TRÌNH BÀY VỀ CÁC HỆ LẬP KIẾN
Tác Luận: Tôn giả Văn Thù Chögyi Gyältshän
Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ từ bản Tạng ngữ.
17/5/2021 - Bản dịch nháp tạm dùng, chưa hiệu đính.
Đệ tử đảnh lễ chư tôn giác giả chân tánh bất nhị với Tôn Sư Hộ Trì Văn Thù Sư Lợi.
[Tổng quan]
Trình Bày Về Các Hệ Lập Kiến sẽ được giải thích ở đây qua ba phần:
- định nghĩa;
- phân loại; và
- giải nghĩa.
1. [hlk] Định Nghĩa
Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến và nhận Tam bảo làm nơi quy y chân chính, không tin nhận đối tượng quy y nào khác, đó là định nghĩa của thuyết gia hệ lập kiến Phật giáo.
2. [hlk] Phân Loại
Hai, thuyết gia hệ lập kiến có bốn:
- thuyết gia Hữu bộ [phạn: Vaibhasika; tạng: བྱེ་བྲག་སྨྲ་བ།, còn gọi là Nhất thiết Hữu bộ hay là Tì bà sa luận bộ];
- thuyết gia Kinh lượng bộ [phạn: Sautrantika; tạng: མདོ་སྡེ་པ།];
- thuyết gia Duy thức tông [phạn: Cittamatra; tạng: སེམས་ཙམ་པ། nghĩa là Duy tâm tông][1]; và
- thuyết gia Trung quán tông [phạn: Madhyamika; tạng: ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པར་སྨྲ་བ། nghĩa là Vô tánh tông][2].
Trong số đó, hai hệ đầu được gọi là bộ phái thuyết ngoại cảnh [là thật có].
3. [hlk] Giải Nghĩa Từng Hệ Lập Kiến
Thứ ba, giải nghĩa các hệ lập kiến Hữu bộ; Kinh lượng bộ; Duy thức tông và Trung quán tông.
I. [hb] HỮU BỘ [VAIBHASIKA]
Hệ lập kiến thứ nhất là Hữu bộ sẽ được trình bày qua bảy điểm:
- định nghĩa;
- phân loại;
- từ nguyên;
- cách tiếp nhận đối cảnh;
- cách tiếp nhận chủ thể;
- cách tiếp nhận vô ngã; và
- trình bày về chứng địa chứng đạo.
1. [hb] Định Nghĩa
Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến tiểu thừa, chấp nhận ngoại cảnh là thật có nhưng không chấp nhận có tự chứng phần, đó là định nghĩa của thuyết gia Hữu bộ.
2. [hb] Phân Loại
Hai, tông phái này phân thành ba bộ phái thuộc ba vùng Kashmiris, Aparantakas và Magadhas.
3. [hb] Từ Nguyên
Ba, vì sao gọi là ‘Hữu bộ’ [hay là ‘Tì bà sa luận bộ’]?
Vì chư vị dựa theo luận Đại Tì Bà Sa [skt. Mahavibhasa] để lập kiến, và vì chư vị nói rằng ba thời là đặc tướng của vật thể.
4. [hb] Đối Cảnh
Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.
Sự vật được định nghĩa là thứ có khả năng tạo tác dụng.
Sự vật, pháp có, và đối tượng của sự biết [sở tri] là cùng một nghĩa.
Sự vật có hai loại,
- sự vật thường hằng; và
- sự vật vô thường.
Sự vật thường hằng là như không gian vô vi, trạch diệt [sự vật diệt bằng quán trí], phi trạch diệt [sự vật diệt không bằng quán trí].
Sự vật vô thường là như những hiện tượng được sinh ra, tạo nên, và không trường tồn.
Sự vật cũng có thể phân thành hai loại,
- thế tục đế; và
- thắng nghĩa đế.
Thế tục đế được định nghĩa là hiện tượng mà nếu bị vỡ hay bị tách rời thành từng mảnh trong tâm tưởng thì cái trí nhận thấy hiện tượng ấy sẽ không còn. Tướng căn bản [của thế tục đế] là ví dụ như cái bình hay tấm vải len: bình bị búa đập vỡ hay vải len bị rút rời từng sợi thì cái trí nhận thấy cái bình hay vải len sẽ không còn.
Thắng nghĩa đế được định nghĩa là hiện tượng dù bị vỡ hay bị phân ra thành từng mảnh trong tâm tưởng thì cái trí nhận thấy hiện tượng ấy vẫn còn. Tướng căn bản [của thắng nghĩa đế] là ví dụ như đơn vị không gian bất khả phân, đơn vị tâm thức bất khả phân, hay như các hiện tượng vô vi.
Vì Luận A tì đạt ma câu xá nói rằng: thứ gì một khi bị vỡ hay dùng tâm ý tách ra thành thứ khác thì trí không còn nhận thấy được nữa, ví dụ như bình hay nước, là thứ có trong thế tục đế. Những thứ khác là có trong thắng nghĩa đế.
Vì vậy mà chấp nhận ba thời là vật thể, vì cái bình có trong quá khứ và cũng có trong tương lai.
5. [hb] Chủ Thể
Năm, nói về chủ thể, tông phái này có nhiều quan điểm khác nhau. Có nơi cho rằng
- tướng căn bản của một cá nhân[3] chỉ đơn giản là tổ hợp năm của hợp thể, cũng có nơi cho rằng
- tướng căn bản của một cá nhân là ý thức, vân vân…
Trí biết[4] có hai loại,
- chánh lượng [nhận thức đúng]; và
- phi lượng [không phải nhận thức đúng].
Chánh lượng có hai loại,
- chánh hiện lượng [nhận thức đúng hiện tiền] và
- chánh tỷ lượng [nhận thức đúng suy lý].
Chánh hiện lượng có ba loại,
- giác quan [chánh] hiện lượng [nhận thức giác quan hiện tiền];
- ý [chánh] hiện lượng [nhận thức ý hiện tiền]; và
- du già [chánh] hiện lượng [nhận thức du già hiện tiền].
Giác quan chánh hiện lượng không nhất thiết phải là thức, vì nhãn căn [con mắt] cũng là chánh hiện lượng.
Du già hiện lượng có hai loại,
- du già hiện lượng trực chứng nhân vô ngã; và
- du già hiện lượng trực chứng vô thường vi tế.
Du già hiện lượng trực chứng nhân vô ngã có hai loại,
- du già hiện lượng trực chứng sự không có một cá nhân thường nhất chủ tể; và
- du già hiện lượng trực chứng sự không có một cá nhân tự lập có thực chất.
6. [hb] Vô ngã
Sáu, nói về cách tiếp nhận vô ngã.
Vô ngã vi tế và nhân vô ngã vi tế được xem là đồng nghĩa, nhưng [tông phái này] không chấp nhận có pháp vô ngã vì cho rằng nếu đã là nền tảng thiết lập thì nhất thiết phải là pháp ngã.
Trong đó có một bộ phái tên là Độc tử bộ [Vasiputriyans]. Tông phái này chấp nhận vô ngã là không có một cá nhân thường nhất chủ tể nhưng không chấp nhận vô ngã là không có một cá nhân tự lập có thực chất, vì cái ngã tự lập có thực chất ấy bộ phái này khẳng định là có, chỉ không thể diễn tả được là đồng một thể hay khác thể với ngũ uẩn [phi tức uẩn phi li uẩn], là thường hay vô thường.
7. [hb] Chứng địa chứng đạo
Bảy, trình bày về chứng địa và chứng đạo gồm có hai phần,
- đối tượng cần xả bỏ; và
- nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.
7a. [hb] Đối Tượng Cần Xả Bỏ
Một, nói về đối tượng cần xả bỏ, tông phái này khẳng định có hai loại chướng ngại,
- phiền não chướng; và
- phi phiền não chướng, và cho rằng
không có cái gì để gọi là “trí chướng.”
Phiền não chướng chủ yếu làm ngăn ngại quả giải thoát.
Phi phiền não chướng chủ yếu làm ngăn ngại quả biết-tất-cả.
Tướng căn bản của phiền não chướng là ví dụ như niệm chấp vào một cá nhân tự lập có thực chất, kèm với tam độc cùng hạt giống của tam độc từ đó phát sinh.
Tướng căn bản của trí chướng là ví dụ như tập khí của niệm chấp có một cá nhân tự lập có thực chất, kèm với tâm thô trọng[5] từ đó phát sinh.
7b. [hb] Nội Dung Chính của Chứng Địa và Chứng Đạo
Hai, nói về nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.
Bước đường hành đạo của người tu ba cỗ xe có nhiều điểm khác nhau:
-Người thuộc chủng tánh thanh văn lấy tri kiến chứng biết sự không có một cá nhân tự lập có thực chất, phối hợp cùng với lượng công đức nhỏ, tu tập trong thời gian ba đời hay nhiều hơn, chứng quả bồ đề bậc nhỏ.
-Người thuộc chủng tánh độc giác lấy tri kiến như trên, phối hợp cùng với lượng công đức vừa, tu tập trong thời gian dài một trăm đại kiếp hay nhiều hơn, đắc quả bồ đề bậc trung.
–Bồ tát lấy tri kiến như trên, phối hợp cùng với lượng công đức lớn, tu tập trong thời gian dài ba lần vô lượng kiếp hay nhiều hơn, đắc quả đại bồ đề.
Cách tích lũy công đức của chư vị có nhiều điểm khác biệt:
–Bồ tát từ đại địa của tư lương đạo trở xuống, tích lũy công đức trong thời gian dài ba lần vô lượng kiếp hay nhiều hơn, rồi chứng đắc mọi quả vị kể từ noãn địa của gia hành đạo cho đến hết vô học đạo trong cùng một thời tọa thiền.
-Người thuộc chủng tánh độc giác từ đại địa của tư lương đạo trở xuống, tích lũy công đức trong thời gian dài một trăm đại kiếp, chứng đắc mọi quả vị kể từ noãn địa của gia hành đạo cho đến hết vô học đạo trong cùng một thời tọa thiền.
-Người thuộc chủng tánh thanh văn, tích lũy công đức qua bốn hữu học đạo. Sau khi đắc vô thượng đạo rồi vẫn tiếp tục tu bốn hữu học đạo thêm tối đa là mười bốn đời.
Hữu bộ nói thân sắc uẩn của Phật không phải là Phật, vì là thân ấy là đối tượng cần xả bỏ. Lý do là vì thân Phật khi thành Phật là cùng một đời với thân bồ tát gia hạnh đạo trước đó, mà thân bồ tát gia hạnh đạo là thân ngũ uẩn do nghiệp và phiền não đi trước sinh ra.
Hữu bộ không chấp nhận có thọ dụng thân và nói rằng khi hóa thân tối thắng nhập vô dư niết bàn thì dòng tâm thức cũng đồng thời đoạn dứt.
Mặc dù đức Phật đã xả bỏ mọi khổ đau và nguyên nhân tạo khổ, nhưng khổ đế trong tâm thức vẫn còn chứ chưa đoạn diệt. Điều này không mâu thuẫn, vì Phật đã không còn bất cứ phiền não nào ứng với khổ đế nên có thể nói rằng là Phật đã xả bỏ khổ đế.
A la hán thanh văn và độc giác chưa xả bỏ thân mạng thì an trú hữu dư niết bàn, xả bỏ thân mạng rồi thì an trú vô dư niết bàn.
Trú ở hữu dư niết bàn thì phiền não chướng đã xả hết không thừa sót, nhưng phi phiền não chướng vẫn còn. Còn trú ở vô dư niết bàn thì mặc dù phi phiền não chướng không bị lực đối trị phá hủy nhưng cũng đã không còn, là vì dòng tâm thức làm nền tảng cho phiền não chướng lúc ấy đã đoạn diệt.
Chư vị chủ trương thuyết thật có đều xác định kinh nghĩa thật hay nghĩa tạm bằng cách xét xem kinh ấy có thể hiểu được theo nghĩa đen hay không.
Hai tông phái chủ trương thuyết ngoại-cảnh-thật-có không chấp nhận kinh đại thừa là lời Phật dạy, vì các bộ phái thuộc Hữu bộ phần lớn đều khẳng định kinh Phật thì nhất thiết phải là kinh nghĩa thật.
II. [kl] KINH LƯỢNG BỘ [Sautrantika]
Hệ lập kiến thứ hai là Kinh lượng bộ sẽ được trình bày qua bảy điểm:
- định nghĩa;
- phân loại;
- từ nguyên;
- cách tiếp nhận đối cảnh;
- cách tiếp nhận chủ thể;
- cách tiếp nhận vô ngã; và
- trình bày về chứng địa chứng đạo.
1. [kl] Định Nghĩa
Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến tiểu thừa và khẳng định có tự chứng phần và có ngoại cảnh, đó là định nghĩa của thuyết gia Kinh lượng bộ.
Kinh lượng bộ [Sautrantika] là cùng một nghĩa với Thí Dụ Bộ [Darstantika].
2. [kl] Phân loại
- Hai, Kinh lượng bộ có hai bộ phái:
- 1. Kinh lượng bộ Y cứ Giáo lý; và
- 2. Kinh lượng bộ Y cứ Luận lý.
Thuyết gia Y Cứ Giáo Lý là thuyết gia Kinh lượng bộ y cứ theo luận A-tì-đạt-ma-câu-xá [của Ngài Thế Thân].
Thuyết gia Y Cứ Luận Lý là thuyết gia Kinh lượng bộ y cứ theo Nhân Minh Thất Luận [của ngài Pháp Xứng].
3. [kl] Từ Nguyên
Ba, vì sao gọi là ‘Kinh lượng bộ’?
Vì chư vị thuyết về hệ lập kiến dựa theo kinh Phật, hay gọi là ‘Thí dụ bộ’ vì chư vị muốn giảng mọi pháp qua ví dụ.
4. [kl] Đối Cảnh
Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.
Pháp-có được định nghĩa là đối cảnh của chánh lượng.
Pháp-có có hai loại,
- thế tục đế; và
- thắng nghĩa đế.
Thắng nghĩa đế được định nghĩa là những gì có khả năng tạo tác dụng trong thắng nghĩa. Thắng nghĩa đế, thứ thật có, sự vật, vật được tạo, vật vô thường, vật hữu vi, thực thể, và tự tướng là cùng một nghĩa.
Thế tục đế được định nghĩa là những gì không có khả năng tạo tác trong thắng nghĩa.
Thế tục đế, giả lập, thường hằng, và cộng tướng [khái niệm] là cùng một nghĩa.
Pháp-có cũng có thể phân thành hai loại,
- hiện tượng phủ định; và
- hiện tượng khẳng định.
Hiện tượng phủ định được định nghĩa là đối cảnh mà cái trí nắm cảnh ấy chứng được bằng cách đoạn diệt đối tượng phủ định của mình.
Hiện tượng khẳng định được định nghĩa là đối cảnh mà cái trí nắm cảnh ấy chứng được bằng cách không đoạn diệt đối tượng phủ định của mình.
Phủ định có hai loại,
- phủ định không khẳng định; và
- phủ định có khẳng định.
Tướng căn bản của phủ định không khẳng định là giống như không gian vô vi, diệt đế, tánh không, vân vân…
Tướng căn bản của phủ định có khẳng định là giống như: phản nghĩa của “không phải sự vật,” hay là phản nghĩa của không-phải-cái-bình hiện ra trong khái niệm thấy cái bình.
Pháp-có còn có thể phân thành hai loại,
- đồng nhất; và
- dị biệt.
Pháp đồng nhất cũng có hai loại,
- đồng nhất giả; và
- đồng nhất thật.
Đồng nhất giả là ví dụ như đối tượng của sự biết [sở tri], hay như cộng tướng [đặc tướng chung, khái niệm].
Đồng nhất thật là ví dụ như sự vật hay như pháp vô thường.
Pháp dị biệt cũng có hai loại,
- dị biệt giả; và
- dị biệt thật.
Dị biệt giả là ví dụ như một cặp gồm hai lần phản nghĩa cái bình và hai lần phản nghĩa cái cột.
Dị biệt thật là ví dụ như một cặp gồm cái bình và cái cột.
Hai thời quá khứ và tương lai đều là pháp thường hằng.
Hiện tại và sự vật là cùng một nghĩa.
5. [kl] Chủ thể
Năm, nói về cách tiếp nhận chủ thể. Trong Kinh lượng bộ có nơi cho rằng tướng căn bản của một cá nhân là dòng liên tục của ngũ uẩn, lại có nơi cho rằng tướng căn bản của một cá nhân là ý thức. Chủ trương tướng căn bản của một cá nhân là dòng liên tục của ngũ uẩn là bộ phái y cứ theo luận A Tì đạt ma câu xá, và chủ trương tướng căn bản của một cá nhân là ý thức là bộ phái y cứ theo Nhân Minh Thất Luận.
Trí được định nghĩa là thứ có tánh sáng và tánh biết.
Trí có hai loại,
- chánh lượng; và
- phi chánh lượng.
5a. [kl] Chánh Lượng [nhận thức đúng]
Chánh Lượng được định nghĩa là cái-biết mới nhất và không hư vọng.
Muốn phân định giới hạn trong định nghĩa của “chánh lượng” thì phải nói đủ ba yếu tố: mới nhất, không hư vọng, và biết. Nói “mới nhất” thì loại trừ được việc xem thức đi sau là chánh lượng; nói “không hư vọng” thì loại trừ được việc xem giả định đúng là chánh lượng; và nói “biết” thì loại trừ được việc xem sắc căn là chánh lượng.
Chánh lượng có hai loại,
- chánh hiện lượng [cái-biết đúng hiện tiền] và
- chánh tỷ lượng [cái-biết đúng suy lý].
Hiện lượng [cái-biết hiện tiền] được định nghĩa là cái-biết ly niệm và không điên đảo.
Chánh hiện lượng được định nghĩa là cái-biết mới nhất, không hư vọng và li niệm.
Chánh hiện lượng chia ra có bốn loại,
- tự chứng phần chánh hiện lượng;
- giác quan chánh hiện lượng;
- ý chánh hiện lượng; và
- du già chánh hiện lượng.
Cái-biết mới nhất, không hư vọng, ly niệm, đi chung với cái thấy và chỉ hướng vào trong, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ nhất [tự chứng phần chánh hiện lượng].
Cái-biết mới nhất, không hư vọng và li niệm, khởi sinh từ sắc căn làm duyên chính [tăng tượng duyên] riêng của mình, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ hai [giác quan chánh hiện lượng].
Cái-biết mới nhất, không hư vọng và li niệm, khởi sinh từ ý căn làm duyên chính [tăng thượng duyên] riêng của mình, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ ba [ý chánh hiện lượng].
Trí giác[6] trực chứng vô thường vi tế, hay trực chứng nhân vô ngã thô lậu, hay trực chứng nhân vô ngã vi tế, khởi sinh từ chánh-định-hợp-nhất-chỉ-quán làm duyên chính của mình, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ tư [du già chánh hiện lượng].
Du già chánh hiện lượng chia ra có ba loại:
- chánh lượng trực chứng vô thường vi tế;
- chánh lượng trực chứng nhân vô ngã thô lậu; và
- chánh lượng trực chứng nhân vô ngã vi tế.
Chánh tỷ lượng [nhận thức suy lý đúng] được định nghĩa là xác-định-thức[7] mới nhất, không hư vọng, dựa theo tướng trạng đúng mà có.
Chánh tỷ lượng chia ra có ba loại:
- suy ra từ sự việc;
- suy ra từ danh tiếng; và
- suy ra từ sự tin.
Tỷ lượng suy ra từ cái lý “âm thanh là thứ được tạo” mà chứng biết âm thanh là vô thường là tướng căn bản của tỷ lượng loại thứ nhất [chánh tỷ lượng suy ra từ sự việc].
Tỷ lượng suy ra từ cái lý “thứ có hình thỏ là thuộc phạm trù khái niệm” mà chứng biết “thứ có hình thỏ” ấy có thể được gọi bằng cái tên “mặt trăng.” là tướng căn bản của tỷ lượng loại thứ hai [chánh tỷ lượng suy ra từ danh tiếng].
Tỷ lượng suy ra từ cái lý “kinh này xét qua cả ba lối quán sát đều không sai” mà chứng biết câu “phú quý nhờ thí, an lạc nhờ giới,” v.v… ở trong kinh ấy là không hư vọng là tướng căn bản của tỷ lượng loại thứ ba [chánh tỷ lượng suy ra từ sự tin].
Tỷ lượng suy ra từ danh tiếng hết thảy đều là tỷ lượng suy ra từ sự việc.
Hiện lượng không nhất thiết phải là chánh hiện lượng và tỷ lượng không nhất thiết phải là chánh tỷ lượng, vì sát na thứ hai của giác quan hiện lượng thấy sắc cảnh, hay là sát na thứ hai của tỷ lượng chứng âm thanh là vô thường, đều là những thức đi sau [không phải mới nhất nên không phải là chánh lượng]
Sớ giải Ứng Lý[8] nói rằng: “Hiện lượng và tỷ lượng ở sát na thứ nhất đều là chánh lượng. Còn những nhận thức sau đó chỉ là sự tiếp nối liên tục, dù xét trên phương diện thành hay trú gì cũng đều không khác nên không còn là chánh lượng.”
5b. [kl] Phi Lượng
Thứ hai, phi lượng được định nghĩa là cái-biết không phải mới nhất, và không phải không hư vọng.
Phi lượng chia ra có năm loại,
- thức đi sau;
- tà thức;
- nghi;
- giả định đúng; và
- trí bất quyết.
Cái-biết chứng điều đã chứng rồi, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ nhất [thức đi sau].
Thức đi sau có hai loại,
- hữu niệm; và
- vô niệm.
Một [thức đi sau hữu niệm] là giống như ký ức nhớ lại màu xanh sinh ra từ giác quan hiện lượng thấy màu xanh, hay như sát na thứ hai của tỷ lượng chứng biết âm thanh là vô thường.
Hai [thức đi sau vô niệm] là giống như sát na thứ hai của giác quan hiện lượng thấy hình sắc.
Cái-biết lãnh hội sai, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ hai [tà thức].
Tà thức có hai loại,
- tà thức hữu niệm; và
- tà thức vô niệm.
Một [tà thức hữu niệm] là ví dụ như ý niệm thấy âm thanh là vô thường.
Hai [tà thức vô niệm] là ví dụ như nhận thức giác quan[9] thấy một mặt trăng hiện thành hai, hay như nhận thức giác quan thấy núi tuyết hiện thành màu xanh.
Yếu tố tâm thức [tâm sở] tự lưỡng lự giữa hai chọn lựa bằng lực của chính mình, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ ba [nghi].
Ý thức đồng thời hiện hành với nghi tâm sở này và cảm thọ đi kèm với ý thức ấy tự chúng không lưỡng lự giữa hai chọn lựa bằng lực của chính mình, mà lưỡng lự là vì chi phối của nghi.
Nghi có ba loại,
- nghi hướng về nghĩa đúng;
- nghi hướng về nghĩa không đúng; và
- nghi đồng đều hai bên.
Một, [nghi hướng về nghĩa đúng] là giống như hoài nghi tự hỏi phải chăng âm thanh là vô thường.
Hai, [nghi hướng về nghĩa không đúng] là giống như hoài nghi tự hỏi phải chăng âm thanh là thường còn.
Ba, [nghi đồng đều hai bên] là giống như hoài nghi tự hỏi không biết âm thanh là thường còn hay vô thường.
Xác-định-thức tuy xác định đúng với nghĩa thật nhưng hư vọng trong lối xác định đối cảnh của mình, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ tư [giả định đúng].
Giả định đúng có năm loại,
- giả định đúng nhưng không lý do;
- giả định đúng nhưng lý do mâu thuẫn;
- giả định đúng nhưng lý do bất quyết;
- giả định đúng nhưng lý do không dùng được; và
- giả định đúng có lý nhưng không thấu đạt.
Tướng căn bản của loại giả định thứ nhất [giả định đúng nhưng không lý do] là giống như cái trí chỉ vì nghe nói “âm thanh là vô thường” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [tuy đúng nhưng không lý do] vì lời nói ấy tuy nêu lên mệnh đề “âm thanh là vô thường” nhưng không trình bày lý do vì sao âm thanh là vô thường.
Tướng căn bản của loại giả định thứ hai [giả định đúng nhưng lý do mâu thuẫn] là giống như cái trí dựa vào lý do “âm thanh không có khả năng tạo tác” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [tuy đúng nhưng lý do mâu thuẫn,] là vì “không có khả năng tạo tác” thì mâu thuẫn với “âm thanh.”
Tướng căn bản của loại giả định thứ ba [giả định đúng nhưng lý do bất quyết] là giống như cái trí dựa vào lý do “âm thanh là thứ có thể lượng biết” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [tuy đúng nhưng lý do bất quyết,] là vì lý do “là đối cảnh của sự lượng biết” không đủ để quyết định “âm thanh là vô thường.”
Tướng căn bản của loại giả định thứ tư [giả định đúng nhưng lý do không dùng được] là giống như cái trí dựa trên lý do “là cái thấy của nhãn thức” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [lý do này không dùng được] vì lý do “là đối cảnh của nhãn thức” không thể dùng để thiết lập “âm thanh là vô thường.”
Tướng căn bản của loại giả định thứ năm [giả định đúng lý nhưng không thấu đạt] là giống như cái trí dựa trên lý do “âm thanh là thứ được tạo” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” và trí này nằm ở trong tâm của một người không có chánh lượng thấu đạt ý nghĩa âm thanh là vô thường. [Tuy đúng lý nhưng không thấu đạt] là vì mặc dù lý do “âm thanh là thứ được tạo” là chánh lý để thiết lập “âm thanh là vô thường,” nhưng người kia lại không thấu đạt chánh lý ấy.
Cái-biết kzhông điên đảo, đối cảnh tuy hiện rõ nhưng trí không xác quyết được trước đối cảnh của mình, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ năm [trí bất quyết].
Trí bất quyết chia ra có ba loại,
- giác quan hiện tiền;
- ý hiện tiền; và
- tự chứng phần hiện tiền.
Một [giác quan hiện tiền bất quyết] là giống như nhĩ thức tiếp âm thanh trong lúc nhãn thức đang mải mê với cảnh đẹp.
Hai [ý hiện tiền bất quyết] là giống như ý hiện lượng thấy năm đối cảnh của giác quan như sắc, thanh, đại loại…trong tâm của người phàm.
Ba [tự chứng phần hiện tiền bất quyết] là giống như tự chứng phần trong tâm của người phàm khi ý hiện lượng đang thấy năm đối cảnh của giác quan như là sắc, thanh đại loại.
[kl] Người, ngữ, chánh lượng
Nói chung, chủ thể có ba loại:
- người;
- ngữ; và
- chánh lượng.
Chủ thể chánh lượng có ba loại:
- chánh nhân;
- chánh ngữ; và
- chánh thức.
Chánh nhân là như đức bổn sư từ phụ [đức Phật Thích Ca].
Chánh Ngữ là như tứ đế pháp luân.
Chánh thức là như chánh hiện lượng hay chánh tỷ lượng.
6. [kl] Vô ngã
Sáu, cách tiếp nhận vô ngã.
Nhân vô ngã thô lậu là không có một cá nhân thường nhất chủ tể;
nhân vô ngã vi tế là không có một cá nhân tự lập có thực chất.
Phái này không chấp nhận có pháp vô ngã.
7. [kl] Về địa và đạo
Bảy, trình bày về chứng địa và chứng đạo.
Vì nói người tu thuộc ba chủng tánh [thanh văn, duyên giác và bồ tát] đều tích lũy công đức qua cả bốn hữu học đạo nên tông phái này chấp nhận thân sắc uẩn của Phật chính là Phật.
Cách trình bày về các chướng ngại và cách đi qua các chứng địa và chứng đạo vân vân… đều tương tự như cách trình bày của Hữu bộ.
III. [dt] DUY THỨC TÔNG [Cittamatra]
Hệ lập kiến thứ ba là Duy thức tông sẽ được giải thích qua bảy điểm như trước.
1. [dt] Định Nghĩa
Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến đại thừa, không chấp nhận có ngoại cảnh nhưng chấp nhận tự chứng phần là thật có, đó là định nghĩa của thuyết gia Duy thức tông.
Thuyết gia Duy thức tông [skt. Vijnaptivadin], thuyết gia Duy tâm tông [skt. Cittamatrin], và Du già hành [skt. Yogacarin] là cùng một nghĩa.
2. [dt] Phân loại
Duy thức tông có hai bộ phái,
- Thật tướng tông [Skt. Satyākāravādin]; và
- Giả tướng tông [alīkākāravādin].
Thuyết gia Duy thức Thật tướng tông được định nghĩa là người chủ trương thuyết Duy thức tông và chấp nhận rằng hiện lượng trong dòng tâm thức của người phàm khi thấy sắc thể thô lậu ở phần tướng hiện thì không bị tập khí vô minh làm cho ô nhiễm.
Thuyết gia Duy thức Giả tướng tông được định nghĩa là người chủ trương Duy thức tông và chấp nhận rằng hiện lượng trong dòng tâm thức của người phàm khi thấy sắc thể thô lậu ở phần tướng hiện thì bị tập khí vô minh làm cho ô nhiễm.
Duy thức Thật tướng tông có ba bộ phái,
- chủ thể và đối tượng đồng số lượng;
- quả trứng bổ đôi; và
- phi đa loại.
Mỗi bộ phái đều có cách tiếp nhận riêng
Gọi là chủ thể và đối tượng đồng số lượng, vì thuyết này cho rằng khi nhãn thức thấy những đốm màu trên cánh bướm thì từ phía đối cảnh đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau xuất ra và, ứng theo đó, từ phía chủ thể đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau khởi sinh dưới dạng có đặc tướng.
Gọi là quả trứng bổ đôi vì thuyết này chấp nhận rằng khi nhãn thức thấy những đốm màu trên cánh bướm thì từ phía đối cảnh đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau xuất ra và, ứng theo đó, từ phía chủ thể đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau khởi sinh dưới dạng vô đặc tướng.
Gọi là phi đa loại vì thuyết này chấp nhận rằng khi nhãn thức thấy những đốm màu trên cánh bướm thì phía đối cảnh không xuất ra đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau mà chỉ xuất ra tổng tướng, còn phía chủ thể thì đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau không khởi sinh mà có tổng tướng khởi sinh dưới dạng vô đặc tướng.
Duy thức Giả tướng tông có hai bộ phái,
giả tướng có ô nhiễm; và
giả tướng không ô nhiễm.
3. [dt] Từ Nguyên
Ba, vì sao gọi là ‘Duy thức tông’?
Vì chư vị khẳng định mọi sự vật chỉ đơn thuần là tánh của thức, hay gọi là “Duy tâm tông’ vì chư vị cho rằng mọi sự chỉ đơn thuần là tánh của tâm.
4. [dt] Đối Cảnh
Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.
Đối tượng của sự biết [sở tri] có hai loại,
- thắng nghĩa đế; và
- thế tục đế.
Thắng nghĩa đế được định nghĩa là đối tượng chứng đắc của chánh hiện lượng trực tiếp chứng biết cảnh ấy bằng sự tịch lặn tướng nhị biên.
Thắng nghĩa đế và pháp tánh [skt. dharmata], pháp giới [skt. dharmadhatu], và trú xứ cứu cánh là cùng một nghĩa.
Thắng nghĩa đế nếu phân ra có hai loại,
- nhân vô ngã vi tế; và
- pháp vô ngã vi tế.
Pháp vô ngã vi tế nếu chia theo nền tảng của tánh không thì có 20 loại, quy nạp thành 18, thành 16, hay thành 4, vân vân…
Tướng căn bản của pháp vô ngã vi tế là ví dụ như tánh không là không có thực chất khác nhau giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy, hay như tánh không là lấy cái sắc không có qua tự tướng làm nền tảng lập danh cho chữ “sắc.”
Tướng căn bản của nhân vô ngã vi tế là ví dụ như tánh không là không có một cá nhân tự lập có thực chất.
Thế tục đế được định nghĩa là đối cảnh chứng đắc do chánh hiện lượng trực tiếp chứng biết cảnh ấy bằng sự đi cùng với tướng nhị biên.
Thế tục đế bao gồm hai loại hiện tượng,
- tùy thuộc; và
- giả lập.
Thế tục đế loại hiện tượng tùy thuộc là đồng nghĩa với pháp hữu vi.
Thế tục đế loại hiện tượng giả lập và những pháp vô vingoài thắng nghĩa đế là cùng một nghĩa.
[Tông phái này] khẳng định rằng mọi sự vật là điểm gặp
[10] của thật có và giả tướng, mọi pháp tánh là điểm gặp của thật có và thật tướng, và mọi pháp vô vi ngoài pháp tánh là điểm gặp của giả có và giả tướng.
Pháp tánh nhất thiết phải là phủ định phi khẳng định. Còn tướng căn bản của những loại phủ định phi khẳng định khác thì [tông phái này nói] tương tự như Kinh lượng bộ.
Năm đối cảnh như là sắc, thanh, vân vân… đều dựa trên tập khí của cộng nghiệp và biệt nghiệp lưu ký trên a lại da thức mà sinh ra từ thực chất của nội thức chứ không phải là đối cảnh được thiết lập ở bên ngoài.
Theo Thật tướng tông thì năm đối cảnh như sắc thanh đại loại, tuy không phải là vật có từ ngoại cảnh nhưng vẫn được xem là có ở dạng thô.
Theo Giả tướng tông thì năm đối cảnh như sắc thanh đại loại…không phải là vật thô, vì nếu là vật thô thì nhất định phải có ở ngoại cảnh.
5. [dt] Chủ Thể
Năm, cách tiếp nhận đối cảnh, chư t huyết gia Thật tướng tông khẳng định tâm thức có 8: ngoài 6 thức của các hệ lập kiến khác ra còn có thêm a lại da thức và nhiễm ý [mạt na thức], cộng lại là tám.
A lại da thức và nhiễm ý đều có tướng căn bản riêng.
A lại da thức khác với nhóm sáu thức kia, không lấy ngũ căn làm duyên chính [tăng thượng duyên].
Nhiễm ý thì cảnh của nó là a lại da thức, tướng của nó là chấp có một cá nhân tự lập có thực chất.
Thuyết này xác định A lại da thức là tướng căn bản của một cá nhân chứa nghiệp và nghiệp quả.
Còn Giả tướng tông chấp nhận có sáu thức và thiết lập ý thức đơn thuần làm tướng căn bản của một cá nhân chứa nghiệp và nghiệp quả.
Trí biết được chấp nhận là có hai loại,
- chánh lượng; và
- phi lượng.
Chánh lượng được xem là có hai loại,
- chánh hiện lượng; và
- chánh tỷ lượng.
Hiện lượng có bốn loại, trong đó
– tự chứng phần hiện lượng và du già hiện lượng nhất thiết đều là nhận thức không điên đảo;
– giác quan hiện lượng trong tâm người phàm nhất thiết đều là nhận thức điên đảo;
– còn ý hiện lượng trong tâm người phàm thì có thứ điên đảo, có thứ không điên đảo.
Hiện lượng không nhất thiết phải là chánh hiện lượng vì tâm người phàm tuy có ý hiện lượng thấy hình sắc nhưng lại không có ý chánh hiện lượng thấy hình sắc. Đó là vì ở trong tâm người phàm ấy, dù là tự chứng phần biết ý hiện lượng thấy hình sắc hay giác quan hiện lượng thấy hình sắc ở sát na thứ hai đều không phải là chánh hiện lượng.
Du già hiện lượng có bốn,
- du già hiện lượng trực chứng vô thường vi tế;
2-4. du già hiện lượng trực chứng nhân vô ngã vi tế; nhân vô ngã thô lậu; và pháp vô ngã.
Chánh tỷ lượng nhất thiết phải là khái niệm, [nhưng] tỷ lượng của pháp nào thì không nhất thiết phải là khái niệm của pháp ấy. Ví dụ như tỷ lượng chứng âm thanh vô thường, mặc dù là tỷ lượng của “không có âm thanh thường hằng” nhưng lại không phải là khái niệm của điều ấy. Đó là vì nếu đúng là khái niệm của pháp nào thì đặc tướng của pháp ấy nhất thiết phải hiện, nhưng với tỷ lượng chứng biết “âm thanh vô thường” thì đặc tướng của sự “không có âm thanh thường hằng” không hiện, nên đây không phải là chứng ngộ trực tiếp, chỉ là nhờ trực tiếp chứng “âm thanh vô thường” mà gián tiếp chứng được sự “không có âm thanh thường hằng.”
6. [dt] Vô ngã
Sáu, cách nhìn về vô ngã.
Tướng căn bản của vô ngã thô lậu và vô ngã vi tế được thiết lập tương tự như các tông phái Trung quán tự lập trở xuống.
Tướng căn bản của pháp vô ngã là ví dụ như tánh không là không có thực chất khác biệt giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy.
7. [dt] Về địa và đạo
Bảy, Trình bày về chứng địa và chứng đạo gồm có hai phần,
- đối tượng cần xả bỏ; và
- nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.
7a. [dt] Đối Tượng Cần Xả Bỏ
Một, khái niệm chấp nhân ngã và chủng tử, đi kèm với tam độc và chủng tử từ đó phát sinh được xem là phiền não chướng;
khái niệm chấp thật có và chủng tử, đi kèm với tập khí và mọi vọng cảnh nhị biên từ đó phát sinh được chấp nhận là trí chướng.
7b. [dt] Nội dung chính của chứng địa chứng đạo
Hai, [trình bày nội dung chính của chứng địa chứng đạo].
Người thuộc chủng tánh thanh văn vì để tự lợi, phối hợp tri kiến chứng nhân vô ngã với lượng công đức nhỏ.
Người thuộc chủng tánh duyên giác vì để tự lợi, phối hợp tri kiến chứng nhân vô ngã với lượng công đức vừa; và tu tập trong thời gian tối thiểu là ba đời, hay một trăm đời vân vân, thành tựu quả bồ đề tương ứng.
Bồ tát phối hợp tri kiến chứng sự “không có thực chất khác biệt giữa cái thấy và cái được thấy [kiến phần và tướng phần],” với lượng công đức lớn tích lũy vì lợi tha, tu tập trong thời gian dài ba lần vô lượng kiếp hay nhiều hơn, làm cho hiện tiền quả bồ đề tương ứng.
Chư vị thuộc Thật tướng tông nói rằng chư thanh văn A la hán và duyên giác A la hán khi nhập vô dư niết bàn thì dòng tâm thức của chư vị sẽ đoạn diệt, và cũng nói rằng dòng tâm thức của đức Phật thì không thể nào đoạn diệt, bởi vì bồ tát khi vừa mới thành Phật, ngay từ đầu tại Sắc cứu cánh thiên[11] đã có báo thân, luân hồi chưa trống thì dòng tâm thức đồng tướng với báo thân này cũng chưa đoạn diệt, vì lợi tha mà thị hiện đủ loại hóa thân thích ứng với căn duyên của từng người cần được giáo hóa. Chủng tánh của ba cỗ xe khác biệt này là cố định, vì [tông phái này] cho rằng chúng sinh từ vô thủy vốn đã thuộc về ba chủng tánh với ba căn địa khác nhau, vì vậy mà có ba loại tâm địa khác nhau, dẫn tới ba đường tu và ba chứng quả khác nhau.
Chư vị thuộc Giả tướng tông không chấp nhận rằng dòng tâm thức của thanh văn A la hán và duyên giác A la hán sẽ đoạn diệt khi nhập vô dư niết bàn, vì chư vị mặc dù chấp nhận rằng dòng nhận thức đơn thuần thuộc phạm vi của khổ đế và tập đế sẽ đoạn diệt khi ấy, nhưng cũng chấp nhận rằng dòng nhận thức đơn thuần sẽ đi đến đến tận Phật địa. Do đó tông phái này chủ trương chỉ có duy nhất một cỗ xe cứu cánh.
[tq] TRUNG QUÁN TÔNG [Madhyamaka, hay Nihsvabhava – Vô Tánh Tông]
Hệ lập kiến thứ tư là Trung quán tông sẽ được giải thích qua định nghĩa, phân loại, giải nghĩa.
1. [tq] Định nghĩa
Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến đại thừa và không chấp nhận sự-vật-thật-có dù là trên phương diện danh ngôn thế tục, đó là định nghĩa của thuyết gia Trung quán tông.
2. [tq] Phân Loại
Hai, Trung quán tông có hai bộ phái,
- Trung quán Tự lập phái [Skt. Svatantrika]; và
- Trung quán Ứng thành phái [Skt. Prasangika].
3. [tq] Giải nghĩa từng bộ phái
Ba, giải thích về Trung quán Tự lập phái và Trung quán Ứng thành phái.
[tqtl] TRUNG QUÁN TỰ LẬP PHÁI [Svatantrika]
Tông phái Trung quán thứ nhất là Tự lập phái sẽ được trình bày qua bảy điểm:
- định nghĩa;
- phân loại;
- từ nguyên;
- cách tiếp nhận đối cảnh;
- cách tiếp nhận chủ thể;
- cách tiếp nhận vô ngã; và
- trình bày về chứng địa chứng đạo.
1. [tqtl] Định Nghĩa
Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến Trung quán, không chấp nhận sự-vật-thật-có dù là trên phương diện danh ngôn thế tục bằng cách nêu lên luận lý tự lập[12], đó là định nghĩa của thuyết gia Tự lập phái.
Thuyết gia Trung quán Tự lập phái và thuyết gia Trung quán chủ trương có-tự-tánh là cùng một nghĩa.
2. [tqtl] Phân loại
Hai, Trung quán Tự lập phái có hai bộ phái,
- Kinh lượng Trung quán Tự lập phái; và
- Du già Trung quán Tự lập phái.
Thuyết gia Kinh lượng Tự lập phái được định nghĩa là thuyết gia Trung quán nói về cảnh danh ngôn thế tục phần lớn giống cách trình bày của Kinh lượng bộ.
Thuyết gia Trung quán Du già Tự lập phái được định nghĩa là thuyết gia Trung quán nói về cảnh danh ngôn thế tục phần lớn giống cách trình bày của Duy thức tông.
Thuyết gia Trung quán Kinh lượng Tự lập phái là ví dụ như chư vị Thanh biện[13] và Trí tạng[14]
Thuyết gia Trung quán Du già Tự lập phái là ví dụ như chư đại sư Thiện hải tịch hộ[15], Sư tử hiền[16] và Liên hoa giới[17]
3. [tqtl] Từ Nguyên
Ba, gọi ngài Thanh biện là thuyết gia Trung quán Tự lập phái là có nguyên do. Gọi như vậy là vì ngài là thuyết gia Trung quán tông chấp nhận luận lý tự lập.
4. [tqtl] Đối Cảnh
Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.
Hiện hữu có tự tướng, hiện hữu từ phía mình, và hiện hữu có tự tánh là cùng một nghĩa.
Không gian vô vi, diệt đế, quá khứ và tương lai, và nhân vô ngã vi tế đều vừa là phủ định phi khẳng định, vừa là thế tục đế.
Thắng nghĩa đế, pháp tánh, và pháp vô ngã vi tế là cùng một nghĩa.
Trung quán Kinh lượng Tự lập phái khẳng định rằng năm đối cảnh của giác quan như sắc, thanh đại loại… là không cùng thực chất với tâm thức mà là ngoại vật thô lậu cấu thành từ những phân tử vật lý cực vi bất khả phân.
Trung quán Du già Tự lập phái khẳng định rằng năm đối cảnh của giác quan như sắc, thanh, đại loại… là cùng thực chất với tâm thức nhận biết chúng.
5. [tqtl] Chủ Thể
Năm, chư thuyết gia Tự lập phái chấp nhận ý thức là tướng căn bản của một cá nhân, và chấp nhận có sáu thức.
Trí biết có hai loại,
- chánh lượng; và
- phi lượng.
Chánh lượng có hai loại,
- Chánh hiện lượng; và
- Chánh tỷ lượng.
Trung quán Kinh lượng Tự lập phái không chấp nhận có tự chứng phần hiện lượng.
Còn Trung quán Du già Tự lập phái thì chấp nhận cả bốn loại hiện lượng, trong đó tự chứng phần hiện lượng và du già hiện lượng nhất thiết phải là nhận thức không điên đảo, hai hiện lượng còn lại [giác quan hiện lượng và ý hiện lượng] thì có thứ điên đảo, có thứ không điên đảo.
Kinh lượng bộ, Duy thức tông và Trung quán Tự lập phái đều khẳng định rằng:
– hiện lượng thì nhất thiết phải ly niệm;
– thức đi sau thì nhất thiết phải là phi lượng;
– thức điên đảo trước xác-định-cảnh của mình thì nhất thiết phải là tà thức.
– đã là tà thức của điều gì thì nhất định không phải là chánh lượng của điều ấy;
– đã là tỷ lượng [của cảnh hiện nào] thì nhất thiết không phải là chánh lượng của cảnh hiện ấy, đại loại như vậy.
6. [tqtl] Vô ngã
Nhân vô ngã thô lậu được nhận là không có một cá nhân thường nhất chủ tể và
Nhân vô ngã vi tế là không có một cá nhân tự lập có thực chất.
Pháp vô ngã thô lậu được chấp nhận là không có thực chất khác biệt giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy, và
Pháp vô ngã vi tế được chấp nhận là các pháp nhất thiết không thật có.
Hai loại vô ngã được phân biệt qua đối tượng phủ định chứ không qua nền tảng của tánh không, là vì xét trên nền tảng của một cá nhân mà phá đi đối tượng phủ định là sự thật-có thì đó là pháp vô ngã vi tế; xét trên nền tảng của một cá nhân mà phá đi đối tượng phủ định là sự tự lập có thực chất thì đó là nhân vô ngã vi tế.
Hai loại ngã chấp được phân biệt qua cách chấp chứ không qua chỗ chấp, vì nhìn vào nền tảng một cá nhân mà chấp cá nhân ấy là thật có thì đó là chấp pháp ngã, và nhìn vào nền tảng một cá nhân mà chấp cá nhân ấy là tự lập có thực chất thì đó là chấp nhân ngã.
7. [tqtl] Về địa và đạo
Bảy, theo Trung quán Du già Tự lập phái, nét đặc thù của người tu ba ba cỗ xe được thiết lập từ ba loại chướng khác nhau—là đối tượng chính cần xả, và từ ba loại tri kiến khác nhau—là đối tượng chính cần tu.
Người thuộc chủng tánh thanh văn lấy niệm chấp có hiện hữu tự lập có thực chất cùng mọi thứ đi kèm làm đối tượng chính cần bỏ, lấy thuốc đối trị là tri kiến chứng sự không có một cá nhân tự lập có thực chất làm đối tượng chính cần tu, đạt quả tiểu bồ đề.
Người thuộc chủng tánh duyên giác, lấy niệm chấp vào thực chất khác biệt giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy làm đối tượng chính cần bỏ; lấy thuốc đối trị là tri kiến chứng sự không có thực chất khác biệt giữa cái thấy và cái được thấy làm đối tượng chính cần tu; đạt quả bồ đề bậc trung.
Bồ tát lấy niệm chấp thật có cùng tập khí đi kèm làm đối tượng chính cần bỏ, lấy thuốc đối trị là tri kiến chứng vạn pháp hết thảy đều không thật có làm đối tượng chính cần tu, đạt quả đại bồ đề.
Theo Trung quán Kinh lượng Tự lập phái, giữa thanh văn và duyên giác không có sự khác biệt ở đối tượng chính cần bỏ hay ở đối tượng chính cần tu, là vì cả hai đều lấy phiền não làm đối tượng chính cần bỏ, và đều lấy nhân vô ngã làm đối tượng chính cần tu.
Tuy vậy, hai cỗ xe này quả tu cao thấp khác nhau là có lý do: vì lượng công đức nhiều ít khác nhau và thời gian tu dài ngắn khác nhau.
Tương tự như Duy thức, [tông phái này cho rằng] kinh Phật có hai loại là kinh đại thừa và kinh tiểu thừa, và cũng phân thành hai phần là kinh nghĩa thật và kinh nghĩa tạm. nhưng lại không nói giống nhau về tướng căn bản. Duy thức tông cho rằng hai thời kỳ chuyển pháp luân trước là kinh nghĩa tạm, thời kỳ chuyển pháp luân cuối là kinh nghĩa thật, còn ở đây lại nói hai thời kỳ chuyển pháp luân đầu và cuối là kinh nghĩa tạm, thời kỳ chuyển pháp luân giữa nghĩa thật và nghĩa tạm đều có, ấy là vì [ đối với tông phái này] kinh nào đối tượng phủ định ứng với thắng nghĩa thì được xem là kinh nghĩa thật, không ứng với thắng nghĩa thì được xem là kinh nghĩa tạm.
[tqut] TRUNG QUÁN ỨNG THÀNH PHÁI [Prasangika]
Tông phái Trung quán thứ hai, là Ứng thành phái, sẽ được giải thích qua bảy phần như cũ.
1. [tqut] Định Nghĩa
Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến Trung quán, không chấp nhận sự-vật-thật-có dù là trên phương diện danh ngôn thế tục, bằng cách đơn giản khẳng định hệ quả ứng với những gì đối phương đã biết, đó là định nghĩa của thuyết gia Trung quán Ứng thành phái.
2. [tqut] Phân loại
Hai, [Trung quán Ứng thành phái] là ví dụ như chư vị A xà lê Phật hộ, Nguyệt xứng, và Tịch thiên.
3. [tqut] Từ Nguyên
Ba, gọi A xà lê Phật hộ là Trung quán Ứng thành phái là có lý do. Gọi như vậy vì ngài Phật hộ cho rằng chỉ cần luận pháp hệ quả [phi lý] thôi là đủ cho đối phương phát sinh tỷ lượng chứng đắc mệnh-đề-tôn.
4. [tqut] Đối Cảnh
Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.
Đối cảnh có hai loại,
- ẩn mật và
- hiện tiền.
Đối cảnh nào cần phải suy lý mới có thể chứng biết thì gọi là cảnh ẩn mật. Đối cảnh nào không cần suy lý, chỉ nhờ vào lực thường nghiệm của người phàm là có thể biết chắc thì gọi là cảnh hiện tiền.
Tướng căn bản của cảnh ẩn mật là ví dụ như sự vô thường của âm thanh, và sự không có âm thanh thật có. Tướng căn bản của cảnh hiện tiền là ví dụ như cái bình hay tấm vải len.
Hiện cảnh[18] và cảnh hiện tiền[19] là cùng một nghĩa.
Cảnh cũng có thể chia làm hai loại,
- thế tục đế; và
- thắng nghĩa đế.
Một, những gì được tìm thấy bởi chánh lượng quán chiếu danh ngôn thế tục và làm cho chánh lượng quán chiếu danh ngôn thế tục trở thành chánh lượng quán chiếu danh ngôn thế tục, đó là định nghĩa của thế tục đế.
Chia thế tục đế ra thành hai loại thật và hư là không hợp lý, vì không làm gì có thế tục đế thật. Bởi vì đã là thế tục đế thì nhất định không phải là thật, đã là thế tục đế thì nhất định phải là hư ảo.
Nhìn từ phương diện nhận thức thế gian thì chia thế tục đế ra thành hai loại thật và hư là hợp lý, vì xét theo nhận thức thế gian thì hình sắc là thật, và xét theo nhận thức thế gian thì hình ảnh của khuôn mặt hiện trong gương là hư ảo.
Là thật đối với nhận thức thế gian không nhất thiết phải là thật có, vì sắc là thật [nhưng không thật có].
Hai, những gì được tìm thấy bởi chánh lượng quán chiếu cảnh cứu cánh, và làm cho chánh lượng quán chiếu cảnh cứu cánh trở thành chánh lượng quán chiếu cảnh cứu cánh, đó là định nghĩa của thắng nghĩa đế.
Cách phân loại tương tự như Duy thức tông, và ở đây khẳng định rằng diệt đế nhất thiết đều là thắng nghĩa đế.
5. [tqut] Chủ Thể
Năm, cách tiếp nhận chủ thể.
Cái ngã đơn thuần giả lập trên ngũ uẩn được nhận là tướng căn bản của một cá nhân, và nhất thiết đều là bất tương ưng hành pháp[20]
Trí biết có hai loại, chánh lượng và phi lượng.
Chánh lượng có hai loại, chánh hiện lượng và chánh tỷ lượng.
[Tông phái này] không chấp nhận có tự chứng phần hiện lượng, và nói rằng nhận thức giác quan trong dòng tâm thức của chúng sinh nhất thiết đều phải là nhận thức điên đảo, còn ý thức và du già hiện lượng thì có thứ điên đảo, có thứ không điên đảo.
Chánh hiện lượng có hai loại,
- chánh hiện lượng hữu niệm; và
- chánh hiện lượng vô niệm.
Tướng căn bản của loại thứ nhất [chánh hiện lượng hữu niệm] là ví dụ như sát na thứ hai của tỷ lượng chứng biết âm thanh vô thường, hay như hồi ức nhớ lại đúng nghĩa màu xanh khởi sinh từ giác quan hiện lượng thấy màu xanh.
Hai, tướng căn bản của loại thứ hai [chánh hiện lượng vô niệm] là ví dụ như giác quan hiện lượng thấy hình sắc.
Là chánh hiện lượng thì không nhất thiết phải là cảnh hiện tiền, vì du già hiện lượng đều không phải là cảnh hiện tiền. Đó là vì hiện lượng[21] và cảnh hiện tiền[22] là cùng một nghĩa.
Là thức đi sau[23] [notes] thì nhất thiết phải là chánh hiện lượng.
Tỷ lượng chia ra có bốn loại,
- tỷ lượng suy ra từ sự việc;
- tỷ lượng suy ra từ danh tiếng;
- tỷ lượng suy ra từ ví dụ; và
- tỷ lượng suy ra từ sự tin.
Tỷ lượng suy ra từ danh tiếng và tỷ lượng suy ra từ ví dụ nhất thiết đều là tỷ lượng suy ra từ sự việc.
Là chánh lượng thì không nhất thiết phải là nhận thức không điên đảo đối với xác-định-cảnh của mình,[24] vì tỷ lượng chứng âm thanh vô thường là nhận thức điên đảo của âm thanh vô thường.
Là thức thì nhất thiết phải chứng biết đối-tượng-lượng-biết[25] của mình, vì khái niệm[26] sừng thỏ là đối-tượng-lượng-biết của ý niệm thấy sừng thỏ, và khái niệm âm thanh thường còn là đối tượng lượng biết của ý niệm thấy âm thanh thường còn.
6. [tqut] Vô ngã
Sáu, nói về cách tiếp nhận vô ngã.
Nhân vô ngã thô lậu được xem là không có một cá nhân tự lập có thực chất.
Nhân vô ngã vi tế được xem là không có một cá nhân thật có.
Sự không có thực chất khác biệt giữa vật thô tổ hợp của những phân tử bất khả phân và chánh lượng thấy vật thô ấy được thiết lập là pháp vô ngã thô lậu, và
Sự không có ngũ uẩn thật có làm nền tảng lập danh được thiết lập là pháp vô ngã vi tế.
Hai loại vô ngã được phân biệt qua nền tảng của tánh không chứ không qua đối tượng phủ định. Lấy nền tảng là một cá nhân mà bác bỏ đối tượng phủ định là sự thật-có thì đó là nhân vô ngã vi tế. Lấy nền tảng là ngũ uẩn các thứ mà bác bỏ đối tượng phủ định là sự thật-có thì đó là pháp vô ngã vi tế.
Hai loại ngã chấp được phân biệt qua cảnh nhìn chứ không qua cách chấp. Nhìn vào nền tảng là nhân mà chấp là thật có thì đó là chấp nhân ngã vi tế. Nhìn vào nền tảng lập danh là ngũ uẩn các thứ mà chấp là thật có thì đó là chấp pháp ngã vi tế.
7. [tqut] Về địa và đạo
Bảy, trình bày về chứng địa và chứng đạo gồm có hai phần, đối tượng cần xả bỏ và nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.
7a. [tqut] Đối Tượng Cần Xả Bỏ
Một, tất cả mọi khái niệm chấp ngã thô tế cùng chủng tử của chúng, kèm với mọi phiền não tham sân các thứ cùng chủng tử của chúng từ đó phát sinh được khẳng định là phiền não chướng, chủ yếu tạo chướng ngại cho việc chứng đắc quả giải thoát.
Tập khí chấp thật có và mọi khía cạnh của vọng cảnh nhị biên từ đó phát sinh được khẳng định là trí chướng, chủ yếu tạo chướng ngại cho việc chứng đắc trí toàn giác.
7b. [tqut] Nội dung chính của chứng địa chứng đạo
Nói về tri kiến cần tu thì không có sự cao thấp khác biệt giữa ba cỗ xe, vì cỗ xe nào cũng đều lấy nhân vô ngã và pháp vô ngã thô lậu và vi tế làm đối tượng tu tập chính yếu.
Nhưng nếu nói về đối tượng chính cần xả bỏ thì có sự khác biệt. Chư thanh văn và duyên giác lấy hai loại ngã chấp cùng chủng tử của chúng làm đối tượng chính cần xả bỏ, còn chư bồ tát thì lấy tập khí của chúng làm đối tượng chính cần xả bỏ.
Tánh như của sự xả bỏ hai loại ngã chấp cùng chủng tử của chúng trong dòng tâm thức của chư A la hán thanh văn và A la hán duyên giác khi nhập định là vô dư niết bàn, còn tánh như của sự xả bỏ hai loại ngã chấp cùng chủng tử của chúng trong dòng tâm thức của chư A la hán thanh văn và duyên giác khi xuất định là hữu dư niết bàn.
Người nào ngay từ đầu đã thuộc về chủng tánh đại thừa chánh định tụ thì lúc xả bỏ phiền não chướng là đồng thời chứng đắc địa thứ tám, và lúc xả bỏ trí chướng là đồng thời hiện chứng bốn thân Phật.
[1] tiếng Tạng gọi là Duy tâm tông.
[2] tiếng Tạng gọi là Vô tánh tông.
[3] Một cá nhân, phạn: pudgala; tạng: གང་ཟག། ứng với chữ “nhân”, như trong nhân vô ngã. Có nơi dịch là bổ đặc dà la, theo hán âm.
[4] Tạng: བློ། g ứng với khả năng thấy biết, từ trí thông minh phàm phu cho đến trí giác bồ đề.
[5] Sems kyi gns ngan len སེམས་ཀྱི་གནས་ངན་ལེན།
[6] Phạn: Jnana; Tạng: ཡེ་ཤེས།
[7] Zhen rig
[8] Là sớ giải của ngài Pháp Thượng [Dharmottara] giải thích về Lượng Quyết Định Luận của ngài Pháp Xứng [Dharmakirti].
[9] Snang pa’I dwang zhes །
[10] zhin ‘thun
[11] Tạng. ogmin
[12] Tạng. rang rgyud kyi rtags
[13] skt. Bhavaviveka, tib. Legs-ldan-‘byed
[14] skt. Jnanagarbha, tib. Ye-she-snying-po
[15] Phạn. Shantarakshita, tạng. shi-ba-‘tsho
[16] Phạn. Haribhadra, tạng. Seng-ge-bzang-po
[17] Phạn. Kamalashila, tib. Ka.ma.la.shi.la
[18] mngon sum: nghĩa là hiện tiền, nhưng cùng một gốc tạng ngữ này mà ứng với cả ba nghĩa hiện cảnh, hiện kiến, và hiện lượng.
[19] mngon gyur
[20] không phải là tâm thức cũng không phải là vật thể.
[21] Tạng. mngon sum
[22] Tạng. mngon gyur
[23] Thức ở sát na thứ hai.
[24] Tạng. རང་གི་ཞེན་ཡུལ
[25] Tạng གཞལ་བྱ་, tiếng Việt còn gọi là sở lượng.
[26] Tạng. དོན་སྤྱི་, còn gọi là cộng nghĩa.