụa là,
Thảm đẹp với chăn êm.
Nuông thân trong xa xỉ
Tẩm thân bằng nước quí,
Xông ướp đủ loại hương,
Trầm hương cùng chiên đàn,
Không gian mùi tỏa ngát.
Xạ hương, hương xoa quí,
Xoa tẩm cả thân hình.
Y phục toàn lụa mịn,
Trắng thanh khiết tinh nguyên.
Bước xuống từ lưng voi,
Lại bước lên lưng ngựa,
Tôi thấy tôi tôn quí
Như một vị đại vương,
Những con người tầm thường
Gặp tôi là trốn chạy
Quanh tôi đầy mỹ nữ,
Múa hát thật du dương.
Súc vật kia vô hại,
Tôi săn giết không chừa.
Làm đủ điều bất thiện,
Không biết chuyện đời sau.
Nhai nuốt thịt chúng sinh,
Nghiệp gây nên như vậy,
Tự tạo lắm khổ đau,
Không biết chết là gì.
Quá nuông chìu bản thân.
Bây giờ chết đã đến,
Chẳng còn ai che chở.
‘Này người thân của tôi,
Sao nhìn tôi như thế?
Vì sao xé áo y,
Khóc than thật ảo não,
Bức tóc rồi đấm ngực,
Rãi bụi dơ lên đầu?
Tôi sống đời vô ích,
Cảnh sống gia đình này
Lẽ ra phải từ bỏ.
Sao các người còn vẫn
Gắng mà buộc thêm vào?
Thân này rồi cầm thú,
Loài sói, chó, quạ chim,
Sẽ tha hồ rỉa rói.
Nuông chìu thân thể này,
Thật đã quá uổng công.
Rắn diệt tận đeo đuổi,
Nên vẫn tái sinh hoài.
Muốn thoát nỗi sợ này,
Phải tìm cho đúng thuốc.
Thầy thế gian cho thuốc,
Chẳng thể chữa nọc tham.
Đứng trước thềm sinh tử,
Chỉ chánh pháp là cần.
Đừng đưa tôi rượu thịt,
Đừng nuông chìu thân tôi,
Thân này rồi hoại diệt,
Tốn công thêm làm gì?
Tích lũy thêm ác nghiệp,
Có giúp được gì đâu!
Quá nuông chìu bản thân,
Mà thân rồi sẽ diệt.
Này con trai con gái,
Sao đưa mắt nhìn cha?
Con mong cha hết bịnh
Phỏng được lợi ích gì?
Đừng khóc than vô ích
Hãy nghe kỹ lời cha,
Đừng gây thêm nhiễu hại.
Cha vì lo cho con,
Đã cướp nhiều tiền của.
Nay trước thềm sinh tử,
Tuyệt vọng ôi vô bờ.
Cõi sinh là cõi sợ,
Cõi tử là cõi đau,
Cha cảm được pháp “xúc”
Cùng pháp “tưởng”, “thọ”, “hành”
Do ái thủ làm nhân,
Kẻ phàm phu trôi lạc,
Hái toàn quả phiền não,
Sinh vào nhà bất thiện,
Vướng kẹt trong khổ đau.
Tưởng công đức không đáng,
Gây hại lớn cho người.
Xoay lưng với chánh pháp.
Giới hạnh và bố thí,
Cha đều không làm được.
Lại không hiểu rằng sinh,
Chính vì do nghiệp ái,
Nọc độc của rắn Tham
Vướng phải mà không biết.
Vì si mà trôi lạc
Vào nơi không nẻo thoát.
Nghĩa giải thoát không hiểu,
Làm lắm việc chẳng lành.
Chạy theo lòng tham ái,
Tâm tán loạn mê mờ,
Mang đầy nỗi ràng buộc,
Lửa phiền não chói chang,
Thân lang thang vô định,
Chẳng lúc nào bình an,
Cũng chẳng biết tìm đâu,
Cho ra chốn an lạc.
Chỉ có nơi cửa Phật
Là tìm được hạnh phúc.

Chánh pháp luân chính là
Liều thuốc công hiệu nhất.
Giới hạnh cùng giới pháp,
Là tiếng lời Như lai.”

Khi ấy đức Thế tôn nói với đại bồ tát Dược Quân, “Dược Quân, tương tự như vậy, có lắm chúng sinh đến khi chết không có được chút nhân lành để chuyển thành quả lành, lại không có chốn nương dựa.”

Bấy giờ đức Thế tôn lại đọc bài kệ này,
“Làm những việc chẳng lành,
Đọa sinh cõi địa ngục.
Lửa đỏ là áo mặc,
Sắt nung là nước uống,
Toàn thân than hồng phủ,
Biết bao nỗi hãi hùng,
Thân thể cháy thành than,
Không phút giây an lạc,
Không nghe được chánh pháp.
Người phàm phu mê muội,
Làm việc trái chánh pháp,
Thân tâm do nghiệp cảm,
Chẳng được chút gì vui.
Người thâm tín chánh pháp,
Đủ giới hạnh, trí tuệ,
Thân gần thiện tri thức,
Sẽ thành đấng Như lai.
Như lai vào cõi thế
Để độ cho những ai
Vận dụng hạnh tinh tấn
Biết nghiêm chỉnh tu hành.
Như lai vào cõi thế
Với tâm đại từ bi
Thuyết giảng về chánh pháp
Khuyên góp gom thiện nghiệp.

“Dược Quân, ông là người
Giới hạnh thật uy nghiêm,
Ông nghe điều này rồi
Được thành tựu viên mãn,
Giải thoát khỏi sinh tử,
Thấy được chư Như lai
Vốn là bậc Cứu Độ
Với tiếng lời tuyệt hảo.

“Như lai chính là cha,
Là mẹ của thế giới,
Và là Tâm Bồ Đề.
Người tuyên thuyết pháp này,
Là bậc thiện tri thức,
Rất khó mà gặp được.
Người tiếp thọ pháp này,
Sẽ thành đấng Phật đà,
Sẽ thành bậc Như lai.
Ai người biết tôn kính
Những người con Như lai
Đều sẽ được giải thoát.
Khi sống trong cõi thế,
Đều sẽ được chở che.”

Khi ấy, đại bồ tát Dược Quân nói với đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, vì sao núi này lại chấn động?”
Đức Thế tôn nói với đại bồ tát Dược Quân, “Dược Quân, ông hãy nhìn cho thật kỹ.”

Đại Bồ Tát Dược Quân nhìn quanh, thấy mặt đất bốn phía nẻ ra, từ trong đất trồi lên hai mươi triệu chúng sinh, cùng với hai mươi triệu chúng sinh từ không gian phía dưới, và hai mươi triệu chúng sinh từ không gian phía trên. Những người ít tuổi đang ở trong pháp hội thấy việc như vậy, cất tiếng hỏi đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, những người vừa được sinh ra đây là ai?” Đức Thế tôn đáp, “Các ông có thấy đoàn người đông đảo ấy không?” Họ đáp, “Thưa Thế tôn, có thấy.” Đức Thế tôn nói, “Họ là những người vì niềm an lạc hạnh phúc của các ông mà sinh ra.” Những người ít tuổi lại hỏi, “Vậy họ có sẽ chết?” Đức Thế tôn nói, “Đúng là như vậy. Họ cũng sẽ chết.”

Khi ấy những người ít tuổi đang có mặt trong đại hội chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, nói rằng, “Thưa Thế tôn, chúng con không còn muốn chịu khổ sinh tử.”

Đức Thế tôn hỏi. “Các ông muốn đạt năng lực tinh tấn chăng?”

Họ nói, “Chúng con nguyện trực tiếp thấy Như lai, nguyện cầu pháp gì được nghe pháp ấy, nguyện gặp Tăng đoàn thanh tịnh, nguyện gặp chúng bồ tát quảng đại thần thông, đó là những điều chúng con nguyện mong, chúng con không còn ham chuyện sinh tử. “

Bấy giờ, đại bồ tát Dược Quân cùng với năm trăm vị bồ tát, từ chỗ ngồi đứng dậy, dùng thần lực bay lên tầng không, ngồi kiết già, nhập chánh định. Từ sắc thân các ngài hóa hiện thành sư tử, cọp, rắn, voi, thị hiện nhiều thần biến. Các ngài lại ngồi kiết già trên đỉnh núi, và thăng cao hai mươi do tuần, hóa hiện thân mình thành mười ngàn triệu mặt trời, mặt trăng, tỏa ánh sáng lớn xuống toàn thể pháp hội.

Khi ấy những người ít tuổi nói với đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà thế giới này lại có luồng ánh sáng lớn cùng với biết bao nhiêu thần biến như vậy?” Đức Thế tôn đáp, “Thiện nam tử, các ông có thấy mặt trời và mặt trăng kia không?” Họ đáp, “Thưa Thế tôn, chúng con có thấy. Thưa Thiện thệ, chúng con có thấy.” Đức Thế tôn nói, “luồng ánh sáng lớn và những thần biến ấy là do các đấng Bồ tát dùng thân thể của chính mình hóa hiện cho các ông thấy. Rồi chư bồ tát sẽ vì hạnh phúc lợi ích của rất nhiều chúng sinh mà từ bi giảng chánh pháp, sẽ vì lợi ích của chúng hội đông đảo, của người và trời. Ở đây, sau khi thể hiện cho các ông thấy thân vật lý và năng lực của tinh tấn, chư bồ tát sẽ còn nhiều thần biến khác.”

Họ nghe xong, thưa rằng. “Xin Thế tôn cho pháp, để cho luồng ánh sáng lớn này được hiện.”

Đức Thế tôn nghe xong nói với đại bồ tát Dược Quân rằng, “Dược Quân, ông có thấy tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, con có thấy. Thưa Thiện thệ, con có thấy.”

Bồ tát Dược Quân còn đang băn khoăn không rõ nên hỏi về việc này hay chăng, thì đức Thế tôn nói, “Dược Quân, ông có thắc mắc gì cứ hỏi. Như lai sẽ vì ông mà trả lời tất cả. Dược Quân, Như lai sẽ giải thích tất cả mọi việc trong ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai.”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Vậy xin Thế tôn lên tiếng xoá tan nghi hoặc. Thưa Thế tôn, con thấy quanh Như lai có tám mươi bốn ngàn thiên tử, tám mươi bốn ngàn triệu bồ tát, mười hai ngàn triệu long vương, mười tám ngàn triệu ác quỉ, hai mươi lăm ngàn triệu quỉ đói và quỉ ăn tinh khí.”

Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, họ đến tụ tập trước mặt Như lai và ngồi lại là để nghe pháp, không vì lý do gì khác. Dược Quân, ngay hôm nay họ sẽ chiến thắng luân hồi. Nhờ một niệm vì chúng sinh mà hôm nay họ sẽ an trú Thập địa. An trú thập địa rồi, sẽ vào cảnh giới niết bàn.

Muốn thoát già, chết,

Nên làm việc lành,

Tạo quả an lạc,

Cởi nút phiền não,

Nhờ đó bước vào

Dòng giống của Phật.

Đại Bồ Tát Dược Quân nói, “Thưa Thế tôn, tùy nghiệp quả mà phát sinh đủ loại cảnh giới cho chúng sinh. Vì sao chúng sinh vẫn còn ở lại cạnh đức Thế tôn nhiều đến như vậy?”
Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông hãy nghe đây.

“Người phàm phu mê muội,
Không biết đâu là nơi
Mình sẽ được giải thoát.
Hôm nay người ít tuổi
Sẽ nắm được Tổng Trì,
Thành tựu được thập địa,
Làm được việc Phật làm,
Chuyển bánh xe chánh pháp,
Rãi xuống mưa chánh pháp.
Vì vậy mọi chúng sinh
Ở trong pháp hội này,
Đều hoan hỉ nghe pháp.
Trời, rồng, và quỉ đói,
Cùng giống a tu la,
An trụ thập địa rồi
Sẽ vận dụng pháp âm
Nói chánh pháp vi diệu.
Sẽ gióng trống đại pháp,
Sẽ thổi loa đại pháp.
Còn những người ít tuổi
Nắm được lực tinh tấn,
Thành tựu được các pháp,
Đồng bậc với Như lai.”

Khi ấy năm ngàn người ít tuổi từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, thưa rằng,

“Làm sao có thể
Không muốn kết thúc
Sinh tử cho được.
Kính thưa Thế tôn,
Thân là gánh nặng,
Toàn sự sợ hãi,
Thật khó kềm chế.
Đường đi không thấy,
Và cũng không có
Đường đi nào cả,
Vì mắt mù lòa,
Chúng con không gặp
Được nơi nương dựa.
Hôm nay đồng tâm
Thỉnh cầu một việc:
Nguyện đấng đạo sư
Cho chúng con được
Lắng nghe chánh pháp.
Chúng con sinh ra
Không nhiều trí tuệ
Không ham khoái lạc
Xin Phật nói pháp
Giải thoát chúng con
Ra khỏi khổ đau
Bủa vây dày kín.
Nguyện sinh ở đâu,
Cũng đều thấy Phật.”

Bấy giờ đại bồ tát Dược Quân đến chỗ những người ít tuổi đang đứng, nói rằng,

“Các ông hãy ăn
Đồ ăn ngon miệng.
Bao giờ thấy tâm
Không còn khiếp sợ,
Bấy giờ các ông
Chuẩn bị nghe pháp.”

Họ hỏi,

“Thưa, ngài là ai?
Chúng tôi không biết
Hồng danh của ngài.

“Chúng tôi thấy ngài
Sắc thân tuyệt hảo,
Tướng mạo uy nghi
Chứa đầy định lực
Như người thoát khỏi
Thế giới kinh hoàng
Của loài quỉ đói,
Địa ngục, súc sinh,
Mọi điều bất thiện
Đều tuyệt không còn.

“Chúng tôi thấy ngài
Tay cầm bình bát
Bằng bảy ngọc quí,
Thân mang chuỗi vàng
Trang nghiêm tỏa sáng.

“Những lời thanh tịnh
Ngài vừa nói ra,
Chúng tôi không biết
Trả lời thế nào.

“Thức ăn hảo hạng,
Cùng các thức uống,
Đối với chúng tôi
Thật không cần thiết.
Thức ăn thành phẩn,
Cũng như nước uống
Trở thành nước tiểu;
Máu đến từ nước,
Thịt đến từ máu,
Thức ăn thức uống,
Chúng tôi không cần.
Lụa, len, vải vóc,
Chúng tôi không cần.
Vòng vàng chuỗi ngọc,
Nhẫn đeo trên tay,
Chúng tôi không cần,
Toàn là vô thường,
Phải chịu sinh diệt.
Chúng tôi là những
Con người bất hạnh,
Không muốn để mình
Lún sâu sinh tử,
Nếu muốn đến với
Niềm vui chư thiên,
Đến với chánh pháp,
Điều cần nhất là
Bậc thiện tri thức.
Ngay cả những bậc
Vua chuyển pháp luân
Cũng chẳng cần gặp.
Vua chuyển pháp luân
Khi lìa dục giới
Cũng vẫn phải chết,
Con trai con gái
Đều không thể theo,
Bảy loại ngọc quí
Đều phải để lại.
Trăm vạn quần thần
Đều không thể theo,
Không thể đi trước,
Cũng không cách gì
Đuổi theo sau đó.
Vua chuyển pháp luân
Chỉ được một đời,
Khi nghiệp báo cạn
Lại phải đọa rơi
Chịu cảnh vô thường.
Vì trong quá khứ,
Phạm nhiều ác nghiệp
Nên ngục Hào khiếu
Cũng sẽ rơi vào.
Dù trong cõi thế
Vua chuyển pháp luân
Nhờ có trong tay
Bảy loại ngọc quí
Nên nắm giữ hết
Bốn đại bộ châu.
Nhưng khi đọa vào
Địa ngục Hào khiếu,
Quyền năng vĩ đại
Biến cả đi đâu?
Không còn đất đứng,
Người đã chết rồi,
Không thể hóa hiện
Thần thông quyền biến.
“Thưa ngài, xin hãy
Nghe lời chúng tôi.
Hãy lên đến nơi
Như lai trú ở.
Như lai cũng như
Là bậc cha mẹ,
Chúng tôi tha thiết
Mong gặp Như lai.
Chúng tôi không có
Cha mẹ anh em,
Như lai là người
Độ cả thế giới.
Là cha mẹ của,
Toàn thể chúng sinh.
Là chính bản thân
Mặt trăng mặt trời,
Khai mở con đường
Đưa đến an lạc,
Cứu độ tất cả
Ra khỏi luân hồi,
Thoát cảnh sinh tử.
Biển dục lớn lao
Thật đáng kinh hãi;
Như lai là bè
Chở chúng sinh qua
Đến bờ bên kia,
Không còn trở lại.
Như lai nói pháp
Viên mãn trong sáng,
Chỉ con đường đến
Vô thượng bồ đề.

“Thức ăn không cần.
Đến cả vương quốc
Cũng đều không cần.
Vì không muốn rơi
Vào cảnh địa ngục,
Nên chẳng tìm cầu
An lạc chư Thiên.

“Thân người là quí.
Chính ngay thân ấy
Có thể xuất hiện
Một đấng Như lai.
” Đời sống ngắn ngủi.
Lắm kẻ quẩn quanh
Vận dụng tâm mình
Làm điều bất thiện.
Không biết nỗi chết,
Đắm dục thế gian,
Lầm trong sinh tử,
Không từng sợ hãi,
Không chút trí tuệ,
Tâm trí loạn động,
Ngắn ngủi không bền,
Không biết diệu pháp,
Không làm việc thiện,
Không biết chánh định,
Đến khi mạng chung
Cũng không hối hận,
Trôi lăn trong cõi
Tái sinh vô tận
Chịu khổ triền miên.

“Vì trong quá khứ
Đã từng đánh đập,
Cướp bóc người khác
Cho nên tạo nghiệp
Bị trói bị giết,
Hy vọng lụi tàn,
Gánh nhiều hoang man,
Đớn đau khổ não.
Đến giờ phút chết
Than vãn đủ điều,

‘Ai sẽ là người
Che chở cho tôi?
Tôi tặng tất cả
Vàng bạc châu báu,
Sẽ làm nô lệ,
Làm hết mọi điều.
Tôi không còn muốn
Khoái lạc thế gian.
Tiền bạc của cải,
Tôi cũng không cần.
Không muốn tấm thân
Chứa đầy ác nghiệp.’

“Thưa bậc tiền bối,
Tương tự như vậy,
Thức ăn chúng tôi
Cũng không thấy cần.
Vua chúa hưởng toàn
Cao lương hảo hạng,
Rồi vẫn phải chết.
Vua ăn thức ăn,
Mang chất cứng lỏng
Vào trong thân mình,
Vốn toàn rỗng không,
Không là gì cả.
Tham đắm mùi vị,
Làm việc bất thiện.
Vì sao phải tham
Vào thứ mùi vị
Toàn tướng vô thường
Rỗng không vô nghĩa?
Chúng tôi không ham.
Thức ăn thật là
Điều không cần thiết.
Ăn vào có giúp
Giải thoát được không?
Tương tự như vậy,
Đời sống nơi này
Cũng không cần thiết.
Điều chúng tôi cần
Chính là chánh pháp.
Chúng tôi cầu thoát
Ràng buộc thế gian.
Chúng tôi cầu thoát
Khỏi lòng tham ái,
Cởi thoát phiền não,
Cầu qui y Phật,
Là đại thánh hiền,
Là đại cứu độ,
Thấy suốt khổ não
Của cả chúng sinh.

“Xin bậc tiền bối
Hãy vì chúng tôi
Mà đến bên Phật,
Cúi đầu đảnh lễ.

“Chúng tôi không biết
Hồng danh của ngài
Xin ngài cho biết
Tên ngài là chi?”

Bấy giờ Bồ tát Dược Quân đáp,

“Các ông cùng mọi người
Đều hỏi danh tánh tôi
Quanh Như lai có cả
Ngàn triệu người ít tuổi”

Họ đáp,

“Ngài là đệ tử Phật,
Hồng danh hẳn thâm thúy,
Chắc chắn rất uy nghi.
Tất cả mọi chúng sinh
Đều mong nghe danh tánh.”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp,

“Tên tôi là ‘Dược Quân.’
Là thuốc của chúng sinh,
Tôi bây giờ sẽ nói
Cho các ông cùng nghe
Về loại thuốc quí nhất
Trong tất cả các thuốc.
Chúng sinh gặp bịnh khổ
Nhờ vào liều thuốc này
Chữa được mọi chứng bịnh.
Tham dục là trọng bịnh,
Hủy hoại toàn thế giới.
Vô minh là trọng bịnh,
Khiến cho người mê muội
Phải lỡ bước lầm đường,
Khiến chúng sinh đọa xuống
Cõi địa ngục, súc sinh.
Sân si là trọng bịnh,
Thuốc này đều chữa được.”

Họ nói,

“Nghe được pháp lành này
Chúng tôi sẽ giải thoát
Khỏi khổ não, vô minh.
Khổ não thoát được rồi
Mọi tâm lý bất thiện
Đều từ bỏ được hết.
Nhờ được nghe chánh pháp
Việc bất thiện bỏ rồi,
Chừng đó mọi sợ hãi
Chúng tôi đều bỏ được.
Nguyện mau thấy Phật đà
Là thầy thuốc giỏi nhất
Sẽ chữa lành mọi bịnh
Xóa hết mọi khổ đau.
Thưa ngài, xin hãy mau
Đến bên cạnh Như lai,
Đảnh lễ và qui thuận,
Chuyển lời của chúng tôi
Thỉnh cầu bậc cứu độ,
Cầu xóa tan bịnh khổ.
Thân chúng tôi bỏng cháy,
Thiêu đốt không hề ngưng.
Xin đức Phật từ bi,
Dập lửa bất trị này.
Thân vốn là gánh nặng,
Khó bỏ và khó kham,
Mang đến đầy khổ não.
Chúng sinh cứ không ngừng,
Chịu gánh nặng sân si,
Cứ trôi lăn như vậy,
Không biết đường tháo gỡ,
Không biết cách giải thoát,
Cũng không thấy được đâu
Là con đường giải thoát.
Vậy mà đến khi chết
Vẫn chưa từng biết sợ.
Tâm chìm trong mê muội.
Vọng tưởng chẳng mất đi,
Chúng sinh nhiều lần chết
Mà vẫn cứ mãi quên.
Chúng sinh không nghĩ xa,
Không hiểu rằng bịnh khổ
Sẽ đeo đuổi theo hoài.
Ăn là khiến thân mòn
Mà vẫn không từng biết.
Kiệt sức vì phiền não
Mà vẫn không từng hay.
Từ vô minh mà ra
Biết bao nhiêu phiền não
Tưởng, thọ cùng với hành
Là gánh nặng đáng sợ
Trôi lăn trong ái thủ,
Không biết đến chánh pháp
Thân gánh nặng trĩu đầy.
Sinh ra trong cõi này,
Thật không chút ý nghĩa.
Thân thể được tưng tiu,
Tắm rửa và xoa nắn,
Khoát y áo thanh lịch,
Rồi sẽ được những gì?
Lại đam mê vị ngọt,
Tai chỉ cầu tiếng hay
Của năm loại nhạc cụ,
Mắt chỉ cầu tướng đẹp
Của châu báu ngọc ngà,
Lưỡi chỉ nếm vị ngọt,
Thân chỉ chạm vật êm,
Thịt da cùng thân thể
Đều trau chuốc giữ gìn.
Thân này vốn vô nghĩa,
Chỉ ham khoái lạc thôi,
Nuông chìu cả đôi chân,
Quần êm cùng giày đẹp.
Đứng trước thềm sinh tử,
Trang sức cùng y phục
Chẳng giúp được thân này.
Thân này, không thể giúp,
Trang sức để làm chi?
Lấy thân, gọi là ‘người’,
Biết hô hấp, biết nghe,
Biết tư duy suy nghĩ,
Thân biết được lắm điều.
Trong những thời quá khứ
Đã từng có ngựa, voi,
Nhưng không biết chánh pháp
Chẳng chăm lo tu hành,
Mải mê việc bất thiện,
Không biết đến đời sau,
Chỉ rong chơi vui đùa,
Trôi lăn trong sinh tử.
Cái chết đến gần kề,
Thêm một lần khổ não.
Tiếng khóc than vây kín.
Mẹ chết rồi đến cha,
Rồi thân nhân họ hàng,
Con chết, vợ cũng chết,
Ngũ uẩn toàn là không,
Chỉ có tâm mê đắm
Tự ràng buộc lấy mình,
Để tham dục nung nấu
Tưởng là thứ đáng tin.
Pháp Định vốn khó thấy,
Chết không có gì vui,
Tâm mê mờ tham lam,
Không từng biết san sẻ.
Trong tất cả ác pháp,
Lòng tham là nặng nhất
Vậy mà không biết tránh.
Chúng tôi lỡ sinh ra,
Là bởi tâm mê lầm,
Cả thế gian mê muội,
Tuy nghe được âm thanh,
Nhưng không thấy chân tướng
Nhiệm mầu của thiện pháp.
Chúng tôi chỉ mong cầu
Giải thoát và thiền định.
Thân người là gánh nặng
Chúng tôi không ham nữa.
Nguyện vì khắp chúng sinh
Trầm luân trong cõi thế
Mà thành bậc chánh giác,
Thành đức Phật, Đạo Sư.
Phật là mẹ, là cha,
Phật là người dẫn đường,
Tạo nhân cho mưa rơi
Đầy những loại ngọc quí
Trên toàn cõi Diêm phù.
Kẻ phàm phu không biết,
Tập hợp pháp là gì.
Phải phát tâm bồ đề
Thì tập hợp chánh pháp.
Tất cả mọi sự vật
Do yếu tố kết hợp,
Thực chất đều là Không.
Cũng tương tự như vậy,
Cảnh khoái lạc sang giàu
Thực chất cũng là Không.
Đến khi thấy ngay cả
Bản thân cũng là không
Thì lòng tham không còn.
Kính thưa đức Dược Quân,
Xin nghe chúng tôi nói.
Hãy vì chư bồ tát,
Chuyển lời dùm chúng tôi.
Nhớ khổ nạn luân hồi,
Bồ tát không mỏi mệt,
Tâm tinh tấn dũng mãnh,
Giới hạnh thật trang nghiêm,
Tích lũy mọi tánh đức.
Xin ngài đến tận nơi
Trú ở của Đạo sư,
Là bậc Trí viên mãn,
Hàng phục mọi ma quân
Không từng thấy mệt mỏi,
Thỉnh cầu dùm chúng tôi,
Rằng ‘Thưa đức Thế tôn,
Thế tôn đã chiến thắng
Tất cả mọi ma vương
Làm tiêu tan ma lực.
Xin nâng đỡ giữ gìn
Cho tất cả chúng sinh
Cùng đạt được trí Phật.’
Vì chúng tôi chưa được
Nghe pháp lợi cho mình
Nên kính xin tiền bối
Hãy đi cho thật nhanh.
Chúng tôi chưa từng thấy
Ba hai tướng Như lai,
Nên vẫn chưa qua được
Đến bến bờ bên kia.
Chúng tôi xin kính cẩn,
Kiên nhẫn đợi tin ngài.”
Đại Bồ Tát Dược Quân nói,
“Các ông hãy nhìn
Lên phía trên cao
Xem thử có gì
Đang ở trên ấy?”

Họ nhìn lên trên và thấy tất cả ba ngàn năm trăm tòa thành lộng lẫy, đầy khắp không trung, trang hoàng đủ bảy loại ngọc quí, rèm treo lưới ngọc. Bên trong hoa rũ, hương thơm thanh khiết thoảng ngát không gian.

Họ hỏi, “Vì sao lại có những tòa thành lộng lẫy, rèm treo lưới ngọc, đầy chuỗi hoa sen?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp,

“Tòa sen này để
Đưa các ông đến
Diện kiến Phật đà,
Đưa các ông đến
Cảnh giới Như lai.
Phật là vị thầy
Siêu việt thế giới.
Phật là ánh sáng
Của cả thế gian.”

Họ nói,

“Chúng tôi không biết cách đi,
Chúng tôi không thấy Như lai,
Chúng tôi không biết lối đi.
Ở đâu có thể
Đảnh lễ Phật đà?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp,

“Như vòm trời cao
Không thể với tới,
Chẳng ai có thể
Đảnh lễ Phật đà,
Là người ban cho
Sự không sinh tử.

“Như núi Tu Di
Là cảnh giới thật.
Phật ở chốn Phật,
Cao như Tu Di,
Sâu như biển cả.

Tất cả bụi mỏng
Của cả ba ngàn
Đại thiên thế giới
Đều có thể đếm,
Nhưng không thể biết
Như lai đang hiện
Ở nơi chốn nào.
Bồ tát mười phương
Đều đến cúng dường
Ánh Sáng Thế Giới.”

Họ nói,

“Chúng con nguyện thấy
Bậc đại cứu độ.
Chúng con nguyện được
Toàn hảo như Phật.
Chúng con chúng sinh
Nguyện đảnh lễ Thầy,
Nguyện đạt thiện quả.”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp,

“Đạo Sư là người
Dẫn dắt chúng sinh
Ra khỏi luân hồi.
Đạo sư là người
Nâng đỡ chúng sinh,
Không ham hương hoa,
Vòng hoa, hương xoa.

“Đến với Như lai,
Là bậc chiến thắng
Toàn thể tâm thức,
Ngay cả ma vương
Khó trị bậc nhất
Cũng không dám phiền.
Rồi chúng sinh sẽ
Sớm đạt Tổng trì
Không bị sức mạnh
Cái chết thao túng.

“Tâm tin tưởng trong sáng
Chí thành hướng về Phật
Tâm ấy chắc chắn sẽ
Được diện kiến Như lai.”

Bấy giờ đức Thế tôn, Như lai, mỉm miệng cười ngọt ngào như tiếng chim Ca Lăng Tần Già. Bồ tát Dược Quân từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính hướng về đức Thế tôn, nói rằng, “Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà Thế tôn mỉm miệng cười, khiến cho tám mươi bốn ngàn ánh sáng từ mặt đức Thế tôn phóng ra?” Tam thiên đại thiên thế giới đầy cả ánh sáng, ba mươi hai đại địa ngục đầy cả ánh sáng, và đến cả ba mươi hai tầng trời của chư thiên cũng rực ánh sáng. Những tia sáng đủ màu, xanh, vàng, đỏ, trắng, cam, pha lê, bạc… phóng ra từ mặt đấng Thế tôn, làm sáng ngời hỉ lạc lòng chúng sinh của cả tam thiên đại thiên thế giới, rồi quay về, theo hướng bên phải của đức Thế tôn bay quanh bảy vòng, biến mất trên đỉnh của đức Thế tôn.”
Rồi đại bồ tát Dược Quân lại hỏi, “Con có điều chưa hiểu, xin Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri cho con được hỏi.” Đức Thế tôn nói với đại bồ tát Dược Quân, “Dược Quân, ông cứ hỏi, Như lai sẽ vì ông mà trả lời.”

Đại Bồ Tát Dược Quân hỏi, “Thưa Thế tôn, hôm nay có ba mươi ngàn lần triệu người ít tuổi hiện ra. Họ hiểu được nghĩa lý thâm thúy vi diệu của lời Như lai giảng, và nói với người nhiều tuổi như sau, ‘này người nhiều tuổi, các ông không biết chánh pháp. Các ông luôn chấp vào những điều bất thiện trái chánh pháp, không tin vào diệu pháp, nói lời khinh xuất, làm đủ điều tác hại.’ Thưa Thế tôn, vì sao lời họ nhẹ nhàng dễ nghe?”

Đức Thế tôn nói, ‘Dược Quân, ông không biết vì sao họ nói lời như vậy? Đó là họ nói lời nhẹ nhàng dễ nghe cho Như lai. Dược Quân, nhờ nghe pháp, họ sẽ nhớ ý nghĩa của tất cả các pháp, sẽ được mọi tánh đức, tất cả sẽ chứng đắc Tổng trì. Từ hôm nay, họ sẽ được đặt vào địa vị Thập địa. Ngày hôm nay, họ sẽ gióng trống đại pháp, sẽ nhiếp thọ được toàn bộ chánh pháp. Dược Quân, ông có thấy những tòa thành kia không?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, con có thấy. Thưa Thiện thệ, con có thấy.”

Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, hôm nay người ít tuổi sẽ bước vào những tòa thành đó, sẽ có được trí tuệ trong sáng về các pháp. Ngay chính hôm nay họ sẽ thành tựu viên mãn mọi thiện pháp. Hôm nay, họ sẽ đánh trống đại pháp. Hôm nay, cõi chư thiên sẽ có được trí tuệ trong sáng về chánh pháp. Chúng sinh cõi địa ngục và nhiều chốn tối tăm khi nghe được biểu hiện của trí tuệ toàn hảo Như lai, sẽ phá tan luân hồi, thành bậc tối thắng. Đến khi chín mươi ngàn triệu chúng sinh nhiều tuổi sẽ đắc quả Tu đà hoàn. Tất cả đều nhiếp thọ chánh pháp. Dược Quân, tất cả đều sẽ từ bỏ khổ não, đều thấy được Như lai. Tất cả cũng đều thành tựu âm thanh trống đại pháp. Dược Quân, ông hãy nhìn ra bốn hướng.”

Đại Bồ Tát Dược Quân quan sát bốn hướng, thấy phương Đông chư bồ tát nhiều như cát trong năm mươi triệu sông Hằng kéo đến; phương Nam, bồ tát nhiều như cát trong sáu mươi triệu sông Hằng đều đến; phương Tây, bồ tát nhiều như cát trong bảy mươi triệu sông Hằng đều đến; phương Bắc, bồ tát nhiều như cát trong tám mươi triệu sông Hằng đều đến; không gian phía trên bồ tát nhiều như cát trong chín mươi triệu sông Hằng đều đến; không gian phía dưới bồ tát nhiều như cát trong một trăm triệu con sông Hằng đều đến. Họ đến trước mặt đức Thế tôn, ngồi ở hai bên.

Khi ấy, đại bồ tát Dược Quân nói với đức Thế tôn, “Thưa Thế tôn, những sắc tướng đen và đỏ hiện ra trên vòm trời kia là gì?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, ông không biết những sắc đen và đỏ kia là gì? Như lai biết, Như lai sẽ nói cho ông nghe. Dược Quân, đó là ma vương. Ông có muốn thấy không?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, con muốn thấy. Thưa Thiện thệ, con muốn thấy.”

Đức Thế tôn nói, “Dược Quân, cũng tương tự như vậy, bồ tát nhiều như cát của một trăm triệu sông Hằng đã đến.”

Đại Bồ Tát Dược Quân nói, “Thưa Thế tôn, vì nhân gì, vì duyên gì mà các vị bồ tát ấy đến đây?”

Đức Thế tôn đáp, “Dược Quân, người ít tuổi là duyên lành cho chúng sinh nơi đây có được pháp Định. Dược Quân, ông có thấy rất nhiều chúng sinh đủ mọi sắc tướng, cùng nguồn năng lực gia trì vĩ đại đến từ thần lực?”

Đại Bồ Tát Dược Quân đáp, “Thưa Thế tôn, con thấy bồ tát nhiều như cát trong một trăm triệu sông Hằng, và bồ tát nhiều như cát trong một trăm ngàn tỉ triệu sông Hằng được đặt vào vô số thần lực, trú ở rất nhiều hình, sắc, tướng. Con thấy vô số bồ tát ấy được đặt vào Thánh vị, các vị bồ tát ấy cùng tùy thuộc đều được an trụ trong chánh pháp.”

Khi đức Thế tôn nói như vậy, đại bồ tát Phổ Dũng, đại bồ tát Dược Quân, những người nhiều tuổi và ít tuổi, cùng toàn thể chúng sinh khác trong pháp hội như trời, người, a tu la, càn thát bà, tất cả đều hoan hỉ, tán dương pháp Phật vừa thuyết.

[Kinh Chánh Pháp Sanghata kết thúc ở đây.]

KINH THỦY SÁM – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

(1)
Thủy Sám
Trưởng lão Thích Trí Quang dịch giải

| (1) Lời ghi - Tiểu dẫn - Mục Lục - Tựa | 
| (2) Khai Kinh | (3) Chánh Văn | (4) Hồi Hướng |
[Ghi chú cho trang web này : Chánh văn nguyên bản Thủy sám chia thành 3 cuốn: trước, giữa và sau, mỗi cuốn có 3 phần: khai kinh, chánh văn, hồi hướng, có lẽ để tiện việc đọc tụng. Nay xin phép được gom chánh văn lại làm một, chia 3 phần: (2) Khai kinh, (3) Chánh văn và (4) Hoàn kinh, trên 3 trang web [(1) dành cho phần dẫn nhập trước chánh văn]. Mục lục chỉnh lại cho phù hợp. Mỗi khi đọc có thể đọc dài tùy ý, nhưng bất luận thế nào, xin hãy luôn bắt đầu bằng (2) khai kinh và kết thúc bằng (4) hoàn kinh.
Bản web hiện tại chưa có phần Ghi chú của nguyên bản. Sẽ bổ túc sau.]

Lời Ghi

Lời ghi

Dịch sách này tôi cố dùng câu 4 chữ. Là để dễ tụng. Dẫu rằng như thế có chỗ hơi thừa, có chỗ hơi thiếu, có chỗ phải vụng.

Trí Quang

Tiểu Dẫn

Tiểu dẫn

  • Thủy sám là tên tắt, do chính tác giả dùng trong văn. Tên tắt này gọi đủ là Từ bi thủy sám pháp. Sám pháp, gọi tắt là sám, nghĩa là phương pháp sám hối. Phương pháp này mệnh danh Từ bi thủy, gọi tắt là thủy, nghĩa là nước từ bi. Tại sao mệnh danh như vậy thì bài Tựa có nói rõ.
  • So với bản in thứ nhất, và thứ nhì, bản in thứ ba này chỉ để phần dịch nghĩa, bỏ phần dịch âm.
  • Nguyên văn Thủy sám, mà bản in thứ hai đối chiếu để chữa, nằm trong Đại tạng kinh, quyển 45, các trang 967-978, mang số hiệu 1910.
  • Thủy sám có 2 bản chú thích xưa, vào đời Thanh của Trung hoa, và 1 bản mới. 2 bản xưa, 1 của ngài Trí chứng, 1 của ngài Tây tôn. Cả 2 cùng nằm trong Tục tạng kinh, sách 129, liên tiếp từ tờ 145 đến tờ 263. Còn bản mới là của ngài Đế nhàn, nằm trong Đế nhàn đại sư di tập, trọn tập 10. Trong 3 bản chú thích này, bản trước nhất của ngài Trí chứng, cẩn trọng hơn cả. Sự sửa chữa trong bản in thứ hai đã tham chiếu tất cả tài liệu trên đây.
  • Ký hiệu dẫn dụng sẽ là, thí dụ: Chính 45/967, là trang 967, quyển 45 của Đại tạng kinh bản Đại chính; Vạn 129/145, là tờ 145, sách 129 của Tục tạng kinh bản chữ Vạn.
  • Thủy sám không nêu đại đề tiểu đề, nhưng trong lời văn lại có đủ và rõ. Nay tôi căn cứ lời văn ấy mà nêu đại đề tiểu đề cho dễ nhận. Khi tụng, chỉ tụng những chữ lớn. Mọi chữ nhỏ không tụng. [Ghi chú: ở đây, tụng chữ thường, không tụng đầu đề chữ đậm lớn]
  • Bản chữa và in lần thứ 3 này là định bản về Thủy sám tôi dịch.

Mục Lục

Mục lục

[1]: Lời ghi, Tiểu dẫn, Mục lục, Tựa
[2]: Khai kinh
[3]: Chánh văn

A1. Mở Đầu Sám Hối, có 7B

  • B1. Lý Do Sám Hối
  • B2. Căn Bản Sám Hối
  • B3. Những Điều Sám Hối
  • B4. Phương Tiện Sám Hối
  • B5. Nghĩ Nhớ Tam Bảo Để Sám Hối
  • B6. Cảnh Giác Vô Thường Và Khổ Báo Để Sám Hối
  • B7. Cảnh Giác Tội Lỗi Để Sám Hối

A2. Sám Hối Phiền Não, có 13B

  • B1. Sám Hối Căn Bản Của Phiền Não
  • B2. Sám Hối Tính Chất Qua Danh Nghĩa Của Phiền Não
  • B3. Sám Hối Nhân Duyên Của Phiền Não
  • B4. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Nhân Duyên Của Phiền Não
  • B5. Giá Trị Của Sự Sám Hối
  • B6. Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối
  • B7. Lặp Lại Cảnh Giác Để Sám Hối
  • B8. Sám Hối Những Phiền Não Nặng Nhất
  • B9 Sám Hối Những Phiền Não Nặng Và Sâu
  • B10. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Những Phiền Não Trên
  • B11. Lạy Phật Và Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối
  • B12. Sám Hối Sự Chướng Ngại Của Phiền Não
  • B13. Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Trên

A3. Sám Hối Ác Nghiệp, có 4B

  • B1. Giải Tọa Nghi Hoặc Bằng Cách Phân Loại Về Nghiệp
  • B2. Sám Hối Tổng Quát Về Ác Nghiệp
  • B3. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Trên
  • B4. Sám Hối Riêng Biệt Về Ác Nghiệp, có 5C
    • C1. Sám Hối 3 Ác Nghiệp Của Thân, có 3D
      • D1. Sám Hối Ác Nghiệp Sát Sinh, có 4Đ
        • Đ1. Lời Nói Đầu (Lý Do Sám Hối Sát Sinh Và Khổ Báo Của Ác Nghiệp Này)
        • Đ2. Nguyên Nhân Và Phương Tiện Của Ác Nghiệp Sát Sinh
        • Đ3. Sám Hối Ác Nghiệp Sát Sinh
        • Đ4. Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Trên
      • D2. Sám Hối Ác Nghiệp Trộm Cướp, có 3Đ
        • Đ1. Lời Nói Đầu (Định Nghĩa Trộm Cướp Và Khổ Báo Của Ác Nghiệp Này)
        • Đ2. Sám Hối Ác Nghiệp Trộm Cướp
        • Đ3. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Trên
      • D3. Sám Hối Ác Nghiệp Dâm Dục, có 3Đ
        • Đ1. Lời Nói Đầu (Nỗi Khổ Của Ái Dục Và Khổ Báo Của Ác Nghiệp Dâm Dục)
        • Đ2. Sám Hối Ác Nghiệp Dâm Dục
        • Đ3. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Trên
    • C2. Sám Hối 4 Ác Nghiệp Của Miệng, có 6D
      • D1. Lời Nói Đầu (Khổ Báo Ác Nghiệp Của Miệng)
      • D2. Sám Hối Ác Nghiệp Nói Thô Ác
      • D3. Sám Hối Ác Nghiệp Nói Dối Trá, có 2Đ
        • Đ1. Sám Hối Ác Nghiệp Nói Dối Trá Nặng
        • Đ2. Sám Hối Ác Nghiệp Nói Dối Trá Lớn
      • D4. Sám Hối Ác Nghiệp Nói Thêu Dệt
      • D5. Sám Hối Ác Nghiệp Nói Hai Lưỡi
      • D6. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối 4 Ác Nghiệp Của Miệng
    • C3. Sám Hối Ác Nghiệp Của 6 Căn, có 2D
      • D1. Sám Hối Ác Nghiệp Của 6 Căn
      • D2. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Này
    • C4. Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Tam Bảo, có 6D
      • D1. Lời Nói Đầu (Lạy Phật Và Lặp Lại Tâm Tư Để Sám Hối)
      • D2. Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Phật Bảo
      • D3. Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Pháp Bảo có 2Đ
        • Đ1. Sám Hối Ác Nghiệp Vô Ý
        • Đ2. Sám Hối Ác Nghiệp Cố Ý,
      • D4. Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Tăng Bảo
      • D5. Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Cả Tam Bảo
      • D6. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Ác Nghiệp Đối Với Tam Bảo
    • C5. Sám Hối Ác Nghiệp Phức Tạp, có 10D
      • D1. Lời Nói Đầu (Tàm Quí Để Sám Hối)
      • D2. Sám Hối Ác Nghiệp Mê Tín
      • D3. Sám Hối Ác Nghiệp Ngạo Ngược
      • D4. Sám Hối Ác Nghiệp Nhậu Nhẹt
      • D5. Sám Hối Ác Nghiệp Tự Thị
      • D6. Sám Hối Ác Nghiệp Buôn Lường
      • D7. Sám Hối Ác Nghiệp Tàn Nhẫn
      • D8. Sám Hối Ác Nghiệp Phóng Túng
      • D9. Sám Hối Tổng Quát Về Các Ác Nghiệp
      • D10. Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Trên

A4. Sám Hối Khổ Báo, có 4B

    • B1. Lời Nói Đầu, có 4C
      • C1. Quả Báo Khó Tránh Nhưng Sám Hối Trừ Được
      • C2. Cảnh Giác Sự Chết Và Khổ Báo
      • C3. Cảnh Giác Vô Thường
      • C4. Cảnh Giác Luân Hồi Khổ Báo
    • B2. Sám Hối Khổ Báo Địa Ngục, có 3C
      • C1. Sám Hối Khổ Báo Địa Ngục A Tì
      • C2. Sám Hối Khổ Báo Các Địa Ngục Khác
      • C3. Lời Nguyện Và Lạy Phật Về Sự Sám Hối Khổ Báo Địa Ngục
    • B3. Sám Hối Khổ Báo 3 Ác Đạo Khác, có 5C
      • C1. Lời Nói Đầu (Cảnh Giác Kẻ Chỉ Lo Hiện Tại Mà Không Biết Lo Tương Lai)
      • C2. Sám Hối Khổ Báo Súc Sinh
      • C3. Sám Hối Khổ Báo Ngạ Quỉ
      • C4. Sám Hối Khổ Báo Quỉ Thần
      • C5. Lời Nguyện Về Sự Sám Hối Khổ Báo Của 3 Ác Đạo
    • B4. Sám Hối Dư Báo Nhân Gian, có 2C
      • C1. Lời Nói Đầu (Mọi Sự Trái Ý Đều Là Dư Báo)
      • C2. Sám Hối Dư Báo Nhân Gian

A5. Phát Nguyện Hồi Hướng, có 3B

    • B1. Tổng Kết Hồi Hướng
    • B2. Phát Nguyện Đặc Biệt
    • B4. Phát Nguyện Đồng Nhất

III. HỒI HƯỚNG


Tựa

Tựa (1)

Thiết nghĩ, ngoài thánh điển kinh luật luận được phiên dịch mà có, những tác phẩm của các ngài tiếp theo sau đó thì không thứ nào được viết ra mà không có chỗ sở cảm. Điều đó, nếu nhất nhất nêu lên thì khó mà ghi lại cho hết. Nhưng, ngay như bản linh văn này mà mệnh danh Thủy sám, là vì nguyên do mà tôi xin kể lại sau đây.

Xưa kia, đời Đường, triều vua Ý tông, có ngài Ngộ đạt quốc sư, pháp danh Tri huyền. Khi chưa là quốc sư, tại kinh đô, tình cờ ngài gặp một tăng nhân, nhưng quên hỏi chỗ ở của vị này. Vị này bị bịnh ca ma la (2) . Ai cũng gớm, chỉ ngài Tri huyền gần gũi, luôn luôn thăm hỏi săn sóc, chưa bao giờ có một vẻ ghê chán. Vì vậy, khi chia tay, vị ấy cảm cái nghĩa và tác phong của ngài, dặn rằng, sau này ngài sẽ bị nạn, lúc đó hãy tìm nhau tại núi Trà lũng (3) ở Bành thành, thuộc Tây Thục, chỗ có hai cây tùng làm dấu.

Sau đó, ngài Ngộ đạt đến chùa An quốc, đạo đức rực rỡ. Ý tông thân hành đến pháp tịch của ngài, ban pháp tọa bằng gỗ trầm hương và cung phụng rất hậu. Nhưng cũng từ đó, đầu gối của ngài tự nhiên mọc cái mụt “mặt người”, mắt mày răng miệng đủ cả, thỉnh thoảng đút cho đồ ăn thức uống thì cũng há miệng nuốt như người vậy. Danh y mời đủ cả mà ai cũng bó tay.

Ngài nhớ lại lời dặn của vị tăng nhân ở chung ngày trước, nên vào núi tìm. Nhằm lúc trời đã chiều tối, ngài bàng hoàng nhìn khắp bốn phía, thấy hai cây tùng ở trong chỗ mây khói. Tin lời ước hẹn là đúng, ngài bước ngay đến chỗ ấy. Thì là lầu cao, điện lớn, ánh sáng vàng và ngọc giao xen với nhau. Vị tăng nhân đã đứng đầu cửa, đón tiếp niềm nở, và mời ngài ngủ lại. Ngài đem cái khổ của mình nói với tăng nhân thì vị này bảo không hại gì, dưới núi này có một con suối, sáng ngày xuống rửa là khỏi.

Sáng sớm, đạo đồng dẫn ngài xuống suối, mới vốc nước, mụt ghẻ mặt người đã kêu lớn lên, khoan rửa đã, ngài là kẻ biết nhiều, hiểu rộng, đọc hết cổ kim, vậy mà ngài đã đọc cái chuyện Viên Án với Triệu Thố trong Tây Hán thư chưa? Đọc rồi, ngài Ngộ đạt trả lời. Cái mụt lại bảo, đọc rồi mà ngài không biết Viên Án đã giết Triệu Thố sao? Ngài là Viên Án, còn Triệu Thố là tôi đây. Triệu Thố bị chém ngang lưng ở chợ phía đông, oan khốc đến mức nào. Nên bao đời tôi đã tìm cách báo ngài. Nhưng ngài mười đời đều làm cao tăng, giới luật nghiêm tịnh, sự báo oán của tôi không có cơ hội. Nay ngài hưởng sự đãi ngộ của vua chúa quá xa xỉ, lòng danh lợi mống lên, cái đức có phần thương tổn, tôi mới hại ngài được. Ngày nay, mong ơn tôn giả Ca nặc rửa cho tôi bằng nước “từ bi tam muội”, từ nay sắp đi, tôi không còn là kẻ oan gia của ngài nữa.

Ngộ đạt quốc sư nghe mà cơ hồ hồn phách thoát khỏi cơ thể, luôn tay vốc nước mà rửa, đau thấu xương tủy, ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Coi lại thì mụt ghẻ mặt người đã không còn nữa. Ngộ đạt quốc sư mới biết các vị hiền thánh xen lẫn dấu vết trong dân gian là điều mà người phàm khó lường biết nổi. Muốn trở lại chiêm bái, nhưng ngoái nhìn thì tự viện đã không còn. Vì vậy, Ngộ đạt quốc sư mới dựng thảo am ngay nơi chỗ ấy, và sau này thành một tự viện. Tống triều ta đây, niên hiệu Chí đạo, sắc tứ là Chí đức thiền tự, có vị cao tăng tên Tín, húy Cổ, viết bài ký sự ghi lại việc này rất rõ.

Ngộ đạt quốc sư, lúc ấy, cảm kích sự kỳ lạ của Ca nặc tôn giả, thấm thía rằng oan trái nhiều kiếp phi gặp thánh nhân không làm sao cởi mở cho được. Nhân đó mà thuật lời thánh giáo, viết ra sám văn này, để hôm sớm lễ bái trì tụng, và sau đó đã phổ biến khắp cả nhân gian. Sám văn gồm có ba cuốn ngày nay là sám văn ấy. Đem nước từ bi tam muội rửa sạch oan nghiệp nhiều kiếp, lấy ý nghĩa đó để mệnh danh Thủy sám, là Ngộ đạt quốc sư cảm sự kỳ lạ của Ca nặc tôn giả, nên chính xác cái tên và nêu lên cái nghĩa như thế để báo đáp ơn ngài. Nay kể rõ sự thật từ ngày xưa, nêu cao cống hiến của người trước, là mong những kẻ sau này, hoặc lễ bái hoặc trì tụng, hễ dở sám văn ra là đã biết sự tích người xưa vốn có lý do, và nhân quả nhiều đời vẫn không khuất mờ.

| (1) Lời ghi - Tiểu dẫn - Mục Lục - Tựa | 
| (2) Khai Kinh | (3) Chánh Văn | (4) Hoàn Kinh |

KINH ĐỊA TẠNG – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

Dịch từ hán văn: Tỷ Kheo Thích Trí Quang

| Mở Đầu | Chánh Văn | Ghi chú |         

MỞ ĐẦU

I. Dẫn Nhập
II. Địa Tạng Đại Sĩ
III. Nghi Thức Sám Nguyện Đơn Giản

I. Dẫn Nhập

Ghi Sau Khi Duyệt Địa Tạng

Nếu nói vì sự dấn thân mà được Phật đem chúng ta ký thác, thì đó là sự đặc thù của đức Địa tạng mà Phật tử thì phải học tập.

Đời Phật có 2 vị đại sĩ quan trọng. Một là đức Từ thị, sẽ thay Phật làm Phật. Hai là đức Địa tạng, thay Phật mà gánh vác chúng sinh.

Địa tạng đề cao niệm Phật và bất sát, và xếp vào loại bất khả tư nghị cái phước giúp người già, người bịnh và sản phụ. Địa tạng chú trọng cả sinh và chết. Địa tạng rất trọng thị hạnh phúc nhân loại. Địa tạng hay nói Phật giáo, nhưng chữ ấy không có nghĩa tôn giáo của Phật, mà là giáo huấn của Ngài, và cái phước là làm theo giáo huấn ấy.

Địa tạng nói đến quỉ thần. Quỉ thần thật thì không đáng nói lắm. Hãy nói quỉ thần hình người mặt người. Quỉ thần ác có thiện có. Nhưng con người đa số ác nên quỉ thần ác lộng hành. Vậy đối phó với quỉ thần ác thì phải đừng ác.

Phật giáo có cái thuyết tam tai – Tam tai là 3 tai nạn đao binh, tật dịch và cơ cẩn, mà tôi đã dịch là chiến tranh, nhiễm độc và nhân mãn. Đó là 3 điều đang là mối lo lớn nhất cho cả thế giới. Trước đây không lâu thì chiến tranh hạt nhân là mối lo lớn nhất, nhưng hiện nay thì mối lo lớn nhất là ô nhiễm môi trường và bùng nổ dân số. Mối lo ô nhiễm môi trường lại có những mối lo liên hệ mà vi khuẩn HIV chỉ là một. Phật giáo không nói tận thế như các tôn giáo khác, nhưng mô tả tam tai thì thật kinh hoàng. Và nói về Địa tạng đại sĩ thì tam tai được nói đến còn hơn nói đến ngũ trược.

Mồng 8 tháng tư, 2537
Trí Quang

*

Thứ Nhất, Tiểu Dẫn Về Tài Liệu

1. Kinh này dịch và in năm 2514 (1970) một cách bình thường. Nay được chữa lại khá kỹ dẫu không còn để phần dịch âm.

2. Tài liệu được sử dụng là Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu (ký hiệu là Chính) và Tục tạng kinh bản chữ Vạn (ký hiệu là Vạn).

3. Nguyên bản căn cứ để chữa là Chính 13/777 – 790. Nguyên bản này không chia 3 cuốn mà chia 2 cuốn thượng hạ. Bản in riêng của Phật giáo Trung hoa cũng được sử dụng. Địa tạng khoa chú (Vạn 35/197-336) lại càng được tham chiếu.

4. Quan trọng đến nỗi không thể thiếu được trong việc tìm hiểu về đức Địa tạng là kinh Thập luân (Chính 13/721-777). Bản dịch trước của kinh này (Chính 13/681-721) và kinh Chiêm sát (Chính 17/901-910) cũng được tham khảo.

5. Tài liệu để soạn nghi thức sám nguyện là Tán lễ Địa tạng bồ tát sám nguyện nghi (Vạn 129/68-71), nhưng kinh Thập luân vẫn là tài liệu chính.

Thứ Hai, Tìm Xét Về Dịch Chủ

Về dịch giả kinh Địa tạng, có thể có 3 thuyết. Thứ nhất, tôi nhớ khi nhỏ có thấy 1 bản ghi ngài Pháp cự dịch. Thứ hai, 1 bản dịch ghi là ngài Pháp đăng. Thứ ba, nhiều bản ghi là ngài Thật xoa nan đà.

Về ngài Pháp cự, niên đại dịch kinh là 290-306 (Chính 98/678). Xuất xứ này cũng ghi dịch phẩm của ngài, như những xuất xứ khác. Trong những dịch phẩm được ghi, không có kinh Địa tạng. Nhưng trong Chính 49/61, cũng như mấy xuất xứ nữa, ghi dịch phẩm của ngài có 132 bộ 142 cuốn ẫ mà không bản mục lục nào ghi được đầy đủ. Như vậy không rõ trong đó có kinh Địa tạng mà thất lạc, hay không?

Về ngài Pháp đăng, không thể tìm thấy tên, nên không thể nói gì được.

Về ngài Thật xoa nan đà, niên đại dịch kinh là 695-704 (Chính 98/668). Có đến 5 xuất xứ ghi ngài là dịch giả kinh Địa tạng: Chính 13/777, Vạn 35/220A, Chính 99/346, Chính 99/376, và Chính 100/1010.

Phần tôi, sau khi tra cứu gần hết sử truyện và mục lục, ghi lại như trên đây. Nhưng thấy vấn đề dịch giả kinh Địa tạng vẫn bất ổn. Tôi lại không có 1 bản giảng giải mới nào, nên không biết có sự tra cứu nào đáng kể không. Riêng ngài Thái hư thì cũng cho dịch giả kinh Địa tạng là ngài Thật xoa nan đà (Thái hư toàn thư, 29/2470).

Thứ Ba, Khái Lược Về Nội Dung

Như vừa nói, nguyên bản kinh này chia 2 cuốn: cuốn thượng có các phẩm 1-6, cuốn hạ có các phẩm 7-13. Xét ra chia như vậy mới có nghĩa. Chia 3 cuốn thượng trung hạ chỉ để trì tụng cho thích hợp thì gian mà thôi. Kinh này cốt nói đại nguyện đại lực của Địa tạng đại sĩ. Cuốn thượng kể như là phần chính thuyết, nói đại lược đã đủ, và cuối phẩm 6 đã kết thúc bằng sự đặt tên kinh. Còn cuốn hạ kể như là phần bổ túc, bổ túc một số chi tiết. Nay tóm lược tất cả dưới đây.

Phần Chính Thuyết

Phẩm 1: Thần thông tại cung Đao lợi.- Sát với chính văn thì phải dịch là thần thông tại cung trời Đao lợi. Cung trời Đao lợi là Thiện pháp đường, tức giảng đường của Đế thích, và là chỗ Phật thuyết pháp cho mẹ, trong pháp được thuyết có kinh Địa tạng. Thần thông là đại bộ phận của thần lực và nhiều lúc cũng gọi là thần lực. Vã lại chữ thần lực đủ và sát với phẩm này, nên phải đổi ra. Xét thần lực của phẩm này nói thì thấy có 3. Một, thần lực không nói mà thấy rõ, đó là biến cung Đao lợi vốn rất lớn và trang nghiêm lại càng lớn và trang nghiêm vô tận (như Bồ đề tràng trong Hoa nghiêm). Hai, thần lực ánh sáng và âm thanh mà Phật biểu hiện ở cung Đao lợi (như phóng quang và thần lực trong Pháp hoa). Ba, thần lực hóa độ và tác thành của đức Địa tạng mà tại cung Đao lợi Phật đã đề cao. Chính yếu của phẩm này là 2 thần lực sau. Ngoài 3 thần lực này, phẩm này cốt nói đại nguyện của đức Địa tạng, đại nguyện ấy cũng là một thần lực, mà là thần lực quan trọng.

Phẩm 2: Thân phân hóa qui tụ lại.- Phân thân là phương tiện quan trọng nhất trong những phương tiện mà đức Địa tạng đã vận dụng để giải thoát cho bao kẻ tội khổ như đại nguyện mà phẩm 1 đã nói. Cũng chính vì đại nguyện nghiêng nặng về bao kẻ tội khổ, nên phân thân mà phẩm này nói đã nhấn mạnh phân thân ở địa ngục. Nhưng phân thân của đức Địa tạng, theo kinh Thập luân thì đếm được 42 loại (Chính 13/725), còn kinh này có 20 loại, của Phật nhưng là điển hình cho các vị đại sĩ. Phân thân như vậy có 2 loại lớn là hữu tình và vô tình. Trong loại vô tình, kinh Thập luân chỉ nói” hiện những cảnh đẹp cho người vui thích”, còn kinh này nói rõ hơn: hiện ra làm núi rừng, dòng nước, đồng bằng, sông ngòi, ao hồ, suối giếng. Nói rõ mà không đủ, vì ngoài núi rừng và đồng bằng, chỉ nói toàn nước — Nói như vậy cũng không lạ, nếu ta biết đến vấn đề nước ở cái xứ nóng như Ấn độ. Nhưng phải nói như chính đức Địa tạng đã nói mới rõ và đủ hơn, dầu vắn tắt hơn, rằng thân đức Địa tạng là thân không biên cương, rằng tại mỗi thế giới hệ, ngài phân hóa trăm ngàn vạn ức thân hình. Và phân hóa thân hình là để thuyết pháp. Nhưng thuyết pháp ở đây không phải chỉ có một cách nói bằng lời, mà nói bằng nhiều cách: cách nào mà lợi người là thuyết pháp cả. Nên cảnh vật làm người vui thích, làm người được ích lợi, thì đó chính là sự thuyết pháp, là sự độ thoát. Đừng hiểu rằng hiện cảnh vật ích lợi mọi người để rồi sau đó thuyết pháp độ thoát cho họ. Mặt khác, vì đại nguyện và sự phân thân như vậy, nên trong phẩm này đức Địa tạng được đức Thế tôn đem chúng sinh, trong đó có chúng ta, ký thác cho ngài.

Phẩm 3: Quán sát nghiệp quả chúng sinh.- Nghiệp quả, hay nghiệp cảm, là hành vi và kết quả của hành vi. Nói quán sát nghiệp quả của chúng sinh, nhưng thật ra phẩm này lấy người Diêm phù chúng ta làm điển hình mà nói. Vì đại nguyện của đức Địa tạng chú trọng chúng sinh tội khổ, nên phân thân của ngài đã nhấn mạnh phân thân địa ngục, và bây giờ nói quán sát nghiệp quả, nhưng thật ra chỉ quán sát nghiệp quả địa ngục  đặc biệt địa ngục vô gián, nơi nghiệp dữ nhất và quả khổ nhất. Điều rất đáng tiếc là trong phần nói về nghiệp dữ nhất ấy đã không nói đến nghiệp dữ hơn hết, ấy là những chủ thuyết độc hại nhân loại mà chữ tà kiến hay ác kiến không diễn đạt hết được. Phản bội Phật pháp, đi theo các chủ thuyết ấy, cũng là nghiệp dữ nhất mà kinh này đã không nói đến.

Phẩm 4: Nghiệp quả của người Diêm phù.- Phẩm này tiếp tục phẩm trước, lấy người Diêm phù chúng ta làm điển hình mà nói về nghiệp quả của chúng sinh, nhưng nói rộng hơn: Một, về nghiệp quả, không phải chỉ nói nghiệp quả vô gián, nhưng vẫn chú trọng nghiệp quả đường dữ. Hai, nói về đại thệ (lời thề thực hiện đại nguyện) của đức Địa tạng. Ba, nói về cách giải thoát nghiệp quả cho chúng sinh của đức Địa tạng; trong cách này, ở đây đưa ra cách nói về nhân quả, nhưng chữ nói ấy không phải chỉ là nói, khuyên và răn, mà là nói bằng sự “vận dụng hàng trăm hàng ngàn phương tiện”. Hai phần đại thệ và cách nói như vậy là vài phương tiện của đức Địa Tạng.

Phẩm 5: Danh xưng địa ngục.- Danh xưng địa ngục là tên của các địa ngục. Chính tên của mỗi địa ngục biểu thị hình cụ và cực hình của địa ngục ấy. Phẩm này chỉ bổ túc cho phẩm 4, nói về các địa ngục, nơi nghiệp dữ phải chịu quả báo, sau khi chịu hoa báo và trước khi chịu dư báo. Nhưng đến đây, sau 3 phẩm 3, 4 và 5 nói về nghiệp quả, những điểm chính yếu sau đây phải được nhận rõ: địa ngục thật khổ, và ai làm nghiệp dữ thì người ấy tự chịu, chứ không ai có thể chịu thay cho; như vậy địa ngục là thật, nếu thật có nghiệp dữ; nhưng cũng không thật, nếu nghiệp dữ không có hay có mà được trừ bỏ; sự trừ bỏ cũng vẫn có thể hy vọng, nếu biết qui y đức Địa tạng và làm theo kinh này chỉ dẫn; và đức Địa tạng trừ bỏ cứu vớt cho cũng không phải chỉ trừ bỏ cứu vớt nơi cái nhân mà còn ngay nơi cái quả: Đó là sự đặc biệt, bất khả tư nghị của đức Địa tạng và kinh Địa tạng.

Phẩm 6: Thế tôn tuyên dương.- Các phẩm trước đã nói về thệ nguyện, phương tiện và sở độ của đức Địa tạng, phẩm này nói về sự ích lợi nhân thiên của ngài. Ích lợi nhân thiên là đem lại cho nhân thiên và mọi loài sự ích lợi mà phần chính là ở chính trong nhân thiên. Sự ích lợi ấy gọi là sự yên vui tuyệt diệu (thắng diệu lạc). Sự ích lợi ấy ích lợi cả nhân và quả, cả hiện tại và vị lai. Ích lợi này còn được nói đến trong phẩm 12 và rải rác ở các phẩm khác. Và, như đã nói, đến đây kể như đã lược đủ về đại nguyện và đại lực của đức Địa tạng, nên Phật đặt tên cho kinh này, tên ấy biểu thị đại nguyện và đại lực đã nói.

Phần Bổ Túc

Phẩm 7: Lợi ích người còn kẻ mất.- Phẩm này bổ túc cho chi tiết ích lợi kẻ mất: làm cách nào để kẻ mất được ích lợi mà người còn cũng được. Trong cách ấy, hại nhất cho kẻ mất, cái hại phải cố mà tránh, ấy là sự sát sinh cúng tế.

Phẩm 8: Chúa tôi Diêm la xưng tụng.- Diêm la là Diêm la thiên tử, cũng gọi là Diêm vương, thuộc loài quỷ, thống lãnh quỉ chúng và tổng quản địa ngục. Phẩm này bổ túc những chi tiết sau đây: Thứ nhất, bổ túc sự đại tinh tiến, cứu độ không chán mệt của đại nguyện đức Địa tạng. Thứ hai, bổ túc uy thần của đức Địa tạng đối với thế giới quỉ — thế giới rất mạnh và đa dạng, mạnh nên gây họa mạnh bao nhiêu thì giúp phước cũng mạnh bấy nhiêu, khi có uy thần của đức Địa tạng. Thứ ba, bổ túc ích lợi khi chết, nhất là lúc sinh. Trong chi tiết này có vài chi tiết nhỏ: Một, lúc sinh không được sát sinh tiệc tùng (phẩm trước mới nói khi chết không được sát sinh cúng tế); còn khi chết thì phẩm này nói đến một trong những cái gọi là “cách ấm mê”: sự bị mê hoặc dẫn dụ khi chết. Hai, chúa quỉ Chủ sinh mạng, vị bổ túc chi tiết thứ ba này được Phật gọi là một vị đại bồ tát và thọ ký cho: quan trọng biết bao. Điều cần phải đặc biệt nói thêm, là kinh này hết sức răn việc sát sinh (để cúng tế khi chết và tiệc tùng lúc sinh), coi việc sát sinh cùng loại với tội vô gián (chính văn : … ngoại trừ 5 thứ nghiệp dữ vô gián với nghiệp dữ sát sinh, còn những nghiệp dữ tương đối nhỏ hơn…).

Phẩm 9: Xưng tụng danh hiệu chư Phật.- Phẩm này bổ túc chi tiết nghe hay niệm danh hiệu Phật đà. Điều cần ghi chú, là mục đích bổ túc, cũng như lời kết thúc, tuy có vẻ nhấn mạnh giành cho sự chết — sắp chết, chết, sau khi chết; nhưng, những hiệu năng của mỗi hiệu Phật được nói đến lại không phải chỉ như vậy. Vậy mới biết, khi sắp chết, cái an ủi người chết, cái để cho người chết bám víu là danh hiệu của Phật, nhưng danh hiệu ấy cũng là, trước hết đã là, cái cho người sống bám víu, và từ đó thấy rõ cái phước được biết Phật và được niệm Phật cần thiết đến mức nào trong đời sống.

Phẩm 10: Trắc lượng công đức bố thí.- Phẩm này bổ túc nhân tố thánh thiện, đặc biệt còn chỉ cách biến nhân tố ấy từ hữu lậu thành vô lậu.

Phẩm 11: Thần đất hộ trì.- Phẩm này bổ túc chi tiết phụng thờ đức Địa tạng. Cách thức và ích lợi của sự phụng thờ ấy, phẩm này nói rõ. Trong phần ích lợi, sự đất đai được màu mỡ (thứ 1) và hay gặp dịp làm phước (thứ 10) đã đáng chú ý, nhưng đáng chú ý hơn nữa là ở phẩm này người nói về đức Địa tạng là một vị Địa thần: 2 chữ Địa như vậy không phải ngẫu nhiên mà trùng hợp.

Phẩm 12: Ích lợi của sự thấy nghe.- Thấy nghe là thấy hình tượng hay nghe danh hiệu của đức Địa tạng. Ích lợi của sự thấy nghe như vậy là bổ túc cho sự ích lợi nhân thiên của đức Địa tạng. Trước khi nói ích lợi ấy, Phật phóng ánh sáng đặc biệt, và vị phát khởi là chính đức Quan âm: như thế cũng đủ thấy sự ích lợi ấy bất khả tư nghị đến mức nào. Nên sự ích lợi nhân thiên chính là sự bất khả tư nghị: siêu việt và khác thường, tư tưởng và ngôn ngữ bình thường không thể tư duy và mô tả sự ích lợi ấy, nhất là tư duy mô tả theo cách thức bình thường.

Phẩm 13: Thế tôn ký thác.- Chính văn là chúc lụy nhân thiên: đem nhân loại và chư thiên, và bao chúng sinh tội khổ mà chúc lụy. Chúc, hay phó chúc, là giao phó, căn dặn. Lụy là mối lụy, trách nhiệm nặng nề. Chúc lụy là căn dặn mà giao phó trách nhiệm nặng nề. Nên tôi đổi ra chữ ký thác cho dễ hiểu. Nội dung phẩm này tổng kết sự ích lợi bất khả tư nghị của đức Địa tạng, nhưng quan trọng nhất là một lần nữa Phật lại đem chúng ta và chúng sinh ký thác cho ngài. Sự ký thác này thật đặc biệt: một là chỉ ký thác cho ngài, hai là chỉ kinh này có sự ký thác như vậy. Ngay như kinh Pháp hoa, sự ký thác ở đó cũng không như ở đây.

*

II. Địa Tạng Đại Sĩ

Tài liệu ghi về đại sĩ dưới đây toàn xuất từ kinh Thập luân. Cách ghi thì phần nhiều lược văn mà không lược ý, nhưng cũng có chỗ dẫn dụng chính văn. Chỗ nào dẫn kinh điển khác thì ghi tên rõ ràng.

1. Danh hiệu của đức Địa tạng.- Theo nghĩa đen, địa là đất, tạng là kho tàng: kho tàng đất, gọi là Địa tạng. Nếu đọc Địa tàng thì lại có nghĩa sự tàng trữ của đất. Nhưng nghĩa chính thì nên lấy cách đọc Địa tạng. Đại nhật kinh sớ nói Điạ tạng bồ tát chủ trì kho báu vô biên công đức phát khởi từ bản tánh của tâm địa. Định nghĩa này biến thành định nghĩa mà khoa nghi thường nói “khể thủ bản nhiên tịnh tâm địa, vô tận phật tạng đại từ tôn”. Còn 1 bài tựa của Địa tạng khoa chú (Vạn 35/206A) dẫn lời Phật nói dũng mãnh là Địa tạng. Lời này không thấy ghi xuất xứ, nhưng rất đúng với đại thệ nguyện và đại tinh tiến của đức Điạ tạng phân thân vào trong các đường dữ, nhất là vào trong địa ngục. Còn kinh Thập luân, khi tả đức tính của ngài về lục độ, có nói nhẫn thì vững như cõi đất to lớn, định thì sâu như kho tàng bí mật. Lời này thành định nghĩa của Phật học đại từ điển. Thế nhưng các định nghĩa ấy không bằng chính văn sau đây. “Vị đại sĩ này, bằng định lực, làm cho tất cả trái hạt phong phú. Tại sao, vì vị đại sĩ này đã qua vô số kiếp, nơi vô số Phật, phát cái nguyện cực kỳ tinh tiến và kiên cố; do năng lực của nguyện ấy, để hóa độ chúng sinh, ngài giữ gìn tất cả đất đai và mầm giống cho chúng sinh tùy ý hưởng dụng. Chính năng lực của ngài đã làm cho cả cõi đất to lớn này cỏ cây rau lá sinh trưởng tốt tươi, thóc lúa hoa quả đầy đủ chất lượng”. Lời này cho thấy Địa tạng là kho đất, là nghĩa đen thật sự. Và việc này rất liên hê đến sự tồn tại của Phật pháp, liên hệ một cách đặc biệt. “Địa tạng đại sĩ bạch đức Thế tôn, con nguyện tế độ tất cả bốn chúng đệ tử của đức Thế tôn. Con làm tăng trưởng hết thảy bạch pháp giải thoát, tăng trưởng cây trái thực phẩm và dược liệu, tăng trưởng đất nước gió lửa, nói tóm, con làm cho dòng giống Tam bảo trường tồn, rực rỡ và uy đức … Đức Thế tôn nói, Địa tạng đại sĩ làm được như vậy là vì đại sĩ đã được tuệ giác Bát nhã sâu xa, nắm chắc tính chất đối kháng và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh diệt của đất nước gió lửa”.

Tư tưởng hệ Phật giáo về con người và thế giới con người không phải chỉ có một mặt: có mặt do phước báo mà có, đó là nhân quả dị thục; có mặt do nhân lực mới thành, đó là nhân quả sĩ dụng; nhưng còn mặt nữa, đó là thần lực của chư Phật chư đại bồ tát. Thần lực ấy thấy rõ nhất nơi Địa tạng đại sĩ, nên trong kinh đã dẫn, đức Thế tôn đề cao như sau, “giả sử có người đối với vô số đại bồ tát trì niệm và hiến cúng cả trăm kiếp, không bằng có người trong thì gian một bữa ăn chí tâm qui y, lễ bái, trì niệm và hiến cúng Địa tạng, vị đại sĩ có đại bi nguyện và đại tinh tiến quá hơn các vị bồ tát”.

Đến đây thì đã thấy khi xưng niệm ngài, nên thay những chữ thừa mà thiếu là đại bi đại nguyện đại thánh đại từ bằng những chữ đại bi đại nguyện đại định đại lực, đã thấy ngài là vị minh dương cứu khổ chứ không phải chỉ là u minh giáo chủ, đã thấy trì niệm ngài không phải chỉ để cầu siêu. Những điều này, dưới đây sẽ còn thấy rõ hơn nữa.

Trên đây là định nghĩa chính về danh hiệu của Địa tạng đại sĩ. Phần tôi, căn cứ tinh thần kinh Địa tạng, nhất là căn cứ câu “tất cả thân hình của Điạ tạng đại sĩ phân hóa tại các địa ngục của các thế giới hệ” trong phẩm 2, tôi lại muốn định nghĩa đơn giản, rằng Địa tạng là tàng hình trong điạ ngục. Tôi nói muốn định nghĩa như vậy, không nói đó là định nghĩa. Tuy nhiên, tôi thấy như vậy lại rất thâm thiết đối với hạnh nguyện của Địa tạng đại sĩ. Sau này có dịp được thấy Thái hư đại sư đã có ý kiến đó (Thái hư toàn thư tập 29 trang 2468).

2. Hình tượng của đức Địa tạng.- Địa tạng đại sĩ đến với Phật từ phương nam, bằng hình tướng Thanh văn, tức hình tướng xuất gia. Hình tướng ấy vừa tiêu biểu vừa hộ trì cho Tăng bảo và sự giải thoát của toàn bộ Phật pháp. Thị hiện hình tướng ấy, có nghĩa như Phật nói, “chỉ có chư Phật thế tôn và bồ tát đại sĩ mới hộ trì được 2 việc: hộ trì người xuất gia vì muốn tiếp nối dòng giống Tam bảo và hộ trì chánh pháp thuận với sự giải thoát của cả Tam thừa. Thế quyền không làm được việc ấy; đừng rình sơ hở mà hại đệ tử và chánh pháp của ta”.

Quốc độ này Tăng bảo là người xuất gia. Muốn làm cho Phật pháp tồn tại thì phải ái hộ người xuất gia. Ái hộ người xuất gia, trước hết và căn bản, là ái hộ giới pháp. “Người xuất gia dẫu tàn tệ đến nỗi chỉ là cái thây chết phá giới, không giới, sẽ đọa ác đạo, nhưng vẫn làm thiện tri thức cho nhân thiên ở chỗ có thể tuyên thuyết Phật pháp cho họ, lại vì có hình tướng và uy nghi của người xuất gia nên làm cho mọi người phát sinh cảm nghĩ quí báu”. Do đó, Phật không chấp nhận họ là đệ tử, nhưng cũng không chấp nhận thế quyền xúc phạm đến họ. Phật chỉ chấp nhận sự trừng trị theo giới luật của Tăng chúng thanh tịnh.

Ái hộ người xuất gia là, kế đó, ái hộ sự giải thoát và chánh pháp đem lại sự giải thoát ấy. Chánh pháp giải thoát là cọng tướng của toàn bộ Phật pháp gồm cả thanh văn tiểu thừa và vô thượng đại thừa, tuy nhiên, chánh pháp ấy căn bản vẫn là thanh văn tiểu thừa. “Như vậy những kẻ tự xưng đại thừa, khinh miệt và cản trở sự truyền bá tiểu thừa, những kẻ không tin, phỉ báng và cản trở cả tiểu thừa đại thừa, tất cả những kẻ này không được xuất gia, xuất gia rồi phải đuổi gấp, vì họ mới thật là kẻ đại tội ác gần với tội ác vô gián”. “Đừng vì lợi và danh mà lừa đảo thế gian, tự xưng đại thừa, phỉ báng tiểu thừa. Làm như vậy thì họ không còn là đồ chứa đựng chánh pháp, dầu là chánh pháp tiểu thừa hay chánh pháp đại thừa”. Nên đối với những kẻ phá hoại này Phật nghiêm khắc hơn cả với kẻ phá giới. Ngài đã biết trước và dạy thi hành sự bất cọng trú đối với họ: “Tăng chúng thanh tịnh và hòa hợp trục xuất rồi mà họ dùng tiền của, học thức, khéo miệng và mưu mô, làm cho thế quyền đứng về phía họ, buộc Tăng chúng thanh tịnh phải để họ ở chung như cũ, thì trong Tăng chúng những vị tỷ kheo giữ giới và hổ thẹn, hãy vì hộ trì giới pháp mà trình bày rõ ràng với thế quyền, đừng giận dữ thóa mạ những kẻ phá pháp ấy. Nếu thấy trình bày mà bị đàn áp, thì nên bỏ chỗ ấy mà đi ở chỗ khác”.

Ái hộ người xuất gia không phải chỉ ái hộ giới luật thanh tịnh và chánh pháp giải thoát, Địa tạng đại sĩ còn ái hộ bằng sự làm tăng thêm tư cụ để người xuất gia sống mà giữ giới, mà tu bạch pháp giải thoát, mà, nói tóm, tiếp nối dòng giống Tam bảo. Nên như đã thấy, “Địa tạng đại sĩ bạch đức Thế tôn, con nguyên tế độ tất cả 4 chúng đệ tự của đức Thế tôn. Con làm tăng trưởng hết thảy bạch pháp giải thoát, tăng trưởng cây trái thực phẩm và dược liêu, tăng trưởng đất nước gió lửa, nói tóm, con làm cho dòng giống Tam bảo trường tồn, rực rỡ và uy đức”.

Với sự tiêu biểu và hộ trì người xuất gia như trên đây, hình tướng xuất gia của đức Địa tạng đã thành vấn đề, và là vấn đề trọng đại, là phải.

3. Đại nguyện của đức Địa tạng.- Kinh đã dẫn tả đại nguyên này bằng những từ ngữ như sau. “Vị đại sĩ này có vô số những sự bất khả tư nghị, ích lợi chúng sinh một cách cần mẫn tinh tiến, là vì đối trước hằng sa chư Phật, để ích lợi chúng sinh, ngài đã phát khởi thệ nguyện đại từ bi, rất kiên cố, khó phá hoại, rất dũng mãnh, rất tinh tiến và vô cùng tận; do năng lực tăng thượng của thệ nguyện ấy mà trong mỗi thì gian bằng một ngày đêm hay một bữa ăn, ngài cứu độ được vô lượng chúng sinh, làm cho những sở cầu đúng như chánh pháp của họ đều thỏa mãn cả”.

4. Phân thân của đức Địa tạng.- Kinh đã dẫn nói, “Vị đại sĩ này, bằng vào những sự bất khả tư nghị đã hoàn thành, vào sự dũng mãnh tinh tiến của thệ nguyện kiến cố, để cứu độ chúng sinh, khắp trong thế giới hệ mười phương, ngài thị hiện đủ mọi thân hình”. Thân hình mà ngài thị hiện, không những đủ loài, đủ hạng trong mỗi loài, đủ từ thân Phật đà đến thân địa ngục, mà quan trọng và đặc biệt, còn “hiện những cảnh đẹp cho người vui thích”. Nhưng câu này phải nói như kinh Địa tạng mới rõ: thân của Địa tạng đại sĩ là thân không biên cương. Phẩm 2 của kinh ấy nói về sự phân thân của Phật, điển hình cho sự phân thân của chư Phật và đại bồ tát, lại nói, “hoặc hiện rừng núi, dòng nước, đồng bằng, sông ngòi, ao hồ, suối giếng, ích lợi khắp cả mọi người, ai cũng được độ thoát”. Chính văn câu này như sau, “hoặc hiện sơn, lâm, xuyên, nguyên, hà, trì, tuyền, tỉnh, lợi cập ư nhân, tất giai độ thoát”. Trước đây tôi đã chuyển văn một chút mà dịch như sau, “hoặc hiện núi sông, bình nguyên, ao hồ, suối giếng, ích lợi khắp cả, toàn là tác dụng hóa độ”. Chưa có kinh điển nào nói minh bạch được như vậy, dẫu rằng trong cách nói cũng có thể làm cho ta hiểu rằng sự phân thân của chư Phật và đại bồ tát là như thế đó, không phải chỉ có những thân hình như chúng ta hiểu theo nghĩa của chúng ta.

5. Định lực của đức Địa tạng.- Kinh đã dẫn nói, tại bất cứ thế giới hệ nào, Địa tạng đại sĩ cũng nhập các định, hoạt hiện vô biên diệu dụng, hóa độ vô lượng chúng sinh. Sau khi kể rõ 23 định (2) , nhập định nào có lực dụng gì, kinh đã dẫn nói, “nói tổng quát, vị đại sĩ này, hằng ngày mỗi buổi sáng sớm, vì cứu độ chúng sinh nên nhập vô số định. Định lực ấy tùy sở ưng mà ích lợi chúng sinh trong mọi thế giới hệ”, “đặc biệt là trong giai đoạn ngũ trược và những thế giới hệ không có Phật xuất hiện”.

6. Sở độ của đức Địa tạng.- Như lời kinh đã dẫn trên đây, đối tượng sở độ của Địa tạng đại sĩ có 3. Thứ nhất, nói tổng quát là chúng sinh trong hết thảy quốc độ và thì gian. Thứ hai, nói đặc biệt lại có 3, là chúng sinh ở những quốc độ không có Phật, ở những quốc độ có Phật nhưng thuộc giai đoạn ngũ trược (và dẫn đếm tam tai) và thuộc giai đoạn cách hở giữa 2 đức Phật (mà Phật pháp không còn). Thứ ba, nói thiết cận là châu Diêm phù, tức loài người chúng ta đây, và theo kinh Địa tạng thì quan trọng là chúng sinh tội khổ trong các ác đạo, nhất là ác đạo địa ngục, của châu Diêm phù. Do đó, Phật nói, Địa tạng đại sĩ ứng hiện khắp nơi, nhưng nghiêng nặng đối với giai đoạn dữ dội (Chiêm sát, Chính 17/902). Chính đại sĩ thì ngài nói, đã 13 đại kiếp đến nay, ngài nỗ lực cực nhọc loại trừ ngũ trược và tam tai cho chúng sinh. Còn kinh Địa tạng thì nói đi lặp lại, rằng đối với châu Diêm phù, ngài có một sự liên hệ lớn lao.

Vì châu Diêm phù, và giai đoạn ngũ trược dẫn đến tam tai (3) , là đối tượng sở độ đặc biệt của Địa tạng đại sĩ, nên ở đây phải nói sơ lược.

Như đã nói, Diêm phù là thế giới loài người chúng ta đây. Thế giới ấy là 1 trong 1 tỷ thành phần của thế giới hệ Sa bà. Đại bộ phận thế giới hệ này, cũng như các thế giới hệ tương tự, có như nhau một quá trình là thành: kết thành, trú: tồn tại, hoại: hư rã, không: tan biến. Nhưng không rồi lại thành, lại trú, lại hoại, lại không, luân chuyển như thế chứ không mất hẳn. Mỗi thời kỳ thành trú hoại không đều có thì gian như nhau, nhưng chỉ thời kỳ trú mới có chúng sinh sinh sống, chúng sinh mà trong đó loài người là đại bộ phận. Thời kỳ trú có 20 tăng giảm. Thời kỳ thành rồi thì có người sinh sống, và sống rất lâu, ấy là tăng; sau đó con người vì phát sinh ngũ trược mà sự sống giảm dần, giảm đến trung bình không quá trăm tuổi là ngũ trược tăng thì, và rồi sẽ giảm dần nữa cho đến dẫn ra tam tai, ấy là giảm. Tam tai là đao binh, tật dịch, cơ cẩn (chiến tranh, nhiễm độc, nhân mãn). Sau tam tai, con người sống sót rất ít, mới biết khủng khiếp và thương nhau, loài người lại phồn thịnh, trong đó có sự sống lâu tăng dần, nhờ sự thương nhau đó, đó lại là tăng. Và cứ như thế mà tăng rồi giảm, giảm lại tăng. Hiện nay là ngũ trược tăng thì của thời kỳ giảm thứ 9 trong 20 thời kỳ tăng giảm của thời kỳ trú. Như vậy thì trước nữa và sau nữa còn có vô tận những giai đoạn ngũ trược và tam tai. Trong ngũ trược, nhất là trong tam tai, Địa tạng đại sĩ cứu độ bằng định lực. Nguyên nhân chính của tam tai là sự tàn hại lẫn nhau, nên từ tâm thương nhau là nguyên nhân chính kết thúc tam tai. Do đó mà trong tam tai, ai tu từ tâm thì khỏi. Mà một trong vô số hiệu năng định lực của đức Địa tạng là làm cho con người “bỏ được tâm lý độc hại mà hướng về nhau bằng từ tâm”.

7. Phó cảm của đức Địa tạng.- Diệu dụng của Địa tạng đại sĩ là như thế, như một ít điều đã ghi trên đây. Diệu dụng ấy, như vậy, toàn là để thỏa mãn mọi sự sở cầu, miễn mọi sự sở cầu ấy là “như pháp sở cầu” và xuất từ “chí tâm xưng niệm”, đó là 2 từ ngữ mà kinh Thập luân đã dẫn luôn luôn nói đến.

—o0o—

Địa Tạng Đại Sĩ và Kinh Địa Tạng

Bây giờ hãy nói vắn tắt về nội dung kinh Địa tạng và đức Địa tạng qua kinh này.

Kinh này được gọi là hiếu kinh của Phật giáo. Hiếu niệm của Phật giáo, chỉ cần nói, theo Bồ tát giới Phạn võng, cái tội nặng nhất là phải sinh ở những chỗ không được nghe cái tên Cha mẹ hay Phật pháp tăng, cũng đủ để ý thức. Gọi là hiếu kinh của Phật giáo, vì kinh này có nội dung sau đây.

Thứ nhất, kể lại hiếu hạnh của Địa tạng đại sĩ mà đại nguyện của ngài đã xuất phát từ hiếu hạnh ấy và hoàn thành hiếu hạnh ấy. Đại nguyện của Địa tạng đại sĩ đại khái có 2 cách nhìn: một, căn bản là “chúng sinh độ tận phương chứng bồ đề, địa ngục vị không thệ bất thành Phật”; hai, tùy thời, tùy căn và tùy cảnh, còn có những lời thề để thực hiện đại nguyện căn bản trên đây. Đối tượng của đại nguyện Địa tạng đại sĩ đương nhiên vô giới hạn, nhưng đặc biệt là chúng sinh tội khổ trong tam đồ, nhất là trong địa ngục; là người Diêm phù; và như đã nói, còn có những kẻ ở các thế giới hệ không Phật, hay có Phật mà thuộc giai đoạn ngũ trược, giai đoạn tam tai, và thời kỳ cách hở giữa 2 đức Phật.

Thứ hai, tóm tắt những ích lợi, những sự bất khả tư nghị của đại nguyện Địa tạng đại sĩ đem lại cho chúng sinh. Đại nguyện Địa tạng đại sĩ thể hiện qua danh hiệu, hình tượng và kinh điển (kinh Địa tạng) của ngài. Nên 3 pháp hạnh trì niệm danh hiệu, chiêm bái hình tượng và trì tụng kinh điển chính là trì niệm, chiêm bái và trì tụng đại nguyện của Địa tạng đại sĩ, và những sở cầu mà trong kinh nói rõ, sẽ được đại nguyện ấy làm cho như ý. Đặc biệt chữ sinh tử trong kinh này nói, ngoài cái nghĩa tổng quát như bao nhiêu kinh điển khác, còn có cái nghĩa rõ nhất là lúc sinh lúc chết, khi còn khi mất. Kinh này dạy rõ thực hành như thế nào về 3 pháp hạnh thì tiếp nhận được những gì về ích lợi mà đại nguyện Địa tạng đại sĩ đem lại cho, trong lúc sinh lúc chết và người còn kẻ mất. Do đó, khi cha mẹ hay thân nhân đau ốm, khi sắp chết, khi chết và sau khi chết, kinh này kể rõ đại nguyện Địa tạng đại sĩ tác thành hiếu niệm cho những người con hiếu hạnh như thế nào, và dạy rõ cách thức mà những người con hiếu hạnh có thể làm được để tiếp nhận sự tác thành ấy. Đó là đối với lúc chết và người mất. Đối với lúc sinh và người còn, kinh này càng rất quan tâm, bằng cách răn sự sát sinh, đề cao sự giúp đỡ sản phụ, bịnh nhân và người già, lại chỉ dạy những sự cần thiết, chỉ dạy cũng với thái độ nghiêm trọng.

Thứ ba, có một chi tiết quan trọng là kinh này rất trọng thắng diệu lạc (sự yên vui tuyệt diệu) ở trong nhân loại và chư thiên. Giải thoát, theo kinh này, là giải thoát ác đạo (nhất là địa ngục) và giải thoát luân hồi. Con cá sa vào dòng nước có lưới, thì thoát là thoát lưới và thoát cả dòng nước. Chỉ thoát lưới là thoát tạm, thoát rồi cũng có thể mắc lại. Phải giải thoát cả lục đạo luân hồi mới là giải thoát vĩnh viễn, nếu chỉ giải thoát ác đạo thì thoát rồi cũng có thể đọa lại. Lý lẽ là như vậy, nhưng cấp bách nhất vẫn là sự giải thoát ác đạo mà sinh lên nhân thiên, hưởng thắng diệu lạc. Đó là điều kinh này đặc biệt quan tâm. Điều ấy rất phù hợp với thái độ của Phật nói trước về giới luận và thí luận mỗi khi thuyết pháp cho người mới đến.

Thứ tư, việc cảm động nhất và nổi nhất của kinh này là do những điều trên, nhất là do đại nguyện, mà Địa tạng đại sĩ được Phật đem chúng sinh tội khổ ký thác cho. Không những như vậy, sự ký thác này, và kinh đại nguyện này của Địa tạng đại sĩ, được Phật thực hiện và tuyên thuyết khi ngài lên Đao lợi thuyết pháp cho mẹ, trước ngày nhập niết bàn. Như vậy, chính việc đem chúng sinh ký thác cho Địa tạng đại sĩ, và việc nói về đại nguyện của Địa tạng đại sĩ, là việc báo hiếu của Phật, đối với mẹ và đối với chúng sinh. Quan trọng biết bao! Kinh này phổ cập sâu rộng, chính là vì điều này đây.

Với nội dung trên đây, trọng tâm kinh Địa tạng là nói về đại nguyện của Địa tạng đại sĩ, nên Phật đã mệnh danh là kinh bản nguyện, và dạy thọ trì cùng truyền bá theo đại nguyện ấy. Mặt khác, kinh này nói giản dị, sự việc cần thiết và gần gũi lòng người, nhưng hạnh nguyện là hạnh nguyện thượng thừa, và triết thuyết thì cực kỳ viên đốn khi minh bạch nói rằng cảnh vật cũng là hóa thân và toàn là tác dụng hóa độ. Cảm kích nhất vẫn là việc kinh này được Phật nói lúc ngài thuyết pháp cho mẹ để nhập niết bàn, lại nói về đại nguyện của một vị đại sĩ như đức Địa tạng, và thiết tha đem chúng ta ký thác cho đại sĩ. Như vậy, qua kinh Địa tạng, đức Địa tạng mới thật bất khả tư nghị.


III. Nghi Thức Sám Nguyện Đơn Giản

Trước Khi Trì Tụng Kinh Địa Tạng

1. Phụng thỉnh qui y

Nhất tâm phụng thỉnh và qui y đức Phật bổn sư Thích ca mâu ni như lai, đức Phật đương lai Di lạc như lai, cùng Phật, Phật pháp và Tỷ kheo tăng khắp cả pháp giới.

Nhất tâm phụng thỉnh và qui y đức Phật bổn tôn A di đà như lai, cùng Quan thế âm bồ tát, Đại thế chí bồ tát, Thanh tịnh đại hải chúng bồ tát ở quốc độ Cực lạc.

Nhất tâm phụng thỉnh và qui y đức đại bi đại nguyện đại định đại lực Địa tạng bồ tát, cùng Bồ tát, Duyên giác và Thanh văn khắp cả pháp giới.

2. Tác bạch tâm nguyện

Đệ tử tên họ XX , pháp danh XX, nguyện vì cầu siêu cho XX, cầu an cho XX (4) , và cầu nguyện cho bản thân, cho người thân kẻ thù trong đời này và bao nhiêu kiếp khác, cho hết thảy Tăng ni Phật tử, cho mọi người và mọi loài, mà chí thành lễ bái và trì tụng kinh Địa tạng bản nguyện. Ngưỡng nguyện Tam bảo vô thượng và Địa tạng đại sĩ từ bi chứng minh, nhiếp thọ hộ trì, làm cho người còn kẻ mất đều được siêu thoát, an lạc.

3. Lễ bái chư Phật bồ tát

Kính lạy đức Phật bổn sư Thích ca mâu ni như lai, đức Phật đương lai Di lạc như lai, cùng hết thảy chư Phật như lai trong pháp hội tuyên thuyết kinh Địa tạng và trong thì hiện tại khắp các quốc độ mười phương.

Kính lạy đức Sư tử phấn tấn cụ túc vạn hạnh như lai, đức Giác hoa định tự tại vương như lai, đức Nhất thế trí thành tựu như lai, đức Thanh tịnh liên hoa mục như lai, cùng hết thảy chư Phật như lai trong thì quá khứ khắp các quốc độ mười phương.

Kính lạy đức Vô biên thân như lai, đức Bảo tánh như lai, đức Ba đầu ma thắng như lai, đức Sư tử hống như lai, đức Bảo thắng như lai, đức Bảo tướng như lai, đức Ca sa tràng như lai, đức Đại thông sơn vương như lai, đức Tịnh nguyệt như lai, đức Sơn vương như lai, đức Trí thắng như lai, đức Tịnh danh vương như lai, đức Trí thành tựu như lai, đức Vô thượng như lai, đức Diệu thanh như lai, đức Mãn nguyệt như lai, đức Nguyệt diện như lai, cùng chư Phật như lai nhiều đến số lượng không thể nói hết.

Kính lạy đức Tỳ bà thi như lai, đức Thi khí như lai, đức Tỳ xá phù như lai, đức Câu lưu tôn như lai, đức Câu na hàm mâu ni như lai, đức Ca diếp như lai, đức Thích ca mâu ni như lai, đức Di lạc như lai, cùng hết thảy chư Phật như lai trong ba thì quá khứ hiện tại và vị lai của quốc độ Sa bà.

Kính lạy đức Vô tướng như lai, cùng hết thảy chư Phật như lai trong thì vị lai khắp các quốc độ mười phương.

Kính lạy Văn thù sư lợi bồ tát, Tài thủ bồ tát, Định tự tại vương bồ tát, Vô tận ý bồ tát, Giải thoát bồ tát, Phổ hiền bồ tát, Phổ quảng bồ tát, Quan thế âm bồ tát, Hư không tạng bồ tát, cùng hết thảy bồ tát đại sĩ ở quốc độ Sa bà và khắp các quốc độ mười phương.

4. Lễ bái Địa tạng đại sĩ

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi đại nguyện đại định đại lực, được Phật đem chúng sinh ký thác.

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi đại nguyện đại định đại lực, thị hiện hình tướng xuất gia để tiêu biểu và hộ trì cho người xuất gia tiếp nối dòng giống Tam bảo, cho giới pháp của người xuất gia, cho chánh pháp giải thoát của toàn bộ Phật pháp.

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi đại nguyện đại định đại lực, tế độ bốn chúng đệ tử của Phật bằng cách làm tăng trưởng bạch pháp giải thoát, tăng trưởng cây trái thực phẩm và dược phẩm, tăng trưởng đất nước gió lửa, để dòng giống Tam bảo trường tồn, rực rỡ và uy đức.

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi đại nguyện đại định đại lực, tế độ chúng sinh bằng cách giữ gìn cõi đất to lớn, làm cho cây trái thực phẩm và dược phẩm đầy đủ chất lượng, để chúng sinh tùy ý hưởng dụng.

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi đại nguyện đại định đại lực, phân hóa thân không biên cương ra làm đủ loài đủ giống, làm cả cảnh vật, lợi ích khắp cả, ai cũng được độ thoát.

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi đại nguyện đại định đại lực, ứng hóa khắp nơi, đặc biệt ứng hóa trong địa ngục, trong châu Diêm phù, trong những quốc độ không có Phật xuất hiện, trong những quốc độ có Phật xuất hiện nhưng thuộc thời kỳ ngũ trược tam tai, thời kỳ cách hở giữa 2 đức Phật mà Phật pháp không còn.

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi đại nguyện đại định đại lực, ích lợi cho cả lúc tạo tác nguyên nhân và lúc hưởng chịu kết quả, cho cả người còn kẻ mất, cho cả lúc sinh lúc chết, tác thành hiếu đạo cho những người con hiếu hạnh.

Kính lạy đức Địa tạng, vị đại sĩ đại bi nguyện và đại tinh tiến quá hơn các vị bồ tát, phó cảm hết thảy sở cầu như pháp của tất cả những người chí tâm xưng niệm.

5. Sám nguyện hồi hướng

Đệ tử chúng con
tuy được thân người,
nhưng lại tách rời
chánh tín chánh kiến,
tách rời bạn tốt
chỗ tốt thời tốt.
Không biết tùy hỷ
không tuân giới luật.
Xúc phạm các vị xuất gia
trở ngại chánh pháp giải thoát.
Tự phong đại thừa
phỉ báng thanh văn.
Lợi dụng xuất gia
phá người xuất gia,
ỷ thế thế quyền
phá Tăng thanh tịnh,
phá mọi chánh pháp
của cả tam thừa.
Tự gây vô số ác nghiệp
tự tạo vô lượng khổ báo.
Ngày nay chúng con
lòng rất hãi sợ,
phát lộ sám hối
dứt sự tiếp tục.
Chân thành tùy hỷ
công đức của người,
nỗ lực bền chí
tu tập bạch pháp.
Học đại bi nguyện
tập đại tinh tiến.
Tuân giữ giới pháp
hộ trì Tăng bảo,
hộ trì chánh pháp
thuận với giải thoát,
làm cho dòng giống
Tam bảo vô thượng
tồn tại lâu dài
rực rỡ uy đức.
Ngưỡng nguyện chư Phật
đại từ thế tôn,
ngưỡng mong Địa tạng
định lực đại sĩ,
từ bi nhiếp thọ
hộ trì chúng con.
Làm cho chúng con
thường gặp thiện hữu,
chừa tội phá giới
bỏ lỗi phá pháp,
tịnh trừ hắc nghiệp
siêu thoát u minh,
hiến cúng Tam bảo
phục vụ Phật pháp.
Nguyện cầu người còn kẻ mất
ước mong người thân kẻ thù
đồng được siêu thoát
đồng được an lạc,
thể hiện từ tâm
hỷ xả với nhau,
đời đời kiếp kiếp
không rời Tam bảo,
cùng nhau kết thành
bà con Phật pháp,
cùng nhau đạt đến
tuệ giác vô thượng.

Kính lạy đức Phật bổn sư Thích ca mâu ni như lai, đức Phật đương lai Di lạc như lai, cùng Phật, Phật pháp, Tỷ kheo tăng khắp cả pháp giới.

Kính lạy đức Phật bổn tôn A di đà như lai, cùng Quan thế âm bồ tát, Đại thế chí bồ tát, Thanh tịnh đại hải chúng bồ tát ở quốc độ Cực lạc.

Kính lạy đức đại bi đại nguyện đại định đại lực Địa tạng bồ tát, cùng Bồ tát, Duyên giác và Thanh văn khắp cả pháp giới.

KINH PHÁP HOA – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

Lược Dẫn & Cuốn 1 | Cuốn 2 | Cuốn 3 | Cuốn 4 | Cuốn 5 | Cuốn 6 | Cuốn 7 | Phẩm Phổ Hiền | Kinh Pháp Hoa Toát Yếu |

[1]

KINH PHÁP HOA
(Hoa Sen Của Chánh Pháp) 
Phần CHÍNH VĂN
Tỷ kheo Thích Trí Quang dịch

Ký hiệu (cho lời lược dẫn)
LƯỢC DẪN
Lược nói chủ ý
Lược xét văn bản
Lược trình toàn văn
Lược phân đại ý
Lược nói đương cơ
Lược điểm chi tiết
Lược nói hiệu lực
Lược giải đề kinh

CUỐN 1
Phẩm 1: Mở đầu
Phẩm 2: Phương tiện

Ký hiệu (cho lời lược dẫn)

C : Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu, thí dụ | C10/20t, là đại tạng ấy, tập 10, trang 20, khoảng trên (g: giữa, d : dưới). V : Tục tạng kinh bản chữ Vạn, thí dụ V10/20a, là tục tạng ấy, tập 10, tờ 20, mặt trước (b : mặt sau).

CV : Chính văn, tức Diệu pháp liên hoa kinh của ngài La thập dịch, top

hường gọi là CV, nằm trong C9/1-62.

HD : Chánh pháp hoa kinh của ngài Pháp hộ dịch, thường gọi là Tấn dịch, nằm trong C9/63-134.

ĐD : Thiêm phẩm Diệu pháp liên hoa kinh của các ngài Xà na quật đa và Cấp đa dịch, thường gọi là Tùy dịch, nằm trong C9/134-196.

KD : Anh dịch Pháp hoa của Kern (bản dịch Việt văn của Lệ pháp Nguyễn Công Luận), tức Saddharma pundarika.

PT : luận Pháp hoa (Diệu pháp liên hoa kinh ưu ba đề xá) của bồ tát Thế thân, nằm trong
C36/1-19.

PB : Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo.

PQ : Phật quang đại từ điển.


LƯỢC DẪN

Lược nói chủ ý

Không có dịch phẩm nào của tôi dịch chữ Hoa và chữ Hoa Việt ra chữ Việt nhiều bằng Pháp Hoa. Không những cốt làm cho bớt nặng nề mà cốt vì một số chữ quen dùng nên hóa ra không hiểu hay hiểu sai: kiếp là số kiếp, duyên là duyên nợ, phổ môn là… phổ môn, vân vân. Thế nhưng trong các bản in 1 (với ảnh bìa Phổ Hiền), bản in 2 (với ảnh bìa Thế Chí), bản in 3 ( với ảnh bìa Hoa sen), bản in 4 (ở hải ngoại, với bìa Pháp luân), vẫn để nguyên vài chỗ, như 10 như thị, vân vân. Nay thì vài chỗ ấy cũng dịch cả. Lại chữa vài chữ cho thích đáng, thí dụ cúng dường (cung dưỡng) đã dịch là hiến cúng, nay có chỗ chữa là phụng sự, vân vân. Ngoài ra, những từ ngữ nói về số nhiều cũng phải chú ý. Một số để nguyên. Một số để nguyên mà còn dịch rõ hơn. Nhưng một số phải dịch gọn mới nói lên khái niệm nhiều, rất nhiều và cực nhiều.

Kế đến, các bản in trước đây không chú trọng lược giải mà chỉ ghi chú và phụ lục. Nay thì lược giải gồm có ghi chú, phụ lục, lược giải và toát yếu. Do vậy, bản chữa lần này là định bản, gồm có hai tập, có thể in chung mà cũng có thể in riêng: Tập 1 gọi là phần chính văn, gồm có chính văn kinh Pháp Hoa, phụ lục phẩm Phổ Hiền và toát yếu kinh Pháp Hoa. Vì nhiều lý do, tôi không dịch hay dịch lược kinh Vô Lượng Nghĩa và kinh Quán Phổ Hiền, là 2 kinh hay được gồm với Pháp Hoa mà gọi là Pháp Hoa tam kinh. Tập 2 gọi là phần lược giải nội dung mới nói ở trên; ở đây xin nói thêm rằng chủ ý lược giải của tôi, nhất là ghi chú, cốt làm sáng ý của chính văn, vì chính văn có mấy chỗ chuyển văn hay chuyển ý mà rất cần phải tìm hiểu.

Với tuổi đời 76, sức yếu, mắt kém, nhưng tôi ráng hiến cúng Pháp Hoa lần chót để như là tụng kinh lần chót, hồi hướng cho cha mẹ, sư trưởng, thiện hữu, tín thí, cho đồng loại và chúng sinh.

Lược xét văn bản

Pháp hoa có 3 bản dịch, nằm cả trong C9/1-198. Bản thứ nhất là Tần dịch (CV), bản thứ hai là Tấn dịch (HD), bản thứ ba là Tùy dịch (ĐD). Hãy lược xét về 3 văn bản ấy.

Nói về thì gian thì HD có sớm nhất (288 dương lịch), CV tiếp theo (406 dương lịch), ĐD có sau đó (601 dương lịch).

Nói về Phạn bản thì có thể suy đoán CV có sớm nhất, HD có tiếp theo, ĐD có sau đó. Hãy coi thêm các tiểu mục dưới đây.

Nói về Phạn bản của CV thì bài tựa của ĐD (không có tên tác giả, nằm trong C9/134) suy đoán là bản Qui tư. Nhưng tài liệu này không nói rõ là Phạn văn lưu hành ở Qui tự hay là văn tự Qui tư. Còn tài liệu khác, C51/54t, thì nói Pháp hoa mà ngài La thập dịch là được truyền dạy bởi thầy ngài, tôn giả Tu lị da tô ma (Soryasoma), có nghĩa Phạn bản của CV là Phạn văn Ấn độ. Phạn bản của HD thì lời tựa ĐD suy đoán là bản Đa la (Đa la diệp: Lá đa la ?). Phạn bản của ĐD thì lời tựa tự cho cũng là bản Đa lạ.

Nói về nội dung thì mục lược trình toàn văn sau đây sẽ nói. Ở đây chỉ nói rằng tôi suy đoán

Phạn bản của CV có sớm và thuần hơn, đặc biệt tương đồng với PT (luận Pháp Hoa của ngài Thế Thân) hơn cả. Còn Phạn bản của HD và của ĐD, thêm nữa của KD, thì rõ ràng có chậm lắm, thêm thắt không ít, và những chỗ thêm thắt ấy không thích đáng với phong cách Pháp Hoa cả văn lẫn ý. Lời tựa của ĐD nói CV thiếu thì đáng lẽ phải nói các bản khác thêm và thừa (trừ chỉnh cú phẩm Phổ môn khá thích đáng, nhưng KD lại thêm hơn và vì vậy mà không đáng có).

Nói về giá trị thì CV dĩ nhiên đặc tôn. Nhưng HD có cái sở trường là dịch từ ngữ, không đối chiếu với HD thì có những từ ngữ của CV sẽ bị hiểu lầm. Tức như từ ngữ châu giao lộ man mà không hiểu giao lộ mới là gạch nối. Còn ĐD thì chỉ thêm mấy chỗ mà lời tựa cho là thiếu (nhưng vẫn không đủ bằng HD), ngoài ra, toàn bộ chỉ sao lại CV, nên chẳng có giá trị bao nhiêu.

Lược trình toàn văn

Thật ra nên nói CV có 2 bản: CV nguyên hữu và CV bổ sung. Nguyên hữu là y nguyên của ngài La Thập dịch. Bổ sung là sau này thêm vào 2 chỗ.

Đây là toàn văn CV nguyên hữu, trích và kê theo Pháp Hoa sớ (V150/396-412, được viết năm 432) của ngài Đạo Sinh (355-434, đứng đầu tứ kiệt của học đồ ngài La Thập) : phẩm 1 Mở đầu, phẩm 2 Phương tiện, phẩm 3 Ví dụ, phẩm 4 Tin hiểu, phẩm 5 Cây cỏ, phẩm 6 Thọ ký, phẩm 7 Tương quan xa xưa, phẩm 8 Năm trăm đệ tử tiếp nhận thọ ký, phẩm 9 Thọ ký cho các vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất, phẩm 10 Người diễn giảng Pháp Hoa, phẩm 11 Bảo tháp xuất hiện, phẩm 12 Kính giữ Pháp Hoa, phẩm 13 Sống yên vui, phẩm 14 Từ đất xuất hiện, phẩm 15 Sự sống lâu của đức Thế Tôn, phẩm 16 Phân tích thành quả, phẩm 17 Thành quả tùy hỷ, phẩm 18 Thành quả của người diễn giảng Pháp Hoa, phẩm 19 Bồ tát Thường bất Khinh, phẩm 20 Sức thần của đức Thế Tôn, phẩm 21 Giao phó trọng trách, phẩm 22 Việc cũ của bồ tát Dược Vương, phẩm 23 Bồ tát Diệu Âm, phẩm 24 Quan Âm đại sĩ: vị Toàn diện, phẩm 25 Tổng trì minh chú, phẩm 26 Việc cũ của Diệu Trang Nghiêm Vương, phẩm 27 Sự khuyến khích của bồ tát Phổ Hiền.

CV nguyên hữu, như vậy, là rất gọn gàng và sáng sủa. Còn CV bổ sung thì thêm vào 2 chỗ: một, sau phẩm 11 thêm phẩm Đề bà đạt đa thành phẩm 12, và do vậy CV bổ sung có 28 phẩm; hai, phẩm 24 thêm phần chỉnh cú. Thế nhưng CV bổ sung lại là bản Pháp Hoa lưu hành, và có thể là định bản. Việc bổ sung 2 chỗ thành Pháp Hoa lưu hành và định bản này không rõ ai làm, lịch sử và dã sử đều chưa tìm thấy, chỉ xét thấy việc làm khá có ý thức, và phải có sau thời ngài Pháp Vân (467-529) viết Pháp Hoa ký (cũng giải thích CV nguyên hữu, làm cho kinh này thành vấn đề và có học thuyết hơn trước).

Nay lại đối chiếu với HD, ĐD và KD để thấy CV bổ sung không có những gì nữa. Thì ngoài 2 chỗ bổ sung nói trên, còn có 5 chỗ nữa CV bổ sung không có, đó là không có nửa sau của phẩm Cây cỏ (điều này rất giống PT, vì ở đó không có cái ví dụ như nửa sau ấy), là không có 3 chỗ như HD, ở trong các phẩm 8, 10 và 11 (ghi theo số hiệu các phẩm của CV bổ sung), là không có 7 bài chỉnh cú nữa ở trong phẩm 25 như KD. Những chỗ không có trên đây (mà tôi nói không có, không nói là thiếu) sẽ được ghi chú và phụ lục ngay nơi mỗi chỗ, và đủ hơn cả lời tựa đầy nhược điểm của ĐD.

Đến đây xin kết luận rằng, may, rất may, CV bổ sung chỉ có 2 chỗ như đã ghi.

Lược phân đại ý

Toàn văn CV bổ sung, như đã thấy, có 28 phẩm. Xét thẳng ý chính của 28 phẩm ấy, ta có thể, và nên, hệ thống hóa như sau, cực kỳ đơn giản. Phẩm 1 là ngài Di Lạc phát khởi. Phẩm 28 là ngài Phổ Hiền kết thúc. Còn 26 phẩm giữa thì chia làm 2 đại bộ phận. Đại bộ phận 1 gồm các phẩm 2-9, nói về nhất thừa. Đại bộ phận 2 gồm các phẩm 10-27, nói về sự quảng bá nhất thừa.

Pháp Hoa cốt nói nhất thừa. Nhất thừa ở đây là Pháp Hoa. Pháp Hoa không công nhận La hán (hay Duyên giác) là cứu cánh. Pháp Hoa nói Phật xuất thế để làm cho người làm Phật. Phật không có đệ tử Thanh văn, chỉ có đệ tử Bồ tát. Thanh văn chỉ là phương tiện. Phương tiện ở đây có 2 nghĩa: Thanh văn chỉ là Phật phương tiện thiết lập, chỉ là nửa đường đi đến Phật.

Bằng nhiều cách, Pháp Hoa xác quyết nhất thừa như vậy, trong đại bộ phận 1. Qua đại bộ phận 2, càng bằng nhiều cách, Pháp Hoa nói quảng bá như thế nào về nhất thừa, lại bổ túc nhiều mặt cho đại bộ phận 1.

Cũng có thể bỏ sự hệ thống hóa đi, chỉ nhìn cái thế liên hoàn của 28 phẩm, càng có thể thấy, không như kinh khác, Pháp Hoa có lắm văn và ý độc đáo và đặc tôn.

Lược nói đương cơ

Một người hướng dẫn giỏi, dẫn một đoàn người vượt qua con đường hiểm mà dài để đến chỗ vàng ngọc. Nửa đường họ muốn trở lui. Người hướng dẫn phải tạo ra một đô thành giả cho họ nghỉ. Nghỉ thế mà họ cho là an toàn và đến rồi. Người hướng dẫn hủy diệt đô thành ấy, và bảo họ phải đi tới nữa: sắp đến chỗ vàng ngọc rồi.

Phật cũng vậy. Đã hướng dẫn đệ tử, mà chủ yếu là Thanh văn, đến cái niết bàn của La hán rồi thì nay, ở Pháp Hoa, xác quyết rằng niết bàn ấy chỉ là giả thiết. Và rằng Phật xuất thế để đưa người làm Phật. Phật mới cứu cánh. Do vậy mà Thanh văn thành ra đương cơ, đối thoại chủ yếu của Pháp Hoa.

Thế nhưng vẫn có một số Thanh văn tăng thượng mạn: tự thị La hán đã là cứu cánh. Loạn hơn, họ cho Phật cũng chỉ là La hán—dầu chính nguyên thỉ và tiểu thừa cũng nói, không như La hán, Phật có 10 lực, 4 vô úy, 18 bất cọng, đại bi tam niệm, tam bất hộ, vân vân. Do vậy, Thanh văn tăng thượng mạn không là đương cơ của Pháp Hoa. Họ rời khỏi đại hội Pháp Hoa ngay từ đầu—dầu sau đó Phật vẫn theo đuổi giáo hóa cho họ cũng được làm Phật. Còn lại là chư vị Thanh văn có thể trở thành Bồ tát, tự tín làm Phật. Họ là đương cơ của Pháp Hoa. Pháp Hoa không như Duy ma nói Thanh văn là mầm hư giống hỏng, tuyệt phần nhất thừa; Pháp Hoa nói, từ lâu và mãi hoài, Phật giáo hóa nhất thừa cho Thanh văn. Thanh văn thời Phật, hay sau đó và sau này, bao kiếp đi nữa rồi ra ai cũng làm Phật, không ai cố định là La hán.

Lược điểm chi tiết

Như đã nói Pháp Hoa có lắm văn và ý độc đáo và đặc tôn. Nhưng ở đây chỉ nêu lên một số cần thiết để làm sáng thêm đại ý của Pháp Hoa.

Trước hết là Phật quan, Pháp Hoa khái niệm về Phật rất độc đáo. Cái gọi là đức Phật trong lịch sử, cái gọi là đức Phật cửu viễn thật thành, cái gọi là đức Phật phi sinh phi diệt, theo Pháp Hoa, toàn là Thích Ca. Phật không nhập diệt. Cái nhân bồ tát hạnh của Phật làm cho sự sống lâu của Phật đã không bao giờ hết. Phật ở bên ta. Ta không thấy Phật chỉ vì ta thấy là thấy sống chết mà Phật thì phi sinh diệt. Nhưng mù nên không thấy mặt trời mà vẫn sống nhờ ánh sáng của nó. Ta không thấy Phật nhưng ơn hóa độ của Phật không rời bỏ ta, ta vẫn luôn luôn được hưởng. Phật quan của Pháp Hoa là như vậy.

Thứ hai là Pháp quan. Khái niệm 10 như vậy (hay 5 gì) về cái gọi là thật tướng, đã khá độc đáo trong văn cũng như ý, vì khái niệm như vậy thì Pháp chính là bản thân và thuộc tính của Phật. Nhưng rõ ràng hơn, chỉnh cú 101 và 102 của phẩm 2, tuy nói cả tánh đức và tu đức mà vẫn rõ ràng đề cao tu đức, khi nói giống Phật cũng phát từ các yếu tố. Pháp Hoa là như vậy, không những nói Pháp là đương xứ tiện thị, mà dẫu vì vốn và vẫn trong sáng nên tu được, nhưng tu mới là điều Pháp Hoa khuyến phát và đôn đốc.

Thứ ba là Niết bàn. Pháp Hoa không công nhận tiểu thừa là không công nhận niết bàn của tiểu thừa. Pháp Hoa nói niết bàn ấy chỉ giải thoát hư ảo, chưa thật niết bàn, vì giải thoát mà chưa được tuệ giác vô thượng. Khái niệm không những phủ nhận niết bàn của tiểu thừa mà còn không cho niết bàn chỉ là đoạn đức. Niết bàn phải đủ hết đoạn đức trí đức và ân đức. Tựa như đứa con vẫn là đứa con, nhưng bỏ cha mà đi là con dại, biết cha mà nhận là con thật. Lăng nghiêm nói cánh tay vẫn là cánh tay, chỉ vì chỉ xuống nên gọi là ngược, khi chỉ lên thì gọi là xuôi. Niết bàn của Pháp Hoa là như vậy: hoạt dụng hơn cả sinh tử, với biết bao bất tư nghị nghiệp, khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.

Thứ tư là Nhất thừa. Pháp Hoa nói tam thừa là phương tiện, nói nhất thừa mới chân thật, cách nói nào cũng nói lên cái khái niệm “ai cũng có thể làm Phật”: tất cả Thanh văn đều được thọ ký làm Phật, và bất cứ người nào, và chỉ niệm Phật một tiếng đi nữa, rồi ra cũng làm Phật cả. Ý nghĩa này rất quan trọng, vì không những tu hành tiểu thừa cuối cùng cũng làm Phật, mà một điều thiện nhỏ nhặt đến mấy cũng không vô hiệu quả, vô lượng thì gian cũng không mất đi, và cuối cùng sẽ làm Phật tất cả. Chính trong ý nghĩa này mà ngài Đạo Sinh nhận định đầu tiên rằng Pháp Hoa là vạn thiện đồng quy. Pháp Hoa nhất thừa cao đến tột đỉnh mà lại bao trùm hết thảy.

Thứ năm là Thanh văn. Thanh văn chủ yếu là hai bộ đại Tăng, có loại còn tu học có loại hết tu học, và có bốn đạo quả mà tột bậc là La Hán. Pháp Hoa nói về Thanh văn càng độc đáo. Tất cả Thanh văn, thời Phật cũng như thời nay và sau này, toàn đã là đệ tử của Phật – của vị Sa di Bồ tát thứ 16. Chưa hết, Thanh văn còn là “nội bí Bồ tát hạnh, ngoại hiện Thanh văn tướng.” Pháp Hoa thọ ký làm Phật cho Thanh văn, điều này kinh động tiểu thừa quá lắm, vì như thế là không công nhận La Hán đã cứu cánh, niết bàn của La Hán, dầu hữu dư (chỉ hết tập đế) dầu vô dư (hết cả khổ đế) đều chưa thật niết bàn. Thanh văn, kể cả Thanh văn La hán, tự cho đã cứu cánh thì bị Pháp Hoa gọi là kẻ Tăng thượng mạn. Thế nên tất cả Thanh văn phải, và có thể, làm Phật: đó là chủ ý của Pháp Hoa. Vì vậy mà đối tượng chính yếu của Pháp Hoa là Thanh văn, cũng vì vậy mà Pháp Hoa không công nhận có một loại Thanh văn cố định, vĩnh viễn không chuyển hướng đại thừa.

Thứ sáu là Duyên giác. Phạn tự pratyeka buddha, ngoài chữ Duyên giác (giác ngộ đạo lý duyên khởi) còn dịch là Độc giác (độc lực giác ngộ đạo lý duyên khởi). Tra cứu cách nói của các danh tác thuộc cả đại thừa tiểu thừa và nguyên thỉ thì thấy nói Duyên giác có nhiều loại. Nhưng nói thế nào cũng không minh bạch Duyên giác là đệ tử của Phật, Phật có giáo pháp huấn dụ riêng cho, và giáo pháp ấy gọi là Duyên giác thừa. Trái lại, xét cách nói thì thấy Phật giáo thừa nhận có người đời trước hay những đời trước gặp Phật hoặc Phật pháp nên đời này không gặp mà vẫn tự ngộ tương đương với đạo lý duyên khởi. Pháp Hoa thì không thấy Phật thọ ký làm Phật cho ai gọi là Duyên giác. Thế nhưng Pháp Hoa nói đến Duyên giác lại minh bạch các vị này cũng là đệ tử của Phật, minh bạch có cái gọi là Duyên giác thừa. Không dưới vài chỗ nói ai cầu Thanh văn thì Phật nói cho 4 chân lý, ai cầu Duyên giác thì Phật nói cho 12 duyên khởi, ai cầu Bồ tát thì Phật nói cho 6 ba la mật. Phẩm 3 lại nói như sau về tam thừa, “Người nào theo Phật nghe Pháp mà tin tưởng tiếp nhận, thiết tha tinh tiến, nhưng ước muốn cấp tốc thoát ra 3 cõi nên cầu tự niết bàn, đó là theo cỗ xe Thanh văn. Người nào theo Phật nghe Pháp mà tin tưởng tiếp nhận, thiết tha tinh tiến, nhưng cầu tuệ giác tự nhiên, thích đơn độc, khéo vắng lặng, biết sâu nguyên lý duyên khởi của các pháp, đó là theo cỗ xe Duyên giác. Người nào theo Phật nghe Pháp mà tin tưởng tiếp nhận, thiết tha tinh tiến, nhưng cầu tuệ giác hoàn toàn, tuệ giác Phật đà, tuệ giác tự nhiên, tuệ giác không thầy, nói tóm là cầu sự thấy biết của Phật mà nội dung có đủ các phẩm chất như 10 đại năng lực, 4 sự không sợ, và cầu như vậy là vì thương tưởng, muốn đem lại sự yên vui cho vô số chúng sinh, cứu độ cho hết thảy, đó là theo cỗ xe vĩ đại. Bồ tát cầu cỗ xe vĩ đại ấy nên gọi là bậc vĩ đại”. Ngoài đoạn văn trên đây, phẩm 7 nói đức Trí Thắng mà cũng như nói đức Thích Ca, rằng Phật nói 4 chân lý rồi nói rộng thành 12 duyên khởi. Vậy có thể nói thế này: dầu 12 duyên khởi là Phật quảng diễn 4 chân lý, nhưng đối tượng là cho những người có trình độ hơn Thanh văn. Thế nhưng quả vị Duyên giác dẫu hơn Thanh văn về gì đi nữa cũng chỉ chứng niết bàn với trạng huống hữu dư và vô dư, với tận trí và vô sinh trí. Như vậy Duyên giác cũng là La hán mà đặc biệt một chút về trình độ thôi. Và trong Pháp Hoa thì Duyên giác được nói riêng vì trình độ ấy, nhưng vẫn bao gồm trong Thanh văn khi nói về đối tượng đương cơ của Pháp Hoa, về sự thọ ký làm Phật ở đó.

Thứ bảy là Bồ tát. Một ít khái niệm về Bồ tát của Pháp Hoa càng phải chú ý. Một, rất đơn giản, Bồ tát có 2 loại cần nói: loại mới phát tâm chí (sơ phát tâm) và loại không còn thoái chuyển (bất thoái). Loại trước thì thấp nhất là Càn tuệ địa, cao nhất là Phát tâm trú; loại sau là Cực hỷ địa sắp lên. Hai, loại trước rất quan trọng, vì từ căn bản, Bồ tát phải có tâm chí xuất từ sự tự tín có thể làm Phật. Ba, Phật xuất thế cốt làm cho ai cũng làm Phật, do vậy, Pháp Hoa nói rõ, Phật chỉ có đệ tử Bồ tát, không có đệ tử Thanh văn. Nói cách khác, Pháp Hoa không công nhận có loại Thanh văn cố định là Thanh văn; Thanh văn nào rồi cũng là Bồ tát và được thọ ký làm Phật. Bốn, Bồ tát, đúng ra là tư cách Bồ tát (Bồ tát chủng tánh), mới được nói cho Pháp Hoa, thế nên cuối cùng, khi thấy Thanh văn đã có thể chuyển ra Bồ tát thì Phật nói cho Pháp Hoa. Thêm nữa, Pháp Hoa còn có một loại Bồ tát mà bản (gốc gác) và tích (dấu vết) đều rất cao. Thí dụ các ngài Quan Âm, Diệu Âm, Dược Vương, Văn Thù… Thí dụ các vị Bồ tát từ đất xuất hiện… Nhưng nói Bồ tát thì phải nói Bồ tát hạnh (việc làm của Bồ tát). Bồ tát hạnh mà Pháp Hoa nói thì tổng quát là “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh” (làm sạch thế giới, làm nên chúng sinh).

Thứ tám là thọ ký. Thọ ký là trao cho lời biết trước, lời phán quyết, lời ghi nhận. Thọ ký ở đây là Phật thọ ký cho làm Phật. Sự thọ ký này xác quyết ai cũng sẽ làm Phật, đặc biệt các vị Thanh văn La hán phải làm Phật mới là cứu cánh. Thế nên 5.000 người rời khỏi đại hội Pháp Hoa khi Phật sắp xác quyết La hán là giả thiết, Phật đà mới tột bậc. Họ là tăng thượng mạn, tự cho đã là cứu cánh. Họ không thể đương cơ Pháp Hoa, dẫu sau đó bao nhiêu đời kiếp đi nữa Phật vẫn theo đuổi giáo hóa cho họ cũng được làm Phật (không có vấn đề họ cố định là họ). Ngoài họ ra, Phật đã thọ ký cho tất cả Thanh văn, không phân giới tính và trình độ. Không những thọ ký cho Thanh văn, Pháp Hoa còn có mấy sự thọ ký nữa rất đặc thù. Thọ ký cho Đề bà đạt Đa để thấy cực ác cũng vẫn có thể sẽ làm Phật. Long Nữ thì Phật chứng kiến cho làm Phật để thấy bộ loại, giới tính và tuổi tác, không là chướng ngại cho sự làm Phật. Rồi Bồ tát Thường bất Khinh nói không dám khinh ai, ai cũng sẽ làm Phật, thì đó là điều mà Bồ tát Thế Thân ghi cũng là sự thọ ký. Sau hết, phải ghi nhận cũng là sự thọ ký về lời Phật nói sau đây, trong phẩm 10, “Dược Vương, sau khi Như Lai nhập diệt, nếu có người nào nghe kinh Pháp Hoa, thì dẫu chỉ nghe được một bài chỉnh cú, một câu đủ nghĩa, hay đến nỗi chỉ có được một ý niệm tùy hỷ mà thôi, Như Lai cũng thọ ký cho tất cả sẽ được tuệ giác vô thượng”.

Thứ chín là kỳ vĩ. Pháp Hoa có lắm sự kỳ lạ, vĩ đại, tiêu biểu sâu xa cho ý nghĩa của kinh này. Trước hết hãy nói thêm về Phật, về đức Bổn sư Thích Ca. Đặc biệt phẩm 16, ở đó nói Phật ở cạnh ta; đỉnh Linh sơn là tịnh độ của Phật mà lửa hoại kiếp cũng không thiêu hủy được; Phật biểu hiện qua thân và việc mình hoặc qua thân và việc khác; Phật phi tồn tại phi nhập diệt, phi là một phi khác nhau; quả báo Bồ tát hạnh của Phật cũng đã làm cho Phật có thọ lượng bất tận. Phẩm 11 nói phân thân ở hướng đông của Phật mà đã ngồi đầy một thế giới Phật lớn đến ba ngàn hai trăm vạn ức lần trăm triệu quốc độ. Phẩm 7 nói tất cả đệ tử thời Phật, sau đó và sau này, toàn là đệ tử của Phật, Phật bao giờ cũng đeo đuổi giáo hóa cho bằng nhất thừa. Qua những cách nói trên đây cho thấy, không những cái thuyết 3 thân mà chính cái nghĩa bản tích cũng không đủ để nói, và nói rất khéo, về Phật. Điều phải chú ý là những cách nói này cho thấy Phật nói cho Pháp Hoa là quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là Phật làm cho ta đến được trình độ để Phật nói cho Pháp Hoa. Bổ khuyết cho điều này, kinh Địa Tạng còn nói Phật biểu hiện mọi thân hình và mọi cảnh vật có tác dụng hóa độ; luận Khởi tín nói Phật biểu hiện đến cả tôi tớ và kẻ thù; “không phải biểu hiện chỉ có thân Phật”.

Ngoài sự kỳ vĩ trên đây của đức Bổn sư, Pháp Hoa còn có sự xuất hiện của bảo tháp và toàn thân của đức Đa Bảo, xuất hiện với phong cách đến nỗi thuyết cửu triệt nói Đa Bảo là “bản Phật”, là pháp thân. Còn có ngài Thường bất Khinh, rất đơn sơ, đáng mến và gần gũi. Còn có hằng hà sa Bồ tát dũng xuất. Còn có thần dụng của các giác quan do cha mẹ sinh ra. Còn có Đề Bà được thọ ký và ai nghe Pháp Hoa nói về việc này mà không hoài nghi hay lầm lẫn thì sinh ra ở đâu cũng được nghe thuyết Pháp Hoa. Còn có Long Nữ không khác bao nhiêu với thiên nữ trong kinh Duy Ma (dầu ở đó Thanh văn than mình là mầm hư giống hỏng đối với đại thừa, không như trong Pháp Hoa Thanh văn được thọ ký làm Phật).

Thứ mười là bà con. Pháp Hoa trọng thị sự liên hệ với nhau, nhất là liên hệ thành thân quyến (bà con thế gian) rồi thành pháp quyến (bà con Phật pháp). Phẩm 1, nhất là phẩm 7, chưa nói phẩm 27, không những là thân quyến, là pháp quyến, mà còn là khởi đầu về Pháp Hoa của đức Bổn sư. Sau này Lương Hoàng Sám đặc biệt đề cao cái gọi là “bồ đề quyến thuộc”, còn Cảnh Sách nguyện “bách kiếp thiên sinh đồng vi pháp lữ”, thì quả thật rất phù hợp với Pháp Hoa.

Thứ mười một là quảng bá. Trước hết Pháp Hoa trọng thị sự thọ trì đọc tụng vị thuyết thư tả là vì Pháp Hoa đề cao sự quảng bá Pháp Hoa. Pháp Hoa còn đặc biệt đề cao sự tùy hỷ, nhất là 3 yếu tố và 4 cách sống. Riêng 3 yếu tố thật đáng cảm, “muốn thuyết Pháp Hoa thì hãy vào nhà của Phật, mặc áo của Phật, ngồi chỗ của Phật”. Quảng bá Pháp Hoa là như vậy, nên người làm việc này được Phật nói là “sứ giả của Như Lai làm việc của Như Lai”.

Lược nói hiệu lực

Pháp hạnh Pháp Hoa đem lại tướng tốt (mà Pháp Hoa rất trọng thị tướng tốt ấy, coi các phẩm 18, 28 và 23 thì biết), không bệnh tật, không chết yểu, sống mà chiêm bao cũng đẹp, hơi thở như hương sen, “ước nguyện không vô hiệu quả”. Nên khi chết thì được “cả ngàn đức Phật trao tay cho”, rồi hoặc sinh Cực lạc của đức Di Đà (phẩm 23) hoặc sinh Đâu suất của đức Di Lạc (phẩm 28) hoặc sinh Đao lợi (cũng phẩm 28) hoặc sinh trong nhân loại chư thiên hay trước chư Phật (phẩm 12). “Cả ngàn đức Phật trao tay cho”, điều này rất quan trọng, so sánh được với người niệm Phật thì lâm chung được Phật tiếp dẫn như thế nào.

 Lược giải đề kinh

HD là Chánh Pháp Hoa, CV là Diệu Pháp Liên Hoa, đều có từ gốc Phạn tự Saddharma pundarika. Chánh pháp hay Diệu pháp là chỉ cho Nhất thừa (xác quyết ai cũng làm Phật). Nhất thừa ấy ví dụ như hoa sen. Hoa sen ở đây là thế nào?

Một, khởi đầu như ngài Tăng Duệ giải thích hoa sen ở đây là phân đà lị (pundarika), là hoa sen mà nở đúng độ, không phải mới nở hay đã tàn. Đem Nhất thừa ví dụ như hoa sen ấy là nói sự viên mãn (C9/62).

Hai, ngay khi mới thành đạo, Phật đã đem hoa sen ví dụ cho chúng sinh: có kẻ như hoa sen ngoi ra khỏi bùn, có kẻ như hoa sen ngoi lên nửa nước, có kẻ như hoa sen ngoi lên mặt nước, có kẻ như hoa sen ngoi lên khỏi mặt nước và nở ra. Nói theo ý nghĩa “vạn thiện đồng qui” thì Nhất thừa chẳng phải chỉ làm cho chúng sinh làm Phật, mà còn làm cho chúng sinh ngoi ra khỏi bùn cho đến ngoi lên mặt nước. Thế Thân đại sĩ nói càng sát ý Pháp Hoa, rằng hoa sen ở đây là lấy sự ngoi lên và nở ra: Nhất thừa làm cho Thanh văn ngoi lên khỏi bùn nước Tiểu thừa mà tín giải pháp thân của Phật (C26/3t). Pháp thân ở đây ngôn ngữ Pháp Hoa gọi là Phật tri kiến.

Ba, thế nhưng chính trong phẩm 2, Phật nói Nhất thừa hiếm có như hoa ưu đàm. Ưu đàm là ưu đàm bát la (udumbara) mà nay có người nói tên khoa học là ficus glomerata. Ưu đàm là hoa thiêng quí hiếm hay là ficus glomerata thì tôi tồn nghi. Nhưng điều chắc chắn là ưu đàm không thể không liên hệ gì với hoa sen.

Do vài điều sơ lược trên đây mà ít ra cũng biết nói hoa sen nhân quả đồng thời (mà thật ra đâu phải chỉ hoa sen mới là như vậy) chỉ là ý kiến mới có từ trung diệp bách kỷ 6.

*

Đến đây có thể tạm ngưng được để nói như lược lại, rằng tu học Pháp Hoa thì phải thấy mấy điều sau đây. Một, thấy chính cái thế giới này là tịnh độ của Phật. Phật thuyết Pháp Hoa tại Linh sơn thì Linh sơn là tịnh độ của Phật. Tịnh độ của Phật là đương xứ tiện thị: ở đâu và lúc nào cũng là tịnh độ của Phật. Hai, thấy Phật không nhập diệt. Phật siêu sống chết, siêu thì gian và không gian. Phật luôn luôn ở bên ta, trên ta và trong ta. Cái thấy của ta không cục bộ thì thế là thấy Phật. Ba, thấy đạo lý Pháp Hoa là “như vậy”: biểu hiện, đặc tính, bản thể, năng lực, động tác, nhân tố, duyên tố, kết quả, hình thành, toàn bộ, hết thảy các mặt của các pháp toàn là “như vậy”: toàn là Pháp Hoa. Nói ngay ta đây, tất cả những gì là ta thì chính tất cả những gì ấy là Phật, như cả cái cánh tay đang chỉ xuống chính là cả cái cánh tay sẽ chỉ lên. Bốn, thấy ta cũng từng là đệ tử của Phật, không của ngài Thường Bất Khinh thì của vị Sa di Bồ tát thứ 16. Năm, thấy làm gì cũng không vô hiệu quả: một câu con tôn kính Phật, một lời giới thiệu Pháp Hoa, rồi ra cũng làm Phật cả. Sáu, tu học Pháp Hoa là vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi chỗ Phật. Bảy, chết thì được chư Phật trao tay cho, rồi sinh chỗ đức Di Đà, chỗ đức Di Lạc, sinh lại tại thế giới này, chưa kể chỉ sao chép ấn hành Pháp Hoa cũng sinh Đao lợi, kỳ lạ nữa là nghe kẻ cực ác được thọ ký mà tin hiểu chính xác thì hết còn đọa lạc đường dữ, sinh trong nhân loại hay chư thiên, sinh trước chư Phật.

Rằm tháng 2, 2542 (3, 1998)

TRÍ QUANG


CUỐN 1

Ngưỡng bạch Phật Pháp Tăng vô tận Tam bảo từ bi chứng minh. Đệ tử chúng con nguyện vì bản thân, vì cha mẹ bà con, vì người thân kẻ thù, vì mọi người và vì chúng sinh, trì tụng kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa.

Mở đầu tụng kinh Pháp Hoa, chúng con xin kính lạy:

Kính lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh cho Bồ tát và được Phật giữ gìn. Kính lạy tất cả Pháp bảo trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni, đức Phật giáo chủ bổn sư, đã tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Kính lạy đức Đa Bảo, đức Phật đã làm chứng cho kinh Pháp Hoa toàn là chân thật. Kính lạy đức Di Lạc, đức Phật đương lai, đã phát khởi kinh Pháp Hoa và tiếp dẫn những người hành trì Pháp Hoa vãng sinh Đâu Suất tịnh độ. Kính lạy tất cả Phật bảo trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy Bồ tát Văn Thù, vị Pháp sư Pháp Hoa. Kính lạy Bồ tát Phổ Hiền, vị khuyến phát Pháp Hoa. Kính lạy Bồ tát Quan Âm, vị Đại sĩ toàn diện. Kính lạy tất cả Tăng bảo là các vị Bồ tát, các vị Duyên giác và các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ. 


KINH PHÁP HOA

Phẩm 1: Mở đầu

Tôi nghe như vầy. Một thời đức Thế Tôn ở trong đỉnh Linh sơn, thuộc thành Vương Xá, cùng chúng đại Tỷ kheo mười hai ngàn vị, toàn là những bậc A La Hán mà sự sơ hở đã được tận diệt, sự phiền não không còn tái sanh, đã đạt được sự ích lợi của bản thân, đã dứt hết sự ràng buộc vào hiện hữu, tâm trí tự tại giải thoát. Tên các vị ấy là tôn giả Kiều Trần Như, tôn giả Đại Ca Diếp, tôn giả Tần Loa Ca Diếp, tôn giả Già Da Ca Diếp, tôn giả Na Đề Ca Diếp, tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả Ca Chiên Diên, tôn giả A Nâu Lâu Đà, tôn giả Kiếp Tân Na, tôn giả Kiều Phạm Ba Đề, tôn giả Ly Bà Đa, tôn giả Tất Lăng Già, tôn giả Bạc Câu La, tôn giả Câu Hy La, tôn giả Nan Đà, tôn giả Tôn Đà Ra Nan Đà, tôn giả Phú Lâu Na, tôn giả Tu Bồ Đề, tôn giả A Nan Đà, tôn giả La Hầu La, đại loại như vậy, những vị A La Hán mà mọi người đều biết. Lại có hai ngàn vị tu học tiếp tục và tu học hoàn tất, có Tỷ kheo ni Đại Thắng Sinh Chủ cùng với sáu ngàn người tùy thuộc, có thân mẫu tôn giả La Hầu La là Tỷ kheo ni Trì Dự cùng với những người tùy thuộc, đều đến tụ tập.

Chúng đại Bồ tát có tám mươi ngàn, toàn là những vị không thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng, được các pháp tổng trì, được các tài hùng biện mà trong đó có sự biện thuyết hoan hỷ, biện thuyết về pháp không thoái chuyển; đã phụng sự vô lượng trăm ngàn chư Phật, vun trồng các gốc rễ công đức ở nơi chư Phật ấy, và thường được chư Phật ấy tán dương; sửa mình bằng đức tính từ bi, khéo nhập vào tuệ giác Phật đà, thông suốt tuệ giác vĩ đại, đạt đến bờ bến bên kia; danh tiếng vang khắp vô lượng quốc độ, hoá độ vô số trăm ngàn chúng sanh. Tên các vị ấy là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Thường Tinh Tấn, Bồ tát Bất Hưu Tức, Bồ tát Bảo Chưởng, Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Dũng Thí, Bồ tát Bảo Nguyệt, Bồ tát Nguyệt Quang, Bồ tát Mãn Nguyệt, Bồ tát Đại Lực, Bồ tát Vô Lượng Lực, Bồ tát Việt Tam Giới, Bồ tát Hiền Hộ, Bồ tát Di Lạc, Bồ tát Bảo Tích, Bồ tát Đạo Sư, đại loại như vậy, tám mươi ngàn vị đại bồ tát đều đến tụ tập.

Chư Thiên thì có Đế Thích cùng hai mươi ngàn thiên nhân tùy thuộc; Nguyệt thiên tử, Phổ Hương thiên tử, Bảo Quang thiên tử, và bốn vị đại thiên vương, cùng mười hai ngàn thiên nhân tùy thuộc; Tự Tại thiên tử và Đại Tự Tại thiên tử cùng ba mươi ngàn thiên nhân tùy thuộc; Phạn vương chủ thế giới hệ Kham nhẫn, cùng các Phạn vương đại loại Phạn vương Thi Khí, Phạn vương Quang Minh, và hai mươi ngàn thiên nhân tùy thuộc, đều đến tụ tập. Các bộ khác thì có tám Long vương là Hỷ, Hiền Hỷ, Diêm Hải, Cửu Đầu, Đa Thiệt, Vô Nhiệt Não, Từ Tâm và Hồng Liên Hoa, mỗi vị cùng mấy trăm ngàn tùy thuộc; có bốn Khẩn na la vương là Pháp và Diệu Pháp, Đại Pháp và Trì Pháp, mỗi vị cùng mấy trăm ngàn tùy thuộc; có bốn Càn thát bà vương là Nhạc và Nhạc Âm, Mỹ và Mỹ Âm, mỗi vị cùng mấy trăm ngày tùy thuộc; có bốn A tu la vương là Tối Thắng, Dục Cẩm, Yến Cư và Hấp Khí, mỗi vị cùng mấy trăm ngàn tùy thuộc; có bốn Ca lâu la vương là Đại Uy Đức, Đại Thân, Đại Mãn và Như Ý, mỗi vị cùng mấy trăm ngày tùy thuộc, đều đến tụ tập.

Nhân loại thì có con Hoàng hậu Vi Đề Hy là Hoàng đế A Xà Thế, cùng mấy trăm ngàn tùy thuộc, cũng đến tụ tập.

Tất cả các chúng trên đây, mỗi chúng đảnh lễ ngang chân đức Thế tôn, rồi lui lại mà ngồi mỗi chúng một chỗ.

Vào lúc này, đức Thế Tôn được bốn chúng vây quanh, hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương. Ngài nói cho các vị Bồ tát bản kinh Đại thừa tên Nghĩa Vô Lượng, bản kinh dạy cho Bồ tát và được Phật giữ gìn. Nói kinh ấy rồi, đức Thế Tôn vẫn ngồi xếp bằng ở ngay giữa đại hội mà nhập định. Vị trí của Nghĩa Vô Lượng, thân thể và tâm trí đều không dao động. Ngay khi ấy chư thiên mưa xuống hoa mạn đà, hoa mạn đà lớn, hoa mạn thù, hoa mạn thù lớn, rải trên đức Thế Tôn và cả đại hội. Khắp cõi Phật này chấn động đủ cả sáu cách. Trong đại hội, bốn chúng là Tỷ kheo và Tỷ kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di; tám bộ là thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, toàn là những người không phải loài người, và các chúng khác mà trong đó có các vị quốc vương và các vị luân vương, hết thảy các chúng như vậy đều được sự chưa từng có, hoan hỷ, chắp tay, và chuyên chú chiêm ngưỡng đức Thế Tôn. Còn đức Thế Tôn thì từ nơi tướng lông trắng giữa hai đầu của hai hàng lông mày phóng ra ánh sáng, chiếu soi mười tám ngàn thế giới hệ ở về hướng đông, không thế giới hệ nào mà không chiếu soi dưới đến Vô gián ngục trên đến Sắc cứu cánh. Làm cho đại hội ở thế giới hệ này mà thấy hết chúng sinh trong sáu loài của các thế giới hệ ấy; lại thấy chư Phật hiện tại của các thế giới hệ ấy, nghe kinh pháp của chư Phật ấy nói, thấy bốn chúng, những người hành đạo và đắc đạo trong các thế giới hệ ấy; lại thấy các vị bồ tát đi theo đường đi của bồ tát bằng các thứ yếu tố, các cách tin hiểu và các loại hình thức; lại thấy chư Phật nhập diệt, thấy sau đó xá lợi của chư Phật ấy được đem ra xây dựng những ngôi tháp bằng bảy chất liệu quý báu mà tôn thờ.

Bấy giờ đức Di Lạc suy nghĩ, hôm nay đức Thế Tôn biểu hiện cảnh tượng thần biến. Vì lý do gì mà có điềm lành như vậy? Đức Thế Tôn đang nhập định, sự thể ngoài sự nghĩ bàn ấy biểu hiện cảnh tượng hiếm có này, ta nên hỏi ai, ai giải đáp được? Đức Di Lạc lại nghĩ, bồ tát Văn Thù, vị thái tử của đức Pháp vương, đã từng thân gần phụng sự vô lượng chư Phật quá khứ, tất đã thấy được cảnh tượng hiếm có này, vậy ta nên hỏi người. Cùng lúc, cả bốn chúng, tám bộ và các chúng khác, ai cũng nghĩ rằng, cảnh tượng thần biến biểu hiện bởi ánh sáng của đức Thế Tôn như vầy, nên đem hỏi ai? Đức Di Lạc muốn giải quyết nghi ngờ của mình, lại xét tâm trí của cả đại hội, nên hỏi bồ tát Văn Thù, vì lý do nào mà có điềm lành—có cảnh tượng thần biến là đức Thế Tôn phóng ánh sáng lớn chiếu soi mười tám ngàn cõi Phật ở về hướng đông, làm cho đại hội ở đây mà thấy hết mọi sự huy hoàng của các cõi Phật ấy? Đức Di Lạc muốn lặp lại ý nghĩa đã hỏi, nên hỏi bồ tát Văn Thù bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Văn Thù đại sĩ,
vì lý do nào
mà đức Thế Tôn,
vị thầy dẫn đạo,
từ nơi lông trắng
giữa hai đầu mày,
phóng ánh sáng lớn
chiếu soi khắp cả?

(2) Chư thiên mưa xuống
bao nhiêu hoa quí
mạn đà mạn thù,
và thổi làn gió
hơi thơm đàn hương,
đẹp lòng đại hội.

(3) Vì vậy mặt đất
cả quốc độ này
rực rỡ huy hoàng,
và cả quốc độ
đều chấn động lên
đủ hết sáu cách.
Làm cho bốn chúng
hoan hỷ tất cả,
cơ thể tâm trí
đều thấy thích thú,
cảm nhận sự thể
chưa bao giờ có.

(4) Chỉ một ánh sáng
phóng từ lông trắng
giữa hai đầu mày
chiếu soi hướng đông,
mà khiến một vạn
tám ngàn quốc độ
đều như màu sắc
ánh từ vàng ròng.

(5) Trong các quốc độ
được chiếu như vậy,
từ Vô gián ngục
đến Sắc cứu cánh,
hết thảy chúng sinh
thuộc cả sáu loài
sinh từ loài này
chết đến loài khác,

(6) hành vi lành dữ,
kết quả tốt xấu,
ở quốc độ này
mà thấy rõ cả.

(7) Lại thấy chư Phật,
chúa của thánh hiền,
tuyên thuyết kinh pháp
tinh túy bậc nhất,
bằng tiếng trong thanh
xuất lời hòa nhã
mà dạy bồ tát
vô số ức vạn.

(8) Bằng tiếng Phạn thiên
thâm thúy kỳ diệu
khiến người thích nghe,
chư Phật ở nơi
quốc độ của mình
diễn giảng chánh pháp,
vận dụng vô số
yếu tố, ví dụ,
soi sáng chánh pháp
thức tỉnh chúng sinh:

(9) Ai bị khổ não,
chán già bịnh chết,
thì nói cho họ
về pháp niết bàn,
để họ diệt tận
biên cương khổ não.

(10) Ai có phước đức
từng hiến cúng Phật,
chí cầu đạt được
chân lý cao hơn,
thì nói cho họ
về pháp duyên giác.

(11) Còn các con Phật
làm mọi hạnh nguyện
để cầu thành tựu
tuệ giác vô thượng,
thì nói cho họ
tuệ giác trong suốt.
*

(12) Văn Thù đại sĩ,
tôi ở nơi đây
mà thấy và nghe
đến như thế đó,
có ngàn ức việc.
Việc nhiều như vậy
nay tôi chỉ kể
một cách vắn tắt.

(13) Tôi thấy bồ tát
như cát sông Hằng,
của trong tất cả
thế giới hệ ấy,
đem mọi yếu tố
cầu tuệ giác Phật.

(14) Có người thực hành
hạnh nguyện bố thí:
bạc, vàng, san hô,
chân châu, ma ni,
xa cừ, mã não,
kim cương, của quí,
tôi tớ, xe thuyền,
vật để cỡi, chở,

(15) xe liễn, xe dư
trang hoàng vàng ngọc,
cũng rất hoan hỷ
mà đem hiến cho,
rồi hồi hướng cả
về nơi trí Phật,

(16) nguyện được xe Phật
cỗ xe bậc nhất
trong cả ba cõi,
được Phật tán dương.

(17) Hoặc có bồ tát
cho xe quí báu
kéo bởi bốn ngựa,
lại có lan can
mui trần hoa mỹ
mái riềm trang hoàng.

(18) Lại thấy bồ tát
cho thân cho thịt
cho tay cho chân
cho cả vợ con,
quyết chí đạt đến
tuệ giác vô thượng.

(19) Lại thấy bồ tát
cho đầu cho mắt
cho cả thân thể _
cho mà vui thích,
để cầu thành tựu
tuệ giác Phật đà.

(20) Văn Thù đại sĩ,
tôi thấy vua chúa
đi đến chỗ Phật
hỏi pháp vô thượng,
rồi từ bỏ liền
đất nước thịnh vượng,
bỏ cả cung điện
đình thần hậu phi,

(21) cạo sạch râu tóc
mà mặc pháp y.

(22) Hoặc thấy bồ tát
mà làm tỷ kheo,
chỉ ở một mình
nơi chỗ thanh vắng,
vui vẻ thích thú
đọc tụng kinh điển.

(23) Lại thấy bồ tát
dũng mãnh tinh tiến,
vào chốn núi sâu
suy nghĩ trí Phật.

(24) Lại thấy bồ tát
tách rời dục vọng,
thường xuyên trú ở
những chỗ trống vắng,
tu sâu thuyền định
được năm thần thông.

(25) Lại thấy bồ tát
chân đứng vững vàng
tư tưởng tập trung
hai tay chắp lại,
đem cả ngàn vạn
bài văn chỉnh cú
hoan hỷ ca tụng
các đấng Pháp vương.

(26) Lại thấy bồ tát
trí sâu, nhớ chắc
có thể thưa hỏi
chánh pháp nơi Phật,
nghe rồi tiếp nhận
ghi nhớ đủ cả.

(27) Lại thấy con Phật
đủ cả định tuệ,
áp dụng vô số
mọi sự ví dụ,
diễn giảng chánh pháp
cho các chúng khác;

(28) lại vui thuyết pháp
giáo hóa bồ tát,
chiến thắng ma vương
và binh đội nó,
rồi gióng lớn lên
tiếng trống chánh pháp.

(29) Lại thấy bồ tát
vắng bặt im lặng,
trời rồng cung kính
không lấy làm mừng.

(30) Lại thấy bồ tát
ở trong núi rừng
mà phóng ánh sáng
cứu khổ địa ngục,
thức tỉnh cho họ
hướng vào trí Phật.
*

(31) Lại thấy con Phật
chưa từng ngủ nghỉ,
kinh hành trong rừng
siêng cầu trí Phật.

(32) Lại thấy có vị
giới pháp đầy đủ,
uy nghi vẹn toàn,
sạch sẽ trong suốt
in như ngọc quí
để cầu trí Phật.

(33) Lại thấy con Phật
trụ vào sức nhẫn,
bao kẻ thượng mạn
mắng nhiếc đánh đập
vẫn nhẫn được cả
để cầu trí Phật.

(34) Lại thấy bồ tát
từ bỏ trò chơi,
bỏ luôn những kẻ
thân thuộc ngu dốt,
chỉ biết thân gần
những người thánh trí,

(35) chuyên nhất tâm ý
trừ bỏ loạn động,
trú ở núi rừng
tập trung tư tưởng,
trải qua ức vạn
những năm như vậy
để cầu thành tựu
tuệ giác Phật đà.

(36) Hoặc thấy bồ tát
cỗ bàn quí trọng,
thức uống, đồ ăn,
các loại dược phẩm,
đều đem hiến cúng
Phật bảo Tăng bảo.

(37) Y phục danh tiếng
và thượng hảo hạng,
giá trị ngàn vạn
hoặc đến vô giá,
đều đem hiến cúng
Phật bảo Tăng bảo.

(38) Nhà cửa quí báu
bằng gỗ đàn hương,
trong đó đồ nằm
rất tốt và đẹp,
nhà và đồ ấy
nhiều đến vạn ức,
đều đem hiến cúng
Phật bảo Tăng bảo.

(39) Vườn rừng quang đãng,
trong đó đủ cả
hoa trái tốt nhiều,
suối chảy ao tắm,
đều đem hiến cúng
Phật bảo Tăng bảo.

(40) Đồng đẳng như vậy,
họ đem hiến cúng
đủ hết những thứ
rất là tinh tế,
mà lòng hoan lạc
không biết nhàm chán,
chí quyết đạt đến
tuệ giác vô thượng.

(41) Hoặc có bồ tát
bằng nhiều minh chứng,
nói về nguyên lý
tuyệt đối vắng lặng,
huấn dụ vô số
các loại chúng sinh.

(42) Hoặc thấy bồ tát
xét thấy bản thể
tất cả vạn hữu
in như hư không:
không những khái niệm
thuộc về nhị biên.
Lại thấy con Phật
tâm không vướng mắc,
đem tuệ mầu này
cầu tuệ vô thượng.
*

(43) Văn Thù đại sĩ,
có những bồ tát
Phật nhập diệt rồi
hiến cúng xá lợi.

(44) Lại thấy con Phật
dựng bao chùa tháp
nhiều bằng Hằng sa
tô điểm quốc độ.

(45) Tháp thì tráng lệ,
làm bằng bảy báu,
chiều cao có đến
năm ngàn do tuần,
chu vi rộng đến
hai ngàn do tuần.

(46) Mỗi một chùa tháp
cờ phan cả ngàn,
màn được kết ngọc,
chuông nhỏ hòa reo,
tám bộ thiên long,
loài người loài khác,
thường đem hiến cúng
hoa hương, kịch nhạc.

(47) Văn Thù đại sĩ,
những con Phật ấy
chính vì hiến cúng
xá lợi của Phật
mà cố trang hoàng
những ngôi chùa tháp,
nên cả quốc độ
tự nhiên tráng lệ
tuyệt diệu tuyệt hảo,
in như cây chúa
của trời Đế Thích
toàn bộ nở hoa.

*

(48) Thế Tôn chỉ phóng
một đường ánh sáng
mà làm cho tôi
và cả đại hội
thấy quốc độ này
đủ mọi vẻ đẹp.

(49) Những thần thông lực
của đức Thế Tôn
thật là hiếm có:
chỉ phóng một đường
ánh sáng rực rỡ
mà chiếu khắp cả
vô lượng quốc độ.

(50) Làm cho chúng tôi
nhìn cảnh tượng này
ai cũng cảm được
sự chưa từng có.
Phật tử Văn Thù,
xin hãy giải thích
cho nỗi nghi ngờ
của cả đại hội.

(51) Tất cả bốn chúng
thích thú trông ngóng,
nhìn vào nhân giả
và nhìn vào tôi.

(52) Ai cũng muốn biết
tại sao Thế Tôn
phóng ra ánh sáng
đến như thế này?

(53) Phật tử Văn Thù,
hãy đáp ứng gấp,
giải tỏa nghi ngờ
cho họ hoan hỷ:
vì ích lợi nào
mà đức Thế Tôn
phóng ra ánh sáng
đến như thế này –

(54) Chánh pháp tinh túy
mà đức Thế Tôn
đã chứng ngộ được
trong khi mới ngồi
nơi bồ đề tràng,
ngài muốn tuyên thuyết
về chánh pháp ấy,
hay muốn thọ ký?

(55) Ánh sáng Thế Tôn
đã làm hiện ra
cho chúng tôi thấy
bao nhiêu cõi Phật
đẹp và sáng lên
với những ngọc quí,
lại được thấy cả
chư vị Phật đà,
thì đó không phải
là sự kiện nhỏ.

(56) Văn Thù đại sĩ,
nên biết tất cả
bốn chúng tám bộ
và các chúng khác,
nhìn xem nhân giả
nói cho rhế nào?

Lúc ấy bồ tát Văn Thù nói với đức Di Lạc, và các vị đại sĩ khác, chư vị thiện nam tử, theo tôi suy xét thì đức Thế Tôn hiện nay muốn nói chánh pháp vĩ đại, đổ mưa chánh pháp vĩ đại, thổi loa chánh pháp vĩ đại, đánh trống chánh pháp vĩ đại, diễn nghĩa chánh pháp vĩ đại. Chư vị thiện nam tử, nơi chư Phật quá khứ, tôi đã từng thấy điềm lành như vậy. Các ngài phóng ra ánh sáng này rồi là nói về chánh pháp vĩ đại. Do đó, chư vị nên biết, đức Thế Tôn hiện nay phóng ra ánh sáng thì cũng sẽ làm như vậy. Muốn làm cho chúng sinh ai cũng nghe biết được cái pháp mà cả thế gian đều khó tin, nên đức Thế Tôn biểu hiện điềm lành như vầy.

Chư vị thiện nam tửû, như trong quá khứ, lâu đến rất nhiều thời kỳ vô số, bấy giờ có đức Phật danh hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đủ mười đức hiệu: bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời. Ngài tuyên thuyết chánh pháp một cách phần đầu phần giữa phần cuối ba phần đều tuyệt hảo, nghĩa lý sâu xa, lời tiếng tukyệt diệu, thuần nhất không tạp, đủ hết sắc thái phạn hạnh trắng trong. Ấy là người cầu Thanh văn thì nói mà đáp ứng bằng bốn chân lý, để họ vượt qua sinh, già, bịnh, chết, cứu cánh niết bàn; người cầu Duyên giác thì nói mà đáp ứng bằng mười hai duyên khởi; còn các vị Bồ tát thì nói mà đáp ứng bằng sáu ba la mật, làm cho họ được tuệ giác vô thượng, nghĩa là thành bậc Tuệ giác biết tất cả.

Kế đó lại có đức Phật cũng tên Nhật Nguyệt Đăng Minh, kế đó nữa lại có đức Phật cũng tên Nhật Nguyệt Đăng Minh. Như vậy có hai mươi ngàn đức Phật đều cùng một tên, tên Nhật Nguyệt Đăng Minh, và cùng một họ, họ Phả La Đọa. Di Lạc đại sĩ, đại sĩ nên biết, đức Phật đầu tiên cũng như đức Phật cuối cùng đều cùng một tên Nhật Nguyệt Đăng Minh, cùng đủ mười đức hiệu, và pháp mà các ngài tuyên thuyết cũng phần đầu phần giữa phần cuối ba phần đều tuyệt hảo. Đức Phật cuối cùng, khi chưa xuất gia, có tám vương tử, thứ nhất tên Hữu Ý, thứ hai tên Thiện Ý, thứ ba tên Vô Lượng Ý, thứ tư tên Bảo Ý, thứ năm tên Tăng Ý, thứ sáu tên Trừ Nghi Ý, thứ bảy tên Hướng Ý, thứ tám tên Pháp Ý. Cả tám vương tử đều uy đức tự tại, thống lãnh bốn đại lục. Khi nghe phụ hoàng xuất gia, thành tựu tuệ giác vô thượng, thì tám vương tử ấy cùng bỏ ngôi vua mà xuất gia theo, phát tâm Đại thừa, thường hành phạn hạnh, và cùng làm pháp sư, vì đã từng gieo trồng các gốc rễ điều lành ở nơi ngàn vạn đức Phật. Bấy giờ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cũng đã nói bản kinh Đại thừa tên Nghĩa Vô Lượng, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Nói kinh ấy rồi, đức Phật ấy cũng đã ở ngay giữa đại hội mà ngồi xếp bằng, nhập định vị trí của nghĩa vô lượng, thân thể và tâm trí đều không dao động. Lúc ấy chư thiên cũng mưa xuống hoa Mạn Đà, hoa Mạn Đà lớn, hoa Mạn Thù, hoa Mạn Thù lớn, rải trên đức Phật và cả đại hội. Khắp cõi Phật này cũng chấn động đủ hết sáu cách. Trong đại hội, bốn chúng, tám bộ và các chúng khác, hết thảy các chúng như vậy cũng được sự chưa từng có, hoan hỷ, chắp tay, chuyên chú mà chiêm ngưỡng đức Phật. Còn đức Phật thì cũng từ nơi tướng lông trắng giữa hai đầu của hai hàng lông mày phóng ra ánh sáng, chiếu soi mười tám ngàn cõi Phật ở về hướng đông, không cõi Phật nào mà không chiếu soi khắp cả, y như những cõi Phật mà ngày nay chư vị đang thấy.

Di Lạc đại sĩ, đại sĩ nên biết, trong đại hội lúc ấy có hai mươi ức bồ tát ưa thích nghe pháp. Các vị bồ tát này thấy ánh sáng của Phật chiếu khắp các cõi Phật như vậy thì cũng được sự chưa từng có, và cũng muốn biết mục đích của ánh sáng ấy. Bấy giờ có một vị bồ tát tên Diệu Quang, có tám trăm đệ tử. Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh xuất định, nhân bồ tát Diệu Quang mà nói bản kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn. Ngài nói đến sáu mươi thời kỳ bậc nhỏ, không đứng dậy khỏi pháp tòa. Đại hội thính giả lúc ấy cũng ngồi một chỗ, trải qua sáu mươi thời kỳ bậc nhỏ mà thân thể và tâm trí đều bất động, nghe đức Phật nói thì cho rằng chỉ bằng thì gian một bữa ăn. Cả đại hội không một ai mà thân thể hay tâm trí sinh nhác sinh mệt. Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói kinh Pháp Hoa trong sáu mươi thời kỳ bậc nhỏ rồi, liền ở giữa đại hội các chúng phạn vương, ma vương, sa môn, bà la môn, và chư thiên, nhân loại, tu la, tuyên ngôn rằng giữa đêm hôm nay Như Lai sẽ nhập niết bàn hoàn toàn.

Bấy giờ có bồ tát tên Đức Tạng, đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh liền thọ ký cho, bằng cách nói với chư vị Tỷ kheo, rằng vị bồ tát Đức Tạng này sẽ kế tiếp làm Phật, danh hiệu Tịnh Thân, bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và kháép. Thọ ký rồi, ngay giữa đêm ấy, đức Phật nhập niết bàn hoàn toàn. Sau đó bồ tát Diệu Quang ghi nhớ Pháp Hoa, diễn giảng cho người trọn tám mươi thời kỳ bậc nhỏ. Tám vương tử con đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều tôn thờ bồ tát Diệu Quang làm thầy, bồ tát ấy giáo hóa, làm cho tám vương tử vững chắc đối với tuệ giác vô thượng. Tám vương tử, sau đó, phụng sự rất nhiều ức đức Phật rồi, được thành Phật cả, và vị thành Phật cuối cùng danh hiệu là Nhiên Đăng. Trong tám trăm đệ tử của bồ tát Diệu Quang, có một vị tên là Cầu Danh, đam mê danh lợi, dẫu cũng đọc tụng kinh pháp mà không thông suốt, phần nhiều quên mất, nên mới có cái tên Cầu Danh. Nhưng vị này cũng nhờ sự gieo trồng các gốc rễ điều lành mà được gặp rất nhiều ức đức Phật, hiến cúng, cung kính, tôn trọng và tán dương. Di Lạc đại sĩ, đại sĩ nên biết bồ tát Diệu Quang lúc ấy đâu phải ai khác, mà chính là tôi đây, còn bồ tát Cầu Danh thì chính là đại sĩ. Ngày nay thấy điềm lành như vầy so với ngày xưa không khác gì cả, nên tôi nghĩ rằng đức Thế Tôn hiện nay sẽ tuyên thuyết về bản kinh Đại thừa tên là Pháp Hoa, bản kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn.

Lúc ấy, ở giữa đại hội, bồ tát Văn Thù muốn lập lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(57) Tôi nhớ quá khứ
vô số thời kỳ,
có đức Phật đà,
bậc tôn cao nhất,
danh hiệu ngài là
Nhật Nguyệt Đăng Minh.

(58) Đức Phật đà ấy
tuyên thuyết chánh pháp
hóa độ vô lượng
các loại chúng sinh,
và vô số ức
các vị Bồ tát,
làm cho vào được
tuệ giác Phật đà.

(59) Có tám vương tử
con của Phật sinh
lúc chưa xuất gia,
thấy Phật xuất gia
cũng xuất gia theo
thực hành phạn hạnh.

(60) Bấy giờ Phật nói
bản kinh đại thừa
tên Nghĩa Vô Lượng,
giảng giải rộng rãi
nghĩa lý vô lượng
cho cả đại hội.

(61) Phật tuyên thuyết xong
bản kinh ấy rồi,
liền ngồi xếp bằng
ngay trên pháp tòa,
nhập định Vị trí
của nghĩa vô lượng.

(62) Chư thiên mưa xuống
hoa mạn đà la,
và trống chư thiên
tự kêu vang rền;
tám bộ thiên long
dùng hoa trống ấy
hiến cúng lên bậc
tôn cao nhất người.

(63) Toàn cõi Phật này
đồng thời chấn động.
Và rồi đức Phật
phóng ra ánh sáng
từ nơi lông trắng
giữa hai đầu mày,
biểu hiện đủ cả
cảnh tượng hiếm có.
*

(64) Ánh sáng như vậy
chiếu soi một vạn
tám ngàn cõi Phật
ở về hướng đông,
biểu hiện cho thấy
tất cả những chỗ
các loại chúng sinh
sinh ra chết đi,
hành động lành dữ,
hưởng chịu tốt xấu.

(65) Lại được nhìn thấy
có những cõi Phật
toàn thể trang hoàng
bằng bao vàng ngọc,
ánh lên màu sắc
lưu ly pha lê;
đại hội thấy được
đến như thế này
là do ánh sáng
của Phật chiếu soi.

(66) Lại thấy tất cả
tám bộ thiên long
cùng với nhân loại
tại mỗi quốc độ
cùng nhau hiến cúng
đức Phật của mình.

(67) Lại thấy chư Phật
tự thành Phật tuệ,
thân như núi vàng
cực kỳ tráng lệ.
Các ngài ở giữa
đại hội thánh hiền
diễn giảng nghĩa ý
của pháp sâu xa,
thì trông giống như
những tượng vàng thật
hiện trong các khối
lưu ly trong suốt.

(68) Trong mỗi cõi Phật,
thanh văn vô số,
cũng nhờ ánh sáng
của Phật chiếu soi
mà thấy rõ cả
chúng thanh văn ấy.

(69) Thấy chư tỷ kheo
ở trong núi rừng,
tinh tiến giữ giới
như giữ ngọc sáng.

(70) Lại thấy bồ tát
nỗ lực bố thí
kiên trì nhẫn nhục,
số bồ tát ấy
nhiều như hằng sa
mà thấy được cả,
là do ánh sáng
của Phật chiếu soi.

(71) Thấy các bồ tát
tinh tiến nhập định
một cách sâu xa,
thân tâm bất động,
đem thiền định ấy
cầu trí vô thượng.

(72) Thấy các bồ tát
biết rất thấu suốt
thật tướng vắng lặng
của tất cả pháp,
thuyết thật tướng ấy
nơi quốc độ mình,
đem bát nhã này
cầu thành trí Phật.

(73) Bấy giờ bốn chúng
được thấy đức Phật
Nhật Nguyệt Đăng Minh
biểu hiện thần lực
đến như thế ấy,
lòng họ hoan hỷû
và cùng hỏi nhau,
rằng cảnh tượng này
vì lý do nào
mà Phật biểu hiện?
*

(74) Khi ấy đức Phật,
đấng mà trời người
ai cũng tôn thờ,
vừa mới xuất định,
tức thì khen ngợi
bồ tát Diệu Quang:

(75) Ông là con mắt
của cả thế gian!
Ai cũng qui về
tin tưởng nơi ông!
Ông kính giữ được
kho tàng chánh pháp!
Kho tàng chánh pháp
mà rồi Như Lai
sẽ nói hết ra,
chỉ ông chứng biết!

(76) Đức Phật khen ngợi
làm cho bồ tát
Diệu Quang hoan hỷ,
rồi nói Pháp Hoa
suốt hết sáu mươi
thời kỳ bậc nhỏ.

(77) Và pháp tối thượng
tuyệt diệu như vậy
được Phật tuyên thuyết
mà không đứng dậy
rời khỏi pháp tòa,
pháp sư Diệu Quang
vẫn tiếp nhận được
và ghi nhớ cả.

(78) Đức Phật tuyên thuyết
về kinh Pháp Hoa
làm cho các chúng
hoan hỷ cả rồi,
liền trong ngày ấy
ngài bảo các chúng:

(79) Thật tướng các pháp
Như Lai đã đem
nói cho các người.
Giữa đêm hôm nay
Như Lai sẽ nhập
niết bàn hoàn toàn.

(80) Các người cần phải
một lòng tinh tiến
chuyên chú vào pháp
Như Lai đã nói,
còn sự phóng dật
nên tránh thật xa;
vì lẽ chư Phật
rất là khó gặp,
vạn ức thời kỳ
mới thấy một lần.

(81) Đệ tử của Phật
nghe Phật loan báo
sắp sửa nhập diệt,
ai cũng đau buồn
nghĩ Phật nhập diệt
sao mà mau chóng.

(82) Vị chúa thánh triết
và vua các pháp
an ủi các chúng:
sau khi Như Lai
nhập niết bàn rồi
các người đừng lo.

(83) Bồ tát Đức Tạng
tâm trí thấu triệt
thật tướng thuần khiết,
sẽ kế Như Lai
thành đức Phật đà
danh hiệu Tịnh Thân,
và cũng hóa độ
vô lượng các chúng.

(84) Rồi giữa đêm ấy
đức Phật nhập diệt
như củi mà hết
thì lửa cũng tắt.
Sau đó xá lợi
được phân bủa ra
và xây dựng lên
vô số bảo tháp.

(85) Chư vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni
số lượng nhiều đến
như cát sông Hằng,
lại càng nỗ lực
tinh tiến hơn lên
để cầu đạt được
tuệ giác vô thượng.
*

(86) Phần ngài Diệu Quang,
pháp sư bồ tát,
kính giữ kho tàng
chánh pháp của Phật,
trải qua tám mươi
thời kỳ bậc nhỏ
tuyên thuyết rộng rãi
Diệu Pháp Liên Hoa.

(87) Còn tám vương tử
thì nhờ bồ tát
Diệu Quang khai hóa,
tất cả đều được
vững chắc đối với
tuệ giác vô thượng,
nên sau gặp được
vô số Phật đà.

(88) Các vị phụng sự
chư Phật như vậy,
cùng nhau đi theo
con đường vĩ đại,
nên kế tiếp nhau
được thành Phật cả,
và theo thứ tự
thọ ký cho nhau.

(89) Đức Phật cuối cùng,
vị trời nhất trời,
danh hiệu ngài là
Nhiên Đăng Như Lai,
bậc thầy dẫn đạo
các vị hiền triết,
độ cho giải thoát
vô số các chúng.

(90) Pháp sư Diệu Quang
có một đệ tử
tính thường biếng nhác
đam mê danh lợi,

(91) cầu hồ danh lợi
một cách không chán,
nên hay giao du
với nhà dòng dõi,
bỏ bê kinh pháp
đã được tụng tập,
nên hay quên mất
chứ không thông suốt.

(92) Vì lý do ấy
có tên Cầu Danh.

(93) Nhưng cũng thực hành
đủ các pháp lành,
gặp được vô số
chư vị Phật đà,
phụng sự hiến cúng
Phật đà như vậy
và cũng đi theo
con đường vĩ đại,
hoàn thiện sáu pháp
đến bờ bên kia,
nên nay lại gặp
Sư tử họ Thích.

(94) Thì gian sau ngài,
sẽ kế làm Phật
với danh hiệu là
Di Lạc từ tôn,
cứu độ rộng rãi
các loại chúng sinh
mà số lượng ấy
không thể tính kể.
*

(95) Sau khi đức Phật
Nhật Nguyệt Đăng Minh
nhập niết bàn rồi,
người hay biếng nhác
chính là đại sĩ,
còn vị pháp sư
bồ tát Diệu Quang
là bản thân tôi.

(96) Chính tôi xưa kia
Ở nơi đức Phật
Nhật Nguyệt Đăng Minh
đã từng thấy được
điềm lành ánh sáng
như tôi vừa nói.

(97) Vì vậy tôi biết
Thế Tôn ngày nay
chủ ý muốn nói
về kinh Pháp Hoa.

(98) Cảnh tượng hiện nay
giống điềm lành cũ,
và là phương tiện
của chư Thế Tôn:
Thế Tôn ngày nay
phóng ánh sáng lớn
là để hổ trợ
phát hiện thật tướng.

(99) Chư vị nên biết
chủ ý như vậy,
và hãy chắp tay
nhất tâm mà chờ.
Thế Tôn sẽ đổ
nước mưa chánh pháp,
sung túc những người
cầu tuệ giác Phật.

(100) Tất cả những người
cầu ba cỗ xe
nếu có điều gì
hoài nghi hối tiếc,
thì vị Toàn giác
sẽ giải trừ cho –
giải trừ sạch hết,
không còn sót lại

Phẩm 2: Phương tiện

Khi ấy đức Thế Tôn thung dung xuất định, nói với tôn giả Xá lợi Phất, tuệ giác Như Lai sâu xa vô tận, cửa ngõ tuệ giác ấy khó biết khó vào. Hết thảy Thanh văn Duyên giác không thể biết thấu. Vì sao, vì Như Lai đã từng thân gần vô số chư Phật, thực hành trọn vẹn vô số các pháp đạt đến tuệ giác vô thượng mà chư Phật ấy đã thực hành, dũng mãnh tinh tiến, danh tiếng vang khắp, và thành tựu sự chưa từng có rất là sâu xa, ấy là tùy nghi thuyết pháp, ý hướng khó hiểu. Xá lợi Phất, từ khi trở thành bậc Toàn giác cho đến ngày nay, Như Lai đem mọi thứ yếu tố và mọi sự ví dụ mà diễn rộng các cách lập luận, vận dụng vô số phương tiện ấy dẫn dắt chúng sinh thoát được sự vướng mắc vào điểm này hay điểm khác. Tại sao Như Lai làm được như vậy? Vì Như Lai đã hoàn thành sự thấy biết toàn hảo và sự phương tiện toàn hảo. Xá lợi Phất, sự thấy biết của Như Lai rộng lớn sâu xa: những phẩm chất của sự thấy biết ấy đại loại như bốn tâm vô hạn, bốn trí thông suốt, mười đại năng lực, bốn sự không sợ, bốn thiền, bốn định, tám sự giải thoát, ba pháp tam muội, Như Lai đã đi sâu vào một cách không có giới hạn, nên thành tựu sự chưa từng có nói trên. Do đó, Xá lợi Phất, Như Lai phân tích và khéo nói các pháp, lời chữ hòa nhã, đẹp lòng mọi người. Lấy cốt yếu mà nói, thì sự chưa từng có có tính cách vô lượng vô biên, Như Lai đã thành tựu đầy đủ.

Xá lợi Phất, thôi, không nên nói nữa, vì sự chưa từng có, và khó hiểu bậc nhất ấy, mà Như Lai đã thành tựu, là chỉ Như Lai với chư vị Như Lai mới cứu xét cùng tận và tuyên thuyết khéo léo về thật tướng các pháp. Thật tướng ấy là biểu hiện như vậy, đặc tính như vậy, bản thể như vậy, năng lực như vậy, động tác như vậy, nhân tố như vậy, duyên tố như vậy, kết quả như vậy, hình thành như vậy, toàn bộ như vậy.

Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Vô lượng những bậc
anh hùng trong đời,
chư thiên nhân loại
hết thảy chúng sinh,
không ai hiểu thấu
đối với Như Lai.

(2) Mười đại năng lực
bốn sự không sợ
tám sự giải thoát
ba pháp tam muội
cùng với bao nhiêu
phẩm chất Phật đà
mà Như Lai có,
thì không một ai
có thể biết được
một cách tận tường.

(3) Vốn từ vô số
chư Phật Như Lai
Như Lai trọn vẹn
thực hành các pháp
tuệ giác vô thượng,
là pháp cực kỳ
sâu xa tinh túy
khó mà thấy biết.

(4) Trải qua vô lượng
vạn ức thời kỳ,
thực hành trọn vẹn
các pháp ấy rồi,
Như Lai đến ngồi
nơi bồ đề tràng,
được đại thành quả
biết rõ tất cả.

(5) Đại thành quả này
biết rõ những nghĩa
biểu hiện như vậy
đặc tính như vậy…
chỉ có Như Lai
cùng với mười phương
chư Như Lai khác
mới biết như vậy.

(6) Và pháp như vậy
không thể phô bày,
khái niệm ngôn ngữ
bặt dấu ở đây.

(7) Hết thảy chúng sinh
không ai hiểu nổi,
trừ chư bồ tát
đức tin vững chắc.

(8) Những con Phật khác
dẫu từng hiến cúng
chư Phật Như Lai,
phiền não đã hết,
đã đến trạng thái
thân này là thân
sống chết cuối cùng,
các vị như vậy
năng lực của họ
cũng vẫn bất kham.

(9) Giả sử tràn đầy
thế giới loài người
ai nấy đều như
Xá lợi Phất cả,
cùng tận tư duy
chung nhau suy lường,
cũng không lường được
tuệ giác Như Lai.

(10) Nếu thật đầy khắp
mười phương quốc độ
ai nấy đều như
Xá lợi Phất cả,
hoặc như các vị
đại đệ tử khác
cũng đầy khắp cả
mười phương quốc độ,

(11) cùng tận tư duy
chung nhau suy lường,
vẫn không biết được
tuệ giác Như Lai.

(12) Các vị Duyên giác
trí tuệ lanh lợi
phiền não không còn,
thân họ cũng là
cái thân cuối cùng;
các vị như vậy
cũng đầy mười phương
như một rừng tre,

(13) cùng nhau một lòng,
trải qua vô lượng
vạn ức thời kỳ,
suy nghĩ cho thấu
tuệ giác chân thật
mà Như Lai có,
cũng vẫn không thể
biết được ít phần.

(14) Các vị bồ tát
mới phát tâm chí,
phụng sự vô số
chư Phật Như Lai,
thấu triệt pháp nghĩa
lại khéo thuyết pháp;

(15) các vị như vậy
như lúa như tre,
tràn đầy khắp cả
mười phương quốc độ,

(16) kết hợp vận dụng
trí tuệ tinh tế,
trải qua thời kỳ
nhiều bằng hằng sa,
chung sức tư duy
chung nhau ước lượng,
cũng không biết được
tuệ giác Như Lai.

(17) Các vị bồ tát
đã không thoái chuyển,
số lượng nhiều bằng
cát của sông Hằng,
cùng nhau tìm xét
cũng không biết được.

(18) Này Xá lợi Phất,
cái pháp cực kỳ
sâu xa, tinh túy,
không còn sai sót,
ngoài tầm nghĩ bàn,
Như Lai đã biết
một cách đầy đủ.
Và chỉ Như Lai
mới biết pháp ấy,
cũng như chư vị
Như Lai mười phương
mới biết như vậy.

(19) Này Xá lợi Phất,
tôn giả nên biết
lời Như Lai nói
không có mâu thuẫn.
Đối với cái pháp
của Như Lai nói,
các người phải có
đức tin lớn lao.
Bởi vì nguyên tắc
của chư Như Lai
sau thì gian dài
phải nói sự thật.

(20) Cho nên ngày nay
Như Lai tuyên cáo
với chư Thanh văn
và chư Duyên giác,
những người đã được
Như Lai làm cho
thoát khổ thắt buộc
đạt được niết bàn,

(21) rằng đó chỉ là
Như Lai vận dụng
năng lực phương tiện
thiết ba cỗ xe,
để ai vướng mắc
bất cứ chỗ nào
Như Lai cũng dắt
cho được thoát ra.

Lúc ấy trong đại hội có một ngàn hai trăm vị A la hán đã hết phiền não, thuộc chúng Thanh văn, đại loại như tôn giả Kiềàu trần Như, cùng tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, những người tâm chí thanh văn duyên giác, đều nghĩ như vầy, tại sao hôm nay đức Thế Tôn ân cần tán dương sự phương tiện, bằng cách nói rằng pháp Như Lai được cực kỳ sâu xa tinh túy và khó hiểu, rằng Như Lai nói gì ý hướng cũng khó biết, rằng hết thảy thanh văn duyên giác không thể đạt đến? Đức Thế Tôn nói về sự giải thoát đồng nhất thì chúng ta cũng thành tựu sự ấy, đạt đến niết bàn. Nhưng hôm nay thì chúng ta không biết sự ấy về đâu.

Tôn giả Xá lợi Phất biết nỗi hoài nghi trong lòng bốn chúng và chính mình cũng chưa thấu triệt, nên thưa rằng, bạch đức Thế Tôn, vì yếu tố chính và yếu tố phụ nào mà đức Thế Tôn ân cần tán dương sự phương tiện bậc nhất của ngài là pháp sâu xa, tinh túy và khó hiểu? Hồi nào đến giờ con chưa hề nghe đức Thế Tôn nói như vậy. Hiện giờ bốn chúng đều nghi ngại. Con thỉnh cầu đức Thế Tôn giải thích vấn đề này cho chúng con: vì lý do nào mà ngài ân cần tán dương sự phương tiện của ngài là sâu xa, tinh túy và khó hiểu? Tôn giả Xá lợi Phất muốn lặp lại ý nghĩa đã hỏi, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(22) Mặt trời tuệ giác,
bậc đại thánh triết,
lâu rồi mới nói
điều đặc biệt này.
Là ngài tự nói
bao nhiêu phẩm chất
mà Như Lai có,
đại loại như là
mười đại năng lực
bốn sự không sợ
ba pháp tam muội
bốn thiền bốn định
tám sự giải thoát,
toàn là những pháp
trên sự tư duy
ngoài tầm thảo luận.

(23) Ngài tự nói đến
pháp mà ngài biết
trong khi ngài ngồi
nơi Bồ đề tràng,
chứ không một ai
có thể hỏi thấu.
Ngài lại tự nói
ý ngài khó biết,
điều này cũng không
một ai hỏi được.

(24) Không ai hỏi được,
chỉ ngài tự nói,
tán dương con đường
mà ngài đã đi,
tán dương tuệ giác
cực kỳ tinh túy
mà như chư Phật,
ngài đã đạt được.

(25) Các vị La Hán
đã hết phiền não,
cùng với những vị
cầu được Niết bàn,
hôm nay cùng sa
vào lưới ngờ vực:
Thế Tôn vì gì
tự nói như vậy?

(26) Những vị cầu được
tuệ giác duyên giác,
các vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni,
cùng với tất cả
tám bộ thiên long,
ai cũng bối rối
mà nhìn lẫn nhau
và nhìn lên ngài,
một bậc hoàn hảo
cả hai phương diện
phước đức tuệ giác.

(27) Bạch đức Thế Tôn,
việc này thế nào?
xin ngài giải thích
cho chúng con rõ.

(28) Trong chúng Thanh văn,
Thế Tôn nói con
là bậc thứ nhất,
nhưng nay chính con
tự mình đối với
tuệ giác của mình
cũng sinh nghi hoặc:
không rõ tuệ ấy
đã là cứu cánh
hay phải tới nữa?

(29) Bao nhiêu con Phật
sinh từ miệng Phật
nay đang chắp tay
ngước nhìn chờ đợi,
ước mong Thế Tôn
xuất ra âm thanh
cực kỳ tuyệt diệu,
kịp thời nói cho
về pháp của ngài
đúng như pháp ấy.

(30) Tám bộ thiên long
số bằng hằng sa,
chư vị Bồ tát
cầu tuệ giác Phật
số lượng đại khái
cũng có tám vạn.

(31) Lại còn xuất từ
vạn ức các nước,
các vị luân vương
cùng nhau đến đây,
ai cũng chắp tay
đem lòng cung kính
mong muốn được nghe
con đường hoàn hảo.

Đức Thế Tôn bảo tôn giả Xá Lợi Phất, thôi thôi, không nên nói. Nói vấn đề này thì cả thế gian, trong đó có chư thiên và nhân loại, sẽ kinh sợ ngờ vực. Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa, bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn dạy cho vấn đề này, vấn đề này xin đức Thế Tôn dạy cho. Vì đại hội này nhiều đến trăm ngàn, vạn ức, vô số, có nhiều người từng gặp chư Phật, các căn lanh lợi, trí tuệ sáng tỏ, nghe đức Thế Tôn dạy thì có thể kính tin. Tôn giả Xá Lợi Phất muốn lặp lại ý nghĩa đã thưa, nên nói lời chỉnh cú sau đây:

(32) Bạch đức Vô Thượng,
vị vua các pháp!
xin ngài dạy cho
không cần e ngại.
Đại hội các chúng
vô số như vầy,
tất có những người
có thể kính tin.

Đức Thế Tôn lại ngăn tôn giả Xá Lợi Phất, rằng nếu Như Lai nói vấn đề này thì cả thế gian, trong đó có chư thiên, nhân loại và tu la, sẽ cùng kinh sợ, ngờ vực, những vị tỷ kheo tăng thượng mạn sẽ rơi xuống hố lớn. Đức Thế Tôn lặp lại ý ngài bằng lời chỉnh cú sau đây:

(33) Thôi thôi, đừng hỏi!
Pháp của Như Lai
tinh túy, khó biết.
Những kẻ thượng mạn
nghe nói pháp ấy
tất không kính tin.

Tôn giả Xá Lợi Phất lại thưa, bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn dạy cho vấn đề này, vấn đề này xin đức Thế Tôn dạy cho. Nay trong đại hội này, những người như con, và trăm ngàn vạn ức người, đời đời đã từng tiếp nhận sự giáo hóa của đức Thế Tôn; những người như vậy chắc chắn có thể kính tin, ổn định lâu dài và lợi ích lớn lao. Tôn giả Xá Lợi Phất lặp lại ý mình bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(34) Thưa đấng Vô Thượng,
phước trí toàn hảo!
xin ngài dạy cho
cái pháp bậc nhất.
Con là con trưởng
của đức Thế Tôn,
con thỉnh cầu ngài
dạy cho chúng con.
Trong đại hội này
có vô số người
có thể kính tin
về pháp ngài dạy.

(35) Đời đời liên tiếp,
Thế Tôn đã từng
giáo hóa tiếp độ
những người như vầy.
Nay họ chắp tay
đồng nhất tâm nguyện
muốn nghe và nhận
lời Thế Tôn nói.

(36) Những người như con
một ngàn hai trăm,
cùng với các vị
cầu tuệ giác Phật,
xin đức Thế Tôn
vì những người này
rủ lòng thương xót
mà giảng giải cho.
Những người này đây
nghe được pháp này
thì lòng sinh ra
hoan hỷ cùng cực.

Khi ấy đức Thế Tôn bảo tôn giả Xá lợi Phất, tôn giả đã thiết tha thỉnh cầu đến lần thứ ba, nên Như Lai không thể không nói. Vậy tôn giả hãy lắng nghe, hãy khéo nghĩ và khéo nhớ! Như Lai sẽ phân tích giảng giải cho tôn giả. Khi đức Thế Tôn dạy như vậy, trong đại hội có đến năm ngàn tỷ kheo và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, tức thì đứng dậy khỏi chỗ họ ngồi, đảnh lễ đức Thế Tôn mà lui ra. Những người này gốc rễ tội lỗi về tăng thượng mạn thật là sâu nặng, chưa được tự cho đã được, chưa chứng tự cho đã chứng, lầm lẫn đến thế nên họ không ở lại. Đức Thế Tôn cũng yên lặng mà không ngăn cản. Ngài bảo tôn giả Xá lợi Phất, đaị hội này của Như Lai nay không còn trấu lép, mà chỉ toàn là hạt chắc. Xá lợi Phất, tăng thượng mạn như những người kia thì lui ra cũng tốt. Bây giờ tôn giả hãy nghe cho khéo, Như Lai sẽ giảng giải cho tôn giả. Tôn giả Xá lợi Phất thưa, dạ, bạch đức Thế Tôn; chúng con ước nguyện và thích thú muốn nghe.

Đức Thế Tôn bảo tôn giả Xá lợi Phất, cái pháp tinh túy này Như Lai thỉnh thoảng mới nói, như hoa ưu đàm thỉnh thoảng mới xuất hiện một lần. Xá lợi Phất, chư vị hãy tin lời Như Lai nói không trống rỗng, dối trá. Xá lợi Phất, Như Lai tùy nghi thuyết pháp, ý hướng khó hiểu. Tại sao, vì Như Lai hoạt dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà diễn đạt về pháp. Pháp ấy không phải tư duy phân tích mà lĩnh hội được. Pháp ấy chỉ có chư Phật Như Lai mới chứng biết.

Sự thể là chư Phật Như Lai chỉ vì lý do duy nhất và trọng đại mà xuất hiện thế gian. Xá lợi Phất, lý do duy nhất và trọng đại mà chư Phật Như Lai xuất hiện thế gian là gì? Là chư Phật Như Lai muốn làm cho chúng sinh khai mở sự thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian, muốn chỉ thị cho chúng sinh sự thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian, muốn làm cho chúng sinh tỉnh ngộ sự thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian, muốn làm cho chúng sinh nhập vào con đường thấy biết của Phật được trong sáng nên xuất hiện thế gian. Xá lợi Phất, như thế đó là lý do duy nhất và trọng đại mà chư Phật Như Lai xuất hiện thế gian. Và Xá lợi Phất, như thế đó tức là chư Phật Như Lai chỉ giáo hóa bồ tát, nghĩa là làm gì cũng thường vì một việc, ấy là đem sự thấy biết của Phật mà chỉ thị cho chúng sinh tỉnh ngộ.

Xá lợi Phất, Như Lai chỉ đem cỗ xe duy nhất là cỗ xe Phật đà mà thuyết pháp cho chúng sinh, không có cỗ xe nào khác dầu là cỗ xe thứ hai hay là cỗ xe thứ ba. Xá lợi Phất, pháp của chư Phật mười phương cũng là như vậy. Xá lợi Phất, chư Phật quá khứ đã vận dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà thuyết pháp cho chúng sinh, pháp ấy toàn là của cỗ xe Phật đà duy nhất, nên chúng sinh nghe pháp nơi chư Phật ấy thì cứu cánh đều được tuệ giác biết tất cả. Chư Phật vị lai sẽ xuất hiện thế gian cũng vận dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà thuyết pháp cho chúng sinh, pháp ấy toàn là của cỗ xe Phật đà duy nhất, nên chúng sinh nghe pháp nơi chư Phật ấy thì cứu cánh cũng đều được tuệ giác biết tất cả. Hiện tại, trong vô lượng cõi Phật khắp cả mười phương, chư Phật đang làm lợi ích và yên vui rất nhiều cho chúng sinh, chư Phật như vậy cũng vận dụng vô số phương tiện, trong đó gồm có các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, mà thuyết pháp cho chúng sinh, pháp ấy toàn là của cỗ xe Phật đà duy nhất, nên chúng sinh nghe pháp nơi chư Phật ấy thì cứu cánh cũng đều được tuệ giác biết tất cả. Xá lợi Phất, chư Phật ba đời trong mười phương làm như vậy là đồng nghĩa với việc chỉ giáo hóa bồ tát: muốn đem sự thấy biết của Phật khai mở cho chúng sinh, muốn đem sự thấy biết của Phật chỉ thị cho chúng sinh, muốn đem sự thấy biết của Phật thức tỉnh cho chúng sinh, muốn dẫn chúng sinh nhập vào con đường thấy biết của Phật. Xá lợi Phất, nay Như Lai cũng làm như vậy. Như Lai biết rõ những thị hiếu và vướng mắc của các loại chúng sinh; tùy bản tính của họ, Như Lai vận dụng các thứ yếu tố, ví dụ và lời chữ, nghĩa là vận dụng năng lực phương tiện, mà thuyết pháp. Xá lợi Phất, Như Lai làm như vậy toàn là để cho họ cùng được tuệ giác biết tất cả của cỗ xe Phật đà duy nhất.

Xá lợi Phất, như vậy là trong mười phương quốc độ, cỗ xe thứ hai còn không có, huống chi có cỗ xe thứ ba. Nhưng, Xá lợi Phất, chư Phật Như Lai xuất hiện trong thời kỳ dữ dội thì đó là thời kỳ đủ cả năm thứ vẩn đục: thời kỳ vẩn đục, tâm lý vẩn đục, con người vẩn đục, kiến thức vẩn đục, mạng sống vẩn đục. Khi thời kỳ vẩn đục loạn lên, thì chúng sinh dơ bẩn dày nặng, keo lẫn, tham lam, ganh ghét, hoàn thành đủ thứ bất thiện, nên chư Phật Như Lai phải vận dụng năng lực phương tiện: chính nơi cỗ xe duy nhất là cỗ xe Phật đà mà giả thiết ra, nói có ba cỗ xe. Do đó, Xá lợi Phất, nếu là đệ tử của Như Lai, tự gọi là La hán, là Duyên giác, mà không nghe không biết đến việc Như Lai chỉ giáo hóa bồ tát như trên, thì những người ấy không phải đệ tử của Như Lai: không phải La hán, không phải Duyên giác. Những vị tỷ kheo và tỷ kheo ni như vậy tự cho đã thành La hán, thân mình là thân cuối cùng, mình cứu cánh niết bàn, rồi không còn có chí mong cầu tuệ giác vô thượng, thì tôn giả nên biết họ toàn là người tăng thượng mạn. Vì lẽ nếu có vị nào thật được thành La hán mà không tin pháp này thì vô lý, trừ ra sau khi Như Lai đã nhập diệt, trước mặt họ không có Như Lai nữa – Sau khi Như Lai nhập diệt, kinh Pháp Hoa này có ai tiếp nhận ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, lý giải ý nghĩa…, người ấy thật khó có. Nếu gặp đức Phật khác thì đối với kinh này họ nhận thức được ngay.

Nói tóm, Xá lợi Phất, chư vị hãy nhất tâm mà tin tưởng, lý giải, tiếp nhận và ghi nhớ lời của Như Lai nói. Lời của chư Phật Như Lai nói thì không trống rỗng, dối trá, nói rằng không có cỗ xe nào khác mà chỉ có cỗ xe duy nhất là cỗ xe Phật đà.

Khi ấy đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(37) Chư vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni
mà có thượng mạn,
cùng ưu bà tắc
và ưu bà di
mà lòng không tin,
bốn chúng như vậy
số có năm ngàn.

(38) Họ không tự thấy
mình đã khinh suất.
Họ thiếu giới hạnh,
che giấu tỳ vết.
Hạng trí nhỏ ấy
đã lui hết rồi.

(39) Trong đại hội này
họ là cặn bã.
Họ lui là vì
uy thần Như Lai.
Họ là những kẻ
thiếu cả phước đức,
không kham tiếp nhận
diệu pháp như vầy.

(40) Trong đại hội này
nay hết trấu lép,
còn lại chỉ có
toàn là hạt chắc.

(41) Này Xá lợi Phất,
hãy nghe cho khéo
về pháp Như Lai
đã thành tựu được,
và về phương tiện
Như Lai hoạt dụng
để nói pháp ấy
cho các chúng sinh.
*

(42) Quan niệm, đạo hạnh,
thị hiếu, khuynh hướng,
hành vi lành dữ
đời trước đã làm,
tất cả điều này
của các chúng sinh
Như Lai nhận thức
rất là rõ ràng.

(43) Thế rồi Như Lai
sử dụng mọi thứ
yếu tố, ví dụ,
cùng với lời chữ,
nghĩa là dùng đến
năng lực phương tiện,
làm cho chúng sinh
hoan hỷ tất cả.

(44) Cho nên Như Lai
đã nói tản văn,
chỉnh cú độc lập,
việc cũ, đời trước,
việc hiếm, nguyên do,
hoặc nói ví dụ,
chỉnh cú thích ứng,
cùng với thảo luận.

(45) Những kẻ ám độn
chỉ thích pháp nhỏ,
vướng mắc sinh tử;
nơi vô số Phật
họ đã không đi
theo đường tuyệt diệu.
Họ bị đau khổ
dày vò tác loạn.
Như Lai vì họ
mà nói niết bàn.

(46) Như Lai thiết lập
phương tiện như vậy,
chủ ý làm cho
họ được nhập vào
tuệ giác Phật đà,
nhưng chưa hề nói
tất cả các người
đều sẽ thành Phật.

(47) Sở dĩ Như Lai
chưa nói như vậy
là vì chưa đến
thì gian đáng nói.
Nhưng nay là lúc
Như Lai quyết định
nói về giáo pháp
cỗ xe vĩ đại.
*

(48) Giáo pháp ở trong
chín thể loại trên,
là do Như Lai
tùy thuận chúng sinh
mà tuyên thuyết ra,
nhưng mà bản ý
là dẫn họ vào
cỗ xe vĩ đại.
Vì lý do ấy,
ngày nay Như Lai
nói về bản kinh
Diệu Pháp Liên Hoa.

(49) Có những con Phật
tâm trí trong sáng
tánh tình ôn hòa
các căn lanh lợi,
đã từng đi theo
con đường tuyệt diệu
ở nơi vô lượng
chư Phật Như Lai;
chính vì những người
con Phật như vậy
mà nay Như Lai
nói kinh Pháp Hoa,
bản kinh thuộc về
cỗ xe vĩ đại.

(50) Qua đó Như Lai
sẽ thọ ký cho
những con Phật ấy
trong thì vị lai
được thành Phật đà _
Được thành vì họ
đã đem tâm chí
cực kỳ sâu xa
tưởng niệm Phật đà
nghiêm giữ giới pháp.

(51) Những con Phật ấy
nghe được thành Phật
thì nỗi mừng lớn
tràn khắp cơ thể.
Như Lai biết rõ
tâm chí cùng với
đạo hạnh của họ,
nên mới nói cho
bản kinh thuộc về
cỗ xe vĩ đại.

(52) Và là thanh văn
hay là bồ tát,
nghe kinh như vậy
của Như Lai nói,
thì dẫu chỉ được
một bài chỉnh cú,
cũng thành Phật cả,
không nghi gì được.
*

(53) Khắp cả cõi Phật
trong cả mười phương,
chỉ có diệu pháp
cỗ xe duy nhất.
Cỗ xe thứ hai
đã không thực có,
cũng không thực có
cỗ xe thứ ba,
trừ ra Như Lai
phương tiện tuyên thuyết –
là chỉ thiện dụng
những danh từ giả
mà dẫn dắt cho
các loại chúng sinh.

(54) Chính vì công bố
tuệ giác Phật đà,
cho nên Như Lai
xuất hiện thế gian.
Chỉ một việc này
là việc đích thực,
còn hai việc khác
không đích thực đâu.
Như Lai tuyệt đối
không muốn sử dụng
cỗ xe thấp nhỏ
mà chở chúng sinh.

(55) Như Lai tự ngồi
cỗ xe vĩ đại,
cỗ xe được có
những pháp như là
định, tuệ và lực
trang sức huy hoàng,
Như Lai sử dụng
mà chở chúng sinh.

(56) Như Lai tự chứng
tuệ giác vô thượng
là xe vĩ đại
có tính bình đẳng.
Nếu đem hóa độ
bằng xe thấp nhỏ,
thì dẫu hóa độ
một người mà thôi,
Như Lai cũng rơi
vào sự tham lẫn:
ấy là một việc
không chấp nhận được.

(57) Mọi người tín ngưỡng
qui y Như Lai.
Như Lai không hề
lừa dối ai cả,
không cả tâm ý
tham lam ganh ghét,
triệt hết sự xấu
ở trong các pháp.
Cho nên khắp trong
mười phương quốc độ,
chỉ có Như Lai
không e sợ gì.

(58) Với cái thân thể
tướng hảo trang nghiêm,
với cái tuệ giác
soi sáng tất cả,
và được vô lượng
chúng sinh tôn trọng,
Như Lai công bố
ấn tín thật tướng.

(59- Này Xá lợi Phất
60) tôn giả nên biết
Như Lai vốn lập
chí nguyện cao rộng
là muốn làm cho
hết thảy chúng sinh
đều như Như Lai
không khác gì cả.
Đúng như chí nguyện
Như Lai đã lập,
ngày nay Như Lai
thực hiện đầy đủ,
cho nên Như Lai
giáo hóa tất cả,
làm cho vào được
tuệ giác Phật đà.

(61) Nhưng nếu Như Lai
gặp ai cũng đem
tuệ giác Phật đà
mà giáo hóa cho,
thì kẻ vô trí
sẽ bị thác loạn,
mù mờ, lầm lẫn,
không thể tiếp nhận.

(62) Như Lai nhận thức
những kẻ như vậy
chưa từng sửa sang
gốc rễ pháp lành,
dính chắc vào nơi
năm thứ dục lạc,
khổ não vì những
mù quáng, đam mê.

(63) Chính vì nhân tố
năm thứ dục lạc
mà họ sa vào
ba đường độc dữ.
Luân hồi khắp cả
sáu nẻo sống chết,
lãnh chịu đủ hết
khổ sở độc địa.
Hình hài hèn kém
có bởi bào thai,
đời đời liên tiếp
cứ thêm lên mãi.
Họ là những kẻ
mỏng đức thiếu phước,
và bị đủ thứ
khổ não bức bách.

(64) Nên họ lạc vào
rừng rậm tà kiến,
chấp có thế này
chấp không thế khác.
Căn cứ những thứ
tà kiến như vậy,
họ lần đủ cả
sáu hai tà kiến,
đắm sâu vào trong
chủ thuyết hư vọng,
chấp nhận cứng chắc
không thể xả bỏ.

(65) Họ đầy ngã mạn,
tự cao, dua nịnh,
quanh co, xảo trá.
Vạn ức thời kỳ
họ không nghe được
danh từ Phật đà,
chánh pháp Phật đà
càng không nghe thấy.
Những người như vậy
thật khó hóa độ.

(66) Này Xá lợi Phất,
vì những người ấy
cho nên Như Lai
lập chước phương tiện:
nói cho họ biết
con đường diệt khổ,
chỉ cho họ rõ
về sự niết bàn.
Nhưng mà Như Lai
dẫu nói niết bàn,
sự niết bàn đó
chưa thật niết bàn.

(67) Vì vậy Như Lai
khai thị nguyên lý:
các pháp xưa nay
thường tự vắng lặng.
Con Phật đi trọn
đường đi của mình
thì trong tương lai
được thành Phật đà,
như thế mới là
niết bàn đích thực.

(68) Như vậy đủ thấy
do phương tiện lực
mà Như Lai có,
Như Lai khai thị
đủ hết các pháp
của ba cỗ xe;
kỳ thật tất cả
chư Phật Như Lai
đều chỉ nói đến
cỗ xe duy nhất.

(69) Ngày nay đại hội
hãy bỏ nghi hoặc.
Lời chư Phật nói
không khác sự thật:
chỉ có cỗ xe
Phật đà duy nhất,
không hai cỗ xe
thứ hai thứ ba.
*

(70) Vô số thời kỳ
thuộc thì quá khứ,
vô lượng chư Phật
đã nhập niết bàn;
những loại số mục
trăm ngàn vạn ức
không thể đem ra
mà tính cho được.

(71) Chư Phật như vậy
đã dùng đủ thứ
yếu tố, ví dụ
của phương tiện lực,
diễn đạt thật tướng
tất cả các pháp.

(72) Nghĩa là các ngài
cũng nói giáo pháp
cỗ xe duy nhất,
giáo hóa chúng sinh
làm cho vào được
tuệ giác Phật đà.

(73) Chư Phật quá khứ,
những chúa thánh triết,
biết rõ thị hiếu
từ trong thâm tâm
của cả thế gian,
trong đó bao gồm
chư thiên, nhân loại
và bao loài khác,
cho nên sử dụng
phương tiện khác nhau
để giúp phát lộ
chân lý bậc nhất.

(74- Ấy là ai gặp
75) chư Phật quá khứ,
được nghe thuyết pháp
và rồi bố thí,
giữ giới, nhẫn nhục,
cùng với tinh tiến,
thiền định, trí tuệ,
làm đủ các pháp
của cả hai loại
phước đức tuệ giác,
thì những người ấy
đã thành Phật tuệ.

(76) Chư Phật quá khứ
nhập Niết bàn rồi,
ai có tâm lý
tốt đẹp mềm dịu,
thì những người ấy
đã thành Phật tuệ.

(77-78) Chư Phật quá khứ
nhập Niết bàn rồi,
những ai hiến cúng
xá lợi các ngài,
bằng cách xây dựng
vạn ức chùa tháp,
lại đem bạc, vàng,
cùng với pha lê,
xa cừ, mã não,
mai khôi, lưu ly,
trang hoàng quang đãng
trần thiết tráng lệ,
thì những người ấy
đã thành Phật tuệ.

(79-80) Ai dựng chùa tháp
bằng đá cẩm thạch,
bằng những thứ gỗ
đàn hương, trầm hương,
cùng với gỗ mật
và gỗ quý khác;
ai dựng chùa tháp
bằng gạch, đất sét;
hay nơi hoang dã
đắp nổi gò đất
tạo thành chùa tháp
chư Phật quá khứ;

(81) thậm chí trẻ con
vui đùa đắp tháp
mà tưởng tượng rằng
xây dựng tháp Phật,
tất cả người này
đã thành Phật tuệ.

(82) Ai vì chư Phật
trong thì quá khứ
mà tạo hình tượng
chạm trỗ tướng tốt,
thì những người ấy
đã thành Phật tuệ.

(83) Hoặc tạo tượng Phật
bằng bảy chất quý,
bằng các loại đồng
vàng đỏ và trắng,

(84) bằng chì, thiết, sắt,
gỗ với đất sét;
hoặc dùng các thứ
keo, sơn, vải bố,
bồi đắp tô chuốt
mà làm tượng Phật;
tất cả người này
đã thành Phật tuệ.

(85) Hoặc dùng hội họa
vẽ ra tượng Phật
đủ cả các tướng
trăm phước trang nghiêm,
tự mình vẽ ra
hay nói người vẽ,
thì những người ấy
đã thành Phật tuệ.

(86) Đến nỗi trẻ con
dùng cỏ, cây, bút,
ngón tay, móng tay,
vẽ chơi tượng Phật,

(87) thì những trẻ ấy
công đức dồn chứa,
từ bi hoàn hảo,
đã thành Phật tuệ,
và chỉ giáo hóa
chư vị Bồ tát,
cứu độ vô lượng
các loại chúng sinh.

(88) Nếu ai đối với
chùa tháp, hình tượng,
tượng ngọc, tượng vẽ
chư Phật quá khứ,
mà đem bông hoa
các loại hương liệu
tràng phan bảo cái
cung kính hiến cúng;

(89-92) nếu ai tấu nhạc,
đánh trống, thổi còi,
thổi ốc, ống tiêu,
ống sáo, đàn cầm,
đàn hầu, tỳ bà,
chiên nhỏ, bạt đồng,
đem hết âm thanh
nghe hay như vậy
hiến lên chư Phật
trong thì quá khứ;
hoăëc là hoan hỷ
ca hát, ngâm vịnh,
tán dương đức tính
chư Phật quá khứ;
và làm như vậy
dầu một tiếng nhỏ;
tất cả người này
đã thành Phật tuệ.

(93) Những ai trong lòng
tư tưởng xao lãng,
chỉ được mỗi một
bông hoa mà thôi,
và chỉ hiến cúng
tượng vẽ mà thôi,
cũng vẫn dần dần
gặp vô số Phật.

(94) Ai biết lễ bái,
hay chỉ chắp tay,
đến nỗi đưa lên
chỉ một cánh tay,
hoặc chỉ hơi khẽ
cúi đầu mình xuống,
hiến cúng tượng Phật
bằng những cách ấy
cũng đã dần dần
gặp vô lượng Phật,
tự thành tựu được
tuệ giác vô thượng,
hóa độ rộng rãi
vô số các chúng,
và rồi nhập vào
Niết bàn hoàn toàn
tựa như củi hết
thì lửa cũng tắt.

(95) Những kẻ trong lòng
tư tưởng xao lãng,
bước vào chùa tháp
chư Phật quá khứ,
chỉ nói một tiếng
con tôn kính Phật,
thì những người ấy
đã thành Phật tuệ.

(96) Ở nơi chư Phật
quá khứ như vậy,
mà lúc các ngài
đang còn ở đời
hay lúc các ngài
nhập Niết bàn rồi,
những ai nghe danh
của pháp như vầy,
thì những người ấy
đã thành Phật tuệ.

(97) Chư Phật Như Lai
trong thì vị lai
số lượng vô số,
các ngài cũng dùng
mọi cách phương tiện
tuyên thuyết về pháp.

(98) Các ngài cũng dùng
vô số phương tiện
cứu thoát chúng sinh,
dẫn vào tuệ giác
không còn sai sót
của chư Phật đà.

(99) Những người được nghe
pháp các ngài thuyết,
thì không một ai
không thành Phật đà.
Bởi vì các ngài
cũng lập thệ nguyện
nguyện đem trí Phật
mà mình hoàn thành
dìu dắt hết thảy
các loại chúng sinh
cũng được hoàn thành
trí Phật như vậy.

(100) Chư Phật vị lai
dẫu cũng sẽ nói
về các pháp môn
nhiều đến vạn ức,
kỳ thật chỉ vì
cỗ xe duy nhất.

(101) Chư Phật: các đấng
phước tuệ hoàn hảo,
thấy biết các pháp
thường không cố định,
giống Phật cũng phát
từ các yếu tố;
thấy biết như vậy
nên chư Phật đà
tuyên thuyết giáo pháp
cỗ xe duy nhất.

(102) Chính vì vốn là
bản thể an trú,
bản thể nguyên vị,
cho nên thật tướng
của chính thế gian
cũng vẫn thường trú;
tại Bồ đề tràng
các đức Đạo sư
biết rõ như vậy,
nên dùng phương tiện
tuyên thuyết giáo pháp
cỗ xe duy nhất.

(103) Chư Phật hiện tại
ở khắp mười phương,
toàn là những bậc
trời người hiến cúng,
số lượng nhiều như
cát của sông Hằng.
Chư Phật như vậy
xuất hiện thế gian,
vì muốn làm cho
chúng sinh yên vui
nên cũng tuyên thuyết
về diệu pháp này.

(104) Chư Phật như vậy
thấu triệt nguyên lý
vắng lặng bậc nhất,
và rồi áp dụng
năng lực phương tiện,
phô bày đủ hết
các loại chánh pháp;
tuy làm như vậy
mà thật chỉ vì
cỗ xe Phật đà.

(105-106) Tính nết, quan niệm,
việc làm đời trước,
thị hiếu, khuynh hướng,
nổ lực, năng lực,
các căn lanh chậm,
chư Phật biết rõ
tất cả điều này
của các chúng sinh.
Thế rồi các ngài
áp dụng đủ thứ
yếu tố, ví dụ,
cùng với lời chữ,
tùy sự nên nói
phương tiện mà nói.

(107) Ngày nay Như Lai
cũng làm như vậy.
Để làm yên vui
cho các chúng sinh,
Như Lai thiện dụng
các cách huấn dụ,
tuyên thuyết biểu thị
tuệ giác Phật đà.

(108) Với trí tuệ lực,
Như Lai nhận thức
bản tính, thị hiếu
của các chúng sinh,
phương tiện thuyết pháp
làm hoan hỷ cả.

(109) Này Xá Lợi Phất,
tôn giả nên biết,
Như Lai sử dụng
mắt Phật mà nhìn
thì thấy chúng sinh
trong cả sáu đường
đều quánghèo nàn
phước đức tuệ giác,
lạc vào đường hiểm
của chốn sống chết,
cái khổ liên tục
không hề dứt mất.

(110) Họ dính sâu xa
vào năm dục lạc,
như bò đuôi dài
tự cưng đuôi nó.
Tham lam đam mê
tự che phủ lấy,
làm họ đui mù
không thấy gì cả:
không biết tìm Phật
bậc cực hùng mạnh,
không biết cầu pháp
yếu tố dứt khổ.

(111) Họ đi sâu vào
chủ thuyết sai lầm,
sử dụng đau khổ
mong hết đau khổ.
Chính vì bao kẻ
như thế này đây,
Như Lai động lòng
thương xót lớn lao.

(112-113) Trong khi mới ngồi
nơi Bồ Đề tràng,
vừa thành tựu được
tuệ giác vô thượng,
Như Lai nhìn vào
Bồ đề đại thọ,
lại còn kinh hành
quanh đại thọ ấy,
ba tuần liên tiếp
suy nghĩ như vầy:
Tuệ giác Như Lai
đã thành tựu được
thì rất tinh túy
cao tột bậc nhất;
còn như các căn
của bao chúng sinh
thì quá chậm chạp,
lại bị cái ngu
vì ham dục lạc
làm mù tâm trí,
những kẻ như vậy
làm sao hóa độ?

(114-116) Khi ấy các vị
Phạn Vương, Đế Thích,
bốn đại Thiên Vương
hộ vệ thế gian,
Đại Tự Tại Thiên,
cùng các thiên chúng
tùy thuộc của họ
nhiều đến ngàn vạn,
cung kính chắp tay
đảnh lễ thỉnh cầu
Như Lai chuyển đẩy
bánh xe chánh pháp.
Như Lai tức thì
suy nghĩ như vầy:
Nếu chỉ tán dương
cỗ xe Phật đà,
những kẻ chìm ngập
ở trong đau khổ
không thể tin được
về pháp như vậy.
Rồi vì phá hoại
không tin vào pháp,
nên rơi vào lại
trong ba đường dữ.
Như vậy thà là
Như Lai không nói,
mà nên mau chóng
nhập vào Niết bàn.

(117) Nhưng rồi Như Lai
tức thì nhớ đến
chư Phật Như Lai
trong thì quá khứ,
nhớ đến phương tiện
các ngài thi hành,
và nghĩ như vầy:
Tuệ giác vô thượng
mà nay Như Lai
đã thực hiện được,
Như Lai cũng phải
áp dụng phương tiện
mà tuyên thuyết ra
đủ ba cỗ xe.

(118) Ngay khi Như Lai
suy nghĩ như vậy,
chư Phật mười phương
đều hiện trước mắt,
dùng tiếng Phạn thiên
khuyến khích Như Lai,
nói rằng tốt lắm
Thích Ca Thế Tôn!

(119) Ngài là vị thầy
dẫn đạo bậc nhất!
Ngài đã hoàn thành
cái pháp tối thượng,
thì nên thể theo
hết thảy chư Phật
mà cùng dùng đến
nghệ thuật phương tiện.

(120) Chư Phật chúng tôi
cũng hoàn thành được
cái pháp bậc nhất
rất tinh túy ấy,
và vì chúng sinh
các loại khác nhau
nên phải phân ra
nói ba cỗ xe.
Vì kẻ trí nhỏ
chỉ thích pháp nhỏ,
không thể tự tín
mình sẽ làm Phật.

(121) Do vậy chúng tôi
áp dụng phương tiện,
phân nói các loại
tuệ giác ba xe,
và tuy nói cả
tuệ giác ba xe,
kỳ thật chỉ dạy
các vị Bồ tát.

(122) Này Xá Lợi Phất,
tôn giả nên biết,
Như Lai nghe được
tiếng nói tuyệt diệu
trong thanh thâm thúy
của chư Như Lai –
những bậc sư tử
của các thánh triết,
tức thì hoan hỷ
và thốt lên rằng:
Tôi xin tôn kính
chư vị Phật đà!

(123) Như Lai lại nghĩ:
Như Lai xuất hiện
nhằm vào thời kỳ
dữ dội vẩn đục,
thì như lời lẽ
của chư Phật nói,
Như Lai cũng phải
thể theo mà làm.

(124) Như Lai nghĩ rồi
liền đến Lộc Uyển.
Thật tướng các pháp
vốn rất vắng lặng,
không thể diễn tả
bằng những lời chữ,
nhưng mà Như Lai
áp dụng phương tiện
nói pháp ấy ra
cho năm Tỷ kheo.

(125) Như vậy gọi là
quay bánh xe pháp,
thế gian liền có
danh hiệu Niết bàn,
lại còn có cả
danh hiệu La Hán,
có pháp có Tăng
danh hiệu khác biệt.

(126) Từ đó đến nay
Như Lai ca tụng
Niết bàn hết hẳn
cái khổ sống chết.
Như Lai thường xuyên
đã nói như vậy.

(127) Nhưng Xá Lợi Phất,
tôn giả nên biết,
Như Lai lại thấy
có những con Phật
quyết chí cầu được
tuệ giác Phật đà.
Số ấy nhiều đến
vô lượng vạn ức.

(128) Ai cũng cung kính
đến chỗ Như Lai,
vì các đời trước
họ đã từng nghe
pháp mà chư Phật
phương tiện tuyên thuyết.

(129) Như Lai lúc ấy
suy nghĩ như vầy:
Sở dĩ Như Lai
xuất hiện thế gian
là để tuyên thuyết
tuệ giác Phật đà,
thì nay chính là
thì gian tuyên thuyết.

(130) Này Xá Lợi Phất,
tôn giả nên biết,
những kẻ trí nhỏ,
các căn chậm chạp,
chấp trước hình thức,
kiêu căng ngạo mạn,
thì không thể nào
tin được pháp này.
Nhưng mà pháp này
Bồ tát sẽ nghe.

(131) Thế nên ngày nay
Như Lai cảm thấy
hoan hỷ hết sức,
chứ không e ngại.
Ngay giữa đại chúng
chư vị Bồ tát,
Như Lai thẳng thắn
loại bỏ phương tiện,
chỉ còn nói đến
tuệ giác vô thượng.

(132) Chư vị Bồ tát
nghe được pháp này
thì lưới ngờ vực
thoát bỏ được cả,
mà ngàn hai trăm
chư vị La hán
ai nấy cũng sẽ
được làm Phật đà.

(133-134) Cho nên y như
thể thức thuyết pháp
của chư Phật đà
trong ba thì gian,
ngày nay Như Lai
cũng làm như vậy:
Tuyên thuyết về pháp
không có khác nhau.

(135) Chư Phật xuất thế
là sự khó có,
vì lẽ lâu xa
mới gặp một lần.
Mà dẫu chư Phật
đã xuất thế rồi,
nói về pháp này
là sự khó có.
Vô số thời kỳ
mới nghe pháp này,
nên sự nghe ấy
là sự khó có.
Và rồi những ai
nghe nổi pháp này,
thì người như vậy
là người khó có.

(136) Như hoa Ưu đàm
ai cũng ưa thích,
đến như chư thiên
cũng thấy hiếm có,
vì lẽ thỉnh thoảng
mới trổ một lần.

(137) Những người nghe nổi
pháp như thế này,
nghe rồi hoan hỷ
ca tụng tán dương,
thì dẫu đến nỗi
chỉ pháp một lời,
cũng đã hiến cúng
tam thế chư Phật.
Nên người như vậy
hết sức khó có,
khó có hơn cả
hoa thiêng Ưu đàm.

(138) Tất cả các chúng
các người đừng nghi!
Như Lai là bậc
vua của các pháp,
phổ cáo các người
biết rằng Như Lai
chỉ đem giáo pháp
cỗ xe duy nhất
mà giáo hóa cho
chư vị Bồ tát.
Như Lai không có
đệ tử Thanh văn.

(139) Này Xá Lợi Phất,
tất cả các người,
bất luận Thanh văn
hay là Bồ tát,
đều phải biết rằng
pháp tinh túy này
chính là bí yếu
của chư Phật đà.

(140) Thời kỳ dữ dội
đầy năm vẩn đục,
con người chỉ thích
đắm say dục lạc,
không bao giờ muốn
cầu tuệ giác Phật.

(141) Nên những kẻ ác
trong tương lai ấy
dẫu được nghe đến
cỗ xe duy nhất
của Như Lai nói,
cũng ngu và lầm,
không thể tin tưởng,
không chịu tiếp nhận
phá hoại pháp ấy
và sa đường dữ.

(142) Chỉ có những ai
hổ thẹn, trong sạch,
quyết chí tìm đến
tuệ giác Phật đà,
thì cần phải vì
những người như vậy
tán dương rộng rãi
cỗ xe duy nhất.

(143) Này Xá Lợi Phất,
chư vị phải biết,
nguyên tắc chư Phật
là như thế đó:
Vận dụng phương tiện
tùy nghi thuyết pháp.
Ai không tu học
không thể hiểu thấu.

(144) Đến như chư vị
khi đã biết được
sự thể tùy nghi
phương tiện thuyết pháp
của chư Phật đà,
bậc thầy thế gian,
thì đừng còn nữa
những sự nghi hoặc.
Tất cả chư vị
hãy vui mừng lên,
khi tự biết chắc
mình sẽ làm Phật.


Kết thúc tụng kinh Pháp Hoa, chúng con xin hồi hướng:
Vạn ức thời kỳ
không thể nói được
mới được có lúc
Phật nói Pháp Hoa.
Vạn ức thời kỳ
không thể nói được
mới được có lúc
nghe nói Pháp Hoa.
Chúng con nương nhờ
Phật Pháp Tăng lực
mới được trì tụng
Diệu Pháp Liên Hoa.
Chúng con nguyện đem
công đức như vầy
hiến khắp tất cả
các loại chúng sinh,
cầu cho chúng con
cùng với chúng sinh
đều được thành tựu
tuệ giác chư Phật.

Kính lạy kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại, bản kinh dạy cho Bồ tát và được chư Phật giữ gìn. Kính lạy tất cả Pháp bảo trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy đức Thích Ca Mâu Ni, đức Phật giáo chủ bổn sư, đã tuyên thuyết kinh Pháp Hoa. Kính lạy đức Đa Bảo, đức Phật đã làm chứng cho kinh Pháp Hoa toàn là chân thật. Kính lạy đức Di Lạc, đức Phật đương lai đã phát khởi kinh Pháp Hoa và tiếp dẫn những người hành trì Pháp Hoa vãng sinh Đâu Suất tịnh độ. Kính lạy tất cả Phật bảo trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.

Kính lạy Bồ tát Văn Thù, vị pháp sư Pháp Hoa. Kính lạy Bồ tát Phổ Hiền, vị khuyến phát Pháp Hoa. Kính lạy Bồ tát Quán Âm, vị đại sĩ toàn diện. Kính lạy tất cả Tăng bảo là các vị Bồ tát, các vị Duyên giác và các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa, trong quốc độ này và trong mười phương quốc độ.


 

Lược Dẫn & Cuốn 1 | Cuốn 2 | Cuốn 3 | Cuốn 4 | Cuốn 5 | Cuốn 6 | Cuốn 7 | Phẩm Phổ Hiền | Kinh Pháp Hoa Toát Yếu |

THÂU ÂM KINH PHẬT (audio)

Pháp Ảnh Lục là bộ  kinh sách do Trưởng lão Thích Trí Quang  dịch từ Hán văn. Nay trong lòng muốn ghi âm nên từ từ đọc và thâu. Không dám nghĩ xa, đơn giản từng trang kinh một. 

Thâu âm như vậy để mang theo bên mình. Bất cứ ở đâu lúc nào, được chút ít thời gian là có thể lắng tâm đọc theo lời Phật.

Xin chia sẻ
10/2019
Đệ tử tại gia Hồng Như

[/expand]

Di Huấn của Trưởng Lão Thích Trí Quang

8/11/2019: Ôn Trí Quang vừa mới thị tịnh, để lại di huấn như sau:

1 - Sau giờ chết rồi độ 6 giờ là liệm.
2 - Liệm rồi các Pháp tử lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang.
3- Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám, phúng điếu.
4- Chuyển đến lò thiêu; thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất, trăm ngày, tiểu tường và đại tường.
5- Mỗi lễ chỉ tụng một trong các kinh: Địa Tạng, Kim Cương, Bồ Tát Giới, Pháp Hoa, và Thủy Sám.
6- Mỗi lễ đều không thông báo và mời ai dự cả.

Xin từ từ thâu các bộ kinh Địa Tạng, Kim Cương, Bồ Tát Giới, Pháp Hoa, và Thủy Sám trong di huấn.

Với lòng biết ơn vô cùng vô tận.
Đệ tử tại gia Hồng Như

1. KINH KIM CƯƠNG: ĐÃ CÓ

KINH KIM CƯƠNG – [Diamond Cutter Sutra]

🖹 Văn Bản (text) http://www.hongnhu.org/kinh-kim-cuong

Phần 1 – CHÁNH VĂN

Phần 2 – DẪN NHẬP


Phần 3 – LƯỢC GIẢI:

Không thâu âm, xin đọc văn bản

2. Kinh Pháp Hoa: đang thâu

3. Kinh Địa Tạng: thâu rồi, sẽ up

4. KINH THỦY SÁM: ĐÃ CÓ

KINH THỦY SÁM

🖹 Văn Bản (text) http://www.hongnhu.org/kinh-thuy-sam

5. PHẨM PHỔ HIỀN, trích Kinh Hoa Nghiêm: ĐÃ CÓ

PHẨM PHỔ HIỀN, KINH HOA NGHIÊM
[Samantabhadra King of Prayers]

🖹 Văn Bản (text):  http://www.hongnhu.org/pham-pho-hien-kinh-hoa-nghiem/

6. KINH SÁM DƯỢC SƯ: ĐÃ CÓ

KINH SÁM DƯỢC SƯ
[Medicine Buddha Sutra and Confessions]

đọc không hay, để thâu lại.


🖹Văn Bản (text)  http://www.hongnhu.org/duoc-su-kinh-sam/

7. KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM: ĐÃ CÓ

KINH ÁNH SÁNG HOÀNG KIM – [Golden Light Sutra]

🖹 Văn bản: <WEB – Trì Tụng, mỗi ngày một ít >

Nghe trọn bộ 8h

 

 


 

Chân Dung Trưởng Lão HT Thích Trí Quang

DƯỢC SƯ KINH SÁM – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

Dược sư kinh sám

Trưởng lão Trí Quang dịch

Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

Tiểu dẫn

  1. Hiệu quả của kinh sám Dược sư là do tín tâm. Nhưng tin được là nhờ uy thần của Phật. Huống chi mọi hiệu quả đều “do năng lực phước đức và uy thần” của đức Dược sư. Kinh này không khinh thị đồ ăn, đồ mặc, đồ dùng, nhà cửa, bà con, bạn bè. Sống lâu, giàu có, quan chức và con cái, kinh này trọng thị. Nói tóm, kinh này quí sự sống và phương tiện để sống, cho cá nhân và cả tập thể. Không những như thế, kinh này còn cho sự sống và phương tiện để sống là công cụ đạt đến tuệ giác bồ đề tức làm Phật. Ðừng nói rằng đó là trước câu bằng dục lạc, sau hóa bằng chánh pháp (tiên dĩ dục câu hậu dĩ pháp trị). Dược sư nghĩa là thầy thuốc chữa bệnh, rất hiểu cái khổ của bịnh, lại càng rất quí thuốc chữa bịnh. Mà bịnh với thuốc đều có ý nghĩa vừa thực vừa rộng. Thiền tông có công án tôi nhớ như sau. Một hôm Văn thù đại sĩ bảo Thiện tài đồng tử, hãy coi cái gì là thuốc thì lấy đưa đây. Ðồng tử nhìn khắp vũ trụ, thưa, không có cái gì là thuốc cả. Ðại sĩ lại bảo, vậy cái gì không phải thuốc thì lấy đưa đây. Ðồng tử lại nhìn khắp vũ trụ, thưa, không có cái gì là không phải thuốc. Thuốc hay không phải thuốc, hiệu quả Dược sư có hay không có, căn bản là có hay không có “phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại, nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc… “
  2. Sám Dược sư, quan trọng ở chỗ cho ta thấy tội lỗi và quả báo của tội lỗi đều không thật. Không thật mới hy vọng sám hối và sám hối được. Trong Phật giáo nguyên thỉ, câu chuyện A xà thế vương và Ương quật ma la chứng minh cái lẽ ấy(1). Nhưng vẫn chưa nói rõ tội tánh bản không. Phật giáo đại thừa nói rõ như vậy. Sám văn Dược sư càng nói rõ như vậy.
  3. “Xá lợi phất, ông nên biết ta đã ở trong giai đoạn dữ dội đầy cả 5 thứ dơ bẩn mà làm việc khó làm, ấy là thực hiện tuệ giác vô thượng, lại vì toàn thể thế gian nói cái pháp khó tin này (pháp môn tịnh độ Cực lạc) thì đó là việc rất khó”. Hoặc “công đức đức Dược sư là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của Phật, tiếp nhận được là do uy lực Như lai”(2). Chỉ khi nào thấm thía những lời dạy như vậy của Phật, hơn là những biện lý chứng minh, mới thấy thích thú kinh và sám Dược sư.
  4. (a) Sách này mang tên “kinh sám Dược sư” là vì có cả kinh và sám Dược sư. (b) Tài liệu chính, dùng để đối chiếu, là kinh Dược sư của Ðại tạng (Chính 14/404-408) và sám Dược sư của Tục tạng (Vạn 129/55b-62a). (c) Nghi thức khai kinh và hoàn kinh là do tôi châm chước trích soạn. (d) Sự dịch nghĩa của tôi, những chữ dịch âm Phạn tự, phần nhiều dùng chữ thông thường, như Bí sô thì dùng Tỷ kheo, Dược xoa thì dùng Dạ xoa, vân vân.
  5. Sau đây là bảng viết tắt : 1. Ðại tạng kinh bản Ðại chính, thì thí dụ Chính 14/401, là đại tạng ấy, tập 14, trang 401 ; 2. Tục tạng kinh bản chữ Vạn, thì thí dụ Vạn 129/55a, là tục tạng ấy, tập 129, tờ 55 mặt trước ; 3. Thái hư đại sư toàn thư (tập 28), thì thí dụ TH 28/2241, là toàn thư ấy, tập 28, trang 2241 ; Phật học đại từ điển của Ðinh Phúc Bảo, thì thí dụ Pđ 123t, là đại từ điển ấy, trang 123, phần trên. Ngoài những tài liệu và ký hiệu này, phần lược giải kinh Dược sư sẽ kê tài liệu riêng.
  6. Khác với bản in cũ, bản chữa và in này không còn để phần Hoa văn và phần dịch âm của kinh và sám Dược sư. Bản chữa và in này là định bản.
Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư
của Ngọc lâm quốc sư

Tôi từ lúc bái biệt công ơn cha mẹ, đoạn tuyệt bụi bặm phiền não, thì không rảnh để coi đọc gì hết. Nhưng tình cờ coi vào Ðại tạng kinh, đọc kinh Dược sư như lai bản nguyện công đức, thì bất giác tay nâng ngang trán, thất thanh mà cầu nguyện mọi người cùng nhập vào biển cả đại nguyện của Như lai. Có kẻ hỏi tại sao đối với kinh ấy tôi kinh động tán thán đến như vậy, tôi trả lời, thấy thế nhân vì cảnh ngộ thuận tiện mà đắm chìm không ít. Nên giàu với sang đáng sợ hơn là nghèo và hèn. Nay, Dược sư như lai làm cho người ta sở cầu như nguyện, để rồi từ đó mà vĩnh viễn không còn lùi mất đạo tâm, thẳng tới bồ đề. Vậy, đối với hàng vương thần, trưởng giả, và hết thảy mọi người, muốn làm cái hạnh đồng sự trong 4 nhiếp pháp mà không dùng thuyền tàu đại nguyện của Dược sư như lai, thì làm sao đạt đến cho được.

Ðại phàm tu trì, phải tự lượng lấy mình, tự lượng lấy pháp, rồi thẳng một đường mà nghĩ, thẳng một đường mà làm. Thật chán sợ ba cõi, quyết chí vãng sanh, thì hãy chuyên tâm y theo kinh Di đà mà thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục, tức là chấp trì danh hiệu, nhất tâm bất loạn, thì quyết định vãng sanh. Ðó là việc làm của người tự lợi trước để sau lợi tha. Còn hiện tiền phú quí công danh toàn chưa quên nghĩ, dục vọng gái trai ăn uống cũng chưa biết chán, thì với pháp môn vãng sanh Cực lạc chưa dễ thâm tín. Có tin đi nữa thì thân tu tịnh độ mà tâm luyến Sa bà, phỏng có ích gì.

Như vậy, muốn cầu cái pháp môn không rời lưỡi câu dục lạc mà vẫn thành tựu tuệ giác Phật đà, ở trong cảnh thuận tiện mà không đến nỗi chìm đắm, thì cố nhiên không có chi hơn tu trì theo sự đặc biệt, siêu đẳng, và khó nghĩ bàn cho thấu, của đại nguyện Dược sư như lai. Nếu tin và làm được, mãi hoài mà không nhác, thì sẽ thấy chẳng những phú quí công danh, chuyển gái thành trai, thoát ly nguy khốn, đạt đến tốt lành, tất cả đều như được ngọc như ý, tùy ý thành tựu, mà còn được điều này : là chính nơi cái chỗ thành tựu mọi sự đó mà thẳng tới bồ đề, không còn thoái chuyển. Như vậy còn sự may mắn nào sánh bằng.

Nhân gian cũng có hạc Dương châu, chỉ cần đi bằng thuyền công đức của Như lai là kiếm được.  

Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

Kinh Dược  sư

 Khai  kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả ;
chính trong hương thơm
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần).

(Chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà, sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám (7 lần).

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
trì tụng kinh Dược sư,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật  (3 lần)

(Kệ khai kinh)
Phật pháp tuyệt diệu,
cực kỳ cao xa,
trăm ngàn vạn kiếp,
khó mà gặp được ;
nay con thấy nghe,
lại được thọ trì,
nguyện cầu thấu hiểu,
ý thật của Phật.
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát (3 lần)

kinh
Bản nguyện công đức của đức
Dược sư lưu ly quang như lai

Thời đại nhà Ðường, Tam tạng
pháp sư Huyền tráng dịch

Tôi nghe như vầy.
Một thời, đức Thế tôn du hóa các nước, đến thành Quảng nghiêm, dừng ở dưới cây Tiếng nhạc. Tám ngàn vị đại tỷ kheo, ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát, và các quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, tám bộ thiên long, loài người và loài không phải người, đại chúng vô lượng như vậy, cung kính vây quanh đức Thế tôn để được Ngài thuyết pháp cho.

Lúc ấy, Mạn thù pháp vương tử vâng theo uy thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên trái, gối bên phải quì xuống sát đất hướng về đức Phật, cong mình, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, con xin ngài nói về tướng loại như thế này, đó là danh hiệu, bản nguyện vĩ đại và công đức thù thắng của chư Phật, làm cho người nghe tiêu trừ những sự chướng ngại do nghiệp lực tạo ra. Là vì con muốn lợi lạc cho mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện. Ðức Thế tôn tán dương Mạn thù đồng tử, lành thay Mạn thù, lành thay, ông đem lòng thương rộng lớn thỉnh cầu Như lai nói về danh hiệu, bản nguyện và công đức của chư Phật để cứu vớt những kẻ bị nghiệp chướng buộc thắt, lợi lạc mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự. Ông hãy nghe kỹ, suy nghĩ rất khéo, Như lai sẽ nói cho. Mạn thù bạch Phật, dạ, xin Phật chỉ dạy, chúng con thích thú mà nghe.

Phật dạy Mạn thù, phía đông, cách thế giới hệ này bởi những thế giới hệ bằng số cát hơn mười sông Hằng, có một thế giới hệ tên Tịnh lưu ly. Ðức Phật ở đó danh hiệu là Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

Mạn thù, đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, xưa kia, khi làm hạnh bồ tát, đã phát ra mười hai đại nguyện, cốt làm cho mọi người thực hiện mọi sự mong ước.

Ðại nguyện thứ nhất, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì bản thân ánh sáng rực rỡ, chiếu soi vô số thế giới hệ. Thân ấy lại được trang hoàng bằng bâm hai tướng tốt của bậc đại trượng phu, và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.

Ðại nguyện thứ hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì thân như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẩn đục, ánh sáng to lớn và chiếu tỏa xa rộng. Công đức đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ, dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.

Ðại nguyện thứ ba, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn.

Ðại nguyện thứ tư, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo giác ngộ, những người tu theo thanh văn duyên giác đều được xây dựng bằng pháp đại thừa.

Ðại nguyện thứ năm, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạn hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.

Ðại nguyện thứ sáu, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù, phung lác, điên cuồng, đủ thứ bịnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ.

Ðại nguyện thứ bảy, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô  thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy đủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

 Ðại nguyện thứ tám, nguyện con sau này, khi dược tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy, thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ chín, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì làm cho mọi người thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cổi mở thắt buộc của ngoại đạo. Sa vào rừng rậm ác kiến thì sẽ được dẫn ra, đem đặt vào chánh kiến, và dần dần làm cho họ thực tập các hạnh bồ tát, để thực hiện một cách mau chóng tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô  thượng, thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cọng với vô lượng tai nạn khổ nhục và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.

Ðại nguyện mười một, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác nghiệp, nhưng nghe dược danh hiệu của con, nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây dựng cho họ.

Ðại nguyện mười hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những thứ y phục tuyệt diệu, lại được những đồ trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng, hương hoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích, con làm cho đầy đủ tất cả.

Mạn thù, đó là mười hai đại nguyện tối thượng, nhiệm mầu, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát.

Mạn thù, những đại nguyện tối thượng của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát, và những công đức trang nghiêm của thế giới hệ đức Phật ấy, Như lai diễn tả trong một đại kiếp, hay hơn một đại kiếp, cũng không thể cùng tận. Thế giới hệ của đức Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không có nữ nhân, không có ác đạo không có cả đến cái tiếng thống khổ. Ðất làm bằng ngọc lưu ly. Ðường ngăn bằng giây vàng. Thành, cửa thành, cung điện, lầu gác, mái hiên, cửa sổ, lưới giăng, toàn bằng bảy thứ quí báu. Y như thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, công đức trang nghiêm không khác gì cả. Thế giới hệ ấy có hai vị đại bồ tát, thứ nhất danh hiệu Nhật quang biến chiếu, thứ hai danh hiệu Nguyệt quang biến chiếu. Ðó là hai vị đứng đầu chúng bồ tát nhiều vô số lượng của thế giới hệ ấy, thứ lớp kế vị thành Phật, và cùng có khả năng nắm giữ kho tàng ngọc báu chánh pháp của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Thế nên, Mạn thù, những thiện nam hay thiện nữ có đức tin hãy nguyện sanh thế giới hệ của đức Phật ấy.

Lúc ấy, đức Thế tôn lại bảo Mạn thù đồng tử, Mạn thù, có những kẻ không nhận thức cái lẽ thiện ác, chỉ giữ thói tham lẫn mà không biết bố thí và phước báo bố thí. Ngu muội, không có trí tuệ, thiếu cả đức tin. Dồn chứa tài sản vàng ngọc cho nhiều, nỗ lực mà giữ. Thấy người xin đến, lòng họ không vui. Giả sử bất đắc dĩ mà bố thí, thì lúc đó đau tiếc sâu xa như cắt thịt mình. Lại còn lắm kẻ tham lẫn, dồn chứa tài sản mà đối với bản thân của họ, họ còn không hưởng dụng, huống chi có thể đem cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm hay kẻ đến xin. Những kẻ ấy, sinh mạng kết thúc ở đây thì sanh trong thế giới quỉ đói hay súc vật. Nhưng xưa kia, khi ở trong loài người, từng được thoáng nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, nên ngày nay, dầu ở trong ác đạo, vẫn thoáng nhớ danh hiệu của đức Như lai ấy, và ngay khi nhớ thì chết ở ác đạo mà sanh lại loài người, được sự nhớ đời trước nên sợ nỗi khổ ác đạo mà không ham dục lạc, thích bố thí và ca tụng người bố thí. Có gì cũng không tiếc. Dần dần tiếp theo, đầu mắt, tay chân, máu thịt và những bộ phận khác của cơ thể, còn có thể đem cho người đến xin, huống chi những thứ tiền tài sản vật khác.

Mạn thù, có kẻ dầu thọ giới pháp với Như lai mà lại phá giới pháp ấy. Có kẻ không phá giới pháp mà phá qui tắc. Có kẻ đối với giới pháp và qui tắc tuy được sự không phá hoại, nhưng lại phá hoại chánh kiến. Có kẻ không phá hoại chánh kiến mà bỏ phế đa văn, nên đối với nghĩa lý sâu xa của kinh Phật nói không thể lý giải. Có kẻ tuy đa văn mà thượng mạn : vì thượng mạn úp che tâm trí nên cho mình phải, bảo người trái, ghét chê cả chánh pháp, làm bè đảng với ma. Những kẻ ngu si như vậy tự mình đã làm theo tà kiến, lại làm cho vô số người khác rơi xuống hố lớn nguy hiểm. Những kẻ ấy đáng lý trôi lăn vô cùng trong địa ngục, súc sanh và loài quỉ. Nhưng nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, thì bỏ ngay tánh ác, tu các pháp lành, và sẽ không sa vào các ác đạo. Giả sử có kẻ vẫn không thể bỏ ngay tánh ác, tu các pháp lành, và phải sa vào các ác đạo đi nữa, thì nhờ uy lực đại nguyện của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà làm cho họ thoáng nghe được danh hiệu của ngài, sinh mạng kết thúc ở ác đạo, sanh lại trong loài người, được chánh kiến, tinh tiến, và ý thích khéo thuần hóa, nên thoát ly gia đình, đi đến phi gia đình, ở trong pháp Như lai mà thọ giới, giữ giới, không có phạm giới mà lại chánh kiến, đa văn, lý giải nghĩa lý cực kỳ sâu xa mà lại viễn ly thượng mạn, không chê chánh pháp, không làm bạn ma, dần dần tu hành các hạnh bồ tát và đầy đủ một cách mau chóng.

Mạn thù, có những kẻ tham lẫn ganh ghét, tán tụng bản thân, công kích kẻ khác, nên sẽ sa vào ba ác đạo, nhiều lần ngàn năm chịu mọi sự khổ sở khốc liệt. Chịu khổ sở khốc liệt rồi, sinh mạng kết thúc ở đó mà đến sanh trong loài người, thì làm trâu bò, lừa ngựa, lạc đà, thường bị đánh đập, đói khát hành hạ, lại luôn luôn mang nặng, chở nhiều, và đi theo đường phải đi, hoặc được làm người thì sinh nơi hèn hạ, làm tôi tớ người, bị người sai sử, thường mất tự do. Nhưng nếu xưa kia, khi còn làm người, từng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì do nhân lành ấy mà nay nhớ lại, chí tâm qui y, nhờ thần lực của Ngài mà thoát hết khổ sở, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ đa văn, thường cầu thắng pháp, thường gặp thiện hữu, đứt hẳn lưới ma, đập vỏ vô minh, khô sông phiền não, giải thoát hết thảy sinh lão bịnh tử, lo buồn khổ não.

Mạn thù, có những kẻ tính thích chống đối, ly gián, đấu tranh, kiện tụng, gây bực tức và rối loạn cho bản thân và kẻ khác. Ðem cả thân thể, lời nói và ý nghĩ mà tạo ra và thêm lớn đủ thứ ác nghiệp. Gây mãi cho nhau những sự bất lợi để mưu hại lẫn nhau. Cáo triệu những vị thần rừng núi, cây cối, mồ mả ; giết sinh vật lấy máu huyết mà cúng tế dạ xoa, la sát ; viết tên người mình oán, làm hình và ảnh của người ấy, đem chú thuật tàn ác mà thư ;  ếm phù chú, dùng thuốc độc, chú quỉ khởi thi – dùng mọi cách này mà làm đứt sinh mạng người ấy, làm chết thân họ. Người ấy nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai thì mọi việc dữ trên không cách nào hại được. Lại cùng kẻ kia, tất cả đôi bên đều nổi dậy từ tâm đối với nhau, làm lợi ích an lạc mà không còn ý thức thương tổn hay tâm lý ghét giận. Ðôi bên cùng vui đẹp. Ðối với những thứ mình hưởng thụ, ai cũng thích vừa đủ thì thôi, không muốn lấn nhau, chỉ làm ích lợi cho nhau.

Mạn thù, trong bốn chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những thiện nam thiện nữ khác có đức tin thuần tịnh, nếu ai có khả năng thọ trì Bát quan trai giới, bằng cách hoặc cả năm hoặc ba tháng, thọ trì giới ấy. Rồi đem thiện căn này nguyện sanh thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, chỗ A di đà phật, để được nghe chánh pháp của ngài, nhưng chưa quyết định. Nếu nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì đến khi sinh mạng  kết thúc, có tám vị đại bồ tát, danh hiệu Văn thù sư lợi bồ tát, Quan thế âm bồ tát, Ðắc đại thế bồ tát, Vô tận ý bồ tát, Bảo đàn hoa bồ tát, Dược vương bồ tát, Dược thượng bồ tát và Di lạc bồ tát, tám vị đại bồ tát này lướt không gian mà đến, chỉ đường cho người ấy. Tức thì người ấy tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bằng các thứ ngọc, và đủ mọi màu sắc xen lẫn với nhau, của thế giới hệ Cực lạc. Cũng có người nhờ sự ấy mà sanh lên cõi trời. Tuy sanh lên cõi trời, nhưng thiện căn xưa cũng chưa cùng tận, và không còn sanh lại tại các ác đạo. Mà sự sống lâu trên cõi trời chấm hết thì sanh lại trong nhân gian. Bằng cách hoặc sanh làm luân vương, thống nhiếp cả bốn đại châu, uy đức tự tại, xây dựng vô lượng trăm ngàn chúng sanh vào mười thiện nghiệp. Hoặc sanh vào dòng sát đế lợi, bà la môn, cư sĩ, đại gia, nhiều tiền tài, lắm vàng ngọc, kho bồ tràn đầy, thân hình và tướng mạo đều đẹp đẽ trang nghiêm, bà con và bạn bè cùng đầy đủ, trí tuệ thông minh, sức lực mạnh mẽ như đại lực sĩ. Nếu là phụ nữ mà được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, nhất tâm thọ trì thì về sau không còn chịu lại thân thể phụ nữ.

(3)Mạn thù, khi đức Dược sư lưu ly quang như lai thành tựu tuệ giác vô thượng bồ đề, thì do năng lực đại nguyện xưa mà quán sát chúng sanh bị mọi bịnh khổ, như những bịnh gầy ốm, co quắp, tiêu khô, vàng nóng, hoặc bị trúng bùa ếm, thuốc độc, hoặc chết non, chết ngang trái. Muốn làm cho họ tiêu trừ những bịnh khổ ấy, sở cầu mãn nguyện, nên bấy giờ đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai nhập định danh hiệu Diệt trừ mọi khổ não của chúng sanh. Nhập định ấy rồi, từ trong nhục kế phóng ra ánh sáng lớn. Trong ánh sáng này diễn ra đà la ni vĩ đại sau đây : Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. Khi trong ánh sáng diễn ra đà la ni vĩ đại ấy rồi, đại địa chấn động, phóng ánh sáng lớn, hết thảy chúng sanh bịnh khổ tiêu trừ, hưởng được cái vui yên ổn. Mạn thù, nếu thấy nam tử hay nữ nhân, ai bị bịnh khổ, thì nên nhất tâm vì bịnh nhân ấy mà luôn luôn tinh khiết, tắm rửa, súc miệng, rồi đem thực phẩm, dược phẩm, hay nước không có trùng, trì chú này một trăm lẻ tám biến, cho họ uống, ăn, thì bịnh khổ họ có tiêu tan tất cả. Nếu có cầu gì, chí tâm tụng niệm thì cũng được như vậy, lại không bịnh, thêm tuổi, và sau khi sinh mạng kết thúc thì sanh thế giới hệ của đức Dược sư lưu ly quang như lai, được sự không còn thoái chuyển cho đến tuệ giác bồ đề. Vì vậy Mạn thù, nếu có nam tử nữ nhân nào đối với đức Dược sư lưu ly quang như lai mà chí tâm, tha thiết, cung kính, cúng dường, thì hãy thường trì chú này, đừng để bỏ phế, quên mất.

Mạn thù, nếu nam tử hay nữ nhân có đức tin thuần tịnh, được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến  tri, nghe rồi trì niệm. Sáng sớm đánh răng, tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, đem các thứ hương hoa, trong đó có hương đốt, hương xoa, và diễn tấu kỹ nhạc mà cúng dường hình tượng của ngài. Ðối với kinh này, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, nhất tâm thọ trì, nghe học nghĩa lý. Ðối với pháp sư giảng giải kinh này, cũng nên cúng dường, mọi đồ giúp sống thân thể mà mình có, hãy cúng dường đầy đủ, đừng để vị ấy thiếu thốn. Như vậy thì được chư Phật hộ niệm, sở cầu mãn nguyện, cho đến thực hiện tuệ giác bồ đề(4).

Lúc ấy Mạn thù đồng tử bạch Phật, bạch đức Thế tôn, con nguyện khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất  hiện, thì dùng mọi cách làm cho những thiện nam hay thiện nữ có đức tin thuần tịnh được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Cho đến trong lúc ngủ, con cũng đem danh hiệu Ngài thức tỉnh thính giác của họ. Bạch đức Thế tôn, đối với kinh này thì thọ trì đọc tụng hay tuyên thuyết khai thị cho người, tự chép hay bảo người chép, cung kính tôn trọng, đem hiến cúng những thứ hương hoa, hương xoa, hương vụn, hương đất, vòng hoa, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái, và kỹ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc. Lấy tơ lụa có năm màu sắc làm bao mà đựng. Quét rưới chỗ thanh tịnh, trần thiết dá cao mà để. Thì khi ấy bốn đại thiên vương, cùng tùy thuộc của họ, và vô số trăm ngàn thiên chúng, đều đến chỗ đó mà cúng dường, hộ vệ. Bạch đức Thế tôn, những chỗ kinh bảo này lưu hành, có ai thọ trì được, thì vì bản nguyện, công đức, và danh hiệu được nghe, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, mà nên biết người ấy không còn chết ngang trái, không còn bị những quỉ thần ác đoạt mất tinh chất. Ðã bị đoạt thì được lại như cũ, thân tâm an  lạc. 

Phật dạy, Mạn thù, đúng như vậy, đúng như ông nói. Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, muốn cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì trước hết, hãy tạo lập hình tượng của Ngài, trần thiết tòa thanh tịnh mà đặt để. Rải các thứ hoa, đốt các thứ hương, đem các thứ tràng phan mà trang hoàng chỗ ấy. Bảy ngày đêm thọ Bát quan trai giới, ăn đồ ăn thanh tịnh. Tắm gội cho sạch và thơm, mặc y phục sạch sẽ. Nên phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại. Nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc, từ bi hỷ xả và bình đẳng. Rồi tấu nhạc và ca tụng, nhiễu quanh tượng phật Dược sư lưu ly quang như lai theo chiều hướng bên phải. Lại nên tưởng niệm bản nguyện và công đức của đức Như lai ấy, đọc tụng kinh này, tư duy nghĩa ý và diễn giảng khai thị. Như vậy thì mọi sở cầu đều toại ý : cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con trai dược con trai, cầu con gái được con gái. Nếu ai bỗng nhiên bị ác mộng, thấy đủ cảnh tượng khủng khiếp, hoặc bị những giống chim quái dị đến tập hợp lại, hoặc chỗ ở có cả trăm sự quái dị xuất hiện, kẻ ấy nếu đem những đồ tuyệt diệu cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì những ác mộng và những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không cát tường, ẩn mất tất cả, không thể tác hại. Nếu ai bị những sự hãi sợ như thủy tai, hỏa hoạn, khí giới, độc chất, chơi vơi giữa chừng, sa xuống chỗ hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu, bi, rắn độc, bò cạp, rít, sâu, muỗi, nhặng, mà chí tâm tưởng niệm được đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì mọi sự hãi sợ đều thoát được cả. Nếu ai bị nước khác xâm lăng, quấy nhiễu, nội bộ trộm cướp, phản loạn, tưởng niệm cung kính đức Như lai ấy cũng thoát hết thảy. 

Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, cho đến hết đời, không thờ vị trời nào khác chỉ nhất tâm qui y Phật Pháp Tăng, thọ trì giới pháp, như năm giới, mười giới, bốn trăm giới của bồ tát, hai trăm năm mươi giới của tỷ kheo, năm trăm giới của tỷ kheo ni. Nhưng đối với giới pháp của họ thọ trì, hoặc có kẻ phá phạm nên sợ đọa lạc ác đạo. Nếu biết chuyên tâm trì niệm danh hiệu đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì quyết chắc không phải lãnh chịu đời sống trong ba ác đạo.

Nếu có nữ nhân nào, lúc gần sinh sản, chịu đựng đau đớn cùng cực, mà biết chí tâm trì niệm danh hiệu, lễ bái, ca tụng, cung kính, cúng dường đức Như lai ấy, thì mọi nỗi đau đớn tan biến tất cả. Ðứa con sinh ra, mọi bộ phận của thân hình đều hoàn bị, sắc tướng của thân hình ấy đẹp và nghiêm, ai thấy cũng hoan hỷ, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ thông minh, yên ổn, ít bịnh, không có một kẻ không phải người đoạt mất tinh chất của đứa con ấy.

Lúc ấy đức Thế tôn bảo tôn giả A nan, công đức mà đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai có mà Như lai đã ca tụng, là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó mà lý giải, ông tin được không ? Tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, đối với khế kinh Ngài dạy, con không sinh tâm nghi ngờ. Tại sao, vì thân thể, lời nói và ý nghĩ của các đức Như lai, không động tác nào mà không thanh tịnh. Bạch đức Thế tôn, vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng, và Tu di, hòn núi chúa tể trong các hòn núi, cũng có thể làm cho nghiêng đổ, nhưng lời nói của chư Phật thì không thể làm cho khác đi được. Tuy nhiên, bạch đức Thế tôn, có những kẻ đức tin không đủ nghe nói chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật thì nghĩ, tại sao chỉ trì niệm một danh hiệu Phật của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà thu hoạch bao nhiêu công đức và ích lợi vượt bậc như vậy. Vì sự không tin này mà quay lại phỉ báng. Những kẻ ấy suốt đêm trường mất lợi lạc lớn, đọa lạc ác đạo trôi lăn không cùng. Phật dạy tôn giả A nan, những kẻ ấy nếu nghe dược danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, chí tâm thọ trì, không sinh nghi hoặc, mà vẫn đọa lạc ác đạo là điều không có. A nan, đó là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó thể tin và hiểu. Nay ông tiếp nhận được, phải biết toàn là do uy lực Như lai. A nan, hết thảy Thanh văn, Ðộc giác và các vị Bồ tát chưa bước lên thập địa, đều không thể tin và hiểu một cách đúng như sự thực, chỉ trừ các vị Bồ tát còn hệ thuộc một đời mà thôi. A nan, thân thể loài người khó mà có được, sự tin tưởng tôn kính Tam bảo càng khó mà có được, nhưng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai lại khó được hơn những sự khó được ấy. A nan, vô lượng bồ tát hạnh, vô lượng thiện phương tiện, và vô lượng quảng đại nguyện, của đức Dược sư lưu ly quang như lai, trong một đại kiếp hay hơn một đại kiếp, Như lai nói một cách đầy đủ, thì đại kiếp ấy có thể kết thúc mau chóng, còn hạnh nguyện và phương tiện của đức Phật này vẫn không cùng tận. 

Lúc ấy trong chúng hội có một vị đại sĩ danh hiệu Cứu thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên phải, gối bên phải quì xuống sát đất, cong mình, chắp tay mà bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, có những kẻ bị mọi thứ bịnh hoạn làm cho nguy khốn. Bịnh mãi, gầy ốm, ăn uống không được, cổ và môi đều khô nóng. Nhìn mọi phía đều đen tối. Tướng chết xuất hiện. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, quen biết, khóc lóc vây quanh. Nhưng bản thân bịnh nhân thì tuy vẫn nằm chỗ của mình, mà lại thấy sứ giả Diêm vương dẫn thần thức của mình đến trước vị vua chấp pháp này. Nguyên mọi người đều có vị thần cùng sanh, tùy việc họ làm, tội cũng như phước, ghi chép đầy đủ, và bấy giờ trao cả cho Diêm vương. Diêm vương tra hỏi kẻ ấy, tính việc họ làm, tùy tội và phước mà xử phán. Chính trong lúc này, thân thuộc hay quen biết của bịnh nhân, nếu biết vì họ mà qui y đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, cung thỉnh chư Tăng đọc tụng kinh này, đốt cây đèn bảy tầng, treo phan thần “tiếp nối mạng sống” bằng năm màu, thì hoặc có kẻ nơi đây thần thức về được, và như trong chiêm bao, tự thấy rõ ràng ; hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, khi thần thức về được thì như từ chiêm bao thức dậy, tự nhớ biết tất cả quả báo của thiện nghiệp ác nghiệp. Nhờ tự chứng kiến nghiệp báo, nên đến nỗi gặp phải tai nạn cho sinh mạng, cũng không tạo tác ác nghiệp. Vì vậy, những thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, hãy thọ trì danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, tùy sức có thể mà cung kính cúng dường.

Lúc ấy tôn giả A nan hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, nên bằng cách nào cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai ? Phan và đèn “tiếp nối mạng sống” nên làm cách nào ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, nếu bịnh nhân muốn thoát bịnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỷ kheo tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Ðọc tụng kinh này bốn mươi chín biến. Ðốt bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo hình tượng đức Như lai ấy bảy vị. Trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, cái lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe. Và đến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không đứt. Còn làm phan năm màu thì dài bốn mươi chín gang tay. Nên phóng sanh đến bốn mươi chín giống khác nhau. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỉ dữ tác hại. 

 Ðại đức A nan, nếu giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, khi tai nạn nổi dậy, như dân chúng bịnh dịch, nước khác lấn ép, nước mình phản nghịch, tinh tú quái dị, nhật thực nguyệt thực gió mưa trái thì, quá thì không mưa, thì giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, lúc ấy, hãy phát khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, ân xá những người bị giam bị nhốt, và theo cách cúng dường tôi đã nói trên mà cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Nhờ thiện căn như vậy, và nhờ năng lực bản nguyện của đức Như lai ấy, mà làm cho quốc độ của họ tức khắc yên ổn, gió mưa điều hòa, lúa má thành thục, mọi  người vô bịnh, vui vẻ. Trong  quốc độ của họ không có những loại thần Dạ xoa bạo ác, tác hại chúng sanh. Mọi hiện tượng dữ ẩn mất tất cả và tức thì. Còn giai cấp Sát đế lợi, và những vị vua đã làm lễ quán đảnh, thì sự sống, tướng tốt, sức mạnh, vô bịnh và tự do, đều được tăng thêm. Nếu hoàng hậu, hoàng phi, đông cung, vương tử, đại thần, phụ chánh, thể nữ, bách quan và dân chúng, bị bịnh làm khổ, và bị những tai nạn khác, cũng nên làm phan thần năm màu và đốt đèn sáng liên tục, phóng các loại có sinh mạng, rải những bông hoa đủ màu, đốt những hương thơm nổi tiếng, thì bịnh hết, nạn khỏi. 

Lúc ấy tôn giả A nan lại hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, tại sao mạng sống đã hết mà có thể làm cho tăng thêm ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, ngài không nghe đức Thế tôn nói có chín sự chết ngang trái hay sao. Vì chín sự chết này mà tôi khuyên làm phan và đèn “tiếp nối mạng sống”, tu các phước đức. Nhờ tu các phước đức mà trọn đời không trải qua một cơn đau đớn hoạn nạn nào cả. Tôn giả A nan hỏi, chín sự chết ngang trái là gì ? Bồ tát Cứu thoát nói, có kẻ bị bịnh tuy nhẹ, nhưng không thầy, không thuốc, không ai coi sóc. Gặp thầy thì lại bị cho thuốc không đúng, nên thật không đáng chết mà chết một cách ngang trái. Lại tin thầy bà yêu nghiệt của tà ma ngoại đạo thuộc phạm vi thế gian nói  vớ vẩn về họa phước, nên đâm ra sợ hãi, dao động. Tâm thì không tự chánh nó lại, lại đi bói hỏi để tìm lấy tai họa. Giết hại sinh vật mà giải tấu thần minh, van vái yêu quái để xin làm phước giúp đỡ mong muốn thêm tuổi nhưng chung cục không thể đạt được. Ngu si mê lầm, tin theo cái thấy cong và ngược, nên làm chết mình một cách ngang trái, nhập vào địa ngục, không có kỳ hạn thoát ra. Ðó là sự chết ngang trái thứ nhất. Thứ hai, một cách ngang trái bị phép vua giết. Thứ ba, săn bắn, chơi bời, đam mê tửu sắc, phóng túng vô độ, một cách ngang trái bị những kẻ không phải người đoạt mất tinh chất. Thứ tư, một cách ngang trái bị lửa đốt. Thứ năm, một cách ngang trái bị nước chìm. Thứ sáu, một cách ngang trái bị các giống thú dữ ăn. Thứ bảy, một cách ngang trái rơi xuống sườn núi. Thứ tám, một cách ngang trái trúng chết bởi thuốc độc, ếm vái, chú thư, quỉ khởi thi. Thứ chín, chết một cách ngang trái vì đói khát nguy khốn, không được đồ ăn thức uống. Ðó là sự chết ngang trái mà đức Thế tôn nói vắn tắt có chín thứ như vậy. Ngoài ra còn có vô số những sự ngang trái khác, khó nói cho đủ.

 Ðại đức A nan, Diêm vương lãnh xét sự ghi chép về sách tịch của thế gian. Ai bất hiếu cha mẹ, làm năm tội nghịch, hủy nhục Tam bảo, phá phép vua tôi, làm hỏng tánh giới, thì Diêm vương theo tội nặng nhẹ xét mà phạt. Vì lý do ấy, nay tôi khuyến cáo mọi người đốt đèn, treo phan, phóng sanh, tu phước, làm cho họ qua khỏi khốn khổ, không gặp mọi sự hoạn nạn.

Lúc ấy trong chúng hội có mười hai vị đại tướng Dạ xoa, cùng có mặt ở đó, là đại tướng Cung tỳ la, đại tướng Phạt chiết la, đại tướng Mê xí la, đại tướng An để la, đại tướng Ngạch nễ la, đại tướng San để la, đại tướng Nhân đạt la, đại tướng Ba di la, đại tướng Ma hổ la, đại tướng Chân đạt la, đại tướng Chiêu đỗ la, đại tướng Tỳ yết la. Mười hai vị đại tướng Dạ xoa này, mỗi vị có bảy ngàn Dạ xoa làm tùy thuộc, cùng lúc cất tiếng bạch Phật, bạch đức Thế tôn, chúng con bây giờ nhờ uy lực của Ngài mà nghe được danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, không còn nỗi sợ hãi về ác đạo nữa. Chúng con đốc suất nhau, cùng nhau nhất tâm, suốt đời qui y Phật Pháp Tăng, thệ nguyện gánh vác hết thảy chúng sanh, tạo cho họ cái lợi chân thật, cái vui lợi ích. Tùy thôn làng, thị thành, thủ đô, và trong rừng thanh vắng, của bất cứ xứ nào, mà hoặc có kinh này lưu hành, hoặc có kẻ trì niệm danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường Ngài, thì chúng con, và tùy thuộc của chúng con, hộ vệ người ấy, làm cho họ thoát mọi khổ nạn, mọi ước nguyện đều thỏa mãn.  Hoặc ai bị bịnh khổ mà cầu thoát qua, thì cũng   nên đọc tụng kinh này, dùng tơ sợi năm màu mà kết tên chúng con. Ðược toại nguyện rồi mới tháo kết ấy. 

Lúc ấy đức Thế tôn tán dương các đại tướng Dạ xoa, rằng lành thay các tướng Ðại dạ xoa, lành thay, các người nghĩ báo ân đức của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì thường nên như vậy mà lợi ích an lạc hết thảy chúng sanh.

Bấy giờ tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn, nên mệnh danh như thế nào về pháp môn này, và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào ? Phật dạy tôn giả A nan, pháp môn này nên mệnh danh Nói về bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cũng nên mệnh danh Nói về sự kết nguyện thần chú để lợi ích chúng sanh của mười hai thần tướng, lại nên mệnh danh Bạt trừ hết thảy nghiệp chướng. Nên phụng trì như vậy. 

Khi đức Thế tôn nói lời này rồi, các vị đại bồ tát cùng các vị đại thanh văn, quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, thiên chúng, long chúng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà, loài người và loài không phải người, toàn thể đại chúng như vậy nghe những điều Phật dạy, ai cũng cực kỳ hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát  (3 lần)

Hoàn kinh

(Ðảnh lễ)
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.
Nhất tâm đảnh lễ Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Văn thù sư lợi bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Quan thế âm bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Ðắc đại thế bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Vô tận ý bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Bảo đàn hoa bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Dược vương bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Dược thượng bồ tát.
Nhất tâm đảnh lễ Di lạc bồ tát

(cầu nguyện.- I. Cầu nguyện cho bản thân)
Ðệ tử tên x x pháp danh x x, đem công đức thọ trì kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật. 

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, thọ trì kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự Tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

 Sám  Dược  sư – cuốn trước

Khai kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả,
chính trong hương thơm 
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật 
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần)

( chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha. (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà,
sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám. (7 lần)

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
lễ bái Dược sư sám,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu  Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật. (3 lần)
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

Mở đầu vận dụng phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, chúng con ngày nay nên đem tánh mạng mà qui y đảnh lễ chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai :

Nam mô quá khứ Tỳ bà thi phật.
Nam mô Thi khí phật.
Nam mô Tỳ xá phù phật.
Nam mô Cầu lưu tôn phật.
Nam mô Câu na hàm mâu ni phật.
Nam mô Ca diếp phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô đương lai Di lạc tôn phật
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Dược sư hải hội Phật Bồ tát.

Phương pháp sám hối “Dược sư tiêu tai diên thọ”(5). cuốn trước

Hết thảy chư Phật thương tưởng chúng sanh, nên đã dạy cho phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”.  Là vì con người dơ bẩn quá nặng, bóng tối vô minh che khuất tâm trí, không hiểu nhân quả không siêng sám hối. Phóng túng tham lam sân hận ngu si, buông thả sát sanh trộm cắp dâm dục. Tội lỗi dơ bẩn đã tạo vô lượng vô biên, ác nghiệp oán cừu đã kết vô cùng vô tận, không hay không biết, ngày càng sâu dày. Ðến nỗi thúc ngắn đời sống lâu dài mà thành chết yểu chết oan, cách mất chức vị quan quyền mà thành thấp thỏi nghèo hèn, tước bỏ giàu sang sung túc mà thành nghèo khổ khốn cùng, chết non con trai con gái mà thành cô đơn lẻ chiếc. Mắc vào chín cái chết ngang trái, sa xuống ba con đường ác đạo. Khổ quả nhiều mối, tự tạo tác, tự lãnh chịu. ác báo nhiều cách, hoặc đời này, hoặc kiếp sau. Tơ tóc không sai, dầu mau dầu chậm chắn chắc phải trả.

Nên xưa kia, đức Thích ca  đã từ bi cứu vớt, bằng cách nói bản kinh về Bản nguyện và công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai(6), dạy người đọc tụng hãy tạo hình tượng đức Như lai  bảy vị, trước mỗi vị đặt bảy ngọn đèn, cái lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe, đốt đến bốn mươi chín ngày, ánh sáng không tắt. Nhưng việc ấy chỉ vua quan(7), cư sĩ đại gia, nhiều tiền lắm của, kho bồ tràn đầy mới làm nổi, còn người kém sức, lòng dẫu ưng muốn mà không có khả năng làm cho trang nghiêm đúng cách. Vì lý do ấy mà căn cứ chính trong kinh Bản nguyện công đức nói trên, diễn ra phương pháp sám hối “Tiêu tai diên thọ”, tiện cho mọi người tắm gội trai giới, hoặc trong chùa chiền, hoặc nơi nhà cửa, hoặc mời các vị xuất gia, hoặc cùng những người thiện niệm, rưới quét sửa dọn, hương hoa đèn nến, tùy sức hiến cúng, y văn đọc tụng, chí thành lễ bái, như thế thì không có sự mong cầu nào không ứng nghiệm, không có sự ước nguyện nào không hoàn thành.

Trong kinh dạy rằng, bộc bạch sám hối tội ác đã làm, là điều mà Tịnh danh đại sĩ ưa chuộng. Vì vậy mà sửa chứa quá khứ, tu tỉnh tương lai, tẩy giặt thân tâm, đoạn tuyệt ác pháp, thề không làm lại, tội lỗi nhiều kiếp sạch hết không còn, nên tùy nguyện cầu thỏa mãn tất cả. Ðệ tử chúng con chí tâm đảnh lễ khẩn cầu sám hối :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Nghĩ lại thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, nếu mọi người vì muốn lợi ích an lạc, nhổ trừ tất cả nghiệp chướng, xây dựng công đức hơn lạ ; muốn tu tập một cách đầy đủ đại nguyện của chư Phật, và thọ trì một cách trọn vẹn danh hiệu và kho báu chánh pháp của chư Phật ; muốn được vô thượng chánh biến giác, bâm hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ trang hoàng cơ thể ; muốn được vô lượng trí tuệ phương tiện để làm cho chúng sanh đứng yên trong pháp đại thừa ; muốn tu hành phạn hạnh, được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại, tuyệt đối thanh tịnh không có phá phạm ; muốn được các giác quan đều hoàn bị, không mọi tật nguyền và bịnh khổ, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng đều đủ và nhiều ; muốn phá rách mạng lưới của ma vương, cổi mở ràng buộc của ngoại đạo, phát nhổ rừng rậm của mọi thứ ác kiến(9) ; nếu có nữ nhân muốn chuyển nữ thành nam, đầy đủ hình tướng trượng phu ; muốn cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, cầu sống lâu được sống lâu ; hoặc bị phép vua làm tội mà muốn giải thoát mọi sự lo sợ thống khổ ; muốn được đồ ăn đồ uống tuyệt diệu, pháp vị no đủ, mọi thứ y phục tuyệt diệu và tất cả đồ trang sức bằng vàng ngọc ; muốn thực hành bố thí, mọi thứ mình có toàn không ham tiếc, hiến cả cho người đến xin ; muốn được chánh kiến, tinh tiến và ý thích khéo thuần hóa, đa văn thông lợi, lý giải nghĩa lý cực kỳ sâu xa, thường cầu thắng pháp, thường gặp thiện hữu ; muốn thọ trì giới pháp, nguyện sanh thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, chỗ A di đà phật, để được nghe chánh pháp của ngài ; nếu có giới pháp đã phá hủy mà muốn phục hồi thanh tịnh, sinh mạng đã hết mà muốn cứu muốn nối ; cho đến quốc độ  và dân chúng bị mọi sự ngang trái và mọi sự tai nạn mà muốn tiêu trừ cho ẩn mất để mưa gió thuận thời, dân chúng vui vẻ, thì hãy trang nghiêm đúng cách, qui y và đảnh lễ đức Dược sư lưu ly quang như lai, nhất tâm tinh tiến, tu tập chánh định. Tại sao, vì đức Như lai ấy, khi làm hạnh bồ tát, đã phát mười hai đại nguyện tối thượng và nhiệm mầu, tạo ra công đức thù thắng, nên làm cho những người nghe được thì nghiệp chướng tiêu trừ, hết thảy sở cầu đều được mãn nguyện. Ðiều này chỉ các vị bồ tát còn hệ thuộc một đời mới có khả năng tin và hiểu đúng như sự thực, tu hành đúng như Phật dạy. Nên phải đem thân thể, tính mạng(10) và tài sản ra, không lẫn không tiếc, tận lực trang nghiêm, thì quyết chắc được kết quả và toại nguyện. Vì nghĩ lại như vậy, nên ngày nay đệ tử cùng những người hiện diện, tất cả đều chí tâm qui mạng đảnh lễ :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Nguyện xin chư Phật Bồ tát đồng vận từ bi, giáng lâm đạo tràng ; toàn thể tám bộ thiên long, các tướng Dạ xoa, cùng sinh thương tưởng, đi đến đạo tràng. Các thánh chúng như vậy, xin cùng chứng minh. Chúng con ngày nay, muốn vì chúng sanh khắp cả mười phương và toàn thể lục đạo, mà tu hành tuệ giác vô thượng, đoạn trừ hết thảy nghiệp chướng, cùng vào biển cả đại nguyện của đức Như lai, để hiện sắc thân khắp nơi, nơi trong một niệm mà cúng dường hết thảy Tam bảo khắp cả mười phương, nơi trong một niệm mà hóa độ cùng khắp tất cả chúng sanh trong lục đạo, làm cho họ nhập vào tuệ giác vĩ đại và bình đẳng. Vì muốn như vậy nên ngày nay nhất tâm tinh tiến, tu hành đúng như Phật dạy. Nguyện xin chư Phật, Bồ tát, đức Dược sư như lai, đem năng lực bản nguyện mà nhận cho sự sám hối của con, làm cho việc con làm quyết định phá trừ nghiệp chướng, viên thành hạnh nguyện. Như kinh đã dạy, nguyện xin chứng minh, “Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh viên mãn, quang minh quảng đại. Công đức đồ sộ thân khéo an trú. Lưới sáng tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả… Tùy mong cầu gì cũng đều toại nguyện… Bao nhiêu bịnh khổ đều tiêu tan cả… Vô lượng bồ tát hạnh, vô lượng thiện phương tiện, và vô lượng quảng đại nguyện, của đức phật Dược sư, trong một đại kiếp hay hơn một đại kiếp, ta, Thích ca như lai, nói một cách đầy đủ thì đại kiếp ấy có thể kết thúc mau chóng, còn hạnh nguyện và phương tiện của đức Phật này vẫn không cùng tận”. Vì thế mà chúng con chí tâm qui mạng đảnh lễ :

Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. (3 lần)

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. ( 3 lần)

Hoàn kinh

(Tán Phật)
Kính lạy đức Dược sư,
chánh giác rất vi diệu,
ở cõi Tịnh lưu ly,
thuộc phía đông cõi này ;
Ngài thật khó nghĩ bàn,
đủ ba vô số kiếp,
và không ai sánh bằng,
với mười hiệu tôn xưng.
Trong nhân đã phát ra
mười hai môn đại nguyện
trong quả đã viên mãn
trăm ngàn loại tướng hảo ;
biển từ bi rộng lớn
khó ai lường cho nổi,
núi công đức cao cả
không thể khen cho cùng.
Nam mô đông phương Tịnh lưu ly giới, Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh  biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế  tôn(11).

(Niệm Phật)
Nam mô Dược sư lưu ly quang phật. (30 đến 108 tiếng)
(từ đây sắp xuống, mỗi danh hiệu 3 tiếng)
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát. 
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.

( cầu nguyện 1. Cầu nguyện cho bản thân )
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, đem công đức bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật.

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh  tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

Sám  Dược  sư – cuốn  giữa

Khai kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả,
chính trong hương thơm 
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật 
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần)

( chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha. (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà,
sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám. (7 lần)

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
lễ bái Dược sư sám,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu  Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật. (3 lần)
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

Phương pháp sám hối Dược sư tiêu tai diên thọ, cuốn giữa.

Hết thảy chư Phật thương tưởng chúng sanh, dạy cho phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, nên ngày nay chúng con đem tánh mạng mà qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Ðệ tử chúng con khắp vì bốn ơn(12) ba cõi(13) và pháp giới chúng sanh, nguyện đoạn trừ cả ba thứ chướng ngại(14), nên qui tánh mạng về nơi Phật, đảnh lễ mà sám hối. Con với chúng sanh, vô thỉ đến giờ, do ái và kiến(15) mà trong chấp nhân ngã, ngoài vì bạn xấu, nên không tùy hỷ ai cả, dầu là một điều thiện bằng tơ tóc, chỉ biết khắp  cả thân miệng ý cùng làm đủ các ác nghiệp. Việc tuy không rộng mà ác ý bủa khắp. Ngày đêm liên tục, không có gián đoạn. Che giấu lỗi lầm, không muốn ai hay. Không sợ ác đạo, không hổ không thẹn. Bài bác, cho rằng không có nhân quả. Tội chướng như vậy mà chưa hề trải qua sự sám hối nào cả. Chúng con ngày nay dối trước chư Phật khắp cả mười phương, trước đức Dược sư như lai, tin tưởng sâu xa nguyên lý nhân quả, phát sanh hổ thẹn hệ trọng và phát sanh sợ hãi to lớn mà bộc bạch sám hối. Ðoạn tâm liên tục mà phát tâm bồ đề. Ðoạn ác tu thiện, siêng năng thúc dục cả thân miệng ý. Ðổi bỏ tánh xấu nặng nề ngày xưa mà tùy hỷ đối với người phàm cũng như bậc thánh, dầu chỉ một điều thiện bằng tơ tóc mà thôi. Nghĩ nhớ đức phật Dược sư có cái sức của thệ nguyện to lớn, có thể cứu vớt con, đem con ra khỏi biển hai chết(16) mà đặt lên trên bờ ba đức(17), nên nguyện xin Ngài từ bi, thương xót nhiếp thọ. Tất cả đều chí tâm qui mạng đảnh lễ :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Ðệ tử chúng con từ vô thỉ đến ngày nay, có cái bịnh tham lam sân hận và tật đố, cái bịnh kiêu mạn ngạo ngược, cái bịnh không biết thiện ác, cái bịnh không tin tội phước, cái bịnh bất hiếu ngũ nghịch(18), cái bịnh phá phạm trai giới, cái bịnh phá phạm thi la(19), cái bịnh khen mình chê người, cái bịnh ham được không chán, cái bịnh say mê tiếng hay và chạy theo sắc đẹp, cái bịnh ham hố hơi thơm và ưa thích đụng chạm, cái bịnh tin theo sự thấy cong và ngược(20) cái bịnh đam mê tửu sắc mà phóng túng vô độ, cái bịnh dầu gặp thầy mà lại cho thuốc không đúng, cái bịnh vô lượng tai nạn, khổ nhục, và bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu  thống khổ. Muốn làm cho những bịnh khổ ấy tiêu trừ, sở cầu mãn nguyện, nên bấy giờ đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai nhập định danh hiệu Diệt trừ mọi khổ não của chúng sanh. Nhập định ấy rồi, từ trong nhục kế phóng ra ánh sáng lớn. Trong ánh sáng này diễn ra đà la ni vĩ dại sau đây : Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. Khi trong ánh sáng diễn ra đà la ni vĩ  đại ấy rồi, đại địa chấn động, phóng ánh sáng lớn, hết thảy chúng sanh bịnh khổ tiêu trừ, hưởng dược cái vui yên ổn.

Do đó mà biết công năng sám hối là tễ thuốc linh nghiệm làm lành bịnh thân tâm, là toa thuốc thần kỳ làm thoát khổ sinh tử. Có vị đại y vương theo bịnh đặt thuốc : từ bi hỷ xả là thuốc, nhẫn nhục nhu hòa là thuốc, chánh tín Tam bảo là thuốc, siêng tu phước tuệ là thuốc, sáu ba la mật là thuốc, ăn no cam lộ là thuốc, ham cầu pháp vị là thuốc, tu chân dưỡng khí là thuốc, phản bản hoàn nguyên là thuốc, có lỗi đổi được là thuốc, phương tiện khôn khéo là thuốc, không động vì tiếng hay sắc đẹp là thuốc, lắng lòng tuyệt dục là thuốc. Thường dùng những thứ thuốc như vậy giã ra, giần đi, rồi hợp lại mà thường thường đem uống.

Nhưng, chúng sanh nếu bịnh lẽ ra cùng một bịnh, chúng sanh cần thuốc lẽ ra cùng một thuốc. Nếu nói có nhiều pháp thì thế là điên đảo. Nếu căn cứ thật tướng của nhất thừa(21) mà nói, thì đâu có thêm có bớt, có dơ có sạch, có lành có dư, có tội có phước, có bịnh có thuốc. Nhìn lại phương tiện trước đã áp dụng, thật như người trong chiêm bao : chiêm bao thấy thân bị bịnh nên tìm thầy uống thuốc mà được hết được lành ; đến lúc tỉnh giấc chiêm bao thì rõ ra vốn là không bịnh, sự không bịnh cũng không, huống chi thầy với thuốc. Nên bịnh của chúng sanh toàn là bịnh huyễn, thuốc của chư Phật toàn là thuốc huyễn. Do đó mà biết, pháp mà Như lai thuyết ra toàn là một tướng một vị, tướng vị giải thoát, tách rời, diệt sạch, cứu cánh niết bàn, chung qui về Không(22). Ví như từ một đám mây mà mưa xuống, thì cây thuốc lớn nhỏ gì cũng được tốt tươi, chúng con ngày nay nhờ ơn Phật mà được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, không còn có nữa cái nạn bịnh khổ, mới có khả năng đạt đến một cách trọn vẹn tuệ giác vô thượng bồ đề. Vì vậy, ngày nay chúng con đốc suất nhau, cùng nhau nhất tâm, suốt đời qui y Phật Pháp Tăng. Và bây giờ qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Nếu người nào muốn thoát bịnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỷ kheo tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái hành dạo, cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu  ly quang như lai. Ðọc tụng bản kinh tôn quí(23) bốn mươi chín biến. Ðốt bốn mươi chín ngọn đèn. Ðến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không đứt. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỉ dữ tác hại. Vì vậy, ngày nay đệ tử cùng với những người hiện diện, tất cả đều cùng cực tinh tiến(24), đốt hương rãi hoa, thắp đèn treo phan(25), phóng sanh tu phước, để được qua khỏi khốn khổ, không gặp mọi sự hoạn nạn. Nguyện xin đức Như lai chứng minh cho sự sám hối của con.

Ðệ tử chúng con từ vô thỉ đến ngày nay, làm gì cũng không vừa ý. Nên biết tất cả đều vì quả báo sót lại của ác nghiệp từ quá khứ đến nay, mà gây ra. Vì vậy, ngày nay cần phải nỗ lực mà cầu xin sám hối. Sám hối quả báo ác mộng, những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không cát tường của trong loài người. Sám hối quả báo bịnh dữ liền năm, lắm tháng không lành, gối giường nằm chiếu, không thể đứng đi của trong loài người. Sám hối quả báo đông ôn hạ dịch(26), sốt ác tính và thương hàn của trong loài người. Sám hối quả báo thủy tai hỏa hoạn, trộm cướp giặc giả, chiến tranh nguy khốn của trong loài người. Sám hối quả  báo bị sư tử, cọp, sói, rắn độc, bò cạp, rít và sâu làm hại của trong loài người. Sám hối quả báo sanh lão bịnh tử, lo buồn khổ não của trong loài người. Sám hối quả báo thân miệng và ý toàn là công cụ tạo tác và tăng trưởng đủ thứ ác nghiệp của cả chúng sanh. Sám hối quả báo sẽ sa vào ba ác đạo, nhiều lần ngàn năm chịu mọi sự khổ sở khốc liệt của cả chúng sanh. Sám hối quả báo hay bị trôi lăn vô cùng trong địa ngục, súc sanh và loài quỉ(27) của cả chúng sanh. Sám hối quả báo lại sanh nữa trong các ác đạo của cả chúng sanh. Sám hối quả báo làm tôi tớ người, bị người sai sử của cả chúng sanh. Sám hối quả báo hoặc làm trâu bò, lừa ngựa, lạc đà, thường bị đánh dập, lại còn quả báo luôn luôn mang nặng chở nhiều, đi theo đường phải đi mà bị đói khát hành hạ, của cả chúng sanh. Sám hối quả báo bị bùa ếm, thuốc độc và quỉ khởi thi(28) ngụy tạo yêu dị của trong loài người. Cùng loại như vậy, trong hiện tại cũng như vị lai, loài người cũng như chư thiên, quả báo có vô lượng tai họa, ngang trái, biến cố, thời khí, chết chóc, hoạn nạn, suy tồn và quấy phá. Chúng con ngày nay chí thành hướng về đức phật Dược sư, về thánh chúng qui tụ như biển cả, mà cầu xin sám hối, nguyện tiêu diệt cả.

Trước đã cứu xét cái lẽ cứu cánh là bịnh này thuốc này đồng là huyễn ảo, lại cứu xét mà sám hối trọn vẹn hết thảy báo chướng do ác nghiệp gây ra. Nay nên tuần tự phát nguyện hồi hướng. Ðệ tử chúng con nguyện đem công đức được phát sanh bởi sự sám hối ba thứ chướng ngại mà hồi hướng cả, hiến cho hết thảy chúng sanh để cùng sám hối. Nguyện cùng chúng sanh, từ nay sắp đi, cho đến ngày thực hiện tuệ giác vô thượng, nhớ khổ sanh tử mà phát bồ đề tâm. Ðổi ác làm lành, bỏ tà về chánh. Thân tâm an lạc, sống lâu vô cùng, áo cơm sung túc, nhà cửa, thân thuộc, đồ dùng và kho nẫm tràn đầy. Hình tướng đoan chánh, trí tuệ thông minh, uy nghiêm dũng liệt. Các tướng Dạ xoa hộ vệ, chư Phật thánh chúng nhiếp thọ. Làm gì cũng được ân trạch của đức Từ bi.

Ðệ tử chúng con lại nguyện từ nay sắp đi, mau chứng tuệ giác bồ dề, tướng tốt tướng phụ và ánh sáng đều tráng lệ, lạ và hơn cả. Nguyện chúng sanh được ánh sáng soi sáng, tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp. Nguyện chúng sanh cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không có sự thiếu thốn. Nguyện chúng sanh xây dựng đại thừa, cùng được ở yên trong dạo giác ngộ(29). Nguyện chúng sanh dược giới thể không thiếu sót, giả sử phá phạm thì phục hồi thanh tịnh. Nguyện chúng sanh đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ. Nguyện chúng sanh bịnh khổ tan biến, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy đủ tất cả. Nguyện chúng sanh chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện tuệ giác vô thượng. Nguyện chúng sanh thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cổi mở thắt buộc của ngoại đạo. Nguyện chúng sanh, phép vua làm tội, bi thảm sầu muộn ngâm nấu bức bách, đều thoát được cả. Nguyện chúng sanh ăn uống no đủ, sau đó lại được xây dựng bằng cái vui cứu cánh của pháp vị. Nguyện chúng sanh, như sở thích của họ, mọi thứ y phục tùy ý mong muốn đầy đủ tất cả(30).

Lại nguyện tất cả chúng sanh, sống lâu, giàu có, quan chức, con trai con gái, cầu gì cũng toại nguyện cả. Nguyện tất cả quốc  độ, trăm sự quái dị, chín cái chết ngang trái, tám thứ chướng nạn, ba thứ tai họa(31), nước khác xâm lăng quấy nhiễu, đạo tặc làm phản làm loạn, hết thảy nạn dữ như vậy tiêu mất tất cả ; quốc độ yên ổn, gió mưa điều hòa, lúa má thành thục, mọi người vô bịnh, vui vẻ, hạnh nguyện bồ đề sáng chói hơn lên trong từng ý nghĩ, cứu giúp người khác đau khổ thì luôn luôn tưởng như cứu vớt bản thân.

Lại nguyện đời đời kiếp kiếp, sanh ra ở đâu cũng không rơi nhằm những chỗ biên thùy, mọi rợ, mà lại sinh vào gia đình chánh tín ; tướng mạo đoan nghiêm, trí tuệ biện tài ; viễn ly ác pháp, thân cận thiện hữu ; kiên trì giới hạnh, kiến lập đại thừa. Lại nguyện đời đời kiếp kiếp,  sanh ra ở đâu cũng chấn hưng pháp Phật, phá hủy lưới ma ; phấn chí mà tu hành đầy đủ sáu ba la mật ; quảng tu cúng dường để trang nghiêm hai thứ phước tuệ, nhẫn nhục tinh tiến để thực hiện tuệ giác bồ đề.

Chúng con ngày nay nên nghĩ báo ân đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, bằng cách h an lạc hết thảy chúng sanh. Vì thế mà chúng con chí tâm qui y đảnh lễ :

Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát diệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. (3 lần)

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

 Hoàn kinh

(Tán Phật)
Kính lạy đức Dược sư,
chánh giác rất vi diệu,
ở cõi Tịnh lưu ly,
thuộc phía đông cõi này ;
Ngài thật khó nghĩ bàn,
đủ ba vô số kiếp,
và không ai sánh bằng,
với mười hiệu tôn xưng.
Trong nhân đã phát ra
mười hai môn đại nguyện
trong quả đã viên mãn
trăm ngàn loại tướng hảo ;
biển từ bi rộng lớn
khó ai lường cho nổi,
núi công đức cao cả
không thể khen cho cùng.
Nam mô đông phương Tịnh lưu ly giới, Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

(Niệm Phật)
Nam mô Dược sư lưu ly quang phật. (30 đến 108 tiếng)
(từ đây sắp xuống, mỗi danh hiệu 3 tiếng)
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát. 
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.

( cầu nguyện 1. Cầu nguyện cho bản thân )
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, đem công đức bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật.

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh  tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

 Sám  Dược  sư – cuốn  sau

Khai kinh

(Tán lễ Phật)
Ðại từ đại bi
thương xót chúng sanh,
đại hỷ đại xả
cứu vớt muôn loài,
hào quang diệu tướng
dùng tự trang nghiêm,
chúng con chí thành
qui y đảnh lễ.
Nhất tâm đảnh lễ Phật bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Pháp bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ Tăng bảo thường trú khắp cả mười phương.
Nhất tâm đảnh lễ bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nhất tâm đảnh lễ Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nhất tâm đảnh lễ chư Phật Bồ tát trong pháp hội Dược sư.

(cúng hương)
Hương thơm tâm tánh
đủ cả năm phần,
vừa được đốt lên
bởi lửa bản thể,
thì cả pháp giới
đều được chan hòa,
phàm cùng với thánh
xông ướp tất cả ;
chính trong hương thơm
quyện lên như vậy,
mà các đức Phật
hiển lộ toàn thân.
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần).

(Chân ngôn làm sạch ngoại cảnh)
Án lam sa ha (21 lần)

(Chân ngôn làm sạch thân miệng ý)
Án sa phạ bà phạ thuật đà, sa phạ đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám (7 lần).

(Phát nguyện)
Kính lạy chư Thế tôn,
qui y các Phật đà,
nay con phát đại nguyện,
lễ bái Dược sư sám,
trên trả bốn ơn nặng,
dưới giúp ba đường khổ,
những người thấy nghe được,
đều phát tâm bồ đề,
báo thân này kết thúc,
cùng sanh các tịnh độ.

(Niệm hiệu  Phật)
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật. (3 lần)
Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

 Phương pháp sám hối Dược sư tiêu tai Diên thọ”, cuốn sau

Chư Phật trong ba thì gian thương tưởng chúng sanh, dạy cho phương pháp sám hối đạo tràng Dược sư”, nên ngày nay chúng con đem tánh mạng mà qui y đảnh lễ hết thảy chư Phật :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại sám hối tiếp. Ðệ tử chúng con, từ trên đến đây, đã sám hối rồi, bây giờ nên phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại, nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc, từ bi hỷ xả và bình đẳng. Chính trong tâm nguyện như vậy mà nhiếp niệm chánh quán. Bằng cách không tuyệt kiết sử mà cũng không giữ kiết sử(32), quán các pháp không, như thật tướng.

Quán các pháp không là thế nào ? Hành giả xét kỹ, hiện tại một tâm niệm đây, chỉ là vọng tâm tùy duyên hiện khởi. Tâm như vậy, là do tâm mà thành tâm ? là không do tâm mà thành tâm ? là cũng do tâm, cũng không do tâm mà thành tâm ? là không phải do tâm, không phải không do tâm mà thành tâm ? là ở quá khứ, ở hiện tại hay ở vị lai ? là ở trong, ở ngoài hay ở trung gian ? có dấu vết gì ? ở phương chỗ nào ? Trong mọi sự tương quan như vậy mà tìm tâm, vẫn thấy cứu cánh không thể tìm được, như huyễn như mộng, không danh không tướng. Bấy giờ hành giả còn không thấy tâm là sinh tử, đâu có thấy tâm là niết bàn. Và không tìm được cái bị xét thì cũng không tìm được cái hay xét, không lấy không bỏ, không dựa không bám, cũng không trú ở nơi sự yên lặng, con đường ngôn ngữ đã tuyệt(33), hết thể trình bày nói phô. Xét tâm không thật là tâm thì tội phước không có chủ thể. Tội phước tánh không thì hết thảy các pháp toàn là không. Tâm không phải tâm, pháp chẳng ở  pháp. Sám hối như vậy gọi là sự sám hối to lớn, là sự sám hối phá hủy tâm thức. Vì lý do này, tâm này cũng như tâm khác thực sự lặng mất, niệm trước cùng với niệm sau toàn không trú ở. Như hư không mà hư không cũng không thể tìm được, sự không thể tìm được cũng không thể tìm được, tự nhiên siêu việt trên các tam muội, ánh sáng chiếu sáng, vạn pháp hiển hiện, thấu suốt tất cả, không còn chướng ngại, quảng đại như pháp tánh, cứu cánh như hư không. Nguyện xin được như sở nguyện, mãn bồ đề nguyện. Ðệ tử chúng con, ai nấy vận dụng tất cả tâm trí mà qui y đảnh lễ :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi, lại kế tiếp xét thật tướng của tâm. Bất cứ lúc nào, bất cứ làm gì, dầu đi dầu đứng, dầu ra dầu vào, đại tiện tiểu tiện, rưới quét rửa giặt, thi vi cử động, cúi ngước xem nghe, đều nên một lòng tưởng niệm Tam bảo, xét tâm tánh không. Không được, dầu trong khoảnh khắc mà thôi, nhớ đến ngũ dục, đến việc đời, sinh tâm tà niệm.

Không cùng người nói năng bàn tán, buông thả giỡn cợt, nhìn sắc đẹp, nghe tiếng hay, bám dính cảnh trần, nổi nghiệp bất thiện, nổi ý niệm tạp mà thực chất là phiền não vô ký, không thể tu hành đúng như Phật pháp. Nếu quả tâm tâm liên tục, không rời phật tướng, không tiếc thân mạng, vì toàn thể chúng sanh mà tu hành phương pháp sám hối, thì thế gọi là chân thật, là nhất tâm tinh tiến, lấy Phật pháp mà trang hoàng. Do đó, chúng con lại chí thành, năm bộ phận gieo xuống sát đất mà qui y đảnh lễ Tam bảo thường trú :

Nam mô Tỳ lô giá na phật.
Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni phật.
Nam mô Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Vô lượng thọ phật.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì quá khứ.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì hiện tại.
Kính lạy tất cả chư Phật cùng mười phương, khắp pháp giới, thuộc thì vị lai.
Kính lạy kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.
Nam mô Tiêu tai chướng bồ tát.
Nam mô Tăng phước thọ bồ tát.
Kính lạy ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát dưới cây Tiếng nhạc.
Kính lạy các vị đại thánh tăng là tôn giả A nan và tám ngàn vị tỷ kheo.
Nam mô Cứu thoát bồ tát.

Ðảnh lễ chư Phật rồi lại chí tâm sám hối. Ðệ tử chúng con cùng với pháp giới hết thảy chúng sanh, từ vô thỉ đến bây giờ, vì ba thứ chướng ngại vấn thắt và úp che tâm trí, nên đối với mọi cảnh tượng vọng sinh tham trước ; ngu si vô trí, thiếu mất tín tâm, đem thân miệng ý tạo đủ ác nghiệp, đến nỗi phỉ báng Phật pháp, phá phạm thi la, triển chuyển thường làm những việc bất lợi. Hoặc ở  tịnh địa(34) nhưng thánh quả chưa tròn đầy, lưu chú(35) nhỏ nhiệm nên tam muội khó kết quả. Nay gặp đức Dược sư lưu ly quang như lai là có thể trừ diệt tội  chướng mau chóng, thành tựu quả vị diệu giác(36). Nên con chí tâm qui hướng, cúi đầu trán, gieo chân thành, bộc bạch tội lỗi, cầu xin sám hối. Nguyện xin đấng Biển cả đại nguyện đại từ bi(37) bình đẳng nhiếp thọ, làm cho con, và pháp giới chúng sanh, nghiệp chướng cũ tự tiêu mất, mọi tai nạn đều thoát qua. Ðập võ vô minh, khô sông phiền não. Chánh kiến mở tỏ, diệu tâm sáng suốt. Ở yên nơi tuệ giác bồ đề, nên ánh sáng của bản thể luôn luôn vắng lặng(38) được hiện tiền. Không bịnh, yên vui, đúng như sở thích mong cầu, mọi đồ trang sức(39) tùy ý muốn gì có nấy. Giác quan tinh nhuệ, đa văn và lý giải thấu suốt. Giữ phạn hạnh một cách tinh thuần, nhập vào tam ma địa. Vận dụng vô lượng phương tiện của trí tuệ mà làm cho chúng sanh được mọi đồ dùng, không thiếu chi cả. Khéo tu đủ thứ bồ tát pháp hạnh, mau chứng vô thượng chánh đẳng bồ đề. Ðến lúc gần chết thì minh mẫn, yên lành, vui đẹp, quyết định sanh thế giới hệ Cực lạc của đức phật A di đà, thuộc về phía tây. Bằng s ị đại bồ tát. Tự nhiên hóa sinh trong hoa quí báu. Rồi tiếp nhận sự thọ ký của Phật, thực hiện vô lượng đà la ni môn. Nên hết thảy công đức đều thành tựu được cả. Sau đó phân hóa thân hình ra vô số, khắp cả thế giới hệ trong mười phương. Trong một niệm mà cúng dường hết thảy chư Phật khắp cả pháp giới, trong một niệm mà hiện đủ sức thần, độ thoát hết thảy chúng sanh khắp cả pháp giới, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Hư không mà cùng tận đi nữa, thệ nguyện của con trên đây cũng vẫn vô cùng. Sám hối phát nguyện rồi, chúng con qui y đảnh lễ hết thảy Tam bảo thường trú.

Nam mô, Bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam  một yết đế, sa ha. (3 lần)

Nam mô Dược sư hội thượng Phật Bồ tát. (3 lần)

Hoàn kinh

(Tán Phật)
Kính lạy đức Dược sư,
chánh giác rất vi diệu,
ở cõi Tịnh lưu ly,
thuộc phía đông cõi này ;
Ngài thật khó nghĩ bàn,
đủ ba vô số kiếp,
và không ai sánh bằng,
với mười hiệu tôn xưng.
Trong nhân đã phát ra
mười hai môn đại nguyện
trong quả đã viên mãn
trăm ngàn loại tướng hảo ;
biển từ bi rộng lớn
khó ai lường cho nổi,
núi công đức cao cả
không thể khen cho cùng.
Nam mô đông phương Tịnh lưu ly giới, Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

(Niệm Phật)
Nam mô Dược sư lưu ly quang phật. (30 đến 108 tiếng)
(từ đây sắp xuống, mỗi danh hiệu 3 tiếng)
Nam mô Nhật quang biến chiếu bồ tát. 
Nam mô Nguyệt quang biến chiếu bồ tát.
Nam mô Văn thù sư lợi bồ tát.
Nam mô Quan thế âm bồ tát.
Nam mô Ðắc đại thế bồ tát.
Nam mô Vô tận ý bồ tát.
Nam mô Bảo đàn hoa bồ tát.
Nam mô Dược vương bồ tát.
Nam mô Dược thượng bồ tát.
Nam mô Di lạc bồ tát.

( cầu nguyện 1. Cầu nguyện cho bản thân )
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, đem công đức bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện bịnh chướng tiêu trừ, phước thọ tăng trưởng, đời này thiện căn không bị trở ngại, kiếp sau đích thân tiếp nhận sự thọ ký tối thượng của Phật.

(2. cầu nguyện cho người khác)
Ðệ tử tên xx pháp danh xx, chí thành vì xx, pháp danh xx, bái sám theo phương pháp sám hối “đạo tràng Dược sư”, cầu nguyện xx nhờ công đức này mà bịnh chướng tiêu tan, phước thọ tăng thượng, chánh  tín không bị phá hoại, thiện căn không bị trở ngại, đời này thân cận phụng sự tam bảo, kiếp sau đích thân nhận được sự thọ ký của Phật.

(Hồi hướng)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả,
nguyện con và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.

(Qui y Tam bảo)
Tự qui y Phật,
xin nguyện chúng sanh,
thể theo đạo cả,
phát lòng vô thượng.

Tự qui y Pháp,
xin nguyện chúng sanh,
thấu rõ kinh tạng,
trí tuệ như biển.

Tự qui y Tăng,
xin nguyện chúng sanh,
thống lý đại chúng,
hết thảy không ngại.

Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

Lược giải kinh dược sư

Mục lục Lược giải

Tài liệu. 155
Dịch giả. 157
Mệnh đề. 158
Cương yếu. 159
Lược giải 161
A1 mở đầu. 161
A2 nội dung, có 3 B. 164
B1. Danh hiệu. 164
B2. Bản nguyện. 168
B3. Công đức, có 7C. 174
C1. nói về y chánh trang nghiêm.. 174
C2. nói về đại dụng của danh hiệu, có 5 D. 177
D1. diệt sự tham lẫn mà được sự bố thí 177
D2. diệt sự phạm tội mà được sự giữ giới 179
D3. diệt sự ganh ghét mà được sự giải thoát 181
D4. diệt sự hại nhau mà được sự thương nhau. 182
D5. được sanh Cực lạc hay các sự chuyển sanh khác  184
C3. nói về đại dụng của chú. 188
C4. nói về đại dụng của sự phụng trì, có 3 D. 194
D1. Phật dạy tổng quát và ngài Văn thù phát nguyện. 194
D2. Phật chỉ cách thức và nói ích lợi 198
D3. Phật nói ích lợi trong sự khỏi nạn. 199
C5. nói là chỗ hiểu biết sâu xa của Phật 201
C6. nói cách tiêu tai diên thọ, có 5 D. 205
D1. chỉ cách tiêu tai diên thọ. 205
D2. chỉ thêm cách tiêu tai diên thọ, đặc biệt tiêu bịnh khổ  208
D3. lại còn tiêu quốc nạn. 210
D4. tiêu bất định nghiệp. 213
D5. tiêu cả định nghiệp. 215
C7. nói sự hộ vệ của Dạ xoa. 216
A3 kết thúc. 219
B1. nói tên kinh. 219
B2. chúng hội phụng hành. 220
Ghi chú. 222


Tài liệu

Tài liệu dùng để dịch giải kinh này gồm có :

  1. Phật thuyết quán đánh bạt trừ quá tội sanh tử đắc độ kinh quyển đệ thập nhị (Chính 21/532-536) ;
  2. Phật thuyết Dược sư như lai bản nguyện kinh (Chính 14/401-404) ;
  3. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh (Chính 14/404-408) ;
  4. Dược sư lưu ly quang thất Phật bản nguyện công đức kinh (Chính 14/409-418) ;
  5. Dược sư kinh cổ tích (Vạn 35/172-178) ;
  6. Dược sư kinh trực giải (Vạn 35/179-196) ;
  7. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh giảng ký (TH 28/2229-2408) ;
  8. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh (bản in riêng, của cơ quan Lưu thông sách Phật ở Hương cảng) ;
  9. Dược sư lưu ly quang như lai bản nguyện công đức kinh (Trung Anh hợp san, của cơ quan Lưu thông sách Phật ở Hương cảng).

Ngoài 9 tài liệu trên đây, còn có Dược sư đăng diệm (Vạn 59/145-146) và 10 bản Nghi quỹ (Chính 19/20 – 67). Ðiều đáng nói và đáng tiếc là, theo Pđ 2838d, còn có tài liệu gọi là Dược sư kinh sớ của ngài Khuy cơ (đệ tử ngài Huyền tráng). Tài liệu này, nếu có, tất nhiên quan trọng bậc nhất. Nhưng hiện trong Ðại tạng kinh bản Ðại chính tân tu và Tục tạng kinh bản chữ Vạn đều không có.

Sau đây là những điều cần biết :

  1. Kinh này trước sau có 5 bản dịch : bản dịch 1 là tài liệu 1, dịch giả Cát hữu, dịch quãng 317 ; bản dịch 2 là Dược sư lưu ly quang kinh, dịch giả Tuệ giản, dịch quãng 457, bản này thất lạc ; bản dịch 3 là tài liệu 2, dịch giả Pháp hạnh, dịch năm 615 ; bản dịch 4 là tài liệu 3, dịch giả Huyền tráng, dịch năm 650 ; bản dịch 5 là tài liệu 4, dịch giả Nghĩa tịnh, dịch năm 707.
  2. Ðối chiếu đại khái về 4 bản dịch hiện còn trên đây thì cần ghi ngay ở đây là 2 chỗ : (l) tên 8 vị bồ tát là trích tài liệu 1 (Chính 21/533d) ; (2) chú là trích tài liệu 4 (Chính 14/414). Ðối chiếu này còn phải nói rõ hơn nơi mục dịch giả dưới đây.
  3. Bản văn tôi dịch là tài liệu 8, đối chiếu với bản chính là tài liệu 3 (bản dịch 4) và các tài liệu đã kê. Sự đối chiếu này sẽ nói rõ trong lược giải. Sở dĩ tôi chọn tài liệu 8 là vì bản này mới thường trì tụng.

Dịch giả

Thời đại nhà Ðường, Tam tạng pháp sư Huyền tráng dịch.

Niên đại của ngài Huyền tráng là 569-664. Kinh này dịch vào lúc ngài 55 tuổi, năm 650. Trên đây là tham khảo PHNC bài 18 trang 59-81. Bài này là bản niên phổ quí nhất của ngài Huyền tráng.

Nhưng, bản tài liệu 8 mà tôi căn cứ để dịch giải, đúng ra còn phải kê thêm các dịch giả Cát hữu và Nghĩa tịnh. Vì lẽ, như khoản B cần biết ở mục tài liệu trên đã nói, bản này có bổ túc 2 chỗ là tên 8 vị bồ tát và chú. Việc bổ túc ấy do ai thì tìm chưa thấy, nhưng chú thích số 11 và số 13 của Chính 14/406 (tài liệu 3, bản chính) cho biết có bản bổ túc như vậy. Sự bổ túc này đã lưu hành xưa nay.

Ðiều phải nói hơn nữa, là cả 2 chỗ bổ túc trong tài liệu 1 đã có. Riêng về chú, tài liệu 1 không những có (Chính 21/536t) mà nói có lý hơn cả tài liệu 4 (là nơi trích chú). Tài liệu 1 lại có trước nhất và sớm nhất, vào đầu thế kỷ 4 (317), còn tài liệu 4 có gần 4 thế kỷ sau (707). Vậy trích 2 chỗ nói trên mà bổ túc cho tài liệu chính (tài liệu 3, có năm 650) là rất phải.

Mệnh đề

Kinh Bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai.

Mệnh đề này có nghĩa là bản kinh nói về bản nguyện và công đức của đức Dược sư.

Bản nguyện, bản, nghĩa đen là gốc, trước, của mình. Nguyện là thề nguyền, chí nguyện. Cái nguyện gốc, trước và của mình (đức Dược sư), gọi là bản nguyện.

Công đức, ở đây, nghĩa giản dị nhất, công là công tu, đức là được : hiệu quả đạt được bởi công năng tu tập, gọi là công đức. Công đức ấy của đức Dược sư gồm có :

– Chánh báo y báo trang nghiêm, tức thân thể và vũ trụ trang nghiêm của ngài ;

– Danh hiệu của ngài ;

– Những ích lợi (diệu dụng hay thần lực) mà ngài ban cho chúng sanh, trong đó có sự tiêu tai diên thọ.

Trong 3 loại công đức trên đây, danh hiệu có khi được tách ra mà nói danh hiệu, bản nguyện và công đức.

Dược sư lưu ly quang như lai là danh hiệu đầy đủ của đức Dược sư. Dược sư, Phạn tự là Bệ sát xã lũ rô (Bhaishajyaguru), nghĩa  đen : thầy thuốc chữa bịnh. Lưu ly quang là dịch âm (lưu ly) và dịch nghĩa (quang) Phạn tự Bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã (Vaiduryaprabha-rajaya), nghĩa đen : ánh sáng lưu ly. Lưu ly là dịch âm và gọi tắt tên một thứ ngọc đá. Ngọc này trong ngoài trong suốt màu xanh, vật gì gần nó cũng thành một màu ấy. Dược sư lưu ly quang như lai : một đức Như lai có danh hiệu là Thầy thuốc chữa bịnh, ánh sáng như ngọc lưu ly.

Cương yếu

Kinh này nội dung có 2 phần, là nói về bản nguyện và công đức của đức Dược sư. Phần danh hiệu chỉ là phần công đức tách ra.

Nhưng, nói về một đức Phật thì không phải chỉ có bản nguyện và công đức. Chỉ nói bản nguyện và công đức, vì đó là 2 phần nhân và quả của một đức Phật. Nhưng, nhân và quả của một đức Phật cũng không phải chỉ có bản nguyện và công đức. Chỉ nói bản nguyện và công đức là vì nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất là đề cao tha lực. Kinh này nói tự lực (sự hành trì của ta) thì ít, nói tha lực (sự gia hộ của Phật) mới nhiều. Mà nhân và quả của một đức Phật thì bản nguyện và công đức là 2 phần vì chúng sanh và cho chúng sanh, nên đặc biệt nêu lên.

Ðiều phải chú ý hơn hết là, như vừa nói, kinh này đề cao tha lực. Thật vậy, kinh này đề cao tha lực đến nỗi C5 trong B3 cho biết, sự gia hộ của Phật là điều thuộc “thậm thâm hành xứ” của Phật, điều của Phật làm và của Phật biết, chỉ “nhất sanh bồ tát” là bồ tát chỉ một đời nữa làm Phật mới tin và hiểu đúng như sự thực. Còn ngài A nan đi nữa mà tiếp nhận được là do uy lực của Phật, huống chi phàm phu chúng ta.


Lược giải

Như thường lệ, kinh này vẫn có 3 A : mở đầu, nội dung và kết thúc.

A1 mở đầu

Tôi nghe như vầy.

Một thời, đức Thế tôn du hóa các nước, đến thành Quảng nghiêm, dừng ở dưới cây Tiếng nhạc. Tám ngàn vị đại tỷ kheo, ba vạn sáu ngàn vị đại bồ tát, và các quốc vương, đại thần,  đạo sĩ cư sĩ tám bộ thiên long, loài người và loài không phải người, đại chúng vô lượng như vậy, cung kính vây quanh đức Thế tôn để được ngài thuyết pháp cho.

Tôi nghe như vầy (như thị ngã văn), nghĩa là “toàn bộ pháp thoại như thế này là do tôi nghe”. Câu này cũng có thể dịch tôi nghe như thế này, như vầy tôi nghe. Nhưng, như vầy là tiếng thổ ngữ, bất đắc dĩ mới dùng.

Ðạo sĩ (Bà la môn), Bà la môn đúng là giai cấp đạo sĩ, cũng như Sát đế lợi đúng là giai cấp võ sĩ. Tám bộ thiên long (thiên long bát bộ). Tám bộ là 8 loài : thiên, long, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà (Phạn tự : deva, naga, yaksha, gandharva, asula, garuda, kimnara, mahoraga). Tám bộ này, thiên và long là 2 loại mà đứng đầu, nên hay nói “thiên long bát bộ”. Nếu chép “thiên long dược xoa” thì cũng nói 8 bộ mà chỉ kê ra 3 loại đầu. Riêng kinh này, nếu chép “thiên long dược xoa” cũng có lý, vì C7 của B3, loại dạ xoa liên hệ nhiều đến kinh này.

Lúc ấy, Mạn thù pháp vương tử vâng theo uy thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên trái, gối bên phải quì xuống sát đất, hướng về đức Phật, cong mình, chắp tay mà thưa, bạch đức Thế tôn, con xin ngài nói về tướng loại như thế này, đó là danh hiệu, bản nguyện vĩ đại và công đức thù thắng của chư Phật, làm cho người nghe tiêu trừ những sự chướng ngại do nghiệp lực tạo ra. Là vì con muốn lợi lạc cho mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện. Ðức Thế tôn tán dương Mạn thù đồng tử, lành thay Mạn thù, lành thay, ông đem lòng thương rộng lớn thỉnh cầu Như lai nói về danh hiệu, bản nguyện và công đức của chư phật dể cứu vớt những kẻ bị nghiệp chướng buộc thắt, lợi lạc mọi người trong thời kỳ Phật pháp tương tự. Ôâng hãy nghe kỹ, suy nghĩ rất khéo, Như lai sẽ nói cho. Mạn thù bạch Phật, dạ, xin Phật chỉ dạy, chúng con thích thú mà nghe.

Mạn thù = Mạn thù thất lợi, Văn thù sư lợi, Văn thù : Manjushri. Pháp vương tử : thái tử của đấng Pháp vương. Chỉ ngài Mạn thù mới hay được gọi như vậy. Kinh này được hỏi bởi ngài Mạn thù, còn kinh Di đà do Phật tự nói chứ không ai hỏi được : hãy so sánh giữa 2 kinh, rồi so sánh giữa 2 kinh với các kinh, về sự mở đầu này mà thôi, cũng thấy được giá trị kinh này.

Tướng loại : sắc thái và bộ môn, tức danh hiệu, bản nguyện và công đức của chư Phật. Cũng có thể đọc “tương loại”, nghĩa là tương tự : tương tự giữa chư Phật, về danh hiệu, bản nguyện và công đức. Bản nguyện vĩ đại (bản đại nguyện) đúng ra phải dịch là đại nguyện gốc, trước. Thời kỳ Phật pháp tương tự (tượng pháp) Phật pháp có 3 thời kỳ. Trước thời kỳ này là thời kỳ Phật pháp nguyên chất (chánh pháp) và sau thời kỳ này là thời kỳ Phật pháp cuối cùng (mạt pháp). Nhưng tôi không tin kinh này chỉ nói cho người thuộc thời kỳ Phật pháp tương tự. Nói người thuộc thời kỳ này mới đa số tin và làm theo kinh này thì có lý hơn. Ðoạn văn trên có 2 chỗ dùng chữ tượng pháp (thời kỳ Phật pháp tương tự) là chỗ ngài Văn thù thỉnh và chỗ Phật khen. Chỗ trước, bản dịch 1 cũng dùng chữ tượng pháp (Chính 21/532g), bản dịch 3 dùng chữ lai thế chánh pháp hoại thời (Chính 14/401g), bản dịch 5 cũng dùng chữ tượng pháp (Chính 14/409t). Nhưng chỗ sau, bản dịch 1 chỉ dùng chữ nhất thế vô lượng chúng sanh (Chính 21/532g), bản dịch 3 chỉ dùng chữ chư thiên nhân (Chính 14/401g), bản dịch 5 chỉ dùng chữ vô lượng nghiệp chướng hữu tình (Chính 14/409g). Rất nên đối chiếu như vậy để thấy người mạt pháp không phải vô phần đối với kinh này.

Ðồng tử = kumara, nghĩa đen : trẻ thơ. Ở đây ý nghĩa là không có ý niệm dâm dục như tâm hồn trẻ thơ.

A2 nội dung, có 3 B

Lời thỉnh của ngài Văn thù và lời hứa của đức Thế tôn, trong văn mở đầu, đều nói danh hiệu, bản nguyện và công đức. Vậy nội dung kinh này nên chia ra 3 B : danh hiệu, bản nguyện và công đức của đức Dược sư.

B1. Danh hiệu

Phật dạy Mạn thù, phía đông, cách thế giới hệ này bởi những thế giới hệ   bằng số cát hơn mười sông Hằng, có một thế giới hệ tên Tịnh lưu ly. Ðức Phật ở đó danh hiệu là Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, phật : thế tôn.

Ðoạn này vắn tắt nhưng nói được 3  điều : chánh báo trang nghiêm của đức Dược sư, danh hiệu viên mãn của ngài, sau hết, mở đầu tổng quát cho nội dung kinh này (là nội dung nói về đức Dược sư). Tuy nói được đến 3 điều như vậy, phần danh hiệu viên mãn vẫn là phần chính.

Trước hết, thế giới hệ (thế giới) là chỉ  cho đại thiên thế giới, nên ngài Thái hư nói bằng với tinh vân hệ hay tinh hải hệ của thiên văn (TH 28/2326)(40), do đó, phải dịch là thế giới hệ mới đúng. Còn từ ngữ thế giới hay lầm lẫn với địa cầu. Mà địa cầu chỉ là một trong rất nhiều thành phần của tiểu thế giới(41). Ngàn tiểu thế giới là tiểu thiên thế  giới. Ngàn tiểu thiên thế giới là trung thiên thế giới. Ngàn trung thiên thế giới mới là đại thiên thế giới, có 1 tỷ tiểu thế giới (TH 28/2326).

Bây giờ nói danh hiệu của đức Dược sư. Danh hiệu “Dược sư lưu ly quang” đã cắt nghĩa. Nhưng, được gọi là một đức Phật, phải là đấng có 10 công đức lớn, tiêu biểu bởi 10 đức hiệu (dầu 10 công đức và 10 đức hiệu cũng chỉ nói tóm lược mà thôi). Mười đức hiệu, tài liệu chính (Chính 14/405) chép : như lai, ứng, chánh đẳng giác, minh hạnh viên mãn, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng trượng phu, điều ngự sĩ, thiên nhân sư, phật : bạc già phạn. Chép như vậy thì có 3 điều cần chú ý.

Một, 10 đức hiệu, thông thường thì nguyên Phạn tự như sau :

  1. Tathagata,
  2. Arhat,
  3. Samyaksambuddha,
  4. Vidyacarana-sampanna,
  5. Sugata,
  6. Lokavid,
  7. Anuttara,
  8. Purusa-damya-sarathi,
  9. Sasta-deavamanusyanam,
  10. Buddha-lokanatha.

Dịch nghĩa và chấm câu như sau :

  1. Như lai,
  2. Ứng cúng,
  3. Chánh biến tri,
  4. Minh hạnh túc,
  5. Thiện thệ,
  6. Thế gian giải,
  7. Vô thượng sĩ,
  8. Ðiều ngự trượng phu,
  9. Thiên nhân sư,
  10. Phật – thế tôn.

Nhưng đức hiệu Thế tôn, nếu dịch âm là Phật đà – lộ ca na tha, và nguyên Phạn tự là Buddha-lokanatha, thì Phật – thế tôn là 1 đức hiệu, nếu dịch âm là Bạc già phạn, và nguyên Phạn tự là Bhagavan, thì Thế tôn là đức hiệu riêng : đấng có 10 đức hiệu nên tôn xưng là Thế tôn (Pđ 252t). Ở đây, nguyên Hoa văn dịch âm là Bạc già phạn, thì Phạn tự là Bhagavan, nên Thế tôn là đức hiệu riêng, và phải chấm câu như đã chấm.

Hai, có mấy chỗ dịch nghĩa cần lưu ý :
Ứng = ứng cúng ;
Chánh đẳng giác (chánh đẳng chánh giác) = Chánh biến tri ;
Minh hạnh viên mãn = Minh hạnh túc ;
Vô thượng trượng phu = Vô thượng sĩ ;
Ðiều ngự sĩ = Ðiều ngự trượng phu.

Ba, 10 đức hiệu này, quan trọng nhất là như lai, ứng cúng, chánh biến tri, nên trong kinh này, và nhiều chỗ khác, có khi chỉ nói 3 đức hiệu ấy.

B2. Bản nguyện

Mạn thù, đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, xưa kia, khi làm hạnh bồ tát, đã phát ra mười hai đại nguyện, cốt làm cho mọi người thực hiện mọi sự mong ước.

Ðại nguyện thứ nhất, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì bản thân ánh sáng rực rỡ, chiếu soi vô số thế giới hệ. Thân ấy lại được trang hoàng bằng bâm hai tướng tốt của bậc đại trượng phu, và tám mươi tướng phụ. Lại làm cho mọi người không khác gì với con.

Ðại nguyện thứ hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì thân như ngọc lưu ly, trong ngoài trong suốt, không chút vẩn đục, ánh sáng to lớn và chiếu tỏa xa rộng. Công đức đồ sộ, lại khéo an trú. Những tia sáng rực rỡ, dệt nhau như mạng lưới, và tráng lệ quá hơn nhật nguyệt. Chúng sanh tối tăm được soi sáng cả, nên tùy ý hướng mà làm mọi sự nghiệp.

Ðại nguyện thứ ba, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vận dụng vô lượng trí tuệ và phương tiện, làm cho mọi người cùng được vô tận những vật hưởng dụng, không để cho ai có sự thiếu thốn.

Ðại nguyện thứ tư, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì những kẻ đi theo tà đạo đều được làm cho ở yên trong đạo giác ngộ, những người tu theo thanh văn duyên giác đều được xây dựng bằng pháp đại thừa.

Ðại nguyện thứ năm, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì vô số người tu hành phạn hạnh trong chánh pháp của con, con làm cho tất cả được giới thể không thiếu sót, trọn vẹn giới pháp ba loại. Giả sử phá phạm đi nữa, nghe danh hiệu con rồi là phục hồi thanh tịnh, không rơi vào đường dữ.

Ðại nguyện thứ sáu, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ thân hình thấp kém, giác quan không đủ, xấu xí, u mê, mù điếc, câm ngọng, tay quắp, chân quẹo, lưng gù phung lác, điên cuồng, đủ thứ bịnh khổ, nhưng nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều đẹp đẽ, thông minh, giác quan hoàn bị, hết mọi bịnh khổ.

Vạn 35/1 73a, dẫn kinh A tu la nói, Lưu ly quang bồ tát gặp Trí thắng phật thì bắt đầu phát ra đại nguyện tổng quát, nơi Bảo đảnh phật mới phát ra đại nguyện riêng biệt. Lại dẫn kinh Thập phương chư Phật hiện tiền, nói, nơi Thanh long quang phật phát ra 12 đại nguyện. Như vậy, văn từ 12 đại nguyện chữ “ngã” phải dịch “con”, vì là lời Bồ tát nguyện với Phật.

Tuệ giác vô thượng, nguyên Hoa văn ở đại nguyện 1 nói đủ là A nậu đa la tam niệu tam bồ đề (Anuttara – samyaka – sambodhi), ở 11 đại nguyện sau nói tắt là bồ đề. Ðó là tuệ giác của Phật. Nói được tuệ giác ấy có nghĩa là nói thành Phật. Lại khéo an trú (thân thiện an trú), chữ thân bỏ, vì nó đã là chủ từ cả đoạn văn này. Khéo an trú : khéo ngồi yên tịnh, khéo yên tịnh. Giới pháp ba loại (tam tụ giới) = giới pháp bồ tát, cùng lúc phải đủ nhiếp luật nghi (đoạn ác) nhiếp thiện pháp (tu thiện) nhiêu ích hữu tình (lợi người). Nghe danh hiệu con rồi là nói tắt. Nói đủ một chút thì “rồi, biết nhất tâm qui y, trì niệm, thì nhờ năng lực phước đức và uy thần của con… “

Ðại nguyện thứ bảy, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị mọi thứ bịnh khổ hành hạ mà không ai cứu giúp, không nơi nương tựa, không có y sĩ, không có dược liệu, không có thân thuộc, không có nhà cửa, nghèo nàn lắm khổ, thì danh hiệu của con, một khi đi qua thính giác của họ, là bịnh khổ tan biến, thân tâm an lạc, nhà cửa, thân thuộc và đồ dùng, đầy dủ tất cả, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ tám, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, nếu có nữ nhân nào bị hành hạ bởi cả trăm thứ khổ sở của nữ nhân, nên cùng cực chán ngán, muốn thoát thân ấy, thì nghe danh hiệu con rồi, tất cả đều chuyển thân nữ nhân thành thân nam tử, đủ tướng trượng phu, cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ chín, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, thì làm cho mọi người thoát khỏi mạng lưới của ma vương, cởi mở thắt buộc của ngoại dạo. Sa vào rừng rậm ác kiến thì sẽ được dẫn ra, đem đặt vào chánh kiến, và dần dần làm cho họ thực tập các hạnh bồ tát, để thực hiện một cách mau chóng tuệ giác vô thượng.

Ðại nguyện thứ mười, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng,  thì những kẻ bị phép vua ghi sổ, xích trói đánh khảo, giam nhốt lao ngục, sắp bị hành hình, cọng với vô lượng tai nạn khổ nhục, bi thảm sầu muộn khác nữa, ngâm nấu bức bách, làm cho cả cơ thể lẫn tâm trí đều chịu thống khổ, nhưng nghe danh hiệu của con, thì vì năng lực phước đức và uy thần  của con mà họ thoát hết mọi sự lo sợ khổ sở.

Ðại nguyện mười một, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ bị đói khát hành hạ, vì cầu cái ăn mà làm mọi ác nghiệp, nhưng nghe được danh hiệu của con, nhất tâm thọ trì, thì trước hết con làm cho họ no đủ cơ thể bằng thực phẩm tuyệt diệu, sau đó con sẽ đem cái vui cứu cánh của pháp vị mà xây dựng cho họ.

Ðại nguyện người hai, nguyện con sau này, khi được tuệ giác vô thượng, những kẻ nghèo thiếu y phục, ngày đêm khổ sở vì muỗi mòng lạnh nóng, nếu nghe danh hiệu của con mà nhất tâm thọ trì, thì như sở thích của họ, họ được liền những thứ y phục tuyệt diệu, lại được những đồ trang sức bằng vàng ngọc. Hoa vòng, hương xoa, âm nhạc hòa tấu và mọi kỹ thuật biểu diễn, tùy ý họ thích, con làm cho đầy đủ tất cả.

Mạn thù, dó là mười hai đại nguyện tối thượng, nhiệm mầu, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát.

Trong đại nguyện thứ 7, nhà cửa thân thuộc (gia thuộc tư cụ), tài liệu 9 (Anh văn, trang 4 dòng 11) dịch là gia tộc, bạn bè. Cho đến thực hiện được tuệ giác vô thượng, câu này, và những văn ý tương tự, có 2 điểm cần chú ý : (a) chính sự sống và phương tiện để sống, đã được sau khi trì niệm danh hiệu Phật, cũng là công cụ dẫn đến sự thành Phật ; (b) chữ cho đến là nói tắt sự tu dần các hạnh bồ tát. Pháp vị : mùi vị chánh pháp. Chánh pháp đem lại hoan lạc thật, bền, và cho cả thân lẫn tâm, nên gọi là pháp vị.

B3. Công đức, có 7C

B3 này có 7C : 1. nói về y chánh trang nghiêm, 2. nói về đại dụng của danh hiệu, 3. nói về đại dụng của chú, 4. nói về đại dụng của sự phụng trì, 5. nói là chỗ hiểu biết sâu xa của Phật(42), 6. nói cách tiêu tai diên thọ, 7. nói sự hộ vệ của Dạ xoa. Tổng quát thì, bằng 7 cách nói, C3 này nói về y chánh, danh hiệu và diệu dụng, là 3 đại yếu công đức của đức Dược sư. Cũng nên nói thêm, công đức ấy là của đại nguyện, do đại nguyện thành tựu.

C1. nói về y chánh trang nghiêm

Nhưng văn này chỉ nói y báo trang nghiêm của đức Dược sư. Mà nói rất vắn tắt. Còn chánh báo trang nghiêm đã nói trong B1.

Mạn thù, những đại nguyện tối thượng của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai đã lập ra khi còn làm hạnh bồ tát, và những công đức trang nghiêm của thế giới hệ đức Phật ấy, Như lai diễn tả trong một đại kiếp, hay hơn một đại kiếp, cũng không thể cùng tận. Thế giới hệ của đức Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không có nữ nhân, không có ác đạo, không có cả đến cái tiếng thống khổ. Ðất làm bằng ngọc lưu ly. Ðường ngăn bằng giây vàng. Thành, cửa thành, cung điện, lầu gác, mái hiên, cửa sổ, lưới giăng, toàn bằng bảy thứ quí báu. Y như thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, công đức trang nghiêm không khác gì cả.

Ðại kiếp (kiếp), kiếp này là đại kiếp. (TH 28/2326). Kiếp, Phạn tự là kalpa, âm : kiếp ba, nghĩa : trường thời (thời kỳ dài). Kiếp có tiểu, trung và đại. Sự sống con người từ 10 tuổi, cứ mỗi trăm năm tăng 1 tuổi, tăng đến 84.000 tuổi gọi là 1 tăng. Sự sống con người từ 84.000 tuổi, cứ mỗi trăm năm giảm 1 tuổi, giảm đến 10 tuổi gọi là 1 giảm. Mỗi 1 tăng hay mỗi 1 giảm gọi là tiểu kiếp ; mỗi 1 tăng và giảm gọi là trung kiếp (4 thời kỳ thành, trú, hoại, không, mỗi thời kỳ có 20 trung kiếp) ; 4 thời kỳ (nghĩa là 80 lần tăng và giảm) là 1 đại kiếp : đó là thuyết Câu xá luận. Mỗi 1 tăng và giảm mới là tiểu kiếp ; 20 tiểu kiếp (20 lần tăng và giảm) mới là trung kiếp, 4 thời kỳ thành, trú, hoại, không, mỗi thời kỳ có 1 trung kiếp, 4 thời kỳ (nghĩa là 80 lần tăng và giảm) là 1 đại kiếp : đó là thuyết Trí độ luận. Cả 2 thuyết đồng nhau về số lượng của đại kiếp.

Ðường ngăn bằng giây vàng là chỉ hay lề đường bằng vàng. Lưới giăng : kể cả các đường xoi hồi văn. Bảy thứ quí báu : kinh Di đà nói là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ xích châu, mã não (suvarna, rupya, vaidurya, sphatika, musara galva, rohita-mukta, asmagarbha).

Thế giới hệ ấy có hai vị đại bồ tát, thứ nhất danh hiệu Nhật quang biến chiếu, thứ hai danh hiệu Nguyệt quang biến chiếu. Ðó là hai vị đứng đầu chúng bồ tát nhiều vô số lượng của thế giới hệ ấy, thứ lớp kế vị thành Phật, và cùng có khả năng nắm giữ kho tàng ngọc báu chánh pháp của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Thế nên, Mạn thù, những thiện nam hay thiện nữ có đức tin hãy nguyện sanh thế giới hệ của đức Phật ấy. 

Thứ lớp kế vị thành Phật (thứ bổ Phật xứ), nghĩa đen : kế tiếp bổ vào chỗ Phật. Thứ bổ Phật xứ cũng gọi tắt là bổ xứ : bổ vào chỗ Phật. Lại hay thêm “nhất sanh bổ xứ”: một đời nữa là bổ vào chỗ Phật. Thêm bớt gì cũng chỉ một nghĩa : vị bồ tát chỉ  còn một đời nữa là thành Phật, thay vào chỗ  đức Phật của mình. Vị bồ tát như vậy gọi là bổ xứ bồ tát. Vì còn hệ thuộc một đời nên cũng gọi là nhất sanh sở hệ bồ tát. Như bổ xứ bồ tát của đức Thích ca là đức Di lạc, của đức Di đà là đức Quan âm, của đức Dược sư là đức Nhật quang (và sau đó là đức  Nguyệt quang).

Nguyện sanh thế giới hệ của đức Phật ấy, chú ý : sanh, chứ không phải vãng sanh. Nói vãng sanh chỉ để dễ hiểu. Mười phương quốc độ đều duy Tâm sở hiện. Tâm uế thì sanh uế độ, Tâm tịnh thì sanh tịnh độ. Sanh nghĩa là hiện khởi, hiện hành.

C2. nói về đại dụng của danh hiệu, có 5 D

Ðại dụng ấy đâu phải chỉ năm ba việc. Sau đây chỉ là nói 5 việc làm điển hình mà thôi.

D1. diệt sự tham lẫn mà được sự bố thí

Lúc ấy, đức Thế tôn lại bảo Mạn thù đồng tử, Mạn thù, có những kẻ không nhận thức cái lẽ thiện ác, chỉ giữ thói tham lẫn mà không biết bố thí và phước báo bố thí. Ngu muội, không có trí tuệ, thiếu cả đức tin. Dồn chứa tài sản vàng ngọc cho nhiều, nỗ lực mà giữ. Thấy người xin đến, lòng họ không vui. Giả sử bất đắc dĩ mà bố thí, thì lúc đó đau tiếc sâu xa như cắt thịt mình. Lại còn lắm kẻ tham lẫn, dồn chứa tài sản, mà đối với bản thân của họ, họ còn không hưởng dụng, huống chi có thể đem cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người làm hay kẻ đến xin. Những kẻ ấy, sinh mạng kết thúc ở đây thì sanh trong thế giới quỉ đói hay súc vật. Nhưng xưa kia, khi ở trong loài người, từng được thoáng nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, nên ngày nay, dẫu ở trong ác đạo, vẫn thoáng nhớ danh hiệu của đức Như lai ấy, và ngay khi nhớ thì chết ở ác đạo mà sanh lại loài người, được sự nhớ đời trước nên sợ nỗi khổ ác đạo mà không ham dục lạc, thích bố thí và ca tụng người bố thí. Có gì cũng không tiếc. Dần dần tiếp theo, đầu mắt, tay chân, máu thịt, và những bộ phận khác của cơ thể, còn có thể đem cho người đến xin, huống chi những thứ tiền tài sản vật khác. 

 Người làm (tác sứ) : người làm việc cho mình, người của mình sai sử. Ngay khi nhớ thì chết ở ác đạo mà sanh lại loài người, được sự nhớ đời trước nên sợ nỗi khổ ác đạo mà không ham dục lạc, thích bố thí và ca tiếng người bố thí, đó là những hiệu quả tốt của sự nhớ lại danh hiệu Phật. Ở trong ác đạo mà nhớ lại được danh hiệu Phật mới khó. Nên chết liền ở ác đạo và nhớ đời trước ở đó chính là phước báo. Rồi dần dần có gì cho nấy, cho cả của ở trong là tư tưởng, sức lực, uy thế và cơ thể, thì đó là hành bồ tát đạo và cũng là hiệu quả của sự nhớ lại danh hiệu Phật. 

D2. diệt sự phạm tội mà được sự giữ giới

Mạn thù, có kẻ dầu thọ giới pháp với Như lai mà lại phá giới pháp ấy. Có kẻ không phá giới pháp mà phá qui tắc. Có kẻ đối với giới pháp và qui tắc tuy được sự không phá hoại, nhưng lại phá hoại chánh kiến. Có kẻ không phá hoại chánh kiến mà bỏ phế đa văn, nên đối với nghĩa lý sâu xa của kinh Phật nói không thể lý giải. Có kẻ tuy đa văn mà thượng mạn : vì thượng mạn úp che tâm trí nên cho mình phải, bảo người trái, ghét chê cả chánh pháp, làm bè đảng với ma. Những kẻ ngu si như vậy tự mình đã làm theo tà kiến, lại làm cho vô số người khác rơi xuống hố lớn nguy hiểm. Những kẻ ấy đáng lý trôi lăn vô cùng trong địa ngục, súc sanh và loài quỉ. Nhưng nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, thì bỏ ngay tánh ác tu các pháp lành, và sẽ không sa vào các ác đạo. Giả sử có kẻ vẫn không thể bỏ ngay tánh ác, tu các pháp lành, và phải sa vào ác đạo đi nữa, thì nhờ uy lực đại nguyện của đúc Dược sư lưu ly quang như lai mà làm cho họ thoáng nghe được danh hiệu của ngài, sinh mạng kết thúc ở ác đạo, sanh lại trong loài người, được chánh kiến, tinh tiến, và ý thích khéo thuần hóa, nên thoát ly gia đình, đi đến phi gia đình, ở trong pháp Như lai mà thọ giới, giữ giới, không có phạm giới mà lại chánh kiến, đa văn, lý giải nghĩa lý cực kỳ sâu xa mà lại viễn ly thượng mạn, không chê chánh pháp, không làm bạn ma, dần dần tu hành các hạnh bồ tát và đầy đủ một cách mau chóng.

Qui tắc cũng là giới luật mà gồm hết các phần uy nghi và “kiền độ”, nói tóm, là mọi qui định về tất cả sự tổ chức và sinh hoạt của hàng xuất gia. Thượng mạn = tăng thượng mạn, là sự kiêu ngạo cho mình đã được pháp tăng thượng. Ở đây là tự thị sự đa văn cho là đã thấu triệt. Ðáng lý trôi lăn vô cùng, đáng lý, nguyên văn là ưng, nghĩa đen : nên, phải, lẽ ra, đáng lý. Mà nói như vậy là gần như nói định nghiệp. Vậy mà nghe (và trì) danh hiệu Phật thì sự đáng lý ấy không còn nữa, chứn g tỏ diệu dụng của danh hiệu Phật thật lớn và mạnh. Nhờ uy lực đại nguyện của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà làm cho họ thoáng nghe được danh hiệu của ngài, nên chú ý văn và nghĩa của câu “nhờ uy lực đại nguyện “… “Làm cho họ thoáng nghe” (linh kỳ hiện tiền tạm văn), đủ thì phải dịch : làm cho họ hiện tại thoáng nghe. Hiện tại đây là đang lúc sa vào ác đạo. Ði đến phi gia đình (thú ư phi gia) thấy có người dịch từ Paly là sống không gia đình. Làm bạn ma : làm bè đảng với ma. Ma đây là ma vương.

D3. diệt sự ganh ghét mà được sự giải thoát

Mạn thù, có những kẻ tham lẫn ganh ghét, tán tụng bản thân, công kích kẻ khác, nên sẽ sa vào ba ác đạo, nhiều lần ngàn năm chịu mọi sự khổ sở khốc liệt. Chịu khổ sở khốc liệt rồi,  sinh mạng kết thúc ở đó mà đến sanh trong loài người, thì làm trâu bò, lừa ngựa, lạc đà, thường bị đánh đập, đói khát hành hạ, lại luôn luôn mang nặng, chở nhiều, và đi theo đường phải đi ; hoặc được làm người thì sinh nơi hèn hạ, làm tôi tớ người, bị người sai sử, thường mất tự do. Nhưng nếu xưa kia, khi còn làm người, từng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì do nhân lành ấy mà nay nhớ lại, chí tâm qui y, nhờ thần lực của Ngài mà thoát hết khổ sở, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ đa văn, thường cầu thắng pháp, thường gặp thiện hữu, đứt hẳn lưới ma, đập vỏ vô minh, khô sông phiền não, giải thoát hết thảy sinh lão bịnh tử, lo buồn khổ não.

Trâu bò (ngưu), Hoa văn thì trâu bò gì cũng là ngưu, phân biệt chăng là thủy ngưu hoàng ngưu mà thôi. Thắng pháp : chánh pháp hơn hết.

D4. diệt sự hại nhau mà được sự thương nhau

Mạn thù, có những kẻ tính thích chống đối, ly gián, đấu tranh, kiện tụng, gây bực tức và rối loạn cho bản thân và kẻ khác. Ðem cả thân thể, lời nói và ý nghĩ mà tạo ra và thêm lớn đủ thứ ác nghiệp. Gây mãi cho nhau những sự bất lợi để mưu hại lẫn nhau. Cáo triệu những vị thần rừng núi, cây cối mồ mả, giết sinh vật lấy máu huyết mà cúng tế dạ xoa, la sát, viết tên người mình oán, làm hình và ảnh của người ấy, đem chú thuật tàn ác mà thư, ếm phù chú, dùng thuốc độc, chú quỉ khởi thi –  dùng mọi cách này mà làm đứt sinh mạng người ấy, làm chết thân họ. Người ấy nếu được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, thì mọi việc dữ trên không cách nào hại được. Lại cùng kẻ kia, tất cả đôi bên đều nổi dậy từ tâm đối với nhau, làm lợi ích an lạc mà không còn ý thức thương tổn hay tâm lý ghét giận. Ðôi bên cùng vui đẹp. Ðối với những thứ mình hưởng thụ, ai cũng thích vừa đủ thì thôi, không muốn lấn nhau, chỉ làm lợi ích cho nhau.

Gây mãi cho nhau những sự bất lợi để mưu hại lẫn nhau… (triển chuyển thường vi bất nhiêu ích sự, hỗ tương mưu hại) cũng có thể dịch : gây mãi cho nhau những sự bất lợi, mưu hại lẫn nhau, bằng cách… Dạ xoa (dược xoa = yaksha) một loại quỉ ăn thịt người, mạnh, nhanh, khó lường, ở trên mặt đất, trong không gian và trên chư thiên. La sát ( = raksasa) tên chung các ác quỉ, ăn uống máu thịt loài người, phi trong không hoặc đi trên đất, giống cái rất đẹp (và gọi là raksasi).

Thuốc độc (cổ đạo) : đồ độc luyện có thuật, với ác ý. Chú quỉ khởi thi nghĩa là chú cho thây chết đứng dậy. Dùng chú Vetala tụng mà chú cho thây chết đứng dậy, bảo đi giết người, gọi là quỉ khởi thi (Phạn : krtya, Paly : kicca). Người ấy nếu được nghe danh hiệu…, người ấy là “người mình oán” ở trên, là người bị thù oán. Lại cùng kẻ kia…, kẻ kia là kẻ thù oán, kẻ đã dùng mọi cách mà hại người ở trên. Ðôi bên cùng vui đẹp (các các hoan duyệt) cũng có thể dịch nôm na là ai nấy đều vui vẻ. Thích vừa đủ thì thôi (hỷ túc = tri túc) dịch không thừa thì chỉ là thích đủ.

D5. được sanh Cực lạc hay các sự chuyển sanh khác

Mạn thù, trong bốn chúng tỷ kheo, tỷ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, và những thiện nam thiện nữ khác có đức tin thuần tịnh, nếu ai có khả năng thọ trì Bát quan trai giới, bằng cách hoặc cả năm hoặc ba tháng, thọ trì giới ấy. Rồi đem thiện căn này nguyện sanh thế giới hệ Cực lạc ở phía tây, chỗ A di đà phật, để được nghe chánh pháp của ngài, nhưng chưa quyết định. Nếu nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì đến khi sinh mạng kết thúc, có tám vị đại bồ tát danh hiệu Văn thù sư lợi bồ tát, Quan thế âm bồ tát, Ðắc đại thế bồ tát, Vô tận ý bồ tát, Bảo đàn hoa bồ tát, Dược vương bồ tát, Dược thượng bồ tát và Di lạc bồ tát, tám vị đại bồ tát này lướt không gian mà đến, chỉ đường cho người ấy. Tức thì người ấy tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bằng các thứ ngọc, và đủ mọi màu sắc xen lẫn với nhau, của thế giới hệ Cực lạc.

Cả năm (nhất niên) : trọn một năm, mỗi năm. Cả năm thọ trì Bát quan trai giới là mỗi tháng trong một năm thọ trì 6 ngày : 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu thì lui lại các ngày 28, 29). Ba tháng là mỗi năm thọ trì Bát quan trai giới bằng cách chay tịnh 3 tháng : giêng, năm và chín.

Danh hiệu 8 vị đại bồ tát là trích bản dịch 1 (Chính 21/533d) mà bổ túc. Danh hiệu ấy, Phạn tự như sau, trích tài liệu 9.

Manjushri,
Avalokitesvara,
Maha srhama prapta,
Akohayamati,
Pouh thang tha (Hoa văn),
Bhaishajyaraja,
Bhaisajyasamudgata,
Maitreya.

Ðoạn này nói danh hiệu của đức Dược sư làm cho những người nguyện sanh Cực lạc được quyết định sanh thế giới hệ ấy. Ðoạn dưới đây nói danh hiệu của Ngài làm cho người sanh lên cõi trời, hoặc làm cho người chuyển nữ thành nam :

Cũng có người nhờ sự ấy mà sanh lên cõi trời. Tuy sanh lên cõi trời, nhưng thiện căn xưa cũng chưa cùng tận, và không còn sanh lại tại các ác đạo. Mà sự sống lâu trên cõi trời chấm hết thì sanh lại trong nhân gian. Bằng cách hoặc sanh làm luân vương, thống nhiếp cả bốn đại châu, uy đức tự tại, xây dựng vô lượng trăm ngàn chúng sanh vào mười thiện nghiệp. Hoặc sanh vào dòng sát đế lợi, bà la môn, cư sĩ, đại gia, nhiều tiền tài, lắm vàng ngọc, kho bồ tràn đầy, thân hình và tướng mạo đều đẹp đẽ trang nghiêm, bà con và bạn bè cùng đầy đủ, trí tuệ thông minh, sức lực mạnh mẽ như đại lực sĩ. Nếu là phụ nữ mà được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, nhất tâm thọ trì, thì về sau không còn chịu lại thân thể phụ nữ.

Sự ấythiện căn xưa đều chỉ cho việc thọ trì Bát quan trai giới cả năm hay ba tháng nói trên. Ðại gia : gia đình thế tộc hoặc tôn xưng phụ nữ (đại gia = đại cô). Luân vương = chuyển luân vương. Luân vương có 7 thứ quí báu, nhưng quan trọng là bánh xe (luân). Luân vương có 4 : bánh vàng, bánh bạc, bánh đồng, bánh sắt. Luân vương có bánh xe vàng thì thống trị cả 4 đại châu : đông là Thắng thần châu, nam là Thiệm bộ châu, tây là Ngưu hóa châu, bắc là Câu lô châu. Các vị luân vương khác, bánh xe sắt chỉ thống trị 1 đại châu phía nam,  bánh xe đồng chỉ thống trị 2 đại châu phía nam và phía tây, còn bánh xe bạc chỉ thống trị 3 đại châu phía nam, phía tây và phía đông.

Mười thiện nghiệp là đình chỉ 10 ác nghiệp :

Thân        không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dục,

Miệng      không nói dối trá, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói thô ác,

Ý             không tham lam, không sân hận, không tà kiến,

C3. nói về đại dụng của chú

Trọn phần này trích bản dịch 5) (Chính 14/414g) mà bổ túc.

Mạn thù, khi đức Dược sư lưu ly quang như lai thành tựu tuệ giác vô thượng bồ đề, thì do năng lực đại nguyện xưa mà quán sát chúng sanh bị mọi bịnh khổ, như những bịnh gầy ốm, co quắp, tiêu khô, vàng nóng, hoặc bị trúng bùa ếm, thuốc độc, hoặc chết non, chết ngang trái. Muốn làm cho họ tiêu trừ những bịnh khổ ấy, sở cầu mãn nguyện, nên bấy giờ đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai nhập định danh hiệu Diệt trừ mọi khổ não của chúng sanh. Nhập định ấy rồi, từ trong nhục kế phóng ra ánh sáng lớn. Trong ánh sáng này diễn ra đà la ni vĩ đại sau đây : Nam mô, Bạc già phạt dế, bệ sát xã lũ rô – bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế, tam miệu tam bột đà da, đát điệt tha : Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ – bệ sát xã – tam một yết đế, sa ha. Khi trong ánh sáng diễn ra đà la ni vĩ đại ấy rồi, đại địa chấn động, phóng ánh sáng lớn, hết thảy chúng sanh bịnh khổ tiêu trừ, hưởng được cái vui yên ổn. Mạn thù, nếu thấy nam tử hay nữ nhân, ai bị bịnh khổ, thì nên nhất tâm vì bịnh nhân ấy mà luôn luôn tinh khiết, tắm rửa, súc miệng, rồi đem thực phẩm, dược phẩm, hay nước không có trùng, trì chú này một trăm lẻ tám biến, cho họ uống, ăn, thì bịnh khổ họ có tiêu tan tất cả. Nếu có cần gì, chí tâm tụng niệm thì cũng được như vậy, lại không bịnh, thêm tuổi và sau khi sinh mạng kết thúc thì sanh thế giới hệ của đức Dược sư lưu ly quang như lai, được sự không còn thoái chuyển cho đến tuệ giác bồ đề. Vì vậy, Mạn thù, nếu có nam tử nữ nhân nào đối với đức Dược sư lưu  ly quang như lai mà chí tâm, tha thiết, cung kính, cúng dường, thì hãy thường trì chú này, đừng để phế bỏ, quên mất.

 Trước hết, đây là mấy chỗ cần âm thích. Thuốc độc (cô độc = cô đạo) : coi lại trang 105. Chết ngang trái (hoạnh tử), hoạnh là phi lý, bất trắc, dữ dội ; hoạnh tử là chết không đáng, ngang trái, dữ dội hay bất trắc. Ðà la ni (dharani) dịch tổng trì, có nghĩa nắm giữ toàn thể. Ở đây, đà la ni là chú, 1 trong 4 đà la ni (văn, nghĩa, chú, nhẫn). Chú mà gọi đà la ni, vì chú do thiền định phát khởi và tổng trì vô lượng văn nghĩa, vô lượng công đức. Mật giáo còn nói, đà la ni dịch là minh (đà la ni do ánh sáng của Phật diễn ra) là chú (hiệu nghiệm như thần, diệt trừ tai họa) là mật ngữ (không thể hiểu nổi) là chân ngôn (lời nói chân thật của Phật). Luôn luôn tinh khiết, dịch luôn luôn là vì có bản chép chữ thường vào đây. Nhưng tuồng như không cần phải như vậy. Trừ trường hợp muốn như vậy.

Bây giờ có 4 chi tiết quan trọng cần nói.

Chi tiết thứ I, theo bản dịch 1 (Chính 21/536) thì tên 12 đại tướng Dạ xoa và chú này đều do Cứu thoát bồ tát nói. Xét văn ý xuất xứ trên, và văn ý của chú, thấy như vậy có lý hơn.

Chi tiết thứ 2, sau đây là Phạn tự của chú, trích tài liệu 9, phần Anh văn, trang 11 : Namo bhagavate bhaishajyaguru vaiduryaprabha rajaya tathagataya arhate samyaksambuddhaya tadyatha. Om bhaishajye bhaishajye bhaishajya samudgate svaha.

Chi tiết thứ 3, Vạn 35/189a nói, Nam mô (namo) dịch qui y. Bạc già phạt đế  (bhaigavate) dịch thế tôn. Bệ sát xã lũ rô (bhaishajyaguru) dịch Dược sư. Bệ lưu ly bát lạt bà – hát ra xà dã (vaiduryaprabha-rajaya) dịch âm và nghĩa là lưu ly quang. Ðát tha yết da dã (tathagataya) dịch như lai. A ra hát đế (arhate) dịch ứng cúng. Tam miệu tam bột đà da (samyaksambuddhaya) dịch chánh biến tri. Ðát diệt tha (tadyatha) dịch tức thuyết chú viết. Liên lạc lại, có nghĩa : Qui kính đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, nói chú như sau. Từ chữ Án đến chữ sa ha mới là chú, mật ngữ.

Chi tiết thứ 4, tôi cắt in ảnh nơi 2 trang phụ sau đây : a. nguyên Phạn tự cổ của chú này (và 1 câu tiểu

 
chú), cắt Vạn 35/196a ; b. nguyên Phạn tự cổ, và một lối dịch âm khác, của chú này, cắt Chính 19/21

C4. nói về đại dụng của sự phụng trì, có 3 D

Ðại dụng này cũng không phải chỉ năm ba việc. Sau đây chỉ là nói điển hình mà thôi.

D1. Phật dạy tổng quát và ngài Văn thù phát nguyện

Mạn thù, nếu nam tử hay nữ nhân có đức tin thuần tịnh, được nghe danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, ứng cúng, chánh biến tri, nghe rồi trì niệm. Sáng sớm đánh răng, tắm rửa, súc miệng sạch sẽ, đem các thứ hương hoa, trong đó có hương đốt, hương xoa, và diễn tấu kỹ nhạc mà cúng dường hình tượng của ngài. Ðối với kinh này, hoặc tự chép, hoặc bảo người chép, nhất tâm thọ trì, nghe học nghĩa lý. Ðối với pháp sư giảng giải kinh này, cũng nên cúng dường, mọi đồ giúp sống thân thể mà mình có, hãy cúng dường đầy đủ, đừng để vị ấy thiếu thốn. Như vậy thì được chư Phật hộ niệm, sở cầu mãn nguyện, cho đến thực hiện tuệ giác bồ đề.

Lời này, cũng như trọn C3 ở trên, vẫn trích Chính 14/414d, nhưng đã đổi những chữ “bảy đức Phật như trên” (như thượng thất Phật) thành những chữ “đức Dược sư lưu ly quang” (Dược sư lưu ly quang). Lời này chỉ tài liệu 4 (bản dịch 5) có.

Lời này Phật dạy tổng quát về sự cúng dường hình tượng đức Dược sư, cúng dường kinh Dược sư, và cúng dường pháp sư giảng dạy kinh ấy. Ích lợi của sự cúng dường như trên là được chư Phật hộ niệm. Hộ niệm : gia hộ, tưởng nhớ, truyền cảm hứng. Ðược chư Phật hộ niệm nên cầu gì được nấy, cho đến thực hiện tuệ giác bồ đề (nghĩa là thành Phật). Tuệ giác bồ đề, chữ tuệ giác là thêm cho dễ hiểu, thật ra chính bồ đề là tuệ giác. Nhưng nói bồ đề chỉ là nói tắt A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.

Trong lời trên, còn nên chú ý câu diễn tấu kỹ nhạc (tác chúng kỹ nhạc). Cứ như chỗ tôi hiểu, thì tác chúng kỹ nhạc có 2 nghĩa hẹp và rộng. Hẹp thì chỉ có nghĩa hòa tấu các nhạc khí. Rộng thì có nghĩa biểu diễn các kỹ thuật, trong đó có sự hòa tấu nhạc khí.

Lúc ấy Mạn thù đồng tử bạch Phật, bạch đức Thế tôn, con nguyện khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, thì dùng mọi cách làm cho những thiện nam hay thiện nữ có đức tin thanh tịnh được nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Cho đến trong lúc ngủ, con cũng đem danh hiệu Ngài thức tỉnh thính giác của họ. Bạch đức Thế tôn, đối với kinh này thì thọ trì đọc tụng hay tuyên thuyết khai thị cho người, tự chép hay bảo người chép, cung kính tôn trọng, đem hiến cúng những thứ hương hoa, hương xoa, hương vụn, hương đốt, vòng hoa, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái, và kỹ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc. Lấy tơ lụa có năm màu sắc làm bao mà đựng. Quét rưới chỗ thanh tịnh, trần thiết dá cao mà để. Thì khi ấy bốn đại thiên vương, cùng tùy thuộc của họ, và vô số trăm ngàn thiên chúng, đều đến chỗ đó mà cúng dường, hộ vệ. Bạch đức Thế tôn, những chỗ kinh bảo này lưu hành, có ai thọ trì được, thì vì bản nguyện, công đức, và danh hiệu được nghe, của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, mà nên biết chỗ ấy không còn chết ngang trái, không còn bị những quỉ thần ác đoạt mất tinh chất. Ðã bị đoạt thì được lại như cũ, thân tâm an lạc.

Khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, là khi tượng pháp xuất hiện. Nhưng tra các bản dịch, câu này khác nhau như sau : Bản dịch 1 “Phật khứ thế hậu’ (Chính 21/533d), bản dịch 3 “hậu thời” (Chính 14/403t) ; bản dịch 5 “mạt pháp” (Chính 14/4 14d). Sở dĩ tôi quan tâm và tra kỹ, vì như trước tôi đã nói, tôi không tin kinh này chỉ nói cho người tượng pháp.

Dá cao (cao tòa) tòa là cái dá, cái ghế hay bàn. Bốn đại thiên vương : đông là Trì quốc (Dhritarastra), nam là Tăng trưởng (Virudhaka), tây là Quảng mục (Virupaksa), bắc là Ða văn (Dhanada hay Vaisramana) ; 4 vị này hộ vệ 4 đại châu loài người nên gọi là 4 thiên vương hộ thế (hộ vệ thế gian). Tinh chất (tinh khí), tài liệu 9 (Anh văn, trang 13) và Pđ 2511t đều có ý nói là khí lực tinh thần của con người. Tôi cho chữ này chỉ có nghĩa đen thông thường, nghĩa là nói về tinh khí thật. Nhưng, để bớt thô, tôi đã đổi tinh khí ra tinh chất. Còn muốn hiểu chữ tinh khí với nghĩa rộng thì như Pđ 349d dẫn kinh Ðại tập 52 nói, tinh khí có 3, là của đất, của chúng sanh và của pháp ; 3 thứ này được tăng trưởng bởi sự dưỡng dục Phật pháp, xí nhiên Tam bảo chủng cho tồn tại lâu dài ở thế gian.

D2. Phật chỉ cách thức và nói ích lợi

Phật dạy, Mạn thù, đúng như vậy, đúng như ông nói. Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, muốn cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì trước hết, hãy tạo lập hình tượng của ngài, trần thiết tòa thanh tịnh mà đặt để. Rãi các thứ hoa, đốt các thứ hương, đem các thứ tràng phan mà trang hoàng chỗ ấy. Bảy ngày đêm thọ Bát quan trai giới, ăn đồ ăn thanh tịnh. Tắm gội cho sạch và thơm, mặc y phục sạch sẽ. Nên phát sanh tâm không dơ bẩn, tâm không giận dữ tác hại. Nghĩa là đối với hết thảy chúng sanh khởi lên cái tâm lợi ích an lạc, từ bi hỷ xả và bình đẳng. Rồi tấu nhạc và ca tụng, nhiễu quanh tượng phật Dược sư lưu ly quang như lai theo chiều hướng bên phải. Lại nên tưởng niệm bản nguyện và công đức của đức Như lai ấy, đọc tụng kinh này, tư duy nghĩa ý và diễn giảng khai thị. Như vậy thì mọi sở cầu đều toại ý : cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái.

Cách thức phụng thờ tượng và thọ trì kinh của đức Dược sư mà đoạn này chỉ, ngoài hình thức cần có, còn có sự thọ trì Bát quan trai giới, và khởi tâm từ bi lợi ích đối với toàn thể. Như vậy có nghĩa mọi việc phải xuất từ tâm lý vị tha. Còn lợi ích thực hiện được thì có 2 phần : phần được phước (đoạn này nói) và phần khỏi nạn (đoạn sau nói). Phần được phước thì phúc lộc thọ đủ cả. Lại rất nên thêm sự cầu nguyện làm thành việc đáng làm, “cầu làm thành việc gì thì làm thành việc ấy”.

D3. Phật nói ích lợi trong sự khỏi nạn

Nếu ai bỗng nhiên bị ác mộng, thấy đủ cảnh tượng khủng khiếp, hoặc bị những giống chim quái dị đến tập hợp lại, hoặc chỗ ở có cả trăm sự quái dị xuất hiện, kẻ ấy nếu đem những đồ tuyệt diệu cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì những ác mộng và những cảnh tượng khủng khiếp, những sự không cát tường, ẩn mất tất cả, không thể tác hại. Nếu ai bị những sự hãi sợ như thủy tai, hỏa hoạn, khí giới, độc chất, chơi vơi giữa chừng, sa xuống chỗ hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu, bi, rắn độc, bò cạp, rít, sâu, muỗi, nhặng, mà chí tâm tưởng niệm được đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì mọi sự hãi sợ đều thoát được cả. Nếu ai bị nước khác xâm lăng, quấy nhiễu, nội bộ trộm cướp phản loạn, tưởng niệm cung kính đức Như lai ấy, cũng thoát hết thảy.

Ðoạn này khỏi 3 tai nạn : mọi sự quái dị, mọi sự hãi sợ và quốc gia bất an. Sau đây có vài chỗ cần âm thích. Ðộc chất (độc) cũng bao gồm độc khí. Sâu (do diên) – Thereuonema tuberculata. Nước khác xâm lăng quấy nhiễu, không những đối với lãnh thổ mà còn đối với chính trị, văn hóa và kinh tế (TH 28/2372).

Mạn thù, nếu có thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, cho đến hết đời, không thờ vị trời nào khác, chỉ nhất tâm qui y Phật Pháp Tăng, thọ trì giới pháp, như năm giới, mười giới, bốn trăm giới của bồ tát, hai trăm năm mươi giới của tỷ kheo, năm trăm giới của tỷ kheo ni. Nhưng đối với giới pháp của họ thọ trì, hoặc có kẻ phá phạm nên sợ đọa lạc ác đạo. Nếu biết chuyên tâm trì niệm danh hiệu đức phật Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường, thì quyết chắc không phải lãnh chịu đời sống trong ba ác đạo.

Ðây là khỏi tai nạn đọa lạc ác đạo nếu phạm giới. Nhưng phạm giới mà biết sợ đọa lạc ác đạo nên trì niệm danh hiệu đức Dược sư, mới khỏi tai nạn ấy. Còn không biết sợ hay vẫn tái phạm mãi thì lại khác.

Nếu có nữ nhân nào, lúc gần sinh sản, chịu đựng đau dớn cùng cực, mà biết chí tâm trì niệm danh hiệu, lễ bái, ca tụng, cung kính, cúng dường đức Như lai ấy, thì mọi nỗi đau đớn tan biến tất cả. Ðứa con sinh ra, mọi bộ phận của thân hình đều hoàn bị, sắc tướng của thân hình ấy đẹp và nghiêm, ai thấy cũng hoan hỷ, giác quan tinh nhuệ, trí tuệ thông minh, yên ổn, ít bịnh, không có một kẻ không phải người đoạt mất tinh chất của đứa con ấy.

Ðây là khỏi sản nạn. Mẹ đã khỏi nạn mà con sinh ra cũng hoàn hảo. Kẻ không phải người (phi nhân) là những loài không phải loài người.

C5. nói là chỗ hiểu biết sâu xa của Phật

Lúc ấy đức Thế tôn bảo tôn giả A nan, công đức mà đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai có, mà Như lai đã ca tụng, là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó mà lý giải, ông tin được không? Tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, đối với khế kinh Ngài dạy, con không sinh tâm nghi ngờ. Tại sao, vì thân thể, lời nói và ý nghĩ của các đức Như lai, không động tác nào mà không thanh tịnh. Bạch đức Thế tôn, vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng, và Tu di, hòn núi chúa tể trong các hòn núi, cũng có thể làm cho nghiêng đổ, nhưng lời nói của chư Phật thì không thể làm cho khác đi được. Tuy nhiên, bạch đức Thế tôn, có những kẻ đức tin không đủ, nghe nói chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật thì nghĩ, tại sao chỉ trì niệm một danh hiệu Phật của đức Dược sư lưu ly quang như lai mà thu hoạch bao nhiêu công đức và ích lợi vượt bậc như vậy. Vì sự không tin này mà quay lại phỉ báng. Những kẻ ấy suốt đêm trường mất lợi lạc lớn, đọa lạc ác đạo, trôi lăn không cùng. Phật dạy tôn giả A nan, những kẻ ấy nếu nghe dược danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, chí tâm thọ trì, không sinh nghi hoặc, mà vẫn đọa lạc ác đạo là điều không có. A nan, đó là chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật, khó thể tin và hiểu. Nay ông tiếp nhận được, phải biết toàn là do uy lực Như lai. A nan, hết thảy Thanh văn, Ðộc giác, và các vị Bồ tát chưa bước lên thập địa, đều không thể tin và hiểu một cách đúng như sự thực, chỉ trừ các vị Bồ tát còn hệ thuộc một đời mà thôi. A nan, thân thể loài người khó mà có được, sự tin tưởng tôn kính Tam bảo càng khó mà có dược, nhưng nghe danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai lại khó được hơn những sự khó được ấy. A nan, vô lượng bồ tát hạnh, vô lượng thiện phương tiện, và vô lượng quảng đại nguyện, của đức Dược sư lưu ly quang như lai, trong một đại kiếp hay hơn một đại kiếp, Như lai nói một cách đầy đủ, thì đại kiếp ấy có thể kết thúc mau chóng, còn hạnh nguyện và phương tiện của đức Phật này vẫn không cùng tận.

Kết thúc kinh Di đà, đức Phật nói như sau, “Xá lợi phất, như ta bây giờ xưng tụng công đức bất khả tư nghị của chư Phật, thì chư Phật ấy cũng xưng tụng công đức bất khả tư nghị của ta, bằng cách nói rằng, đức phật Thích ca mâu ni làm được cái việc rất khó, hiếm có, là có thể ở trong thời kỳ dữ dội của quốc độ Sa bà, thời kỳ đầy cả 5 thứ vẩn đục là thời kỳ vẩn đục, kiến thức vẩn đục, tâm lý vẩn đục, con người vẩn đục và đời sống vẩn đục, mà thực hiện tuệ giác vô thượng bồ đề, lại còn vì mọi người nói cái pháp mà toàn thể thế gian khó tin này. Xá lợi phất, ông nên biết ta đã ở trong thời kỳ dữ dội đầy cả 5 thứ vẩn đục mà làm việc khó làm, ấy là thực hiện tuệ giác vô thượng, lại vì toàn thể thế gian nói cái pháp khó tin này, thì đó là việc rất khó”. Hãy đối chiếu đoạn văn này với đoạn văn trên, cũng thấy phần nào tình ý của Phật.

Chỗ hiểu biết cực kỳ sâu xa của chư Phật (chư Phật thậm thâm hành xứ), bản dịch 3 (Chính 14/403g) và bản dịch 5 (Chính 14/415g) đều dịch “thậm thâm cảnh giới”. Vậy hành xứ = cảnh giới. Ngài Thái hư nói, hành xứ có 2 nghĩa : một, hành xứ là chỗ biết của phật ; hai, hành xứ là chỗ làm của Phật (TH 28/2376). Ở đây, công đức của đức Dược sư, trong đó có ích lợi mà danh hiệu của ngài đem lại cho chúng sanh, là chỗ chỉ Phật làm và Phật biết, nên gọi là “thậm thâm hành xứ”. Hành xứ tuy có đủ 2 nghĩa như vậy, nhưng nghĩa sau dễ hiểu nên tôi đã dịch “chỗ hiểu biết”.

Ðêm trường (trường dạ) : thì gian dài. Ở đây chỉ cho cảnh giới sanh tử : vừa dài dặc vừa tối tăm (vì vô minh mà thiếu cả chánh tín). Bồ tát còn hệ thuộc một đời mà thôi (nhất sanh sở hệ bồ tát) coi âm thích “thứ lớp kế vị thành Phật”, trang 102. Nhưng 1 đời có 2 : (a) các vị đẳng giác bồ tát chỉ còn 1 đời ứng thân nữa là thành Phật, mới thật là 1 đời ; (b) các vị thập địa bồ tát tuệ mạng báo thân liên tục, không còn phân đoạn sanh tử, nên cũng có thể gọi là 1 đời. Thiện phương tiện = thiện xảo phương tiện.

C6. nói cách tiêu tai diên thọ, có 5 D
D1. chỉ cách tiêu tai diên thọ

Lúc ấy trong chúng hội có một vị đại sĩ danh hiệu Cứu thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trần vai áo bên phải, gối bên phải quì xuống sát đất, cong mình, chắp tay mà bạch Phật, bạch đức Thế tôn uy đức cao cả, khi thời kỳ Phật pháp tương tự xuất hiện, có những kẻ bị mọi thứ bịnh hoạn làm cho nguy khốn. Bịnh mãi, gầy ốm, ăn uống không được, cổ và môi đều khô nóng. Nhìn mọi phía đều đen tối. Tướng chết xuất hiện. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn bè, quen biết, khóc lóc vây quanh. Nhưng bản thân bịnh nhân thì tuy vẫn nằm chỗ của mình, mà lại thấy sứ giả Diêm vương dẫn thần thức của mình đến trước vị vua chấp pháp này. Nguyên mọi ngưòí đều có vị thần cùng sanh, tùy việc họ làm, tội cũng như phước, ghi chép đầy đủ, và bấy giờ trao cả cho Diêm vương. Diêm vương tra hỏi kẻ ấy, tính việc họ làm, tùy tội và phước mà xử phán. Chính trong lúc này, thân thuộc hay quen biết của bịnh nhân, nếu biết vì họ mà qui y đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, cung thỉnh chư Tăng đọc tụng kinh này, đốt cây đèn bảy tầng, treo phan thần “tiếp nối mạng sống” bằng năm màu. Thì hoặc có kẻ nơi đây thần thức về được, và như trong chiêm bao, tự thấy rõ ràng. Hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, khi thần thức về được thì như từ chiêm bao thức dậy, tự nhớ biết tất cả quả báo của thiện nghiệp ác nghiệp. Nhờ tự chứng kiến nghiệp báo, nên đến nỗi gặp phải tai nạn cho sinh mạng, cũng không tạo tác ác nghiệp. Vì vậy, những thiện nam thiện nữ đức tin thuần tịnh, hãy thọ trì danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, tùy sức có thể mà cung kính cúng dường.

Thời kỳ Phật pháp tương tự (Tượng pháp) chỉ bản dịch 5 cũng dùng chữ này (Chính 14/415g), còn bản dịch 1 không dùng chữ gì (Chính 21/535g), bản dịch 3 dùng chữ “vị lai thế” (Chính 14/403d). Nhìn mọi phía đều đen tối (kiến chư phương ám) là tả hiện tượng sắp chết, mà là cái chết đọa lạc ác đạo. Diêm vương (Diệm ma pháp vương = Yama-raja) dịch nghĩa là Phược : trói buộc tội nhân, Bình đẳng vương : bình đẳng trị tội. Diêm vương là tổng quản địa ngục. Sứ giả Diêm vương (Diệm ma sứ) là lính quỉ mà Diêm vương sai bắt dẫn những kẻ làm ác. Khác với thiên sứ của Diêm vương, thiên sứ ấy là các sự già bịnh và chết. Vị vua chấp pháp (Diệm ma pháp vương) là Diêm vương : Diêm vương chấp chưởng pháp quyền ở địa ngục, nên gọi như vậy.

Thần thức : nghiệp thức và trung hữu. Vị thần cùng sanh (câu sanh thần) : thần năm tháng ngày giờ sinh hay bản thức. Bản thức là tổng thể dị thục, lại tiếp nhận huân tập và chấp trì chủng tử của nghiệp, nên gọi là thần câu sanh. Vạn 35/177a nói, do nghiệp lực mà ý thức bịnh nhân hiện 4 tướng : sứ giả Diêm vương, thần thức của mình, Diêm vương và thần cùng sanh. Có kẻ nơi đây (hoặc hữu thị xứ), thị xứ (nơi đây) là ngay nơi cái lúc làm phước đây, do người thân làm cho bịnh nhân sắp chết. Thần thức về được (bỉ thức đắc hoàn) : sinh mạng là bản thức liên tục chấp trì, chết là ý thức hết khởi phân biệt, sống là ý thức lại khởi phân biệt. Về hay không về, chỉ có nghĩa ý thức tái tục phân biệt hay gián đoạn phân biệt. Nhưng bản thức biến nhất thế xứ. Chết chỗ này sanh chỗ kia là “tiền dị thục ký tận, phục sanh dư dị thục”. Không làm gì có sự đi, về, qua, lại (TH 28/2388). Như trong chiêm bao, tự thấy rõ ràng, là tự thấy rõ ràng như thấy trong chiêm bao. Tự thấy rõ ràng là tự thấy rõ những hình phạt mình bị phán chịu ở địa ngục, lại càng tự thấy rõ người thân làm phước cho mình. Sự tự thấy này, cũng như sự tự nhớ của những người mới chết 7 đến 49 ngày, và tự thấy tự nhớ rồi dẫu nguy đến tánh mạng cũng không dám làm ác, toàn là do thần lực của đức Dược sư.

D2. chỉ thêm cách tiêu tai diên thọ, đặc biệt tiêu bịnh khổ

Lúc ấy tôn giả A nan hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, nên bằng cách nào cung kính cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai ? Phan và đèn “tiếp nối mạng sống” nên làm cách nào ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, nếu bịnh nhân muốn thoát bịnh khổ, nên vì họ mà bảy ngày đêm thọ trì Bát quan trai giới. Nên đem đồ ăn, đồ uống và đồ dùng, tùy sức liệu biện mà cúng dường Tỷ kheo tăng. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Ðọc tụng kinh này bốn mươi chín biến. Ðốt bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo hình tượng đức Như lai ấy bảy vị. Trước mỗi hình tượng để bảy ngọn đèn, cái lượng mỗi ngọn đèn lớn như bánh xe. Và đến bốn mươi chín ngày đêm, ánh sáng không dứt. Còn làm phan năm màu thì dài bốn mươi chín gang tay. Nên phóng sanh đến bốn mươi chín giống khác nhau. Như vậy thì có thể qua được tai nạn nguy khốn, không bị mọi thứ ngang trái và quỉ dữ tác hại.

Gom các đoạn trước và đoạn này nữa, cách thức tiêu tai diên thọ có cái mà ngày nay gọi là đàn Dược sư. Ðàn này gồm có 2 phần chính là phan và đèn. Phan bằng vải 5 màu, dài 49 gang. Ðèn có 7 tầng, mỗi tầng thiết 1 hình tượng đức Dược sư và đốt 7 ngọn đèn càng lớn càng tốt(43). Thì gian là 49 ngày đêm, treo phan, đốt đèn, lạy tượng Dược sư mỗi ngày đêm 6 lần cách đều, trì kinh Dược sư 49 ngày đêm mỗi ngày đêm 1 biến. Thân thì tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ sạch (và mới càng tốt). Miệng thì súc rửa sạch sẽ, ăn uống đồ thanh tịnh (nhất là nói càng phải thanh tịnh). Ý thì phát khởi từ bi, muốn ích lợi cho tất cả một cách bình đẳng. Trong thì gian 49 ngày làm đàn Dược sư như vậy còn làm 3 việc nữa : thọ trì Bát quan trai giới, tùy sức cúng dường Tỷ kheo tăng, và phóng sanh đến 49 loại (mỗi loại 49 con, hay 49 ngày đêm phóng sanh 1 lần).

Sau đây là mấy chỗ cần âm thích. Ngày đêm sáu buổi lễ bái cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, hãy chú ý chữ lễ bái cúng dường : nhiều lúc nghĩa là lễ bái và cúng dường, nhiều lúc nghĩa là đem sự lễ bái mà cúng dường. Ở đây có cả hai nghĩa. Phóng sanh : phóng thả sinh vật, tiếng tắt của từ ngữ phóng tạp loại chúng sanh (hay phóng chư sinh mạng). Phóng sanh đến 49 loại khác nhau (phóng tạp loại chúng sanh chi tứ thập cửu), sát thì phải dịch : phóng thả sinh vật nhiều loại lẫn lộn đến 49 thứ. Ngang trái (hoạnh) hoạnh là họa hoạnh : tai họa phi lý, bất trắc, dữ dội.

D3. lại còn tiêu quốc nạn

Ðại đức A nan, nếu giai cấp Sát đế lợi các vị vua đã làm lễ quán đảnh, khi tai nạn nổi dậy, như dân chúng bịnh dịch, nước khác lấn ép, nước mình phản nghịch, tinh tú quái dị, nhật thực nguyệt thực, gió mưa trái thì, quá thì không mưa, thì giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh, lúc ấy, hãy phát khởi tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh, ân xá những người bị giam bị nhốt, và theo cách cúng dường tôi  đã nói trên mà cúng dường đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai. Nhờ thiện căn như vậy, và nhờ năng lực bản nguyện của đức Như lai ấy, mà làm cho quốc độ của họ tức khắc yên ổn, gió mưa điều hòa, lúa má thành thục, mọi người vô bịnh, vui vẻ. Trong quốc độ của họ không có những loại thần Dạ xoa bạo ác, tác hại chúng sanh. Mọi hiện tượng dữ ẩn mất tất cả và tức thì. Còn giai cấp Sát đế lợi, và những vị vua đã làm lễ quán đảnh, thì sự sống, tướng tốt, sức mạnh, vô bịnh và tự do, đều dược tăng thêm. Nếu hoàng hậu, hoàng phi, đông cung, vương tử, đại thần, phụ chánh, thể nữ, bách quan và dân chúng, bị bịnh làm khổ, và bị những tai nạn khác, cũng nên làm phan thần năm màu và đốt đèn sáng liên tục, phóng các loại có sinh mạng, rải những bông hoa đủ màu, đốt những hương thơm nổi tiếng, thì bịnh hết, nạn khỏi.

Sát đế lợi = Kshatriya, là điền chủ, vương chủng ; giai cấp võ sĩ, 1 trong 4 giai cấp của xã hội Ấn thời cổ, làm vua và đại thần. Vua đã làm lễ quán đảnh, quán đảnh, nghĩa đen là rưới nước lên đỉnh đầu. Nước này lấy ở sông biển 4 hướng, ý chúc thống trị 4 phương thiên hạ. Làm lễ quán đảnh là như ngày nay làm lễ da miện. Giai cấp Sát đế lợi, các vị vua đã làm lễ quán đảnh (Sát đế lợi quán đảnh vương đẳng), rất nên hiệu và dịch là vị vua đã làm lễ quán đảnh thuộc giai cấp Sát đế lợi. Cách cúng dường đã nói trên là cách vừa nói ở đoạn trên đoạn này. Nhờ thiện căn như vậy và nhờ năng lực bản nguyện của đức Như lai ấy, câu này đáng lý đoạn nào cũng phải có. Mọi sự tiêu tai diên thọ và mọi sở cầu sở nguyện mà được thực hiện, là nhờ tự lực được tha lực gia hộ (như câu này nói).

Phụ chánh (phụ tướng) theo TH 28/2394 thì là tả phụ hữu bật, đứng đầu quần thần. Tài liệu 9 (Anh văn, trang 18, dòng 24) dịch là tham nghị viên hay cố vấn của triều đình. Thể nữ (trung cung thể nữ), trung cung là hoàng hậu, trung cung thể nữ là thể nữ của hoàng hậu. Tài liệu 9 (Anh văn, trang 18 dòng 26) dịch là các vị phu nhân thân cận hoàng hậu. Bách quan, quan chức tỉnh vùng. Phóng các loại có sinh mạng (phóng chư sinh mạng) là phóng sanh. Các loại có sinh mạng là chúng sanh (ở đây là các loại sinh vật).

D4. tiêu bất định nghiệp

Lúc ấy tôn giả A nan lại hỏi bồ tát Cứu thoát, thiện nam tử, tại sao mạng sống đã hết mà có thể làm cho tăng thêm ? Bồ tát Cứu thoát nói, đại đức, ngài không nghe đức Thế tôn nói có chín sự chết ngang trái hay sao? Vì chín  sự chết này mà tôi khuyên làm phan và đèn ” tiếp nối mạng sống”, tu các phước đức. Nhờ tu các phước đức mà trọn đời không trải qua một cơn đau đớn hoạn nạn nào cả. Tôn giả A nan hỏi, chín sự chết ngang trái là gì? Bồ tát Cứu thoát nói, có kẻ bị bịnh tuy nhẹ, nhưng không thầy, không thuốc, không ai coi sóc. Gặp thầy thì lại bị cho thuốc không đúng, nên thật không đáng chết mà chết một cách ngang trái. Lại tin thầy bà yêu nghiệt của tà ma ngoại đạo thuộc phạm vi  thế gian nói vớ vẩn về họa phước, nên đâm ra sợ hãi dao động. Tâm thì không tự chánh nó lại, lại đi bói hỏi để tìm lấy tai họa. Giết hại sinh vật mà giải tấu thần minh, vái yêu quái để xin làm phước giúp đỡ, mong muốn thêm tuổi nhưng chung cục không thể  đạt dược. Ngu si mê lầm, tin theo cái thấy cong và ngược, nên làm chết mình một cách ngang trái, nhập vào ñịa ngục, không có kỳ hạn thoát ra. Ðó là sự chết ngang trái thứ nhất. Thứ hai, một cách ngang trái bị phép vua giết. Thứ ba, săn bắn, chơi bời, đam mê tửu sắc, phóng túng vô độ, một cách ngang trái bị những kẻ không phải người đoạt mất tinh chất. Thứ tư, một cách ngang trái bị lửa đốt. Thứ năm, một cách ngang trái bị nước chìm. Thứ sáu, một cách ngang trái bị các giống thú dữ ăn. Thứ bảy, một cách ngang trái rơi xuống sườn núi. Thứ tám, một cách ngang trái trúng chết bởi thuốc độc, ếm vái, chú thư, quỉ khởi thi. Thứ chín, chết một cách ngang trái vì đói khát nguy khốn, không được đồ ăn thức uống. Ðó là sự chết ngang trái mà đức Thế tôn nói vắn tắt có chín thứ như vậy. Ngoài ra còn có vô số những sự ngang trái khác, khó nói cho đủ.

Tu các phước đức là thọ trì Bát quan trai giới, tùy sức cúng dường Tỷ kheo tăng, và phóng sanh đến 49 loại. Tâm thì không tự chánh nó lại, lại đi bói hỏi để tìm lấy tai họa (tâm bất tự chánh, bốc vấn mích họa), bản dịch 1 (Chính 21/535d) dịch “tâm bất tự chánh, bất năng tự định, bốc vấn mích họa” (tâm không tự chánh, không thể tự định, đi bói hỏi mà tìm lấy tai họa). Giải tấu : giải bày, tâu thưa. Cái thấy cong và ngược (tà đảo kiến) là tà kiến.

D5. tiêu cả định nghiệp

Ðại đức A nan, Diêm vương lãnh xét sự ghi chép về sách tịch của thế gian. Ai bất hiếu cha mẹ, làm năm tội nghịch, hủy nhục Tam bảo, phá phép vua tôi, làm hỏng tánh giới, thì Diêm vương theo tội nặng nhẹ xét mà phạt. Vì lý do ấy, nay tôi khuyến cáo mọi người đốt đèn, treo phan, phóng sanh, tu phước, làm cho họ qua khỏi khốn khổ, không gặp mọi sự hoạn nạn.

Ghi chép về sách tịch thế gian là ghi tội phước như trước đã nói. Tánh giới: giới năng. Nhưng tất cả bản chính đều chép “tín giới”, nghĩa là chánh tín và tịnh giới. Làm hỏng tín giới là tà kiến và phạm giới, là phá kiến và phá giới. Treo phan (tạo phan), tạo là chế tạo, bày ra, dựng lên. Ở đây nên hiểu là treo, dựng. Tu phước : như đã nói (trang 118) có 3, nay phóng sanh kể rồi thì còn 2, là cúng dường Tỷ kheo tăng và thọ trì Bát quan trai giới.

C7. nói sự hộ vệ của Dạ xoa.

Lúc ấy trong chúng hội có mười hai  vị đại tướng Dạ xoa, cùng có mặt ở  đó, là đại tướng Cung tỳ la, đại tướng Phạt chiết la, đại tướng Mê xí la, đại tướng An để la, đại tướng Ngạnh nễ la, đại tướng San để la, đại tướng Nhân đạt la, đại tướng Ba di la, đại tướng Ma hổ la, đại tướng Chân đạt la, đại tướng Chiêu đỗ la, đại tướng Tỳ yết la. Mười hai vị đại tướng Dạ xoa này, mỗi vị có bảy ngàn Dạ xoa làm tùy thuộc, cùng lúc cất tiếng bạch Phật, bạch đức Thế tôn, chúng con bây giờ nhờ uy lực của Ngài mà nghe được danh hiệu của đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, không còn nỗi sợ hãi về ác đạo nữa. Chúng con đốc suất nhau, cùng nhau nhất tâm, suốt đời qui y Phật Pháp Tăng, thệ nguyện gánh vác hết thảy chúng sanh, tạo cho họ cái lợi chân thật, cái vui lợi ích. Tùy thôn làng, thị thành, thủ đô, và trong rừng thanh vắng, của bất cứ xứ nào, mà hoặc có kinh này lưu hành, hoặc có kẻ trì niệm danh hiệu của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cung kính cúng dường Ngài, thì chúng con, và tùy thuộc của chúng con, hộ vệ người ấy, làm cho họ thoát mọi khổ nạn, mọi ước nguyện đều thỏa mãn. Hoặc ai bị bịnh khổ mà cầu thoát qua, thì cũng nên đọc tụng kinh này, dùng tơ sợi năm màu mà kết tên chúng con. Ðược toại nguyện rồi mới tháo kết ấy.

Lúc ấy đức Thế tôn tán dương các đại tướng Dạ xoa, rằng lành thay các tướng Ðại dạ xoa, lành thay, các người nghĩ báo ân đức cửa đức thế tôn Dược sư lưu ly quang như lai, thì thường nên như vậy mà lợi ích an lạc hết thảy chúng sanh.

Danh sách 12 đại tướng Dạ xoa, kể theo Phạn tự thì như sau.

  1. Kumbhira,
  2. Vajra,
  3. Mihira,
  4. Andira,
  5. Majira,
  6. Shandira,
  7. Indra,
  8. Pajra,
  9. Makura,
  10. Sindura,
  11. Catura,
  12. Vikarala.

Ðó  là trích tài liệu 9 (Anh văn, trang 20, dòng 23). Nhưng dịch nghĩa thì tìm không ra. Chỉ tìm thấy 2 danh sách sau đây.

(a) 1. Cực úy dược xoa đại tướng,

  1. Kim cang dược xoa đại tướng,
  2. Chấp nghiêm dược xoa đại tướng,
  3. Chấp tinh dược xoa đại tướng,
  4. Chấp phong dược xoa đại tướng,
  5. Cư xứ dược xoa đại tướng,
  6. Chấp lực dược xoa đại tướng,
  7. Chấp ẩm dược xoa đại tướng,
  8. Chấp ngôn dược xoa đại tướng,
  9. Chấp tường dược xoa đại tướng,
  10. Chấp động dược xoa đại tướng,
  11. Viên tác dược xoa đại tướng.

(b) 1. Khả úy đại tướng,

  1. Kim cang đại tướng,
  2. Hộ pháp đại tướng,
  3. Hộ tỷ đại tướng,
  4. Chánh pháp đại tướng,
  5. La sát đại tướng,
  6. Ðế sử đại tướng,
  7. Lang long đại tướng,
  8. Canh phương đại tướng,
  9. Chiết thuỳ đại tướng,
  10. Hộ thế đại tướng,
  11. Cần nộ đại tướng,

Danh sách (a) trích Chính 19/51g và 60t ; danh sách (b) trích Chính 19/67t.

Lợi chân thật (nghĩa lợi) cái lợi chân chính, chắc thật, hợp chân lý. Thủ đô (quốc ấp).

Ðoạn này cho thấy Dạ xoa mà thệ nguyện gánh vác chúng sanh, hộ vệ mọi người, là do uy lực của đức Dược sư, là công đức của ngài. Trong đoạn này, cuối cùng, còn đưa ra một cách trừ bịnh nữa. Tra đọc các tài liệu sẽ thấy cách ấy cũng rất quan trọng.

A3 kết thúc

B1. nói tên kinh

Bấy giờ tôn giả A nan bạch Phật, bạch đức Thế tôn, nên mệnh danh như thế nào về pháp môn này, và chúng con nên phụng trì kinh này như thế nào ? Phật dạy tôn giả A nan, pháp môn này nên mệnh danh Nói về bản nguyện công đức của đức Dược sư lưu ly quang như lai, cũng nên mệnh danh Nói về sự kết nguyện thần chú để lợi ích chúng sanh của mười hai thần tướng, lại nên mệnh danh Bạt trừù hết thảy nghiệp chướng. Nên phụng trì như vậy.

Phụng trì như vậy (như thị trì) chỉ có nghĩa đơn giản là nhớ như vậy. Muốn xa hơn chút nữa thì “hãy phụng trì theo ý nghĩa mệnh danh như vậy”.

B2. chúng hội phụng hành

Khi đức Thế tôn nói lời này rồi, các vị đại bồ tát cùng các vị đại thanh văn, quốc vương, đại thần, đạo sĩ, cư sĩ, thiên chúng, long chúng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, ca lầu la, khẩn na la, ma hầu la dà, loài người và loài không phải người, toàn thể đại chúng như vậy, nghe những điều Phật dạy, ai cũng cực kỳ hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Thiên chúng… ma hầu la dà là 8 bộ thiên long. Loài người và loài không phải người (nhân phi nhân), TH 28/2406 nói, thanh văn, quốc vương, vân vân, là loài người ; thiên chúng, long chúng, vân vân, là loài không phải người. Pđ 270t giải thích lại khác : (a) là khẩn na la, vì như người mà không phải người ; (b) chỉ cho tất cả 8 bộ, vì vốn không phải người, nhưng đến Phật thì hiện hình người cả. Theo lối giải thích này, “nhân phi nhân” nên dịch “loài như người mà không phải người”. Nhưng xét văn ý kinh này, qua những chỗ nói “phi nhân”, thì thấy TH 28/2406 nói đúng với kinh này hơn.

Mục lục

Tiểu dẫn. 5
Lời đề khóa tụng kinh Dược Sư của Ngọc lâm quốc sư. 8
Kinh Dược  sư. 11
Sám  Dược  sư  cuốn trước. 68
Sám  Dược  sư  cuốn  giữa. 94
Sám  Dược  sư  cuốn  sau. 128
Lược giải kinh dược sư (có mục lục riêng) 153
Ghi chú. 222 

Ghi chú

(1) A Xà thế Vương = Ajatasatru. Con vua Tần bà ta la (Binsbisara) xứ Ma kiệt đà (Magadha). Bạn với Ðề bà đạt đa (Devadatta). Cầm tù cha mẹ, lên ngôi thôn tính các tiểu quốc, dựng nền móng thống nhất ấn độ. Vì tội hại cha mà cả mình nổi mụt (thứ mụt chữ Tàu dịch là sang, có nghĩa là một loại ung thư). Nhưng đến Phật sám hối thì lành, nên qui y Ngài. Ông là hộ pháp cho cuộc kiết tập pháp tạng lần thứ nhất.

Ương quật ma la = Angulimalaya. Theo tà thuyết giết người được niết bàn. Giết được 999, cắt mỗi người 1 ngón tay, kết vòng đội trên đầu. Thiếu 1 người mới đủ số phải có là 1000, nên đuổi giết mẹ. Phật thương mà cứu và thuyết pháp cho. Ương quật sám hối, xuất gia, đắc quả La hán liền. Chuyện vị này nhiễm đầy tính chất và phong thái Thiền tông và đốn ngộ.

(2) Câu trên của kinh Di đà, câu dưới của kinh Dược sư.

(3) Từ đây trích Chính 14/414g.

(4) Trích Chính 14/414g đến đây.

(5) Tiêu tai diên thọ : tiêu tan tai họa, kéo dài sự sống.

(6) Nguyên văn đoạn này không chỉnh. Nếu sát thì phải dịch “Lúc ấy đức Dược sư lưu ly quang như lai từ bi cứu vớt, nói kinh Bản nguyện công đức này”.

(7) Nguyên văn “sát lợi” = sát đế lợi, giai cấp làm vua và đại thần.

(8) Các sự tiêu tai tăng thọ, cũng như sự cúnghương (Nam mô hương cúng dường bồ tát) đều có năng lực như bồ tát, nên gọi như vậy.

(9) = tà kiến : lý thuyết các học phái ngoại đạo.

(10) Thân với mạng là 2 thứ. Thân lấy tứ đại làm thể, mạng lấy thọ, noãn và thức làm thể.

(11) Qui mạng đảnh lễ đức Dược sư lưu ly quang như lai… thế tôn, ở thế giới hệ Tịnh lưu ly thuộc phía đông.

(12) Cha mẹ, chúng sanh, quốc chúa và Tam bảo gồm sư trưởng) (cho tại gia) ; hay cha mẹ, sư trưởng, quốc chúa và thí chủ (gồm chúng sanh ) (cho xuất gia).

(13) Dục giới, sắc giới, không giới (vô sắc giới).

(14) Phiền não, vọng nghiệp, khổ báo (hoặc, nghiệp, khổ).

(15) Ái : lầm sự, như tham lam, sân hận…  Kiến : lầm lý, như ngã kiến, tà kiến…

(16) Phân đoạn và biến dịch.

(17) Pháp thân, bát nhã và giải thoát.

(18) Giết cha, giết mẹ, giết La hán, làm thân 292 Phật đổ máu, phá Tăng hòa hợp. Hoặc phá hủy vật của Tam bảo, phỉ báng và trở ngại Phật pháp, ngược đãi người xuất gia, phạm 1 trong 5 thứ trên, phủ nhận nghiệp báo mà làm ác mãi.

(19) = Sila : giới (thanh lương, tánh thiện).

(20) = Tà kiến

(21) Thật tướng của nhất thừa = tướng thực của giáo lý duy nhất. Tướng thực ở đây (có khi chỉ dùng chữ tướng mà thôi) phải hiểu theo từ ngữ và tư tưởng của ngài La thập : tướng thực thì không còn thực đối với giả, không còn tướng đối với tánh…

(22) = Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.

(23) = kinh Dược sư (cũng có thể gồm kinh khác tương tự).

(24) Cùng cực tinh tiến (kiều cần), kiều là cất cao, tốt nhiều, khởi phát, nên dịch như vậy. Cũng có thể dịch phát khởi tinh tiến.

(25) Tạo phan (tạo phan), tạo là chế tạo, là bày ra, dựng lên. Ở đây nên hiểu theo 2 nghĩa sau.

(26) ôn và dịch đều là bịnh thời khí và truyền nhiễm. Bịnh ấy, mùa đông gọi là ôn, mùa hạ gọi là dịch.

(27) Ý nói sự hay đọa ác đạo (chứ không dễ sanh loài người, chư thiên) cũng là quả báo sót lại (di báo = dư báo) của chúng sanh.

(28) Quỉ khởi thi (phi thi tà quỉ) Phi thi tà quỉ có thể dịch thây chết phi chạy, ma quỉ lếu láo, nhưng rất nên chỉ dịch là quỉ khởi thi, vì đó là chữ và việc của kinh Dược sư. Quỉ khởi thi : coi trang 105

(29) = đạo bồ đề.

(30) Ðoạn này tóm lược 12 đại nguyện.

(31) 8 chướng nạn (bát nạn) : 8 nơi và sự trở ngại sự thấy Phật nghe Pháp, là địa ngục, ngạ quỉ súc sanh, câu lô châu, trường thọ thiên, đui điếc câm ngọng (giác quan không đủ), thế trí biện thông, trước hay sau Phật. 3 tai họa (tam tai) là tiểu tam tai : chiến tranh, nhiễm độc và nhân mãn (của “kiếp giảm”, không phải bình thường). Nhưng bát nạn tam tai ở đây chỉ một ít và bình thường thôi.

(32) Không giữ kiết sử (bất trú sử hải) sát thì phải dịch, không ở trong biển kiết sử.

(33) = ngôn ngữ đạo đoạn. Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, là điển ngữ của ngài Long thọ (Trung luận). Nghĩa đen : con đường ngôn ngữ đã tuyệt, cái chỗ tâm hành đã mất. Ý : bất khả tư nghị, siêu việt tư duy và mô tả.

(34) Chỗ của tỷ kheo ở mà vô tội, gọi là tịnh địa.

(35) Lưu chú : sự sinh diệt liên tục trong từng sát na (đơn vị thì gian, chỉ bằng hay mau hơn sự thoạt hiện hoặc sự thoạt biến của một ý nghĩ).

(36) Chỉ dưới Phật một bậc.

(37) = đức Dược sư.

(38) Ðiển ngữ là “thường tịch thường chiếu’, tả bản thể luôn luôn vắng lặng tức luôn luôn chiếu soi. Cũng gọi là “thường tịch quang” : ánh sáng của bản thể luôn luôn vắng lặng. Trong 9 lạy về tứ thánh Cực lạc có chữ “thường tịch quang độ”, nghĩa : quốc độ ánh sáng của bản thể luôn luôn vắng lặng, ý nói chính bản thể ấy là quốc độ của pháp thân. Nguyên văn ở đây viết thường quang là viết tắt (đáng lý phải viết thường tịch quang).

(39) Không phải chỉ là đồ trang sức mà thôi. Mà là đồ trang sức toàn thể đời sống và cuộc đời.

(40) Thiên hà (lớn hơn ngân hà mà trong đó có thái dương hệ) ?

(41) TH 28/232719 nói, Ðại phạn thiên (chúa trời), kẻ thành trước tiên trong “thành kiếp” và hoại sau hết trong “hoại kiếp”, làm chủ tiểu thế giới. Và như vậy, Ðại phạn thiên sống 60 lần tăng và giảm (60 tiểu kiếp, theo Trí độ luận).

(42) Rất nên thêm “chỗ làm và biết sâu xa”…

(43) Bản dịch 1 (Chính 21/535g) nói cây đèn 7 tầng, mỗi tầng 7 ngọn đèn (thất tằng chi đăng, nhất tằng thất đăng). 

[hết]
Trưởng Lão HT Thích Trí Quang

KINH KIM CƯƠNG – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |

phần tụng niệm

Kinh
Kim cương bát nhã ba la mật

Dịch giải: Tỷ kheo Trí Quang
2531 – 1987

Duyệt xong,
Mười bảy tháng năm, 2537 – 1993
Trí quang


Nghĩa lý kinh Kim cương
là ngoài tầm nghĩ bàn,
phước đức kinh Kim cương
cũng siêu việt như vậy.
Nay con được tụng niệm
cầu nguyện cùng chúng sinh
ở trong cảnh giới này
mà thấy phi cảnh giới,
và chính nơi thân này
mà thấy là Phật thân.

23.10.2531
Trí quang


Kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, cùng hết thảy Phật bảo.

Kính lạy kinh Kim cương bát nhã ba la mật, cùng hết thảy Pháp bảo.

Kính lạy tôn giả Thiện hiện, cùng hết thảy Tăng bảo.

Kinh Kim cương bát nhã ba la mật

(1)
(1-8) Tôi nghe như vầy :
Một thời Thế tôn
ở nước Xá vệ,
trong khu lâm viên
Chiến thắng Thiện thí,
cùng với một ngàn
hai trăm năm chục
vị đại tỷ kheo.

(2)
(9-22) Vào lúc bấy giờ
gần đến giờ ăn,
nên đức Thế tôn
sửa y, cầm bát,
đi vào khất thực
trong thành Xá vệ.
Tuần tự khất thực
trong thành này rồi,
Ngài về chỗ ở
ăn uống xong xuôi,
thu dọn y bát,
rửa sạch hai chân
và trải đồ lót
lót chỗ mà ngồi.

(3)
(23-48) Lúc ấy Thiện hiện,
một vị trưởng lão,
cũng có ở trong
các đại tỷ kheo.
Từ chỗ mình ngồi,
trưởng lão đứng dậy,
vắt một vạt y,
để trần vai phải,
đầu gối bên phải
quì xuống chấm đất,
hai tay chắp lại
cung kính mà thưa :
kính bạch Thế tôn,
Ngài thật hiếm có ;
Ngài khéo nâng đỡ
cho các Bồ tát,
lại khéo giao phó
cho các Bồ tát.
Kính bạch Thế tôn,
thiện nam thiện nữ
đã phát tâm nguyện
vô thượng bồ đề,
thì phải làm sao
để ở tâm ấy ?
Và phải làm sao
để sửa tâm mình ?

(4)
(49-70) Ðức Thế tôn dạy :
tốt lắm Thiện hiện ;
thật đúng như lời
trưởng lão đã nói,
Như lai rất khéo
nâng đỡ Bồ tát,
Như lai rất khéo
giao phó Bồ tát.
Do vậy, trưởng lão,
hãy nghe cho kỹ,
Như lai sẽ nói
cho các vị biết
thiện nam thiện nữ
phát tâm bồ đề
thì bằng cách nào
trú ở tâm ấy,
và bằng cách nào
sửa chữa tâm mình.
Trưởng lão thưa rằng,
dạ, bạch Thế tôn,
chúng con ước muốn
được nghe Ngài dạy.

(5)
(71-102) Trưởng lão Thiện hiện
Bồ tát thì phải
sửa chữa tâm mình
bằng tuệ giác này :
Bao nhiêu chúng sinh
hoặc sinh bằng trứng,
hoặc sinh bằng thai,
sinh bằng ẩm thấp,
sinh bằng biến hóa,
hoặc có hình sắc
hoặc không hình sắc,
hoặc có tư tưởng,
hoặc không tư tưởng,
có không tư tưởng,
ta làm hết thảy
đều được nhập vào
niết bàn hoàn toàn
mà giải thoát cả.
Làm cho vô lượng
vô số chúng sinh
niết bàn như vậy,
mà thật không thấy
có chúng sinh nào
được niết bàn cả.
Tại sao như vậy ?
trưởng lão Thiện hiện,
vì nếu Bồ tát
mà vẫn còn có
ý tưởng ngã, nhân,
chúng sinh, thọ giả
thì Bồ tát ấy
không phải Bồ tát.

(6)
(103-144) Trưởng lão Thiện hiện
đối với các pháp,
Bồ tát không nên
trú ở đâu cả
mà làm bố thí :
không ở nơi sắc
mà làm bố thí,
không ở nơi thanh
hương, vị, xúc, pháp,
mà làm bố thí.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát hãy nên
bố thí như thế :
không ở đâu cả.
Tại sao như vậy,
vì nếu Bồ tát
không ở đâu cả
mà làm bố thí
thì được phước đức
không thể lường được.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
không gian hướng đông
có lường được không ?
Không, bạch Thế tôn.
Trưởng lão Thiện hiện,
không gian hướng nam,
hướng tây hướng bắc,
và cả bốn góc,
cả trên cả dưới,
có lường được không ?
Càng không, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát bố thí
mà không ở đâu
thì được phước đức
cũng y như thế
không thể lường được.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát chỉ nên
trú ở theo lời
Như lai dạy đây.

(7)
(145-164) Trưởng lão Thiện hiện
ông nghĩ thế nào,
đối với Như lai,
có thể hay không
thấy bằng đặc tướng ?
Không, bạch Thế tôn,
không thể thấy Ngài
bằng các đặc tướng ;
tại sao như vậy,
vì theo Ngài dạy
thì các đặc tướng
là phi đặc tướng.
Ðức Thế tôn bảo
trưởng lão Thiện hiện,
hễ có đặc tướng
thì đặc tướng ấy
toàn là giả dối,
nếu thấy đặc tướng
là phi đặc tướng
thì thấy Như lai.

(8)
(165-234) Trưởng lão Thiện hiện ;
bạch đức Thế tôn,
có thể có ai
nghe pháp thoại này
mà sinh đức tin
đúng chân lý không ?
Ðức Thế tôn dạy,
đừng hỏi như vậy,
trưởng lão Thiện hiện ;
sau khi Như lai
nhập niết bàn rồi,
năm trăm năm sau,
có ai giữ giới,
làm phước, tu tuệ,
thì với pháp thoại
như thế này đây,
có thể tin tưởng
đúng với chân lý.
Trưởng lão phải biết
những người như vậy
không chỉ gieo trồng
gốc rễ điều lành
nơi một đức Phật,
nơi hai đức Phật,
nơi ba bốn năm
đức Phật mà thôi,
mà đã gieo trồng
gốc rễ điều lành
ở nơi vô số
ngàn vạn đức Phật.
Những người như vậy
mà được nghe đến
pháp thoại thế này
thì dầu đến nỗi
chỉ một ý niệm
tin tưởng trong sáng,
Như lai cũng vẫn
biết và thấy rõ
họ thực hiện được
vô lượng phước đức.
Tại sao như vậy,
vì những người này
không còn có nữa
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
không còn có nữa
ý tưởng về pháp
và về phi pháp.
Nếu những người này
còn có ý tưởng
là còn ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
còn ý tưởng pháp
là còn ngã nhân,
chúng sinh thọ giả,
còn tưởng phi pháp
là còn ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Vì lý do ấy,
đừng nắm lấy pháp,
lại càng đừng nên
nắm lấy phi pháp.
Do ý nghĩa này
Như lai thường nói,
các vị Tỷ kheo
hãy nhận thức rằng
pháp Như lai nói
tựa như chiếc bè :
pháp còn phải bỏ,
huống chi phi pháp ?

(9)
(235-262) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng Như lai
được vô thượng giác ?
phải chăng Như lai
có sự thuyết pháp ?
Trưởng lão thưa rằng
kính bạch Thế tôn,
theo con hiểu biết
ý của Ngài nói,
thì không thể có
một pháp khẳng định
để được mệnh danh
là vô thượng giác,
cũng không thể có
một pháp khẳng định
để được gọi là
Thế tôn thuyết pháp.
Tại sao như vậy,
vì Pháp Ngài nói
không thể nắm lấy
không thể diễn tả,
không phải là pháp
không phải phi pháp
lý do là vì
hết thảy hiền thánh
toàn do Vô vi
biểu hiện khác biệt.

(10)
(263-300) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có ai đem cho
đủ hết bảy loại
vàng ngọc chất đầy
đại thiên thế giới,
thì người cho ấy
được phước nhiều không ?
rất nhiều, bạch Ngài ;
vì phước đức ấy
Ngài đã nói là
tính phi phước đức,
thế nên Ngài nói
phước đức rất nhiều.
Trưởng lão Thiện hiện,
nhưng nếu có ai
từ pháp thoại này
tiếp nhận ghi nhớ
dầu là chỉ được
chỉnh cú bốn câu,
và biết đem nói
cho bao người khác,
thì phước người ấy
vẫn hơn người trước.
Tại sao như vậy,
vì lẽ, trưởng lão,
hết thảy Phật đà
cùng với Phật pháp
– Pháp vô thượng giác
của các Phật đà –
toàn là xuất ra
từ pháp thoại này.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là Phật pháp
thì Như lai nói
là phi Phật pháp,
thế nên Như lai
nói là Phật pháp.

(11)
(301-392) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị Tu đà hoàn
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
Tu đà hoàn chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì Tu đà hoàn
là Vào dòng nước,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
nhập vào đâu cả :
không nhập sắc thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
nên được mệnh danh
là Tu đà hoàn.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị Tư đà hàm
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
Tư đà hàm chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì Tư đà hàm
là Một trở lại,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
một lần trở lại,
nên được mệnh danh
là Tư đà hàm.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị A na hàm
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
A na hàm chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì A na hàm
là Không trở lại,
thế nhưng thật ra
không có cái gì
không còn trở lại,
nên được mệnh danh
là A na hàm.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
vị A la hán
có ý nghĩ rằng
ta được đạo quả
A la hán chăng ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì lẽ thật ra
không có cái gì
là A la hán,
nên được mệnh danh
là A la hán.
Kính bạch Thế tôn,
nếu vị La hán
nghĩ rằng mình được
đạo quả La hán,
thì như thế là
chấp trước ngã nhân,
chấp trước chúng sinh,
chấp trước thọ giả.
Bạch Ngài, Ngài nói
trong số những người
được định Không cãi,
con là hơn hết,
con là La hán
ly dục bậc nhất ;
nhưng con không có
ý nghĩ mình là
một vị La hán
ly dục bậc nhất.
Nếu con còn nghĩ
mình là La hán,
thì Ngài không nói
Thiện hiện là người
thích thú làm theo
chánh định Không cãi ;
vì con không còn
làm theo gì cả,
nên Ngài nói con
theo định Không cãi.

(12)
(393-402) Ðức Thế tôn bảo
trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
Như lai xưa kia
nơi đức Nhiên đăng,
được pháp gì chăng ?
Không, bạch Thế tôn ;
nơi đức Nhiên đăng,
thực sự Thế tôn
không được pháp gì.

(13)
(403-426) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng Bồ tát
trang hoàng cõi Phật ?
Không, bạch Thế tôn ;
lý do là vì
trang hoàng cõi Phật,
sự trang hoàng ấy
Thế tôn đã nói
là phi trang hoàng,
thế nên Ngài nói
đó là trang hoàng.
Do vậy, trưởng lão,
Bồ tát đại sĩ
hãy sinh cái tâm
trong sạch như vầy :
không ở nơi sắc
mà sinh tâm ra,
không ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà sinh tâm ra ;
hãy đừng ở vào
bất cứ chỗ nào
mà sinh tâm ra.

(14)
(427-438) Trưởng lão Thiện hiện,
ví dụ có người
thân thể cao lớn
như núi Tu di,
ông nghĩ thế nào,
thân ấy lớn không ?
rất lớn, bạch Ngài ;
tại sao, bởi vì
Ngài nói thân lớn
là phi thân lớn,
thế nên Ngài nói
đó là thân lớn.

(15)
(439-506) Trưởng lão Thiện hiện,
giả thiết sông Hằng
có bao nhiêu cát,
thì mỗi hạt cát,
là một sông Hằng,
ông nghĩ thế nào,
số cát tất cả
sông Hằng như vậy
nhiều hay không nhiều ?
rất nhiều, bạch Ngài ;
số lượng sông Hằng
đã là vô số,
huống chi số cát
những sông Hằng ấy.
Trưởng lão Thiện hiện,
với lời nói thật,
Như lai hôm nay
nói với trưởng lão :
giả sử thiện nam
hay thiện nữ nào
đem hết bảy loại
vàng ngọc chất đầy
thế giới đại thiên
nhiều như số cát
những sông Hằng ấy
mà làm bố thí,
thì phước họ được
là nhiều hay ít ?
Trưởng lão kính thưa,
rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ khác
với pháp thoại này,
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu,
và biết đem nói
cho bao người khác,
thì phước người này
hơn phước người trước.
Thêm nữa, trưởng lão,
chỗ nào giảng dạy
pháp thoại như vầy,
dầu chỉ bốn câu,
trưởng lão cũng phải
nhận thức chỗ ấy,
tất cả thế giới
chư thiên nhân loại
và a tu la
đều nên hiến cúng
chùa tháp Như lai.
Huống chi có người
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
giảng nói cho người
trọn pháp thoại này ;
trưởng lão phải biết
người ấy đạt được
cái pháp tối thượng
hiếm có bậc nhất,
và những địa điểm
người ấy giảng dạy
pháp thoại như vầy
là có Như lai
hay có các vị
đệ tử cao trọng.

(16)
(507-532) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện
bạch đức Thế tôn,
pháp thoại như vầy
nên gọi tên gì ?
chúng con cần phải
ghi nhớ thế nào ?
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
pháp thoại như vầy
nên gọi tên là
Kim cương bát nhã
ba la mật đa,
trưởng lão hãy nhớ
pháp thoại như vầy
qua danh hiệu ấy.
Tại sao như vậy,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì bát nhã
ba la mật đa
thì Như lai nói
là phi bát nhã
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là bát nhã
ba la mật đa.

(17)
(533-540) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
Như lai có sự
thuyết pháp hay không ?
Trưởng lão thưa Ngài,
không, bạch Thế tôn,
Thế tôn không có
thuyết pháp gì cả.

(18)
(541-558) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
thế giới đại thiên
có bao vi trần,
số lượng nhiều không ?
rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
những vi trần ấy,
Như lai nói chúng
là phi vi trần,
thế nên Như lai
nói là vi trần.
Và bao thế giới,
Như lai cũng nói
những thế giới ấy
là phi thế giới,
thế nên Như lai
nói là thế giới.

(19)
(559-572) Trưởng lão Thiện hiện
trong ý của ông
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Không, bạch Thế tôn ;
tại sao như vậy,
vì các đặc tướng
thì Thế tôn nói
là phi đặc tướng,
thế nên Thế tôn
nói là đặc tướng.

(20)
(573-586) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
đem thân mạng mình
bằng cát sông Hằng
mà bố thí cả,
và có người khác
với pháp thoại này
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu,
và đem giảng nói
cho bao người khác,
thì phước người này
quá nhiều hơn nữa.

(21)
(587-662) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện,
nghe pháp thoại này
lĩnh hội sâu xa,
lòng đầy xúc cảm,
rơi lụy mà khóc.
Trưởng lão thưa rằng,
thật quá hiếm có,
kính bạch Thế tôn ;
Ngài đã tuyên thuyết
pháp thoại cực sâu.
Từ khi có được
con mắt tuệ giác
cho đến ngày nay,
con chưa nghe được
pháp thoại như vầy.
Bạch Ngài, có ai
nghe pháp thoại này
tin tưởng trong sáng
và phát sinh được
cái tuệ giác thật,
thì biết người ấy
đạt được công đức
hiếm có bậc nhất.
Kính bạch Thế tôn,
tuệ giác thật ấy
thì Ngài nói là
phi tuệ giác thật,
thế nên Ngài nói
là tuệ giác thật.
Kính bạch Thế tôn,
hôm nay con được
nghe pháp thoại này,
tin tưởng lĩnh hội,
tiếp nhận ghi nhớ,
thì không khó mấy.
Nhưng nếu tương lai,
năm trăm năm sau
người nào nghe được
pháp thoại như vầy,
tin tưởng, lĩnh hội,
tiếp nhận, ghi nhớ,
mới hiếm có nhất.
Tại sao như vậy,
bởi vì người ấy
thì không còn có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả –
Ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
là phi ý tưởng :
phi mọi ý tưởng
thì thế gọi là
chư Phật như lai.
Ðức Thế tôn dạy
trưởng lão Thiện hiện,
thật đúng như vậy :
nếu có người này
được nghe pháp thoại
Bát nhã như vầy
mà không kinh ngạc,
cũng không sợ hãi,
thì biết người ấy
cực kỳ hiếm có.
Tại sao, trưởng lão,
bởi vì Bát nhã
chính là tối thượng
ba la mật đa,
và Như lai nói
cái pháp tối thượng
ba la mật đa
là phi tối thượng
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là tối thượng
ba la mật đa.

(22)
(663-696) Trưởng lão Thiện hiện,
cái pháp nhẫn nhục
ba la mật đa,
Như lai cũng nói
là phi nhẫn nhục
ba la mật đa,
thế nên Như lai
nói là nhẫn nhục
ba la mật đa.
Tại sao trưởng lão,
vì như xưa kia,
trong khi Như lai
bị Ca lị vương
cắt thịt khắp nơi
tay chân Như lai,
Như lai không có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Nếu lúc bấy giờ
Như lai còn có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
thì phải sinh ra
giận dữ oán hận.
Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai lại nhớ
trong thì quá khứ,
có năm trăm đời
Như lai đã làm
tiên nhân Nhẫn nhục.
Vào lúc bấy giờ,
Như lai cũng không
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(23)
(697-758) Vì lý do ấy,
trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì phải
rời mọi ý tưởng
mà phát huy tâm
vô thượng bồ đề ;
đừng ở nơi sắc
mà sinh tâm ra,
đừng ở nơi thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà sinh tâm ra.
Hãy sinh cái tâm
không ở đâu cả.
Nếu tâm ở đâu
thì chính như thế
là phi trú ở.
Vì lý do này,
Như lai nói rằng
Bồ tát thì phải
không ở sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp,
mà làm bố thí.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì vì
ích lợi chúng sinh
một cách khắp cả
mà hãy bố thí
theo cách như vậy.
Vì Như lai nói
ý tưởng chúng sinh
là phi ý tưởng,
Như lai cũng nói
hết thảy chúng sinh
là phi chúng sinh.
Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai là người
nói phải, nói chắc,
nói như sự thật,
nói không lừa đảo,
nói không mâu thuẫn.
Trưởng lão Thiện hiện,
Pháp mà Như lai
đã chứng ngộ được,
cái Pháp như vậy
không phải chắc chắn,
không phải trống rỗng.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát nếu tâm
ở nơi mọi thứ
mà làm bố thí,
thì như một người
vào trong bóng tối,
không còn thấy được
một thứ gì hết ;
Bồ tát nếu tâm
không ở mọi thứ
mà làm bố thí,
thì như một người
đã có mắt sáng,
lại có ánh sáng
mặt trời soi rõ,
nên thấy đủ cả.

(24)
(759-776) Trưởng lão Thiện hiện,
trong thì vị lai,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào,
đối với pháp thoại
Bát nhã như vầy,
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác,
thì thế là được
Như lai sử dụng
tuệ giác Như lai
mà biết rất rõ,
và thấy rất rõ,
rằng người như vậy
ai cũng đạt được
vô lượng công đức.

(25)
(777-848) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
buổi sáng đã đem
hằng sa thân mạng
mà bố thí cả,
buổi trưa cũng đem
hằng sa nhân mạng
mà bố thí nữa,
buổi chiều lại đem
hằng sa nhân mạng
mà bố thí luôn,
và sự bố thí
thân mạng như vậy
làm đến trăm ngàn
vạn ức thời kỳ ;
và có người khác
nghe pháp thoại này,
trong lòng tin tưởng
chứ không đối kháng,
thì phước người này
hơn phước người trước,
huống chi có người
sao chép ấn hành
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác.
Trưởng lão Thiện hiện,
chính yếu mà nói
thì bài pháp thoại
Bát nhã như vầy
có những công đức
ngoài tầm nghĩ bàn,
ước lượng, đối chiếu,
siêu việt giới hạn ;
Như lai nói cho
những người đi theo
giáo pháp đại thừa,
nói cho những người
đi theo giáo pháp
đại thừa tối thượng.
Ai có năng lực
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
trình bày phong phú
cho bao người khác,
thì chính Như lai
biết rõ người ấy,
thấy rõ người ấy,
đạt được công đức
không thể ước lượng,
không thể đối chiếu,
không có giới hạn,
ngoài tầm nghĩ bàn.
Những người như vậy
có thể gánh vác
tuệ giác vô thượng
của ta, Như lai.
Tại sao như thế,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì những ai
ưa pháp tiểu thừa,
vẫn còn ngã nhân,
chúng sinh thọ giả,
thì với pháp này
không thể lắng nghe,
tiếp nhận ghi nhớ,
đọc xét văn nghĩa,
tụng được thuộc lòng,
nói cho người khác.

(26)
(848-862) Trưởng lão Thiện hiện,
bất cứ chỗ nào,
hễ có bản kinh
Kim cương bát nhã,
thì cả thế giới
chư thiên, nhân loại
và a tu la,
đều nên hiến cúng.
Nên biết chỗ ấy
chính là chùa tháp
tôn thờ Như lai ;
hãy lạy, đi nhiễu,
tung rãi các loại
bông hoa, hương liệu.

(27)
(863-878) Thêm nữa, trưởng lão,
bất cứ thiện nam
hay thiện nữ nào
học hỏi ghi nhớ,
nghiên cứu, tụng thuộc
kinh Kim cương này
mà bị khinh dễ,
thì biết người ấy
tội ác đời trước
đáng sa chỗ dữ,
nhưng vì đời này
bị người khinh dễ
thì tội ác đó
tiêu tan hết cả,
người ấy sẽ được
tuệ giác vô thượng.

(28)
(879-934) Trưởng lão Thiện hiện,
Như lai nhớ lại
quá khứ vô số
55
thời kỳ vô số,
trước khi Như lai
gặp đức Nhiên đăng,
thì đã gặp được
tám trăm bốn ngàn
vạn ức trăm triệu
chư Phật như lai,
đối với Ngài nào
Như lai cũng đồng
thừa sự hiến cúng
chứ không bỏ qua.
Nhưng nếu có ai
ở trong thời kỳ
cuối cùng sau này,
mà có năng lực
học hỏi, ghi nhớ,
nghiên cứu tụng thuộc
bản kinh Kim cương
bát nhã này đây,
thì bao công đức
người ấy đạt được,
công đức Như lai
phụng sự chư Phật
không bằng phần trăm,
phần ngàn vạn ức,
đến nỗi toán pháp
và ví dụ nữa,
cũng không bằng được
một phần nào cả.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có thiện nam
hay thiện nữ nào
ở trong thời kỳ
cuối cùng sau này,
mà có khả năng
tiếp nhận, ghi nhớ,
nghiên cứu, tụng thuộc
bản kinh Kim cương
bát nhã như vầy,
bao nhiêu công đức
mà họ đạt được,
nếu Như lai nói
một cách đầy đủ,
thì tất có kẻ
nghe mà nổi khùng,
bối rối, hoài nghi,
không thể tin được.
Trưởng lão Thiện hiện,
phải nhận thức rằng
ý nghĩa Kim cương
không thể nghĩ bàn,
hiệu quả cũng vậy
không thể nghĩ bàn.

(29)
(935-970) Vào lúc bấy giờ
trưởng lão Thiện hiện
kính bạch Thế tôn,
thiện nam thiện nữ
đã phát tâm nguyện
vô thượng bồ đề,
thì phải làm sao
để ở tâm ấy ?
và phải làm sao
để sửa tâm mình ?
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
thiện nam thiện nữ
phát tâm bồ đề,
thì sửa tâm mình
bằng tuệ giác này :
ta phải làm cho
hết thảy chúng sinh
được niết bàn rồi
mà thật không thấy
một chúng sinh nào
được niết bàn cả.
Lý do là vì
Bồ tát mà có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thì như thế là
không phải Bồ tát.
Tại sao như vậy,
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì thật ra
không có pháp gì
là người phát tâm
vô thượng bồ đề.

(30)
(971-1042) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
nơi đức Nhiên đăng,
phải chăng Như lai
có một pháp gì
gọi là đạt được
vô thượng bồ đề ?
Không, bạch Thế tôn ;
theo chỗ con hiểu
ý nghĩa đã được
Thế tôn dạy cho
thì khi Ngài ở
nơi đức Nhiên đăng,
không có pháp gì
gọi là đạt được
vô thượng bồ đề.
Ðức Thế tôn dạy,
đúng vậy, Thiện hiện,
đúng là không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề.
Nếu có pháp gì
gọi là Như lai
đạt được tuệ giác
vô thượng bồ đề,
thì đức Nhiên đăng
đã không ghi nhận,
rằng trong tương lai
ông thành Phật đà,
danh hiệu gọi là
Thích ca mâu ni ;
vì thật không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
nên đức Nhiên đăng
mới ghi nhận cho,
bằng cách nói rằng
ông thành Phật đà
danh hiệu gọi là
Thích ca mâu ni
tại sao như vậy ?
vì chữ Như lai
chính là nghĩa Như
của tất cả pháp.
Nếu có ai nói
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
thì nói như vậy
là không chính xác,
bởi vì, trưởng lão,
thật ra không có
pháp gì gọi là
Như lai đạt được
vô thượng bồ đề,
sự đạt được ấy
không phải chắc chắn,
không phải trống rỗng.
Vì lý do này,
Như lai tuyên ngôn
rằng tất cả pháp
toàn là Phật pháp.
Trưởng lão Thiện hiện,
tất cả pháp ấy
Như lai đã nói
phi tất cả pháp,
nên Như lai nói
là tất cả pháp.

(31)
(1043-1068) Trưởng lão Thiện hiện,
ví như có người
thân thể cao lớn…
Trưởng lão Thiện hiện
liền bạch Thế tôn,
thân cao lớn ấy
thì Ngài đã nói
phi thân cao lớn,
thế nên Ngài nói
là thân cao lớn.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát cũng vậy :
Bồ tát mà nói
ta phải làm cho
vô số chúng sinh
dều được niết bàn,
thì không được gọi
là vị Bồ tát ;
trưởng lão Thiện hiện,
bởi vì thật ra
không có pháp gì
gọi là Bồ tát.
Vì thế Như lai
nói tất cả pháp
không phải ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(32)
(1069-1086) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu Bồ tát nói
ta phải trang hoàng
cõi Phật của ta,
thì không được gọi
là vị Bồ tát.
Tại sao, trưởng lão,
trang hoàng cõi Phật
thì Như lai nói
là phi trang hoàng,
thế nên Như lai
nói là trang hoàng.
Trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thấu triệt
về sự vô ngã,
Như lai mới nói
vị ấy đích thực
là vị Bồ tát.

(33)
(1087-1138) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có đúng Như lai
hiện có mắt thịt,
mắt trời phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt thịt
và có mắt trời.
Có đúng Như lai
hiện có mắt tuệ,
mắt pháp phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt tuệ
và có mắt pháp.
Như lai hiện có
mắt Phật phải không ?
Phải, bạch Thế tôn,
Ngài có mắt Phật.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
cát trong sông Hằng
Như lai cũng nói
là cát phải không ?
Phải, Ngài nói cát.
Ông nghĩ thế nào,
có bao nhiêu cát
trong một sông Hằng
thì có sông Hằng
bằng số cát ấy,
và những cõi Phật
bằng với số cát
những sông Hằng này
thì nhiều hay không ?
Rất nhiều, bạch Ngài.
Trưởng lão Thiện hiện,
bao nhiêu tâm tưởng
tất cả chúng sinh
trong những cõi Phật
được nói như vậy,
Như lai biết hết.
Tại sao, trưởng lão,
Như lai nói rằng
bao tâm tưởng ấy
là phi tâm tưởng,
thế nên Như lai
nói là tâm tưởng :
Tâm tưởng quá khứ
không thể nhận được,
tâm tưởng hiện tại
không thể nhận được,
tâm tưởng vị lai
không thể nhận được.

(34)
(1139-1156) Trưởng lão Thiện hiện,
giả sử có ai
đem hết vàng ngọc
đầy cõi đại thiên
mà bố thí cả,
người này vì thế
được phước nhiều không ?
Rất nhiều, bạch Ngài,
người này vì thế
được phước rất nhiều.
Trưởng lão Thiện hiện,
nếu phước có thật
thì Như lai đã
không nói phước nhiều,
nhưng vì phước ấy
thật là phi phước,
thế nên Như lai
nói là phước nhiều.

(35)
(1157-1196) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng ?
Không, bạch Thế tôn,
không nên nhìn Ngài
bằng cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng.
Tại sao như vậy,
vì cái sắc thân
toàn hảo đặc tướng
thì Thế tôn nói
là phi sắc thân
toàn hảo đặc tướng,
đó là lý do
tại sao Thế tôn
nói là sắc thân
toàn hảo đặc tướng.
Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
có thể hay không
nhìn thấy Như lai
bằng các đặc tướng
toàn hảo tất cả ?
Không, bạch Thế tôn,
không nên nhìn Ngài
bằng các đặc tướng
toàn hảo tất cả.
Tại sao như vậy,
vì các đặc tướng
toàn hảo tất cả
thì Thế tôn nói
là phi đặc tướng
toàn hảo tất cả,
đó là lý do
tại sao Thế tôn,
nói là đặc tướng
toàn hảo tất cả.

(36)
(1197-1216) Trưởng lão Thiện hiện,
đừng nói Như lai
có cái ý nghĩ
Như lai thuyết pháp.
Ðừng nói như vậy.
Lý do tại sao,
vì nói Như lai
có sự thuyết pháp
thì thế chính là
phỉ báng Như lai.
Nói thế tức là
không khéo lĩnh hội
ý nghĩa đã được
Như lai tuyên thuyết.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là thuyết pháp
là thật không có
pháp gì để thuyết,
như thế mới được
gọi là thuyết pháp.

(37)
(1217-1234) Lúc ấy Thiện hiện,
người lấy tuệ giác
mà làm tính mạng,
kính bạch Thế tôn,
có thể có ai
trong thì vị lai
nghe Pháp như vầy
mà tin tưởng không ?
Ðức Thế tôn dạy,
những người như vậy
không phải chúng sinh
hay không chúng sinh ;
tại sao, trưởng lão,
gọi là chúng sinh
thì Như lai nói
là phi chúng sinh,
vì thế Như lai
gọi là chúng sinh.

(38)
(1235-1264) Trưởng lão Thiện hiện,
kính bạch Thế tôn,
Thế tôn đạt được
vô thượng bồ đề,
thật ra là sự
phi đạt được chăng ?
Ðúng, đúng như vậy,
trưởng lão Thiện hiện ;
Như lai đối với
vô thượng bồ đề
không có chút gì
gọi là đạt được
nên được gọi là
vô thượng bồ đề.
Thêm nữa, trưởng lão,
Pháp thì đồng đẳng,
không bất đồng đẳng,
thế nên gọi là
vô thượng bồ đề :
không có ngã nhân
chúng sinh thọ giả
mà làm pháp lành,
thế thì đạt được
vô thượng bồ đề.
Trưởng lão Thiện hiện,
gọi là pháp lành
thì Như lai nói
là phi pháp lành,
thế nên Như lai
gọi là pháp lành.

(39)
(1265-1282) Trưởng lão Thiện hiện,
có người đem cho
bảy loại vàng ngọc
chất đống bằng với
những núi Tu di
trong cõi đại thiên,
và có người khác
tiếp nhận ghi nhớ
dầu chỉ bốn câu
bản kinh Bát nhã
ba la mật này,
và nói cho người,
thì phước người trước
không bằng phần trăm,
phần ngàn vạn ức,
toán pháp, ví dụ,
cũng không bằng được
một phần nào cả.

(40)
(1283-1308) Trưởng lão Thiện hiện,
các vị đừng nói
Như lai nghĩ rằng
Như lai giải thoát
các loại chúng sinh ;
trưởng lão Thiện hiện,
đừng nghĩ như vậy,
vì thật không có
một chúng sinh nào
Như lai giải thoát.
Nếu có chúng sinh
Như lai giải thoát,
thì thế chính là
Như lai đã có
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.
Trưởng lão Thiện hiện,
ý tưởng về ngã
thì Như lai nói
phi ý tưởng ngã,
nhưng người tầm thường
thì bảo là ngã.
Trưởng lão Thiện hiện,
người tầm thường ấy
Như lai nói là
người phi tầm thường.

(41)
(1309-1348) Trưởng lão Thiện hiện,
ông nghĩ thế nào,
phải chăng có thể
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ?
Kính bạch Thế tôn,
theo chỗ con hiểu
nghĩa của Ngài dạy,
không thể nhìn Ngài
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân.
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
thật đúng như vậy,
bởi vì nếu nhìn
ba mươi hai nét
đặc tướng siêu nhân
mà cho có thể
nhìn thấy Như lai
thì Chuyển luân vương
cũng là Như lai.
Thế nên không thể
nhìn thấy Như lai
bằng ba mươi hai
đặc tướng siêu nhân ;
hãy nhìn Như lai
bằng cách nhìn thấy
tất cả đặc tướng
là phi đặc tướng.
Bãy giờ Thế tôn
nói chỉnh cú này :
“Nếu đem sắc tướng
nhìn thấy Như lai,
hoặc đem âm thanh
nhận thức Như lai,
thì những người ấy
đã đi lạc đường,
không còn có thể
thấy biết Như lai”.

(42)
(1349-1360) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu ông nghĩ rằng
Như lai không do
đặc tướng toàn hảo
mà được tuệ giác
vô thượng bồ đề,
thì này trưởng lão,
đừng nghĩ như vậy,
rằng ta, Như lai,
không do đặc tướng
toàn hảo mà được
vô thượng bồ đề.

(43)
(1361-1372) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu ông nghĩ rằng
những người phát tâm
vô thượng bồ đề
nói rằng các pháp
là tiêu diệt hẳn,
thì đừng nghĩ thế,
tại sao, bởi vì
những người phát tâm
vô thượng bồ đề
đối với các pháp
không nói tiêu diệt.

(44)
(1373-1400) Trưởng lão Thiện hiện,
một vị Bồ tát
đem cho tất cả
bảy loại vàng ngọc
chất đầy thế giới
như cát sông Hằng ;
vị Bồ tát khác
biết tất cả pháp
toàn là vô ngã,
thành được sức Nhẫn,
thì Bồ tát này
hơn Bồ tát trước.
Lý do là vì,
trưởng lão Thiện hiện,
Bồ tát thì không
tiếp nhận phước đức.
Trưởng lão Thiện hiện
kính bạch Thế tôn,
tại sao Bồ tát
không nhận phước đức
Bởi vì, Thiện hiện,
Bồ tát làm hết
mọi sự phước đức,
thế nhưng không nên
tham đắm phước đức,
Như lai do vậy
nói là không nhận
mọi sự phước đức.

(45)
(1401-1412) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu nói Như lai
có đến, có đi,
có ngồi, có nằm,
thì người nói ấy
không hiểu ý nghĩa
Như lai đã nói.
Tại sao như vậy,
bởi vì Như lai
không đến từ đâu,
không đi về đâu,
nên gọi Như lai.

(46)
(1413-1530) Trưởng lão Thiện hiện,
có ai nghiền nát
thế giới đại thiên
thành ra vi trần,
thì ông nghĩ sao,
những vi trần ấy
là nhiều hay ít ?
Rất nhiều, bạch Ngài.
Tại sao, bởi vì
những vi trần ấy
nếu là thật có,
thì Ngài không nói
là những vi trần –
Thế nhưng vi trần
thì Ngài đã nói
là phi vi trần,
do đó Ngài nói
là những vi trần.

(47)
(1069-1086) Và bạch Thế tôn,
cái mà Ngài nói
thế giới đại thiên
là phi thế giới,
vì thế nên được
gọi là thế giới.
Tại sao như vậy,
bởi vì nếu nói
thế giới thật có,
thì đó chỉ là
ý tưởng hợp nhất –
Ý tưởng hợp nhất
thì Ngài nói phi
ý tưởng hợp nhất,
nên được gọi là
ý tưởng hợp nhất.
Ðức Thế tôn dạy,
trưởng lão Thiện hiện,
ý tưởng hợp nhất
thì không là gì
để mà nói cả,
nhưng người tầm thường
đam mê dính mắc
cái sự như vậy.

(48)
(1455-1478) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có ai nói
Thế tôn nói về
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thì này trưởng lão,
ông nghĩ thế nào,
người đó có hiểu
ý nghĩa Như lai
đã nói hay không ?
Không, bạch Thế tôn,
người ấy không hiểu
ý nghĩa đã được
Thế tôn nói ra.
Lý do tại sao,
vì Thế tôn nói
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả
thì tức là phi
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả,
thế nên gọi là
ý tưởng ngã nhân
chúng sinh thọ giả.

(49)
(1479-1494) Trưởng lão Thiện hiện,
những người phát tâm
vô thượng bồ đề,
thì với các pháp
hãy biết như vậy,
hãy thấy như vậy,
tin tưởng, lĩnh hội
cũng là như vậy :
đừng nên trú ở
nơi ý tưởng pháp.
Trưởng lão Thiện hiện,
nói ý tưởng pháp
thì Như lai nói
phi ý tưởng pháp,
vì thế mới gọi
là ý tưởng pháp.

(50)
(1495-1512) Trưởng lão Thiện hiện,
nếu có người nào
đem cho tất cả
bảy loại vàng ngọc
chất đầy vô lượng
vô số thế giới,
và có người khác,
không kể thiện nam
hay là thiện nữ,
đối với pháp thoại
Bát nhã như vầy,
tiếp nhận ghi nhớ,
nghiên cứu tụng thuộc,
diễn tả cho người,
thì dầu chỉ được
chỉnh cú bốn câu,
phước họ đạt được
vẫn hơn người trước.

(51)
(1513-1528) Diễn tả cho người
bằng cách thế nào ?
Bằng cách đừng nắm
ý tưởng về pháp,
mà như sự Như
chứ không dao động.
Tại sao mà phải
diễn tả cách ấy ?
Bởi vì tất cả
các pháp hữu vi
toàn là giống như
chiêm bao, ảo thuật,
bóng nước, ảnh tượng,
sương mai, điện chớp ;
rất cần phải có
cái nhìn như vậy.

(52)
(1529-1344) Khi đức Thế tôn
tuyên thuyết hoàn tất
bản kinh Kim cương
bát nhã này rồi,
trưởng lão Thiện hiện,
các vị tỷ kheo
và tỷ kheo ni,
những cận sự nam
và cận sự nữ,
toàn thể thế giới
chư thiên, nhân loại,
và a tu la,
được nghe những điều
Thế tôn tuyên thuyết,
ai cũng hoan hỷ,
tín thọ, phụng hành.

hồi hướng

Nghĩa lý kinh Kim cương
là ngoài tầm nghĩ bàn,
phước đức kinh Kim cương
cũng siêu việt như vậy.
Nay con được tụng niệm
cầu nguyện cùng chúng sinh
ở trong cảnh giới này
mà thấy phi cảnh giới,
và chính nơi thân này
mà thấy là Phật thân.

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn (3 lần)
Kính lạy đức Thích ca mâu ni thế tôn, cùng hết thảy Phật bảo.
Kính lạy kinh Kim cương bát nhã ba la mật, cùng hết thảy Pháp bảo.
Kính lạy tôn giả Thiện hiện, cùng hết thảy Tăng bảo.


| 1. Chánh Văn | 2. Dẫn Nhập | 3. Lược Giải |

Kinh Phật: PHẨM HẠNH NGUYỆN PHỔ HIỀN – Thượng nhân Thích Trí Quang dịch giải

Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền

Trưởng Lão Thích Trí Quang dịch

GHI CHÚ:
Bản Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương Tạng ngữ là ứng với phần kệ của phẩm này. Nội dung không nhiều sai biệt, chỉ khác vài nơi ở cách phân câu và thứ tự.  Quí vị có thể hạ tải bản đối chiếu theo Tạng ngữ ở đây: [PDF - Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương - tạng-anh-pháp-viet]. Bảy hạnh Phổ Hiền thường nhắc trong Phật giáo Tây Tạng ứng với 12 câu kệ đầu, là phần sơ khởi của pháp tu Phổ Hiền. Đó là mượn phần sơ khởi của pháp tu Phổ Hiền làm pháp sơ khởi cho mọi công phu khác. Thiển ý, Hồng Như 

LỜI NÓI ĐẦU

Phẩm Hạnh nguyện Phổ Hiền nằm trong Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu, cuốn 10, các trang 844 – 848. Đó là chính văn mà tôi căn cứ để dịch. Và dịch thì căn cứ ý kiến của đại sư Thái Hư, qua bản giảng lục của ngài, nằm trong Thái Hư toàn thư tập 23, các trang 1027 – 1096. Có một chi tiết nhỏ xin ghi ở đây, là kinh sách tôi dịch có mấy chỗ liên hệ đến phẩm này, nhất là Hồng danh; nhưng tùy chỗ nên ý dịch không khác mà lời dịch phải khác chút ít.

Dịch phẩm này tôi không làm mục lục mà kể như đã có. Vì phần trường hàng thì dễ thấy, còn phần chỉnh cú thì coi các ghi chú 15, 16, 17, 18, 21, 24, sẽ thấy phân khoa rõ ràng.

Sánh với 4 hoằng thệ của đức Thích Tôn tuy vắn tắt bậc nhất mà đầy đủ bậc nhất, thì 10 hạnh nguyện của đức Phổ Hiền thật không bằng. Nhưng 10 hạnh nguyện ấy cũng thật đặc biệt. Tựu trung có người cho “tùy hỷ công đức” có gì khó khăn và quan trọng đâu; nhưng nếu biết con người có thể chết cho người mà khó thể khen người một câu, thì đủ biết hạnh nguyện ấy quan trọng biết bao cho tâm lý người tu.

Phẩm này có sự đặc biệt bậc nhất là hồi hướng Cực lạc. Tôi dịch là vì sự đặc biệt ấy.

*

Phẩm này, nay sao lục vào sau Pháp Hoa để trì tụng, là vì phẩm 28 cuối kinh ấy nói tu học Pháp Hoa là do thần lực Phổ Hiền, là đi theo đường đi Phổ Hiền (tức 10 đại nguyện vương), là được Phật đưa tay xoa đầu.

Trí Quang

Nhất tâm đảnh lễ Nam mô Hoa Nghiêm giáo chủ Tỳ Lô Giá Na Như Lai;
Nhất tâm đảnh lễ Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh;
Nhất tâm đảnh lễ Như Lai trưởng tử Phổ Hiền bồ tát ma ha tát. 

 Kinh Hoa Nghiêm
PHẨM HẠNH NGUYỆN PHỔ HIỀN[1]

Vào lúc bấy giờ, Phổ Hiền đại sĩ tán dương công đức siêu việt của đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai rồi, bảo chư vị bồ tát qua Thiện Tài đồng tử, rằng Thiện nam tử, công đức của đức Như Lai, giả sử chính tất cả chư vị Như Lai trong mười phương, trải qua những thời kỳ[2] nhiều bằng số lượng cực vi[3] của những thế giới đến số lượng hai lần không thể nói[4], diễn nói liên tục, cũng không thể cùng tận. Nếu muốn thành tựu công đức ấy thì phải tu tập mười hạnh nguyện rộng lớn. Mười hạnh nguyện ấy là những gì? Một là lễ kính Phật đà, hai là tán dương Như Lai, ba là hiến cúng rộng lớn, bốn là sám hối nghiệp chướng, năm là tùy hỷ công đức, sáu là xin chuyển pháp luân, bảy là xin Phật ở đời, tám là thường học theo Phật, chín là hằng thuận chúng sinh, mười là hồi hướng khắp cả.

Thiện Tài đồng tử thưa, kính bạch Đại sĩ, thế nào là lễ kính Phật đà? Cho đến thế nào là hồi hướng khắp cả?

Phổ Hiền đại sĩ bảo Thiện Tài đồng tử, Thiện nam tử, [thứ nhất] lễ kính Phật đà là đối với chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, tôi nhờ sức mạnh hạnh nguyện Phổ Hiền mà tin hiểu sâu xa như đối diện trước mắt, và toàn đem ba nghiệp thân miệng ý trong sạch mà thường xuyên lễ kính. Nơi mỗi đức Thế Tôn, tôi biến thể thân hình nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, mỗi thân hình lạy khắp chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói. Hư không cùng tận, sự lễ kính của tôi mới cùng tận, nhưng hư không không thể cùng tận, nên sự lễ kính của tôi không có cùng tận; như vậy, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự lễ kính của tôi mới cùng tận, nhưng chúng sinh, nghiệp của chúng sinh, phiền não của chúng sinh, không có cùng tận, nên sự lễ kính của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na[5], không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [ thứ hai ] tán dương Như Lai là bao nhiêu cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi ấy có chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, mỗi đức Thế Tôn đều có hải hội[6] Bồ tát vây quanh. Tôi đem sự tin hiểu siêu việt, sâu xa, biết và thấy các Ngài như đối diện trước mắt. Tôi dùng những cái lưỡi nhiệm mầu hơn cả Đại biện tài thiên nữ, mỗi cái lưỡi xuất ra biển cả âm thanh vô tận, mỗi âm thanh xuất ra biển cả từ ngữ phong phú, ca tụng tán dương biển cả công đức của tất cả chư vị Như Lai, cùng tận thì gian không có gián đoạn, cùng tận pháp giới không có thiếu sót. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tán dương của tôi mới cùng tận; nhưng hư không cho đến phiền não không có cùng tận, nên sự tán dương của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [ thứ ba ] hiến cúng rộng lớn là bao nhiêu cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi có chư vị Thế Tôn nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, mỗi đức Thế Tôn có hải hội Bồ tát vây quanh, tôi nhờ sức mạnh hạnh nguyện Phổ Hiền mà tin hiểu sâu xa, biết và thấy các ngài như đối diện trước mắt. Tôi đem cúng phẩm thượng hạng và tinh tế mà hiến cúng. Mây hoa, mây vòng hoa, mây âm nhạc chư thiên, mây tàn lọng chư thiên, mây phục sức chư thiên, các loại hương liệu chư thiên, hương xoa, hương đốt, hương bột, những mây cúng phẩm như vậy hình lượng mỗi thứ bằng núi chúa Tu Di. Tôi lại đốt các loại đèn, đèn bơ, đèn dầu, các loại đèn dầu thơm, tim của mỗi thứ đèn lớn như núi Tu Di, dầu của mỗi thứ đèn nhiều như nước biển cả. Tôi đem những cúng phẩm như vậy mà hiến cúng thường xuyên. Thế nhưng, thiện nam tử, trong mọi sự hiến cúng, hiến cúng chánh pháp là hơn hết: hiến cúng bằng cách làm đúng lời Phật, hiến cúng bằng cách lợi ích chúng sinh, hiến cúng bằng cách giáo hóa chúng sinh, hiến cúng bằng cách chịu khổ thay cho chúng sinh, hiến cúng bằng cách siêng tu thiện căn, hiến cúng bằng cách không bỏ Bồ tát hạnh, hiến cúng bằng cách không rời Bồ đề tâm. Thiện nam tử, công đức vô lượng của sự hiến cúng trước, đối chiếu với một thoáng công đức của sự hiến cúng chánh pháp, thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, một phần ức, một phần triệu, một phần trăm của một cái lông, một phần của sự tính toán được, một phần của sự tính kể được, một phần của sự ví dụ được, một phần của cực vi, tất cả đều không bằng[7]. Tại sao? Vì chư vị Như Lai tôn trọng chánh pháp, vì làm đúng lời Phật thì xuất sinh chư Phật. Nếu các vị Bồ tát làm theo sự hiến cúng chánh pháp thì thế là thành tựu sự hiến cúng Như Lai, vì làm theo như vậy là hiến cúng chân thật. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự hiến cúng rộng lớn và hơn hết của tôi mới cùng tận, nhưng hư không cho đến phiền não không thể cùng tận, nên sự hiến cúng của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ tư] sám hối[8] nghiệp chướng là Bồ tát tự nghĩ, trong bao thời kỳ quá khứ vô thỉ, tôi do tham sân si mà phát động thân miệng ý, làm những nghiệp dữ vô lượng vô biên. Nếu nghiệp dữ ấy có hình tướng thì cùng tận không gian cũng không thể dung chứa. Nay tôi đem cả ba nghiệp thân miệng ý trong sạch, đối trước chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát trong những thế giới nhiều như cực vi và khắp cả pháp giới, thành tâm sám hối, sau không làm nữa, thường sống trong tịnh giới và các công đức. Như vậy, hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự sám hối của tôi mới cùng tận, nhưng hư không cho đến phiền não không thể cùng tận, nên sự sám hối của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ năm] tùy hỷ công đức là chư vị Như Lai nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, từ lúc mới phát tâm, vì Nhất thiết trí mà siêng tu cái khối phước đức, không tiếc tính mạng; trải qua thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, trong mỗi thời kỳ, bỏ đầu mắt tay chân nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói; tất cả khổ hạnh khó làm như vậy viên mãn các Ba la mật, chứng nhập các Bồ tát trí, thành tựu Vô thượng Bồ đề, nhập vào Niết bàn, phân bủa xá lợi, bao nhiêu thiện căn ấy tôi tùy hỷ tất cả. Tất cả sáu đường và bốn loài chúng sinh trong hết thảy thế giới khắp cả mười phương, có bao nhiêu công đức, dầu chỉ bằng một cực vi, tôi cũng tùy hỷ tất cả. Khắp mười phương, suốt ba đời, tất cả các vị Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, có bao nhiêu công đức, tôi cũng tùy hỷ tất cả. Vô lượng khổ hạnh khó làm, chí cầu Vô thượng Bồ đề, và công đức rộng lớn, của hết thảy Bồ tát tu hành, tôi cũng tùy hỷ tất cả. Như vậy, dầu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tùy hỷ của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ sáu] xin chuyển pháp luân là bao nhiêu cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng pháp giới và hư không giới, mỗi cực vi là một thế giới rộng lớn, nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói. Trong mỗi thế giới ấy, mỗi sát na có chư vị Phật đà nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới đến hai lần không thể nói, đều thành bậc Đẳng chánh giác, với hải hội Bồ tát vây quanh; nhưng tôi toàn đem ba nghiệp thân miệng ý, dùng mọi phương cách, mà thiết tha khuyên mời các ngài chuyển đẩy diệu pháp luân. Như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự thường xuyên khuyên mời chư Phật chuyển đẩy chánh pháp luân của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ bảy] xin Phật ở đời là đối với bao nhiêu chư vị Như Lai nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, ý muốn thị hiện nhập vào Niết bàn, đối với chư vị Bồ tát, Thanh văn, Duyên giác, còn tu học, hết tu học, cho đến hết thảy các bậc thiện tri thức, tôi đều khuyên mời đừng nhập Niết bàn, hãy sống với những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới, để lợi ích yên vui cho tất cả chúng sinh. Như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự khuyên mời này của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ tám] thường học theo Phật là như đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai của thế giới Sa bà này, ngay khi mới phát tâm, đã tinh tiến không thoái chuyển, đem thân mạng nhiều đến hai lần không thể nói mà bố thí; lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích huyết làm mực, sao chép kinh điển chất bằng Tu di, vì tôn trọng chánh pháp mà thân mạng còn không tiếc, huống chi ngôi vua, hoàng thành, đô thị, thôn xóm, cung điện, hoa viên, lâm viên, và tất cả những vật sở hữu. Cọng với bao khổ hạnh khó làm khác, cho đến ngồi dưới Bồ đề thọ, thành tựu đại Bồ đề, thị hiện các thứ thần thông, phát khởi những sự biến hóa, biến thể các loại Phật thân, ở giữa các loại đại hội: hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của chư vị đại Bồ tát, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của chư vị Thanh văn, Duyên giác, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của chư vị luân vương, quốc vương và hoàng gia của họ, hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của sát đế lợi, bà la môn, trưởng giả, cư sĩ, cho đến hoặc ở giữa đạo tràng đại hội của tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, ở giữa những đại hội như vậy mà đem tiếng nói viên mãn vang lên như sấm lớn, tùy ý thích của chúng sinh mà thành thục cho họ; cho đến thị hiện nhập vào Niết bàn, tất cả [những việc Phật làm] như vậy tôi đều theo mà học tập. Y như đối với đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na hiện nay, thì cũng như vậy mà đối với hết thảy chư vị Như Lai nhiều bằng số lượng cực vi của tất cả thế giới khắp mười phương, suốt ba đời, cùng tận pháp giới và hư không giới, trong từng sát na, tôi toàn theo mà học tập. Như vậy, dầu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự thường học theo Phật của tôi cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ chín] hằng thuận chúng sinh là bao nhiêu chúng sinh trong biển cả thế giới khắp mười phương, cùng tận pháp giới và hư không giới, có những chủng loại khác nhau: có những loại sinh bằng trứng, bằng thai, bằng thấp khí, bằng biến thể, có những loại dựa vào đất nước lửa gió mà sinh sống, có những loại dựa vào hư không hay các loại cỏ cây mà sinh sống; đủ loại cách sinh, đủ loại màu sắc, đủ loại hình dáng, đủ loại tướng mạo, đủ loại tuổi thọ, đủ loại chủng tộc, đủ loại tên gọi, đủ loại tâm tính, đủ loại thấy biết, đủ loại ưa thích, đủ loại ý thức, đủ loại cử động, đủ loại phục sức, đủ loại ẩm thực; ở nơi đủ loại làng xóm, đô thị, kinh thành, cung điện; cho đến tất cả tám bộ thiên long, nhân loại và loài khác, không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, có hình sắc, không hình sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, không phải có tư tưởng, không phải không có tư tưởng; tất cả chủng loại như vậy, đối với họ tôi đều tùy thuận cả: tôi phụng sự đủ cách, cung dưỡng đủ cách, kính như kính cha mẹ, thờ như thờ sư trưởng, thờ La hán, cho đến như thờ Như Lai, đồng đẳng không có gì khác cả. Bằng cách ai bịnh khổ thì tôi làm thầy thuốc giỏi, ai lạc đường thì tôi chỉ cho đường chính, trong đêm tối thì tôi làm ánh sáng, nghèo khốn thì tôi làm cho được kho tàng giấu trong lòng đất. Bồ tát hãy bình đẳng lợi ích chúng sinh như vậy, tại sao, vì Bồ tát có thể tùy thuận chúng sinh thì thế là tùy thuận hiến cúng Phật đà, tôn trọng phụng sự chúng sinh thì thế là tôn trọng phụng sự Như Lai, làm cho chúng sinh vui vẻ thì thế là làm cho Như Lai vui vẻ. Tại sao? Vì chư vị Như Lai thì lấy tâm đại bi làm bản thể, mà do chúng sinh mới có tâm đại bi, do tâm đại bi mới có tâm bồ đề, do tâm bồ đề mới thành Chánh giác. Tựa như đại thụ ở trong đồng nội hay sa mạc mênh mông, đại thụ ấy nếu rễ được nước thì nhánh lá hoa quả đều sum sê tươi tốt. Bồ đề đại thụ ở trong đồng nội sinh tử mênh mông cũng là như vậy, lấy chúng sinh làm rễ, lấy chư Phật chư Bồ tát làm hoa làm trái, đem nước đại bi lợi ích chúng sinh thì sinh ra hoa trái tuệ giác là chư Phật Bồ tát, tại sao, vì nếu Bồ tát đem nước đại bi lợi ích chúng sinh thì thế là thành tựu vô thượng bồ đề. Do vậy, bồ đề là thuộc về chúng sinh, không chúng sinh thì các vị Bồ tát không bao giờ có thể thành tựu vô thượng bồ đề. Thiện nam tử, đối với ý nghĩa ấy ông hãy lý giải như vầy: đối với chúng sinh mà tâm lý bình đẳng thì có thể thành tựu lòng đại bi viên mãn, đem lòng đại bi tùy thuận chúng sinh thì thế là thành tựu sự hiến cúng chư vị Như Lai. Bồ tát tùy thuận chúng sinh như vậy, dẫu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự tùy thuận ấy cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, [thứ mười] hồi hướng khắp cả là từ sự lễ kính cho đến sự hồi hướng có bao công đức, tôi đều hồi hướng cho hết thảy chúng sinh cùng tận pháp giới và hư không giới, nguyện nhờ công đức ấy mà làm cho chúng sinh thường được yên vui, không mọi bịnh khổ, muốn làm việc ác thì bất thành tất cả, muốn tu điều thiện thì mau thành hết thảy, đóng chặt cửa ngõ của các nẻo ác, mở bày đường chính của nhân loại chư thiên và niết bàn. Nếu chúng sinh vì làm bao nghiệp dữ mà bị những quả khổ nặng nề thì tôi chịu thay hết cho họ, làm cho họ được giải thoát, cứu cánh thành đạt vô thượng bồ đề. Bồ tát tu tập sự hồi hướng như vậy, dầu hư không cùng tận, chúng sinh cùng tận, nghiệp của chúng sinh cùng tận, phiền não của chúng sinh cùng tận, sự hồi hướng ấy cũng không cùng tận, liên tục trong từng sát na, không có gián đoạn, cả thân miệng ý không hề chán mệt.

Thiện nam tử, như vậy gọi là mười đại nguyện của Bồ tát đại sĩ viên mãn đầy đủ. Nếu các vị Bồ tát tùy thuận mà đi mau vào mười đại nguyện ấy thì có thể thành thục tất cả chúng sinh, thì có thể tùy thuận vô thượng bồ đề, thì có thể thành tựu đầy đủ biển cả hạnh nguyện của Phổ Hiền đại sĩ. Do vậy, Thiện nam tử, đối với ý nghĩa ấy ông hãy nhận thức như vầy: Nếu có thiện nam hay thiện nữ nào đem bảy thứ quí báu loại thượng hạng và tinh tế, cùng với đồ dùng đem lại hạnh phúc hơn hết cho nhân loại và chư thiên, đầy những thế giới nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới khắp cả mười phương, vô lượng vô biên, hai lần không thể nói, bố thí cho chúng sinh trong những thế giới cũng nhiều như trên, hiến cúng chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát trong những thế giới cũng nhiều như trên, và trải qua những thời kỳ nhiều bằng số lượng cực vi của những thế giới cũng nhiều như trên, liên tục không ngừng; nhưng công đức người ấy đạt được, đem đối chiếu với công đức đạt được của người nghe mười nguyện vương này một lần lướt qua thính giác, thì công đức người trước không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, cho đến một phần cực vi cũng không bằng. Đối với mười đại nguyện này, có ai đem lòng tin sâu xa mà tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, cho đến chỉ sao chép được một bài chỉnh cú bốn câu[9], cũng mau chóng diệt được năm tội vô gián, bao nhiêu khổ não trong đời như thân bịnh tâm bịnh vân vân, cho đến tất cả nghiệp dữ nhiều bằng số lượng cực vi của thế giới cũng được tiêu diệt cả; tất cả quân đội của ma vương, quỷ ăn thịt người, quỷ bạo ác, quỷ ăn tinh khí, quỷ điên cuồng, quỷ ăn thịt người loại tự hóa sinh[10], những quỷ ác thần ác uống huyết ăn thịt như vậy đều tránh xa người ấy, hoặc có khi phát tâm thân gần hộ vệ. Thế nên người nào tụng được thuộc lòng mười nguyện vương thì đi trong đời này không có gì trở ngại. Người ấy như vầng trăng đã ra khỏi mây mù che khuất. Người ấy được chư vị Phật đà và chư vị Bồ tát tán dương ca tụng. Người ấy, tất cả nhân loại và chư thiên nên lạy và tôn kính. Người ấy, tất cả chúng sinh cùng nên hiến cúng. Người ấy khéo làm thân người, đầy đủ công đức của Phổ Hiền đại sĩ, không bao lâu sẽ như Phổ Hiền đại sĩ, mau chóng được cái sắc thân nhiệm mầu, đủ cả ba mươi hai tướng của bậc đại trượng phu. Người ấy nếu sinh trong nhân loại hay chư thiên thì ở đâu cũng thuộc dòng họ hơn hết, phá hoại được tất cả đường ác, tránh xa được tất cả bạn dữ, chế ngự được tất cả ngoại đạo, giải thoát được tất cả phiền não. Người ấy như sư tử chúa làm cho các loài thú vật phải khuất phục. Người ấy kham nhận sự hiến cúng của tất cả chúng sinh.

Lại nữa, người ấy khi sắp chết, sát na sau cùng thì tất cả giác quan đều hư hỏng, tất cả thân nhân đều rời bỏ, tất cả uy thế đều tan mất, [và dầu là vua đi nữa, lúc ấy] tể tướng, đại thần, nội cung, ngoại thành, voi ngựa, xe cộ, vàng ngọc, kho tàng trong lòng đất, tất cả không ai và không gì đi theo. Chỉ có mười nguyện vương này không hề rời bỏ người ấy, lúc nào cũng hướng dẫn trước mắt. Và trong một sát na, người ấy tức khắc được sinh thế giới Cực lạc. Sinh rồi tức khắc được thấy đức A Di Đà Phật, với các vị Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quan Tự Tại Bồ tát, Di Lạc Bồ tát, và các vị Bồ tát đồng đẳng, sắc tướng trang nghiêm, công đức toàn hảo, cùng nhau vây quanh Ngài. Người ấy lại tự thấy bản thân sinh trong hoa sen và được đức A Di Đà Phật thọ ký cho. Được thọ ký rồi, trải qua vô số trăm ngàn vạn ức triệu thời kỳ, khắp trong thế giới nhiều đến hai lần không thể nói, đem sức mạnh trí tuệ, tùy tâm ý chúng sinh mà ích lợi cho họ, và không bao lâu sẽ ngồi nơi Bồ đề tràng, chiến thắng quân đội của ma vương, thành bậc Đẳng Chánh Giác, chuyển đẩy diệu pháp luân, làm cho chúng sinh trong những thế giới nhiều bằng số lượng cực vi thế giới phát Bồ đề tâm, tùy trình độ của chúng sinh mà giáo hóa cho họ thành thục, cho đến cùng tận biển cả thời kỳ vị lai, lợi ích toàn diện cho tất cả chúng sinh. Thiện nam tử, những ai nghe và tin mười đại nguyện vương[11] này, tiếp nhận, ghi nhớ, đọc xét văn nghĩa, tụng được thuộc lòng, giảng nói cho người, thì công đức người ấy có được, ngoại trừ chư vị Thế Tôn không ai biết hết. Thế nên các người nghe mười đại nguyện vương này đừng có hoài nghi, mà nên tiếp nhận cho chắc chắn, tiếp nhận rồi có thể đọc xét văn nghĩa, đọc xét văn nghĩa rồi có thể tụng được thuộc lòng, tụng được thuộc lòng rồi có thể ghi nhớ, cho đến sao chép, giảng nói cho người. Những người như vậy, ngay trong một sát na mà mọi hạnh nguyện đều viên thành, cái khối phước đức mà họ thu hoạch thì vô lượng vô biên. Trong biển khổ phiền não to lớn, họ cứu vớt cho chúng sinh thoát khỏi và cùng được vãng sanh thế giới Cực lạc của đức A Di Đà Phật.

Lúc bấy giờ Phổ Hiền đại sĩ muốn lập lại ý nghĩa đã nói, nên nhìn khắp tất cả khu vức mà nói những lời chỉnh cú sau đây:

(1)      Hết thảy chư Phật
trong ba thì gian
tại các thế giới
khắp cả mười phương,
tôi vận dụng cả
ba nghiệp trong sạch
kính lạy khắp cả
không có thiếu sót.

(2)      Năng lực uy thần
của hạnh Phổ Hiền
làm tôi hiện khắp
trước chư Như Lai,
một thân lại hiện
thân như cực vị,
lạy khắp chư Phật
cũng như cực vi.

(3)      Trong một cực vi
có chư Phật đà
nhiều bằng cực vị,
và đều ở trong
chúng hội Bồ tát;
cực vi tất cả
pháp giới vô tận
cũng là như vậy,
tâm tôi tin Phật
thật sâu và đầy.

(4)      Nên biển âm thanh
tôi vận dụng cả,
xuất ra vô tận
lời chữ nghiệm mầu,
cùng tận thời kỳ
của thì vị lai
tán dương biển cả
công đức của Phật.

(5)      Tôi đem vòng hoa
tốt đẹp hơn hết,
âm nhạc, hương hoa,
tàn lọng, bảo cái,
những đồ trang hoàng
hơn hết như vậy,
tôi đem hiến cúng
chư vị Như Lai.

(6)      Y phục hơn hết,
hương liệu hơn hết,
hương bột, hương đốt,
cùng với đèn đuốc,
tất cả đều như
Diệu cao núi lớn,
tôi đem hiến cúng
chư vị Như Lai.

(7)      Tôi đem cái biết
cao rộng hơn hết
tin tưởng sâu xa
tam thế chư Phật,
vận dụng sức mạnh
hạnh nguyện Phổ Hiền
mà khắp hiến cúng
chư vị Như Lai.

(8)      Bao nhiêu nghiệp dữ
xưa kia tôi làm,
đều bởi vô thỉ
những tham sân si,
động thân miệng ý
mà phát sinh ra,
ngày nay tôi nguyện
sám hối tất cả.

(9)      Mười phương hết thảy
các loại chúng sinh,
cùng với các vị
Thanh văn, Duyên giác,
Tu học tiếp tục,
Tu học hoàn tất,
tất cả Như Lai,
cùng với Bồ tát,
công đức có gì
tôi tùy hỷ cả.

(10)    Mười phương đâu có
Ngọn đèn thế giới
khi mới thành tựu
tuệ giác vô thượng,
tôi xin thỉnh cầu
tất cả các Ngài
chuyển đẩy bánh xe
diệu pháp tối thượng.

(11)    Chư vị Như Lai
muốn hiện niết bàn,
thì tôi chí thành
thỉnh cầu các Ngài
sống với đời kiếp
nhiều như cực vi,
để làm lợi lạc
hết thảy chúng sinh.

(12)    Lạy Phật, khen Phật
và hiến cúng Phật[i],
xin Phật ở đời
và chuyển pháp luân,
tùy hỷ, sám hối,
bao thiện căn ấy,
tôi đem hồi hướng
lợi ích chúng sinh
có nghĩa hồi hướng
nguyện thành trí Phật[ii].

(13)    Tôi theo mà học
chư vị Như Lai,
tu tập tất cả
hạnh nguyện Phổ Hiền,
phụng sự quá khứ
chư vị Như Lai,
cùng với hiện tại
chư vị Phật đà,

(14)    vị lai các bậc
Thầy của trời người,
bao nhiêu ý nguyện
đều viên mãn cả,
tôi nguyện học tập
tam thế chư Phật,
để mau hoàn thành
tuệ giác vô thượng.[iii]

(15)    Tất cả thế giới
khắp cả mười phương
rộng lớn trong sạch
nhiệm mầu trang nghiêm,
ở đâu cũng có
đại hội Bồ tát
bao quanh chư Phật,
trong khi chư Phật
cùng ngồi dưới cây
bồ đề đại thọ.

(16)    Cầu nguyện chúng sinh
khắp cả mười phương
thoát hết lo sợ
thường hưởng yên vui,
thu hoạch lợi ích
của Pháp sâu xa,
diệt trừ phiền não
không còn thừa sót[iv].

(17)    Khi tôi tu tập[v]
vì đại bồ đề
thì ở loài nào
cũng biết đời trước,
thường được xuất gia
nghiêm giữ tịnh giới,
không để giới thể
bị dơ bị vỡ
hay bị xuyên thủng
hoặc bị sơ suất[vi].

(18)    Tất cả chư thiên
cùng với quỷ thần,
hết thảy nhân loại
và bao loài khác,
bao nhiêu chúng sinh
bao nhiêu tiếng nói,
tôi dùng tiếng ấy
mà thuyết pháp cho.

(19)    Siêng tu các pháp
ba la mật đa
cực kỳ trong sáng,
thường xuyên chuyên chú
không để quên mất
tâm đại bồ đề,
diệt trừ dơ bẩn
không cho sót lại,
viên thành tất cả
hạnh nguyện nhiệm mầu.

(20)    Đối với mê lầm
cùng với nghiệp dữ,
đối với cảnh ngộ
hiện thân ma vương,
trong cõi đời này
mà được siêu thoát,
tựa như hoa sen
không hề dính nước,
cũng như nhật nguyệt
không vướng không gian.

(21)    Tận trừ toàn bộ
nỗi khổ đường dữ,
bình đẳng cho vui
bao loại sinh linh,
trải qua thời kỳ
nhiều như cực vi,
lợi ích mười phương
không có cùng tận.

(22)    Tôi hằng tùy thuận
các loại chúng sinh,
cùng tận thời kỳ
của thì vị lai,
thường xuyên tu tập
hạnh nguyện Phổ Hiền
cực kỳ rộng lớn,
viên mãn thành tựu
tuệ giác bồ đề
cực kỳ tối thượng.

(23)    Bao nhiêu những người
đồng hành với tôi,
nguyện ở chỗ nào
cũng thường gặp nhau,
thân miệng và ý
đều như nhau cả,
cùng nhau tu học
hết thảy hạnh nguyện.

(24)    Những thiện tri thức
lợi ích cho tôi,
chỉ dẫn cho tôi
hạnh nguyện Phổ Hiền,
cũng nguyện thường xuyên
được gặp gỡ nhau,
lại nguyện thường xuyên
hoan hỷ cho tôi.

(25)    Nguyện thường nhìn thấy
chư vị Như Lai,
cùng chư Bồ tát
vây quanh các Ngài,
đối với các Ngài
nguyện hiến cúng lớn,
cùng tận vị lai
không biết chán mệt.

(26)    Nguyện được duy trì
pháp mầu của Phật,
làm cho rực rỡ
hạnh nguyện bồ đề,
trong sạch rốt ráo
đường đi Phổ Hiền,
cùng tận vị lai
thường xuyên tu tập.

(27)    Ở trong tất cả
thế giới ba cõi,
tôi tu phước trí
thường xuyên vô tận,
định tuệ phương tiện
cùng với giải thoát,
được kho công đức
vô tận như vậy.

(28)    Mỗi một cực vi
có số thế giới
nhiều bằng cực vi,
mỗi một thế giới
có các đức Phật
khó thể nghĩ thấu,
mỗi một đức Phật
đều ở chính giữa
đại hội Bồ tát,
và tôi nhìn thấy
các Ngài thường nói
hạnh nguyện bồ đề.

(29)    Biển cả thế giới
khắp mười phương hướng,
biển cả thì gian
nhiều bằng đầu lông[vii],
biển cả Phật đà,
biển cả quốc độ,
biển cả thời kỳ
mà tôi tu hành.

(30)    Chư vị Như Lai
lời tiếng trong sáng,
mỗi tiếng đủ hết
biển cả âm thanh,
những lời tiếng ấy
tùy ý chúng sinh,
mỗi tiếng xuất ra
biển cả hùng biện.

(31)    Chư vị Như Lai
trong ba thì gian,
vận dụng vô tận
biển cả lời tiếng,
thường chuyển pháp luân
lý thú nhiệm mầu,
nhưng trí tuệ lực
sâu xa của tôi
có thể hội nhập
một cách toàn diện.

(32)    Tôi thấu hiểu được
toàn thể thời kỳ
của thì vị lai
là một sát na,
tôi cũng thấu hiểu
toàn thể thời kỳ
cả ba thì gian
là một sát na.

(33)    Trong một sát na
mà tôi thấy hết
tất cả chư Phật
trong ba thì gian,
tôi thường thấu hiểu
lĩnh vực của Phật
thể chứng các pháp
toàn như ảo thuật,
giải thoát cao sâu,
uy lực hùng mãnh.

(34)    Nơi mỗi cực vi
trên đầu sợi lông,
xuất hiện thế giới
quá khứ hiện tại
cùng với vị lai
cực kỳ trang nghiêm.
Thế giới mười phương
nhiều như cực vi
trên đầu sợi lông,
tôi thâm nhập cả
mà làm toàn thể
trang nghiêm trong sạch.

(35)    Cùng tận vị lai
có bao Phật đà
thành vô thượng giác
chuyển chánh pháp luân
mở mắt quần sinh
ở trong ba cõi,
việc Phật hoàn tất
thị hiện niết bàn,
tôi đều đi đến
thân gần phụng sự.

(36)    Năng lực thần thông
đến mau khắp cả,
năng lực đại thừa
biến thể toàn diện,
năng lực công đức
tu hết trí hạnh,
năng lực đại từ
che hết chúng sinh,

(37)    năng lực thắng phước
trang hoàng khắp nơi,
năng lực thắng trí
không hề vướng mắc,
năng lực uy thần
đủ mọi phương tiện[viii],
năng lực bồ đề
qui tụ hết thảy,

(38)    năng lực thiện nghiệp
làm sạch tất cả,
năng lực diệt trừ
tất cả phiền não,
năng lực chiến thắng
tất cả ma quân,
năng lực viên mãn
hạnh nguyện Phổ Hiền[ix];

(39)    trang hoàng sạch sẽ
biển cả thế giới,
giải thoát hết thảy
biển cả chúng sinh,
khéo léo phân biệt
biển cả các pháp,
nhập vào sâu xa
biển cả trí tuệ,

(40)    làm trong sáng hết
biển cả đại hạnh,
làm đầy đủ cả
biển cả đại nguyện,
thân gần hiến cúng
biển cả Phật đà,
tu không mệt mỏi
biển cả thời kỳ.

(41)    Bao nhiêu hạnh nguyện
tuệ giác tối thượng
của chư Như Lai
trong ba thì gian,
tôi tôn thờ cả
và tu đầy đủ:
vận dụng tất cả
hạnh nguyện Phổ Hiền
tôi giác ngộ được
vô thượng bồ đề.

(42)    Tất cả Như Lai
đều có trưởng tử,
cùng một danh hiệu
danh hiệu Phổ Hiền[x];
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn[xi],
nguyện bao trí tuệ
đồng đẳng các vị.

(43)    Cả thân miệng ý
thường xuyên trong sáng,
hạnh nguyện, quốc độ,
cũng đều như vậy:
trí tuệ đến thế
nên tên Phổ Hiền,
nguyện tôi đồng đẳng
với các vị ấy.

(44)    Tôi vì trong sáng
hạnh nguyện Phổ Hiền,
nên bao hạnh nguyện
của ngài Văn Thù,
tôi tu đủ cả
không có thiếu sót,
cùng tận vị lai
không hề mỏi mệt.

(45)    Sự tu của tôi
không có hạn lượng,
công đức đạt được
cũng không số lượng;
đứng vững ở trong
vô lượng hạnh nguyện,
tôi thấu triệt hết
bao thần thông lực.

(46)    Trí hạnh Văn Thù
cực kỳ dũng mãnh,
tuệ hạnh Phổ Hiền
cũng là như vậy;
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn,
để theo các ngài
thường xuyên tu học.

(47)    Các đại nguyện vương
tối thắng như vầy
được sự ca tụng
của chư Như Lai,
nay tôi hồi hướng
bao nhiêu thiện căn
để được hạnh nguyện
Phổ Hiền tối thượng[xii].

(48)    Nguyện tôi trong lúc
sinh mệnh sắp chết,
thì loại được cả
mọi sự trở ngại,
trực tiếp nhìn thấy
đức A Di Đà,
tức khắc được sinh
thế giới Cực lạc.

(49)    Tôi đã sinh ra
thế giới ấy rồi,
trước mắt thành tựu
đại nguyện vương này,
thành tựu đầy đủ
không có thiếu sót,
lợi lạc tất cả
thế giới chúng sinh.

(50)    Bồ tát hải hội
của đức Di Đà
ai cũng trong sạch,
còn tôi lúc ấy
hóa sinh ở trong
hoa sen tối thắng,
đích thân nhìn thấy
đức A Di Đà,
và ngài đối diện
thọ ký cho tôi
thành tựu tuệ giác
vô thượng bồ đề.

(51)    Nhờ ơn của ngài
thọ ký cho rồi,
tôi liền biến thể
vô số thân hình,
với trí tuệ lực
cực kỳ rộng lớn,
tôi làm lợi lạc
tất cả chúng sinh.

(52)    Hư không cho đến
phiền não cùng tận,
đại nguyện của tôi
mới có cùng tận,
nhưng bốn thứ ấy
không có cùng tận,
đại nguyện của tôi,
cũng không cùng tận.

(53)    Ai đem bảo vật
đầy cả thế giới
khắp mười phương hướng
mà hiến cúng Phật,
lại cho trời người
hạnh phúc tuyệt vời,
và làm như vậy
trải qua thời kỳ
bằng số cực vi
của mọi thế giới;

(54)    và ai đối với
đại nguyện vương này
một lần nghe đến
mà sinh tin tưởng,
với sự khao khát
Vô thượng Bồ đề,
thì được công đức
quá hơn người trước.

(55)    Và rồi xa rời
bạn bè xấu ác,
với lại xa hẳn
các nẻo đường dữ,
mau chóng nhìn thấy
đức A Di Đà,
và đủ hạnh nguyện
Phổ Hiền tối thượng.

(56)    Người ấy khéo được
đời sống đặc thù,
người ấy khéo sinh
ở trong loài người,
người ấy không lâu
sẽ được hoàn thành
hạnh nguyện y như
Phổ Hiền đại sĩ.

(57)    Nếu mà xưa kia
không có trí tuệ
nên tạo năm tội
địa ngục Vô gián,
nhưng nếu ngày nay
tụng đại nguyện vương
của đức Phổ Hiền,
thì một sát na
tiêu diệt tức thì
năm tội như vậy.

(58)    Lại còn toàn hảo
dòng họ, thành phần,
sắc tướng, trí tuệ,
quân đội ma vương[xiii]
và những ngoại đạo
không thể đánh đổ,
kham được ba cõi
cùng nhau hiến cúng.

(59)    Và mau đến ngồi
dưới Bồ đề thọ,
chiến thắng các đạo
quân đội ma vương,
thành Đẳng chánh giác
chuyển diệu pháp luân,
lợi lạc hết thảy
các loại chúng sinh.

(60)    Thế nên những ai
đối với hạnh nguyện
của đức Phổ Hiền
mà biết tiếp nhận,
ghi nhớ, đọc tụng,
và nói cho người,
thì được kết quả
chỉ Phật mới biết,
quyết định thực hiện
Vô thượng Bồ đề.

(61)    Người nào trì tụng
hạnh nguyện Phổ Hiền,
mà tôi nói về
chút ít thiện căn,
là một sát na
họ đủ tất cả
đại thanh tịnh nguyện
tác thành chúng sinh.

(62)       Hạnh nguyện Phổ Hiền
tối thượng của tôi,
vô biên thắng phước
tôi hồi hướng cả,
nguyện bao chúng sinh
đang còn chìm đắm,
mau chóng được sinh
thế giới Cực lạc
của đức Thế Tôn
A Di Đà Phật.

[i] Chính văn là “sở hữu lễ tán cúng dường Phật”. Câu này nếu nói rõ là sở hữu lễ Phật, tán Phật, cúng dường Phật. Vậy chữ Phật chữa thành chữ Phước là rất sai.

[ii] Mười hai bài chỉnh cú này nói về 8 đại nguyện: 1-2 là lễ kính Phật đà; 3-4 là 2 tán dương Như Lai; 5-7 là 3 hiến cúng rộng lớn; 8 là 4 sám hối nghiệp chướng; 9 là 5 tùy hỷ công đức; 10 là 6 xin chuyển pháp luân; 11 là 7 xin Phật ở đời; 12 là, theo ý đại sư Thái Hư, nói trước một cách tổng quát về đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả.

[iii] Theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 13-14 này là đại nguyện 8 thường học theo Phật.

[iv] ) Theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 15-16 này là đại nguyện 9 hằng thuận chúng sinh

[v] Theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 17-47 sau đây là đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả, nói đầy đủ hơn. Tựu trung chia ra hai đoạn lớn: đoạn một, các chỉnh cú 17-38 là phát thêm 10 nguyện nhỏ, đoạn hai, các chỉnh cú 39-47 là tổng kết hồi hướng về 10 đại nguyện.

[vi] Lậu, dịch đúng là rỉ lọt, mà ở đây là sai sót, sơ hở, sơ suất.

[vii] Nghĩa là nhiều như cực vi trên đầu sợi lông.

[viii] Dịch đủ: Thiền định, trí tuệ, phương tiện.

[ix] Coi lại ghi chú 18. Ở đó đã nói các chỉnh cú 17-38 là phát thêm 10 nguyện nhỏ, đó là:
1. 17-18 là nguyện hộ vệ chánh pháp,
2. 19-20 là nguyện tự lợi lợi tha,
3. 21-22 là nguyện thành thục chúng sinh,
4. 23-24 là nguyện không rời đồng hành,
5. 25-26 là nguyện hiến cúng chánh pháp,
6. 27-28 là nguyện được lợi công đức,
7. 29-31 là nguyện chuyển đẩy pháp luân,
8. 32-33 là nguyện nhập cảnh giới Phật,
9. 34-35 là nguyện phụng sự chư Phật,
10. 36-38 là nguyện mau thành chánh giác.

[x] Coi lại ghi chú 3. Tất cả chữ Phổ Hiền, trong trường hàng cũng như chỉnh cú, có 3 nghĩa. Một, có khi chỉ cho đức Phổ Hiền, thì viết hoa. Hai, đa số chỉ cho tính cách phổ hiền, thì viết thường. Ba, có khi chỉ cho các đức Phổ Hiền khác, thì cũng viết hoa.

[xi] Chữ này, ở đây và ở dưới, là chỉ cho mười hạnh nguyện Phổ Hiền.

[xii] Coi lại ghi chú 18. Ở đó đã nói, theo ý đại sư Thái Hư, các chỉnh cú 39-47 là tổng kết hồi hướng về 10 đại nguyện. Gồm lại, các chỉnh cú 17-47 là nói về đại nguyện 10 hồi hướng khắp cả.

[xiii] Có 2 nghĩa, nghĩa chính là quân đội của ma vương thật; nghĩa nữa là dục vọng, cũng gọi là quân đội của ma vương. Chưa kể có nơi từ ngữ này còn nói đến cơ thể (ngũ âm) sự chết và phiền não.

Kinh Phật: HẠNH NGUYỆN VƯƠNG PHỔ HIỀN (tạng-anh-pháp-việt)

Tựa đề (title):
    ༄༅ །།འཕགས་པ་བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་གྱི་རྒྱལ་པོ།། <link to the source>
– English: the King of Prayers of Arya Samantabhadra’s Conduct <link to the source>
    – Français:  <la Reine des Prières d’Aspiration> <link to the source>
    – Tiếng Việt: Phổ Hiền Hạnh Nguyện Vương
– Tác giả (author): kinh Phật (Buddha’s words)
– Ngôn ngữ (languages available): tạng văn, tạng âm, anh, pháp, việt (Tibetan, phonetics, English, French, Vietnamese).
Văn bản:

Chọn trang

༄༅ །།འཕགས་པ་བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་གྱི་རྒྱལ་པོ།།
The King of Prayers of Arya Samantabhadra’s Conduct
La Reine des Prières d’Aspiration : L’Aspiration aux Actions Bénéfiques de Samantabhadra
Hạnh Nguyện Vương Phổ Hiền

རྒྱ་གར་སྐད་དུ། ཨཱརྻ་བྷ་དྲ་ཙརྻ་པྲ་ཎི་དྷཱ་ན་རཱ་ཛ།
in the language of India [Sanskrit – phạn ngữ):  Ārya bhadracarya praṇidhāna rāja
བོད་སྐད་དུ། འཕགས་པ་བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་གྱི་རྒྱལ་པོ།
in the language of Tibet (tibétain – tạng ngữ):  pak pa zang po cho pé mon lam gyi gyalpo 

the translators’ homage  l’hommage des traducteurs – dịch giả đảnh lễ 

འཇམ་དཔལ་གཞོན་ནུར་གྱུར་པ་ལ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
jam pal shyön nur gyur pa la chak tsal lo
I prostrate to Arya youthful Manjushri.
Hommage à Manjusri le juvénile !
Đệ tử kính lễ bồ tát Văn thù, sắc tướng trẻ trung

 the meaning of the text – le sens du texte ý nghĩa chánh văn [4]

–i. accumulation and purification – accumulation et purification tích lũy và làm sạch [7]

—a. prostration – prosternation đảnh lễ [4]  

—- 1. combined prostration of all three doors of activities – prostration combinée des trois portes d’activités  đảnh lễ bằng trọn ba cửa thân khẩu và ý 

༡ ༽ ཇི་སྙེད་སུ་དག་ཕྱོགས་བཅུའི་འཇིག་རྟེན་ན། །
ji nyé su dak chok chü jik ten na
1) To all lions of men, the sugathas of the three times
1) À tous les Bouddhas, les lions de la race humaine,
1) Hết thảy chư Phật / trong ba thời gian / là bậc sư tử / trong cõi con người/

དུས་གསུམ་གཤེགས་པ་མི་ཡི་སེང་གེ་ཀུན། །
dü sum shek pa mi yi sen gé kün
to as many as they exist in the worlds of the ten directions
dans toutes les directions de l’univers, à travers passé, présent et futur,
tại các thế giới / khắp cả mười phương 

བདག་གིས་མ་ལུས་དེ་དག་ཐམས་ཅད་ལ། །
dak gi ma lü de dak tham ché la
I prostrate to all of them without exception
à chacun d’entre vous, je rends hommage en me prosternant ;
tôi vận dụng đủ / ba nghiệp trong sạch 

ལུས་དང་ངག་ཡིད་དང་བས་ཕྱག་བགྱིའོ། །
lü dang ngak yi dang wé chak gyi o
with body, speech and clear mind.
la dévotion emplit mon corps, ma parole et mon esprit.
kính lạy khắp cả / không có thiếu sót. 

—- 2. physical prostration  prostration physique – thân đảnh lễ 

༢ ༽ བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་སྟོབས་དག་གིས། །
2) zang po chö pé mön lam tob dak gi
2) Through the strength of prayer of noble conduct
2) Par le pouvoir de cette prière, cette aspiration aux actions bénéfiques
2) Năng lực uy thần / của hạnh phổ hiền 

རྒྱལ་བ་ཐམས་ཅད་ཡིད་ཀྱིས་མངོན་སུམ་དུ། །
gyal wa tham ché yi kyi ngön sum du
all the conquerors appear directly to my mind
tous les victorieux m’apparaissent ici clairement à l’esprit
làm tôi hiện khắp / trước chư Như lai, 

ཞིང་གི་རྡུལ་སྙེད་ལུས་རབ་བཏུད་པ་ཡིས། །
shying gi dul nyé lü rab tü pa yi
I bow deeply with as many bodies as the atoms of the fields
et je multiplie mon corps autant de fois qu’il y a d’atomes dans l’univers,
một thân tôi hiện / thân như cực vi 

རྒྱལ་བ་ཀུན་ལ་རབ་ཏུ་ཕྱག་འཚལ་ལོ། །
gyal wa kün la rab tu chak tsal lo
and fully prostrate to all conquerors.
chacun se prosternant en hommage devant tous les Bouddhas.
lạy khắp chư Phật / cũng như cực vi. /

—- 3. mental prostration  prostration mentale – ý đảnh lễ

༣ ༽ རྡུལ་གཅིག་སྟེང་ན་རྡུལ་སྙེད་སངས་རྒྱས་རྣམས། །
3) dul chik teng na dul nyé sang gye nam
3) On every atom (there) are Buddhas as many as the atoms that exist
3) Dans chaque atome président autant de Bouddhas qu’il y a d’atomes,
3) Trong một cực vi / có chư Phật đà / nhiều bằng cực vi, 

སངས་རྒྱས་སྲས་ཀྱི་དབུས་ན་བཞུགས་པ་དག །
sang gye sé kyi ü na shyuk pa dak
seated in the centre of the children of Buddhas.
entourés de leurs héritiers, les bodhisattvas ;
và đều ở trong / chúng hội Bồ tát; /

དེ་ལྟར་ཆོས་ཀྱི་དབྱིངས་རྣམས་མ་ལུས་པ། །
de tar chö kyi ying nam malüpa
thus I appreciate that all dharma spheres without exception
je les imagine ainsi emplissant
cực vi tất cả / pháp giới vô tận / cũng là như vậy, 

ཐམས་ཅད་རྒྱལ་བ་དག་གིས་གང་བར་མོས། །
tham ché gyal wa dak gi gang war mö
are filled completely with conquerors.
complètement tout l’espace de la réalité.
tâm tôi tin Phật / thật sâu và đầy./

—- 4. verbal prostration  prostration verbale  khẩu đảnh lễ 

༤ ༽ དེ་དག་བསྔགས་པ་མི་ཟད་རྒྱ་མཚོ་རྣམས། །
4) de dak ngak pa mi zé gya tso nam
4) With every sound of an ocean of melodies
4) Je les salue d’un océan infini de louanges ;
4) Nên biển âm thanh / tôi vận dụng cả, 

དབྱངས་ཀྱི་ཡན་ལག་རྒྱ་མཚོའི་སྒྲ་ཀུན་གྱིས། །
yang kyi yen lak gya tsö dra kün gyi
and an ocean of these inexhaustible praises
aux sons d’un océan de mélodies variées,
xuất ra vô tận / lời chữ nhiệm mầu, 

རྒྱལ་བ་ཀུན་གྱི་ཡོན་ཏན་རབ་བརྗོད་ཅིང་། །
gyal wa kün gyi yön ten rab jö ching
I pronounce the qualities of all conquerors
je chante les nobles qualités des Bouddhas
cùng tận thời kỳ / của thì vị lai 

བདེ་བར་གཤེགས་པ་ཐམས་ཅད་བདག་གིས་བསྟོད། །
de war shek pa tham ché dak gi tö
and praise all sugatas.
et loue tous ceux qui ont atteint la félicité suprême.
tán dương biển cả / công đức của Phật.

—b. offerings  offrandes – cúng dường [2]

—- 1. ordinary offerings  offrandes ordinaires – cúng phẩm thường 

༥ ༽ མེ་ཏོག་དམ་པ་ཕྲེང་བ་དམ་པ་དང་། །
5) me tok dam pa treng wa dam pa dang
5) With immaculate flowers and immaculate garlands,
5) À chaque Bouddha, je fais l’offrande
5) Tôi đem vòng hoa / tốt đẹp hơn hết,

སིལ་སྙན་རྣམས་དང་བྱུག་པ་གདུགས་མཆོག་དང་། །
sil nyen nam dang juk pa duk chok dang
cymbals perfumed ointments, supreme parasols and well as
de fleurs ravissantes, de guirlandes magnifiques,
âm nhạc, hương xoa, / tàn lọng, bảo cái,

མར་མེ་མཆོག་དང་བདུག་སྤོས་དམ་པ་ཡིས། །
mar mé chok dang duk pö dam pa yi
supreme butter lamps and immaculate incense,
de musique et de baumes parfumés, des plus belles ombrelles,
đèn, hương, phẩm vật / hơn hết như vậy,

རྒྱལ་བ་དེ་དག་ལ་ནི་མཆོད་པར་བགྱི། །
gyal wa de dak la ni chö par gyi
I make offerings to these conquerors.
des lampes les plus brillantes et du meilleur encens.
tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

༦ ༽ ན་བཟའ་དམ་པ་རྣམས་དང་དྲི་མཆོག་དང་། །
6) na za dam pa nam dang dri chok dang
6) By (arranging) immaculate garments and supreme aromas
6) À chaque Bouddha, je fais l’offrande
6) Y phục hơn hết, / hương liệu hơn hết,

ཕྱེ་མ་ཕུར་མ་རི་རབ་མཉམ་པ་དང་། །
che ma pur ma ri rab nyam pa dang
and powdered incense as high as the supreme mountain (meru)
de splendides vêtements, des senteurs les plus suaves,
hương bột, hương đốt, / cùng với đèn đuốc,

བཀོད་པ་ཁྱད་པར་འཕགས་པའི་མཆོག་ཀུན་གྱིས། །
kö pa khye par pak pé chok kün gyi
in a formation that is superior and supreme in every (aspect)
et de poudre d’encens, en tas aussi hauts que le mont meru,
tất cả đều như / diệu cao núi lớn (núi tu di),

རྒྱལ་བ་དེ་དག་ལ་ནི་མཆོད་པར་བགྱི། །
gyal wa de dak la ni chö par gyi
I make offerings to these conquerors.
disposés en parfaite symétrie.
tôi đem hiến cúng / chư vị Như lai.

—- 2. unsurpassable offerings  offrandes inégalables – cúng phẩm vô thượng 

༧ ༽ མཆོད་པ་གང་རྣམས་བླ་མེད་རྒྱ་ཆེ་བ། །
7) chö pa gang nam la mé gya che wa
7) Vast unsurpassable offerings
7) Puis, inspiré par ma dévotion envers tous les bouddhas et
7) Tôi đem cái biết / cao rộng hơn hết

དེ་དག་རྒྱལ་བ་ཐམས་ཅད་ལ་ཡང་མོས། །
de dak gyal wa tham ché la yang mö
I imagine for all conquerors
mû par le pouvoir de ma foi dans les actions bénéfiques,
tin tưởng sâu xa / tam thế chư Phật,

བཟང་པོ་སྤྱོད་ལ་དད་པའི་སྟོབས་དག་གིས། །
zang po chö la de pé tob dak gi
through the strength of faith in the noble conduct
je me prosterne devant tous les victorieux et leur présente
vận dụng sức mạnh / hạnh nguyện phổ hiền

རྒྱལ་བ་ཀུན་ལ་ཕྱག་འཚལ་མཆོད་པར་བགྱི། །
gyal wa kün la chak tsal chö par gyi
I prostrate and offer to all conquerors.
ces offrandes immenses et insurpassables.
mà khắp hiến cúng / chư vị Như lai.

—c. confession of negativity  confession de la négativité – sám hối tội chướng 

༨ ༽ འདོད་ཆགས་ཞེ་སྡང་གཏི་མུག་དབང་གིས་ནི། །
8) dö chak shye dang ti muk wang gi ni
8) Whatever negativity exist and I have done
8) Quels que soient les actes négatifs que j’ai commis
8) Bao nhiêu nghiệp dữ / xưa kia tôi làm,

ལུས་དང་ངག་དང་དེ་བཞིན་ཡིད་ཀྱིས་ཀྱང་། །
lü dang ngak dang de shyin yi kyi kyang
with my body, speech and similarly with my mind
sous l’emprise du désir, de la haine et de l’ignorance,
đều bởi vô thỉ / những tham sân si,

སྡིག་པ་བདག་གིས་བགྱིས་པ་ཅི་མཆིས་པ། །
dik pa dak gi gyi pa chi chi pa
due to the power of attachment, hatred and confusion
avec mon corps, ma parole, ainsi que mon esprit,
động thân ngữ ý / mà phát sinh ra,

དེ་དག་ཐམས་ཅད་བདག་གིས་སོ་སོར་བཤགས། །
de dak tham ché dak gi so sor shak
I confess all of them individually.
devant vous je les confesse et les purifie tous sans exception.
ngày nay tôi nguyện / sám hối tất cả.

—d. rejoicing  réjouissance – tùy hỉ 

༩ ༽ ཕྱོགས་བཅུའི་རྒྱལ་བ་ཀུན་དང་སངས་རྒྱས་སྲས། །
9) chok chü gyal wa kün dang sang gye sé
9) I rejoice in the virtue of all conquerors of the ten directions,
9) Le cœur plein d’allégresse, je me réjouis de tous les mérites
(9) Mười phương hết thảy / các loại chúng sinh,

རང་རྒྱལ་རྣམས་དང་སློབ་དང་མི་སློབ་དང་། །
rang gyal nam dang lob dang mi lob dang
that of the children of the Buddhas,
des bouddhas et des bodhisattvas,
cùng với các vị / thanh văn, duyên giác, / tu học tiếp tục,

འགྲོ་བ་ཀུན་གྱི་བསོད་ནམས་གང་ལ་ཡང་། །
dro wa kün gyi sö nam gang la yang
that of solitary realizers, learners and non-learners
des pratyekabuddha, de ceux qui sont encore sur le chemin et des arhats au delà du chemin,
tu học hoàn tất, / tất cả Như lai, / cùng với bồ tát,

དེ་དག་ཀུན་གྱི་རྗེས་སུ་བདག་ཡི་རང་། །
de dak kün gyi je su dak yi rang
and in the merit of all migrators.
ainsi que de chaque être vivant, dans la totalité de l’univers.
công đức có gì / tôi tùy hỷ cả.

—e. urging to turn the wheel of dharma  requête à tourner la roue du dharma  thỉnh chuyển pháp luân 

༡༠ ༽ གང་རྣམས་ཕྱོགས་བཅུའི་འཇིག་རྟེན་སྒྲོན་མ་རྣམས། །
10) gang nam chok chü jik ten drön ma nam
10) All those who are the beacons of the worlds in the ten directions,
10) Vous qui êtes comme des phares dont la lumière éclaire les mondes,
10) Mười phương đâu có / ngọn đèn thế giới /

བྱང་ཆུབ་རིམ་པར་སངས་རྒྱས་མ་ཆགས་བརྙེས། །
jang chub rim par sang gye ma chak nyé
those who have found buddhahood without attachment
et qui avez traversé les étapes menant à l’éveil pour atteindre l’état de bouddha libre de tout attachement,
khi mới thành tựu / tuệ giác vô thượng, 

མགོན་པོ་དེ་དག་བདག་གིས་ཐམས་ཅད་ལ། །
gön po de dak dak gi tham ché la
in the stages of enlightenment, all those protectors
je vous exhorte, vous tous les protecteurs :
tôi xin thỉnh cầu / tất cả các Ngài 

འཁོར་ལོ་བླ་ན་མེད་པར་བསྐོར་བར་བསྐུལ། །
khor lo la na me par kor war kul
I urge to turn the unsurpassable wheel of dharma.
veuillez tourner l’insurpassable roue du dharma.
chuyển đẩy bánh xe / diệu pháp vô thượng.

—f. praying not to pass into paranirvana  requête aux bouddhas de ne pas passer en nirvana – thỈnh đừng nhập niết bàn 

༡༡ ༽ མྱ་ངན་འདའ་སྟོན་གང་བཞེད་དེ་དག་ལ། །
11) nya ngen da tön gang shyé de dak la
11) To those wishing to demonstrate paranirvana
11) je joins les mains et prie :
11) Chư vị Như lai / muốn hiện niết bàn,

འགྲོ་བ་ཀུན་ལ་ཕན་ཞིང་བདེ་བའི་ཕྱིར། །
dro wa kün la pen shying de wé chir
I pray with my palms joined together:
vous qui avez l’intention de passer en nirvāṇa,
thì tôi chí thành / thỉnh cầu các Ngài

བསྐལ་པ་ཞིང་གི་རྡུལ་སྙེད་བཞུགས་པར་ཡང་། །
kal pa shying gi dul nyé shyuk par yang
for the benefit and happiness of all migrators
demeurez en ce monde autant d’éternités qu’il y a d’atomes,
sống với đời kiếp / nhiều như cực vi,

བདག་གིས་ཐལ་མོ་རབ་སྦྱར་གསོལ་བར་བགྱི། །
dak gi thal mo rab jar sol war gyi
please remain for as many eons as there are atoms in the fields.
et apportez bien-être et bonheur à tous les êtres vivants.
để làm lợi lạc / hết thảy chúng sinh.

—g. dedication  dédicace  hồi hướng 

༡༢ ༽ ཕྱག་འཚལ་བ་དང་མཆོད་ཅིང་བཤགས་པ་དང་། །
12) chak tsal wa dang chö ching shak pa dang
12) Whatever little virtue I have accumulated through
12) Le peu de mérite que j’ai accumulé par cet hommage,
12) Lạy Phật, khen Phật, / và hiến cúng Phật,

རྗེས་སུ་ཡི་རང་བསྐུལ་ཞིང་གསོལ་བ་ཡི། །
je su yi rang kul shying sol wa yi
prostrating, making offerings, confessing,
par l’offrande, la confession et la réjouissance,
xin Phật ở đời / và chuyển pháp luân,

དགེ་བ་ཅུང་ཟད་བདག་གིས་ཅི་བསགས་པ། །
ge wa chung zé dak gi chi sak pa
rejoicing, urging and praying
par mon exhortation et ma prière, tout cela,
tùy hỷ sám hối / bao thiện căn ấy

ཐམས་ཅད་བདག་གིས་བྱང་ཆུབ་ཕྱིར་བསྔོའོ། །
tham ché dak gi jang chub chir ngo o
I dedicate them all towards enlightenment.
je le dédie à l’éveil de tous les êtres.
tôi đem hồi hướng / nguyện thành trí Phật.

–ii. the actual practices  les pratiques réelles  pháp tu chính [3]

—a. practicing the on the ground of resolute conduct  pratiquer sur le terrain de la conduite résolue – tu trên địa hạnh nguyện [10]

—-1. training to purify intention  entraînement pour purifier l’intention  nguyện tịnh tâm ý [3]

—–a. aspiration to make offerings to the Buddhas and that they perfectly complete their intentions  aspiration pour faire des offrandes aux bouddhas et qu’ils complètent parfaitement leurs intentions –nguyện hiến cúng Phật, bậc tâm ý viên mãn 

༡༣ ༽ འདས་པའི་སངས་རྒྱས་རྣམས་དང་ཕྱོགས་བཅུ་ཡི། །
13) de pé sang gye nam dang chok chu yi
13) May my offerings be made to the Buddhas of the past and
13) Que des offrandes soient faites aux bouddhas du passé,
(13) Nguyện mang cúng phẩm / dâng chư Phật đà

འཇིག་རྟེན་དག་ན་གང་བཞུགས་མཆོད་པར་གྱུར། །
jik ten dak na gang shyuk chö par gyur
to those abiding in every world of the ten directions
et à tous ceux qui demeurent à présent dans les dix directions de cet univers !
trong thời quá khứ / trong thời hiện tại / ở khắp mười phương

གང་ཡང་མ་བྱོན་དེ་དག་རབ་མྱུར་བར། །
gang yang ma jön de dak rab nyur war
and may those who have not yet come, very quickly
que tous ceux qui sont encore à venir réalisent promptement leurs souhaits
và xin nguyện cho / chư Phật sẽ thành

བསམ་རྫོགས་བྱང་ཆུབ་རིམ་པར་སངས་རྒྱས་སྤྱོན། །
sam dzok jang chub rim par sang gye chön
complete the intention of enlightenment and gradually come as Buddhas.
et gravissant les étapes de l’éveil, atteignent l’état de bouddha.
mau chóng phát tâm / sớm thành chánh quả.

—-b. intention to thoroughly purify buddha fields  intention de purifier complètement les champs de bouddha – nguyện làm sạch cõi Phật 

༡༤ ༽ ཕྱོགས་བཅུ་ག་ལའི་ཞིང་རྣམས་ཇི་སྙེད་པ། །
14) chok chu ga lé shying nam ji nye pa
14) May however many fields exist in the ten directions become vast and completely pure
14) Que tous les mondes qui existent dans les dix directions
14) Tất cả thế giới / khắp cả mười phương / rộng lớn trong sạch /

དེ་དག་རྒྱ་ཆེར་ཡོངས་སུ་དག་པར་གྱུར། །
de dak gya cher yong su dak par gyur
and may they will be filled completely by conquerors who have
se transforment en vastes royaumes parfaitement purs,
nhiệm mầu trang nghiêm, / ở đâu cũng có / đại hội bồ tát

བྱང་ཆུབ་ཤིང་དབང་དྲུང་གཤེགས་རྒྱལ་བ་དང་། །
jang chub shing wang drung shek gyal wa dang
proceeded to enlightenment under powerful bodhi trees and
peuplés entièrement de bouddhas qui se sont assis sous l’arbre puissant de la bodhi,
bao quanh chư Phật, / trong khi chư Phật

སངས་རྒྱས་སྲས་ཀྱིས་རབ་ཏུ་གང་བར་ཤོག །
sang gye sé kyi rab tu gang war shok
by children of the Buddhas
avec autour d’eux, tous leurs fils et filles bodhisattvas !
cùng ngồi dưới cây / bồ đề đại thọ.

—-c. training in the special intention for happiness for all sentient beings  entraînement à l’intention spéciale pour le bonheur de toues les êtres vivants – luyện đại nguyện thành tựu phúc lợi cho chúng sinh 

༡༥ ༽ ཕྱོགས་བཅུའི་སེམས་ཅན་གང་རྣམས་ཇི་སྙེད་པ། །
15) chok chü sem chen gang nam jin yé pa
15) May however many sentient beings exist in the ten directions
15) Que tous les êtres animés qui existent dans les dix directions
15) Cầu nguyện chúng sinh / khắp cả mười phương

དེ་དག་རྟག་ཏུ་ནད་མེད་བདེ་བར་གྱུར། །
de dak tak tu ne mé de war gyur
be always without sickness, may they have happiness
vivent à jamais heureux et en bonne santé !
thoát hết lo sợ / thường hưởng yên vui,

འགྲོ་བ་ཀུན་གྱི་ཆོས་ཀྱི་དོན་རྣམས་ནི། །
dro wa kün gyi chö kyi dön nam ni
and may the dharma-related purposed and hopes of all migrators
que tous les êtres rencontrent le dharma
thu hoạch lợi ích / của pháp sâu xa,

མཐུན་པར་གྱུར་ཅིང་རེ་བའང་འགྲུབ་པར་ཤོག །
thün par gyur ching re wa ang drub par shok
be fulfilled accordingly.
qui leur convient le mieux ! et que tous leurs espoirs puissent ainsi être comblés !
diệt trừ phiền não / không còn thừa sót.

—-2. the path remembering bodhichitta  le chemin pour se souvenir de la bodhichitta – nguyện nhớ tâm bồ đề  [5]

—–a. aspiration to remember previous births and to be ordained  aspiration à se souvenir des naissances précédentes et à prendre ordination – nguyện luôn nhớ đời trước, sống hạnh xuất gia 

༡༦ ༽ བྱང་ཆུབ་སྤྱོད་པ་དག་ནི་བདག་སྤྱོད་ཅིང་། །
16) jang chub chö pa dak ni dak chö ching
16) May I practice of conduct of enlightenment
16) En pratiquant sur le chemin de l’éveil,
(16) Khi tôi tu tập / vì đại bồ đề 

འགྲོ་བ་ཀུན་ཏུ་སྐྱེ་བ་དྲན་པར་གྱུར། །
dro wa kün tu kye wa dren par gyur
may I remember (past) births in all migrations and
puissé-je me souvenir de toutes mes naissances antérieures,
thì ở loài nào / thọ mạng ra sao

ཚེ་རབས་ཀུན་ཏུ་འཆི་འཕོ་སྐྱེ་བ་ན། །
tse rab kün tuchi po kye wa na
in all successive lives, at death, transference and birth
et dans toutes mes vies successives, dans la mort et dans la renaissance,
đi qua cảnh chết, / trung hữu, tái sinh

རྟག་ཏུ་བདག་ནི་རབ་ཏུ་འབྱུང་བར་ཤོག །
tak tu dak ni rab tu jung war shok
may I always be ordained.
puissé-je toujours renoncer à la vie mondaine !
đều nhớ đời trước, / thường được xuất gia.

—–b. aspiration not to allow the deterioration of ethics  aspiration à ne pas permettre la détérioration de l’éthique – nguyện không để giới thoái chuyển 

༡༧ ༽ རྒྱལ་བ་ཀུན་གྱི་རྗེས་སུ་སློབ་གྱུར་ཏེ། །
17) gyal wa kün gyi je su lob gyur té
17) May I train in the footsteps of all conquerors and
17) En suivant les traces de tous les bouddhas victorieux,
(17) Noi gót Thế tôn

བཟང་པོ་སྤྱོད་པ་ཡོངས་སུ་རྫོགས་བྱེད་ཅིང་། །
zang po chö pa yong su dzok jé ching
thoroughly complete the noble conduct
puissé-je mener les actions bénéfiques à leur entière perfection,
nghiêm giữ tịnh giới,

ཚུལ་ཁྲིམས་སྤྱོད་པ་དྲི་མེད་ཡོངས་དག་པ། །
tsultrim chö pa dri mé yong dak pa
may I always practice non-deteriorated and faultless,
puisse ma conduite et ma discipline être toujours impeccables et pures,
không để giới thể / bị dơ bị vỡ

རྟག་ཏུ་མ་ཉམས་སྐྱོན་མེད་སྤྱོད་པར་ཤོག །
tak ma nyam kyön mé chö par shok
stainless, thoroughly pure moral conduct.
sans aucune défaillance ni aucune faute.
hay bị xuyên thủng / hoặc bị sơ suất.

—–c. aspiration to teach dharma in individual languages  aspiration pour enseigner le dharma dans les langages individuels – nguyện tùy ngôn ngữ giáo hóa

༡༨ ༽ ལྷ་ཡི་སྐད་དང་ཀླུ་དང་གནོད་སྦྱིན་སྐད། །
18) lha yi ké dang lu dang nö jin ké
18) May I teach the dharma in all languages
18) Dans la langue des dieux, des nāga et des yakṣa,
18) Tất cả chư thiên / cùng với quỉ thần,

གྲུལ་བུམ་དག་དང་མི་ཡི་སྐད་རྣམས་དང་། །
drul bum dak dang mi yi ké nam dang
however many languages of migrators (exist, such as)
dans la langue des démons et dans celle aussi des humains,
hết thảy nhân loại / và bao loài khác,

འགྲོ་བ་ཀུན་གྱི་སྒྲ་རྣམས་ཇི་ཙམ་པར། །
dro wa kün gyi dra nam ji tsam par
the languages of gods, nagas, yakshas,
dans autant de langues différentes qui existent,
bao nhiêu chúng sinh / bao nhiêu tiếng nói,

ཐམས་ཅད་སྐད་དུ་བདག་གིས་ཆོས་བསྟན་ཏོ། །
tham ché ké du dak gi chö ten to
vampires and humans.
je proclamerai le dharma dans la langue de tous !
tôi dùng tiếng ấy / mà thuyết pháp cho.

—–d. aspiration to soften one’s mental continuum and to exert in the six perfections   aspiration pour adoucir son continuum mental et exercer dans les six perfections – nguyện tâm nhu nhuyễn, luyện hạnh ba la mật 

༡༩ ༽ དེས་ཤིང་ཕ་རོལ་ཕྱིན་ལ་རབ་བརྩོན་ཏེ། 
19) dé shing pa rol chin la rab tsön té
19a) Through that and through exertion in the (six) perfections
19) Domptant mon esprit et m’efforçant de pratiquer les pāramitā,
19) Siêng tu các pháp / ba la mật đa / cực kỳ trong sáng,

བྱང་ཆུབ་སེམས་ནི་ནམ་ཡང་བརྗེད་མ་གྱུར། །
jang chub sem ni nam yang jé ma gyur
may the mind of bodhichitta never be forgotten.
je n’oublierai jamais la bodhicitta ;
thường xuyên chuyên chú / không để quên mất / tâm đại bồ đề,

—–e. aspiration to abandon negativities and obscurations  aspiration à abandonner les négativités et les obscurcissements – nguyện từ bỏ ác hạnh ác chướng

སྡིག་པ་གང་རྣམས་སྒྲིབ་པར་གྱུར་པ་དག །
dik pa gang nam drib par gyur pa dak
19b) May whatever negativities that are obscurations (exist)
Puissent toutes mes actions négatives et les obscurcissements qu’elles causent
Diệt trừ dơ bẩn

དེ་དག་མ་ལུས་ཡོངས་སུ་བྱང་བར་ཤོག །
de dak ma lü yong su jang war shok
be thoroughly cleansed.
être complètement purifiés jusqu’au dernier.
không cho sót lại,

—-3. unaffected application  application non affectée – không vướng nhiễm tâm 

༢༠ ༽ ལས་དང་ཉོན་མོངས་བདུད་ཀྱི་ལས་རྣམས་ལས། །
20) lé dang nyön mong dü kyi lé nam lé
20) May I be liberated from the actions of the demons of karma and afflictions
20) Puissé-je être libéré du karma, des émotions nuisibles et de l’œuvre de la négativité,
(20) Đối với mê lầm / cùng với nghiệp dữ, / đối với cảnh ngộ

གྲོལ་ཞིང་འཇིག་རྟེན་འགྲོ་བ་རྣམས་སུ་ཡང་། །
drol shying jik ten dro wa nam su yang
and also in all worldly migrations may i
et agir pour tous les êtres dans le monde,
hiện thân ma vương, / trong cõi đời này / mà được siêu thoát,

ཇི་ལྟར་པདྨོ་ཆུས་མི་ཆགས་པ་བཞིན། །
ji tar pe mo chü mi chak pa shyin
remain without attachment , like the lily is with the water and
tout comme la fleur de lotus à laquelle ni l’eau ni la boue ne peuvent adhérer,
tựa như hoa sen / không hề dính nước,

ཉི་ཟླ་ནམ་མཁར་ཐོགས་པ་མེད་ལྟར་སྤྱད། །
nyi da nam khar thok pa mé tar ché
like the sun and moon (that move) unhindered in the sky.
ou le soleil et la lune dont la course est sans obstacle dans le ciel.
cũng như nhật nguyệt / không vướng không gian.

—-4. benefiting sentient beings  aider les êtres vivants – lợi ích chúng sinh 

༢༡ ༽ ཞིང་གི་ཁྱོན་དང་ཕྱོགས་རྣམས་ཅི་ཙམ་པར། །
21) shying gi khyön dang chok nam chi tsam par
21) May I thoroughly pacify the suffering of lower migrations
21) Partout, dans toute l’étendue de l’univers,
21) Tận trừ toàn bộ / nỗi khổ đường dữ,

ངན་སོང་སྡུག་བསྔལ་རབ་ཏུ་ཞི་བར་བྱེད། །
ngen song duk ngal rab tu shyi war jé
in however many vast fields and directions (it exists).j’apaiserai complètement la souffrance de tous les royaumes inférieurs,
bình đẳng cho vui / bao loại sinh linh,

བདེ་བ་དག་ལ་འགྲོ་བ་ཀུན་འགོད་ཅིང་། །
de wa dak la dro wa kün gö ching
may I place all migrators in many types of happiness
conduirai tous les êtres au bonheur
trải qua thời kỳ / nhiều như cực vi,

འགྲོ་བ་ཐམས་ཅད་ལ་ནི་ཕན་པར་སྤྱད། །
dro wa tham ché la ni pen par ché
and may I practice that which is beneficial for all.
et agirai pour le bénéfice ultime de chacun.
lợi ích mười phương / không có cùng tận.

—-5. putting on the armor  mettre l’armure – mặc áo giáp 

༢༢ ༽ བྱང་ཆུབ་སྤྱོད་པ་ཡོངས་སུ་རྫོགས་བྱེད་ཅིང་། །
22) jang chub chub chö pa yong su dzok jé ching
22) May I thoroughly complete the conduct of enlightenment and
22) J’accomplirai l’action éveillée à la perfection,
22) Tôi hằng tùy thuận / các loại chúng sinh,

སེམས་ཅན་དག་གི་སྤྱོད་དང་མཐུན་པར་འཇུག །
sem chen dak gi chö dang thün par juk
cause sentient beings to enter in accordance with their conduct,
servirai les êtres de façon appropriée à leurs besoins,
cùng tận thời kỳ / của thì vị lai,

བཟང་པོ་སྤྱོད་པ་དག་ནི་རབ་སྟོན་ཅིང་། །
zang po chö pa dak ni rab tön ching
may I teach them well (various) noble conducts and
leur enseignerai à accomplir des actions bénéfiques
thường xuyên tu tập / hạnh nguyện phổ hiền

མ་འོངས་བསྐལ་པ་ཀུན་ཏུ་སྤྱོད་པར་གྱུར། །
ma ong kal pa kün tu chö par gyur
may I practice them in all future eons.
et continuerai ainsi dans toutes les ères à venir.
cực kỳ rộng lớn / viên mãn thành tựu / tuệ giác bồ đề / cực kỳ tối thượng.

—-6. aspiration to meet with bodhisattvas of equal fortune  aspiration à rencontrer des bodhisattvas d’égale fortune – nguyện gặp bồ tát đồng tu 

༢༣ ༽ བདག་གི་སྤྱོད་དང་མཚུངས་པར་གང་སྤྱོད་པ། །
23) dak gi chö dang tsung par gang chö pa
23) May I always befriend
23) Puissé-je toujours rencontrer et être en compagnie de
23) Bao nhiêu những người / đồng hành với tôi,

དེ་དག་དང་ནི་རྟག་ཏུ་འགྲོགས་པར་ཤོག །
de dak dang ni tak tu drok par shok
those whose conduct is similar to mine.
ceux qui agissent en accord avec moi ;
nguyện ở chỗ nào / cũng thường gặp nhau,

ལུས་དང་ངག་རྣམས་དང་ནི་སེམས་ཀྱིས་ཀྱང་། །
lü dang ngak nam dang ni sem kyi kyang
may through body, speech and also mind
et puissent les actions et les aspirations de notre corps, de notre parole ainsi que de notre esprit,
thân ngữ và ý / đều như nhau cả,

སྤྱོད་པ་དག་དང་སྨོན་ལམ་གཅིག་ཏུ་སྤྱད། །
chö pa chö pa dak dang mön lam chik tu ché
pure conduct and prayer be practiced as one.
être toujours une !
cùng nhau tu học / hết thảy hạnh nguyện.

—-7. aspiration to meet and please virtuous friends  aspiration à avoir des maîtres authentiques et à leur plaire  – nguyện gặp và làm đẹp lòng bậc thiện tri thức 

༢༤ ༽ བདག་ལ་ཕན་པར་འདོད་པའི་གྲོགས་པོ་དག །
24) dak la pen par dö pé drok po dak
24) May I always meet with those friends who
24) Puissé-je toujours rencontrer des amis spirituels
24) Những thiện trí thức / lợi ích cho tôi,

བཟང་པོ་སྤྱོད་པ་རབ་ཏུ་སྟོན་པ་རྣམས། །
zang po chö pa rab tu tön pa nam
whish to benefit me and who
qui aspirent à m’aider véritablement
chỉ dẫn cho tôi / hạnh nguyện phổ hiền,

དེ་དག་དང་ཡང་རྟག་ཏུ་ཕྲད་པར་ཤོག །
de dak dang yang tak tu tre par shok
teach well the noble conduct;
et m’enseigne les actions bénéfiques ;
cũng nguyện thường xuyên / được gặp gỡ nhau,

དེ་དག་བདག་གིས་ནམ་ཡང་ཡིད་མི་དབྱུང་། །
de dak dak gi nam yang yi mi yung
may I never disappoint their minds.
jamais je ne les décevrai !
lại nguyện thường xuyên / hoan hỷ cho tôi.

—-8. aspiration to see the Buddhas and serve them in person  aspiration à voir les bouddhas et à les servir en personne – nguyện thấy và phụng sự chư Phật 

༢༥ ༽ སངས་རྒྱས་སྲས་ཀྱིས་བསྐོར་བའི་མགོན་པོ་རྣམས། །
25) sang gye sé kyi kor wé gön po nam
25) May I always behold directly the conquerors,
25) Puissé-je toujours voir les bouddhas, là devant mes yeux,
25) Nguyện thường nhìn thấy / chư vị Như lai,

མངོན་སུམ་རྟག་ཏུ་བདག་གིས་རྒྱལ་བ་བལྟ། །
ngön sum tak tu dak gi gyal wa ta
protectors surrounded by the children of the buddha.
et autour d’eux, tous leurs fils et filles bodhisattvas.
cùng chư bồ tát / vây quanh các Ngài,

མ་འོངས་བསྐལ་པ་ཀུན་ཏུ་མི་སྐྱོ་བར། །
ma ong kal pa kün tu mi kyo war
in all future eons may I never become impoverished
inlassablement, dans toutes les ères à venir,
đối với các Ngài / nguyện hiến cúng lớn,

དེ་དག་ལ་ཡང་མཆོད་པ་རྒྱ་ཆེར་བགྱི། །
de dak la yang chö pa gya cher gyi
and may I also make vast offerings to them.
puissent les offrandes que je leur fais être vastes et infinies.
cùng tận vị lai / không biết chán mệt.

—-9. aspiration to fully uphold the immaculate dharma  aspiration à préserver la prospérité du dharma  – nguyện duy trì chánh pháp

༢༦ ༽ རྒྱལ་བ་རྣམས་ཀྱི་དམ་པའི་ཆོས་འཛིན་ཅིང་། །
26) gyal wa nam kyi dam pé chö dzin ching
26) May I uphold the immaculate dharma of the conquerors
26) Puissé-je préserver les enseignements sacrés des bouddhas,
26) Nguyện được duy trì / pháp mầu của Phật,

བྱང་ཆུབ་སྤྱོད་པ་ཀུན་ཏུ་སྣང་བར་བྱེད། །
jang chub chö pa kün tu nang war jé
and illuminate every aspect of the conduct of enlightenment
et faire naître l’action éveillée ;
làm cho rực rỡ / hạnh nguyện bồ đề,

བཟང་པོ་སྤྱོད་པ་རྣམ་པར་སྦྱོང་བ་ཡང་། །
zang po chö pa nam par jong wa yang
may I practice the noble conduct (now) and
puissé-je parachever les actions bénéfiques
trong sạch rốt ráo / đường đi phổ hiền,

མ་འོངས་བསྐལ་པ་ཀུན་ཏུ་སྤྱད་པར་བགྱི། །
ma ong kal pa kün tu che par gyi
may I practice it in all future eons.
et les pratiquer dans tous les âges à venir.
cùng tận vị lai / thường xuyên tu tập.

—-10. aspiration to acquire inexhaustible treasures  aspiration à acquérir un trésor inépuisable  nguyện được kho báu bất tận 

༢༧ ༽ སྲིད་པ་ཐམས་ཅད་དུ་ཡང་འཁོར་བ་ན། །
27) si pa tham ché du yang khor wa na
27) May I find inexhaustible treasures and gnosis
27) Tandis que j’erre dans tous les états de l’existence samsarique,
(27) ở trong tất cả / thế giới ba cõi,

བསོད་ནམས་ཡེ་ཤེས་དག་ནི་མི་ཟད་བརྙེས། །
sö nam ye she dak ni mi zé nyé
when circling in all (types) of existence
puissé-je accumuler un mérite et une sagesse inépuisables,
tôi tu phước trí / thường xuyên vô tận,

ཐབས་དང་ཤེས་རབ་ཏིང་འཛིན་རྣམ་ཐར་དང་། །
thab dang she rab ting dzin nam thar dang
may I become an inexhaustible treasury of all qualities,
et devenir ainsi un trésor inépuisable de nobles qualités,
định tuệ phương tiện / cùng với giải thoát,

ཡོན་ཏན་ཀུན་གྱི་མི་ཟད་མཛོད་དུ་གྱུར། །
yön ten kün gyi mi zé dzö du gyur
method, wisdom, concentration and freedom.
d’habileté et de discrnement, de samādhi et de libération !
được kho công đức / vô tận như vậy.

—b. practicing on the ground of arya bodhisattvas  pratiquer sur la terre d’arya bodhisattavas  tu trên địa bồ tát [6]

—-1. entering the freedom of all bodhisattvas  entrer dans la liberté de tous les bodhisattvas  nhập cõi tự tại của bồ tát [8] 

—–a. aspiration to see the inhabitants of all pure realms existing in the ten directions on a single atom aspiration à voir les habitants de tous les royaumes purs existant dans les dix directions sur un seul atome – nguyện thấy chúng hội ở khắp mười phương tịnh độ trong mỗi cực vi [[22]] 

༢༨ ༽ རྡུལ་གཅིག་སྟེང་ན་རྡུལ་སྙེད་ཞིང་རྣམས་ཏེ། །
28) dul chik teng na dul nyé shying nam té
28) on every atom there are as many fields as the atoms that exist
28) En un seul atome, puissé-je voir autant de royaumes purs qu’il y a d’atomes dans l’univers :
28) Mỗi một cực vi / có số thế giới / nhiều bằng cực vi

ཞིང་དེར་བསམ་གྱིས་མི་ཁྱབ་སངས་རྒྱས་རྣམས། 
shying der sam gyi mi khyab sang gye nam
the inconceivable Buddhas in these fields
et dans chaque royaume, des bouddhas au-delà de toute imagination,
mỗi một thế giới / có các đức Phật / khó thể nghĩ thấu,

སངས་རྒྱས་སྲས་ཀྱི་དབུས་ན་བཞུགས་པ་ལ། །
sang gye sé kyi ü na shyuk pa la
abide surrounded by children of the Buddhas
entourés de leurs héritiers bodhisattvas.
mỗi một đức Phật / đều ở chính giữa / đại hội bồ tát,

བྱང་ཆུབ་སྤྱད་པ་སྤྱོད་ཅིང་བལྟ་བར་བགྱི། །
jang chub che pa chö ching ta war gyi
I behold them and practice the conduct of enlightenment.
avec eux, puissé-je accomplir les actions éveillées !
và tôi nhìn thấy / các Ngài thường nói / hạnh nguyện bồ đề.

—–b. aspiration to see all pure fields in the ten directions  aspiration pour voir tous les champs purs dans les dix directions – nguyện thấy mọi cảnh tịnh độ ở khắp mười phương 

༢༩ ༽ དེ་ལྟར་མ་ལུས་ཐམས་ཅད་ཕྱོགས་སུ་ཡང་། །
29) de tar ma lü tham ché chok su yang
29) Thus also in the expanse of a single hair there is an ocean
29) Et ainsi partout,dans chaque direction,
(29) Biển cả thế giới / khắp mười phương hướng,

སྐྲ་ཙམ་ཁྱོན་ལ་དུས་གསུམ་ཚད་སྙེད་ཀྱི། །
tra tsam khyön la dü sum tsé nyé kyi
of as many Buddhas as they exist in the three times in every
même sur la pointe d’un cheveu, puissé-je voir un océan de bouddhas ‒
biển cả thì gian / nhiều bằng đầu lông,

སངས་རྒྱས་རྒྱ་མཚོ་ཞིང་རྣམས་རྒྱ་མཚོ་དང་། །
sang gye gya tso shying nam gya tso dang
direction without exception and there is an ocean of pure fields
tous à venir dans le passé, le présent et le futur ‒ dans un océan de royaumes purs,
biển cả Phật đà, / biển cả quốc độ,

བསྐལ་པ་རྒྱ་མཚོ་སྤྱོད་ཅིང་རབ་ཏུ་འཇུག །
kal pa gya tso chö ching rab tu juk
and for an ocean of eons may I thoroughly engage in the practice of this conduct.
et durant un océan d’éternités, puissé-je entrer dans l’action éveillée dans chacun d’eux sans exception.
biển cả thời kỳ / mà tôi tu hành.

—–c. engaging the speech of the buddha  ecouter les paroles du bouddha – thâm nhập lời Phật 

༣༠ ༽ གསུང་གཅིག་ཡན་ལག་རྒྱ་མཚོའི་སྒྲ་སྐད་ཀྱིས། །
30) sung chik yenlak gyatsö draké kyi
30) With a language of an ocean of qualities in every single word
30) Chaque mot de la parole d’un bouddha, cette voix avec l’océan de ses qualités,
(30) Chư vị Như lai / lời tiếng trong sáng,

རྒྱལ་བ་ཀུན་དབྱངས་ཡན་ལག་རྣམ་དག་པ། །
gyal wa kün yang yenlak namdak pa
all conquerors speak with the pure qualities of melodiousness.
porte toute la pureté de la parole de tous les bouddhas,
mỗi tiếng đủ hết / biển cả âm thanh,

འགྲོ་བ་ཀུན་གྱི་བསམ་པ་ཇི་བཞིན་དབྱངས། །
dro wa kün gyi sam pa jishyin yang
this melodiousness is in accordance with the thoughts of all migrators.
des sons qui s’harmonisent avec tous les esprits des êtres vivants :
những lời tiếng ấy / tùy ý chúng sinh,

སངས་རྒྱས་གསུང་ལ་རྟག་ཏུ་འཇུག་པར་བགྱི། །
sang gye sung la tak tu juk par gyi
may I always engage the speech of the buddha.
puissé-je être toujours tenu par la parole des bouddhas !
lời tiếng Như lai / nguyện luôn thâm nhập.

—–d. engaging the Tathagatas ’ turning of the wheel of dharma entendre tourner les roues du dharma – thấu hiểu lời Phật chuyển pháp luân 

༣༡ ༽ དུས་གསུམ་གཤེགས་པའི་རྒྱལ་བ་ཐམས་ཅད་དག །
31) dü sum shek péi gyal wa tham ché dak
31) I will also thoroughly engage through the strength of my min
31) usant de tout le pouvoir de mon esprit, puissé-je entendre et réaliser
(31) Chư vị Như lai / trong ba thì gian, / vận dụng vô tận

འཁོར་ལོའི་ཚུལ་རྣམས་རབ་ཏུ་བསྐོར་བ་ཡི། །
khor lö tsul nam rab tu kor wa yi
in the inexhaustible melody of the speech of
l’inépuisable mélodie des enseignements
biển cả lời tiếng, / thường chuyển pháp luân

དེ་དག་གི་ཡང་གསུང་དབྱངས་མི་ཟད་ལ། །
de dak gi yang sung yang mizé la
all conquerors coming during the three times and
donnés par tous les bouddhas du passé, du présent et du futur,
lý thú nhiệm mầu, / nhưng trí tuệ lực / sâu xa của tôi

བློ་ཡི་སྟོབས་ཀྱིས་བདག་ཀྱང་རབ་ཏུ་འཇུག །
lo yi tob kyi dak kyang rab tu juk
turning the wheel (of dharma) in (different) ways.
quand ils tournent les roues du dharma !
có thể hội nhập / một cách toàn diện.

—–e. engaging the eons  entrer dans les éternités – thâm nhập toàn thể thời kỳ 

༣༢ ༽ མ་འོངས་བསྐལ་པ་ཐམས་ཅད་འཇུག་པར་ཡང་། །
32) ma ong kal pa tham ché juk par yang
32) I can even enter in an instant
32) De même que la sagesse des bouddhas pénètre toutes les éternités futures,
32) Tôi thấu hiểu được / toàn thể thời kỳ

སྐད་ཅིག་གཅིག་གིས་བདག་ཀྱང་འཇུག་པར་བགྱི། །
ke chik chik gi dak kyang juk par gyi
in all future eons
puissé-je moi aussi les connaître instantanément,
của thì vị lai / là một sát na,

གང་ཡང་བསྐལ་པ་དུས་གསུམ་ཚད་དེ་དག །
gang yang kal pa dü sum tsé de dak
whatever is the measure of the eons in the three times
et en chaque fraction d’instant, puissé-je connaître
tôi cũng thấu hiểu / toàn thể thời kỳ

སྐད་ཅིག་ཆ་ཤས་ཀྱིས་ནི་ཞུགས་པར་སྤྱད། །
ke chik cha shé kyi ni shyuk par ché
I practice entering (them) in a fraction of an instance.
tout ce qui sera jamais dans le passé, le présent et le futur !
cả ba thì gian / là một sát na.

—–f. beholding the Tathagatas and engaging the object of their practice  contemplant les tathagathas et engageant l’objet de leur pratique – thấy Phật và thâm nhập lãnh vực của phât 

༣༣ ༽ དུས་གསུམ་གཤེགས་པ་མི་ཡི་སེང་གེ་གང་། །
33) dü sum shek pa mi yi sen gé gang
33) In an instance I behold
33) En un instant, puissé-je voir tous ceux qui sont les lions de la race humaine ‒
33) Trong một sát na / mà tôi thấy hết

དེ་དག་སྐད་ཅིག་གཅིག་ལ་བདག་གིས་བལྟ། །
de dak ke chik chik la dak gi ta
the lions of men coming in the three times and
les bouddhas du passé, du présent et du futur !
tất cả chư Phật / trong ba thì gian, / là bậc sư tử / trong cõi con người

རྟག་ཏུ་དེ་དག་གི་ནི་སྤྱོད་ཡུལ་ལ། །
tak tu de dak gi ni chö yul la
I enter through the strength of illusory freedom
puissé-je être toujours engagé dans le mode de vie et d’action des bouddhas,
tôi thường thấu hiểu / lĩnh vực của Phật

སྒྱུ་མར་གྱུར་པའི་རྣམ་ཐར་སྟོབས་ཀྱིས་འཇུག །
gyu mar gyur pé nam thar tob kyi juk
in the object of their practice.
par le pouvoir de libération où tout est réalisé comme étant une illusion !
thể chứng các pháp / toàn như ảo thuật, / giải thoát cao sâu, / uy lực hùng mãnh.

—–g. actually establishing buddha fields  accomplir et entrer dans les terres pures – làm nên cõi Phật 

༣༤ ༽ གང་ཡང་དུས་གསུམ་དག་གི་ཞིང་བཀོད་པ། །
34) gang yang dü sum dak gi shying köpa
34) Moreover I arrange the pure fields of the three times
34) En un seul atome, puissé-je faire apparaître réellement
34) Nơi mỗi cực vi / trên đầu sợi lông, / xuất hiện thế giới

དེ་དག་རྡུལ་གཅིག་སྟེང་དུ་མངོན་པར་བསྒྲུབ། །
de dak dul chik tengdu ngönpar drub
I actually establish them on a single atom.
tous les royaumes purs du passé, du présent et du futur ;
quá khứ hiện tại / cùng với vị lai / cực kỳ trang nghiêm.

དེ་ལྟར་མ་ལུས་ཕྱོགས་རྣམས་ཐམས་ཅད་དུ། །
detar ma lü chok nam tham ché du
thus I enter the array of the fields of conquerors
puis entrer dans ces royaumes purs de bouddhas,
thế giới mười phương / nhiều như cực vi / trên đầu sợi lông,

རྒྱལ་བ་དག་གི་ཞིང་རྣམས་བཀོད་ལ་འཇུག །
gyal wa dak gi shying nam kö la juk
in all directions, without exception.
dans chaque atome et dans toutes les directions.
tôi thâm nhập cả / mà làm toàn thể / trang nghiêm trong sạch.

—–h. aspiration to go towards the Tathagatas  entrer en présence du bouddhas – nguyện đến với Như lai 

༣༥ ༽ གང་ཡང་མ་བྱོན་འཇིག་རྟེན་སྒྲོན་མ་རྣམས། །
35) gang yang ma jön jik ten drön ma nam
35) Moreover I proceed in front of all protectors,
35) Lorsque ceux qui illuminent le monde, encore à venir,
35) Cùng tận vị lai / có bao Phật đà / thành vô thượng giác

དེ་དག་རིམ་པར་འཚང་རྒྱ་འཁོར་ལོ་བསྐོར། །
de dak rim par tsang gya khor lo kor
the future beacons of the world
atteignent graduellement l’état de bouddha, tournent la roue du dharma,
chuyển chánh pháp luân / mở mắt quần sinh

མྱ་ངན་འདས་པ་རབ་ཏུ་ཞི་མཐའ་སྟོན། །
nya ngen de pa rab tu shyi tha tön
as they gradually become enlightened, the turn the wheel
et attestent la paix profonde et définitive du nirvāṇa :
ở trong ba cõi, / việc Phật hoàn tất / thị hiện niết bàn,

མགོན་པོ་ཀུན་གྱི་དྲུང་དུ་བདག་མཆི་འོ། །
gön po kün gyi drung du dak chi o
and demonstrate the conclusion of paranirvana’s intense peace.
puissé-je être toujours en leur présence !
tôi đều đi đến / thân gần phụng sự.

—-2. prayer to establish the ten strengths of bodhisattvas  prière pour établir les dix forces des bodhisattvas – nguyện thành tựu mười lực bồ tát 

༣༦ ༽ ཀུན་ཏུ་མྱུར་བའི་རྫུ་འཕྲུལ་སྟོབས་རྣམས་དང་། །
36) kün tu nyur wé dzu trul tob nam dang
36) The strength of all swift miracles,
36) Par le pouvoir de prompts miracles
36) Năng lực thần thông / đến mau khắp cả,

ཀུན་ནས་སྒོ་ཡི་ཐེག་པའི་སྟོབས་དག་དང་། །
kün né go yi thek pé tob dak dang
the strength of the vehicle which is the gateway for all,
le pouvoir du véhicule, tel une porte,
năng lực đại thừa / biến thể toàn diện,

ཀུན་ཏུ་ཡོན་ཏན་སྤྱོད་པའི་སྟོབས་རྣམས་དང་། །
kün tu yön ten chö pé tob nam dang
the strength of conduct of all qualities,
le pouvoir de la conduite qui détient toutes les qualités vertueuses,
năng lực công đức / tu hết trí hạnh,

ཀུན་ཏུ་ཁྱབ་པ་བྱམས་པ་དག་གི་སྟོབས། །
kün tu khyab pa jam pa dak gi tob
the strength of love which is all pervasive
le pouvoir de l’amour-tendresse, qui pénètre tout,
năng lực đại từ / che hết chúng sinh,

༣༧ ༽ ཀུན་ནས་དགེ་བའི་བསོད་ནམས་སྟོབས་དག་དང་། །
37) kün né ge wé sö nam tob dak dang
37) The strength of merit which is virtuous in all aspects,
37) Le pouvoir du mérite parfaitement pur,
(37) Năng lực thắng phước / trang hoàng khắp nơi,

ཆགས་པ་མེད་པར་གྱུར་པའི་ཡེ་ཤེས་སྟོབས། །
chak pa me par gyur pé ye she tob
the strength of gnosis without formation,
le pouvoir de la sagesse libre d’attachement, et
năng lực thắng trí / không hề vướng mắc,

ཤེས་རབ་ཐབས་དང་ཏིང་འཛིན་སྟོབས་དག་གིས། །
she rab thab dang tingdzin tob dak gi
the strengths of wisdom, method and concentration:
les pouvoirs de la connaissance, des moyens habiles et du samādhi,
năng lực uy thần / đủ mọi phương tiện

བྱང་ཆུབ་སྟོབས་རྣམས་ཡང་དག་སྒྲུབ་པར་བྱེད། །
jang chub tob nam yang dak drub par jé
may I attain pure strength of enlightenment through these.
puissé-je accomplir parfaitement le pouvoir de l’éveil !
năng lực bồ đề / qui tụ hết thảy,

—-3. establishing the antidotes  aspiration aux antidotes qui pacifient les obscurcissements  thành tựu pháp đối trị 

༣༨ ༽ ལས་ཀྱི་སྟོབས་རྣམས་ཡོངས་སུ་དག་བྱེད་ཅིང་། །
38) lé kyi tob nam yong su dak jé ching
38) May I thoroughly purify the strength of actions and
38) Puissé-je purifier le pouvoir du karma ;
(38) Năng lực thiện nghiệp / làm sạch tất cả,

ཉོན་མོངས་སྟོབས་རྣམས་ཀུན་ཏུ་འཇོམས་པར་བྱེད། །
nyön mong tob nam kün tu jom par jé
utterly destroy the strength of afflictions
détruire le pouvoir des émotions négatives,
năng lực diệt trừ / tất cả phiền não,

བདུད་ཀྱི་སྟོབས་རྣམས་སྟོབས་མེད་རབ་བྱེད་ཅིང་། །
dü kyi tob nam tob mé rab jé ching
render the strength of demons powerless and
rendre la négativité complètement impuissante
năng lực chiến thắng / tất cả ma quân,

བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྟོབས་ནི་རྫོགས་པར་བགྱི། །
zang po chö pé tob ni dzok par gyi
complete the strength of noble conduct.
et parfaire le pouvoir des actions bénéfiques  !
năng lực viên mãn / hạnh nguyện phổ hiền.

—-4. bodhisattva deeds  aapirations aux activités éveillées – hạnh bồ đề 

༣༩ ༽ ཞིང་རྣམས་རྒྱ་མཚོ་རྣམ་པར་དག་བྱེད་ཅིང་། །
39) shying nam gya tso nam par dak jé ching
39) I will purify an ocean of fields
39) je purifierai des océans de royaumes,
39) Trang hoàng sạch sẽ / biển cả thế giới,

སེམས་ཅན་རྒྱ་མཚོ་དག་ནི་རྣམ་པར་སྒྲོལ། །
sem chen gya tso dak ni nam par drol
liberate an ocean of sentient beings
libèrerai des océans d’êtres animés,
giải thoát hết thảy / biển cả chúng sinh,

ཆོས་རྣམས་རྒྱ་མཚོ་རབ་ཏུ་མཐོང་བྱེད་ཅིང་། །
chö nam gya tso rab tu thong jé ching
see through an ocean of dharmas and
comprendrai des océans de dharma,
khéo léo phân biệt / biển cả các pháp,

ཡེ་ཤེས་རྒྱ་མཚོ་རབ་ཏུ་རྟོགས་པར་བྱེད། །
ye she gya tso rab tu tok par jé
comprehend with an ocean of gnosis.
et réaliserai des océans de sagesse,
nhập vào sâu xa / biển cả trí tuệ,

༤༠ ༽ སྤྱོད་པ་རྒྱ་མཚོ་རྣམ་པར་དག་བྱེད་ཅིང་། །
40) chö pa gya tso nam par dak jé ching
40) I will perform an ocean of pure conducts
40) je parachèverai des océans d’actions,
40) Làm trong sáng hết / biển cả đại hạnh,

སྨོན་ལམ་རྒྱ་མཚོ་ཡོངས་སུ་རྫོགས་པར་བྱེད། །
mön lam gya tso yong su dzok par jé
complete an ocean of prayers
exaucerai des océans d’aspirations
làm đầy đủ cả / biển cả đại nguyện,

སངས་རྒྱས་རྒྱ་མཚོ་རབ་ཏུ་མཆོད་བྱེད་ཅིང་། །
sang gye gya tso rab tu chö jé ching
make offerings to an ocean of Buddhas
servirai des océans de bouddhas
thân gần hiến cúng / biển cả Phật đà,

བསྐལ་པ་རྒྱ་མཚོ་མི་སྐྱོ་སྤྱད་པར་བགྱི། །
kal pa gya tso mikyo chepar gyi
for an ocean of eons, without becoming weary.
et accomplirai ceci, sans jamais me lasser, à travers un océan de temps infini !
tu không mệt mỏi / biển cả thời kỳ.

—-5. training in the footsteps of others  entraînement sur les traces  noi gót  [2]

—–a. training in the footsteps of Tathagatas  imiter les bouddhas – noi gót chân Phật 

༤༡ ༽ གང་ཡང་དུས་གསུམ་གཤེགས་པའི་རྒྱལ་བ་ཡི། །
41) gang yang dü sum  shek pé gyal wa yi
41) All the conquerors of the three times
41) Tous les bouddhas, dans tous les temps,
41) Bao nhiêu hạnh nguyện / tuệ giác tối thượng /  của chư Như lai / trong ba thì gian, /

བྱང་ཆུབ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་བྱེ་བྲག་རྣམས། །
jang chub chö pé mön lam je drak nam
became enlightened through the noble conduct and
ont nt atteint l’éveil par les actions bénéfiques et
 tôi tôn thờ cả / và tu đầy đủ:

བཟང་པོ་སྤྱོད་པས་བྱང་ཆུབ་སངས་རྒྱས་ནས། །
zang po chö pé jang chub sang gye né
the specific prayers of the enlightened conduct:
leurs prières et aspirations à l’action éveillée :
vận dụng tất cả / hạnh nguyện phổ hiền

དེ་ཀུན་བདག་གིས་མ་ལུས་རྫོགས་པར་བགྱི། །
dé kün dak gi ma lü dzok par gyi
I will complete all these without exception.
puissé-je toutes les accomplir !
tôi giác ngộ được / vô thượng bồ đề.

—–b. training in the footsteps of bodhisattvas  imiter les bodhisattvas – noi gót chân bồ tát 

༤༢ ༽ རྒྱལ་བ་ཀུན་གྱི་སྲས་ཀྱི་ཐུ་བོ་པ། །
42) gyal wa kün gyi sé kyi thu wo pa
42) The eldest of all conquerors’ children
42) L’aîné des fils de tous les bouddhas
42) Tất cả Như lai / đều có trưởng tử,

གང་གི་མིང་ནི་ཀུན་ཏུ་བཟང་ཞེས་བྱ། །
gang gi ming ni kun tu zang shye ja
is called Samantabhadra.
se nomme Samantabhadra : « parfaitement-bon » :
cùng một danh hiệu / danh hiệu Phổ hiền ;

མཁས་པ་དེ་དང་མཚུངས་པར་སྤྱད་པའི་ཕྱིར། །
khé pa dé dang tsung par che pé chir
in order to practice with a skill similar to his
afin de pouvoir agir avec autant de talent,
nay tôi hồi hướng / bao nhiêu thiện căn,

དགེ་བ་འདི་དག་ཐམས་ཅད་རབ་ཏུ་བསྔོ། །
ge wa di dak tham ché rab tu ngo
I dedicate fully all this virtue.
je dédie complètement tous ces mérites !
nguyện bao trí tuệ / đồng đẳng các vị.

༤༣ ༽ ལུས་དང་ངག་དང་ཡིད་ཀྱང་རྣམ་དག་ཅིང་། །
43) lü dang ngak dang yi kyang nam dak ching
43) To purify my body, speech and mind
43our purifier mon corps, ma parole aussi bien que mon esprit,
43) Cả thân ngữ ý / thường xuyên trong sáng,

སྤྱོད་པ་རྣམ་དག་ཞིང་རྣམས་ཡོངས་དག་པ། །
chö pa nam dak shying nam yong dak pa
to purify my conduct and to thoroughly purify fields
pour purifier mes actions, et tous les royaumes,
hạnh nguyện, quốc độ, / cũng đều như vậy:

བསྔོ་བ་བཟང་པོ་མཁས་པ་ཅི་འདྲ་བ། །
ngo wa zang po khe pa chin dra wa
may I do a dedication that is similar to his
puissé-je être l’égal de Samantabhadra
trí tuệ đến thế / nên tên Phổ hiền,

དེ་འདྲར་བདག་ཀྱང་དེ་དང་མཚུངས་པར་ཤོག །
den drar dak kyang dé dang tsung par shok
noble and skillful one.
dans son habileté à dédier parfaitement !
nguyện tôi đồng đẳng / với các vị ấy.

༤༤ ༽ ཀུན་ནས་དགེ་བ་བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་ཕྱིར། །
44) kün né ge wa zang po chö pé chir
44) In order to practice totally virtuous conduct
44) Afin d’accomplir la pleine vertu des actions bénéfiques,
44) Tôi vì trong sáng / hạnh nguyện phổ hiền,

འཇམ་དཔལ་གྱི་ནི་སྨོན་ལམ་སྤྱད་པར་བགྱི། །
jam pal gyi ni mön lam che par gyi
I will practice Manjushri’s prayer and
j’agirai en accord avec les prières d’aspiration de mañjuśrī, nên bao
hạnh nguyện / của ngài Văn thù,

མ་འོངས་བསྐལ་པ་ཀུན་ཏུ་མི་སྐྱོ་བར། །
ma ong kal pa kün tu mi kyo war
without becoming weary in future eons
et sans jamais me lasser, dans toutes les ères à venir,
tôi tu đủ cả / không có thiếu sót,

དེ་ཡི་བྱ་བ་མ་ལུས་རྫོགས་པར་བགྱི། །
dé yi ja wa ma lü dzok par gyi
I will complete their actions without exception.
je remplirai parfaitement chacun de ses buts !
cùng tận vị lai / không hề mỏi mệt.

—-6. the meaning in brief  conclusion de l’aspiration – ý nghĩa tóm lượt 

༤༥ ༽ སྤྱོད་པ་དག་ནི་ཚད་ཡོད་མ་གྱུར་ཅིག །
45) chö pa dak ni tsé yö ma gyur chik
45) May this conduct be without measure
45) Que mes actes de bodhisattva soient au-delà de toute mesure !
45) Sự tu của tôi / không có hạn lượng,

ཡོན་ཏན་རྣམས་ཀྱང་ཚད་བཟུང་མེད་པར་ཤོག །
yön ten nam kyang tsé zung me par shok
may qualities not be restricted by any measure and
que mes qualités éveillées soient également sans mesure !
công đức đạt được / cũng không số lượng;

སྤྱོད་པ་ཚད་མེད་པ་ལ་གནས་ནས་ཀྱང་། །
chö pa tse me pa la né né kyang
by abiding in this immeasurable conduct
m’en tenant à cette activité incommensurable,
đứng vững ở trong / vô lượng hạnh nguyện,

དེ་དག་འཕྲུལ་པ་ཐམས་ཅད་འཚལ་བར་བགྱི། །
de dak trul pa tham ché tsal war gyi
may I set forth emanations.
puissé-je accomplir tous les pouvoirs miraculeux de l’éveil !
tôi thấu triệt hết / bao thần thông lực.

—c. the measure of actualizing the results of the prayer  la portée de l’aspiration – thước đo thành tựu hạnh nguyện 

༤༦ ༽ ནམ་མཁའི་མཐར་ཐུག་གྱུར་པ་ཇི་ཙམ་པར། །
46) nam khé thar thuk gyur pa ji tsam par
46) Sentient beings are as limitless as
46) Les êtres animés sont illimités
46) Hư không cho đến / phiền não cùng tận,

སེམས་ཅན་མ་ལུས་མཐའ་ཡང་དེ་བཞིན་ཏེ། །
sem chen ma lü tha yang de shyin té
the expanse of space.
comme l’étendue infinie de l’espace ;
đại nguyện của tôi / mới có cùng tận,

ཇི་ཙམ་ལས་དང་ཉོན་མོངས་མཐར་གྱུར་པ། །
ji tsam lé dang nyön mong thar gyur pa
may my aspiration prayers be as limitless as
que mes prières d’aspiration pour eux
nhưng bốn thứ ấy / không có cùng tận,

བདག་གི་སྨོན་ལམ་མཐའ་ཡང་དེ་ཙམ་མོ། །
dak gi mön lam tha yang det sam mo
the limitless karma and affliction of them all.
soient aussi illimitées que leur karma et leurs émotions négatives !
đại nguyện của tôi / cũng không cùng tận.

–iii. the benefits of having paid attention to this prayer  les bénéfices de l’aspiration –  lợi ích phát khởi hạnh nguyện phổ hiền [2] 

—a. benefits to be seen in this life  les bénéfices vus dans cette vie lợi ích thấy trong đời này [4]

—-1. maintaining extraordinary merit  maintenir le mérite extraordinaire – duy trì công đức phi thường 

༤༧ ༽ གང་ཡང་ཕྱོགས་བཅུའི་ཞིང་རྣམས་མཐའ་ཡས་པ། །
47) gang yang chok chü shying nam tha ye pa
47) Compared to someone who offers the conquerors
47) Quiconque entend cette reine des prières de dédicace,
47) Ai đem bảo vật / đầy cả thế giới

རིན་ཆེན་བརྒྱན་ཏེ་རྒྱལ་བ་རྣམས་ལ་ཕུལ། །
rin chen gyen té gyal wa nam la pul
limitless fields of the ten directions adorned with precious substances
et aspire à l’éveil suprême,
khắp mười phương hướng / mà hiến cúng Phật,

ལྷ་དང་མི་ཡི་བདེ་བའི་མཆོག་རྣམས་ཀྱང་། །
lha dang mi yi dewé chok nam kyang
as well as the supreme happiness of gods and humans
quiconque a eu la foi même un seul instant,
lại cho trời người / hạnh phúc tuyệt vời,

ཞིང་གི་རྡུལ་སྙེད་བསྐལ་པར་ཕུལ་བ་བས། །
shying gi dul nyé kalpar pul wa bé
for as many eons as there are atoms in the fields
gagnera un vrai mérite, plus grand encore
và làm như vậy / trải qua thời kỳ / bằng số cực vi / của mọi thế giới.

༤༨ ༽ གང་གིས་བསྔོ་བའི་རྒྱལ་པོ་འདི་ཐོས་ནས། །
48) gang gi ngo wé gyal po di thö né
48) Whoever upon hearing this king of dedications
48) Qu’en offrant aux bouddhas victorieux
48) Và ai đối với / đại nguyện vương này

བྱང་ཆུབ་མཆོག་གི་རྗེས་སུ་རབ་མོས་ཤིང་། །
jang chub chok gi je su rab mö shing
yearns for supreme enlightenment
d’infinis royaumes purs dans toutes les directions, tous ornés de joyaux,
một lần nghe đến / mà sinh tin tưởng,

ལན་གཅིག་ཙམ་ཡང་དད་པ་བསྐྱེད་པ་ན། །
len chik tsam yang de pa kye pa na
and generates faith even once
ou en leur offrant toutes les joies les plus grandes des dieux et des humains,
với sự khao khát / vô thượng bồ đề,

བསོད་ནམས་དམ་པའི་མཆོག་ཏུ་འདི་འགྱུར་རོ། །
sö nam dampé chok tu di gyur ro
will gain immaculate, supreme merit, superior to them.
durant autant d’éternités qu’il y a d’atomes dans ces royaumes.
thì được công đức / quá hơn người trước.

—-2. seeing the face of the tathagata after abandoning the lower migrations and evil companions  rencontrer les bouddhas après avoir abandonné les migrations inférieures et les compagnons diaboliques từ bỏ ác đạo ác hữu, diện kiến Như lai 

༤༩ ༽ གང་གིས་བཟང་སྤྱོད་སྨོན་ལམ་འདི་བཏབ་པས། །
49) gang gi zang chö mön lam di tab 
49) Whoever recites this prayer aspiring for noble conduct
49) Quiconque pratique vraiment cette aspiration aux actions bénéfiques,
49) Và rồi xa rời / bạn bè xấu ác,

དེས་ནི་ངན་སོང་ཐམས་ཅད་སྤོང་བར་འགྱུར། །
dé ni ngen song tham ché pong war gyur
abandons the lower migrations
ne renaîtra jamais dans les royaumes inférieurs ;
với lại xa hẳn / các nẻo đường dữ

དེས་ནི་གྲོགས་པོ་ངན་པ་སྤངས་བ་ཡིན། །
dé ni drokpo ngen pa pangwa yin
abandons evil companions
ils ne connaîtront pas de compagnons nuisibles et
mau chóng nhìn thấy / đức A di đà,

སྣང་བ་མཐའ་ཡས་དེ་ཡང་དེས་མྱུར་མཐོང་། །
nang wa tha yé de yang dé nyur thong
and will soon behold the buddha of limitless light.
verront bientôt le bouddha de lumière infinie.
và đủ hạnh nguyện / phổ hiền tối thượng.

—-3. obtaining equal fortune with bodhisattvas and acquiring gain  obtention d’égale fortune que les bodhisattvas et acquisition du gain  được sự đồng đẳng với bồ tát và được lợi ích 

༥༠ ༽ དེ་དག་རྙེད་པ་རབ་རྙེད་བདེ་བར་འཚོ། །
50) de dak nye pa rab nyé de war tso
50) Will live happily having acquired many gains
50) Ils obtiendront toutes sortes de bienfaits et vivront heureux ;
50) Người ấy khéo được / đời sống đặc thù.

མི་ཚེ་འདིར་ཡང་དེ་དག་ལེགས་པར་འོང་། །
mi tsé dir yang de dak lek par ong
things will go well in this present life
même dans cette vie présente, tout ira bien,
người ấy khéo sinh / ở trong loài người,

ཀུན་ཏུ་བཟང་པོ་དེ་ཡང་ཅི་འདྲ་བར། །
kun tu zang po de yang chin dra war
and before long
et avant longtemps,
người ấy không lâu / sẽ được hoàn thành

དེ་དག་རིང་པོར་མི་ཐོགས་དེ་བཞིན་འགྱུར། །
de dak ring por mi thok de shyin gyur
will be like Samantabhadra.
ils deviendront exactement comme Samantabhadra.
hạnh nguyện y như / Phổ hiền đại sĩ.

—-4. the benefit of having exhausted karmic obscurations  l’avantage d’avoir éradiqué les obscurcissements karmiques  lợi ích đoạn diệt nghiệp chướng 

༥༡ ༽ མཚམས་མེད་ལྔ་པོ་དག་གི་སྡིག་པ་རྣམས། །
51) tsam mé nga po dak gi dik pa nam
51) The negativity of the five heinous crimes and
51) Toutes les actions négatives – même les cinq actions à rétribu-tion immédiate –
51) Nếu mà xưa kia / không có trí tuệ / nên tạo năm tội / địa ngục vô gián,

གང་གིས་མི་ཤེས་དབང་གིས་བྱས་པ་དག །
gang gi mi she wang gi je pa dak
all those done under the power of ignorance
quoiqu’ils aient fait sous l’emprise de l’ignorance
nhưng nếu ngày nay / tụng đại nguyện vương

དེ་ཡིས་བཟང་པོ་སྤྱོད་པ་འདི་བརྗོད་ན། །
dé yi zang po chö pa di jö na
will soon be thoroughly cleansed
sera bientôt complètement purifié,
của đức Phổ hiền, / thì một sát na

མྱུར་དུ་མ་ལུས་ཡོངས་སུ་བྱང་བར་འགྱུར། །
nyur du ma lü yong su jang war gyur
if they recite this (prayer of) noble conduct.
s’ils récitent cette aspiration aux actions bénéfiques.
tiêu diệt tức thì / năm tội như vậy.

—b. benefits to be seen in future  avantages à voir dans les vies futures  lợi ích thấy trong đời sau [2]

—-1. subsuming causes  causes englobantes  nhân 

༥༢ ༽ ཡེ་ཤེས་དང་ནི་གཟུགས་དང་མཚན་རྣམས་དང་། །
52) ye she dang ni zuk dang tsen nam dang
52) Will be endowed with knowledge, form, signs,
52) Ils possèderont la sagesse parfaite, la beauté et des signes excellents,
52) Lại còn toàn hảo / dòng họ, thành phần,

རིགས་དང་ཁ་དོག་རྣམས་དང་ལྡན་པར་འགྱུར། །
rik dang kha dok nam dang den par gyur
lineage and radiance,
naîtront dans une bonne famille et auront une apparence radieuse.
sắc tướng, trí tuệ; / quân đội ma vương

བདུད་དང་མུ་སྟེགས་མང་པོས་དེ་མི་ཐུབ། །
dü dang mu tek mang pö dé mi thub
many demons and heretics will not overpower them
les démons et les hérétiques ne leur feront jamais de mal
và những ngoại đạo / không thể đánh đổ,

འཇིག་རྟེན་གསུམ་པོ་ཀུན་ནའང་མཆོད་པར་འགྱུར། །
jik ten sum po kün na ang chö par gyur
and all the three worlds will present them with offerings.
et les trois mondes les honoreront par des offrandes.kham được ba cõi / cùng nhau hiến cúng.

—-2. subsuming results  résultats  quả 

༥༣ ༽ བྱང་ཆུབ་ཤིང་དབང་དྲུང་དུ་དེ་མྱུར་འགྲོ། །
53) jang chub shing wang drung du dé nyur dro
53) Will quickly proceed beneath the powerful bodhi tree
53) Ils iront vite sous l’arbre de la bodhi,
53) Và mau đến ngồi / dưới bồ đề thọ,

སོང་ནས་སེམས་ཅན་ཕན་ཕྱིར་དེར་འདུག་སྟེ། །
song né sem chen pen chir der duk té
and sit there for the benefit of sentient beings
et là ils s’assiéront pour le bénéfice de tous les êtres animés, puis
chiến thắng các đạo / quân đội ma vương,

བྱང་ཆུབ་སངས་རྒྱས་འཁོར་ལོ་རབ་ཏུ་བསྐོར། །
jang chub sang gye khor lo rab tu kor
turn the wheel of an enlightened buddha
éveillés, tourneront la roue du dharma
thành đẳng chánh giác / chuyển diệu pháp luân,

བདུད་རྣམས་སྡེ་དང་བཅས་པ་ཐམས་ཅད་བཏུལ། །
dü nam dé dang che pa tham ché tul
and tame the hordes of demons.
et maîtriseront māra et toutes ses hordes.
lợi lạc hết thảy / các loại chúng sinh.

–iv. benefits of reciting this  les bénéfices de réciter cette prière  lợi ích tụng kinh [5] 

—a. the benefits in brief  les bénéfices exposés brièvement  lợi ích nói tóm lượt 

༥༤ ༽ གང་ཡང་བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་འདི། །
54) gang yang zang po chö pé mön lam di
54) The maturation of those who keep, teach or read
54) Tout le bienfait d’avoir gardé, enseigné ou lu
54) Thế nên những ai / đối với hạnh nguyện

འཆང་བ་དང་ནི་སྟོན་ཏམ་ཀློག་ན་ཡང་། །
chang wa dang ni tön tam lok na yang
this aspiration prayer of noble conduct
cette prière d’aspiration aux actions bénéfiques
của đức Phổ hiền / mà biết tiếp nhận, / ghi nhớ, đọc tụng,

དེ་ཡི་རྣམ་པར་སྨིན་པའང་སངས་རྒྱས་མཁྱེན། །
dé yi nam par min pa ang sang gye khyen
is known by the Buddhas :
n’est connu que des bouddhas seuls :
và nói cho người, / thì được kết quả / chỉ Phật mới biết,

བྱང་ཆུབ་མཆོག་ལ་སོམ་ཉི་མ་བྱེད་ཅིག །
jang chub chok la som nyi ma jé chik
have no doubt about supreme enlightenment.
n’ayez aucun doute : vous atteindrez l’éveil suprême !
quyết định thực hiện / vô thượng bồ đề.

—b. dedication of the root of virtue of reciting the noble conduct, in the footsteps of bodhisattvas  dédicace des mérites de cette aspiration vertueuse, en suivant l’exemple des bodhisattvas  hồi hướng thiện căn tụng hạnh nguyện phổ hiền theo gót bồ tát 

༥༥ ༽ འཇམ་དཔལ་དཔའ་བོས་ཇི་ལྟར་མཁྱེན་པ་དང་། །
55) jam pal pa wö ji tar khyen pa dang
55) However the brave Manjushri became wise
55) Du bodhisattva Mañjuśrī qui atteignit l’omniscience
55) Trí hạnh Văn thù / cực kỳ dũng mãnh,

ཀུན་ཏུ་བཟང་པོ་དེ་ཡང་དེ་བཞིན་ཏེ། །
kun tu zang po de yang de shyin té
and in the way of Samantabhadra too
ainsi que de Samantabhadra,
tuệ hạnh Phổ hiền / cũng là như vậy;

དེ་དག་ཀུན་གྱི་རྗེས་སུ་བདག་སློབ་ཕྱིར། །
de dak kün gyi je su dak lob chir
I also fully dedicate all this virtue
je m’entraînerai à suivre les traces ;
nay tôi hồi hướng / bao nhiêu thiện căn,

དགེ་བ་འདི་དག་ཐམས་ཅད་རབ་ཏུ་བསྔོ། །
ge wa di dak tham ché rab tu ngo
in order to train in the footsteps of them all.
j’en dédie tout le mérite à l’éveil de tous les êtres.
để theo các Ngài / thường xuyên tu học.

—c. dedication in the footsteps of Tathagatas  dédicace en suivant l’exemple des bouddhas – hồi hướng theo gót Như lai 

༥༦ ༽ དུས་གསུམ་གཤེགས་པའི་རྒྱལ་བ་ཐམས་ཅད་ཀྱིས། །
56) dü sum  shek pé gyal wa tham ché kyi
56) All the conquerors, the Tathagatas of the three time
56) De même que tous les bouddhas du passé, du présent et du futur
56) Các đại nguyện vương / tối thắng như vầy

བསྔོ་བ་གང་ལ་མཆོག་ཏུ་བསྔགས་པ་དེས། །
ngo wa gang la chok tu ngak pa dé
praise dedication as supreme
ont loué l’importance et l’excellence de la dédicace,
được sự ca tụng / của chư Như lai,

བདག་གི་དགེ་བའི་རྩ་བ་འདི་ཀུན་ཀྱང་། །
dak gi gewé tsa wa di kün kyang
I also dedicate fully all this root of virtue
je dédie moi aussi tout mon mérite et ses causes
nay tôi hồi hướng / bao nhiêu thiện căn

བཟང་པོ་སྤྱོད་ཕྱིར་རབ་ཏུ་བསྔོ་བར་བགྱི། །
zang po chö chir rab tu ngo war gyi
towards the noble conduct.
afin de suivre le bon sentier.
để được hạnh nguyện / phổ hiền tối thượng.

—d. abandoning obscurations and seizing a special, pure physical basis  abandonner les obscurations et saisir une base physique pure spéciale – tiêu chướng, đạt thân thanh tịnh 

༥༧ ༽ བདག་ནི་འཆི་བའི་དུས་བྱེད་གྱུར་པ་ན། །
57) dak ni chi wé dü jé gyur pa na
57) When the time of my death comes
57) Quand il sera temps pour moi de mourir,
57) Nguyện tôi trong lúc / sinh mệnh sắp chết,

སྒྲིབ་པ་ཐམས་ཅད་དག་ནི་ཕྱིར་བསལ་ཏེ། །
drib pa tham ché dak ni chir sal té
may all my obscurations clear away
puissent tous mes obscurcissements s’évanouir,
thì loại được cả / mọi sự trở ngại,

མངོན་སུམ་སྣང་བ་མཐའ་ཡས་དེ་མཐོང་ནས། །
ngön sum nang wa tha yé dé thong né
may I behold the buddha of limitless light directly and
alors je regarderai amitābha, là en personne,
trực tiếp nhìn thấy / đức A di đà,

བདེ་བ་ཅན་གྱི་ཞིང་དེར་རབ་ཏུ་འགྲོ། །
de wa chen gyi shying der rab tu dro
go at once at the pure field of sukhavati.
et j’irai immédiatement dans sa terre pure de sukhāvatī.
tức khắc được sinh / thế giới cực lạc.

༥༨ ༽ དེར་སོང་ནས་ནི་སྨོན་ལམ་འདི་དག་ཀྱང་། །
58) der song né ni mön lam di dak kyang
58) Having reached there may everything
58) Dans cette terre pure, puissé-je actualiser chacune
58) Tôi đã sinh ra / thế giới ấy rồi,

ཐམས་ཅད་མ་ལུས་མངོན་དུ་འགྱུར་བར་ཤོག །
tham ché ma lü ngön du gyur war shok
I have prayed for, without exception, be actualized.
de ces aspirations !
trước mắt thành tựu / đại nguyện vương này,

དེ་དག་མ་ལུས་བདག་གིས་ཡོངས་སུ་བཀང་། །
de dak ma lü dak gi yong su kang
may I fulfill these aspirations without exception and
puissé-je les réaliser toutes et chacune d’entre elles,
thành tựu đầy đủ / không có thiếu sót,

འཇིག་རྟེན་ཇི་སྲིད་སེམས་ཅན་ཕན་པར་བགྱི། །
jik ten ji si sem chen pen par gyi
benefit sentient beings for as long as the world exists.
et aider les êtres aussi longtemps que l’univers demeurera !
lợi lạc tất cả / thế giới chúng sinh.

—e. receiving a prophesy and establishing the purpose of sentient beings  dedicace pour recevoir une prophétie des bouddhas dans le but de servir les êtres vivants – nhận thọ ký rồi tác thành chúng sinh 

༥༩ ༽ རྒྱལ་བའི་དཀྱིལ་འཁོར་བཟང་ཞིང་དགའ་བ་དེར། །
59) gyal wé kyil khor zang shying ga wa der
59) Having been born from an exquisite and immaculate lotus
59) Né là dans une merveilleuse fleur de lotus,
59) Bồ tát hải hội / của đức Di đà / ai cũng trong sạch,

པདྨོ་དམ་པ་ཤིན་ཏུ་མཛེས་ལས་སྐྱེས། །
pe mo dam pa shin tu dzé lé kyé
in the noble and joyous mandala of the conquerors
dans cet excellent et joyeux royaume de bouddha,
còn tôi lúc ấy / hóa sinh ở trong / hoa sen tối thắng,

སྣང་བ་མཐའ་ཡས་རྒྱལ་བས་མངོན་སུམ་དུ། །
nang wa thayé gyal wé ngön sum du
may I receive a prophesy, there
puisse le bouddha Amitābha lui-même
đích thân nhìn thấy / đức A di đà, / và Ngài đối diện

ལུང་བསྟན་པ་ཡང་བདག་གིས་དེར་ཐོབ་ཤོག །
lung ten pa yang dak gi der thob shok
directly from the buddha of limitless light.
me prédire l’annonce de mon éveil !
thọ ký cho tôi / thành tựu tuệ giác / vô thượng bồ đề.

༦༠ ༽ དེར་ནི་བདག་གིས་ལུང་བསྟན་རབ་ཐོབ་ནས། །
60) der ni dak gi lungten rab thob né
60) Having receive a prophesy there
60) Ayant reçu là cette prophétie,
60) Nhờ ơn của Ngài / thọ ký cho rồi,

སྤྲུལ་པ་མང་པོ་བྱེ་བ་ཕྲག་བརྒྱ་ཡིས། །
trul pa mang po je wa trak gya yi
may I send billions of emanations
avec un billion de mes émanations,
tôi liền biến thể / vô số thân hình,

བློ་ཡི་སྟོབས་ཀྱིས་ཕྱོགས་བཅུ་རྣམས་སུ་ཡང་། །
lo yi tob kyi chok chu nam su yang
through the strength of the mind, in the ten directions
émises par le pouvoir de mon esprit,
với trí tuệ lực / cực kỳ rộng lớn,

སེམས་ཅན་རྣམས་ལ་ཕན་པ་མང་པོ་བགྱི། །
sem chen nam la pen pa mang po gyi
and bring great benefit to sentient beings.
puissé-je apporter un immense bénéfice aux êtres animés, dans les dix directions !
tôi làm lợi lạc / tất cả chúng sinh.

 Conclusion  Conclusion  Hồi hướng 

༦༡ ༽ བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་བཏབ་པ་ཡི། །
61) zang po chö pé mön lam thab pa yi
61) Through whatever small amount of virtue I have gathered
61) Par mon peu de mérite quel qu’il soit, accumulé
61) Người nào trì tụng / hạnh nguyện phổ hiền,

དགེ་བ་ཅུང་ཟད་བདག་གིས་ཅི་བསགས་པ། །
ge wa chung zé dak gi chi sakpa
from reciting this aspiration prayer of noble conduct
en récitant cette « aspiration aux actions bénéfiques »,
mà tôi nói về / chút ít thiện căn,

དེས་ནི་འགྲོ་བའི་སྨོན་ལམ་དགེ་བ་རྣམས། །
dé ni dro wé mön lam ge wa nam
may all virtuous aspiration prayers of migrating beings
puissent les souhaits vertueux des prières et aspirations de tous les êtres
là một sát na / họ đủ tất cả

སྐད་ཅིག་གཅིག་གིས་ཐམས་ཅད་འབྱོར་བར་ཤོག །
ke chik chik gi tham ché jor war shok
be instantly accomplished.
être instantanément exaucés !
đại thanh tịnh nguyện / tác thành chúng sinh.

༦༢ ༽ བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་བསྔོས་པ་ཡིས། །
62) zang po chö pé mön lam ngö pa yi
62) Through whatever limitless immaculate merit
62) Par le mérite véritable et illimité
62) Hạnh nguyện phổ hiền / tối thượng của tôi,

བསོད་ནམས་དམ་པ་མཐའ་ཡས་གང་ཐོབ་དེས། །
sö nam dam pa tha yé gang thob dé
is obtained through the dedication of the aspiration prayer of noble conduct
obtenu en dédiant cette « aspiration aux actions bénéfiques »,
vô biên thắng phước / tôi hồi hướng cả,

འགྲོ་བ་སྡུག་བསྔལ་ཆུ་བོར་བྱིང་བ་རྣམས། །
dro wa duk ngal chu wor jing wa nam
may migrating beings sinking in the great river of suffering
puissent tous ceux qui se noient à présent dans l’océan de la souffrance,
nguyện bao chúng sinh / đang còn chìm đắm,

འོད་དཔག་མེད་པའི་གནས་རབ་འཐོབ་པར་ཤོག །
ö pak me pé né rab thob par shok
obtain the fine abode of (protector) Amitabha.
atteindre le royaume suprême d’Amitābha !
mau chóng được sinh / thế giới cực lạc / của đức Thế tôn / A di đà Phật.

༦༣ ༽ སྨོན་ལམ་རྒྱལ་པོ་འདི་དག་མཆོག་གི་གཙོ། །
63) mön lam gyal po di dak chok gi tso
63) May this King of prayers, the principle among supreme ones,
63) Puisse cette reine des aspirations faire naître
63) Hạnh nguyện vương này / tối cao mầu nhiệm

མཐའ་ཡས་འགྲོ་བ་ཀུན་ལ་ཕན་བྱེད་ཅིང་། །
tha yé dro wa kün la pen jé ching
bring about the benefit of limitless sentient beings.
la motivation et le bienfait suprêmes de l’infinité des êtres animés ;
 phổ độ chúng sinh / trôi lạc luân hồi.

ཀུན་ཏུ་བཟང་པོས་བརྒྱན་པའི་གཞུང་གྲུབ་སྟེ། །
kun tu zang pö gyen pé shyung drub té
having practiced this text adorned by Samantabhadra
puissent-ils parfaire ce qui est décrit dans cette prière sainte, prononcée par
Samantabhadra !
nguyện vào năng lực / tu hạnh Phổ hiền

ངན་སོང་རྒྱུད་རྣམས་མ་ལུས་སྟོངས་པར་ཤོག །
ngen song gyu nam ma lü tong par shok
may the streams of lower migrations without exception be emptied.
puissent les royaumes inférieurs se vider entièrement !
mà cõi ác đạo / không còn một ai.

འཕགས་པ་བཟང་པོ་སྤྱོད་པའི་སྨོན་ལམ་གྱི་རྒྱལ་པོ་རྫོགས་སོ།
This completes the King of Aspiration Prayers, Samantabhadra’s “Aspiration to Good Actions.”
Ceci conclut la Reine des Prières d’Aspiration, « l’Aspiration aux Actions Bénéfiques » de Samantabhadra.
Kết thúc Hạnh Nguyện Vương Phổ Hiền


 Words of Truth  Paroles de Vérité  Năng Lực Chân Ngữ 

སངས་རྒྱས་སྐུ་གསུམ་བརྙེས་པའི་བྱིན་རླབས་དང་། །
sang gye ku sum nye pé jin lab dang
by the blessings of the Buddhas who have attained the three kāyas,
par les bénédictions des bouddhas qui ont atteint les trois kāya
nương lc gia trì / ca chư Phật đà / thành tu tam thân Phật ,

ཆོས་ཉིད་མི་འགྱུར་བདེན་པའི་བྱིན་རླབས་དང་། །
chö nyi ming gyur den pé jin lab dang
and the unchanging truth of reality
et la vérité immuable de la réalité,
nương lực gia trì / pháp tánh bất biến,

དགེ་འདུན་མི་ཕྱེད་འདུན་པའི་བྱིན་རླབས་ཀྱིས། །
gen dün mi ché dün pé jin lab kyi
as well as the unwavering aspirations of the Saṅgha,
ainsi que par les aspirations indéfectibles du Saṅgha,
và của tăng đoàn / tâm ý bất chuyển,

ཇི་ལྟར་བསྔོས་བཞིན་སྨོན་ལམ་འགྲུབ་པར་ཤོག །
ji tar ngö shyin mön lam drub par shok
may all the aspirations and dedication prayers be fulfilled!
puissent toutes les aspirations et les prières de dédicace s’accomplir !
nguyện cho tất cả / hồi hướng nguyện này / đều được thành tựu


སྨོན་ལམ་འགྲུབ་པའི་གཟུངས་ནི། –
the Dhāraṇī for the Accomplishment of all Aspirations –
le Dharani pour l’Accomplissement de toutes les Aspirations –
Đà la ni Viên Thành Nguyện Ước

ཏདྱ་ཐཱ། པཉྩ་དྲི་ཡ་ཨ་ཝ་བོ་དྷ་ན་ཡེ་སྭཱ་ཧཱ། །
teyatha pen tsa dri ya awabodhanaye soha
tadyathā pañcendriya avabodhanāye svāhā
tê-ya-tha bên-dza tri-a a-oa-bô-đa-na-dê xô-ha

Chọn trang

Lama Zopa Rinpoche giảng về LỢI ÍCH PHẬT DƯỢC SƯ

 – Lama Zopa on Medicine Buddha –
Lama Zopa Rinpoche giảng về Phật Dược Sư –
Tác giả: Lama Zopa Rinpoche chủ giảng (2001) –
Ngôn ngữ (Languages): Việt – English –
Việt ngữ: hồng như, bản dịch 2003, nhuận văn 2015.
Continue reading
image_pdfimage_print