Lama Tsongkhapa: NGUYỆN ĐẦU, GIỮA, CUỐI THUẦN THIỆN

NGUYỆN ĐẦU, GIỮA, CUỐI THUẦN THIỆN
– Tựa đề tiếng Tạng:  ཐོག་མ་དང་བར་དང་ཐ་མར་དགེ་བའི་སྨོན་ལམ།། 
– Tựa đề tiếng Anh (English Title): A Prayer For The Beginning, Middle, And End Of Practice
– Tác Giả (Author):
Lama Tông Khách Ba (sơ tổ dòng Gelug)
– Việt ngữ: Hồng Như – bản dịch 2020, nhuận văn 2021.

Đảnh lễ mười phương Phật đà, bồ tát, cùng thánh chúng tùy tùng.

1) Vì muốn đưa vô lượng / chúng sinh vượt sinh tử,
Tôi khởi tâm trong sáng / dâng vô tận nguyện lành.
Nương lực không mê lầm / của Tam bảo quý hiếm, / và của Đại Chân Thánh
Nguyện cho chân ngữ này / đều trở thành sự thật.

2) Mọi đời kiếp về sau
Nguyện có được thân người / ung dung và sung mãn
Nguyện ác đạo hung hiểm
Không còn phải đọa sanh.

3) Nguyện từ khi sinh ra / mọi phúc lạc thế gian
Đều không từng dính mắc. / Vì muốn vượt sinh tử
Nên với tâm cầu thoát
Nỗ lực không buông lơi / gắng tìm đời thanh tịnh.

4) Khi đến lúc xuất gia / nguyện hết thảy bạn bè
Thân nhân, và tài sản / đều không gây trở ngại,
Có được mọi thuận duyên,
Tâm nghĩ đến điều gì / liền được y như vậy.

5) Sau khi xuất gia rồi, / bao giờ còn mạng sống,
Nguyện y như lời hứa / trước đạo sư truyền giới
Hết thảy mọi lỗi lầm / phá giới hay phạm nghiệp
Đều giữ không để cho / phải vấy bẩn bao giờ.

6) Nương vào tịnh hạnh này, / Đại thừa có bao nhiêu
Giáo pháp quảng và thâm, / tôi vì mẹ nhiều đời,
Khó nhọc chẳng từ nan / hàng vô lượng đại kiếp,
Nguyện tu đầy đủ cả.

7) Bậc chân sư thắng diệu, / đầy trí học trí chứng,
Căn tịnh, ý rất thuần, / và rất mực từ bi,
Dũng mãnh vì lợi người / không hề biết chán mệt:
Nguyện được Thầy như vậy / theo chăm sóc giữ gìn.

8) Như bồ tát Thường-Khóc / nương vào thầy Pháp Thánh,
Nguyện tôi không lay động / mang thân, mạng, tài sản,
Khéo làm vui lòng Thầy,
Nguyện dù chỉ phút giây / cũng không làm trái ý.

9) Cảnh giới của Trí độ / sâu, tịnh, thoát niệm khởi,
Không hề bị ô nhiễm / bởi nước bẩn tà kiến.
Cảnh này đức Thường-Khóc / từng được dạy thế nào,
Nay tôi cũng nguyện xin / được dạy y như vậy.

10) Những đạo sư bất thiện / cùng bằng hữu xấu ác
Dạy cho loại tri kiến / chấp có và chấp không,
Làm lìa xa ý Phật: / nguyện tôi không bao giờ
Rơi vào tầm chi phối / của thứ thầy bạn này.

11) Nguyện dương cao cánh buồm / của đại nguyện sáng trong,
Thổi căng bằng ngọn gió / tinh tấn không lơi nghỉ,
Khéo buộc chắc con thuyền / của văn, tư, và tu,
Nguyện đưa khắp chúng sinh / vượt biển rộng sinh tử.

12) Học rộng, bố thí nhiều,
Giới sạch, tuệ quán tăng,
Nguyện cho tâm này đây / được bao nhiêu tăng trưởng,
Thì kiêu căng ngạo mạn / càng xa rời bấy nhiêu.

13) Tự nương vào năng lực / của luận lý thuần tịnh,
Xẻ ý nghĩa lời Phật / đúng như là sự thật,
Nguyện gần bậc trí giả
Nghe vô lượng Pháp âm / không từng thấy no đủ.

14) Những gì nghe được rồi / nguyện ngày đêm chính xác
Dùng luận lý bốn nhánh / quán sát thật tận tường,
An trú nơi đề mục / rồi từ đó sinh ra
Phân biệt trí, nhờ đó / đoạn lìa mọi nghi hoặc.

15) Bao giờ từ trong tâm / khởi được niềm xác quyết
nơi giáo pháp thậm thâm,
Khi ấy nguyện dốc tâm / đoạn lìa mọi hệ lụy,
Về trú nơi thanh vắng / tu đúng theo pháp hành.

16) Nhờ văn tư và tu / mà tinh túy ý Phật
Hiện rõ trong tâm trí. / Khi ấy xin nguyện cho
Tâm không trú sinh tử, / tham dính cảnh đời này,
Cũng không trú niết bàn, / cầu an lạc cá nhân.

17) Mọi sở hữu tôi đây, / tiền tài của cải này,
Nguyện không hề chấp bám, / diệt sạch tâm bỏn xẻn.
Trước tiên thu nhiếp người / bằng cách cho tài vật,
Rồi sau đó làm cho / họ vui với chánh pháp.

18) Vì tâm cầu giải thoát / hướng đến quả bồ đề,
Nên mọi giới đã thọ / thậm chí một giới nhỏ,
Cho dù mất mạng sống / cũng quyết không từ bỏ,
Nhờ đó luôn phất cao / ngọn tràng phang giải thoát

19) Đối với chúng sinh nào / đánh đập bêu xấu tôi,
Bao giờ thấy, hay nghe, / hay là nhớ đến họ,
Nguyện không hề nổi giận, / ngược lại cất lời khen
Những việc tốt họ làm. / Nguyện quán về hạnh nhẫn.

20) Pháp khó tu chưa đắc / thì nguyện cho chứng đắc.
Đã đắc thì nguyện cho / càng lúc càng tăng trưởng.
Cả ba loại biếng lười / khiến cho tâm suy giảm,
Nguyện triệt bỏ tất cả, / siêng tu hạnh tinh tấn.

21) Tịnh chỉ lìa tuệ quán / không thể nào diệt được / tâm chấp bám sinh tử,
Thiếu đại bi tưới tẩm / không thể nào diệt được / tâm chấp bám niết bàn,
Những pháp thiền như vậy / hầu như chỉ có thể / ném ta vào sinh tử:
Nguyện bỏ loại định này, / xin tu định hợp nhất.

22) Bởi khiếp sợ ý nghĩa / của chân tánh thâm sâu
Nên động niệm chấp không, / cho đó là tối thắng:
Loại tà kiến như vậy, / nguyện triệt bỏ rốt ráo
Để chứng biết vạn pháp / từ đầu vốn là không.

23) Đập vỡ giới thanh tịnh / mà chẳng hề hổ thẹn,
Làm việc chư Thánh chê, / mà chẳng chút âu lo,
Loại sa môn giới hạnh / thát loạn như thế này,
Nguyện tôi đưa họ về / với giới hạnh không lỗi.

24) Lỡ lạc mất chánh đạo, / sa chân vào tà đạo
Vì chịu sự chi phối / của Thầy bạn hư xấu,
Hết những người như vậy, / nguyện tôi rất dễ dàng
đặt họ vào con đường / mà chư Phật tán dương.

25) Với tiếng gầm sư tử / của giảng, biện, soạn tác,
Trấn áp lời xảo biện / của loài chồn luận sư,
Qui tụ người tâm thuần / về dưới bóng chở che,
Nguyện gìn giữ tràng phang / của chánh pháp không giảm.

26) Nguyện dù sinh ở đâu, / cũng đều được thỏa thuê
Uống cam lồ lời Phật. / Nguyện sanh nhà dòng dõi,
Tướng đẹp, mạng giàu sang, / đầy tự tại, trí tuệ,
Sống lâu, không tật bệnh / được an vui hạnh phúc.

27) Có những người thường luôn / rắp tâm hãm hại tôi:
Hại thân thể, tánh mạng, / xâm phạm cả tài sản,
Hay buông lời lăng nhục. / Với những người như vậy,
Nguyện thương yêu người ấy / như tình thương của mẹ.

28) Nguyện cho tôi có thể / xả hết không ngăn ngại,
Quán thương người hơn mình / từ trong dòng tâm thức,
Tâm bồ đề phát khởi / thắng diệu và trong sáng,
Rồi từ đó cho ra / quả vô thượng bồ đề.

29) Lời cầu nguyện này đây, / người nào có thể thấy,
Nghe, hay nhớ trong tâm, / xin nguyện cho người ấy
Thành tựu được tất cả / mọi lời nguyện bồ tát,
Lớn lao như sóng cả, / không sót một nguyện nào.

30) Nương năng lực đọc tụng / lời nguyện rộng lớn này,
Bằng sức mạnh đại nguyện / thắng diệu và sáng trong,
Nguyện tôi được viên thành / mọi nguyện ba la mật,
Rồi toàn thành tất cả / ước nguyện của chúng sinh

Đó là lời của Je Tsongkhapa Losang Dragpa viết ra.


image_pdfimage_print