TRỰC QUÁN LAMRIM –
Tác giả: LOSANG JINPA
TRÌNH TỰ ĐƯỜNG TU GIÁC NGỘ BAO GỒM MỌI NGHĨA TRỌNG YẾU
[A Direct Meditation on the Graduated Path Containing All the Important Meanings]
Điều kiện hành trì: Mọi người đều có thể đọc tụng.
Lợi ích: Bài tụng Lam-rim ngắn gọn này bao gồm tinh túy của trọn vẹn đường tu giác ngộ, chuyên tâm đọc tụng sẽ gieo được thiện duyên thành tựu mọi chứng ngộ trên trọn đường tu, định hướng cho đời mình với chí nguyện vì chúng sinh cầu mau chóng đạt quả chánh đẳng giác bằng cách tu theo trình tự đường tu dành cho ba loại căn cơ, đặc biệt là Mật tông tối thượng du già.
Là tinh túy của / khắp mười phương Phật; / là cội của khắp / giáo truyền giáo chứng; / là bậc trọng yếu / trong hàng Thánh Tăng: / Ân sư nhiệm mầu / con xin đảnh lễ.
Kính xin Ân sư / từ bi gia hộ, / giúp cho tâm con / chuyển thành chánh pháp, / giúp cho chánh pháp / chuyển thành đường tu, / giúp cho đường tu[1] / lìa xa chướng ngại.
Chờ cho đến ngày / con thành chánh quả, / xin Thầy gia hộ / cho con được như / hai vị bồ tát / đức Tài Đồng Tử / và đức Thường Đề[2] / tâm hạnh đều sáng : / theo gót Ân sư; / thấy việc Thầy làm / đều luôn thanh tịnh; / thực hiện trọn vẹn / lời dạy của Thầy. [Đây là cách nương thiện tri thức, gốc rễ của vô thượng bồ đề].
Xin Thầy gia hộ / cho con thấy ra / thân người này đây / tự tại thuận tiện, / thật là khó tìm, / mà lại dễ mất; / thấy nghiệp và quả / thật quá thâm sâu; / thấy khổ ác đạo / thật không kham nổi; / Xin Thầy gia hộ, / cho đáy lòng con / về nương Tam bảo / lánh mọi điều ác / làm mọi điều lành / thuận theo chánh pháp. [Đó là trình tự đường tu sơ căn]
Cho dù nhờ vậy / lên cõi trời, người, / cũng vẫn triền miên / chịu khổ sinh tử / là vì chưa dứt / phiền não vô minh. / Xin Thầy gia hộ / cho con khéo hiểu / cảnh luân hồi này / luân chuyển ra sao, / ngày đêm chuyên tâm / tu Giới Định Tuệ, / là thiện phương tiện / giải thoát luân hồi. [Đó là trình tự đường tu trung căn]
Cho dù nhờ vậy / đạt quả giải thoát, / thử hỏi sáu cõi / ai không từng là / cha mẹ của con? / Xin Thầy gia hộ / cho con có thể / khởi tâm độ sinh / không cầu vui nhỏ / niết bàn riêng biệt, / rồi nhờ bình-đẳng-hoán-chuyển-ngã-tha / mà phát được tâm / bồ đề trân quí; / Tu hạnh bồ tát / sáu ba la mật… [Đó là trình tự đường tu thượng căn]
Theo đường tu hiển / luyện tâm như vậy / nên khổ luân hồi / dù chịu bao lâu / cũng không quản ngại. / Nhưng con xin Thầy / gia hộ cho con / nhìn chúng sinh mà / xót không chịu nổi / để dấn thân vào / đường tu chóng vánh / cỗ xe Kim cang. / Khi ấy, xin Thầy / gia hộ cho con / giữ gìn giới hạnh / cùng với mật thệ / quí hơn mạng sống / mau chóng thành tựu / địa vị hợp nhất / Phật Kim Cang Trì, / ngay kiếp hiện tiền / giữa thời mạt pháp. [Đó là trình tự đường tu mật thừa tối thượng căn]
[hết]
Ghi chú:
Tác giả bài pháp này là đức Dorje Chang Losang Jinpa Pal Zangpo, bậc Thánh giả cát tường. Lama Zopa Rinpoche chuyển Anh ngữ tại Tu Viện Kopan, Nepal, Jan 12-16, 2013. Merry Colony chép lại. Ven. Sarah Thresher, Merry Colony and Tom Truty cập nhật với lời giảng của Lama Zopa Rinpoche, 2014. Phần nói lợi ích là tóm tắt lời giảng của Lama Zopa Rinpoche tháng 10, 2010 tại Shedrup Ling, Mongolia.
Hồng Như chuyển Việt ngữ 2006, dịch lại 2018.
[1] Bao gồm 84,000 pháp môn Phật dạy, trong đó có pháp tiểu
thừa, đại thừa ba la mật thừa và đại thừa mật tông. Tất cả các giáo pháp này
đúc kết thành pháp lam-rim, trình tự đường tu giác ngộ, chia thành trình tự đường
tu sơ căn, trung căn và thượng căn. Ba đường tu này là trọn vẹn pháp lam-rim,
và nằm trong Ba điểm tinh yếu của đường tu giác ngộ.
[2] Nd: Songnu Norsan và Taktungu, Alway Crying One.