Tag Archives: Trung Quán

Long Thọ: TRUNG QUÁN LUẬN

༈ དབུ་མ་རྩ་བའི་ཚིག་ལེའུར་བྱས་པ་ཤེས་རབ་ཅེས་བྱ་བ་བཞུགས་སོ། །
CĂN BẢN TRUNG QUÁN LUẬN TỤNG
Tác luận: Thánh giả Long Thọ [Nagarjuna]

BẢN DÙNG TẠM: Ai cũng có thể đọc, in ra giấy cho cá nhân hay cho pháp hội không cần xin phép, với điều kiện không sửa đổi nội dung và không bán. Vì sách này đang trong giai đoạn duyệt lại theo luận giải nên xin khoan in thành sách, và thỉnh thoảng xin trở lại đây lấy bản hoàn chỉnh hơn thay cho bản cũ. 
CHỈNH SỬA MỚI NHẤT: 28/05/2024

Mọi sai sót là của người dịch,
Mọi công đức xin hồi hướng pháp giới chúng sinh

Tựa đề tiếng Phạn: Mūlamadhyamakakārikā
Tựa đề tiếng Tạng: dbu ma rtsa ba’i tshig le’u byas pa shes rab ches bya ba


Kính lạy đức Văn Thù Đồng Tử.

> KHAI LUẬN

Bất cứ thứ gì / đã duyên sinh thì
Không diệt; không sinh;
Không đoạn; không thường;
Không đến; không đi;
Không khác; không một;
Tịch niệm, tịnh yên.
Bậc thuyết pháp này / là Phật chánh giác,
/ thù thắng nhất trong / các đấng thuyết sư,
Đệ tử kính xin / đê đầu đảnh lễ.

> 1: QUÁN DUYÊN

[1:1.] Không từ chính mình; / không từ thứ khác;
Không từ cả hai; / không từ không nhân:
Sự vật nào có / thứ gì ở đâu
Sinh ra bao giờ!

[1:2.] — «Duyên sinh có bốn / đó là nhân duyên;
Cùng sở duyên duyên; / với thứ đệ duyên;
Và cũng tương tự / có tăng thượng duyên.
Chỉ thế không hề / có duyên thứ năm.»

[1:3.] Tự tánh sự vật / không hề nằm ở
Nơi duyên hay là / ở nơi nào khác.
Nếu như ngã tánh / đã không là có,
Vậy thì tha tánh / cũng không là có.

[1:4.] Không có việc nào / ứng cùng với duyên;
Không ứng cùng duyên / thì không có việc;
Duyên không ứng việc / chẳng phải là duyên;
Duyên ứng với việc / cũng là như thế.

[1:5.] Nhờ vào điều này / nên mới khởi sinh
Do đó mà gọi / điều này là duyên.
Nhưng trước khi sinh, / tại sao khi ấy
Điều này lại chẳng / là không phải duyên?

[1:6.] Cho dù là có / hay là không có,
Cũng vẫn không hề / tương ứng với duyên.
Đã không, thì duyên / là duyên của ai?
Đã có, thì duyên / là để làm gì?

[1:7.] Khi mà các pháp / dù có; không có;
Vừa có, vừa không; / đều không thiết lập,
Vậy thứ thiết lập / sao gọi là nhân?
Nếu gọi như thế / là không đúng lý.

[1:8.] Pháp có này đây / đối cảnh của nó
Thật sự không có / lại bảo rằng có.
Nếu như các pháp / đã không đối cảnh,
Vậy có sở duyên / là có ở đâu?

[1:9.] Các pháp khi mà / chưa có sinh ra
Thì đâu lý nào / lại là có diệt.
Nếu vẫn diệt thì / lấy gì làm duyên?
Nên thứ đệ duyên / là điều phi lý.

1:10. Bởi vì không hề / có sự vật nào
Không có tự tánh / mà có hiện hữu,
Cho nên nói rằng / vì cái này có
Nên cái kia sinh / là không đúng lý.

[1:11.] Dù duyên riêng lẻ / hay duyên tập hợp,
Quả vẫn không hề / có ở nơi duyên.
Điều gì vốn đã / không có nơi duyên,
Làm sao có thể / từ duyên sinh khởi?

[1:12.] Nếu bảo — «Quả này / không có nơi duyên
Cũng vẫn có thể / từ duyên sinh khởi,»
Thế thì tại sao / lại không thể nào
Từ nơi không phải / là duyên sinh ra?

[1:13.] Nếu quả là mang / tự tánh của duyên,
Nhưng duyên thì lại / không có tự tánh.
Thứ không có tánh / thì quả của nó
Đâu thể nào mang / tự tánh của duyên.

[1:14.] Nên quả không cùng / tự tánh với duyên,
Không cùng tự tánh / với không phải duyên.
Quả đã không có / thì dù là duyên
Hay không phải duyên / cũng đâu thể có?

Đến đây hết Phẩm 1, tên là Quán Duyên.

> 2: QUÁN SỰ ĐI LẠI

[2:1.] Trước hết, không đi / ở chỗ đã đi,
Cũng không có đi / ở chỗ chưa đi.
Ngoại trừ những chỗ / đã đi, chưa đi,
Biết còn chỗ nào / để mà đang đi?

[2:2.] — «Ở đâu chuyển động / ở đó có đi.
Có sự chuyển động / ở chỗ đang đi,
Không động ở chỗ / đã đi, chưa đi,
Nên có sự đi / ở chỗ đang đi.»

[2:3.] Nói có sự đi / ở chỗ đang đi,
Điều này đâu thể / là điều hợp lý.
Vì bởi khi mà / không có sự đi,
Thì chỗ đang đi / trở thành phi lý.

[2:4.] Ai nói sự đi / ở chỗ đang đi,
Ắt có đang đi / mà không có đi.
Vướng nghịch lý này / là vì cho rằng
Sự đi là nằm / ở chỗ đang đi.

[2:5.] Nếu ở chỗ đi / mà có sự đi
Thì sự đi ấy / ắt phải có hai:
Một là sự đi / ở người đang đi,
Hai là sự đi / ở chỗ đang đi.

[2:6.] Nếu như sự đi / đã là có hai,
Vậy thì người đi / cũng phải có hai.
Là vì nếu như / không có người đi,
Thì sự đi cũng / không thể nào có.

[2:7.] Nếu như người đi / đã là không có
Thì đâu lý nào / lại có sự đi.
Không có sự đi / vậy thì người đi
Tìm đâu cho có?

[2:8.] Trước hết, người đi / thì không có đi.
Không phải người đi / cũng không có đi.
Ngoài người đi và / không phải người đi,
Đâu có trường hợp / thứ ba nào đi?

[2:9.] Khi mà sự đi / đã là không có
Thì đâu lý nào / lại có người đi.
Nếu như nói rằng / người đi có đi
Làm sao có thể / là điều hợp lý?

[2:10.] Ai theo quan niệm / người đi có đi
Thì cũng sẽ phải / chấp nhận nghịch lý
Là có người đi / mà không có đi,
Vì đã khẳng định người đi có đi.

[2:11.] Nếu như cho rằng / người đi có đi,
Vậy thì cũng phải / có hai sự đi:
Sự đi làm cho / thành có người đi;
Và sự đi của / người đi khi đi.

[2:12.] Sự đi không khởi / ở chỗ đã đi;
Cũng không phát khởi / ở chỗ chưa đi;
Cũng không phát khởi / ở chỗ đang đi.
Vậy thì sự đi / phát khởi chỗ nào?

[2:13.] Thời điểm trước khi / phát khởi sự đi
Thì sự đi ấy / bắt đầu từ đâu?
Không phải ở chỗ / đang đi, đã đi,
Đâu thể nào nằm / ở chỗ chưa đi?

[2:14.] Mọi điểm xuất phát / của sự đi kia
Đều không thể thấy. / Đã là như vậy
Thì có gì là / đã đi, đang đi,
Hay là chưa đi, / để mà phân biệt?

[2:15.] Trước hết người đi / thì không đứng lại.
Không phải người đi / cũng không đứng lại.
Ngoài người đi và / không phải người đi,
Đâu còn loại người / thứ ba nào đứng?

[2:16.] Khi mà sự đi / đã là không có
Thì đâu lý nào / lại có người đi.
Vậy thì nói rằng / người đi đứng lại
Làm sao có thể / là điều hợp lý?

[2:17.] Ở chỗ đang đi / thì không đứng lại,
Cũng không đứng chỗ / đã đi, chưa đi.
Đang đi, khởi đi / hay là đứng lại,
Cũng đều tương tự / giống như là đi.

[2:18.] Nói rằng sự đi / chính là người đi
Thì nói như vậy / là không đúng lý.
Nói rằng sự đi / khác với người đi
Thì nói như vậy / cũng không đúng lý.

[2:19.] Sự đi, người đi,
Nếu chỉ là một,
Người làm, việc làm,
Ắt phải là một.

[2:20.] Sự đi người đi
Nếu cho rằng khác,
Ắt có sự đi / mà không người đi,
Và có người đi / mà không sự đi.

[2:21.] Một cũng không thành,
Khác cũng không thành,
Hai pháp này đây
Làm sao thiết lập?

[2:22.] Sự đi nào làm / thành có người đi
Thì không phải là / sự đi khi đi.
Vì trước khi đi / người đi không có
Thì nào có ai / đi đâu bao giờ?

[2:23.] Sự đi nào làm / thành có người đi
Thì không khác với / sự đi khi đi,
Đó là bởi vì / chỉ một người đi
Có hai sự đi / là không đúng lý.

[2:24.] Thật là người đi
Thì ba cách đi / người ấy không làm.
Không thật người đi
Thì ba cách đi / người ấy không làm.

[2:25.] Vừa thật người đi / vừa là không thật
Thì ba cách đi / người ấy không làm.
Vì thế cho nên / đi và người đi
Hay chỗ đi đều / không phải là có.

Đến đây hết Phẩm 2, tên là Quán Sự Đi Lại.

> 3: QUÁN CĂN [GIÁC QUAN]

[3:1.] — «Sự thấy, sự nghe, / sự ngửi, sự nếm,
Sự chạm, sự biết, / là sáu giác quan.
Đối cảnh của chúng
Là sắc trần và / năm trần còn lại.»

[3:2.] Sự thấy vốn không
Tự thấy chính mình.
Điều gì chính mình / còn không tự thấy,
Làm sao có thể / thấy được thứ khác?

[3:3.] Lấy ví dụ lửa / để lập sự thấy,
Nhưng ví dụ này / vốn là vô năng.
Đã, đang, chưa đi / những thứ này đây
Đã được đáp trả / cùng với sự thấy.

[3:4.] Khi mà chút gì / cũng không nhìn thấy,
Thì không phải là / cái làm việc thấy.
Gọi sự thấy là / “cái làm việc thấy”
Chẳng phải là điều / phi lý lắm sao?

[3:5.] Sự thấy tự nó / không thể nhìn thấy;
Không phải sự thấy / cũng không nhìn thấy.
Cần phải hiểu rằng / chính nhờ sự thấy
Nên mới có thể / nói đến người thấy.

[3:6.] Rời sự thấy thì / người thấy cũng không;
Không rời thì cũng / không có người thấy.
Người thấy đã không / thì cái được thấy
Hay sự nhìn thấy / đâu thể nào có?

[3:7.] — «Cũng giống như là / đứa con sinh ra
Là nhờ dựa vào / nơi cha và mẹ;
Cũng vậy, nhờ vào / nhãn căn và sắc
Mà thức phát sinh.»

[3:8.] Được thấy và thấy / đều là không có
Nên bốn thứ như / thức và đại loại [thức, xúc, thọ, ái]
Cũng đều không có. / Đã như vậy thì
Thủ và đại loại [hữu, sinh, lão tử] / làm sao có được?

[3:9.] Sự thấy là vậy / nên nghe và ngửi,
Nếm, chạm, và ý,
Người nghe, sự nghe, / các thứ đại loại,
Phải hiểu đều cùng / một nghĩa như trên.

Đến đây hết Phẩm 3, tên là Quán Các Căn.

> 4: QUÁN UẨN

[4:1.] Nhân này của sắc / nếu như tách lìa,
Thì sắc ấy cũng / không thể nào thấy.
Cái gọi là sắc / nếu như tách lìa,
Thì nhân của sắc / không thể nào hiện.

[4:2.] Giả sử lìa nhân / mà vẫn có sắc,
Vậy thì sắc ấy / là sắc không nhân.
Đâu có lý nào / có chuyện như vậy
Thứ không có nhân / chẳng tìm đâu thấy.

[4:3.] Giả sử lìa sắc
Mà nhân của sắc / cũng vẫn có được,
Vậy thì nhân ấy / là nhân không quả.
Nhân không có quả / là điều không có.

[4:4.] Sắc nếu là có,
Thì nhân của sắc / đâu lý nào có.
Sắc nếu không có,
Thì nhân của sắc / đâu lý nào có.

[4:5.] Sắc mà không nhân
Dứt khoát là không ! / không thể nào có !
Vì lý do ấy, / thấy sắc đừng nên
Khởi lên bất cứ / niệm phân biệt nào.

[4:6.] Nói quả và nhân / đều giống như nhau,
Là không hợp lý.
Nói quả và nhân / không giống như nhau
Cũng không hợp lý.

[4:7.] Với thọ, tưởng, hành,
Và thức, cùng với / tất cả mọi thứ,
Trên đủ mọi mặt / hãy nên áp dụng
Cùng một trình tự / như là với sắc.

[4:8.] Biện về tánh không,
Nếu như có ai / đưa lời đối đáp,
Mọi đối đáp ấy / không đáp được gì,
Vì đều nói giống / điều cần chứng minh.

[4:9.] Giảng về tánh không, /
Nếu như có ai / đưa lời bắt lỗi,
Mọi bắt lỗi ấy / không bắt được gì,
Vì đều nói giống / điều cần chứng minh.

Đến đây hết Phẩm 4, tên là Quán Các Uẩn.

> 5: QUÁN GIỚI CHỦNG

[5:1.] Tướng của không gian / nếu chưa có, thì
Không gian chút gì / cũng đều không có.
Còn nếu không gian / mà có trước tướng,
Thì ắt phải là / thứ không có tướng.

[5:2.] Thứ không có tướng
Chẳng tìm đâu ra.
Đã không thứ gì / là không có tướng,
Vậy thì tướng ấy / ứng vào chỗ nào?

[5:3.] Không thể ứng vào / chỗ không có tướng;
Cũng không thể ứng / vào chỗ có tướng.
Ngoài chỗ có tướng / và không tướng ra,
Đâu chỗ nào khác / cho tướng ứng vào.

[5:4.] Nếu như tướng đã / không thể ứng vào,
Vậy thì sở tướng / đâu lẽ nào có.
Sở tướng theo lẽ / đã là không có,
Vậy thì tướng ấy / cũng là không có.

[5:5.] Vì thế cho nên/ không có sở tướng,
Và chính tướng ấy / cũng không là có.
Lìa hết sở tướng / cùng với tướng ra,
Thì sự vật cũng / không phải là có.

[5:6.] Nếu sự vật đã / không phải là có,
Vậy thứ không có / lại là thứ gì?
Pháp có hay không / đều đã không thuận,
Thử hỏi lấy gì / biết có, biết không?

[5:7.] Cho nên không gian / không phải là có,
Không phải không có, / không phải sở tướng,
Không phải là tướng. / Năm chủng còn lại
Cũng đều tương tự / như là không gian.

[5:8.] Những người trí mọn nhìn vào sự vật
Hoặc thấy là có / hoặc thấy là không.
Họ không thấy được / cảnh giới tịnh yên
An nhiên tịch tĩnh.

Đến đây hết Phẩm 5, tên là Quán Giới Chủng.

> 6: QUÁN THAM VÀ NGƯỜI THAM

— ND: trùng khớp (lhan cig) ở đây mang nghĩa rộng hơn bình thường: là đồng hiện hữu trong cùng một không gian và thời gian.
[6:1.] Giả sử «Trước khi / có sự tham dục
Là đã có sẵn / người tham không tham,
Rồi dựa vào đó / mới có sự tham.
Người tham có rồi / mới có sự tham.»

[6:2.] Người tham nếu như / đã là không có
Vậy sự tham ấy / biết có ở đâu?
Đối với người tham / cũng như sự tham
Có hay không có, / đều xét giống nhau.

[6:3.] Tham và người tham
Trùng khớp khởi sinh / là không hợp lý,
Như vậy thì tham / cùng với người tham
Sẽ không có sự / tương quan đối đãi.

[6:4.] Hễ đã là một / thì không trùng khớp :
Không thể trùng khớp / với chính bản thân.
Còn nếu là khác
Thì đâu làm sao / có thể trùng khớp.

[6:5.] Nếu như là một / mà vẫn trùng khớp,
Thì không đối tác / vẫn sẽ trùng khớp.
Nếu như là khác / mà vẫn trùng khớp,
Thì không đối tác / vẫn sẽ trùng khớp.

[6:6.] Nếu như là khác / mà vẫn trùng khớp,
Phải chăng «người tham / cùng với sự tham
Được thiết lập là / khác biệt với nhau,
Rồi sau đó mới / trở thành trùng khớp?»

[6:7.] Tham và người tham
Nếu đã thiết lập / là khác với nhau
Thì cớ sao lại
Nghĩ là trùng khớp?

[6:8.] Không thể thiết lập / là khác với nhau
Nên [ông] cho rằng / chúng là trùng khớp.
Để thiết lập là / trùng khớp với nhau,
Liệu có cho rằng / chúng là khác biệt?

[6:9.] Vì không thiết lập / sự vật khác biệt,
Nên không thiết lập / sự vật trùng khớp
Nhưng có sự vật / nào là khác biệt
Để mà nói đến / sự vật trùng khớp?

[6:10.] Đã vậy thì tham / cùng với người tham
Trùng khớp hay không / đều không thiết lập.
Tương tự như tham, / hết thảy các pháp
Trùng khớp hay không / đều không thiết lập.

Đến đây hết Phẩm 6, tên là Quán Tham Và Người Tham.

> 7: QUÁN SINH TRÚ HOẠI

[7:1.] Sinh này nếu như / là pháp hữu vi,
Thì nhất định phải / có đủ ba tướng.
Sinh này nếu như / là pháp vô vi,
Thì đâu thể nào / làm tướng hữu vi.
[7:2.] Sinh, trú, và hoại, / tách riêng từng tướng
Không có khả năng / làm tướng hữu vi.
Nhưng ở một chỗ, / trong cùng một lúc,
Hội đủ cả ba / là điều không thể.

[7:3.] Ở nơi ba tướng / sinh, trú, hoại này
Có hay không có / tướng hữu vi khác?
Có thì lâm vòng / hồi quy bất tận,
Không thì ba tướng / không là hữu vi.

[7:4.] — «Sự sinh của sinh
Chỉ sinh bổn sinh,
Bổn sinh sinh rồi
Thì sẽ sinh ra / sự sinh của sinh.»

[7:5.] Sự sinh của sinh, / nếu như ông nói,
Sinh ra bổn sinh, / vậy thì thử hỏi
Thứ mà bổn sinh / chưa sinh ra ấy,
Làm sao có thể / sinh được bổn sinh?

[7:6.] Nếu thứ sinh từ / bổn sinh của ông
Lại chính là thứ / sinh ra bổn sinh,
Nhưng bổn sinh mà / thứ ấy chưa sinh,
Làm sao có thể / sinh được thứ ấy?

[7:7.] Giả sử cái thứ / chưa được sinh ra
Cũng có khả năng / sinh được thứ khác,
Có như vậy thì / mới như ông nói,
Thứ đang sinh này / sinh được thứ kia.

[7:8.] [Các ông nói rằng] — «Cũng như lửa đèn
Có thể soi sáng / mình và thứ khác,
Sự sinh cũng vậy, / mình và thứ khác
Sinh được cả hai.»

[7:9.] Nhưng mà lửa đèn / cùng chỗ của nó
Vốn không có tối,
Vậy lửa đèn này / soi sáng gì đây?
Soi sáng thì phải / là xua bóng tối.

[7:10.] Khi mà lửa đèn / còn đang đốt lên,
Thì chưa tiếp xúc / với lại bóng tối.
Vậy thì lửa đèn / còn đang đốt kia,
Làm sao có thể / xua bóng tối này!

[7:11.] Nếu như lửa đèn / không cần tiếp xúc
Cũng vẫn có thể / xua được bóng tối,
Vậy thì bóng tối / của khắp thế gian,
Đèn một chỗ này / xua tan được cả.

[7:12.] Nếu như lửa đèn / có thể soi sáng
Mình và thứ khác, / vậy thì chắc chắn
Không chút hoài nghi, / rằng bóng tối cũng
Có thể che ám / mình và thứ khác.

[7:13.] Sự sinh này đây / nếu như chưa sinh
Làm sao có thể / tự sinh chính mình?
Còn nếu sinh nhờ / sự sinh đã sinh,
Thì đã sinh rồi / còn sinh gì nữa?

[7:14.] Đã sinh, chưa sinh, / hay là đang sinh,
Bất kể cách nào / cũng đều không sinh.
Điều này trước đây / đã được giải thích
Qua sự đã đi, / chưa đi, đang đi.

[7:15.] Cho dù là có / sự sinh chăng nữa,
Thì thứ đang sinh / cũng vẫn chưa thành.
Vậy biết lấy gì / để mà nói rằng
Duyên nơi sự sinh, / có thứ đang sinh?

[7:16.] Điều gì đã là / tùy duyên sinh khởi,
Bổn tánh điều ấy / vốn là tịnh yên.
Vì thế cho nên / những thứ đang sinh
Cùng với sự sinh / đều là yên tịnh.

[7:17.] Nếu ở đâu đó / có thứ chưa sinh,
Thứ ấy dù gì / rồi cũng được sinh.
Nhưng thứ chưa sinh / thì đâu đã có,
Vậy thì thứ gì / là thứ được sinh?

[7:18.] Nếu như nói rằng / nhờ sự sinh ấy
Nên mới sinh ra / sự đang sinh này,
Vậy sự sinh ấy / nay phải nhờ vào
Sự sinh nào nữa / để được sinh ra?

[7:19.] Nếu như sinh nhờ / một sự sinh khác
Vậy là lâm vòng / hồi quy bất tận.
Còn nếu như dù / không sinh vẫn sinh
Thì tất cả đều / phải sinh như thế.

[7:20.] Cho dù là có, / hay là không có,
Sự sinh cũng đều / phi lý như nhau.
Cũng giống vừa có, / vừa là không có,
Như đã giải thích / trong phần trước đây.

[7:21.] Không có lý nào / lại có thứ gì
Đang diệt mà sinh.
Không có lý nào / lại có thứ gì
Không đang diệt mà / vẫn có thể có.

[7:22.] Sự vật đã trú / thì không có trú,
Sự vật chưa trú / thì không có trú,
Sự vật đang trú / cũng không có trú,
Đâu có thứ gì / không sinh mà trú.

[7:23.] Không có lý nào / lại có thứ gì
Đang diệt mà trú.
Không có lý nào / lại có thứ gì
Không đang diệt mà / vẫn có thể có.

[7:24.] Hết thảy sự vật / ở khắp mọi thời
Đều là những thứ / có già và chết.
Có sự vật nào / không già không chết
Để mà trú đây?

[7:25.] Trú không trú nhờ / cái trú nào khác,
Trú nhờ chính mình / cũng là phi lý.
Giống như là sinh, / không tự mình sinh,
Cũng không sinh nhờ / sự sinh nào khác.

[7:26.] Nếu như đã diệt / thì không có diệt.
Nếu như chưa diệt, / cũng không có diệt.
Nếu như đang diệt / thì cũng vậy thôi,
Đâu có thứ gì / không sinh mà diệt.

[7:27.] Trước tiên hết là / sự vật mà trú
Thì không lý nào / lại là có diệt.
Còn nếu như là / sự vật không trú
Cũng không lý nào / lại là có diệt.

[7:28.] Trạng thái trú này / không tự diệt bằng
Cùng một trạng thái,
Cũng không diệt bằng
Trạng thái nào khác.

[7:29.] Một khi toàn bộ / hết thảy các pháp
Đã chẳng lý nào / mà lại có sinh,
Thì như thế là / hết thảy các pháp
Cũng chẳng lý nào / lại là có diệt.

[7:30.] Trước tiên hết là / sự vật đã có
Thì không lý nào / lại là có diệt.
Một thứ mà lại / vừa có vừa không
Là không đúng lý.

[7:31.] Còn nếu như là / sự vật không có
Cũng không lý nào / lại là có diệt
Tương tự như là / cái đầu thứ hai
Đâu thể chặt đứt.

[7:32.] Diệt thì không phải / tự một mình diệt,
Cũng không diệt nhờ / sự diệt nào khác.
Giống như là sinh, / không tự mình sinh,
Cũng không sinh nhờ / sự sinh nào khác.

[7:33.] Sinh, trú, và hoại / đã không thiết lập,
Thì pháp hữu vi / cũng không thiết lập.
Nếu pháp hữu vi / đã không thiết lập,
Thì pháp vô vi / lập bằng cách nào?

[7:34.] Như là chiêm bao, / như là huyễn cảnh,
Như là thành quách / của Càn thát bà,
Sinh, trú và hoại
Được thuyết như vậy.

Đến đây hết Phẩm 7, tên là Sinh, Trú, Hoại.

> 8: QUÁN NGHIỆP VÀ NGƯỜI TẠO

ND: Nghiệp là những gì “do tạo tác mà có,” 
đồng nghĩa với việc làm, hành động, sở tác, vân vân 
Bao gồm tất cả mọi thứ xuất phát từ sự làm.
[8:1.] Người tạo là thật
Thì nghiệp nào thật / người ấy không tạo.
Người tạo không thật
Thì nghiệp không thật / người ấy không tạo.

[8:2.] Đã là thật thì / không có việc tạo,
Vậy là có nghiệp / mà không người tạo.
Đã là thật thì / không có việc tạo,
Vậy có người tạo / mà không có nghiệp.

[8:3.] Nếu như người tạo / không phải là thật,
Tạo tác thứ nghiệp / không phải là thật,
Vậy thì nghiệp ấy / là nghiệp không nhân,
Và người tạo ấy / cũng là không nhân.

[8:4.] Đã không có nhân / thì dù là quả
Hay dù là nhân / đâu lẽ nào có.
Đã không có thì / việc tạo, người tạo,
Hay tác nhân tạo / đều thành phi lý.

[8:5.] Việc, người, tác nhân / đã là phi lý
Thì đâu thể có / pháp hay phi pháp.
Pháp và phi pháp / đã là không có
Thì không thể nào / từ đó sinh quả.

[8:6.] Quả đã không có / thì đường giải thoát
Hay là cõi trời / đâu lẽ nào có.
Nếu đã như vậy, / ắt phải suy ra
Rằng mọi việc làm / đều là vô nghĩa.

[8:7.] Người tạo vừa thật / vừa là không thật
Thì không tạo thứ / vừa thật vừa không.
Cùng một thứ mà / vừa thật vừa không
Mâu thuẫn với nhau / tìm đâu cho có?

[8:8.] Người tạo mà thật
Thì nghiệp không thật / người ấy không tạo
Người tạo không thật / thì thứ nghiệp thật / người ấy không tạo
Bằng không ắt vướng / mọi lỗi nêu trên.

[8:9.] Người tạo là thật
Thì nghiệp không thật / hay là thứ nghiệp
Vừa thật vừa không / đều không tạo tác.
Lý do như đã / giải thích trên đây.

[8:10.] Người tạo không thật
Thì dù nghiệp thật / hay là thứ nghiệp
Vừa thật vừa không / đều không tạo tác.
Lý do như đã / giải thích trên đây.

[8:11.] Người tạo vừa thật / vừa là không thật
Thì không tạo nghiệp / thật hay không thật.
Cũng cần phải hiểu / lý do điều này
Nhờ vào những gì / đã nói trên đây.

[8:12.] Vì duyên nơi nghiệp / nên có người tạo,
Và duyên người tạo / nên mới có nghiệp.
Ngoài sự tùy duyên / sinh khởi này ra,
Không thấy có nhân / sinh khởi nào khác.

[8:13.] Phải biết rằng thủ / cũng giống như vậy,
Vì đã quét bỏ / nghiệp và người tạo.
Hiểu được nghiệp và / người tạo này đây
Thì biết tất cả / mọi thứ còn lại.

Đến đây hết Phẩm 8, tên là Quán Nghiệp Và Người Tạo.

> 9: QUÁN CHỖ TRÚ TRƯỚC

[9:1.] Có người nói rằng: — «Thấy, nghe, đại loại,
Và thọ, các thứ,
Ai người sở hữu / những thứ này đây,
Với những thứ ấy / phải là có trước.

[9:2.] «Vì nếu không có / cái gì có trước,
Thấy và đại loại / làm sao khởi sinh?
Thế nên trước khi / có những thứ này
Thì phải có sẵn / cái làm chỗ trú.»

[9:3.] Nhưng trước khi có / thấy nghe đại loại,
Và thọ, các thứ,
Mà đã có sẵn / cái làm chỗ trú,
Vậy chỗ trú ấy / lấy gì lập danh?

[9:4.] Thấy, nghe đại loại / nếu như chưa có
Mà chỗ trú vẫn / có thể có được,
Vậy chẳng hoài nghi, / thấy, nghe, đại loại,
Dù không chỗ trú / vẫn có thể có.

[9:5.] Nhờ thứ kia nên / hiện rõ cái này,
Nhờ cái này nên / hiện rõ thứ kia.
Thứ kia không có, / đâu cái gì có?
Cái này không có, / thứ gì có được?

9:6 — «Ở trước hết thảy / thấy và đại loại
Tuy không có gì / là cái có trước,
Thấy và đại loại / vẫn từng thứ một
Ở từng thời điểm / mà làm hiện ra.»

[9:7.] Ở trước hết thảy / thấy và đại loại
Đã không có gì / là cái có trước,
Vậy thì ở trước / từng món riêng lẻ
Cái có trước ấy / làm sao có được?

[9:8.] Giả sử người thấy / chính là người nghe,
Và cũng chính là / người có cảm thọ,
Vậy phải có trước / mỗi một thứ này.
Nhưng mà như vậy / thật là phi lý.

[9:9.] Giả sử người thấy / khác với người nghe,
Và cũng khác với / người có cảm thọ,
Vậy có người thấy / cùng với người nghe,
Thành ra phải có / rất nhiều cái ngã.

[9:10.] Thấy, nghe, đại loại,
Và thọ các thứ,
Đều là từ nơi / tứ đại sinh ra,
Kể cả chỗ này / cũng vẫn không có.

[9:11.] Thấy, nghe, đại loại,
Và thọ các thứ,
Thứ chúng thuộc về / đã là không có,
Vậy bản thân chúng / cũng đều không có.

[9:12.] Thứ gì đối với / thấy và đại loại,
Trước, sau, cùng lúc / đều là không có,
Thì ngay chỗ ấy, / mọi niệm phân biệt
Là có, là không, / hết thảy đoạn lìa.

Đến đây hết Phẩm 9, tên là Quán Chỗ Trú Trước.

> 10: QUÁN LỬA VÀ CỦI

[10:1.] Nếu như củi này / chính là lửa ấy,
Vậy thì chủ thể / đối tượng là một.
Nếu như lửa này / khác với củi ấy,
Vậy thì không củi / cũng vẫn có lửa.

[10:2.] Lửa sẽ lúc nào / cũng luôn là cháy,
Không phải từ nhân / làm cháy sinh ra.
Hành động khởi đầu / trở thành vô nghĩa,
Đã vậy thì nghiệp / cũng đều không có

[10:3.] Vì không tùy thuộc / vào thứ gì khác,
Nên không từ nhân / làm cháy sinh ra.
Nếu như lúc nào / cũng luôn là cháy,
Thì việc khơi lửa / trở thành vô nghĩa.

[10:4.] Nếu như nghĩ vậy / rồi lại thấy rằng
Sự đốt này đây / chính là củi đốt,
Nhưng nếu nó chỉ / đơn thuần là thế,
Thì biết lấy gì / đốt cháy củi đây?

[10:5.] Khác thì không chạm. / Không chạm nhau thì
Không có đốt cháy. / Không đốt cháy thì
Không có tàn lụi. / Không tàn lụi thì
Tự tướng thế nào / vẫn sẽ y nguyên.

[10:6.] [Ông bảo chuyện này] / — «Giống nữ và nam:
Nữ chạm vào nam, / hay nam chạm nữ.
Lửa này nếu như / khác với củi ấy,
Thì củi và lửa / có thể chạm nhau.»

[10:7.] Giả sử lửa này / cùng với củi ấy
Cái này mâu thuẫn / loại trừ cái kia,
Có là như vậy / mới có thể nói
Củi, lửa khác nhau / nhưng vẫn chạm nhau.

[10:8.] Nếu như có lửa / là nhờ vào củi,
Và nếu có củi / là nhờ vào lửa,
Vậy lửa và củi / nhờ đâu mà có?
Thứ nào có trước?

[10:9.] Nếu như lửa này / có nhờ củi kia,
Vậy lửa có rồi / mà lại có nữa,
Và cũng sẽ có / đối tượng là củi
Mà không có lửa.

[10:10.] Nếu có thứ nhờ / tùy thuộc mà có,
Nhưng lại tùy thuộc / vào chính cái thứ
Có được là nhờ / tùy thuộc vào nó,
Vậy tùy cái gì / mà có gì đây?

[10:11.] Đâu có thứ gì / có nhờ tùy thuộc?
Nếu như chưa có / làm sao tùy thuộc?
Nếu như đã có / mà còn tùy thuộc,
Chẳng phải là điều / phi lý lắm sao?

[10:12.] Không có lửa nào / là tùy vào củi,
Không tùy vào củi / thì lửa cũng không.
Không có củi nào / là tùy vào lửa,
Không tùy vào lửa / thì củi cũng không.

[10:13.] Lửa này không đến / từ những thứ khác,
Lửa cũng không hề / có ở trong củi.
Tương tự như củi, / những thứ còn lại
Đều đã nói trong / “đã, chưa, đang đi.”

[10:14.] Lửa này không phải / chính là củi ấy,
Nhưng ngoài củi ra / thì lửa cũng không.
Lửa này không phải / là có củi ấy.
Trong lửa không củi / trong củi không lửa.

[10:15.] Nhờ lửa và củi / cho nên quá trình
Đầy đủ trọn vẹn / của ngã và thủ,
Cùng với các thứ / như bình, hay vải
Không sót thứ gì / đều được giải thích.

[10:16.] Ai người thuyết rằng / ngã cùng các pháp
Vốn là đồng nhất / hay là khác biệt ,
Thì người như vậy / giáo pháp Phật dạy
Tôi không nghĩ rằng / người ấy khéo hiểu.

Đến đây hết Phẩm 10, tên là Quán Lửa Và Củi.

> 11: QUÁN TRƯỚC VÀ SAU

[11:1.] Hỏi: Điểm khởi thủy / có biết được chăng?
Đức Đại Mâu Ni / đáp rằng không thể.
Luân hồi này vốn / không trước, không sau
Không có khởi đầu / cũng không kết thúc.

[11:2.] Khởi đầu kết thúc / nếu đã không có,
Vậy biết lấy gì / để có khúc giữa?
Vì thế cho nên / dù trước, dù sau,
Hay cùng một lúc / đều là không thể.

[11:3.] Giả sử trước sinh,
Sau mới già, chết,
Thì sẽ có sinh / mà không già chết,
Và không già chết / mà vẫn có sinh.

[11:4.] Giả sử sinh sau,
Già chết có trước,
Nhưng già và chết / mà không có sinh
Thì không có nhân, / làm sao mà có?

[11:5.] Sinh và già chết
Cũng không thể nào / có cùng một lúc,
Bằng không lúc sinh / cũng là lúc chết,
Và cả hai đều / sẽ thành không nhân.

[11:6.] Những thứ mà dù / là trước, hay sau,
Hay cùng một lúc, / đều không thể có.
Đã vậy thì sinh, / hay là già chết,
Cớ gì lại phải / động niệm phân biệt?

[11:7.] Không chỉ luân hồi
Mới là không có / khởi đầu, kết thúc,
Cả nhân và quả,
Tướng và sở tướng,

[11:8.] Cảm thọ cùng với / người có cảm thọ,
Bao nhiêu hữu pháp, / bất kể thứ gì,
Cũng đều như vậy,
Không có khởi điểm.

Đến đây hết Phẩm 11, tên là Quán Trước Và Sau.

> 12: QUÁN TỰ TẠO VÀ THA TẠO

[12:1.] Có người nói rằng / khổ do tự tạo,
Hoặc do tha tạo, / hoặc do cả hai.
Hoặc là nói khổ / không nhân mà tạo,
Những việc như vậy / đều không hợp lý.

[12:2.] Nếu như khổ ấy / là do tự tạo,
Vậy thì không phải / do nhân duyên tạo.
Thật ra phải nhờ / khối năm uẩn kia,
Rồi mới có được / khối năm uẩn này.

[12:3.] Giả sử thứ kia / khác với thứ này,
Hay là thứ này / khác với thứ kia,
Có vậy thì khổ / mới do tha tạo:
Do thứ khác kia / tạo thành thứ này.

[12:4.] Nếu nói “là do / cá nhân chính mình
Tạo nên khổ đau.” / Nhưng ngoài khổ ra
Làm gì có ai / tạo nên khổ đau
Để cho cá nhân / chính mình phải chịu?

[12:5.] Nếu nói “là từ / cá nhân nào khác
Mà có khổ đau.” / Nhưng ngoài khổ ra
Đâu làm gì có / cá nhân nào khác
Để mà nhận lấy / khổ đau được cho?

[12:6.] Nếu nói “khổ là / của cá nhân khác.”
Nhưng ngoài khổ ra / đâu làm gì có
Cá nhân nào khác / tạo nên khổ đau,
Rồi đưa khổ ấy / cho ai khác chịu?

[12:7.] Khổ tự mình tạo / vốn đã không thành,
Làm sao có khổ / do người khác tạo?
Khổ đau nào là / do người khác tạo,
Với người khác ấy / chính là tự tạo.

[12:8.] Trước tiên không có / khổ đau tự tạo:
Không gì có thể / tự tạo chính mình.
Đã không ai khác / tạo nên khổ này,
Thì khổ tha tạo / tìm đâu cho có.

[12:9.] Nếu cả hai bên / bên nào cũng tạo
Thì mới có khổ / đến từ cả hai.
Đã không tự tạo / cũng không tha tạo,
Khổ đau không nhân / tìm đâu cho có?

[12:10.] Không chỉ có khổ
Là không hiện hữu / qua bốn cách này,
Hết thảy ngoại vật / cũng là như vậy,
Không hề hiện hữu / qua bốn cách này.

Đến đây hết Phẩm 12, tên là Quán Tự Tạo Và Tha Tạo.

> 13: QUÁN HÀNH

[13:1.] Đức Phật dạy rằng:
Pháp nào hư vọng / thì đều là giả.
Hết thảy các hành / đều là hư vọng
Nên đều là giả.

[13:2.] Nếu như bất cứ / pháp hư vọng nào
Cũng đều là giả, / vậy cái gì vọng?
Đức Phật Thế tôn / thuyết giảng điều ấy,
Chính để khai thị / ý nghĩa tánh không.

[13:3.] — «Nói rằng ‘sự vật / đều không có tánh
Là vì thấy chúng / biến thành thứ khác.’
Nhưng không thứ gì / là không có tánh,
Bởi vì mọi thứ / đều có tánh không.

[13:4.] «Nếu như sự vật / đều không có tánh,
Vậy thì cái gì / biến thành thứ khác?»
Nhưng nếu sự vật / đều là có tánh,
Làm sao có thể / biến thành thứ khác?

[13:5.] Ở chỗ chính mình / không có biến đổi;
Ở chỗ khác mình / cũng không biến đổi.
Cho nên người trẻ / không biến thành già,
Mà người già cũng / không biến thành già.

[13:6.] Nếu chính sự vật / biến thành thứ khác,
Thì chính sữa này / sẽ thành sữa chua.
Nhưng ngoài sữa ra / đâu còn gì khác,
Có thể biến thành / cái thứ sữa chua?

[13:7.] Nếu có chút gì / không phải là không
Thì sẽ có được / chừng nấy pháp không.
Nhưng không chút gì / không phải là không,
Thử hỏi không này / tìm đâu cho có?

[13:8.] Chư Phật tối thắng / thuyết rằng: «tánh không
Là để giúp ta / thoát mọi chấp kiến.
Nếu như có ai / chấp vào không kiến,
Người ấy sẽ không / thành tựu được gì.»

Đến đây hết Phẩm 13, tên là Quán Pháp Hữu Vi.

> 14: QUÁN SỰ TIẾP XÚC

[14:1.] Đối tượng được thấy, / cái thấy, người thấy,
Bộ ba này dù / riêng lẻ từng cặp,
Hay dù gộp lại / đủ hết cả ba,
Cũng không thể nào / tiếp xúc với nhau.

[14:2.] Tương tự như vậy, / tham và người tham,
Cùng với đối tượng / của lòng tham muốn,
Các phiền não khác, / các giới còn lại,
Đều phải thấy là / cùng một bộ ba.

[14:3.] Phải có khác nhau / mới có tiếp xúc.
Vậy cái được thấy, / và những thứ kia
Không có hiện hữu / khác biệt với nhau
Cho nên không hề / có sự tiếp xúc.

[14:4.] Không chỉ riêng gì / đối tượng được thấy
Với những thứ kia / mới là không khác,
Bất kể thứ gì, / đã là đồng loạt
Mà lại khác nhau / là không đúng lý.

[14:5.] Khác được là nhờ / khác với thứ khác.
Không có thứ khác / thì khác với ai?
Thứ gì phải nhờ / thứ khác mới có,
Với thứ khác ấy / không thể khác nhau.

[14:6.] Nếu thứ khác ấy / khác với thứ khác,
Khi ấy không cần / thứ khác vẫn khác.
Nhưng không thứ khác, / lấy gì để khác?
Nên sự khác ấy / cũng là không có.

[14:7.] Sự khác không có / ở nơi thứ khác་
Và cũng không có / ở thứ không khác.
Nếu như sự khác / đã là không có,
Là khác, là mình / cũng đều không có.

[14:8.] Là mình thì không / tiếp xúc với mình,
Là khác cũng không / tiếp xúc thứ khác.
Sự đang tiếp xúc, / thứ được tiếp xúc,
Và người tiếp xúc / đều là không có.

Đến đây hết Phẩm 14, tên là Quán Sự Tiếp Xúc.

> 15: QUÁN TỰ TÁNH

[15:1.] Tự tánh mà từ / nhân duyên sinh ra
Thì chuyện như vậy / thật là vô lý.
Tự tánh nào từ / nhân duyên sinh ra,
Tự tánh ấy phải / là thứ được tạo.

[15:2.] Tự tánh mà lại / gọi là “được tạo,”
Nói vậy làm sao / đúng lý cho đặng.
Là tự tánh thì / không có ai tạo,
Cũng không tùy vào / bất cứ gì khác.

[15:3.] Tự tánh nếu như / đã là không có,
Vậy thì tha tánh / làm sao có được.
Cái được gọi là / tha tánh chẳng qua
Chỉ là tự tánh / của tha tánh ấy.

[15:4.] Trừ hết tự tánh / và tha tánh ra,
Thì sự vật cũng / chẳng tìm đâu có
Phải có tự tánh / cùng với tha tánh,
Rồi ra sự vật / mới có thể thành.

[15:5.] Nếu như thứ có / vốn đã không thành,
Thì thứ không có / cũng không thể thành.
Thứ có một khi / trở thành thứ khác
Thì kẻ phàm phu / gọi là không có.

[15:6.] Ai người thấy có / tự tánh, tha tánh,
Hay thấy sự vật / là có, là không,
Thì người như vậy / không phải là người
Thấy đúng như thật / giáo pháp của Phật.

[15:7.] Thế tôn thấu triệt / về có và không,
Nên ở trong kinh / Hóa Ca Chiên Duyên
Có câu dạy rằng, / có và không có,
Cả hai điều này / đều phải diệt bỏ.

[15:8.] Nếu đã là do / tự tánh mà có,
Thì không thể nào / biến thành không có.
Đã là tự tánh / mà còn biến dị
Sẽ không bao giờ / là điều đúng lý

[15:9.] — «Nếu như không phải / là có tự tánh,
Vậy thì cái gì / biến thành thứ khác?»
Cho dù tự tánh / là có chăng nữa,
Cũng đâu thể nào / biến thành thứ khác?

[15:10.] Nói “có” thì đó / chính là chấp thường,
Nói “không” thì đó / chính là đoạn kiến.
Vì thế cho nên / ai người có trí,
Cả có lẫn không / đều không trú ở.

[15:11.] Thứ có tự tánh / thì chẳng thể nào
Là thứ không có, / cho nên là thường.
Còn nếu nói rằng / “trước có nay không”
Thì nói như vậy / ắt phải là đoạn.

Đến đây hết Phẩm 15, tên là Quán Tự Tánh.

> 16: QUÁN SỰ BUỘC VÀ THOÁT

[16:1.] Giả sử nói rằng / “Các hành luân hồi.”
Nhưng nếu là thường / thì không luân hồi,
Còn nếu vô thường / cũng không luân hồi.
Đối với chúng sinh / cũng là như vậy.

[16:2.] Giả sử nói rằng / “Cá nhân luân hồi.”
Nhưng cá nhân này / tìm đủ năm cách
Ở nơi các uẩn, / xứ và giới chủng,
Đều không tìm thấy / lấy ai luân hồi?

[16:3.] Nếu cứ xoay vần / từ thủ đến thủ,
Vậy thì thân mạng / cũng là không có.
Không có thân mạng / nhiếp thủ cũng không,
Đã vậy thử hỏi / lấy ai luân hồi?

[16:4.] Các hành mà cũng / đạt được niết bàn,
Dẫu thế nào thì / cũng không thuận lý.
Chúng sinh mà cũng / đạt được niết bàn,
Dẫu thế nào cũng / chẳng thành lý lẽ.

[16:5.] Các hành vốn là / pháp có sinh hoại,
Nên không có buộc / cũng không có thoát.
Cũng như đã nói, / chúng sinh cũng vậy,
Cũng không có buộc / và không có thoát.

[16:6.] Giả sử nói rằng / thủ chính là buộc.
Nhưng nếu có thủ / thì không có buộc,
Còn nếu không thủ / cũng không có buộc,
Vậy trường hợp nào / mới là có buộc?

[16:7.] Phải là trước khi / có cái bị buộc
Đã có cái buộc / thì mới có buộc,
Nhưng mà đâu có. / Những thứ còn lại
Đã giải thích trong / đã, đang, chưa đi.

[16:8.] Trước tiên, bị buộc / thì không có thoát.
Không bị buộc thì / cũng không có thoát.
Nếu là bị buộc / khi đang giải thoát
Thì buộc và thoát / xảy ra cùng lúc.

[16:9.] «Tôi thoát khổ đau / nhờ không nhiếp thủ,
Rồi niết bàn này / sẽ là của tôi!»
Ai người giữ lấy / ý nghĩ như vậy,
Mới thật đúng là / kẻ đại chấp thủ.

[16:10.] Khi đã không thể / làm nên niết bàn,
Và cũng không thể / làm sạch luân hồi,
Vậy luân hồi này / là cái gì đây?
Niết bàn kia lại / là khái niệm gì?

Đến đây hết Phẩm 16, tên là Quán Về Sự Buộc Và Thoát.

> 17: QUÁN NGHIỆP VÀ NGHIỆP QUẢ

[17:1.] — «Tâm tư khéo léo / hàng phục chính mình;
Làm lợi chúng sinh; / rất mực từ hòa:
Đó chính là Pháp. / Đời này kiếp sau
Đều là hạt giống, / mang đến quả lành.

[17:2.] «Bậc Thấu Thị Tôn / dạy, nghiệp có hai:
Là tư, hay là / do tư tác động.
Biệt tướng của nghiệp
Thiên hình vạn trạng / đều được nói rõ.

[17:3.] «Trong đó nghiệp nào / được gọi là ‘tư’
Thì thứ nghiệp ấy / đều là của ý.
Còn nghiệp gọi là / ‘do tư tác động’
Thì đều là nghiệp / của thân và khẩu.

[17:4.] «[Nghiệp từ] lời nói; / [nghiệp từ] hành động:
Loại không buông xả / không có hiện hành;
Loại có buông xả / không có hiện hành;
Cùng những thứ khác / tương tự như vậy;

[17:5.] «Loại từ thọ dụng / sinh ra phước đức;
Loại sinh tội nghiệt / cũng là như vậy;
Cộng thêm với tư, / là đủ bảy pháp,
Đầy đủ tất cả / các tướng của nghiệp.»

[17:6.] — «Nghiệp nếu trú cho / đến khi trổ quả
Thì phải thường còn.
Còn nếu đoạn diệt, / thì đoạn diệt rồi
Làm sao sinh quả?

[17:7.] — «Chồi non các thứ / một chuỗi tương tục
Là từ nơi hạt / nên mới hiện tiền,
Từ đó có quả.
Nếu không có hạt / thì quả cũng không.

[17:8.] « Từ hạt nên mới / có chuỗi tương tục;
Từ chuỗi tương tục / có quả sinh ra.
Hạt đi trước quả,
Cho nên không đoạn / mà cũng không thường.

[17:9.] «Tương tự như vậy, / dòng tâm tương tục
Do tư sinh ra,
Từ đó có quả.
Nếu không có tư / thì quả cũng không.

[17:10.] «Có tư mới có / dòng tâm tương tục
Từ tương tục này / có quả sinh ra.
Nghiệp đi trước quả,
Cho nên không đoạn / mà cũng không thường.

[17:11.] «Mười đạo thiện nghiệp,
Đây là phương tiện / thành tựu chánh pháp.
Quả lành của Pháp / đời này đời kia,
Là ngũ dục đức.»

[17:12.] — «Nếu mà phân tích / theo kiểu như vầy
Thì sẽ vướng phải / nhiều sai lầm lớn.
Vì thế cho nên / lối quán chiếu này
Áp dụng ở đây / là không đúng lý.

[17:13.] «Vậy thì Phật đà, / Độc giác, Thanh văn,
Đã nói những gì / về điểm này đây,
Phải quán thế nào / mới thật đúng lý,
Để tôi nói lại / cho thật tận tường.

[17:14.] «Nghiệp này cũng giống / như là món nợ
Ghi trên giấy nợ / không bao giờ mất.
Sự không mất này / tùy theo các cõi / mà có bốn loại,
Bổn tánh của nó / vốn là vô ký.

[17:15.] «Không phải là thứ / đoạn bằng sự đoạn,
Mà chính là phải / đoạn bằng sự tu.
Thế nên, vì bởi / cái sự không mất
Mà sinh nghiệp quả.

[17:16.] «Nếu như là thứ / đoạn bằng sự đoạn,
Hay nếu là thứ / phá bằng chuyển nghiệp,
Thì sẽ phạm lỗi
Phá nghiệp vân vân.

[17:17.] «Sự không mất đi / của tất cả nghiệp
Loại có tương ứng / và không tương ứng,
Đến lúc chuyển sinh / vào cõi tương đồng
Chỉ một thứ khởi.

[17:18.] «Ở kiếp hiện tiền, / sự không mất này
Của hai loại nghiệp / theo từng nghiệp một
Riêng lẻ khởi sinh,
Dù quả đã chín / cũng vẫn tồn tại.

[17:19.] « Sự không mất này / diệt khi độ quả,
Hay là khi chết.
Phải biết điều này / phân loại có hai:
Một là vô lậu / hai là hữu lậu.

[17:20.] « Tánh không không đoạn;
Luân hồi không thường;
Nghiệp không mất đi;
Là pháp Phật dạy.»

[17:21.] — «Bởi vì lẽ gì / nghiệp lại không sinh?»
Là bởi vì nghiệp / không có tự tánh.
Chính bởi vì nghiệp / không có sinh ra,
Cho nên nghiệp mới / không có mất đi.

[17:22.] Giả sử như nghiệp / mà có tự tánh
Thì nhất định phải / là thứ thường còn.
Như vậy thì nghiệp / không phải được tạo,
Vì không thể tạo / những thứ thường còn.

[17:23.] Từ đó suy ra / dù không tạo nghiệp
Vẫn phải sợ quả / của nghiệp không làm;
Vẫn phải phạm lỗi / không giữ tịnh hạnh,
Ắt gặp những sự / vô lý như vậy.

[17:24.] Nếu thế thì mọi / danh ngôn thế tục,
Không chút hoài nghi, ắt cũng bị phá.
Cho dù làm phước / hay là làm ác
Cũng không cách gì / phân biệt cho được.

[17:25.] Nghiệp trổ quả rồi
Sẽ cứ trổ mãi,
Là vì nếu nghiệp / mà có tự tánh
Thì sẽ trường tồn.

[17:26.] Phiền não chính là / bổn tánh của nghiệp.
Nhưng phiền não ấy / lại không thật có.
Nếu như phiền não / đã không thật có,
Vậy thì nghiệp ấy / lấy gì thật có?

[17:27.] Đã dạy rằng nghiệp / cùng với phiền não
Chính là duyên tố / làm cho có thân.
Nghiệp với phiền não / vốn đã là không,
Vậy thì thân kia / làm sao nói đến?

[17:28.] — «Vô minh che chướng,
Ái kiết buộc ràng,
Người lãnh thọ quả / với người tạo nghiệp
Không phải khác nhau / cũng không giống nhau.»

[17:29.] Nếu là như thế / thì nghiệp này đây
Không phải là từ / nơi duyên sinh ra,
Cũng không phải từ / phi duyên sinh ra,
Nên người tạo nghiệp / cũng là không có.

[17:30.] Đã không có nghiệp / và người tạo nghiệp,
Thì đâu có quả / từ nghiệp sinh ra.
Nếu như quả báo / đã là không có,
Vậy đâu có ai / là người chịu quả?

[17:31.] Tựa như Bổn Sư / vận dụng thần thông
Hóa hiện thân huyễn,
Từ thân huyễn này / lại hóa hiện thành
Một thân huyễn khác.

[17:32.] Người tạo nghiệp và / nghiệp người ấy tạo,
Cũng tương tự như / cảnh hóa hiện này.
Cũng giống như là / từ một thân huyễn
Mà hóa hiện thành / một thân huyễn khác.

[17:33.] Phiền não, nghiệp, thân,
Người tạo nghiệp và / quả báo của nghiệp,
Đều như thành quách / của Càn thát bà,
Như là ảo ảnh / như là chiêm bao.

Đến đây hết Phẩm 17, tên là Quán Về Nghiệp Và Nghiệp Quả.

> 18: QUÁN NGÃ

[18:1.] Ngã nếu như mà / chính là các uẩn
Thì phải là thứ / có sinh có hoại.
Ngã nếu như mà / khác với các uẩn
Thì sẽ không có / tướng của các uẩn.

[18:2.] Ngã nếu như mà / đã là không có
Thì đâu có gì / là cái của ngã?
Ngã và của ngã / vì đã tịch lặng,
Nên không còn chấp / tôi và của tôi.

[18:3.] Người nào không chấp / tôi và của tôi
Thì người như vậy / không phải là có.
Thấy người không chấp / tôi và của tôi
Thì thấy như vậy / cũng là không thấy.

[18:4.] Nếu cả trong ngoài / mọi ý nghĩ về
Ngã và của ngã / đều đã cùng tận
Thì khi ấy thủ / cũng sẽ diệt tận.
Thủ diệt tận thì / sinh cũng diệt tận.

[18:5.] Nghiệp, phiền não tận / thì đạt giải thoát.
Nghiệp, phiền não từ / niệm tưởng sinh ra.
Niệm tưởng đến từ / động niệm phân biệt.
Động niệm phân biệt / dứt vào tánh không.

[18:6.] Phật cũng nói “ngã,”
Cũng dạy “vô ngã,”
Và Phật dạy rằng
“Không có gì là / “ngã,” hay “vô ngã.”

[18:7.] Đường ngôn ngữ dứt,
Chốn tâm hành đoạn:
Không sinh không diệt,
Tánh của các pháp / đồng tánh niết bàn.

[18:8.] Tất cả là thật; / là không phải thật;
Là cũng thật mà / cũng không phải thật;
Là chẳng không thật / cũng chẳng là thật:
Cứ thế Phật dạy / từng bước như vậy.

[18:9.] Không nhờ đâu khác / để mà biết được;
Rất mực tịnh yên; // Không động phân biệt;
Không có niệm tưởng; / cũng không biệt nghĩa;
Là như thế đấy / đặc tướng tánh như.

[18:10.] Đã khởi sinh nhờ / tùy thuộc thứ gì,
Trước hết không phải / là chính thứ ấy.
Và với thứ ấy / cũng không là khác,
Cho nên không đoạn / mà cũng không thường.

[18:11.] Đây là mùi vị / giáo lý cam lồ
Của khắp chư Phật / cứu độ thế gian:
Không phải là một / cũng không là khác,
Không phải là đoạn, / cũng không là thường.

[18:12.] Phật Chánh biến tri / dù không xuất thế,
Và chư Thanh văn / dù đã không còn;
Dù vậy khi ấy / trí Phật Độc giác
Từ chỗ không dựa / cũng vẫn phát sinh.

Đến đây hết Phẩm 18, tên là Quán Ngã Và Pháp.

> 19: QUÁN THỜI GIAN

[19:1.] Giả sử cần phải / tùy thuộc quá khứ
Mới có hiện tại / cùng với vị lai,
Vậy thì hiện tại / cùng với vị lai
Lẽ ra phải có / trong thời quá khứ.

[19:2.] Còn nếu như mà / trong thời quá khứ
Không có hiện tại / cùng với vị lai,
Vậy thì hiện tại / cùng với vị lai
Làm sao có thể / tùy thuộc quá khứ?

[19:3.] Đã không tùy thuộc / vào thời quá khứ
Thì cả hai thời / đều không thể thành.
Thế nên cho dù / là thời hiện tại
Hay thời vị lai / cũng đều không có.

[19:4.] Phải biết áp dụng / cùng cách này cho
Hai thời còn lại. / Và cũng đúng cho
Sự cao, thấp, vừa, / các thứ vân vân,
Và sự đồng nhất, / các thứ vân vân.

[19:5.] Thời gian không đứng / thì không thể nắm.
Còn thời gian nào / có thể nắm được
Thì không thể đứng.
Đã không nắm được / làm sao phân biệi?

[19:6.] Thời gian nếu như / tùy thuộc sự vật
Vậy lìa sự vật / đâu còn thời gian.
Sự vật thứ gì / cũng đều không có,
Vậy biết lấy gì / để có thời gian?

Đến đây hết Phẩm 19, tên là Quán Thời Gian.

> 20: QUÁN DUYÊN HỢP

[20:1.] Nếu từ tổ hợp / của nhân và duyên
Mà sinh ra quả,
Từ trong tổ hợp / quả đã sẵn có,
Thì đâu thể từ / tổ hợp sinh ra.

[20:2.] Nếu từ tổ hợp / của nhân và duyên
Mà sinh ra quả,
Trong tổ hợp này / quả nếu không có,
Thì đâu thể từ / tổ hợp sinh ra.

[20:3.] Nếu trong tổ hợp / của nhân và duyên
Quả đã sẵn có, / như vậy lẽ ra
Phải thấy được quả / bên trong tổ hợp.
Nhưng trong tổ hợp / không thấy được quả.

[20:4.] Nếu trong tổ hợp / của nhân và duyên
Quả không sẵn có,
Vậy nhân duyên ấy
Cũng giống như là / không phải nhân duyên.

[20:5.] Nếu như là nhân / đưa nhân cho quả
Xong rồi là diệt,
Vậy nhân ấy phải / có hai bản thể:
Một cho, một diệt.

[20:6.] Nếu như là nhân / đưa nhân cho quả
Xong rồi là diệt,
Vậy quả sinh ra / từ nhân đã diệt
Là quả không nhân.

[20:7.] Nếu như quả với / tổ hợp nhân duyên
Là sinh cùng lúc, / vậy thì theo lẽ
Cái làm cho sinh / và cái được sinh
Phải có cùng lúc.

[20:8.] Nếu như trước khi / nhân duyên hòa hợp
Là đã có quả,
Quả không nhân duyên / thì phải là quả
Không nhân mà có.

[20:9.] Nếu nói nhân diệt, / và nếu quả này
Là nguyên cái nhân / chuyển sang thành quả,
Vậy chẳng hóa ra / nhân trước sinh rồi
Lại sinh ra nữa?

[20:10.] Làm sao cái nhân / đã diệt đã tan
Mà lại có thể / sinh quả đã có?
Làm sao cái nhân / đi liền với quả
Vẫn còn tồn tại / lại sinh ra quả?

[20:11.] Nhưng nếu nhân không / đi liền với quả
Thì quả nào là / do nhân sinh ra?
Cho dù thấy quả, / hay không thấy quả,
Thì nhân cũng vẫn / không thể sinh ra.

[20:12.] Quả ở quá khứ / thì không thể nào
Tiếp xúc với nhân / ở trong quá khứ,
Hay là với nhân / chưa được sinh ra,
Hay là với nhân / đang được sinh ra.

[20:13.] Quả đang sinh ra / thì không thể nào
Tiếp xúc với nhân / chưa được sinh ra,
Hay là với nhân / ở trong quá khứ,
Hay là với nhân / đang được sinh ra.

[20:14.] Quả chưa sinh ra / thì không thể nào
Tiếp xúc với nhân / đang được sinh ra,
Hay là với nhân / chưa được sinh ra,
Hay là với nhân / ở trong quá khứ.

[20:15.] Nếu không tiếp xúc
Vậy thì nhân kia / làm sao sinh quả?
Nếu có tiếp xúc
Vậy thì nhân kia / làm sao sinh quả?

[20:16.] Nếu như nhân này, / quả nó là không,
Vậy thì làm sao / sinh ra được quả?
Nếu như nhân này, / quả không là không,
Vậy thì làm sao / sinh ra được quả?

[20:17.] Quả không là không / thì không thể sinh.
Quả không là không / thì không thể diệt.
Không phải là không, / thì ắt phải là
Không sinh không diệt.

[20:18.] Nếu như là không / làm sao sinh ra?
Nếu như là không / làm sao diệt mất?
Nếu quả là không / thì ắt phải là
Không sinh, không diệt.

[20:19.] Đâu có lẽ nào
Mà nhân với quả / lại chỉ là một.
Đâu có lẽ nào
Mà nhân với quả / lại là khác nhau.

[20:20.] Nếu nhân với quả / mà chỉ là một,
Sinh và được sinh / cũng phải là một.
Nếu nhân với quả / mà khác với nhau,
Có nhân, không nhân / thành giống như nhau.

[20:21.] Nếu như quả này / là có bổn tánh,
Thử hỏi nhân kia / sinh được gì đây?
Nếu như quả này / không có bổn tánh,
Thử hỏi nhân kia / sinh được gì đây?

[20:22.] Không phải là thứ / tạo sinh ra quả
Thì có lý nào / mà lại là nhân.
Nhân ấy nếu như / đã không thể có,
Thử hỏi quả kia / là của cái gì?

[20:23.] Nếu như tổ hợp
Của nhân và duyên
Tự mình không thể / sinh ra chính mình,
Vậy thì làm sao / sinh ra được quả?

[20:24.] Thế nên duyên hợp / không sinh ra quả,
Cũng không quả nào / do bất hợp sinh.
Quả này nếu đã / không phải là có,
Vậy làm sao có / tổ hợp của duyên.

Đến đây hết Phẩm 20, tên là Quán Duyên Hợp.

> 21: QUÁN THÀNH VÀ HOẠI

[21:1.] Dù không có thành / hay cùng với thành
Thì hoại cũng đều / không phải là có.
Dù không có hoại / hay cùng với hoại
Thì thành cũng đều / không phải là có.

[21:2.] Làm sao có hoại
Mà không có thành?
Đâu có thứ gì / không sinh mà chết.
Cho nên không thành / thì cũng không hoại.

[21:3.] Làm sao có hoại
Cùng có với thành?
Đâu có thứ gì / mà lại có thể
Chết đi sinh ra / trong cùng một lúc.

[21:4.] Làm sao có thành
Mà không có hoại?
Đâu có thứ gì / mà lại không phải
Là thứ vô thường.

[21:5.] Làm sao có thành
Cùng có với hoại?
Đâu có thứ gì / mà lại có thể
Sinh ra chết đi / trong cùng một lúc.

[21:6.] Những thứ cho dù / cùng có với nhau
Hay không cùng có
Đều không thiết lập,
Những thứ như vậy / thiết lập cách nào?

[21:7.] Đã có cùng tận / thì không có thành.
Dù không cùng tận / cũng không có thành.
Đã có cùng tận / thì không có hoại.
Dù không cùng tận / cũng không có hoại.

[21:8.] Sự vật nếu đã / không phải là có
Thì thành và hoại / cũng không là có.
Thành và hoại đã / không phải là có
Thì sự vật cũng / không phải là có.

[21:9.] Đã là không thì
Đâu có lý nào / lại có thành hoại.
Dù không là không
Cũng đâu lý nào / lại có thành hoại.

[21:10.] Thành và hoại này
Đâu có lý nào / mà lại là một.
Thành và hoại này
Đâu có lý nào / mà lại khác nhau.

[21:11.] Thành và hoại này
Nếu ông nghĩ rằng / «Đều có thể thấy.»
Thành và hoại này
Mà nhìn thấy được / là vì ngu si.

[21:12.] Có thì không phải / từ có sinh ra.
Có cũng không phải / từ không sinh ra.
Không thì không phải / từ không sinh ra.
Không cũng không phải / từ có sinh ra.

[21:13.] Sự vật thì không / sinh từ chính mình.
Cũng không phải từ / thứ khác sinh ra.
Sinh từ chính mình / hay từ thứ khác
Đều là không phải, / làm sao sinh ra?

[21:14.] Nếu như khẳng định / sự vật là có,
Ắt phải vướng vào / đoạn và thường kiến.
Là vì nếu vậy / thì sự vật ấy
Vừa là thường còn / vừa là vô thường.

[21:15.] Hay là khẳng định / «Sự vật tuy có,
Nhưng không phải đoạn, / cũng không phải thường,
Vì chuỗi thành hoại / của nhân và quả
Chính là sinh tử.»

[21:16.] Nói chuỗi thành hoại / của nhân và quả
Chính là sinh tử
Thế nhưng đã hoại / thì không có sinh,
Từ đó suy ra / nhân này đoạn diệt.

[21:17.] Sự vật nếu vốn / là có bỏn tánh
Thì đâu lý nào / thành thứ không có.
Đến lúc niết bàn / thì phải đoạn diệt,
Vì chuỗi sinh tử / đều đã tịnh hết.

[21:18.] Điểm cuối nếu như / là đã tận diệt,
Thì điểm đầu đời / trở thành phi lý.
Điểm cuối nếu như / là chưa tận diệt,
Thì điểm đầu đời / trở thành phi lý.

[21:19.] Điểm cuối nếu như / là đang tận diệt,
Trong khi điểm đầu / sắp sửa sinh ra,
Vậy cái đang diệt / là một thứ khác,
Mà cái đang sinh / lại là thứ khác.

[21:20.] Nếu như nói rằng / đang diệt mà sinh
Là cùng một lúc / thì cũng phi lý.
Chẳng lẽ chết đi / với năm uẩn nào,
Thì lại sinh ra / cùng năm uẩn ấy?

[21:21.] Vậy dù ở đâu / trong cả ba thời
Chuỗi sinh tử vẫn / là điều vô lý.
Thứ cả ba thời / đều là không có
Làm sao có thể / là chuỗi sinh tử.

Đến đây hết Phẩm 21, tên là Quán Thành Và hoại.

> 22: QUÁN NHƯ LAI

[22:1.] Không phải là uẩn, / hay khác với uẩn,
Không uẩn ở trong, / không ở trong uẩn,
Như lai cũng không / sở hữu các uẩn,
Vậy thì Như Lai / thật ra là gì?

[22:2.] Nếu Phật có nhờ / dựa vào các uẩn
Thì không phải nhờ / tự tánh mà có.
Đã không phải nhờ / tự tánh mà có
Thì đâu thể nhờ / tha tánh mà có.

[22:3.] Thứ gì đã nhờ / tha tánh mà có
Thì không lý nào / lại có ngã tánh.
Thử hỏi một thứ / không có ngã tánh
Làm sao có thể / là đấng Như lai?

[22:4.] Nếu như tự tánh / đã là không có,
Vậy thì tha tánh / có làm sao được?
Tự tánh, tha tánh / đều đã không có,
Vậy đâu còn gì / để có Như lai?

[22:5.] — «Nếu như không cần / dựa vào các uẩn
Cũng vẫn có được / một đấng Như lai,
Thì nay Như lai / sẽ dựa các uẩn
Cho nên cũng vẫn / là thứ tùy thuộc.»

[22:6.] Không dựa các uẩn
Thì Như lai nào / cũng đều không có.
Nhưng không dựa thì / không thể nào có,
Đã vậy làm sao / nhiếp thủ các uẩn?

[22:7.] Sự nhiếp thủ đã / là không có thì
Thứ được nhiếp thủ / cũng không thể có.
Thứ được nhiếp thủ / đã là không có.
Thì đâu làm sao / có được Như lai.

[22:8.] Tìm kiếm như vậy / đủ cả năm cách,
Thì tự hay tha, / đều là không có,
Đã là như vậy / thứ được nhiếp thủ,
Sao có thể gọi / “đó là Như lai”?

[22:9.] Thứ gì đã là / thứ được nhiếp thủ
Thì không phải từ / tự tánh mà có.
Đã không phải từ / ngã tánh mà có
Thì cũng không từ / tha tánh mà có.

[22:10.] Vậy thứ được thủ / và người nhiếp thủ,
Xét đủ mọi mặt / vẫn đều là không.
Đã là không thì / Như lai đâu thể
Lấy cái không làm / nền tảng lập danh!

[22:11.] Đừng nói là không,
Hay không phải không,
Hay là cả hai, / hay không cả hai.
Chỉ có thể nói / theo nghĩa giả danh.

[22:12.] Thường và vô thường, / bốn tướng đại loại,
Chốn tịnh yên này / đâu làm gì có.
Hữu biên vô biên, / bốn tướng đại loại,
Chốn tịnh yên này / đâu làm gì có.

[22:13.] Ai chấp sâu dày / nói “có Như lai,”
Thì người như vậy / sẽ phải nghĩ rằng
“Sau khi niết bàn
“Không có Như lai.”

[22:14.] Tự tánh đã không,
Mà còn nghĩ rằng / sau khi niết bàn
Như lai là có / hay là không có,
Ý nghĩ nào cũng / đều không thuận lý.

[22:15.] Như lai vô tận, / vượt mọi khái niệm.
Ai với Như lai / khởi niệm phân biệt,
Sẽ bị niệm tưởng / làm cho hư hoại,
Nên không thể nào / thấy được Như lai.

[22:16.] Tánh của Như lai / là như thế nào,
Tánh của thế gian / cũng là như thế.
Tánh của Như lai / đều là không có,
Thì tánh chúng sinh / cũng đều không có.

Đến đây hết Phẩm 22, tên là Quán Như Lai.

> 23: QUÁN SỰ ĐIÊN ĐẢO

[23:1.] [Đức Phật] dạy rằng / tham sân và si
Hết thảy đều do / niệm tưởng mà có.
Đều là dựa vào / tốt, xấu, điên đảo
Mà phát sinh ra.

[23:2.] Thứ gì dựa trên / những thứ như là
Tốt, xấu, điên đảo, / để mà sinh ra
Thì không phải là / thứ có tự tánh.
Cho nên phiền não / cũng không là thật.

[23:3.] Sự có hay không / của cái ngã này,
Làm sao thì cũng / không thể thiết lập.
Cái đó đã không , / thì sự có, không
Của phiền não kia / làm sao thiết lập?

[23:4.] Và phiền não kia / là của người nào
Thì người ấy cũng / không được thiết lập.
Không có ai là / người có phiền não,
Vậy phiền não ấy / biết có ở đâu?

[23:5.] Như là thân kiến, / xét đủ năm cách,
Phiền não không có / trong thứ bị nhiễm.
Như là thân kiến, / xét đủ năm cách,
Thứ thứ bị nhiễm không / có trong phiền não.

[23:6.] Tốt, xấu, điên đảo
Đều không phải là nhờ / tự tánh mà có.
Vậy phiền não nào / là tùy thuộc vào
Tốt, xấu, điên đảo / để mà có đây?

[23:7.] — «Sáu thứ sắc, thanh,
Vị, xúc, hương, pháp,
Đều được xem là / sáu cơ sở của
Tham sân và si.»

[23:8.] Nhưng mà sắc, thanh,
Vị, xúc, hương, pháp / chỉ giống như là
Thành Càn thát bà,
Như là ảo ảnh / như là chiêm bao.

[23:9.] Người thì như huyễn,
Vật tựa bóng nước,
Những thứ như vậy / thì có gì đâu
Để mà tốt xấu?

[23:10.] Tùy cái xấu nào / để mà hình thành
Khái niệm “cái tốt” / thì cái xấu ấy
Tách lìa cái tốt / sẽ không hiện hữu.
Cho nên cái tốt / không thuận với lý.

[23:11.] Tùy cái tốt nào / để mà hình thành
Khái niệm “cái xấu” / thì cái tốt ấy
Tách lìa cái xấu / sẽ không hiện hữu.
Cho nên cái xấu / không thuận với lý.

[23:12.] Cái tốt nếu như / đã là không có
Vậy lấy cái gì / để mà có tham?
Cái xấu nếu như / đã là không có
Vậy lấy cái gì / để mà có sân?

[23:13.] Giả sử nói thứ / vô thường là thường,
Nếu chấp như vậy / là sự điên đảo.
Nhưng đã không thì / đâu có vô thường,
Sự chấp trước này / làm sao điên đảo?

[23:14.] Giả sử nói thứ / vô thường là thường,
Nếu chấp như vậy / là sự điên đảo,
Nhưng tự tánh không / mà nói vô thường
Sự chấp trước này / sao chẳng điên đảo?

[23:15.] Cái khiến cho chấp; / chính hành động chấp;
Chủ thể chấp và / đối tượng được chấp:
Hết thảy toàn là / an nhiên tịch tĩnh.
Cho nên chấp cũng / không phải là có.

[23:16.] Dù là điên đảo / hay là chân thật
Thì cũng vẫn đều / không hề có chấp.
Vậy đâu có gì / là thứ điên đảo,
Cũng đâu có gì / là không điên đảo.

[23:17.] Ở chỗ điên đảo
Thì không điên đảo,
Chỗ không điên đảo
Thì không điên đảo,

[23:18.] Chỗ đang điên đảo
Cũng không điên đảo,
Vậy ở chỗ nào / mới có điên đảo?
Điều này ông phải / tự mình suy xét.

[23:19.] Điên đảo nếu như / chưa được sinh ra
Thì đâu làm sao / có thể hiện hữu.
Điên đảo nếu như / chưa được sinh ra
Thì đâu thể nào / có người điên đảo.

[23:20.] Nếu như sự vật / không gì tự sinh,
Cũng không có gì / sinh từ thứ khác,
Hay từ cả hai: / mình và người khác,
Vậy người điên đảo / tìm đâu cho ra!

[23:21.] Ngã, tịnh, thường, lạc,
Nếu là có thì
Ngã tịnh thường lạc
Không là điên đảo.

[23:22.] Ngã, tịnh, thường, lạc,
Nếu không có thì
Vô ngã, bất tịnh,
Vô thường, và khổ, / đều không là có.

[23:23.] Nhờ điên đảo diệt
Nên vô minh diệt
Vô minh diệt rồi
Thì hành vân vân / cũng đều diệt cả.

[23:24.] Nếu như phiền não / của bất cứ ai,
Nhờ tự tánh nên / vốn dĩ là có,
Nếu là như vậy / làm sao diệt bỏ?
Đâu ai bỏ được / cái thứ vốn có?

[23:25.] Nếu như phiền não / của bất cứ ai,
Nhờ tự tánh nên / vốn dĩ không có,
Nếu là như vậy / làm sao diệt bỏ?
Đâu ai bỏ được / cái thứ không có?

Đến đây hết Phẩm 23, tên là Quán Sự Điên Đảo.

> 24: QUÁN THÁNH ĐẾ

[24:1.] — «Nếu những thứ đó / hết thảy đều không
// Thì không có thành / cũng không có hoại.
// Nói vậy chẳng lẽ / đối với các ông
// Cả Tứ thánh đế / cũng đều không có?

[24:2.] «Tứ thánh đế này / đã là không có,
// Vậy thì tất cả / sự biết, sự đoạn,
// Sự tu, sự chứng,
// Xét theo lý lẽ / sẽ đều không có.

[24:3.] «Những sự ấy đều / đã là không có,
// Cho nên tứ quả / cũng là không có.
// Quả đã không có, / vậy thì trú quả,
// Hay là nhập quả, / cũng đều không có.

[24:4.] «Tám hàng đại sĩ / nếu đã không có
// Thì như vậy là / Tăng cũng không có.
// Thánh đế không có
// Cho nên diệu Pháp / cũng là không có.

[24:5.] «Pháp cùng với Tăng / đều đã không có,
// Thử hỏi làm sao / có thể có Phật?
// Dùng lời như vậy / để thuyết tánh không
// Thì cả Tam bảo / cũng đều bị phá.

[24:6.] «Làm như thế thì / không còn quả báo,
// Pháp và phi pháp,
// Quy ước thế gian,
// Hết thảy toàn bộ / đều bị phá sạch.»

[24:7.] Tôi nói việc này / chỉ tại nơi ông
Chưa hiểu tánh không / vì sao cần thiết,
Tánh chất ra sao, / ý nghĩa thế nào,
Cho nên mới bị / tổn hại như vậy.

[24:8.] Pháp chư Phật dạy
Đều là dựa vào / hai loại chân lý,
Một là tục đế: / quy ước thế tục;
Hai là chân đế: / thắng nghĩa cứu cánh.

[24:9.] Người nào không biết
Phân biệt nhị đế
Thì với giáo pháp / thâm sâu Phật dạy
Sẽ không thể nào / biết đúng như thật.

[24:10.] Nếu không dựa vào / danh ngôn thế tục
Thì chẳng làm sao / giảng được thắng nghĩa.
Không chứng thắng nghĩa
Thì chẳng làm sao / đạt được niết bàn.

[24:11.] Tánh không này đây / nếu như thấy sai,
Thì người tuệ nhỏ / sẽ bị hủy hoại.
Giống như bắt rắn / mà không biết cách,
Hay dùng bùa chú / mà lại bỏ nhầm.

[24:12.] Biết rõ pháp này / thật quá thâm sâu,
Những kẻ độn căn / khó lòng chứng đắc,
Nên đức Mâu ni / trong tim ngại ngần,
Không muốn thuyết giảng.

[24:13.] Hệ quả sai lầm / các ông nêu ra,
Đối với tánh không / đều không đúng lý.
Thứ tánh không mà / các ông vất bỏ,
Đừng nên vô lý / ứng vào cho tôi.

[24:14.] Tánh không đúng lý
Thì hết tất cả / sẽ đều đúng lý.
Tánh không vô lý
Thì hết tất cả / sẽ đều vô lý.

[24:15.] Ông đem lỗi mình
Đổ hết cho tôi,
Nào có khác gì / người đang cưỡi ngựa
Mà lại quên mất / ngựa mình đang cưỡi.

[24:16.] Các ông thấy rằng
Sự vật hiện hữu / vì có tự tánh.
Nếu thấy như vậy / nghĩa là các ông
Thấy rằng sự vật / không có nhân duyên.

[24:17.] Quả hay là nhân,
Người làm, nhân làm, / hay là việc làm,
Sinh hay là diệt,
Hay là kết quả / đều bị phá sạch.

[24:18.] Thứ gì duyên sinh,
Tôi nói là không,
Cũng là giả danh,
Đó là trung đạo.

[24:19.] Không có pháp nào
Không là duyên sinh,
Nên không pháp nào
Không phải là không.

[24:20.] Nếu như các pháp / không phải là không,
Thì không có thành / cũng không có hoại.
Nói vậy vô lẽ / cả tứ thánh đế
Đối với các ông / cũng đều là không?

[24:21.] Nếu không phải là / tùy duyên sinh khởi
Vậy thì khổ này / làm sao mà có?
Đức Phật dạy rằng / khổ là vô thường.
Cho nên không phải / là có tự tánh.

[24:22.] Nếu như là do / tự tánh mà có
Vậy nguồn gốc khổ / là cái gì đây?་
Vì thế cho nên / phá bỏ tánh không
Thì cả tập đế / cũng không thể có.

[24:23.] Khổ nếu là nhờ / tự tánh mà có
Thì không làm sao / có thể tận diệt.
Vì bởi tự tánh / thì luôn trường tồn,
Cho nên như vậy / là phá diệt đế.

[24:24.] Đạo này nếu như / là có tự tánh
Thì chẳng lý nào / lại có thể tu.
Còn nếu như đạo / là cần phải tu,
Tự tánh của ông / đạo này không có.

[24:25.] Một khi khổ đế, / tập đế, diệt đế
Đều đã không có,
Vậy thì thử hỏi / đạo nào là đạo
Diệt được khổ đau / để mà chứng đắc?

[24:26.] Sự chưa thấu biết
Mà có tự tánh
Thì đâu thể nào / thành sự thấu biết?
Chẳng phải tự tánh / trường tồn hay sao?

[24:27.] Tương tự như vậy / như ông nói thì
Sự đoạn, sự chứng,
Sự tu, tứ quả / cũng đều sẽ giống
Như là sự hiểu, / đều không thể có.

[24:28.] Ai người chấp vào / sự có tự tánh,
Thử hỏi quả này / nếu có tự tánh
Thì quả chưa chứng
Làm sao chứng được?

[24:29.] Quả đã không có, / vậy thì trú quả,
Hay là nhập quả, / cũng đều không có.
Tám hàng đại sĩ / nếu đã không có,
“Như vậy thì Tăng / cũng là không có

[24:30.] Thánh đế không có,
Vậy thì diệu Pháp / cũng là không có.
Pháp cùng với Tăng / đều đã không có,
Thử hỏi như vậy / làm sao có Phật?

[24:31.] Nói như ông nói, / vô lẽ không cần
Duyên nơi bồ đề / mà vẫn có Phật?
Nói như ông nói, / vô lẽ không cần
Duyên nơi đức Phật / vẫn có bồ đề?

[24:32.] Tự tánh của ông / đã là như vậy,
Cho nên những ai / chưa phải là Phật,
Dù tìm giác ngộ / tu hạnh bồ tát
Thì cũng chẳng thể / đắc quả bồ đề.

[24:33.] Sẽ chẳng ai làm / bất cứ việc gì
Dù là việc tốt / hay là việc xấu.
Chỗ không phải không / có gì để làm?
Tự tánh thì đâu / có sự tạo tác.

[24:34.] Dù lìa thiện ác,
Nói như ông nói, / quả vẫn sẽ có.
Từ nhân thiện ác,
Nói như ông nói, / sẽ không sinh quả.

[24:35.] Còn nếu ông nói
Từ nhân thiện ác / có quả sinh ra.
Vậy nếu như đã / sinh từ thiện ác,
Cớ sao quả ấy / lại chẳng là không?

[24:36.] Tùy duyên sinh khởi
Đó là tánh không. / Phá bỏ tánh không
Cũng là phá bỏ / toàn bộ cảnh giới
Quy ước thế gian.

[24:37.] Tánh không này đây / nếu như phá bỏ
Thì việc làm nào / cũng đều không có;
Và việc chưa khởi / mà vẫn có làm;
Việc không làm mà / người làm vẫn có.

[24:38.] Tự tánh nếu có / thì chúng sinh đều
Không sinh không diệt,
Bất biến trường tồn,
Tướng trạng không đổi.

[24:39.] Không có tánh không / thì như vậy là
Thứ gì chưa đắc / sẽ không thể đắc,
Khổ đau không thể / làm cho kết thúc,
Hết thảy phiền não / không thể đoạn lìa.

[24:40.] Ai thấy duyên sinh
Sẽ thấy khổ đế,
Tập đế, diệt đế,
Cùng với đạo đế.

Đến đây hết Phẩm 24, tên là Quán Thánh Đế.

> 25: QUÁN NIẾT BÀN

[25:1.] — «Nếu như mọi sự / hết thảy đều không,
Thì không có thành / cũng không có hoại.
Vậy thì cái gì / phải bỏ, phải diệt
Để mà có cái / gọi là niết bàn?»

[25:2.] Nếu như mọi sự / chẳng phải là không,
Thì không có thành / cũng không có hoại.
Vậy thì cái gì / phải bỏ phải diệt
Để mà có cái / gọi là niết bàn?

[25:3.] Không buông và cũng / không có thủ đắc,
Không đoạn và cũng / không có thường còn,
Không diệt và cũng / không có khởi sinh,
Có như vậy mới / gọi là niết bàn.

[25:4.] Trước hết, niết bàn / không phải thứ có,
Vì không lẽ nào / lại có già, chết.
Đã là có thì / đâu có thứ gì
Không già không chết.

[25:5.] Nếu như niết bàn / mà là thứ có
Thì niết bàn phải / là pháp hữu vi.
Đã là có thì
Đâu có thứ gì / không là hữu vi.

[25:6.] Nếu như niết bàn / mà là thứ có
Thì tại làm sao / lại không tùy thuộc?
Đã không tùy thuộc
Thì đâu có gì / mà lại là có.

[25:7.] Nếu như niết bàn / không phải thứ có
Thì đâu thể nào / là thứ không có.
Niết bàn nào đã / không phải là có
Thì niết bàn ấy / chẳng phải là không.

[25:8.] Nếu như niết bàn / không phải là có
Thì tại làm sao / lại không tùy thuộc?
Đã không tùy thuộc
Thì đâu có gì / mà lại là không.

[25:9.] Sự vật xoay vần / hết đến rồi đi,
Tùy thuộc nhân duyên, / do nhân duyên tạo.
Không còn tùy thuộc, / không nhân duyên tạo,
Thì [Như lai] dạy / đó là niết bàn.

[25:10.] Thành cùng với hoại / đều phải từ bỏ
Đó là lời dạy / của đấng bổn sư.
Nhờ đó mà biết / niết bàn đúng ra
Chẳng phải là có / chẳng phải không có.

[25:11.] Giả sử niết bàn / là cả hai thứ,
Vừa có, vừa không,
Vậy chẳng hóa ra / giải thoát cũng là
Vừa có, vừa không? / Điều này phi lý.

[25:12.] Giả sử niết bàn / là cả hai thứ,
Vừa có, vừa không,
Vậy thì không phải / là không tùy thuộc,
Bởi hai điều này / đều là tùy thuộc.

[25:13.] Niết bàn làm sao / có thể là thứ
Vừa có, vừa không?
Niết bàn thì phải / là pháp vô vi,
Có và không có / lại là hữu vi.

[25:14.] Ở chỗ niết bàn / làm sao có thể
Vừa có, vừa không / đắc được cả hai?
Có và không có / không ở cùng chỗ,
Như ánh sáng không / ở cùng bóng tối.

[25:15.] Bảo rằng niết bàn
Chẳng phải là có / chẳng phải không có,
Có và không có / phải thiết lập đã
Rồi mới có thể / thiết lập điều này.

[25:16.] Giả sử niết bàn
Chẳng phải là có / chẳng phải không có,
Vậy ai là người / nói rằng niết bàn
Chẳng phải là có / chẳng phải không có?

[25:17.] Đức Phật Thế tôn / sau khi nhập diệt,
Đâu thể nào thấy / rằng Phật là có,
Rằng Phật không có, / hay thấy rằng Phật
Cũng có cũng không / chẳng có chẳng không.

[25:18.] Đức Phật Thế tôn / khi còn tại thế
Đâu thể nào thấy / rằng Phật là có;
Rằng Phật không có, / hay thấy rằng Phật
Cũng có cũng không, / chẳng có chẳng không.

[25:19.] Sinh tử luân hồi / so với niết bàn
Đều không hề có / mảy may phân biệt.
Niết bàn so với / sinh tử luân hồi
Đều không hề có / mảy may phân biệt.

[25:20.] Giới hạn niết bàn / rốt ráo ở đâu,
Giới hạn luân hồi / cũng là ở đó.
Giới hạn này không / mảy may sai biệt,
Vi tế đến đâu / cũng đều không khác.

[25:21.] Thấy sau diệt độ;
Hữu biên vân vân; / thường còn vân vân;
Là những cái thấy / y cứ niết bàn
Và y cứ theo / giới hạn trước, sau.

[25:22.] Sự vật đều không, / Đã vậy thử hỏi
Có gì hữu biên? / có gì vô biên?
Có gì cũng là / hữu biên, vô biên?
Có gì chẳng là / hữu biên, vô biên?

[25:23.] Có gì là nó? / có gì là khác?
Có gì thường còn? / có gì vô thường?
Có gì vừa thường? / vừa là vô thường?
Có gì cả hai / đều là không phải?

[25:24.] Đối cảnh lắng hết / vào trong tịch diệt
Bao nhiêu động niệm / tịch lắng tịnh yên.
Đức Phật có thuyết / pháp gì ở đâu
Cho ai bao giờ?

Đến đây hết Phẩm 25, tên là Quán Niết Bàn.

> 26: QUÁN MƯỜI HAI NHÁNH DUYÊN SINH

[26:1.] Vô minh che chướng / khiến mãi tái sinh,
Khởi ba loại hành.
Vì hành nghiệp ấy
Mà phải đi vào / luân hồi sinh tử.

[26:2.] Bởi duyên nơi hành
Nên thức cứ phải / đi vào sinh tử.
Khi thức chuyển sinh
Thì danh và sắc / từ đó hình thành.

[26:3.] Danh sắc hình thành
Thì sinh lục nhập.
Dựa vào lục nhập,
Mà xúc khởi sinh.

[26:4.] Sự khởi sinh này / toàn là dựa vào
Nơi nhãn, và sắc / và sự nhớ đến.
Vì thế cho nên / dựa vào danh sắc
Mà thức khởi sinh.

[26:5.] Nhãn, sắc, và thức,
Ba thứ hợp lại / thành ra thứ gì
Thì đó là xúc. / Từ nơi xúc này
Thọ sẽ phát sinh.

[26:6.] Duyên ở nơi thọ / đó chính là ái.
Bởi vì thọ mà / có ái sinh ra.
Khi đã có ái
Thì bốn loại thủ / sẽ được hình thành.

[26:7.] Thủ mà hình thành / thì người nhiếp thủ
Chắc chắn hiện hữu.
Thủ không hình thành
Thì sẽ giải thoát / chứ không thành hữu.

[26:8.] Hữu là năm uẩn.
Từ nơi hữu này / sinh sẽ phát sinh,
Từ đó mà phải / già chết, sầu muộn,
Than khóc, đớn đau,

[26:9.] Tâm ý không vui, / tinh thần bấn loạn,
Hết thảy đều từ / nơi sinh mà có.
Cứ như thế đó / cả khối khổ đau
Đơn thuần này đây / đã được sinh ra.

[26:10.] Gốc của luân hồi / nằm ở nơi hành,
Nên người có trí / thì không tạo tác.
Người không có trí / là người tạo tác,
Vì bậc minh trí / thì thấy tánh như.

[26:11.] Vô minh mà dứt
Thì hành cũng dứt.
Vô minh dứt được
Là nhờ tuệ giác / tu tập tánh như.

[26:12.] Cái này cái kia / một khi đã diệt,
Cái kia cái nọ / sẽ không hiện hành.
Cả khối khổ đau / đơn thuần này đây
Phải như thế đấy / mới thật sự diệt.

Đến đây hết Phẩm 26, tên là Quán Mười Hai Nhánh Duyên Khởi.

> 27: QUÁN CÁI THẤY

[27:1.] Thấy ngã quá khứ / có hay không có,
Thấy cõi thế gian / thường còn vân vân,
Những cái thấy này
Đều là tùy thuộc / vào giới hạn trước.

[27:2.] Thấy ngã trong thời / vị lai nào khác / có hay không có,
Thấy thế gian có / kết thúc vân vân,
Những cái thấy này
Đều là tùy thuộc / vào giới hạn trước.

[27:3.] Nói rằng ngã này / có trong quá khứ
Thì nói như vậy / là không đúng lý.
Ngã nào có ở / trong các đời trước
Không phải là ngã / ở trong đời này.

[27:4.] Nghĩ rằng ngã ấy / chính là mình đây.
Nhưng được nhiếp thủ / lại là thứ khác
Ngoại trừ những thứ / được nhiếp thủ ra,
Thì ngã của ông / đâu là cái gì!

[27:5.] Nói ngoại trừ thứ / được nhiếp thủ ra
Thì không có ngã,
Nên ngã chính là / thứ được nhiếp thủ.
Vậy ngã của ông / cũng là không có.

[27:6.] Thứ được nhiếp thủ / không phải là ngã,
Vì nó có sinh / và cũng có hoại.
Thứ được nhiếp thủ / làm sao có thể
Là người nhiếp thủ?

[27:7.] Nói ngã khác với / thứ được nhiếp thủ
Là không đúng lý. / Nếu khác, lẽ ra
Cho dù không thủ / vẫn nắm bắt được
Nhưng mà đâu phải.

[27:8.] Nên không khác với / thứ được nhiếp thủ,
Cũng không phải là / thứ được nhiếp thủ.
Không có nhiếp thủ / thì không có ngã.
Sự không có này / cũng không nhất định.

[27:9.] Nói trong quá khứ / ngã này không có
Thì nói như vậy / là không đúng lý.
Ngã nào có ở / trong các đời trước,
Không phải là khác / với ngã đời này.

[27:10.] Giả sử ngã này / khác ngã đời trước
Thì không ngã trước / ngã này vẫn có.
Và ngã đời trước / sẽ luôn tồn tại.
Ngã trước chưa chết / ngã này vẫn sinh.

[27:11.] Thế là đoạn diệt, / làm hỏng mất nghiệp.
Nghiệp người này làm
Người kia phải chịu,
Những việc đại loại / ắt sẽ phát sinh

[27:12.] Chưa từng khởi sinh / thì không thể sinh
Bằng không sẽ dẫn / đến nhiều lầm lỗi.
Ngã như vậy sẽ / là thứ được tạo,
Hay là sinh ra / mà không có nhân.

[27:13.] Vậy dù thấy ngã / là có; là không;
Cũng có cũng không; / chẳng có chẳng không;
Những cái thấy này / về ngã quá khứ
Đều không đúng lý.

[27:14.] Thấy ngã trong thời / vị lai nào khác
Là có, là không…
Những cái thấy này
Cũng đều giống như / thấy ngã quá khứ.

[27:15.] Nếu như người đó / chính là trời kia
Thì như vậy sẽ / thành thứ thường còn.
Trời mà như vậy / sẽ không sinh ra,
Vì đã thường còn / thì không sinh khởi.

[27:16.] Nếu như người đó / khác với trời kia,
Thì như vậy sẽ / thành thứ vô thường.
Nếu trời và người / là khác với nhau,
Ắt không thể nào / có dòng tương tục.

[27:17.] Nếu một phần trời
Một phần là người,
Thì sẽ vừa thường / vừa là vô thường,
Điều này vô lý.

[27:18.] Giả sử cả hai / thường và vô thường
Đều được thiết lập, / thì phải chấp nhận
Rằng, “Chẳng phải thường, / chẳng phải vô thường”
Cũng được thiết lập.

[27:19.] Nếu như có được / bất cứ một ai
Từ nơi nào tới / rồi đi nơi khác
Thì luân hồi mới / không có khởi điểm,
Nhưng không làm gì / có chuyện như vậy.

[27:20.] Nếu đã không có / cái gì thường còn,
Vậy thì thử hỏi / có gì vô thường?
Có gì vừa thường / vừa là vô thường?
Có gì chẳng thường / chẳng là vô thường?

[27:21.] Nếu như thế gian / mà là hữu biên,
Vậy thì làm sao / có được đời sau?
Nếu như thế gian / mà là vô biên,
Vậy thì làm sao / có được đời sau?

[27:22.] Đó là bởi vì / các uẩn tiếp nối
Giống như ánh sáng / của ngọn lửa đèn,
Vì thế cho nên / dù là hữu biên
Hay là vô biên / cũng đều phi lý.

[27:23.] Nếu như uẩn trước / đã hoại diệt rồi,
Và dựa uẩn trước
Uẩn sau không sinh,
Có vậy thế gian / mới là hữu biên.

[27:24.] Nếu như uẩn trước / không có hoại diệt,
Và dựa uẩn trước
Uẩn sau không sinh,
Có vậy thế gian / mới là vô biên.

[27:25.] Nếu như thế gian / một bên hữu biên,
Một bên vô biên, / vậy thế gian này
Vừa là hữu biên / vừa là vô biên,
Cũng không thuận lý.

[27:26.] Là người chấp thủ / làm sao có thể
Một bên hoại diệt,
Một bên không hoại,
Cái chuyện như vậy / thật là vô lý.

[27:27.] Cái được nhiếp thủ / làm sao có thể
Một bên hoại diệt,
Một bên không hoại,
Cái chuyện như vậy / thật là vô lý.

[27:28.] Nếu như hữu biên / cùng với vô biên
Mà được thiết lập, / thì phải chấp nhận
Không phải hữu biên / không phải vô biên
Cũng được thiết lập.

[27:29.] Hơn nữa mọi sự / hết thảy đều không,
Vậy những cái thấy / thường còn, vân vân,
Là do ai thấy? Thấy gì? Nhờ đâu?
Từ đâu mà có / cái thấy như vậy?           

Đến đây hết Phẩm 27, tên là Quán Cái Thấy.

> KẾT

Với lòng từ bi / thương yêu gìn giữ,
Vì để đoạn lìa / hết thảy kiến chấp,
Nên Phật thuyết cho / diệu pháp này đây.
Đức Phật Cồ Đàm / con xin kính lễ.

> XUẤT XỨ BẢN TẠNG NGỮ

Trên đây là bài pháp Căn Bản Trung Quán Luận Tụng, được gọi là Tuệ Bát Nhã, trình bày giáo pháp A tì đạt ma của Đại thừa, minh giải đường đi của Bát nhã ba la mật, giảng về chân tánh của thắng nghĩa đế, do bậc thầy vĩ đại là Thánh giả Long thọ, với trí tuệ từ bi không ai sánh bằng, làm sáng tỏ cỗ xe vô thượng của Như lai, đắc Hoan hỉ địa, vào cõi Cực lạc, rồi trở thành đức Như Lai Sinh Xứ Trí Quang tại quốc độ Trừng Quang

Theo lệnh của bậc tối thắng chúa thượng tự tại, đại vương ngự trị cát tường [Quốc Vương Trisong Detsen], bài pháp này được đại sư trưởng Trung đạo xứ Ấn là Sư Trí Tạng [Jñanagarbha, thế kỷ thứ VIII] chuyển dịch, và tỷ kheo dịch giả Chokro Lui Gyaltsen chuyển dịch, hiệu đính và hoàn thành văn bản, gồm 27 phẩm, 449 chỉnh cú, gom thành một quyển rưỡi.

Sau đó, vào triều đại của Bậc Chúa Tể Loài Người Aryadeva, tại tu viện Ratnagupta [Tu viện Bảo Mật], thành Anupama [Vô Song] xứ Kashmir, luận này lại được sư trưởng người Kashmir tên là Hasumati và dịch giả người Tạng tên là Patsap Nyima Drak [thế kỷ thứ 11] chỉnh lại theo Minh Cú Luận.

Sau nữa, tại điện Rasa Trulnang, lại được sư trưởng người Ấn tên Kanaka và dịch giả Patsap Nyima Drak nói trên chỉnh lại lần chót.

> Xuất xứ bản Việt ngữ:

Hồng Như chuyển Việt ngữ từ bản Tạng ngữ của Patsap Nyima Drak nói trên, tham khảo cùng bản Anh dịch của Jay L. Garfield; bản Anh dịch của nhóm dịch thuật Padmakara; bản Hán dịch của ngài Cưu Ma La Thập [Kumārajīva]. Ấn bản đầu tiên tháng 08 năm 2021. Hiện đang trong quá trình duyệt lại theo Minh Cú Luận.

Ấn bản điện tử {28/05/2024}


Chogyi Gyaltshen: CÁC HỆ LẬP KIẾN (Tenets)

 

TRÌNH BÀY VỀ CÁC HỆ LẬP KIẾN

Tác Luận: Tôn giả Văn Thù Chögyi Gyältshän
Hồng Như Thupten Munsel chuyển Việt ngữ từ bản Tạng ngữ.
17/5/2021 - Bản dịch nháp tạm dùng, chưa hiệu đính.

 

Đệ tử đảnh lễ chư tôn giác giả chân tánh bất nhị với Tôn Sư Hộ Trì Văn Thù Sư Lợi.

[Tổng quan]

Trình Bày Về Các Hệ Lập Kiến sẽ được giải thích ở đây qua ba phần:

  1. định nghĩa;
  2. phân loại; và
  3. giải nghĩa.

1. [hlk] Định Nghĩa

Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến và nhận Tam bảo làm nơi quy y chân chính, không tin nhận đối tượng quy y nào khác, đó là định nghĩa của thuyết gia hệ lập kiến Phật giáo.

2. [hlk] Phân Loại

Hai, thuyết gia hệ lập kiến có bốn:

  1. thuyết gia Hữu bộ [phạn: Vaibhasika; tạng: བྱེ་བྲག་སྨྲ་བ།, còn gọi là Nhất thiết Hữu bộ hay là Tì bà sa luận bộ];
  2. thuyết gia Kinh lượng bộ [phạn: Sautrantika; tạng: མདོ་སྡེ་པ།];
  3. thuyết gia Duy thức tông [phạn: Cittamatra; tạng: སེམས་ཙམ་པ། nghĩa là Duy tâm tông][1]; và
  4. thuyết gia Trung quán tông [phạn: Madhyamika; tạng: ངོ་བོ་ཉིད་མེད་པར་སྨྲ་བ། nghĩa là Vô tánh tông][2].

Trong số đó, hai hệ đầu được gọi là bộ phái thuyết ngoại cảnh [là thật có].

3. [hlk] Giải Nghĩa Từng Hệ Lập Kiến

Thứ ba, giải nghĩa các hệ lập kiến Hữu bộ; Kinh lượng bộ; Duy thức tông và Trung quán tông.

I. [hb] HỮU BỘ [VAIBHASIKA]

Hệ lập kiến thứ nhất là Hữu bộ sẽ được trình bày qua bảy điểm:

  1. định nghĩa;
  2. phân loại;
  3. từ nguyên;
  4. cách tiếp nhận đối cảnh;
  5. cách tiếp nhận chủ thể;
  6. cách tiếp nhận vô ngã; và
  7. trình bày về chứng địa chứng đạo.

1. [hb] Định Nghĩa

Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến tiểu thừa, chấp nhận ngoại cảnh là thật có nhưng không chấp nhận có tự chứng phần, đó là định nghĩa của thuyết gia Hữu bộ.

2. [hb] Phân Loại

Hai, tông phái này phân thành ba bộ phái thuộc ba vùng Kashmiris, Aparantakas và Magadhas.

3. [hb] Từ Nguyên

Ba, vì sao gọi là ‘Hữu bộ’ [hay là ‘Tì bà sa luận bộ’]?

Vì chư vị dựa theo luận Đại Tì Bà Sa [skt. Mahavibhasa] để lập kiến, và vì chư vị nói rằng ba thời là đặc tướng của vật thể.

4. [hb] Đối Cảnh

Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.

Sự vật được định nghĩa là thứ có khả năng tạo tác dụng.

Sự vật, pháp có, và đối tượng của sự biết [sở tri] là cùng một nghĩa.

Sự vật có hai loại,

  1. sự vật thường hằng; và
  2. sự vật vô thường.

Sự vật thường hằng là như không gian vô vi, trạch diệt [sự vật diệt bằng quán trí], phi trạch diệt [sự vật diệt không bằng quán trí].

Sự vật vô thường là như những hiện tượng được sinh ra, tạo nên, và không trường tồn.

Sự vật cũng có thể phân thành hai loại,

  1. thế tục đế; và
  2. thắng nghĩa đế.

Thế tục đế được định nghĩa là hiện tượng mà nếu bị vỡ hay bị tách rời thành từng mảnh trong tâm tưởng thì cái trí nhận thấy hiện tượng ấy sẽ không còn. Tướng căn bản [của thế tục đế] là ví dụ như cái bình hay tấm vải len: bình bị búa đập vỡ hay vải len bị rút rời từng sợi thì cái trí nhận thấy cái bình hay vải len sẽ không còn.

Thắng nghĩa đế được định nghĩa là hiện tượng dù bị vỡ hay bị phân ra thành từng mảnh trong tâm tưởng thì cái trí nhận thấy hiện tượng ấy vẫn còn. Tướng căn bản [của thắng nghĩa đế] là ví dụ như đơn vị không gian bất khả phân, đơn vị tâm thức bất khả phân, hay như các hiện tượng vô vi.

Vì Luận A tì đạt ma câu xá nói rằng: thứ gì một khi bị vỡ hay dùng tâm ý tách ra thành thứ khác thì trí không còn nhận thấy được nữa, ví dụ như bình hay nước, là thứ có trong thế tục đế. Những thứ khác là có trong thắng nghĩa đế.

Vì vậy mà chấp nhận ba thời là vật thể, vì cái bình có trong quá khứ và cũng có trong tương lai.

5. [hb] Chủ Thể

Năm, nói về chủ thể, tông phái này có nhiều quan điểm khác nhau. Có nơi cho rằng

  • tướng căn bản của một cá nhân[3] chỉ đơn giản là tổ hợp năm của hợp thể, cũng có nơi cho rằng
  • tướng căn bản của một cá nhân là ý thức, vân vân…

Trí biết[4] có hai loại,

  1. chánh lượng [nhận thức đúng]; và
  2. phi lượng [không phải nhận thức đúng].

Chánh lượng có hai loại,

  1. chánh hiện lượng [nhận thức đúng hiện tiền] và
  2. chánh tỷ lượng [nhận thức đúng suy lý].

Chánh hiện lượng có ba loại,

  1. giác quan [chánh] hiện lượng [nhận thức giác quan hiện tiền];
  2. ý [chánh] hiện lượng [nhận thức ý hiện tiền]; và
  3. du già [chánh] hiện lượng [nhận thức du già hiện tiền].

Giác quan chánh hiện lượng không nhất thiết phải là thức, vì nhãn căn [con mắt] cũng là chánh hiện lượng.

Du già hiện lượng có hai loại,

  1. du già hiện lượng trực chứng nhân vô ngã; và
  2. du già hiện lượng trực chứng vô thường vi tế.

Du già hiện lượng trực chứng nhân vô ngã có hai loại,

  1. du già hiện lượng trực chứng sự không có một cá nhân thường nhất chủ tể; và
  2. du già hiện lượng trực chứng sự không có một cá nhân tự lập có thực chất.

6. [hb] Vô ngã

Sáu, nói về cách tiếp nhận vô ngã.

Vô ngã vi tế và nhân vô ngã vi tế được xem là đồng nghĩa, nhưng [tông phái này] không chấp nhận có pháp vô ngã vì cho rằng nếu đã là nền tảng thiết lập thì nhất thiết phải là pháp ngã.

Trong đó có một bộ phái tên là Độc tử bộ [Vasiputriyans]. Tông phái này chấp nhận vô ngã là không có một cá nhân thường nhất chủ tể nhưng không chấp nhận vô ngã là không có một cá nhân tự lập có thực chất, vì cái ngã tự lập có thực chất ấy bộ phái này khẳng định là có, chỉ không thể diễn tả được là đồng một thể hay khác thể với ngũ uẩn [phi tức uẩn phi li uẩn], là thường hay vô thường.

7. [hb] Chứng địa chứng đạo

Bảy, trình bày về chứng địa và chứng đạo gồm có hai phần,

  1. đối tượng cần xả bỏ; và
  2. nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.

7a. [hb] Đối Tượng Cần Xả Bỏ

Một, nói về đối tượng cần xả bỏ, tông phái này khẳng định có hai loại chướng ngại,

  1. phiền não chướng; và
  2. phi phiền não chướng, và cho rằng

không có cái gì để gọi là “trí chướng.”

Phiền não chướng chủ yếu làm ngăn ngại quả giải thoát.

Phi phiền não chướng chủ yếu làm ngăn ngại quả biết-tất-cả.

Tướng căn bản của phiền não chướng là ví dụ như niệm chấp vào một cá nhân tự lập có thực chất, kèm với tam độc cùng hạt giống của tam độc từ đó phát sinh.

Tướng căn bản của trí chướng là ví dụ như tập khí của niệm chấp có một cá nhân tự lập có thực chất, kèm với tâm thô trọng[5] từ đó phát sinh.

7b. [hb] Nội Dung Chính của Chứng Địa và Chứng Đạo

Hai, nói về nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.

Bước đường hành đạo của người tu ba cỗ xe có nhiều điểm khác nhau:

-Người thuộc chủng tánh thanh văn lấy tri kiến chứng biết sự không có một cá nhân tự lập có thực chất, phối hợp cùng với lượng công đức nhỏ, tu tập trong thời gian ba đời hay nhiều hơn, chứng quả bồ đề bậc nhỏ.

-Người thuộc chủng tánh độc giác lấy tri kiến như trên, phối hợp cùng với lượng công đức vừa, tu tập trong thời gian dài một trăm đại kiếp hay nhiều hơn, đắc quả bồ đề bậc trung.

Bồ tát lấy tri kiến như trên, phối hợp cùng với lượng công đức lớn, tu tập trong thời gian dài ba lần vô lượng kiếp hay nhiều hơn, đắc quả đại bồ đề.

Cách tích lũy công đức của chư vị có nhiều điểm khác biệt:

Bồ tát từ đại địa của tư lương đạo trở xuống, tích lũy công đức trong thời gian dài ba lần vô lượng kiếp hay nhiều hơn, rồi chứng đắc mọi quả vị kể từ noãn địa của gia hành đạo cho đến hết vô học đạo trong cùng một thời tọa thiền.

-Người thuộc chủng tánh độc giác từ đại địa của tư lương đạo trở xuống, tích lũy công đức trong thời gian dài một trăm đại kiếp, chứng đắc mọi quả vị kể từ noãn địa của gia hành đạo cho đến hết vô học đạo trong cùng một thời tọa thiền.

-Người thuộc chủng tánh thanh văn, tích lũy công đức qua bốn hữu học đạo. Sau khi đắc vô thượng đạo rồi vẫn tiếp tục tu bốn hữu học đạo thêm tối đa là mười bốn đời.

Hữu bộ nói thân sắc uẩn của Phật không phải là Phật, vì là thân ấy là đối tượng cần xả bỏ. Lý do là vì thân Phật khi thành Phật là cùng một đời với thân bồ tát gia hạnh đạo trước đó, mà thân bồ tát gia hạnh đạo là thân ngũ uẩn do nghiệp và phiền não đi trước sinh ra.

Hữu bộ không chấp nhận có thọ dụng thân và nói rằng khi hóa thân tối thắng nhập vô dư niết bàn thì dòng tâm thức cũng đồng thời đoạn dứt.

Mặc dù đức Phật đã xả bỏ mọi khổ đau và nguyên nhân tạo khổ, nhưng khổ đế trong tâm thức vẫn còn chứ chưa đoạn diệt. Điều này không mâu thuẫn, vì Phật đã không còn bất cứ phiền não nào ứng với khổ đế nên có thể nói rằng là Phật đã xả bỏ khổ đế.

A la hán thanh văn và độc giác chưa xả bỏ thân mạng thì an trú hữu dư niết bàn, xả bỏ thân mạng rồi thì an trú vô dư niết bàn.

Trú ở hữu dư niết bàn thì phiền não chướng đã xả hết không thừa sót, nhưng phi phiền não chướng vẫn còn. Còn trú ở vô dư niết bàn thì mặc dù phi phiền não chướng không bị lực đối trị phá hủy nhưng cũng đã không còn, là vì dòng tâm thức làm nền tảng cho phiền não chướng lúc ấy đã đoạn diệt.

Chư vị chủ trương thuyết thật có đều xác định kinh nghĩa thật hay nghĩa tạm bằng cách xét xem kinh ấy có thể hiểu được theo nghĩa đen hay không.

Hai tông phái chủ trương thuyết ngoại-cảnh-thật-có không chấp nhận kinh đại thừa là lời Phật dạy, vì các bộ phái thuộc Hữu bộ phần lớn đều khẳng định kinh Phật thì nhất thiết phải là kinh nghĩa thật.

II. [kl] KINH LƯỢNG BỘ [Sautrantika]

Hệ lập kiến thứ hai là Kinh lượng bộ sẽ được trình bày qua bảy điểm:

  1. định nghĩa;
  2. phân loại;
  3. từ nguyên;
  4. cách tiếp nhận đối cảnh;
  5. cách tiếp nhận chủ thể;
  6. cách tiếp nhận vô ngã; và
  7. trình bày về chứng địa chứng đạo.

1. [kl] Định Nghĩa

Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến tiểu thừa và khẳng định có tự chứng phần và có ngoại cảnh, đó là định nghĩa của thuyết gia Kinh lượng bộ.

Kinh lượng bộ [Sautrantika] là cùng một nghĩa với Thí Dụ Bộ [Darstantika].

2. [kl] Phân loại

  • Hai, Kinh lượng bộ có hai bộ phái:
  • 1. Kinh lượng bộ Y cứ Giáo lý; và
  • 2. Kinh lượng bộ Y cứ Luận lý.

Thuyết gia Y Cứ Giáo Lý là thuyết gia Kinh lượng bộ y cứ theo luận A-tì-đạt-ma-câu-xá [của Ngài Thế Thân].

Thuyết gia Y Cứ Luận Lý là thuyết gia Kinh lượng bộ y cứ theo Nhân Minh Thất Luận [của ngài Pháp Xứng].

3. [kl] Từ Nguyên

Ba, vì sao gọi là ‘Kinh lượng bộ’?

Vì chư vị thuyết về hệ lập kiến dựa theo kinh Phật, hay gọi là ‘Thí dụ bộ’ vì chư vị muốn giảng mọi pháp qua ví dụ.

4. [kl] Đối Cảnh

Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.

Pháp-có được định nghĩa là đối cảnh của chánh lượng.

Pháp-có có hai loại,

  1. thế tục đế; và
  2. thắng nghĩa đế.

Thắng nghĩa đế được định nghĩa là những gì có khả năng tạo tác dụng trong thắng nghĩa. Thắng nghĩa đế, thứ thật có, sự vật, vật được tạo, vật vô thường, vật hữu vi, thực thể, và tự tướng là cùng một nghĩa.

Thế tục đế được định nghĩa là những gì không có khả năng tạo tác trong thắng nghĩa.

Thế tục đế, giả lập, thường hằng, và cộng tướng [khái niệm] là cùng một nghĩa.

Pháp-có cũng có thể phân thành hai loại,

  1. hiện tượng phủ định; và
  2. hiện tượng khẳng định.

Hiện tượng phủ định được định nghĩa là đối cảnh mà cái trí nắm cảnh ấy chứng được bằng cách đoạn diệt đối tượng phủ định của mình.

Hiện tượng khẳng định được định nghĩa là đối cảnh mà cái trí nắm cảnh ấy chứng được bằng cách không đoạn diệt đối tượng phủ định của mình.

Phủ định có hai loại,

  1. phủ định không khẳng định; và
  2. phủ định có khẳng định.

Tướng căn bản của phủ định không khẳng định là giống như không gian vô vi, diệt đế, tánh không, vân vân…

Tướng căn bản của phủ định có khẳng định là giống như: phản nghĩa của “không phải sự vật,” hay là phản nghĩa của không-phải-cái-bình hiện ra trong khái niệm thấy cái bình.

Pháp-có còn có thể phân thành hai loại,

  1. đồng nhất; và
  2. dị biệt.

Pháp đồng nhất cũng có hai loại,

  1. đồng nhất giả; và
  2. đồng nhất thật.

Đồng nhất giả là ví dụ như đối tượng của sự biết [sở tri], hay như cộng tướng [đặc tướng chung, khái niệm].

Đồng nhất thật là ví dụ như sự vật hay như pháp vô thường.

Pháp dị biệt cũng có hai loại,

  1. dị biệt giả; và
  2. dị biệt thật.

Dị biệt giả là ví dụ như một cặp gồm hai lần phản nghĩa cái bình và hai lần phản nghĩa cái cột.

Dị biệt thật là ví dụ như một cặp gồm cái bình và cái cột.

Hai thời quá khứ và tương lai đều là pháp thường hằng.

Hiện tại và sự vật là cùng một nghĩa.

5. [kl] Chủ thể

Năm, nói về cách tiếp nhận chủ thể. Trong Kinh lượng bộ có nơi cho rằng tướng căn bản của một cá nhân là dòng liên tục của ngũ uẩn, lại có nơi cho rằng tướng căn bản của một cá nhân là ý thức. Chủ trương tướng căn bản của một cá nhân là dòng liên tục của ngũ uẩn là bộ phái y cứ theo luận A Tì đạt ma câu xá, và chủ trương tướng căn bản của một cá nhân là ý thức là bộ phái y cứ theo Nhân Minh Thất Luận.

Trí được định nghĩa là thứ có tánh sáng và tánh biết.

Trí có hai loại,

  1. chánh lượng; và
  2. phi chánh lượng.

5a. [kl] Chánh Lượng [nhận thức đúng]

Chánh Lượng được định nghĩa là cái-biết mới nhất và không hư vọng.

Muốn phân định giới hạn trong định nghĩa của “chánh lượng” thì phải nói đủ ba yếu tố: mới nhất, không hư vọng, và biết. Nói “mới nhất” thì loại trừ được việc xem thức đi sau là chánh lượng; nói “không hư vọng” thì loại trừ được việc xem giả định đúng là chánh lượng; và nói “biết” thì loại trừ được việc xem sắc căn là chánh lượng.

Chánh lượng có hai loại,

  1. chánh hiện lượng [cái-biết đúng hiện tiền] và
  2. chánh tỷ lượng [cái-biết đúng suy lý].

Hiện lượng [cái-biết hiện tiền] được định nghĩa là cái-biết ly niệm và không điên đảo.

Chánh hiện lượng được định nghĩa là cái-biết mới nhất, không hư vọng và li niệm.

Chánh hiện lượng chia ra có bốn loại,

  1. tự chứng phần chánh hiện lượng;
  2. giác quan chánh hiện lượng;
  3. ý chánh hiện lượng; và
  4. du già chánh hiện lượng.

Cái-biết mới nhất, không hư vọng, ly niệm, đi chung với cái thấy và chỉ hướng vào trong, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ nhất [tự chứng phần chánh hiện lượng].

Cái-biết mới nhất, không hư vọng và li niệm, khởi sinh từ sắc căn làm duyên chính [tăng tượng duyên] riêng của mình, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ hai [giác quan chánh hiện lượng].

Cái-biết mới nhất, không hư vọng và li niệm, khởi sinh từ ý căn làm duyên chính [tăng thượng duyên] riêng của mình, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ ba [ý chánh hiện lượng].

Trí giác[6] trực chứng vô thường vi tế, hay trực chứng nhân vô ngã thô lậu, hay trực chứng nhân vô ngã vi tế, khởi sinh từ chánh-định-hợp-nhất-chỉ-quán làm duyên chính của mình, đó là định nghĩa của chánh hiện lượng loại thứ tư [du già chánh hiện lượng].

Du già chánh hiện lượng chia ra có ba loại:

  1. chánh lượng trực chứng vô thường vi tế;
  2. chánh lượng trực chứng nhân vô ngã thô lậu; và
  3. chánh lượng trực chứng nhân vô ngã vi tế.

Chánh tỷ lượng [nhận thức suy lý đúng] được định nghĩa là xác-định-thức[7] mới nhất, không hư vọng, dựa theo tướng trạng đúng mà có.

Chánh tỷ lượng chia ra có ba loại:

  1. suy ra từ sự việc;
  2. suy ra từ danh tiếng; và
  3. suy ra từ sự tin.

Tỷ lượng suy ra từ cái lý “âm thanh là thứ được tạo” mà chứng biết âm thanh là vô thường là tướng căn bản của tỷ lượng loại thứ nhất [chánh tỷ lượng suy ra từ sự việc].

Tỷ lượng suy ra từ cái lý “thứ có hình thỏ là thuộc phạm trù khái niệm” mà chứng biết “thứ có hình thỏ” ấy có thể được gọi bằng cái tên “mặt trăng.” là tướng căn bản của tỷ lượng loại thứ hai [chánh tỷ lượng suy ra từ danh tiếng].

Tỷ lượng suy ra từ cái lý “kinh này xét qua cả ba lối quán sát đều không sai” mà chứng biết câu “phú quý nhờ thí, an lạc nhờ giới,” v.v… ở trong kinh ấy là không hư vọng là tướng căn bản của tỷ lượng loại thứ ba [chánh tỷ lượng suy ra từ sự tin].

Tỷ lượng suy ra từ danh tiếng hết thảy đều là tỷ lượng suy ra từ sự việc.

Hiện lượng không nhất thiết phải là chánh hiện lượng và tỷ lượng không nhất thiết phải là chánh tỷ lượng, vì sát na thứ hai của giác quan hiện lượng thấy sắc cảnh, hay là sát na thứ hai của tỷ lượng chứng âm thanh là vô thường, đều là những thức đi sau [không phải mới nhất nên không phải là chánh lượng]

Sớ giải Ứng Lý[8] nói rằng: “Hiện lượng và tỷ lượng ở sát na thứ nhất đều là chánh lượng. Còn những nhận thức sau đó chỉ là sự tiếp nối liên tục, dù xét trên phương diện thành hay trú gì cũng đều không khác nên không còn là chánh lượng.”

5b. [kl] Phi Lượng

Thứ hai, phi lượng được định nghĩa là cái-biết không phải mới nhất, và không phải không hư vọng.

Phi lượng chia ra có năm loại,

  1. thức đi sau;
  2. tà thức;
  3. nghi;
  4. giả định đúng; và
  5. trí bất quyết.

Cái-biết chứng điều đã chứng rồi, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ nhất [thức đi sau].

Thức đi sau có hai loại,

  1. hữu niệm; và
  2. vô niệm.

Một [thức đi sau hữu niệm] là giống như ký ức nhớ lại màu xanh sinh ra từ giác quan hiện lượng thấy màu xanh, hay như sát na thứ hai của tỷ lượng chứng biết âm thanh là vô thường.

Hai [thức đi sau vô niệm] là giống như sát na thứ hai của giác quan hiện lượng thấy hình sắc.

Cái-biết lãnh hội sai, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ hai [tà thức].

Tà thức có hai loại,

  1. tà thức hữu niệm; và
  2. tà thức vô niệm.

Một [tà thức hữu niệm] là ví dụ như ý niệm thấy âm thanh là vô thường.

Hai [tà thức vô niệm] là ví dụ như nhận thức giác quan[9] thấy một mặt trăng hiện thành hai, hay như nhận thức giác quan thấy núi tuyết hiện thành màu xanh.

Yếu tố tâm thức [tâm sở] tự lưỡng lự giữa hai chọn lựa bằng lực của chính mình, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ ba [nghi].

Ý thức đồng thời hiện hành với nghi tâm sở này và cảm thọ đi kèm với ý thức ấy tự chúng không lưỡng lự giữa hai chọn lựa bằng lực của chính mình, mà lưỡng lự là vì chi phối của nghi.

Nghi có ba loại,

  1. nghi hướng về nghĩa đúng;
  2. nghi hướng về nghĩa không đúng; và
  3. nghi đồng đều hai bên.

Một, [nghi hướng về nghĩa đúng] là giống như hoài nghi tự hỏi phải chăng âm thanh là vô thường.

Hai, [nghi hướng về nghĩa không đúng] là giống như hoài nghi tự hỏi phải chăng âm thanh là thường còn.

Ba, [nghi đồng đều hai bên] là giống như hoài nghi tự hỏi không biết âm thanh là thường còn hay vô thường.

Xác-định-thức tuy xác định đúng với nghĩa thật nhưng hư vọng trong lối xác định đối cảnh của mình, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ tư [giả định đúng].

Giả định đúng có năm loại,

  1. giả định đúng nhưng không lý do;
  2. giả định đúng nhưng lý do mâu thuẫn;
  3. giả định đúng nhưng lý do bất quyết;
  4. giả định đúng nhưng lý do không dùng được; và
  5. giả định đúng có lý nhưng không thấu đạt.

Tướng căn bản của loại giả định thứ nhất [giả định đúng nhưng không lý do] là giống như cái trí chỉ vì nghe nói “âm thanh là vô thường” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [tuy đúng nhưng không lý do] vì lời nói ấy tuy nêu lên mệnh đề “âm thanh là vô thường” nhưng không trình bày lý do vì sao âm thanh là vô thường.

Tướng căn bản của loại giả định thứ hai [giả định đúng nhưng lý do mâu thuẫn] là giống như cái trí dựa vào lý do “âm thanh không có khả năng tạo tác” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [tuy đúng nhưng lý do mâu thuẫn,] là vì “không có khả năng tạo tác” thì mâu thuẫn với “âm thanh.”

Tướng căn bản của loại giả định thứ ba [giả định đúng nhưng lý do bất quyết] là giống như cái trí dựa vào lý do “âm thanh là thứ có thể lượng biết” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [tuy đúng nhưng lý do bất quyết,] là vì lý do “là đối cảnh của sự lượng biết” không đủ để quyết định “âm thanh là vô thường.”

Tướng căn bản của loại giả định thứ tư [giả định đúng nhưng lý do không dùng được] là giống như cái trí dựa trên lý do “là cái thấy của nhãn thức” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” [lý do này không dùng được] vì lý do “là đối cảnh của nhãn thức” không thể dùng để thiết lập “âm thanh là vô thường.”

Tướng căn bản của loại giả định thứ năm [giả định đúng lý nhưng không thấu đạt] là giống như cái trí dựa trên lý do “âm thanh là thứ được tạo” mà nắm lấy nghĩa “âm thanh là vô thường,” và trí này nằm ở trong tâm của một người không có chánh lượng thấu đạt ý nghĩa âm thanh là vô thường. [Tuy đúng lý nhưng không thấu đạt] là vì mặc dù lý do “âm thanh là thứ được tạo” là chánh lý để thiết lập “âm thanh là vô thường,” nhưng người kia lại không thấu đạt chánh lý ấy.

Cái-biết kzhông điên đảo, đối cảnh tuy hiện rõ nhưng trí không xác quyết được trước đối cảnh của mình, đó là định nghĩa của phi lượng loại thứ năm [trí bất quyết].

Trí bất quyết chia ra có ba loại,

  1. giác quan hiện tiền;
  2. ý hiện tiền; và
  3. tự chứng phần hiện tiền.

Một [giác quan hiện tiền bất quyết] là giống như nhĩ thức tiếp âm thanh trong lúc nhãn thức đang mải mê với cảnh đẹp.

Hai [ý hiện tiền bất quyết] là giống như ý hiện lượng thấy năm đối cảnh của giác quan như sắc, thanh, đại loại…trong tâm của người phàm.

Ba [tự chứng phần hiện tiền bất quyết] là giống như tự chứng phần trong tâm của người phàm khi ý hiện lượng đang thấy năm đối cảnh của giác quan như là sắc, thanh đại loại.

[kl] Người, ngữ, chánh lượng

Nói chung, chủ thể có ba loại:

  1. người;
  2. ngữ; và
  3. chánh lượng.

Chủ thể chánh lượng có ba loại:

  1. chánh nhân;
  2. chánh ngữ; và
  3. chánh thức.

Chánh nhân là như đức bổn sư từ phụ [đức Phật Thích Ca].

Chánh Ngữ là như tứ đế pháp luân.

Chánh thức là như chánh hiện lượng hay chánh tỷ lượng.

6. [kl] Vô ngã

Sáu, cách tiếp nhận vô ngã.

Nhân vô ngã thô lậu là không có một cá nhân thường nhất chủ tể;

nhân vô ngã vi tế là không có một cá nhân tự lập có thực chất.

Phái này không chấp nhận có pháp vô ngã.

7. [kl] Về địa và đạo

Bảy, trình bày về chứng địa và chứng đạo.

Vì nói người tu thuộc ba chủng tánh [thanh văn, duyên giác và bồ tát] đều tích lũy công đức qua cả bốn hữu học đạo nên tông phái này chấp nhận thân sắc uẩn của Phật chính là Phật.

Cách trình bày về các chướng ngại và cách đi qua các chứng địa và chứng đạo vân vân… đều tương tự như cách trình bày của Hữu bộ.

III. [dt] DUY THỨC TÔNG [Cittamatra]

Hệ lập kiến thứ ba là Duy thức tông sẽ được giải thích qua bảy điểm như trước.

1. [dt] Định Nghĩa

Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến đại thừa, không chấp nhận có ngoại cảnh nhưng chấp nhận tự chứng phần là thật có, đó là định nghĩa của thuyết gia Duy thức tông.

Thuyết gia Duy thức tông [skt. Vijnaptivadin], thuyết gia Duy tâm tông [skt. Cittamatrin], và Du già hành [skt. Yogacarin] là cùng một nghĩa.

2. [dt] Phân loại

Duy thức tông có hai bộ phái,

  1. Thật tướng tông [Skt. Satyākāravādin]; và
  2. Giả tướng tông [alīkākāravādin].

Thuyết gia Duy thức Thật tướng tông được định nghĩa là người chủ trương thuyết Duy thức tông và chấp nhận rằng hiện lượng trong dòng tâm thức của người phàm khi thấy sắc thể thô lậu ở phần tướng hiện thì không bị tập khí vô minh làm cho ô nhiễm.

Thuyết gia Duy thức Giả tướng tông được định nghĩa là người chủ trương Duy thức tông và chấp nhận rằng hiện lượng trong dòng tâm thức của người phàm khi thấy sắc thể thô lậu ở phần tướng hiện thì bị tập khí vô minh làm cho ô nhiễm.

Duy thức Thật tướng tông có ba bộ phái,

  1. chủ thể và đối tượng đồng số lượng;
  2. quả trứng bổ đôi; và
  3. phi đa loại.

Mỗi bộ phái đều có cách tiếp nhận riêng

Gọi là chủ thể và đối tượng đồng số lượng, vì thuyết này cho rằng khi nhãn thức thấy những đốm màu trên cánh bướm thì từ phía đối cảnh đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau xuất ra và, ứng theo đó, từ phía chủ thể đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau khởi sinh dưới dạng có đặc tướng.

Gọi là quả trứng bổ đôi vì thuyết này chấp nhận rằng khi nhãn thức thấy những đốm màu trên cánh bướm thì từ phía đối cảnh đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau xuất ra và, ứng theo đó, từ phía chủ thể đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau khởi sinh dưới dạng vô đặc tướng.

Gọi là phi đa loại vì thuyết này chấp nhận rằng khi nhãn thức thấy những đốm màu trên cánh bướm thì phía đối cảnh không xuất ra đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau mà chỉ xuất ra tổng tướng, còn phía chủ thể thì đặc tướng của từng màu xanh vàng đủ loại khác nhau không khởi sinh mà có tổng tướng khởi sinh dưới dạng vô đặc tướng.

Duy thức Giả tướng tông có hai bộ phái,

giả tướng có ô nhiễm; và

giả tướng không ô nhiễm.

3. [dt] Từ Nguyên

Ba, vì sao gọi là ‘Duy thức tông’?

Vì chư vị khẳng định mọi sự vật chỉ đơn thuần là tánh của thức, hay gọi là “Duy tâm tông’ vì chư vị cho rằng mọi sự chỉ đơn thuần là tánh của tâm.

4. [dt] Đối Cảnh

Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.

Đối tượng của sự biết [sở tri] có hai loại,

  1. thắng nghĩa đế; và
  2. thế tục đế.

Thắng nghĩa đế được định nghĩa là đối tượng chứng đắc của chánh hiện lượng trực tiếp chứng biết cảnh ấy bằng sự tịch lặn tướng nhị biên.

Thắng nghĩa đế và pháp tánh [skt. dharmata], pháp giới [skt. dharmadhatu], và trú xứ cứu cánh là cùng một nghĩa.

Thắng nghĩa đế nếu phân ra có hai loại,

  1. nhân vô ngã vi tế; và
  2. pháp vô ngã vi tế.

Pháp vô ngã vi tế nếu chia theo nền tảng của tánh không thì có 20 loại, quy nạp thành 18, thành 16, hay thành 4, vân vân…

Tướng căn bản của pháp vô ngã vi tế là ví dụ như tánh không là không có thực chất khác nhau giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy, hay như tánh không là lấy cái sắc không có qua tự tướng làm nền tảng lập danh cho chữ “sắc.”

Tướng căn bản của nhân vô ngã vi tế là ví dụ như tánh không là không có một cá nhân tự lập có thực chất.

Thế tục đế được định nghĩa là đối cảnh chứng đắc do chánh hiện lượng trực tiếp chứng biết cảnh ấy bằng sự đi cùng với tướng nhị biên.

Thế tục đế bao gồm hai loại hiện tượng,

  1. tùy thuộc; và
  2. giả lập.

Thế tục đế loại hiện tượng tùy thuộc là đồng nghĩa với pháp hữu vi.

Thế tục đế loại hiện tượng giả lập và những pháp vô vingoài thắng nghĩa đế là cùng một nghĩa.

[Tông phái này] khẳng định rằng mọi sự vật là điểm gặp[10] của thật có và giả tướng, mọi pháp tánh là điểm gặp của thật có và thật tướng, và mọi pháp vô vi ngoài pháp tánh là điểm gặp của giả có và giả tướng.

Pháp tánh nhất thiết phải là phủ định phi khẳng định. Còn tướng căn bản của những loại phủ định phi khẳng định khác thì [tông phái này nói] tương tự như Kinh lượng bộ.

Năm đối cảnh như là sắc, thanh, vân vân… đều dựa trên tập khí của cộng nghiệp và biệt nghiệp lưu ký trên a lại da thức mà sinh ra từ thực chất của nội thức chứ không phải là đối cảnh được thiết lập ở bên ngoài.

Theo Thật tướng tông thì năm đối cảnh như sắc thanh đại loại, tuy không phải là vật có từ ngoại cảnh nhưng vẫn được xem là có ở dạng thô.

Theo Giả tướng tông thì năm đối cảnh như sắc thanh đại loại…không phải là vật thô, vì nếu là vật thô thì nhất định phải có ở ngoại cảnh.

5. [dt] Chủ Thể

Năm, cách tiếp nhận đối cảnh, chư t huyết gia Thật tướng tông khẳng định tâm thức có 8: ngoài 6 thức của các hệ lập kiến khác ra còn có thêm a lại da thức và nhiễm ý [mạt na thức], cộng lại là tám.

A lại da thức và nhiễm ý đều có tướng căn bản riêng.

A lại da thức khác với nhóm sáu thức kia, không lấy ngũ căn làm duyên chính [tăng thượng duyên].

Nhiễm ý thì cảnh của nó là a lại da thức, tướng của nó là chấp có một cá nhân tự lập có thực chất.

Thuyết này xác định A lại da thức là tướng căn bản của một cá nhân chứa nghiệp và nghiệp quả.

Còn Giả tướng tông chấp nhận có sáu thức và thiết lập ý thức đơn thuần làm tướng căn bản của một cá nhân chứa nghiệp và nghiệp quả.

Trí biết được chấp nhận là có hai loại,

  1. chánh lượng; và
  2. phi lượng.

Chánh lượng được xem là có hai loại,

  1. chánh hiện lượng; và
  2. chánh tỷ lượng.

Hiện lượng có bốn loại, trong đó

– tự chứng phần hiện lượng và du già hiện lượng nhất thiết đều là nhận thức không điên đảo;

– giác quan hiện lượng trong tâm người phàm nhất thiết đều là nhận thức điên đảo;

– còn ý hiện lượng trong tâm người phàm thì có thứ điên đảo, có thứ không điên đảo.

Hiện lượng không nhất thiết phải là chánh hiện lượng vì tâm người phàm tuy có ý hiện lượng thấy hình sắc nhưng lại không có ý chánh hiện lượng thấy hình sắc. Đó là vì ở trong tâm người phàm ấy, dù là tự chứng phần biết ý hiện lượng thấy hình sắc hay giác quan hiện lượng thấy hình sắc ở sát na thứ hai đều không phải là chánh hiện lượng.

Du già hiện lượng có bốn,

  1. du già hiện lượng trực chứng vô thường vi tế;

2-4. du già hiện lượng trực chứng nhân vô ngã vi tế; nhân vô ngã thô lậu; và pháp vô ngã.

Chánh tỷ lượng nhất thiết phải là khái niệm, [nhưng] tỷ lượng của pháp nào thì không nhất thiết phải là khái niệm của pháp ấy. Ví dụ như tỷ lượng chứng âm thanh vô thường, mặc dù là tỷ lượng của “không có âm thanh thường hằng” nhưng lại không phải là khái niệm của điều ấy. Đó là vì nếu đúng là khái niệm của pháp nào thì đặc tướng của pháp ấy nhất thiết phải hiện, nhưng với tỷ lượng chứng biết “âm thanh vô thường” thì đặc tướng của sự “không có âm thanh thường hằng” không hiện, nên đây không phải là chứng ngộ trực tiếp, chỉ là nhờ trực tiếp chứng “âm thanh vô thường” mà gián tiếp chứng được sự “không có âm thanh thường hằng.”

6. [dt] Vô ngã

Sáu, cách nhìn về vô ngã.

Tướng căn bản của vô ngã thô lậu và vô ngã vi tế được thiết lập tương tự như các tông phái Trung quán tự lập trở xuống.

Tướng căn bản của pháp vô ngã là ví dụ như tánh không là không có thực chất khác biệt giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy.

7. [dt] Về địa và đạo

Bảy, Trình bày về chứng địa và chứng đạo gồm có hai phần,

  1. đối tượng cần xả bỏ; và
  2. nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.

7a. [dt] Đối Tượng Cần Xả Bỏ

Một, khái niệm chấp nhân ngã và chủng tử, đi kèm với tam độc và chủng tử từ đó phát sinh được xem là phiền não chướng;

khái niệm chấp thật có và chủng tử, đi kèm với tập khí và mọi vọng cảnh nhị biên từ đó phát sinh được chấp nhận là trí chướng.

7b. [dt] Nội dung chính của chứng địa chứng đạo

Hai, [trình bày nội dung chính của chứng địa chứng đạo].

Người thuộc chủng tánh thanh văn vì để tự lợi, phối hợp tri kiến chứng nhân vô ngã với lượng công đức nhỏ.

Người thuộc chủng tánh duyên giác vì để tự lợi, phối hợp tri kiến chứng nhân vô ngã với lượng công đức vừa; và tu tập trong thời gian tối thiểu là ba đời, hay một trăm đời vân vân, thành tựu quả bồ đề tương ứng.

Bồ tát phối hợp tri kiến chứng sự “không có thực chất khác biệt giữa cái thấy và cái được thấy [kiến phần và tướng phần],” với lượng công đức lớn tích lũy vì lợi tha, tu tập trong thời gian dài ba lần vô lượng kiếp hay nhiều hơn, làm cho hiện tiền quả bồ đề tương ứng.

Chư vị thuộc Thật tướng tông nói rằng chư thanh văn A la hán và duyên giác A la hán khi nhập vô dư niết bàn thì dòng tâm thức của chư vị sẽ đoạn diệt, và cũng nói rằng dòng tâm thức của đức Phật thì không thể nào đoạn diệt, bởi vì bồ tát khi vừa mới thành Phật, ngay từ đầu tại Sắc cứu cánh thiên[11] đã có báo thân, luân hồi chưa trống thì dòng tâm thức đồng tướng với báo thân này cũng chưa đoạn diệt, vì lợi tha mà thị hiện đủ loại hóa thân thích ứng với căn duyên của từng người cần được giáo hóa. Chủng tánh của ba cỗ xe khác biệt này là cố định, vì [tông phái này] cho rằng chúng sinh từ vô thủy vốn đã thuộc về ba chủng tánh với ba căn địa khác nhau, vì vậy mà có ba loại tâm địa khác nhau, dẫn tới ba đường tu và ba chứng quả khác nhau.

Chư vị thuộc Giả tướng tông không chấp nhận rằng dòng tâm thức của thanh văn A la hán và duyên giác A la hán sẽ đoạn diệt khi nhập vô dư niết bàn, vì chư vị mặc dù chấp nhận rằng dòng nhận thức đơn thuần thuộc phạm vi của khổ đế và tập đế sẽ đoạn diệt khi ấy, nhưng cũng chấp nhận rằng dòng nhận thức đơn thuần sẽ đi đến đến tận Phật địa. Do đó tông phái này chủ trương chỉ có duy nhất một cỗ xe cứu cánh.

[tq] TRUNG QUÁN TÔNG [Madhyamaka, hay Nihsvabhava – Vô Tánh Tông]

Hệ lập kiến thứ tư là Trung quán tông sẽ được giải thích qua định nghĩa, phân loại, giải nghĩa.

1. [tq] Định nghĩa

Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến đại thừa và không chấp nhận sự-vật-thật-có dù là trên phương diện danh ngôn thế tục, đó là định nghĩa của thuyết gia Trung quán tông.

2. [tq] Phân Loại

Hai, Trung quán tông có hai bộ phái,

  1. Trung quán Tự lập phái [Skt. Svatantrika]; và
  2. Trung quán Ứng thành phái [Skt. Prasangika].

3. [tq] Giải nghĩa từng bộ phái

Ba, giải thích về Trung quán Tự lập phái và Trung quán Ứng thành phái.

[tqtl] TRUNG QUÁN TỰ LẬP PHÁI [Svatantrika]

Tông phái Trung quán thứ nhất là Tự lập phái sẽ được trình bày qua bảy điểm:

  1. định nghĩa;
  2. phân loại;
  3. từ nguyên;
  4. cách tiếp nhận đối cảnh;
  5. cách tiếp nhận chủ thể;
  6. cách tiếp nhận vô ngã; và
  7. trình bày về chứng địa chứng đạo.

1. [tqtl] Định Nghĩa

Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến Trung quán, không chấp nhận sự-vật-thật-có dù là trên phương diện danh ngôn thế tục bằng cách nêu lên luận lý tự lập[12], đó là định nghĩa của thuyết gia Tự lập phái.

Thuyết gia Trung quán Tự lập phái và thuyết gia Trung quán chủ trương có-tự-tánh là cùng một nghĩa.

2. [tqtl] Phân loại

Hai, Trung quán Tự lập phái có hai bộ phái,

  1. Kinh lượng Trung quán Tự lập phái; và
  2. Du già Trung quán Tự lập phái.

Thuyết gia Kinh lượng Tự lập phái được định nghĩa là thuyết gia Trung quán nói về cảnh danh ngôn thế tục phần lớn giống cách trình bày của Kinh lượng bộ.

Thuyết gia Trung quán Du già Tự lập phái được định nghĩa là thuyết gia Trung quán nói về cảnh danh ngôn thế tục phần lớn giống cách trình bày của Duy thức tông.

Thuyết gia Trung quán Kinh lượng Tự lập phái là ví dụ như chư vị Thanh biện[13] và Trí tạng[14]

Thuyết gia Trung quán Du già Tự lập phái là ví dụ như chư đại sư Thiện hải tịch hộ[15], Sư tử hiền[16] và Liên hoa giới[17]

3. [tqtl] Từ Nguyên

Ba, gọi ngài Thanh biện là thuyết gia Trung quán Tự lập phái là có nguyên do. Gọi như vậy là vì ngài là thuyết gia Trung quán tông chấp nhận luận lý tự lập.

4. [tqtl] Đối Cảnh

Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.

Hiện hữu có tự tướng, hiện hữu từ phía mình, và hiện hữu có tự tánh là cùng một nghĩa.

Không gian vô vi, diệt đế, quá khứ và tương lai, và nhân vô ngã vi tế đều vừa là phủ định phi khẳng định, vừa là thế tục đế.

Thắng nghĩa đế, pháp tánh, và pháp vô ngã vi tế là cùng một nghĩa.

Trung quán Kinh lượng Tự lập phái khẳng định rằng năm đối cảnh của giác quan như sắc, thanh đại loại… là không cùng thực chất với tâm thức mà là ngoại vật thô lậu cấu thành từ những phân tử vật lý cực vi bất khả phân.

Trung quán Du già Tự lập phái khẳng định rằng năm đối cảnh của giác quan như sắc, thanh, đại loại… là cùng thực chất với tâm thức nhận biết chúng.

5. [tqtl] Chủ Thể

Năm, chư thuyết gia Tự lập phái chấp nhận ý thức là tướng căn bản của một cá nhân, và chấp nhận có sáu thức.

Trí biết có hai loại,

  1. chánh lượng; và
  2. phi lượng.

Chánh lượng có hai loại,

  1. Chánh hiện lượng; và
  2. Chánh tỷ lượng.

Trung quán Kinh lượng Tự lập phái không chấp nhận có tự chứng phần hiện lượng.

Còn Trung quán Du già Tự lập phái thì chấp nhận cả bốn loại hiện lượng, trong đó tự chứng phần hiện lượng và du già hiện lượng nhất thiết phải là nhận thức không điên đảo, hai hiện lượng còn lại [giác quan hiện lượng và ý hiện lượng] thì có thứ điên đảo, có thứ không điên đảo.

Kinh lượng bộ, Duy thức tông và Trung quán Tự lập phái đều khẳng định rằng:

– hiện lượng thì nhất thiết phải ly niệm;

– thức đi sau thì nhất thiết phải là phi lượng;

– thức điên đảo trước xác-định-cảnh của mình thì nhất thiết phải là tà thức.

– đã là tà thức của điều gì thì nhất định không phải là chánh lượng của điều ấy;

– đã là tỷ lượng [của cảnh hiện nào] thì nhất thiết không phải là chánh lượng của cảnh hiện ấy, đại loại như vậy.

6. [tqtl] Vô ngã

Nhân vô ngã thô lậu được nhận là không có một cá nhân thường nhất chủ tể và

Nhân vô ngã vi tế là không có một cá nhân tự lập có thực chất.

Pháp vô ngã thô lậu được chấp nhận là không có thực chất khác biệt giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy, và

Pháp vô ngã vi tế được chấp nhận là các pháp nhất thiết không thật có.

Hai loại vô ngã được phân biệt qua đối tượng phủ định chứ không qua nền tảng của tánh không, là vì xét trên nền tảng của một cá nhân mà phá đi đối tượng phủ định là sự thật-có thì đó là pháp vô ngã vi tế; xét trên nền tảng của một cá nhân mà phá đi đối tượng phủ định là sự tự lập có thực chất thì đó là nhân vô ngã vi tế.

Hai loại ngã chấp được phân biệt qua cách chấp chứ không qua chỗ chấp, vì nhìn vào nền tảng một cá nhân mà chấp cá nhân ấy là thật có thì đó là chấp pháp ngã, và nhìn vào nền tảng một cá nhân mà chấp cá nhân ấy là tự lập có thực chất thì đó là chấp nhân ngã.

7. [tqtl] Về địa và đạo

Bảy, theo Trung quán Du già Tự lập phái, nét đặc thù của người tu ba ba cỗ xe được thiết lập từ ba loại chướng khác nhau—là đối tượng chính cần xả, và từ ba loại tri kiến khác nhau—là đối tượng chính cần tu.

Người thuộc chủng tánh thanh văn lấy niệm chấp có hiện hữu tự lập có thực chất cùng mọi thứ đi kèm làm đối tượng chính cần bỏ, lấy thuốc đối trị là tri kiến chứng sự không có một cá nhân tự lập có thực chất làm đối tượng chính cần tu, đạt quả tiểu bồ đề.

Người thuộc chủng tánh duyên giác, lấy niệm chấp vào thực chất khác biệt giữa sắc và chánh lượng thấy sắc ấy làm đối tượng chính cần bỏ; lấy thuốc đối trị là tri kiến chứng sự không có thực chất khác biệt giữa cái thấy và cái được thấy làm đối tượng chính cần tu; đạt quả bồ đề bậc trung.

Bồ tát lấy niệm chấp thật có cùng tập khí đi kèm làm đối tượng chính cần bỏ, lấy thuốc đối trị là tri kiến chứng vạn pháp hết thảy đều không thật có làm đối tượng chính cần tu, đạt quả đại bồ đề.

Theo Trung quán Kinh lượng Tự lập phái, giữa thanh văn và duyên giác không có sự khác biệt ở đối tượng chính cần bỏ hay ở đối tượng chính cần tu, là vì cả hai đều lấy phiền não làm đối tượng chính cần bỏ, và đều lấy nhân vô ngã làm đối tượng chính cần tu.

Tuy vậy, hai cỗ xe này quả tu cao thấp khác nhau là có lý do: vì lượng công đức nhiều ít khác nhau và thời gian tu dài ngắn khác nhau.

Tương tự như Duy thức, [tông phái này cho rằng] kinh Phật có hai loại là kinh đại thừa và kinh tiểu thừa, và cũng phân thành hai phần là kinh nghĩa thật và kinh nghĩa tạm. nhưng lại không nói giống nhau về tướng căn bản. Duy thức tông cho rằng hai thời kỳ chuyển pháp luân trước là kinh nghĩa tạm, thời kỳ chuyển pháp luân cuối là kinh nghĩa thật, còn ở đây lại nói hai thời kỳ chuyển pháp luân đầu và cuối là kinh nghĩa tạm, thời kỳ chuyển pháp luân giữa nghĩa thật và nghĩa tạm đều có, ấy là vì [ đối với tông phái này] kinh nào đối tượng phủ định ứng với thắng nghĩa thì được xem là kinh nghĩa thật, không ứng với thắng nghĩa thì được xem là kinh nghĩa tạm.

[tqut] TRUNG QUÁN ỨNG THÀNH PHÁI [Prasangika]

Tông phái Trung quán thứ hai, là Ứng thành phái, sẽ được giải thích qua bảy phần như cũ.

1. [tqut] Định Nghĩa

Một, người tuyên thuyết hệ lập kiến Trung quán, không chấp nhận sự-vật-thật-có dù là trên phương diện danh ngôn thế tục, bằng cách đơn giản khẳng định hệ quả ứng với những gì đối phương đã biết, đó là định nghĩa của thuyết gia Trung quán Ứng thành phái.

2. [tqut] Phân loại

Hai, [Trung quán Ứng thành phái] là ví dụ như chư vị A xà lê Phật hộ, Nguyệt xứng, và Tịch thiên.

3. [tqut] Từ Nguyên

Ba, gọi A xà lê Phật hộ là Trung quán Ứng thành phái là có lý do. Gọi như vậy vì ngài Phật hộ cho rằng chỉ cần luận pháp hệ quả [phi lý] thôi là đủ cho đối phương phát sinh tỷ lượng chứng đắc mệnh-đề-tôn.

4. [tqut] Đối Cảnh

Bốn, nói về cách tiếp nhận đối cảnh.

Đối cảnh có hai loại,

  1. ẩn mật và
  2. hiện tiền.

Đối cảnh nào cần phải suy lý mới có thể chứng biết thì gọi là cảnh ẩn mật. Đối cảnh nào không cần suy lý, chỉ nhờ vào lực thường nghiệm của người phàm là có thể biết chắc thì gọi là cảnh hiện tiền.

Tướng căn bản của cảnh ẩn mật là ví dụ như sự vô thường của âm thanh, và sự không có âm thanh thật có. Tướng căn bản của cảnh hiện tiền là ví dụ như cái bình hay tấm vải len.

Hiện cảnh[18] và cảnh hiện tiền[19] là cùng một nghĩa.

Cảnh cũng có thể chia làm hai loại,

  1. thế tục đế; và
  2. thắng nghĩa đế.

Một, những gì được tìm thấy bởi chánh lượng quán chiếu danh ngôn thế tục và làm cho chánh lượng quán chiếu danh ngôn thế tục trở thành chánh lượng quán chiếu danh ngôn thế tục, đó là định nghĩa của thế tục đế.

Chia thế tục đế ra thành hai loại thật và hư là không hợp lý, vì không làm gì có thế tục đế thật. Bởi vì đã là thế tục đế thì nhất định không phải là thật, đã là thế tục đế thì nhất định phải là hư ảo.

Nhìn từ phương diện nhận thức thế gian thì chia thế tục đế ra thành hai loại thật và hư là hợp lý, vì xét theo nhận thức thế gian thì hình sắc là thật, và xét theo nhận thức thế gian thì hình ảnh của khuôn mặt hiện trong gương là hư ảo.

Là thật đối với nhận thức thế gian không nhất thiết phải là thật có, vì sắc là thật [nhưng không thật có].

Hai, những gì được tìm thấy bởi chánh lượng quán chiếu cảnh cứu cánh, và làm cho chánh lượng quán chiếu cảnh cứu cánh trở thành chánh lượng quán chiếu cảnh cứu cánh, đó là định nghĩa của thắng nghĩa đế.

Cách phân loại tương tự như Duy thức tông, và ở đây khẳng định rằng diệt đế nhất thiết đều là thắng nghĩa đế.

5. [tqut] Chủ Thể

Năm, cách tiếp nhận chủ thể.

Cái ngã đơn thuần giả lập trên ngũ uẩn được nhận là tướng căn bản của một cá nhân, và nhất thiết đều là bất tương ưng hành pháp[20]

Trí biết có hai loại, chánh lượng và phi lượng.

Chánh lượng có hai loại, chánh hiện lượng và chánh tỷ lượng.

[Tông phái này] không chấp nhận có tự chứng phần hiện lượng, và nói rằng nhận thức giác quan trong dòng tâm thức của chúng sinh nhất thiết đều phải là nhận thức điên đảo, còn ý thức và du già hiện lượng thì có thứ điên đảo, có thứ không điên đảo.

Chánh hiện lượng có hai loại,

  1. chánh hiện lượng hữu niệm; và
  2. chánh hiện lượng vô niệm.

Tướng căn bản của loại thứ nhất [chánh hiện lượng hữu niệm] là ví dụ như sát na thứ hai của tỷ lượng chứng biết âm thanh vô thường, hay như hồi ức nhớ lại đúng nghĩa màu xanh khởi sinh từ giác quan hiện lượng thấy màu xanh.

Hai, tướng căn bản của loại thứ hai [chánh hiện lượng vô niệm] là ví dụ như giác quan hiện lượng thấy hình sắc.

Là chánh hiện lượng thì không nhất thiết phải là cảnh hiện tiền, vì du già hiện lượng đều không phải là cảnh hiện tiền. Đó là vì hiện lượng[21] và cảnh hiện tiền[22] là cùng một nghĩa.

thức đi sau[23] [notes] thì nhất thiết phải là chánh hiện lượng.

Tỷ lượng chia ra có bốn loại,

  1. tỷ lượng suy ra từ sự việc;
  2. tỷ lượng suy ra từ danh tiếng;
  3. tỷ lượng suy ra từ ví dụ; và
  4. tỷ lượng suy ra từ sự tin.

Tỷ lượng suy ra từ danh tiếng và tỷ lượng suy ra từ ví dụ nhất thiết đều là tỷ lượng suy ra từ sự việc.

Là chánh lượng thì không nhất thiết phải là nhận thức không điên đảo đối với xác-định-cảnh của mình,[24] vì tỷ lượng chứng âm thanh vô thường là nhận thức điên đảo của âm thanh vô thường.

Là thức thì nhất thiết phải chứng biết đối-tượng-lượng-biết[25] của mình, vì khái niệm[26] sừng thỏ là đối-tượng-lượng-biết của ý niệm thấy sừng thỏ, và khái niệm âm thanh thường còn là đối tượng lượng biết của ý niệm thấy âm thanh thường còn.

6. [tqut] Vô ngã

Sáu, nói về cách tiếp nhận vô ngã.

Nhân vô ngã thô lậu được xem là không có một cá nhân tự lập có thực chất.

Nhân vô ngã vi tế được xem là không có một cá nhân thật có.

Sự không có thực chất khác biệt giữa vật thô tổ hợp của những phân tử bất khả phân và chánh lượng thấy vật thô ấy được thiết lập là pháp vô ngã thô lậu, và

Sự không có ngũ uẩn thật có làm nền tảng lập danh được thiết lập là pháp vô ngã vi tế.

Hai loại vô ngã được phân biệt qua nền tảng của tánh không chứ không qua đối tượng phủ định. Lấy nền tảng là một cá nhân mà bác bỏ đối tượng phủ định là sự thật-có thì đó là nhân vô ngã vi tế. Lấy nền tảng là ngũ uẩn các thứ mà bác bỏ đối tượng phủ định là sự thật-có thì đó là pháp vô ngã vi tế.

Hai loại ngã chấp được phân biệt qua cảnh nhìn chứ không qua cách chấp. Nhìn vào nền tảng là nhân mà chấp là thật có thì đó là chấp nhân ngã vi tế. Nhìn vào nền tảng lập danh là ngũ uẩn các thứ mà chấp là thật có thì đó là chấp pháp ngã vi tế.

7. [tqut] Về địa và đạo

Bảy, trình bày về chứng địa và chứng đạo gồm có hai phần, đối tượng cần xả bỏ và nội dung chính của chứng địa và chứng đạo.

7a. [tqut] Đối Tượng Cần Xả Bỏ

Một, tất cả mọi khái niệm chấp ngã thô tế cùng chủng tử của chúng, kèm với mọi phiền não tham sân các thứ cùng chủng tử của chúng từ đó phát sinh được khẳng định là phiền não chướng, chủ yếu tạo chướng ngại cho việc chứng đắc quả giải thoát.

Tập khí chấp thật có và mọi khía cạnh của vọng cảnh nhị biên từ đó phát sinh được khẳng định là trí chướng, chủ yếu tạo chướng ngại cho việc chứng đắc trí toàn giác.

7b. [tqut] Nội dung chính của chứng địa chứng đạo

Nói về tri kiến cần tu thì không có sự cao thấp khác biệt giữa ba cỗ xe, vì cỗ xe nào cũng đều lấy nhân vô ngã và pháp vô ngã thô lậu và vi tế làm đối tượng tu tập chính yếu.

Nhưng nếu nói về đối tượng chính cần xả bỏ thì có sự khác biệt. Chư thanh văn duyên giác lấy hai loại ngã chấp cùng chủng tử của chúng làm đối tượng chính cần xả bỏ, còn chư bồ tát thì lấy tập khí của chúng làm đối tượng chính cần xả bỏ.

Tánh như của sự xả bỏ hai loại ngã chấp cùng chủng tử của chúng trong dòng tâm thức của chư A la hán thanh văn và A la hán duyên giác khi nhập định là vô dư niết bàn, còn tánh như của sự xả bỏ hai loại ngã chấp cùng chủng tử của chúng trong dòng tâm thức của chư A la hán thanh văn và duyên giác khi xuất định là hữu dư niết bàn.

Người nào ngay từ đầu đã thuộc về chủng tánh đại thừa chánh định tụ thì lúc xả bỏ phiền não chướng là đồng thời chứng đắc địa thứ tám, và lúc xả bỏ trí chướng là đồng thời hiện chứng bốn thân Phật.


[1] tiếng Tạng gọi là Duy tâm tông.

[2] tiếng Tạng gọi là Vô tánh tông.

[3] Một cá nhân, phạn: pudgala; tạng: གང་ཟག། ứng với chữ “nhân”, như trong nhân vô ngã. Có nơi dịch là bổ đặc dà la, theo hán âm.

[4] Tạng: བློ། g ứng với khả năng thấy biết, từ trí thông minh phàm phu cho đến trí giác bồ đề.

[5] Sems kyi gns ngan len སེམས་ཀྱི་གནས་ངན་ལེན།

[6] Phạn: Jnana; Tạng: ཡེ་ཤེས།

[7] Zhen rig

[8] Là sớ giải của ngài Pháp Thượng [Dharmottara] giải thích về Lượng Quyết Định Luận của ngài Pháp Xứng [Dharmakirti].

[9] Snang pa’I dwang zhes །

[10] zhin ‘thun

[11] Tạng. ogmin

[12] Tạng. rang rgyud kyi rtags

[13] skt. Bhavaviveka, tib. Legs-ldan-‘byed

[14] skt. Jnanagarbha, tib. Ye-she-snying-po

[15] Phạn. Shantarakshita, tạng. shi-ba-‘tsho

[16] Phạn. Haribhadra, tạng. Seng-ge-bzang-po

[17] Phạn. Kamalashila, tib. Ka.ma.la.shi.la

[18] mngon sum: nghĩa là hiện tiền, nhưng cùng một gốc tạng ngữ này mà ứng với cả ba nghĩa hiện cảnh, hiện kiến, và hiện lượng.

[19] mngon gyur

[20]  không phải là tâm thức cũng không phải là vật thể.

[21] Tạng. mngon sum

[22] Tạng. mngon gyur

[23] Thức ở sát na thứ hai.

[24] Tạng. རང་གི་ཞེན་ཡུལ

[25] Tạng གཞལ་བྱ་, tiếng Việt còn gọi là sở lượng.

[26] Tạng. དོན་སྤྱི་, còn gọi là cộng nghĩa.

image_pdfimage_print