Dza Patrul Rinpoche: KHO TÀNG TÂM CỦA ĐẤNG GIÁC NGỘ

Tác Luận: Dza Patrul Rinpoche
CHÁNH VĂN: Công Phu Kiến, Tu và Hạnh
Còn có tên là: Bài Pháp Đầu, Giữa, Cuối Đều Thiện
Việt dịch: Hồng Như, bản hiệu đính tháng 09/2015.


Dza_Patrul_Rinpoche

1. Hồng âm một giọt
rơi vào tai ai,
pháp âm rót đầy
hàng vô lượng kiếp:
Tam Bảo nhiệm mầu,
nguyện ánh hồng danh
chở nguồn hạnh phúc
đến cho khắp cả.

2. Quả hồng mùa thu,
trong xanh, ngoài chín,
Tôi đây vỏ ngoài
thấy giống người tu,
nhưng tâm và pháp
bên trong chưa hòa
nên pháp thuyết ra
thật không có mấy.

3. Nhưng vì bạn hiền,
hết mực cầu xin,
không thể thoái thác,
nên xin nói ra
ít lời bộc trực,
không hợp thói thường
của thời mạt pháp,
tặng không dối gạt,
xin hãy khéo nghe.

4. Bậc Chân Hiền Thánh,
trên cả loài trời,
đắc chân thật địa
nhờ tu chân đạo,
chân thật hiển bày
chân đạo vô thượng
cho khắp chúng sinh,
bằng không sao gọi là
Chân Hiền Thánh?

5. Tiếc thay cho người
sống thời mạt pháp,
trực tâm héo tàn,
chỉ còn dối láo,
ý nghĩ vặn vọ,
lời nói quanh co,
khôn khéo lừa người,
ai tin cho được?

6. Than ôi! buồn thay
chúng sinh mạt pháp!
Than ôi! chẳng biết
tin vào nơi ai!
Như lạc giữa chốn
quỉ ăn thịt người,
Hãy suy nghĩ kỹ,
để tự cho mình
một ân huệ lớn.

7. Trước đây tâm mới
lang thang một mình,
bị gió nghiệp cuốn,
sanh vào hiện tại.
Rồi chẳng mấy chốc,
lại như sợi tóc
tuốt khỏi tảng bơ,
một mình lang thang,
bỏ lại tất cả.

8. Tự mình muốn tốt
ấy việc đương nhiên,
Vậy tự với mình,
đâu thể không thật:
không tự vì mình
đạt tinh túy pháp,
chẳng phải đã tự
hại đời mình sao?

9. Chúng sinh mạt pháp,
tâm hạnh xấu ác,
chẳng ai giúp ta,
chỉ toàn dối gạt;
muốn giúp cho người
cũng khó lắm thay!
tốt hơn bỏ hết
trò tất bậc này.

10. Phục dịch kẻ trên,
họ chẳng vừa ý;
chăm lo người dưới,
họ chẳng toại lòng;
giúp đỡ cho người,
người nào giúp mình.
Hãy suy nghĩ kỹ
để hạ quyết tâm.

11. Đời nay đa văn
chẳng lợi chánh pháp,
chỉ thêm tranh biện;
đời nay chứng ngộ
chẳng lợi chúng sinh,
chỉ thêm phê phán;
đời nay địa vị
chẳng giúp trị nước,
chỉ gieo nổi loạn.
Nghĩ chuyện đời nay,
tâm lại càng thêm
xót xa chán ngán.

12. Dù có giải thích
họ cũng không hiểu
và cũng chẳng tin;
dù mang tâm ý
chân thật vì người
họ vẫn thấy ngược.
Đời nay, kẻ méo
nhìn vào việc thẳng
chỉ thấy cong queo.
Chẳng thể giúp ai,
đừng nhiều kỳ vọng.

13. “Vạn pháp như huyễn,”
Phật dạy điều này.
Nhưng đến đời nay
lại càng hư huyễn
hơn bao giờ hết.
Ảo ảnh tạo ra
bởi nhà ảo thuật
ranh ma quỉ quái,
hãy nên thận trọng
với cảnh hư vọng
thời mạt pháp này.

14. “Ngôn từ chẳng qua
chỉ là tiếng vang,”
Phật dạy điều này.
nhưng đến đời nay
lại thành tiếng vang
của những tiếng vang.
Tiếng vang nói gì,
ý nghĩa chẳng hề
phù hợp với âm.
Thôi đừng bận tâm
âm vang quỉ quái.

15. Những kẻ con gặp,
nào phải là người,
toàn là kẻ bịp;
những lời con nghe,
nào phải chân thật,
toàn là dối láo.
Đời nay thật sự
chẳng có một ai
có thể tin vào.
Chi bằng một mình
ung dung tự tại.

16. Nếu việc con làm
thuận với chánh pháp,
họ sẽ chống con;
nếu lời con nói
thuận với sự thật,
họ sẽ hận con;
nếu tâm ý con
trong sáng hiền lành,
họ vẫn bươi lỗi.
Chính lúc này đây
con phải dấu kín
đường đi của mình.

17. Ẩn thân trên núi
hoang vu một mình;
ẩn khẩu bằng cách
quả giao, kiệm ngôn;
ẩn tâm bằng cách
lỗi mình luôn nhớ:
như vậy đúng nghĩa
du già ẩn tu.

18. Chán ngán là vì
chẳng thể tin ai;
buồn vì mọi sự
chỉ là vô nghĩa;
quyết tâm là vì
không đủ thời gian
đạt điều mình muốn:
ba điều nhớ đủ,
sẽ gặp sự lành.

19. Đâu có thời gian
để hưởng hạnh phúc,
chóng qua thế thôi;
đã không muốn khổ
thì dùng chánh pháp
để mà diệt khổ.
Dù vui hay khổ,
con ơi hãy biết
đó là nghiệp lực.
Từ nay về sau,
đối với mọi người,
đừng mong, đừng nghi.

20. Vì nhiều mong đợi
ở nơi người khác,
nên cứ phải cười;
vì nhiều nhu cầu
cho chính bản thân,
nên cứ phải lo;
toan tính trước sau,
trong tâm chứa đầy
mong đợi, e ngại:
Từ nay về sau,
bất kể thế nào,
hãy đừng như thế.

21. Dù chết hôm nay,
nào có gì buồn?
sinh tử luân hồi
vốn là như vậy.
Dù sống trăm năm,
nào có gì vui?
Tuổi trẻ từ lâu
đã không còn nữa.
Nay dù sống chết,
thử hỏi đời này
có gì hệ trọng?
Tu cho đời sau,
mới là trọng yếu.

22. Lạy Quan Thế Âm,
suối nguồn đại bi,
bổn sư từ hòa,
là chốn chở che
duy nhất của con.
Lục tự minh chú,
chân ngôn của Ngài,
chính là diệu pháp.
Từ nay về sau
con chỉ còn biết
trông mong nơi Ngài.

23. Hiểu được bao nhiêu,
chỉ toàn lý thuyết,
nào có ích chi!
làm được bao nhiêu,
đời này xài hết,
nào có ích chi!
nghĩ ngợi bao nhiêu,
chỉ toàn hư vọng,
nào có ích chi!
Nay đã đến lúc
ta phải làm điều
lợi ích thật sự:
trì Lục tự chú.

24. Chỗ nương duy nhất
không hề hư ngụy
chính là Tam Bảo.
Tinh túy duy nhất
ở nơi Tam Bảo,
là Quan Thế Âm.
Với niềm tin tưởng
không hề lay chuyển
nơi trí tuệ ngài:
chắc chắn, quyết tâm,
trì Lục tự chú.

25. Nền tảng Đại thừa
là tâm bồ đề,
là đường duy nhất
mà khắp chư Phật
đã từng đi qua.
Đừng bao giờ xa
đường tu cao quí
của tâm bồ đề,
hãy vì chúng sinh,
trì Lục Tự chú.

26. Trôi lăn luân hồi
kể từ vô thủy
cho đến ngày nay,
mọi việc đã làm
toàn là sai quấy,
càng khiến trầm luân.
Từ tận đáy lòng
phát lộ sám hối
lầm lỗi, đọa rơi
bằng bốn sám lực,
trì lục tự chú.

27. Vì chấp cái tôi,
nên chấp mọi thứ
– đây là nguyên nhân
trầm luân sinh tử.
Vậy hãy cúng dường
cho bậc giác giả
nơi cõi niết bàn;
và hãy bố thí
cho kẻ khốn cùng
ở trong sinh tử;
cho ra tất cả
– thân, của, công đức –
hồi hướng chúng sinh:
tham chấp ném xa,
trì Lục tự chú.

28. Ân sư tôn quí
là chân tánh Phật.
trong mười phương Phật,
ân sư là Phật
từ hòa bậc nhất.
Thấy rõ ân sư
cùng Quan Thế Âm
bất khả phân chia,
thiết tha hướng tâm,
trì Lục tự chú.

29. Giúp thanh tịnh chướng,
khai mở pháp hành,
thành tựu tứ thân,
Bốn pháp quán đảnh,
tinh túy chính là
Thầy Quan Thế Âm.
Chứng Thầy là Tâm
thì bốn quán đảnh
đều được viên thành:
Trong cõi tự thọ
quán đảnh vốn có,
trì Lục tự chú.

30. Luân hồi chỉ là
cái thấy của ta.
Nhận ra tất cả
đều là bổn tôn,
thì việc lợi tha
đều đã viên thành.
Chứng được tánh tịnh
của khắp vạn pháp,
là đồng loạt truyền
bốn pháp quán đảnh
cho khắp chúng sinh:
nạo vét cùng tận
đáy sâu sinh tử,
trì lục tự chú.

31. Tâm không thể gánh
tất cả pháp quán;
quán một Như lai,
là quán đủ cả.
Mọi cảnh hiện ra,
đều là sắc tướng
của đấng Đại Bi:
trong cảnh Phật thân,
sắc hiện vẫn không,
trì Lục tự chú.

32. Tụng niệm, nghi quỹ,
hay là bùa chú,
đều quá phức tạp;
Lục tự chính là
chân âm diệu pháp,
bao hàm tất cả.
Vạn âm đều là
diệu khẩu nhiệm mầu
của đức Quan Âm:
biết âm là chú,
thanh hiện vẫn không,
trì Lục tự chú.

33. Nhị chướng và niệm giảm
thì kinh nghiệm và chứng ngộ tăng.
Nắm được sự thấy
là thắng hết thảy
tà chướng, kẻ thù.
Ban cho thành tựu
thế gian xuất thế
ngay trong đời này,
là Quan Thế Âm:
để bốn pháp hành
tự nhiên thành tựu,
trì Lục tự chú.

34. Vạn pháp khởi sinh,
dùng làm cúng phẩm
dâng khách giải thoát;
mang hết sắc hiện,
dùng làm đất sét
nắn tượng sắc-không;
mang hết tất cả
lễ lạy bất nhị,
dâng đấng Chân Tâm:
khéo tu việc đạo,
trì Lục tự chú.

35. Giặc thù là sân,
hãy chiến thắng bằng
vũ khí đại từ.
Gia đình là khắp
chúng sinh sáu cõi,
hãy bảo vệ bằng
phương tiện đại bi.
Trên ruộng tín tâm,
gặt hái hoa mầu
kinh nghiệm chứng ngộ:
khéo lo việc đời,
trì Lục tự chú.

36. Xác già chấp có,
thiêu bằng vô chấp;
cúng thất bằng tu
tinh túy chánh pháp;
khói cúng thay bằng
hồi hướng đời sau:
vì người quá cố
mà làm việc thiện,
trì Lục tự chú.

37. Tín tâm là con,
đặt nơi gưỡng cửa
của pháp hành trì;
tâm buông sinh tử,
là đứa con trai,
cho gánh việc nhà;
tâm đại từ bi,
là đứa con gái,
gã rể ba cõi:
với người còn sống,
trách nhiệm chu toàn,
trì Lục tự chú.

38. Sắc hiện là vọng,
chưa từng thật có.
Luân hồi – niết bàn,
đều chỉ là niệm,
không là gì khác.
Niệm vừa chớm khởi,
tự giải thoát ngay,
là đủ tất cả
chứng địa, chứng đạo.
Dụng tinh túy pháp
để giải thoát niệm,
trì Lục tự chú.

39. Tự tâm này đây,
giác-không bất nhị,
đó là Pháp thân.
Để cho mọi sự
tự nhiên đơn thuần,
như vậy tánh sáng
sẽ tự hiện ra.
Đừng làm gì cả
mới làm xong hết
những việc cần làm:
trụ trong cảnh giới
giác–không trần trụi,
trì Lục tự chú.

40. Lấy tịnh chặt đứt
đà tăng động niệm;
từ trong loạn động
thấy được tánh tịnh;
tịnh, động bất nhị,
giữ tâm bình thường:
trong cảnh nhất tâm,
trì Lục tự chú.

41. Quán chiếu tục đế,
trực nhận chân đế;
từ trong chân đế,
thấy được tục đế
hiện như thế nào;
nhị đế bất phân,
siêu việt khái niệm,
là cảnh đơn thuần:
ở trong tri kiến
thoát mọi động niệm,
trì Lục tự chú.

42. Từ sắc, đoạn lìa
chấp bám của tâm;
từ tâm, đập tan
sắc hiện hư vọng;
sắc, tâm bất nhị
rộng mở vô biên:
trong cảnh nhất vị,
trì Lục tự chú.

43. Trong chân tánh tâm,
giác-không đơn thuần,
vạn pháp tự tại;
niệm khởi chính là
hoạt dụng của giác,
sẽ tự thanh tịnh;
tâm, giác bất nhị
trong cảnh nhất tánh:
trụ trong cảnh giới
pháp thân vô thiền,
trì Lục tự chú.

44. Biết mọi sắc hiện
đều là bổn tôn,
là then chốt của
giai đoạn khởi hiện;
chấp cảnh đẹp-xấu
tan vào chân tánh;
vô chấp, tướng hiện
tự nhiên của tâm
là thân bổn tôn:
cõi thấy tự thoát,
trì Lục tự chú.

45. Biết thanh là chú,
là then chốt của
pháp tu trì chú;
chấp thanh hay-dở
tan vào chân tánh;
vô chấp, tiếng của
luân hồi niết bàn
là tiếng lục tự.
cõi nghe tự thoát,
trì Lục tự chú.

46. Biết hương vô sinh,
là then chốt của
giai đoạn viên thành;
chấp hương thơm-thúi
tan vào chân tánh;
vô chấp, mùi hương
là hương giới luật
của đấng bổn tôn:
cõi hương tự thoát,
trì Lục tự chú.

47. Biết vị nếm là
phẩm cúng thiêng liêng/
là then chốt của
giai đoạn viên thành;
chấp vị ngon-dở
tan vào chân tánh;
vô chấp, thực phẩm
đều là cúng phẩm
dâng đấng bổn tôn.
cõi vị tự thoát,
trì Lục tự chú.

48. Biết xúc đồng đẳng,
là then chốt của
địa vị nhất vị;
đói, no, lạnh, nóng,
tan vào chân tánh;
vô chấp, xúc cảm
đều là thiện hạnh
của đấng bổn tôn:
cõi xúc tự thoát,
trì Lục tự chú.

49. Biết pháp là không,
then chốt của kiến;
lòng tin chân-vọng
tan vào chân tánh;
vô chấp, vạn pháp
luân hồi niết bàn
là cảnh Pháp thân:
cõi ý tự thoát,
trì Lục tự chú.

50. Đừng theo đối tượng
của lòng sân hận,
hãy nhìn tâm giận;
sân hận vừa chớm
đã tự tan biến,
là cảnh sáng-không;
Sáng-không chính là
đại-viên-cảnh-trí.
Sân tự giải thoát:
trong cảnh giới này,
trì Lục tự chú.

51. Đừng bám đối tượng
của lòng kiêu căng,
hãy nhìn trí chấp;
tự tôn vừa chớm
đã tự tan biến,
là cảnh vốn-không;
Bản-lai-không, là
bình-đẳng-tánh-trí.
Ngã mạn tự thoát:
trong cảnh giới này,
trì Lục tự chú.

52. Đừng luyến đối tượng
của lòng ham muốn,
hãy nhìn lòng tham;
tham luyến vừa chớm
đã tự tan biến
là cảnh lạc-không;
lạc-không chính là
diệu-quán-sát-trí.
Tham tự giải thoát:
trong cảnh giới này,
trì Lục tự chú.

53. Đừng theo đối tượng
của lòng ganh ghen,
xét tâm tầm tư;
ganh ghen vừa chớm
đã tự tan biến,
là cảnh trí-không;
trí-không chính là
thành-sở-tác-trí.
Ganh ghen tự thoát:
trong cảnh giới này,
trì Lục tự chú.

54. Đừng ham khái niệm
do vô minh tạo,
hãy nhìn tự tánh
của vô minh này;
vọng niệm vừa chớm
đã tự tan biến,
là cảnh giác-không;
giác-không là pháp-giới-thể-tánh-trí.
Vô minh tự thoát:
trong cảnh giới này,
trì Lục tự chú.

55. Sắc uẩn vô sinh,
bản lai là không,
tựa như hư không;
cốt tủy tinh túy
của giác-không này,
là Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
Vua Của Trời Rộng:
trong cảnh chứng không,
trì Lục tự chú.

56. Thọ uẩn là dây
buộc tâm vào cảnh;
khi biết thọ này
bình đẳng bất nhị,
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
Chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
Bất Không Thòng Lọng:
trụ trong cảnh giới
thâm chứng nhất vị,
trì Lục tự chú.

57. Tưởng uẩn nắm mãi,
cho rằng thật có,
đó là vọng tâm;
còn nắm chúng sinh
bằng tâm đại bi
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
Vét Đáy Sinh Tử:
trụ trong cảnh giới
đại bi vô lượng,
trì Lục tự chú.

58. Hành uẩn vọng động
tạo tác sinh tử,
thì trôi luân hồi;
còn chứng luân hồi
niết bàn bình đẳng,
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là đấng Đại Bi
Chuyển Hoá Chúng Sinh:
trụ cảnh đồng vị,
làm việc lợi tha,
trì Lục tự chú.

59. Thức uẩn biểu hiện
của tâm phàm phu,
chức năng có tám;
chứng biết tâm này
vốn là Pháp thân,
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
Biển Rộng Thế Tôn:
trú trong cảnh giới
tự tâm là Phật,
trì Lục tự chú.

60. Chấp thân thật có,
là nhân sinh ra
nô lệ buộc ràng;
nếu thấy thân này
chính là bổn tôn,
tuy hiện vẫn không,
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
đức Liên Hoa Thủ:
trụ trong cảnh giới
thân tướng bổn tôn,
tuy hiện vẫn không,
trì Lục tự chú.

61. Động niệm phân biệt
nơi cõi ngữ thanh,
là nhân sinh vọng;
chứng khẩu là chú,
tuy vang vẫn không,
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
Tiếng Gầm Sư Tử:
trụ trong cảnh giới
biết khẩu là chú,
trì Lục tự chú.

62. Chấp ý thật có,
vọng này là nhân
sinh ra luân hồi;
thả ý an trụ
trong tánh tự nhiên
thoát mọi niệm khởi,
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
Tháo Nơi Chân Tâm:
trụ trong cảnh giới
tâm là Pháp thân,
trì Lục tự chú.

63. Vạn pháp vốn là
cảnh giới Pháp thân
bản lai thanh tịnh;
diện kiến Pháp thân,
thì đó chính là
đức Quan Thế Âm;
chẳng ai khác hơn
là bậc tôn quí
Đấng Ngự Cõi Thế:
trụ trong cảnh giới
thanh tịnh vô lượng,
trì Lục tự chú.

64. Đức Quan Thế Âm:
một đấng bổn tôn
gồm đủ chư Phật;
Lục tự minh chú:
một câu minh chú
gồm đủ mọi chú;
và bồ đề tâm:
một pháp gồm đủ
hai bước hiện, thành:
trụ cảnh chứng một
giải thoát tất cả,
trì Lục tự chú.

65. Làm để làm gì?
Việc nào cũng gieo
toàn nhân sinh tử;
xem việc đã làm
vô nghĩa biết bao!
Nay thà ngưng hết,
đừng làm gì cả,
thả hết chuyện làm,
trì Lục tự chú.

66. Nói để làm chi?
Toàn chuyện tào lao;
Xem đã khiến tâm
tán loạn cỡ nào!
Nay thà lặng thinh
trong cõi tịch lặng,
ngưng hẳn tiếng lời,
trì Lục tự chú.

67. Tấc bậc làm gì?
tới lui thêm mệt;
nhìn xem chánh pháp
lạc xa cỡ nào!
Nay thà một chỗ,
để tâm thư giãn,
ổn định an nhiên,
trì Lục tự chú.

68. Ăn để làm gì?
chỉ toàn thành phẩn;
xem bụng bây giờ
ăn chẳng biết no!
Nay thà sống bằng
lương thực chánh định,
dứt bỏ chuyện ăn,
trì Lục tự chú.

69. Suy nghĩ làm gì?
càng thêm hư vọng;
xem lại mục tiêu
đạt có là bao!
Nay chuyện đời này
thà chẳng nghĩ xa,
buông mọi lo toan,
trì Lục tự chú.

70. Sở hữu làm gì?
chỉ càng thêm vướng;
nhìn xem sớm ngày
phải bỏ mà đi!
Nay thà đoạn dứt
tham lam tài sản,
ngưng gom của cải,
trì Lục tự chú.

71. Ngủ để làm gì?
càng thêm trì trệ;
nhìn xem đời sống
trôi trong dật dờ!
Nay thà bắt đầu
hết lòng nỗ lực,
ngày cũng như đêm,
đá bỏ tán tâm,
trì Lục tự chú.

72. Không rảnh!
không rảnh để mà ngủ nghỉ!
Thình lình chết đến
biết phải làm sao?
Nay thà tức khắc
diệu pháp khởi tu,
gấp lên, mau lên,
trì Lục tự chú.

73. Nói gì đến chuyện
năm, tháng, hay ngày,
nhìn việc trước mắt
thay đổi liền tay,
cái chết thêm gần,
mỗi phút, mỗi giây:
phải ngay bây giờ,
trì Lục tự chú.

74. Mạng sống cạn dần
như mặt trời lặn;
cái chết đến như
bóng đổ chiều tà;
còn lại chút gì,
vội bóng chiều tan:
Không còn thời gian!
trì Lục tự chú.

75. Dù lục tự chú
có là diệu Pháp,
tán tâm nói nhìn,
tụng cũng như không!
lại ham đếm số,
càng mất trọng điểm:
hãy chuyên quán tâm,
trì Lục tự chú.

76. Nếu biết thường xuyên
liên tục xét tâm,
thì mọi việc làm
đều thành diệu pháp.
Trong vạn lời dạy,
cốt tủy là đây:
Qui về làm một,
trì Lục tự chú.

77. Phần đầu, sầu thảm
chuỗi lời than vãn
thời mạt pháp này,
là lời trách móc
ta dành cho ta.
Xót xa muộn phiền,
sâu thẳm lòng ta,
nay tặng cho con,
nếu cùng cảm nhận.

78. Bằng không, nếu con
đã tự tin nơi
kiến, tu của mình,
đầy ý tưởng hay
đạo đời dung hợp;
hành xử khéo léo
vừa lòng mọi người:
nếu là như vậy,
cho ta xin lỗi.

79. Phần hai, xác định
về kiến và tu.
Kinh nghiệm chứng ngộ
ta đều không có,
chỉ nói ra điều
hiểu nhờ giáo pháp
truyền thừa trân quí
Phụ-Tử Toàn Giác.

80. Phần ba, thúc dục
bỏ hết mà tu,
dù con có thể
không thấy điểm này,
cũng tự tuôn ra.
Nhưng không mâu thuẫn
lời Phật, bồ tát,
Thật biết ơn con
nếu gắng thực hành.

81. Bài pháp này đây,
đầu, giữa và cuối,
cả ba đều lành,
– đáp lời thỉnh cầu
người bạn lâu năm
chẳng thể từ chối,
được viết ra trong
Bạch Thạch Thắng Động
của bậc thành tựu
bởi tên rách rưới,
Apu Hralpo,
năm độc cháy bừng.

82. Từ nãy đến giờ,
toàn lời lãi nhãi,
nhưng vậy đã sao?
Nội dung xứng đáng,
ý không sai lầm,
vậy công đức này,
ta dành cho con
cùng với những ai
trong khắp ba cõi,
nguyện mọi nguyện ước
khởi từ chánh pháp
đều thành sự thật!

HẾT PHÂN CHÁNH VĂN