Dedication Prayers, Lama Zopa Rinpoche extracts from Shantideva’s Bodhisatva Way of Life [Vietnamese Only] –
Lời hồi hướng do Lama Zopa Rinpoche trích từ Nhập Bồ Đề Hạnh Luận của ngài Shantideva (Tịch Thiên).
Với công đức này / nguyện cho chúng sinh /
Ở khắp mọi nơi / đang chịu khổ đau / tinh thần thể xác /
Tìm được đầy tràn / niềm vui hạnh phúc / lớn rộng như biển.
Nguyện khắp chúng sinh / không có một ai /
Phải chịu nạn khổ, / tạo tác ác nghiệp, /
Gặp cảnh tật bịnh, / khổ vì sợ hãi, /
Khổ vì bị người / sỉ nhục khinh khi.
Nguyện cho người mù / thấy được hình sắc, /
Nguyện cho người điếc / nghe được âm thanh, /
Nguyện cho những ai / mỏi mòn kiệt quệ /
được thời ngơi nghỉ.
Nguyện người đang lạnh / tìm được áo quần, /
Nguyện người đang đói / kiếm được miếng ăn, /
Nguyện người đang khát / tìm ra thức uống, /
Cùng nguồn giải khát / thơm ngon tuyệt diệu.
Nguyện cho người nghèo / tìm được tài sản, /
Nguyện người sầu khổ / thấy được niềm vui, /
Nguyện người tuyệt vọng / gặp nguồn hy vọng, /
Vĩnh viễn sống trong / bình an hạnh phúc.
Nguyện mưa đúng thời / vụ mùa xanh tốt, /
Nguyện thuốc chữa lành / mọi cơn bịnh dữ, /
Nguyện mọi lời nguyện / thánh thiện tốt lành /
luôn thành sự thật. /
Nguyện người tật bịnh / thoát được bịnh khổ, /
Nguyện nạn thiên tai / vĩnh viễn không còn. /
Nguyện kẻ khiếp sợ / thoát cơn sợ hãi, /
Nguyện kẻ tù đày / thoát hết cùm gông, /
Nguyện kẻ yếu kém / tìm ra sức mạnh. /
Và xin nguyện cho / tất cả những ai /
Sống trong cõi thế / đều biết quay về /
nâng đỡ lẫn nhau.
Không gian chưa cùng
Chúng sinh chưa tận
Nguyện con còn vẫn
Ở lại chốn này
Quét khổ thế gian
Tựa đề tiếng Phạn: Bodhicaryāvatāra (còn gọi là Bodhisattvacaryāvatāra), Thánh Giả Tịch Thiên [Shantideva] tác luận Tựa đề tiếng Tạng: བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་སྤྱོད་པ་ལ་འཇུགས་པ་ཞེས་བྱ་བ་བཞུགས་སོ།། Tựa đề tiếng Việt: Nhập Bồ Đề Hạnh Luận, (hay là Nhập Bồ Tát Hạnh Luận). Hồng như chuyển ngữ – Bản hiệu đính, 21/03/2014. Điều kiện hành trì: Pháp phổ thông, ai cũng có thể đọc và hành trì.
Thầy tôi dạy rằng: “Cảnh giới chứng ngộ của ngài Shantideva, kẻ phàm như chúng ta đây không làm sao có thể tưởng tượng nổi. Vậy mà các con lại đủ túc duyên để nghe được những lời này, thật là phước báu khó tìm cầu, phải biết trân quí.”
Bằng tấm lòng trân quí như vậy, tôi xin dịch bài pháp này. Là niềm tri ân sâu xa đối với Ân Sư cùng hết thảy những ai còn nán lại trong khổ đau sinh tử để cho kẻ chậm chân như tôi đây vẫn còn hy vọng phát khởi tâm bồ đề.
Hai nguồn sử liệu chính về cuộc đời ngài Shantideva (Tịch Thiên) đến từ ngài Butön (1290-1364) – và ngài Jetsün Tāranātha (1575-1608). Ngoài ra còn một bản văn ngắn được tìm thấy trong các tác phẩm của học giả Yeshe Peljor (thế kỷ 18). Gần đây, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm một đoản văn trong bản thảo chép tay ở Nepal thế kỷ 14.
Ngài Kunzang Pelden trong bộ luận “Văn Thù Kim Khẩu Cam Lồ” đã dựa theo bản văn của ngài Butön để soạn tiểu sử của ngài Shantideva. Bản tiếng Việt lược dịch từ tiểu sử này.
Nhập Bồ Đề Hạnh Luận (Bodhicaryāvatāra) do Bồ tát Shantideva (Tịch Thiên) trước tác. Ngài là bậc thầy uyên thâm hội đủ ba phẩm tính cần có của luận giả: trực chứng chân đế, trực kiến bổn tôn, thông làu ngũ minh. Khi còn tại thế, ngài Shantideva viên thành bảy công hạnh phi thường. Đặc biệt ngài là người được đấng bổn tôn Diệu Âm[1] trực tiếp hộ niệm gia trì.
Ngài Shantideva vốn mang dòng máu đế vương. Vào khoảng đầu thế kỷ VIII tại miền Nam xứ Saurashtra (nay là Bang Gujarat tại Tây Bắc Ấn Độ), quốc vương Kalyanavarnam hạ sanh thái tử, đặt tên là Shantivarman. Từ nhỏ thái tử đã sớm hướng tâm về chư Phật trong các thời quá khứ, tự nhiên mang sẵn dòng giống Đại Thừa, dành trọn tấm lòng tôn kính phi thường cho chư Tăng sĩ, Đạo sư. Ngài phụng sự hiến cúng khắp cả, đặc biệt quan tâm chăm sóc cho người nghèo hèn, tật bệnh, đọa rơi. Với trái tim kiên định hướng về nẻo giác, ngài tích lũy tri thức, thông làu ngũ minh. Đặc biệt ngài thỉnh được nghi quỹ đức Văn Thù từ một vị khất sĩ khổ hạnh, hành trì miên mật và xem đức Văn Thù là bổn tôn.
Khi Quốc vương băng hà, vương quyền trao về cho Thái tử Shantivarman. Ngai vàng được dựng lên lộng lẫy để chuẩn bị cho lễ Đăng quang. Ngay đêm hôm trước đại lễ, thái tử nằm mộng thấy đức Diệu Âm tọa trên ngai vàng, nhìn ngài mà nói như sau:
Con yêu duy nhất, / ngai này của ta. Ta là Văn Thù / sư phụ con đây. Sao con có thể / sánh với sư phụ ngang vai ngang vế / ngồi cùng một ngai?
Giật mình tỉnh giấc, thái tử Shantisarman hiểu rằng việc kế thừa vương vị là điều chẳng nên làm. Lòng không lưu luyến tài sản thế gian, ngài từ bỏ ngai vàng, đến học viện Na-lan-đà thọ giới cùng ngài Jayadeva, thượng thủ của năm trăm vị Hiền Thánh, và được sư phụ ban cho pháp hiệu Shantideva[2].
Trong thời gian tu học tại Na-lan-đà, ngài được đức Văn Thù trực tiếp truyền cho Tam Tạng kinh điển. Ngài dựa theo đó tu tập miên mật, qui nạp nội dung chánh pháp thành hai bộ luận: Học Tập Luận và Kinh Tập Luận. Mặc dù ngài Shantideva thành tựu vô lượng thiện đức từ cả hai pháp diệt và đạo, thế nhưng chư Tăng đồng học vẫn không hay biết, chỉ thấy người này hết ăn (Bhuj) lại ngủ (Sup), rồi lại đi lang thang (Kutimgata), nên gọi ngài là Bhu-su-ku. Họ vô cùng bất bình, than rằng, “cả ba việc của người xuất gia tại đây[3], người này chẳng được việc nào cả, sao đủ tư cách thọ trai tăng! Phải đuổi đi mới được!” Họ liền bàn cách đuổi ngài đi, bày ra việc chư Tăng thay phiên nói pháp, tin chắc rằng bao giờ đến phiên phải nói pháp, chắc chắn ngài sẽ xấu hổ mà trốn đi. Họ liên tục đến thúc dục, nhưng lần nào ngài cũng từ chối, bảo rằng không biết gì để nói. Họ kéo nhau đến thỉnh Viện trưởng ra lệnh cho ngài nói pháp. Viện trưởng vừa lên tiếng, ngài liền hứa ngay. Thấy vậy, một số tăng sĩ bắt đầu chột dạ. Để thách thức ngài, họ bày biện cúng phẩm cao như núi, mời thật đông người đến dự, dựng một tòa sư tử chênh vênh ngay chính giữa, rồi mời ngài đến. Bất ngờ thấy ngài đã tọa sẵn trên pháp tòa, họ kinh ngạc hoang mang, không hiểu ngài thượng lên pháp tòa bằng cách nào.
Lúc bấy giờ ngài Shantideva điềm nhiên cất tiếng hỏi: “Các ông muốn nghe pháp nào, pháp thường nghe, hay pháp chưa từng nghe?”
Cả pháp hội sững sờ. “Xin cho chúng tôi nghe pháp chưa từng nghe.”
Học Tập Luận quá dài, Kinh Tập Luận lại quá ngắn, vì vậy ngài Shantideva thuyết Nhập Bồ Đề Hạnh Luận, nghĩa rộng nhưng văn gọn. Lúc bấy giờ đức Văn Thù hiện ra ngay giữa trời không, nhiều người thấy được, tín tâm trào dâng vô bờ. Khi đọc đến chỉnh cú 34, chương 9, “cả sắc và không / đều vắng trong tâm…”, ngài Shantideva và đức Văn Thù cùng thăng lên không trung, cao dần, rồi biến mất, chỉ còn giọng nói ngài Shantideva vọng về cho đến cuối bộ luận.
Trong chúng hội, các vị trí nhớ phi thường liền vội vã chép lại bài pháp, nhưng các bản văn dài ngắn không đồng: có vị chép thành bảy trăm chỉnh cú, có vị chép thành một ngàn chỉnh cú, có vị lại chép thành nhiều chỉnh cú hơn. Chư Hiền giả vùng Kashmir chép thành bảy trăm chỉnh cú và gom thành chín chương, trong khi đó chư vị ở Trung Ấn (Magadha – Ma Kiệt Đà) lại chép thành một ngàn chỉnh cú gom thành mười chương. Lúc ấy, bản văn có sự bất nhất như vậy. Hơn nữa, không ai biết gì về hai bộ luận mà ngài Shantideva dặn dò là cần phải đọc, bộ Học Tập Luận và Kinh Tập Luận (xem chương 5, chỉnh cú 105-106).
Về sau, nghe nói ngài Shantideva đang ở tại bảo tháp Shrīdakṣngahiṇa, vùng Nam Ấn, hai vị hiền thánh với trí nhớ thần thông đã lặn lội tìm đến gặp, xin ngài chuẩn xác lại bộ luận. Ngài xác định bản chép của chư Hiền giả vùng Magadha là chính xác. Khi hỏi đến Học Tập Luận và Kinh Tập Luận, ngài bảo rằng hai vị sẽ tìm thấy hai bộ luận này giấu trên mái nhà trong tịnh xá của ngài tại Học Viện Na-lan-đà. Ngài cũng nhân dịp này truyền khẩu và ban lời khai thị cho hai vị.
Ngài Shantideva sau đó du hành về hướng Đông, vận dụng thần thông hàng phục cuộc xung đột nghiêm trọng, mang lại hòa bình cho cả đôi bên.
Ngài cũng độ cho năm trăm người ngoại đạo miền Tây gần xứ Magadha. Lúc ấy nhằm lúc thiên tai, cả làng lâm nạn đói. Dân làng bảo nếu được ngài cứu mạng, họ nguyện tin theo giáo pháp của ngài. Ngài khi ấy mang bình bát chứa cơm khất thực, cầm trong tay, gia trì bằng đại định. Chỉ với một bình bát, cả làng đều được thỏa thuê no đủ. Nhờ duyên lành này, cả làng bỏ mê tín để bước vào chánh pháp.
Thêm một thời gian sau đó, lại trong một nạn đói kinh khiếp, ngài đã cứu mạng một ngàn hành khất.
Về sau ngài làm cận vệ cho Quốc Vương Arivishana, lúc bấy giờ đang gặp nạn chiến tranh với giặc Machala phía Đông Ấn. Ngài đeo bên mình thanh kiếm gỗ đầy uy lực, đủ khả năng hàng phục mọi hiểm họa, mang an bình đến khắp mọi nơi, được sự nể trọng của khắp cả. Tuy vậy, một số quần thần sanh lòng ganh ghét, đến bẩm báo với vua rằng: “đây chỉ là tên bịp bợm, ngưỡng mong bệ hạ suy xét. Hắn nào có vũ khí gì đâu, chỉ đeo mỗi thanh kiếm gỗ, làm sao bảo vệ được cho bệ hạ!” Vua nghe xong nổi giận, xét vũ khí của từng người. Đến khi vua bảo ngài Shantideva tuốt kiếm, ngài từ tốn thưa rằng làm như vậy sẽ khiến vua bị thương.
“Ta bị thương mặc lòng! ngươi cứ hãy rút kiếm ta xem!” Vua ra lệnh.
Không thể cãi lệnh, ngài mời vua đến nơi vắng vẻ, thỉnh vua lấy tay che một mắt, chỉ nhìn bằng con mắt còn lại. Khi thanh kiếm rút ra khỏi vỏ, hào quang rực rỡ chói lòa khiến mắt vua rơi ngay xuống đất. Vua cùng tùy tùng kinh hãi, xin ngài lượng thứ chở che. Ngài Shantideva lúc bấy giờ trả mắt lại cho vua, nhờ lực gia trì của ngài, mắt vua bình thường như cũ, không chút đau đớn. Cả vương quốc bấy giờ khởi tín tâm sâu xa, quay về quy thuận chánh pháp.
Về sau ngài Shantideva đến vùng Shriparvata miền Nam, sống lẫn trong đám hành khất lõa thể. Ở đó ngài ăn nước rửa chén rửa nồi người ta đổ ra. Có một lần cô thị nữ của vua Khatavihara tên là Kachalaha đổ nước rửa chén, chợt thấy nước hắt lên người Shantideva thì lập tức sôi rít lên, chẳng khác gì đổ trên nền sắt nóng. Cô ta lấy đó làm lạ.
Cũng vào lúc bấy giờ, có một vị sư phụ Ấn giáo tên là Shankaradeva tìm đến gặp vua để ra lời thách đố. Ông ta tuyên bố sẽ vẽ mạn-đà-la Maheshvara trên trời không, nếu Phật giáo không ai phá được thì mọi ảnh tượng kinh sách Phật giáo trong vương quốc đều phải vất vào lửa đỏ, trăm dân phải theo đạo của ông ta. Trước lời thách đố này, nhà vua lập tức triệu tập hết thảy cao tăng về báo việc, nhưng không một ai đủ khả năng nhận lời thách đố. Vua ăn ngủ không yên. Thấy vậy, thị nữ Kachalaha bẩm bạch cùng vua chuyện kỳ lạ về gã hành khất, vua liền ra lệnh tìm Shantideva. Quần thần vội vã tìm trong tìm ngoài, rốt cuộc tìm được ngài đang ngồi dưới một gốc cây. Khi nghe đầu đuôi câu chuyện, ngài nói rằng việc này chẳng khó gì, nhưng phải cho ta một bình đầy nước, hai tấm vải, và lửa. Mọi thứ đều được nhanh chóng chuẩn bị theo đúng ý của ngài.
Buổi chiều ngày hôm sau, hành giả ấn giáo đến vẽ mấy lằn lên không trung rồi bỏ đi. Mọi người đều cảm thấy vô cùng bất an. Sáng sớm hôm sau, đương lúc mạn đà la còn đang thành hình, cửa Đông chưa kịp xong thì ngài Shantideva đã nhập vào đại định. Ngay tức thì, trận cuồng phong nổi lên, quét sạch mạn đà la vào hư không. Hết thảy cây cối, hoa màu, nhà cửa đều bị cuốn tan hoang. Vị hành giả Ấn giáo bị gió tốc như một con chim con. Bóng tối bao trùm khắp lãnh thổ. Rồi hào quang chiếu ra từ giữa hai lông mày của ngài Shantideva, soi lối cho vua và hoàng hậu. Cả hai đều bị gió cuốn, tuột hết siêm y, toàn thân đầy bụi. Và cứ thế, ngài Shantideva dùng lửa để sưởi, dùng nước để tắm, dùng vải để vua và hoàng hậu che thân. Ngài lại dùng thần lực của đại định gom hết dân chúng bị gió cuốn trở về lại, tắm rửa, chăm sóc, trấn an. Biết bao người khởi chánh tín, nhờ đó ngoại đạo suy tàn, chánh pháp hưng thịnh dài lâu. Vương quốc này vì vậy mà được gọi là nơi “hàng phục ngoại đạo.”
Mặc dù ngài Shantideva lúc nào cũng tự cho mình chỉ là kẻ phàm phu, nhưng theo lời ngài Jetari, ngài Shantideva là hiện thân của đức Diệu Âm (Văn Thù). Theo lời ngài Prajnaka-ramati thì ngài Shantideva là bậc thánh tăng. Còn riêng nói về hành trạng của ngài, đức Vibhutichandra nói rằng: Trên cõi thế gian / đã từng xuất hiện nhiều đấng Pháp Vương, / vua của chánh pháp, thế nhưng xét về / thành tựu, kinh nghiệm, chẳng ai sánh bằng / Shan-ti-đê-va.
Ngài Shantideva để lại cho hậu thế ba tuyệt tác: Hai tác phẩm đầu là HọcTập Luận (Shikṣhāsamucchaya) và Kinh Tập Luận (Sūtrasamucchaya), một phong phú, một ngắn gọn. Tác phẩm thứ ba tựa đề Nhập Bồ Đề Hạnh Luận (Bodhicaryāvatāra), hình thức ngắn gọn nhưng nội dung vô cùng phong phú. Ở xứ Ấn có hơn 108 luận giải viết về bài luận bất hủ này.
———–
Ghi chú phần Tiểu Sử:
[1] Bồ Tát Diệu Âm (Manjushosha) là tên khác của Bồ Tát Văn Thù (Manjushri) [2]Shanti- là một phần tên của ngài, và –deva là một phần tên của sư phụ, ghép lại thành Shantideva [3] Học, tu, và làm Phật sự như in sách, làm thuốc v.v…
Tựa đề tiếng Phạn: Bodhicaryāvatāra (còn gọi là Bodhisattvacaryāvatāra)
Tựa đề tiếng Tạng: ༄༅། །བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའི་སྤྱོད་པ་ལ་འཇུགས་པ་ཞེས་བྱ་བ་བཞུགས་སོ།།
Tựa đề tiếng Việt: Nhập Bồ Đề Hạnh Luận, (hay là Nhập Bồ Tát Hạnh Luận).
CHƯƠNG MỘT: LỢI ÍCH TÂM BỒ ĐỀ
I-1. Đệ tử đảnh lễ Thiện Thệ, Pháp Thân, chư vị Trưởng tử cùng người xứng đáng. Nay tôi kính xin thuận theo lời Phật, tóm lược lối vào giới hạnh bồ tát.
I-2. Lời tôi nói đây chẳng có gì mới, cũng chẳng có gì khéo nói hơn ai. Tôi không viết vì lợi ích chúng sinh, mà chỉ là để tự tâm huân tập.
I-3. Lời này có thể tăng chút tín tâm, cho tôi huân dưỡng thuận theo thiện đức. Ai người may mắn tương tự như tôi, nhờ đọc lời này đôi khi có lợi.
I-4. Tự tại, thuận duyên là điều khó đạt, đủ sức toàn thành nguyện ước chúng sinh. Vậy nếu nay tôi thủ lợi riêng mình, kiếp sau đâu thể thuận duyên như vậy.
I-5. Tựa như tia chớp giữa nền trời đen, trong một phút giây sáng soi khắp cả. Nhờ Phật gia hộ mà người thế gian đôi khi thoạt hiện một vài thiện đức.
I-6. Cho nên tâm thiện bao giờ cũng yếu; tâm ác thì lại mạnh dữ vô cùng. Muốn điều ngự tâm, ngoài tâm bồ đề, thử hỏi có còn thiện tâm nào khác ?
I-7. Mâu Ni nhiều kiếp thâm sâu chiêm nghiệm, thấy chỉ tâm này mới thật lợi sinh. Vô lượng chúng sinh nương vào tâm này, có thể dễ dàng viên thành đại lạc.
I-8. Ai người mong cầu diệt trăm khổ nạn, mong quét bất hạnh của khắp chúng sinh, hay mong được hưởng vạn cảnh yên vui, tâm bồ đề này chớ nên lìa bỏ.
I-9. Chúng sinh khốn khổ trôi lăn luân hồi mà phát được tâm, thì ngay lúc ấy sẽ được gọi là Như lai trưởng tử, thành nơi xứng cho trời, người hiến cúng.
I-10. Tương tự thuốc tiên hóa sắt thành vàng, nay thân ô nhiễm nhờ tâm bồ đề mà thành thân Phật vô vàn trân quí. Vậy hãy giữ chắc tâm bồ đề này.
I-11. Đấng độ quần sinh dùng trí vô lượng quán chiếu tận tường và đều thấy rõ: ai người muốn thoát cảnh khổ luân hồi, phải giữ cho chặt ngọc bồ đề tâm.
I-12. Những thiện đức khác giống như thân chuối, ra quả một lần rồi là tàn rụi. Nhưng tâm bồ đề triền miên kết trái, không bao giờ tàn, vững vàng lớn mạnh.
I-13. Sợ cảnh hung hiểm, ta nương anh hùng; cho dù phạm phải tội ác tột cùng, chỉ cần phát tâm tức thì vượt thoát. Vậy sao những kẻ sợ cảnh đọa rơi lại chẳng tìm đến nương tâm bồ đề ?
I-14. Như lửa hoại kiếp thiêu rụi thế gian, tâm bồ đề này thiêu tan ác nghiệp. Lợi ích vô lượng, bất khả tư nghì, bậc trí Từ Thị dạy cho Thiện Tài.
I-15. Cần biết tâm này nói gọn, có hai, một là ước muốn: bồ đề tâm nguyện; hai là thực hiện: bồ đề tâm hành.
I-16. Cũng như muốn đi khác với lúc đi, tương tự như vậy, kẻ trí cần hiểu thứ tự khác biệt giữa hai tâm này.
I-17. Cho dù còn vướng ở trong sinh tử, bồ đề tâm nguyện đơm quả lớn lao, tuy nhiên cũng vẫn chưa được liên tục như là công đức bồ đề tâm hành.
I-18. Bao giờ phát tâm không còn thoái chuyển, nguyện độ chúng sinh thoát khổ luân hồi, liền ngay lúc ấy, từ đấy trở đi,
I-19. cho dù ngủ nghỉ, hay dù tán tâm, cả một suối nguồn công đức bất tận cũng vẫn trỗi mạnh rộng sánh không gian.
I-20. Chính đức Như lai đã dạy điều này trong bộ Kinh Su-ba-hu Thỉnh Vấn, là để giúp cho những người tâm nhỏ có thể phát khởi tín tâm đại thừa.
I-21. Vì muốn lợi người mà khởi tâm cầu thoát bệnh nhức đầu cho khắp chúng sinh, thì công đức này cũng đã vô tận.
I-22. Huống chi công đức cầu khắp chúng sinh thoát vô lượng khổ, rồi đưa chúng sinh viên thành vô lượng thiện căn công đức.
I-23. Thử hỏi tâm này mấy ai có được ? dù cha hay mẹ chư thiên, thiện giả, ngay cả Phạm Thiên biết có được chăng ?
I-24. Tâm này chúng sinh chưa từng có được, dù là trong mơ, dù chỉ cho mình. Làm sao có thể có được tâm địa vì khắp chúng sinh ?
I-25. Chúng sinh phàm phu chưa từng khởi tâm; Độ cho chính mình còn chưa nghĩ tới ! Tâm bồ đề này mà khởi sinh được là điều nhiệm mầu chưa từng thấy qua !
I-26. Là thuốc chữa lành mọi cơn bệnh dữ, là nguồn hạnh phúc cho khắp chúng sinh. Công đức bồ đề vô vàn quí giá, thật chẳng lấy gì cân đo cho được.
I-27. Chỉ cần một niệm gánh vác chúng sinh, công đức quá hơn công đức cúng Phật, huống chi nỗ lực mang nguồn an lạc về cho chúng sinh.
I-28. Là vì chúng sinh dù cầu thoát khổ, nhưng vẫn mê mải chọn khổ mà theo. Dù cầu an vui, thế nhưng an vui thì lại u mê hủy diệt tất cả như diệt kẻ thù.
I-29. Ai mang vui đến cho người bất hạnh, ai quét khổ nạn cho kẻ khốn cùng,
I-30. ai xua bóng tối mê muội vô minh, thiện đức này đây lấy gì sánh nổi ? có bạn nào hơn người bạn lành này ? chẳng công đức nào tương tự như vậy !
I-31. Giúp người đền ơn mà còn được khen, huống chi bồ tát làm lợi chúng sinh chẳng đợi ai cầu.
I-32. Bủn xỉn mang ra chút ít thực phẩm, khinh miệt bố thí cho đôi ba người, chỉ đủ ấm bụng nửa ngày mà thôi, cũng còn được khen là làm việc thiện.
I-33. Huống chi vĩnh viễn tặng khắp chúng sinh suối nguồn hỉ lạc vô thượng bồ đề; chúng sinh trong tâm có ước nguyện gì, thì đều hết thảy làm cho như nguyện.
I-34. Bậc trí dạy rằng: với chư trưởng tử từ bi của Phật mà khởi niệm ác, khởi bao ác niệm thì phải đọa rơi đủ bấy nhiêu kiếp vào cảnh địa ngục.
I-35. Nhưng nếu khởi được tín tâm trong sáng, thời quả gặt hái tươi tốt xum xuê, vì bồ tát dù rơi vào nghịch cảnh, công đức bồ đề vẫn không suy thoái, thiện đức vững vàng tăng trưởng tự nhiên.
I-36. Nay tôi nguyện xin đê đầu đảnh lễ tất cả những ai sinh tâm bồ đề. Nguyện xin quy y suối nguồn an lạc: người mang vui đến cho kẻ hại mình.